ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2109/QĐ-UBND
|
Khánh Hòa, ngày 21 tháng 7 năm 2016
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN VẬT LIỆU XÂY KHÔNG NUNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
KHÁNH HÒA, GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA
Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Quyết định số 567/QĐ-TTg
ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phát triển Vật liệu
xây dựng không nung đến năm 2020;
Căn cứ Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày
16/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng VLXKN và hạn chế sản
xuất, sử dụng gạch đất sét nung;
Căn cứ Thông tư số 09/2012/TT-BXD
ngày 28/11/2012 của Bộ Xây dựng về việc Quy định sử dụng VLXKN trong các công
trình xây dựng;
Căn cứ Quyết định số 1603/QĐ-UBND
ngày 17/6/2011 của UBND tỉnh Khánh Hòa về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển
VLXD tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020;
Căn cứ Chỉ thị số 22/2013/CT-UBND
ngày 23/12/2013 của UBND tỉnh Khánh Hòa về lộ trình chấm dứt hoạt động sản xuất
gạch đất sét nung bằng lò thủ công, thủ công cải tiến và lò đứng liên tục; tăng
cường sử dụng và phát triển VLXD không nung trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng
tại Tờ trình số 1513/TTr-SXD ngày 27/5/2016, công văn số 1781/SXD-VLXD ngày
15/6/2016 về việc ban hành Đề án phát triển vật liệu xây không nung trên địa
bàn tỉnh Khánh Hòa, giai đoạn 2016-2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án phát triển
vật liệu xây không nung trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, giai đoạn 2016 - 2020
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; các Giám đốc sở: Xây
dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Khoa học và Công nghệ, Tài chính,
Lao động, Thương binh và Xã hội; Giám đốc Quỹ đầu tư phát triển Khánh Hòa; Cục
Trưởng Cục Thuế tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng
các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TT. HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, PCT.UBND tỉnh;
- Lưu: VT+HN, HB, HLe.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Lê Đức Vinh
|
ĐỀ ÁN
PHÁT TRIỂN VẬT LIỆU XÂY KHÔNG NUNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA, GIAI ĐOẠN
2016 - 2020
(Phê duyệt tại Quyết định số 2109/QĐ-UBND
ngày 21 tháng 7 năm 2016 của UBND tỉnh Khánh Hòa)
I. SỰ CẦN THIẾT,
CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
1. Sự cần thiết phải ban hành đề
án
Trong những năm qua, Chính phủ đã tập
trung chỉ đạo phát triển vật liệu xây không nung để từng bước thay thế gạch đất
sét nung, nhằm giảm thiểu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ các cơ sở sản
xuất gạch đất sét nung, góp phần bảo vệ môi trường; hạn chế việc sử dụng đất
nông nghiệp để sản xuất gạch xây, giữ diện tích đất nông nghiệp, góp phần đảm bảo
an ninh lương thực.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã
ban hành Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 phê duyệt Chương trình phát
triển vật liệu xây không nung đến năm 2020, với mục tiêu phát triển sản xuất và
sử dụng vật liệu xây không nung để thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ: 20-25%
vào năm 2015, 30-40% vào năm 2020.
Thực hiện chương trình phát triển vật
liệu xây không nung trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị
số 22/2013/CT-UBND ngày 23/12/2013 của UBND tỉnh về lộ trình chấm dứt hoạt động
sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, thủ công cải tiến và lò đứng liên
tục; tăng cường sử dụng và phát triển vật liệu xây không nung trên địa bàn tỉnh
Khánh Hòa.
Tuy nhiên, qua 5 năm triển khai thực
hiện Quyết định số 567/QĐ-TTg của Thủ tướng, 2 năm thực hiện Chỉ thị số 22/2013/CT-UBND của UBND tỉnh, công tác quản lý nhà nước trong hoạt động
sản xuất, kinh doanh VLXD chưa đáp yêu cầu đề ra về tăng cường sử dụng và phát
triển vật liệu xây không nung, tiến tới hạn chế và chấm dứt sử dụng gạch đất
sét nung bằng lò thủ công trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Để việc phát triển vật liệu xây không
nung có định hướng, phù hợp với quy hoạch phát triển vật liệu xây không nung của
Chính phủ, phù hợp quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng của tỉnh, cần thiết
phải ban hành và triển khai thực hiện Đề án “Phát
triển vật liệu xây không nung trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, giai đoạn 2016 -
2020”, nhằm hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật
để quản lý, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách, lộ trình phát triển vật liệu xây
không nung trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 567/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính
phủ phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020, Chỉ
thị 10/CT-TTg ngày 16/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 22/2013/CT-UBND
ngày 23/12/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa và quy hoạch phát triển vật liệu
xây dựng tỉnh Khánh Hòa đến 2020.
Đề án sẽ là cơ sở để định hướng cho
hoạt động sản xuất, kinh doanh vật liệu xây không nung trên địa bàn tỉnh, phù hợp
với quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng của tỉnh, đồng
thời đề xuất các giải pháp thực hiện các quy định, các chính sách, các chế độ hỗ
trợ để chấm dứt hoạt động của các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ
công, hoặc chuyển đổi sản xuất gạch đất sét nung sang sản xuất vật liệu xây
không nung, góp phần đáp ứng nhu cầu về sử dụng vật liệu xây không nung trên địa
bàn tỉnh đến năm 2020 và những năm tiếp theo.
