ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
41/2024/QĐ-UBND
|
Vĩnh Phúc, ngày
04 tháng 9 năm 2024
|
QUYẾT ĐỊNH
SỬA
ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA THÔN, TỔ DÂN PHỐ
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 30/2020/QĐ-UBND
NGÀY 23 THÁNG 7 NĂM 2020 CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung
một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương
ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản
quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Thực hiện dân chủ
ở cơ sở ngày 10 tháng 11 năm 2022;
Căn cứ Nghị định số
59/2023/NĐ-CP ngày 14 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số
điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở;
Căn cứ Thông tư số
04/2012/TT-BNV ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn
về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố; Thông tư số 14/2018/TT-BNV
ngày 03 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung một số
điều của Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Bộ trưởng
Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố; Thông tư số
05/2022/TT-BNV ngày 23 tháng 5 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ sửa đổi,
bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31 tháng 8 năm
2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân
phố;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Nội vụ tại Tờ trình số 384/TTr-SNV ngày 23 tháng 7 năm 2024.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một
số điều của Quy chế tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh
Vĩnh Phúc ban hành kèm theo Quyết định số 30/2020/QĐ-UBND ngày 23 tháng 7 tháng
2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh, như sau:
1. Sửa đổi,
bổ sung Điều 4 như sau:
“Điều 4. Tổ chức của thôn, tổ
dân phố
Mỗi thôn có Trưởng thôn; mỗi tổ
dân phố có Tổ trưởng tổ dân phố. Đối với thôn, tổ dân phố loại I, trường hợp cần
thiết thì có 01 Phó Trưởng thôn hoặc 01 Phó Tổ trưởng tổ dân phố”.
2. Sửa đổi,
bổ sung điểm c khoản 1 Điều 7 như sau:
“c) Đối với trường hợp đặc thù
Thôn, tổ dân phố nằm trong quy
hoạch giải phóng mặt bằng, quy hoạch giãn dân, thôn hình thành do di dân ở miền
núi, vùng sâu, vùng xa, thôn nằm ở nơi có địa hình bị chia cắt phức tạp; thôn có
địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn thì quy mô thôn có từ 50 hộ gia đình
trở lên; tổ dân phố có từ 100 hộ gia đình trở lên”.
3. Sửa đổi, bổ sung Điều 8 như
sau:
a) Sửa đổi
khoản 3 như sau:
“3. Ủy ban nhân dân cấp xã tổ
chức lấy ý kiến của toàn thể cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong khu
vực thành lập thôn mới, tổ dân phố mới về Đề án thành lập thôn mới, tổ dân phố
mới. Hội nghị lấy ý kiến cử tri phải có biên bản, trong đó thể hiện rõ tổng số
cử tri lấy ý kiến, số cử tri tán thành và số cử tri không tán thành. Nếu trên
50% tổng số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong khu vực thành lập
thôn mới, tổ dân phố mới tán thành thì Ủy ban nhân dân cấp xã hoàn chỉnh hồ sơ
(kèm theo biên bản lấy ý kiến) trình Hội đồng nhân dân cấp xã thông qua tại kỳ
họp gần nhất. Nếu chưa được trên 50% số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình
trong khu vực thành lập thôn mới, tổ dân phố mới tán thành thì Ủy ban nhân dân
cấp xã tổ chức lấy ý kiến lần thứ 2; nếu vẫn không được trên 50% số cử tri hoặc
cử tri đại diện hộ gia đình tán thành thì trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ
ngày có biên bản lấy ý kiến lần thứ 2, Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo Ủy ban
nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc
kể từ ngày có Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp xã
hoàn chỉnh hồ sơ trình Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét. Hồ sơ bao gồm:
a) Tờ trình của Ủy ban nhân dân
cấp xã về việc đề nghị thành lập thôn mới, tổ dân phố mới;
b) Đề án thành lập thôn mới, tổ
dân phố mới;
c) Biên bản lấy ý kiến của toàn
thể cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong khu vực thành lập thôn mới, tổ
dân phố mới về Đề án thành lập thôn, tổ dân phố mới;
d) Nghị quyết của Hội đồng nhân
dân cấp xã”.
b) Sửa đổi
khoản 4 như sau: Thay thế cụm từ “15 ngày làm việc” bằng cụm từ “10 ngày
làm việc”.
