ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
40/BC-UBND
|
Thành
phố Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 02 năm 2013
|
BÁO CÁO
VỀ CÔNG TÁC CHĂM LO TẾT QUÝ TỴ NĂM 2013 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ
MINH
I. Chủ trương của
Đảng và nhà nước về công tác chuẩn bị, chăm lo Tết Quý Tỵ năm 2013
Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư tại
Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 21 tháng 12 năm 2012 về đẩy mạnh thực hành tiết kiệm,
chống lãng phí; Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày
26 tháng 09 năm 2012 về tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá
những tháng cuối năm 2012; Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 26 tháng 11 năm 2012 về tăng cường
thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Công điện số 10/CĐ-TTg ngày 03 tháng 01 năm 2013 về triển khai công tác phục vụ dịp Tết Nguyên đán
Quý Tỵ 2013 và chỉ đạo của Thành ủy tại Công văn số 523-CV/TU ngày 03 tháng 12
năm 2013 về chăm lo Tết Quý Tỵ năm 2013 cho diện chính sách, hộ nghèo, cận
nghèo và đồng bào thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Chỉ thị số
26/2012/CT-UBND ngày 06 tháng 12 năm 2012 về tổ chức đón Tết
Quý Tỵ năm 2013 và các Kế hoạch chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức, chăm lo Tết
Quý Tỵ năm 2013 trên địa bàn thành phố với phương châm “Tết vui tươi, đoàn kết,
lành mạnh, tiết kiệm, an toàn”, ra sức thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển
kinh tế - xã hội thành phố ngay từ đầu năm 2013.
Ngoài việc lãnh đạo thực hiện nghiêm
Chỉ thị của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm, chống
lãng phí; tăng cường tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh
doanh; tổ chức chăm lo về đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; tấn công
truy quét tội phạm, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, Ban
Thường vụ Thành ủy có chủ trương chuyển dần khái niệm “ăn Tết” sang “vui Tết”;
bên cạnh việc quan tâm chăm lo chu đáo cho các gia đình diện chính sách, hộ dân
nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, công nhân, người lao động, chiến sĩ, lực lượng
vũ trang...; cần tập trung tổ chức tốt các hoạt động, lễ hội, chương trình
văn hóa, nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc phục vụ nhân dân trong
dịp Tết.
II. Kết quả thực
hiện
1. Đáp ứng tốt nhất
nhu cầu vốn cho các doanh nghiệp, cá nhân để sản xuất kinh doanh; chủ động chuẩn
bị nguồn hàng hóa dồi dào, giá cả hợp lý đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân
a) Thành phố đã chủ động phối hợp với
các Bộ, ngành Trung ương có liên quan để kiểm soát chặt chẽ nguồn hàng hóa tại
thành phố, đảm bảo hàng hóa chất lượng, giá cả phù hợp phục vụ nhân dân; chủ động
liên hệ và phối hợp với các tỉnh Miền Đông và Tây Nam Bộ trong việc sản xuất và
ung ứng hàng hóa (đã có 75 dự án sản xuất chăn nuôi và hệ thống phân phối trực
tiếp do doanh nghiệp thành phố đầu tư hoặc liên kết đầu tư với số vốn 7.005,1 tỷ đồng; ký hợp đồng bao tiêu sản
phẩm với các tỉnh với lượng vốn hơn 5.300 tỷ đồng/năm) làm
phong phú hàng hóa phục vụ nhân dân thành phố và các địa phương; chỉ đạo các
doanh nghiệp đảm bảo việc dự trữ hàng hóa để kịp thời xử lý hiện tượng đầu cơ,
tăng giá bất hợp lý.