2. Căn cứ xây dựng đề án
Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 của Quốc
hội khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 18/6/2014 và có hiệu lực thi hành từ
ngày 01/01/2015;
Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP ngày
05/4/2016 của Chính phủ về Quản lý Vật liệu xây dựng;
Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14
tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật
bảo vệ môi trường;
Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21
tháng 5 năm 2012 của Chính phủ về khuyến công;
Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày
28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phát triển Vật liệu
xây dựng không nung đến năm 2020;
Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày
22/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật
liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;
Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27
tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao
động nông thôn đến năm 2020; Quyết định 971/QĐ-TTg ngày
01/7/2015 sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009
của Thủ tướng Chính phủ;
Chỉ thị số
10/CT-TTg ngày 16/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng vật
liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung;
Thông tư số 09/2012/TT-BXD ngày
28/11/2012 của Bộ Xây dựng về việc Quy định sử dụng vật liệu xây không nung
trong các công trình xây dựng;
Thông tư liên tịch số
26/2014/TTLT-BTC-BCT ngày 18/02/2014 của Liên Bộ Tài chính - Bộ Công thương hướng
dẫn trình tự lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí
khuyến công địa phương;
Thông tư 182/2015/TT-BTC ngày
16/11/2015 của Bộ Tài chính Ban hành Biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu
ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế;
Thông tư số 46/2012/TT-BCT ngày
28/12/2012 của Bộ Công thương Quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định số
45/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ về khuyến công;
Quyết định số 1603/QĐ-UBND ngày
17/6/2011 của UBND tỉnh Khánh Hòa về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển VLXD tỉnh
Khánh Hòa đến năm 2020;
Chỉ thị số 22/2013/CT-UBND ngày
23/12/2013 của UBND tỉnh Khánh Hòa về lộ trình chấm dứt hoạt động sản xuất gạch
đất sét nung bằng lò thủ công, thủ công cải tiến và lò đứng liên tục; tăng cường
sử dụng và phát triển VLXD không nung trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa;
Công văn số 896/BXD-VLXD ngày
01/6/2012 của Bộ Xây dựng về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg
ngày 16/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Quyết định số 620/QĐ-UBND ngày
16/3/2015 của UBND tỉnh Khánh Hòa về việc cho phép lập Điều chỉnh Quy hoạch
phát triển VLXD tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;
II. QUAN ĐIỂM, MỤC
TIÊU XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
2.1. Quan điểm xây dựng đề án
Quản lý phải phù hợp với mục tiêu
chung của Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 đã được
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; phù hợp với Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội
của tỉnh và quy hoạch phát triển VLXD tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 đã được UBND
tỉnh Khánh Hòa phê duyệt; đáp ứng nhu cầu sử dụng vật liệu xây không nung trên địa bàn tỉnh, có khả năng cung cấp cho địa bàn các tỉnh lân cận;
Tận dụng các nguồn nguyên liệu phế thải
từ hoạt động khai thác vật liệu xây dựng thông thường, phế thải từ các ngành
công nghiệp ở địa phương như: bụi đá, phế thải xây dựng, xỉ than, hạt nix từ
nhà máy đóng tàu Huyndai Vinashin,... để sản xuất vật liệu xây không nung, góp
phần bảo vệ môi trường.
Định hướng phát triển các cơ sở sản
xuất quy mô công nghệ hợp lý, công nghệ tiên tiến, ưu tiên các công nghệ sản xuất
trong nước. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư sản xuất và
kinh doanh vật liệu xây không nung trên địa bàn tỉnh.
2.2. Mục tiêu của đề án
2.2.1. Mục tiêu chung
Phát triển vật liệu xây không nung từ
các nguyên liệu sẵn có trên địa bàn tỉnh nhằm thay thế gạch đất sét nung; hạn
chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung, tiết kiệm đất nông nghiệp, góp phần bảo
đảm an ninh lương thực, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng
nhà kính và ô nhiễm môi trường; ứng dụng kết quả đề tài nghiên cứu khoa học về
xử lý phế thải của các ngành công nghiệp để sản xuất vật liệu xây không nung.
2.2.2. Mục tiêu cụ thể
Định hướng phát triển sản xuất và sử
dụng vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 40% vào năm
2020.
Chấm dứt hoạt động các cơ sở sản xuất
gạch đất sét nung bằng lò thủ công trước năm 2020.
III. NỘI DUNG ĐỀ
ÁN
3.1. KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN VẬT LIỆU
XÂY KHÔNG NUNG ĐẾN NĂM 2020
3.1.1. Đánh giá nhu cầu sử dụng vật
liệu xây không nung
Theo Quy hoạch phát triển VLXD tỉnh
Khánh Hòa đến năm 2020 được UBND tỉnh phê duyệt, dự báo nhu cầu sử dụng vật liệu
xây đến năm 2015 khoảng 550 triệu - 600 triệu viên (gạch QTC), đến năm 2020 là
850 triệu - 900 triệu viên (gạch QTC).