4. Sửa đổi, bổ sung Điều 9 như
sau:
a) Sửa đổi,
bổ sung điểm b khoản 4 như sau:
“b) Việc đổi tên thôn, tổ dân
phố thực hiện theo các bước như sau:
Ủy ban nhân dân cấp xã lập hồ
sơ gồm: Tờ trình và Phương án đổi tên thôn, tổ dân phố (phương án cần nêu rõ lý
do của việc đổi tên thôn, tổ dân phố; tên của thôn, tổ dân phố sau khi đổi
tên...) và tổ chức lấy ý kiến của toàn thể cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia
đình trong thôn, tổ dân phố về phương án đổi tên thôn, tổ dân phố, tổng hợp các
ý kiến và lập thành biên bản lấy ý kiến;
Phương án đổi tên thôn, tổ dân
phố nếu được trên 50% số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình tán thành thì Ủy
ban nhân dân cấp xã hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua
Phương án đổi tên thôn, tổ dân phố; trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày
có Nghị quyết Hội đồng nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp xã hoàn chỉnh hồ sơ
trình Ủy ban nhân dân cấp huyện; nếu chưa được trên 50% số cử tri hoặc cử tri đại
diện hộ gia đình trong khu vực thành lập thôn mới, tổ dân phố mới tán thành thì
Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức lấy ý kiến lần thứ 2; nếu vẫn không được trên
50% số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình tán thành thì trong thời hạn 5
ngày làm việc kể từ ngày có biên bản lấy ý kiến lần thứ 2, Ủy ban nhân dân cấp
xã báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc
kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ do Ủy ban nhân dân cấp xã chuyển đến, Ủy ban
nhân dân cấp huyện có tờ trình kèm theo hồ sơ gửi Sở Nội vụ thẩm định;
Trong thời hạn 10 ngày làm việc
kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ do Ủy ban nhân dân cấp huyện chuyển đến, Sở Nội
vụ thẩm định, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét để trình Hội đồng nhân dân tỉnh
xem xét ban hành Nghị quyết về việc đổi tên thôn, tổ dân phố”.
b) Sửa đổi
điểm c khoản 5 như sau: Thay thế cụm từ “10 ngày làm việc” bằng cụm từ “5
ngày làm việc”.
c) Sửa đổi
điểm đ khoản 5 như sau: Thay thế cụm từ “15 ngày làm việc” bằng cụm từ “10
ngày làm việc”.
5. Sửa đổi Điều 11 như sau:
a) Sửa đổi
tên Điều 11 như sau: “Điều 11. Quy trình bầu, cho thôi làm Trưởng thôn, Tổ
trưởng tổ dân phố”.
b) Sửa đổi
khoản 1 như sau:
“1. Quy trình bầu, cho thôi làm
Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố thực hiện theo quy định tại các Điều 6, Điều
7, Điều 8, Điều 9 Nghị định số 59/2023/NĐ-CP ngày 14 tháng 8 năm 2023 của Chính
phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở”.
6. Sửa đổi
khoản 1 Điều 12 như sau:
“1. Nhiệm kỳ của Trưởng thôn, Tổ
trưởng tổ dân phố là 2,5 năm (hai năm rưỡi) và được thực hiện theo Nhiệm kỳ đại
hội của chi bộ thôn, tổ dân phố. Đối với Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố kết
thúc nhiệm kỳ trước thời điểm đại hội chi bộ thì tiếp tục kéo dài nhiệm kỳ đến
thời gian đại hội chi bộ thôn, tổ dân phố nhiệm kỳ 2025-2027; đối với Trưởng
thôn, Tổ trưởng tổ dân phố kết thúc nhiệm kỳ hiện tại sau thời điểm đại hội chi
bộ nhiệm kỳ 2025-2027 thì kết thúc sớm nhiệm kỳ để thực hiện bầu Trưởng thôn, Tổ
trưởng tổ dân phố cùng thời điểm đại hội chi bộ thôn, tổ dân phố nhiệm kỳ
2025-2027; thời điểm bầu Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố sớm nhất trước 60
ngày và muộn nhất trước 30 ngày tính đến ngày đại hội chi bộ thôn, tổ dân phố”.
Điều 2. Hiệu lực thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực kể
từ ngày 05 tháng 9 năm 2024.
2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân
dân tỉnh; Giám đốc Sở Nội vụ; Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường,
thị trấn và các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết
định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Trần Duy Đông
|