Tương ứng nhu cầu vật liệu xây không
nung theo Quyết định 567/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ như sau:
Đến năm 2015:
- Tỷ lệ thay thế 20%: Từ 110 triệu -
120 triệu viên (gạch QTC)
- Tỷ lệ thay thế 25%: Từ 137,5 triệu - 150 triệu viên (gạch QTC)
Đến năm 2020:
- Tỷ lệ thay thế 30%: Từ 255 triệu -
270 triệu viên (gạch QTC)
- Tỷ lệ thay thế 40%: Từ 340 triệu -
360 triệu viên (gạch QTC)
Như vậy, dự báo nhu cầu sử dụng gạch
xây không nung đến năm 2020 tối thiểu đạt 255 triệu - 360 triệu viên (gạch QTC).
3.1.2. Các sản phẩm vật liệu xây
không nung hiện nay
a) Gạch xi măng - cốt liệu (gạch
block)
Gạch không nung xi măng cốt liệu còn được gọi là gạch block, được sản xuất trên cơ sở chất
kết dính xi măng và một hoặc nhiều cốt liệu sau đây: mạt đá, cát, tro xỉ nhiệt
điện, phế thải công nghiệp, đất đồi,...
Đặc điểm gạch block có khả năng chịu
lực tốt, chống thấm, cách âm, cách nhiệt; dễ thi công, sử dụng vữa xây thông
thường; giá thành tương đương gạch đất nung.
Đây là loại gạch được khuyến khích sử
dụng và được ưu tiên phát triển theo Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28 tháng 4
năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ (đến năm 2015 chiếm tỷ lệ
74% gạch xây không nung; đến năm 2020 chiếm tỷ lệ 70% gạch
xây không nung).
b) Gạch nhẹ
Gạch nhẹ được sản xuất từ bê tông khí
chưng áp hoặc bê tông bọt có khối lượng thể tích phần đặc tới 1100kg/m3,
bao gồm:
- Gạch bê tông khí chưng áp (AAC)
Là gạch nhẹ có vô số lỗ rỗng li ti (từ
0,2-2mm) do khí tạo thành. Độ bền cơ học có được từ phản ứng của silica với
canxi ở nhiệt độ và áp suất cao.
Đặc điểm gạch AAC nhẹ, bền, bảo ôn,
chống cháy, cách âm, cách nhiệt tốt so với vật liệu đất sét nung. Tỷ trọng bằng
1/2 - 1/3 so với gạch đất nung thông thường.
- Gạch bê tông khí không chưng áp
Là gạch nhẹ có vô số lỗ rỗng li ti do
phụ gia tạo khí có trong phối liệu tạo ra. Độ bền cơ học có được từ phản ứng của
chất kết dính thủy lực, thường là xi măng ở nhiệt độ và áp suất thông thường.
- Bê tông bọt (bê tông bọt)
Là gạch nhẹ có vô số lỗ rỗng li ti (từ
0,1-0,5mm) do bọt tạo thành. Độ bền cơ học có được từ sự
thủy hóa của xi măng thông thường.
Sản phẩm gạch bê tông nhẹ không nung
được sản xuất trên dây chuyền công nghệ mới với chất tạo bọt có nhiều ưu điểm nổi
bật so với gạch đất sét nung, thành phần cơ bản gồm xi
măng + phụ gia tạo bọt hoặc khí + tro bay, cát mịn,...
Sản phẩm gạch nhẹ được định hướng
phát triển sản xuất và sử dụng tại Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28 tháng 4 năm
2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu
xây không nung đến năm 2020 (đến năm 2015 chiếm tỷ lệ 21% gạch xây không nung;
đến năm 2020 chiếm tỷ lệ 25% gạch xây không nung).
c) Gạch khác (đến năm 2020 chiếm tỷ lệ
5% gạch xây không nung).
- Đá chẻ, gạch Silicat, tấm tường
3D,...
3.1.3. Các tiêu chuẩn, định mức về
vật liệu xây không nung
- Tiêu chuẩn TCVN 6477:2011 - Gạch bê
tông;
- Tiêu chuẩn TCVN 7959:2011 - Bê tông
nhẹ - Gạch bê tông khí chưng áp (AAC);
- Tiêu chuẩn TCVN 9028:2011 - Vữa cho
bê tông nhẹ;
- Tiêu chuẩn TCVN 9029:2011 - Bê tông
nhẹ - Gạch bê tông bọt, khí không chưng áp - Yêu cầu kỹ thuật;
- Tiêu chuẩn TCVN 9030:2011 - Bê tông
nhẹ - Gạch bê tông bọt, khí không chưng áp - Phương pháp thử;
- Quyết định 947/QĐ-BXD ngày
31/10/2011 của Bộ Xây dựng ban hành Chỉ dẫn kỹ thuật “Thi công và nghiệm thu tường
xây bằng block bê tông khí chưng áp”;
- Quyết định số 1091/QĐ-BXD ngày
26/12/2011 của Bộ Xây dựng về việc công bố định mức dự toán xây dựng công trình
- Phần xây dựng (bổ sung);
- Quyết định số 667/QĐ-UBND ngày
20/3/2014 về việc công bố Đơn giá xây dựng công trình tỉnh Khánh Hòa - Phần Xây
dựng (bổ sung định mức xây gạch không nung).
3.1.4. Tình hình sản xuất vật liệu
xây không nung trên địa bàn tỉnh
Theo tổng hợp báo cáo từ các địa
phương và số liệu khảo sát thực tế, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 23 cơ sở sản
xuất gạch xây không nung, công suất từ dưới 3 triệu viên/năm đến 15 triệu
viên/năm. Trong đó, 19 cơ sở đang hoạt động, 04 cơ sở được đầu tư xây dựng năm
2015 (dự kiến hoạt động 2016). Tổng công suất thiết kế khoảng 75 - 84 triệu
viên/năm. Chủ yếu sản xuất gạch xi măng cốt liệu (gạch block), 01 cơ sở sản xuất
gạch bê tông khí chưng áp (đang đầu tư xây dựng), 01 cơ sở sản xuất gạch bê
tông nhẹ (đã ngừng sản xuất, đang chuyển đổi sản xuất sản phẩm khác), và một số
cơ sở sản xuất tự phát nhỏ lẻ (Phụ lục 01: Tổng hợp các cơ sở sản xuất vật liệu xây không nung trên địa bàn tỉnh
Khánh Hòa).
Theo mục tiêu phát triển vật liệu xây
không nung đến năm 2020 của Chính phủ, tỷ lệ thay thế gạch xây không nung bằng
gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh đến năm 2015 chưa đạt mục tiêu đề ra. Nguồn
cung chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng, nhất là những công
trình đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
3.1.5. Kế hoạch phát triển vật liệu
xây không nung đến năm 2020
Theo định hướng phát triển sản xuất
và sử dụng vật liệu xây không nung đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, về chủng
loại sản phẩm trên tổng số vật liệu xây như sau:
- Gạch xi măng - cốt liệu: chiếm 74%
vào năm 2015 và 70% vào năm 2020
- Gạch nhẹ, bao gồm gạch AAC và gạch
bê tông bọt: chiếm 21% vào năm 2015 và 25% vào năm 2020
- Gạch khác: chiếm tỷ lệ 5%
Mục tiêu đến năm 2020 tỷ lệ gạch xây
không nung thay thế gạch đất sét nung tối thiểu 40%, tương ứng nhu cầu gạch
không nung đến năm 2020 tối thiểu đạt 255 triệu - 360 triệu viên (gạch QTC),
trong đó:
- Gạch xi măng - cốt liệu: Từ 188,7
triệu - 252 triệu viên QTC/năm
- Gạch AAC, bê tông bọt: Từ 53,55 triệu
- 90 triệu viên QTC/năm
- Gạch khác: Từ 12,75 triệu - 18 triệu
viên QTC/năm
Để đạt mục tiêu đề án, cần tập trung
phát triển hai loại sản phẩm chủ yếu là gạch xi măng - cốt liệu (gạch block) và
gạch AAC, gạch bê tông bọt.
Nội dung kế hoạch phát triển gạch xây
không nung đến năm 2020:
Kiểm tra, rà soát các cơ sở sản xuất
vật liệu xây không nung trên địa bàn, đối với những cơ sở sản xuất không bảo đảm
chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành, phải thực hiện cải tiến kỹ
thuật, dây chuyền công nghệ để bảo đảm chất lượng sản phẩm phù hợp với TCVN về
gạch xây không nung. Kiến nghị thực hiện chấm dứt hoạt động các cơ sở không thực
hiện, hoặc không cam kết thực hiện chuyển đổi, nâng cấp
dây chuyền công nghệ trước năm 2017.
Chấm dứt hoạt động các cơ sở sản xuất
gạch không phù hợp với quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng đến năm 2020, và
không phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị.
Tiếp tục thực hiện những nội dung Chỉ
thị số 22/2013/CT-UBND ngày 23/12/2013 của UBND tỉnh Khánh Hòa về lộ trình chấm
dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, thủ công cải tiến và
lò đứng liên tục; tăng cường sử dụng và phát triển vật liệu xây không nung trên
địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Xây dựng lộ trình chấm dứt hoàn toàn hoạt động các cơ sở
sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công trên địa bàn tỉnh (thị xã Ninh Hòa)
trước năm 2020.
Xây dựng cơ chế,
chính sách cụ thể để các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất gạch xây
không nung, hoặc chuyển đổi mô hình, dây chuyền sản xuất công nghệ mới, phù hợp
điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh.
a) Giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2018
- Đối với gạch xi măng cốt liệu (gạch
block)
Đến năm 2018,
khuyến khích các cơ sở đầu tư nâng công suất các cơ sở sản xuất có công suất
thiết kế dưới 3 triệu viên/năm lên tối thiểu 3 triệu
viên/năm; đầu tư nâng công suất các cơ sở sản xuất có công suất thiết kế
từ 3 - 5 triệu viên/năm lên tối thiểu 7 triệu viên/năm;
Từ năm 2016 - năm 2017, hỗ trợ các
doanh nghiệp đang đầu tư xây dựng hoàn thành dự án và đưa vào hoạt động 04 dây chuyền
công suất thiết kế 5 - 15 triệu viên/năm.
Mục tiêu đến năm 2018, nâng công suất
thiết kế gạch block đạt khoảng 160 - 180 triệu viên QTC/năm.
- Đối với gạch bê tông nhẹ
Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư trong Khu
kinh tế, Cụm công nghiệp hoàn thành đầu tư xây dựng 01 nhà máy sản xuất gạch bê
tông khí chưng áp có công suất 100.000m3/năm,
tương ứng 95 triệu viên/năm.
Mục tiêu đến năm 2018, nâng công suất
thiết kế gạch block và bê tông nhẹ đạt 230 - 250 triệu viên QTC/năm.
Chấm dứt hoạt động các cơ sở sản xuất
không bảo đảm điều kiện về môi trường, không thực hiện công bố hợp quy sản phẩm hàng hóa theo quy định của Bộ Xây dựng.
b) Giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2020
- Đối với gạch xi măng cốt liệu (gạch
block)
Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư mới, hoặc
đầu tư mở rộng 04 dây chuyền sản xuất, công suất 10-15 triệu viên/năm.
Hỗ trợ đầu tư nâng công suất, đầu tư
mở rộng một số cơ sở sản xuất có công suất từ 3-5 triệu viên/năm lên 7-10 triệu
viên/năm có đủ điều kiện mặt bằng, nguồn nguyên liệu sản xuất phù hợp quy hoạch
phát triển vật liệu xây dựng.
- Đối với gạch bê tông nhẹ
Đầu tư mới 01 nhà máy sản xuất bê
tông khí chưng áp công suất tối thiểu 20.000m3/năm tương đương 25
triệu viên (8x8x19cm)/năm; đầu tư mới 1 - 2 dây chuyền gạch bê tông bọt công suất
5.000 - 10.000m3/năm, tương ứng 40 triệu viên (8x8x19cm)/năm.
Tổng sản lượng gạch không nung đến
năm 2020 gồm gạch xi măng cốt liệu, gạch bê tông bọt và gạch bê tông khí chưng
áp đạt từ 267- 350 triệu viên/năm, bảo đảm tỷ lệ thay thế gạch không nung theo
quy định của Chính phủ và đáp ứng nhu cầu về vật liệu xây
không nung trên toàn tỉnh.
(Phụ lục 02: Định hướng phát triển
gạch xây không nung đến năm 2020)
3.2. HẠN CHẾ SẢN XUẤT, SỬ DỤNG GẠCH
ĐẤT SÉT NUNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẾN NĂM 2020
3.2.1. Tình hình sản xuất gạch đất
sét nung trên địa bàn tỉnh hiện nay
Đến hết năm 2015, theo tổng hợp báo
cáo từ các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh (trừ huyện Trường Sa) hiện
còn 56 cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, bao gồm: thị xã Ninh
Hòa 54 cơ sở (05 cơ sở đã ngừng hoạt động), huyện Diên Khánh 01 cơ sở và huyện
Vạn Ninh 01 cơ sở (đang lập dự án để chuyển sang sản xuất vật liệu không nung).
Tổng cộng 108 lò (12 lò vòng, 95 lò đứng, 01 lò vòng cải tiến), công suất khoảng
86,2 triệu viên/năm, với khoảng 846 lao động.
(Phụ lục 03: Tổng hợp các cơ sở sản
xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công và đề xuất lộ trình chấm dứt hoạt động
đến năm 2020)
3.2.2. Lộ trình thực hiện hạn chế
sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung đến năm 2020
- Đối với lò sản xuất bằng công
nghệ tuynel
Được phép tồn tại và đầu tư tiếp theo
quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng của tỉnh, đến năm 2020 các lò tuynel phải
đầu tư nâng công suất lên tối thiểu 15 triệu viên QTC/năm,
bảo đảm các điều kiện hoạt động theo quy định của Bộ Xây dựng. Không đầu tư mới
các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò tuynel không có trong quy hoạch
phát triển vật liệu xây dựng của tỉnh.
- Đối với lò thủ công, thủ công cải
tiến, lò đứng liên tục
Không đầu tư xây dựng mới, thực hiện
xóa bỏ, chấm dứt hoạt động trước năm 2017 đối với 51 cơ sở đang hoạt động, 05
cơ sở đã ngừng sản xuất.
- Đối với lò vòng sử dụng nhiên liệu
hóa thạch
- Không đầu tư xây dựng mới, thực hiện
lộ trình chấm dứt hoạt động hoặc chuyển đổi sang lò tuynel trước năm 2018 phù hợp
quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng.
- Đối với lò vòng, lò vòng cải tiến
(lò hoffman) không sử dụng nhiên liệu hóa thạch
Chấm dứt hoạt động trước năm 2020, hoặc
chuyển đổi sang lò tuynel.
Việc khai thác đất nông nghiệp để sản
xuất gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh phải tuân thủ quy hoạch thăm dò khai
thác, chế biến và sử dụng khoáng sản vật liệu xây dựng của tỉnh.
(Phụ lục 03: Tổng hợp các cơ sở sản
xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công và đề xuất
lộ trình chấm dứt hoạt động đến năm 2020)
IV. GIẢI PHÁP THỰC
HIỆN ĐỀ ÁN
4.1. Giải pháp về cơ chế, chính
sách
a) Xây dựng, hoàn thiện các văn bản
quy phạm pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn địa phương phục vụ thực hiện chức
năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực vật liệu xây dựng.
b) Rà soát, điều chỉnh Quy hoạch phát
triển vật liệu xây dựng, quy hoạch thăm dò khai thác, chế biến và sử dụng
khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của tỉnh, lưu ý quy hoạch các khu
vực cho phép khai thác đất nông nghiệp để sản xuất gạch đất
sét nung và khu vực khai thác khoáng sản làm vật liệu xây không nung.
c) Thẩm định hồ sơ, cho vay vốn hỗ trợ
lãi suất để đầu tư dây chuyền sản xuất gạch không nung theo Nghị quyết
17/2015/NQ-HĐND ngày 09/12/2015.
d) Đề xuất các chính sách ưu đãi về
thuế, cơ chế chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư phát triển vật liệu xây
không nung trên địa bàn tỉnh, phù hợp với quy định của pháp luật và phù hợp với
điều kiện thực tế của từng địa bàn trong tỉnh.
đ) Xây dựng các chương trình, kế hoạch
nhằm phát triển vật liệu xây không nung theo quy hoạch được duyệt. Khuyến khích
các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển, nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật
vào sản xuất vật liệu xây không nung, ưu tiên sử dụng công
nghệ sản xuất trong nước.
e) Thực hiện hỗ trợ chuyển đổi nghề
nghiệp đối với lao động tại các cơ sở sản xuất gạch thủ công bị ngưng hoạt động,
hỗ trợ kinh phí phá dỡ lò gạch thủ công còn hoạt động. Kiểm tra việc áp dụng vật
liệu xây không theo quy định của Bộ Xây dựng tại Thông tư 09/2012/TT-BXD.
g) Thực hiện công tác thanh tra, kiểm
tra xử lý vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh vật liệu xây không nung
đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động trên địa bàn tỉnh, lập kế hoạch thanh
tra chuyên ngành, thanh tra liên ngành, thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của UBND
tỉnh việc chấp hành các quy định pháp luật về hoạt động sản xuất, kinh doanh vật
liệu xây không nung.
h) Tiếp tục thực hiện những nội dung
của Chỉ thị số 22/2013/CT-UBND ngày 23/12/2013 của UBND tỉnh Khánh Hòa về lộ
trình chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, thủ công cải tiến và lò đứng liên tục; tăng cường sử dụng và phát
triển VLXD không nung trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa;
4.2. Giải pháp về khoa học công
nghệ
a) Khuyến khích thực hiện đề tài
nghiên cứu khoa học liên quan đến vật liệu xây không nung, bảo vệ môi trường
qua các đề tài khoa học công nghệ;
b) Khuyến khích các tổ chức, cá nhân
tham gia nghiên cứu, ứng dụng kết quả các đề tài khoa học
công nghệ vào sản xuất vật liệu xây không nung;
c) Chuyển giao công nghệ ở các dự án
có chi phí chuyển giao cho các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất vật liệu xây không
nung theo Luật Chuyển giao công nghệ;
4.3. Giải pháp về thông tin, tuyên
truyền
a) Tăng cường tuyên truyền, phổ biến
các quy hoạch về phát triển vật liệu xây dựng của trung ương và địa phương; các
chương trình phát triển vật liệu xây không nung của Chính phủ và UBND tỉnh; các
chỉ thị của Thủ tướng, của UBND tỉnh về hạn chế sử dụng gạch đất sét nung bằng
lò thủ công, tăng cường sử dụng gạch xây không nung đến năm 2020.
b) Tổ chức các hội thảo, giới thiệu
nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc sử dụng vật liệu xây không nung.
Giới thiệu các công nghệ sản xuất vật liệu xây không nung;
c) Tổ chức tập huấn, giới thiệu các quy
chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế, thi công và nghiệm thu liên quan đến vật liệu xây
không nung cho các địa phương, doanh nghiệp, các chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn
thiết kế, nhà thầu thi công, giám sát;
Hình thức tuyên truyền, phổ biến
thông qua các trang thông tin điện tử của UBND tỉnh và các sở ban ngành liên
quan; thực hiện trên sóng phát thanh, truyền hình địa phương qua hình thức các
tin, bài, phóng sự; tổ chức các hội thảo chuyên đề, hội thảo khoa học để phổ biến,
giới thiệu các công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại, các vật liệu xây dựng mới.
V. KINH PHÍ THỰC
HIỆN
Kinh phí thực hiện đề án sử dụng từ
các nguồn vốn ngân sách tỉnh, ngân sách hỗ trợ từ trung ương, nguồn vốn từ các
chương trình, đề án của các bộ, ngành, địa phương, vốn doanh nghiệp và vốn vay
từ các tổ chức tín dụng có hỗ trợ lãi suất.
Tổng kinh phí thực hiện đề án là 56.617.606.000
đồng (Bằng chữ: Năm mươi sáu tỷ, sáu trăm mười bảy triệu, sáu trăm lẻ sáu
nghìn đồng). Bao gồm:
Nguồn ngân sách nhà nước:
|
13.291.606.000
Đồng
|
- Ngân sách:
|
4.461.030.000
Đồng
|
- Khuyến công (TW, địa phương):
|
1.500.000.000
Đồng
|
- Hỗ trợ đào tạo nghề (TW, địa
phương):
|
1.485.576.000
Đồng
|
- Sự nghiệp môi trường:
|
70.000.000
Đồng
|
- Khoa học công nghệ (TW, địa
phương):
|
5.775.000.000
Đồng
|
Nguồn vốn của doanh nghiệp, vốn
vay:
|
43.326.000.000
Đồng
|
(Chi tiết theo Phụ lục
4 Kinh phí thực hiện đề án)
VI. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
6.1. Sở Xây dựng
Chủ trì tổ chức triển khai thực hiện
đề án sau khi được UBND tỉnh phê duyệt. Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về kết
quả thực hiện đề án. Đôn đốc các sở ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố
thực hiện các nội dung thuộc trách nhiệm được UBND tỉnh phân công, giao nhiệm vụ
tại đề án;
Tham mưu, đề xuất UBND tỉnh giải quyết
những nội dung phát sinh ngoài nội dung đề án; định kỳ, 6 tháng, một năm báo
cáo kết quả về UBND tỉnh; tham mưu, tổ chức sơ kết và tổng kết thực hiện đề án.
Chủ trì, phối hợp với các sở ngành
liên quan soạn thảo, tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định “Quy định về quản
lý hoạt động sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa”, nhằm cụ thể hóa các quy định của pháp luật
trong hoạt động quản lý vật liệu xây dựng;
Điều chỉnh Quy hoạch phát triển vật
liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh
nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư sản xuất vật liệu xây
dựng nói chung, vật liệu xây không nung nói riêng đạt mục tiêu đề án;
Tổ chức phổ biến Quy hoạch phát triển
vật liệu xây dựng, Chương trình phát triển vật liệu xây không nung của Chính phủ
và UBND tỉnh, các quy định có liên quan về hạn chế sử dụng gạch đất sét nung,
tăng cường sử dụng gạch xây không nung đến năm 2020;
Phối hợp, đề nghị Sở Khoa học và công
nghệ tham mưu UBND tỉnh xem xét, cho triển khai thực hiện và thẩm định các đề
tài khoa học công nghệ cấp tỉnh liên quan đến lĩnh vực phát triển vật liệu xây
không nung do các tổ chức, cá nhân đề xuất;
Kiểm tra việc áp dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng; lộ trình chấm
dứt hoạt động lò gạch thủ công trên địa bàn;
Tổ chức triển khai, giới thiệu các
dây chuyền sản xuất vật liệu xây không nung; Tổ chức tập huấn các quy chuẩn,
tiêu chuẩn thiết kế, thi công liên quan đến vật liệu xây không nung cho các tổ
chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh;
Chủ trì, tổ chức tham quan, nghiên cứu
các mô hình sản xuất vật liệu xây không nung; tổ chức đánh giá về mặt kỹ thuật,
chi phí đầu tư công trình khi sử dụng vật liệu xây không nung;
Chủ trì, phối hợp với sở ngành liên
quan, UBND cấp huyện thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định
của pháp luật trong hoạt động sản xuất và kinh doanh vật liệu xây không nung
trên địa bàn tỉnh.
6.2. Sở Tài nguyên và Môi trường
Rà soát, điều chỉnh quy hoạch thăm dò
khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng, trong đó xem
xét, đánh giá và hạn chế đến mức tối đa quy hoạch các khu vực mỏ đất sét thuộc
đất sản xuất nông nghiệp để sản xuất gạch đất sét nung;
Chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện,
tăng cường kiểm tra việc quản lý khai thác và sử dụng tài
nguyên (đất sét, than...) để sản xuất gạch, bảo đảm tuân thủ quy hoạch về khai
thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, tuân thủ các quy định về
môi trường theo kế hoạch hàng năm;
Phối hợp với Sở Tài chính, UBND thị
xã Ninh Hòa trình UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt kinh phí hỗ trợ chấm dứt hoạt động đối với 49 cơ sở sản xuất gạch thủ công trên địa
bàn thị xã Ninh Hòa theo lộ trình đề án;
6.3. Sở Khoa học và Công nghệ
Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân lựa chọn
các dây chuyền công nghệ sản xuất vật liệu xây không nung phù hợp điều kiện thực
tế tại địa phương;
Hướng dẫn, khuyến khích thực hiện các
đề án, đề tài khoa học công nghệ liên quan đến vật liệu xây không nung trên địa
bàn tỉnh;
Sử dụng kinh phí sự nghiệp khoa học tỉnh
hàng năm để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi công
nghệ sản xuất gạch đất sét nung sang sản xuất vật liệu xây
không nung.
6.4. Sở Công thương
Hướng dẫn và triển khai các chương
trình khuyến công cho các cơ sở ứng dụng máy móc, thiết bị sản xuất vật liệu
xây không nung theo quy định;
Khuyến khích, tạo điều kiện về mặt bằng,
thủ tục đầu tư dự án cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất vật liệu xây không nung
đăng ký đầu tư trong các Cụm Công nghiệp theo quy hoạch;
6.5. Sở Tài chính
Tham mưu UBND tỉnh, phân bổ kinh phí
thực hiện đề án theo tiến độ, kế hoạch vốn hàng năm để thực hiện đề án;
Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Lao động, Thương binh
và Xã hội và UBND cấp huyện, cơ quan liên quan thẩm định kinh phí hỗ trợ tháo dỡ
cho các cơ sở sản xuất gạch thủ công và kinh phí đào tạo, hoặc hỗ trợ chuyển đổi
nghề đối với người lao động theo đề án làm cơ sở cho UBND cấp huyện tổ chức thực
hiện.
Chủ trì tham mưu UBND tỉnh: báo cáo
Thường trực HĐND tỉnh; phê duyệt kinh phí hỗ trợ tháo dỡ cho các cơ sở sản xuất
gạch thủ công và kinh phí đào tạo, hoặc hỗ trợ chuyển đổi nghề đối với người
lao động theo đề án;
Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường
nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh việc nâng mức phí bảo vệ môi trường đối với việc
khai thác đất sét làm gạch xây lên mức tối đa theo quy định của Chính phủ.
6.6. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội
Tổ chức thực hiện đào tạo chuyển đổi
nghề đối với người lao động tại các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bị ngưng
hoạt động tại đề án từ nguồn kinh phí thuộc Đề án đào tạo nghề cho lao động
nông thôn đến năm 2020 tỉnh Khánh Hòa, được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định
số 3074/QĐ-UBND ngày 29/11/2010 và Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11
năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông
thôn đến năm 2020.
6.7. Quỹ đầu tư phát triển Khánh
Hòa
Tham mưu UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh bổ
sung Nghị quyết số 17/2015/NQ-HĐND ngày 09/12/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh
Khánh Hòa tại danh mục các lĩnh vực đầu tư được Quỹ đầu tư tỉnh Khánh Hòa, đầu
tư trực tiếp và cho vay, và danh mục các lĩnh vực đầu tư được Quỹ đầu tư tỉnh
Khánh Hòa cho vay và ngân sách cấp bù đối với các dự án đầu tư sản xuất gạch
không nung theo nội dung của Đề án.
Chủ trì, tổ chức thẩm định hồ sơ vay
vốn có hỗ trợ lãi suất đối với dự án đầu tư dây chuyền sản
xuất gạch không nung từ Quỹ đầu tư phát triển Khánh Hòa.
6.8. Cục thuế, Cục Hải quan
Thực hiện các chế độ ưu đãi về tiền
thuê đất, chế độ ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu đối với vật tư, thiết bị dây
chuyền sản xuất gạch không nung theo quy định tại Thông tư 193/2012/TT-BTC ngày
15/11/2012 của Bộ Tài chính.
6.9. UBND cấp huyện
Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các
quy định và chính sách về tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung, hạn chế sản
xuất, sử dụng gạch đất sét nung trên địa bàn;
Rà soát, lập danh sách người lao động
thuộc các lò gạch bị xóa bỏ, phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội tổ
chức đào tạo, hoặc hỗ trợ chuyển đổi nghề đối với người lao động theo Quyết định
số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng và Quyết định số 3074/QĐ-UBND ngày 29/11/2010 của
UBND tỉnh;
Tổ chức lập dự toán kinh phí hỗ trợ
tháo dỡ lò gạch thủ công, kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề hàng năm theo kế hoạch thực hiện của Đề án, trình Sở Tài chính thẩm định và tổ
chức chi trả kinh phí cho các đối tượng theo Quyết định phê duyệt của UBND tỉnh.
6.10. Các tổ chức, cá nhân đầu tư
sản xuất vật liệu xây không nung
Thực hiện các dự án đầu tư sản xuất gạch
không nung đúng quy hoạch, đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Tuân thủ việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật
quốc gia về sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng. Chấp hành các quy định về hợp chuẩn, hợp quy sản phẩm hàng hóa trước khi lưu
thông trên thị trường theo quy định của pháp luật.
Được hưởng các chính sách, ưu đãi, hỗ trợ khi đầu tư xây dựng dự án, đầu tư dây chuyền sản
xuất gạch không nung trên địa bàn tỉnh theo Nghị định 04/2009/NĐ-CP ngày
14/01/2009 của Chính phủ về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường, Nghị
quyết 17/2015/NQ-HĐND ngày 09/12/2015 của HĐND tỉnh về danh mục các lĩnh vực đầu
tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 được Quỹ đầu tư phát
triển Khánh Hòa đầu tư trực tiếp, cho vay và những ưu đãi hỗ trợ khác.
Chấp hành nghiêm túc việc thanh kiểm
tra của các cơ quan quản lý nhà nước, thực hiện báo cáo những nội dung liên
quan đến sản xuất kinh doanh vật liệu xây không nung theo yêu cầu.
6.11. Trách nhiệm chung
Lãnh đạo các sở ban ngành, Chủ tịch
UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện theo nhiệm vụ được
phân công tại đề án; định kỳ 06 tháng, 01 năm hoặc đột xuất
báo cáo theo yêu cầu của Sở Xây dựng.
Trong quá trình thực hiện đề án, nếu
có khó khăn, vướng mắc, đề nghị kịp thời phản ánh về Sở Xây dựng để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh./.