Lãnh đạo thành phố đã đi thực tế kiểm
tra việc chuẩn bị và cung ứng hàng hóa của các doanh nghiệp tham gia chương
trình bình ổn tại huyện Củ Chi, Cần Giờ, Hóc Môn và tại các tỉnh Đồng Nai, Bình
Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, các chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền, Hóc
Môn, Thủ Đức, hệ thống phân phối thương mại trên địa bàn...; lắng nghe tâm tư
nguyện vọng, đời sống của cán bộ công nhân viên và những
khó khăn về thị trường, về vốn của doanh nghiệp trong thời điểm cận Tết; chỉ đạo
kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp.
b) Để đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân
dân trong dịp Tết, thành phố đã chuẩn bị lượng
hàng hóa tăng gần gấp hai lần so với kế hoạch với tổng giá
trị hàng hóa đạt 6.681,8 tỷ đồng, tăng 1.288,9 tỷ đồng
(+23,9%) so với Tết Nhâm Thìn 2012 (5.392,9 tỷ đồng). Trong đó, tổng giá trị hàng hóa chuẩn bị cho bình ổn thị trường là 3,436,4 tỷ đồng, tăng 605,7 tỷ đồng (+21,4%) so với Tết Nhâm Thìn 2012 (2.830,7 tỷ đồng). Riêng tháng cao điểm Tết, tổng giá
trị hàng hóa chuẩn bị là 2.698,7 tỷ đồng, trong đó hàng
bình ổn thị trường là 1.511,1 tỷ đồng.
Thành phố đã tăng thêm 2.448 điểm bán
hàng bình ổn, nâng tổng số điểm bán hàng bình ổn phục vụ nhân dân là 6.439 điểm;
tổ chức gần 700 chuyến bán hàng
lưu động, kết hợp tổ chức các phiên chợ công nhân, phiên chợ sinh viên... đưa
hàng hóa phục vụ nhân dân tại các huyện ngoại thành, quận ven, công nhân tại
các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Việc cung ứng hàng hóa trong dịp Tết Quý
Tỵ 2013 ổn định, lượng hàng hóa tại 03 chợ đầu mối tăng khoảng 20 - 40% so với
các tháng trước và tăng 20 - 30% so với cùng kỳ. Riêng hệ
thống siêu thị, lượng hàng hóa cung ứng tăng gấp 2 - 3 lần
so với các tháng trước, với 90% - 95% là hàng hóa sản xuất trong nước, các siêu
thị của nước ngoài thì tỷ lệ hàng Việt cũng chiếm rất cao (LotteMart đạt 96%,
Giant đạt 90%).
Để đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân
dân trong dịp Tết, các siêu thị mở cửa từ 07 giờ sáng đến
23 giờ (riêng 29 Tết đến 12 giờ) và mở cửa sớm vào Mùng 2 Tết (hệ thống siêu thị
Sài Gòn Co.op, hệ thống siêu thị Vinatex); đặc biệt trong 2 ngày cận Tết (28 và
29 âm lịch), hệ thống siêu thị Saigon Co.op đã thống nhất với các nhà cung cấp
(Vissan, Nam Phong, Phạm Tôn, San Hà, Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt, các HTX trồng rau...) giảm giá từ 10% - 49% nhiều mặt
hàng thực phẩm tươi sống thiết yếu.
Điểm nổi bật năm nay là rất nhiều
siêu thị đã tham gia bán các mặt hàng thuộc Chương trình bình ổn thị trường của
thành phố. Do các mặt hàng bình ổn thị trường giá rẻ hơn, chất lượng hàng hóa đảm
bảo nên người dân tập trung mua sắm tại các siêu thị, sức mua tại các siêu thị
tăng khá mạnh. Tổng doanh số toàn hệ thống siêu thị Saigon Co.op ước đạt
3.063,7 tỉ đồng, tăng trên 14% so với cùng kỳ (doanh số của chuỗi Co.op mart là
2.926 tỉ đồng, chuỗi Co.op Food là 120 tỉ đồng và cửa hàng Bến Thành là 4,1 tỉ
đồng, Saigon Co.op Media là 1,7 tỉ đồng). Người dân thành
phố đã chuyển dần từ tập quán “ăn Tết” sang “vui Tết”, nhiều
gia đình đã tổ chức đi du lịch trong và ngoài nước, giảm việc mua sắm dự trữ
hàng hóa, sức mua tại các chợ truyền thống có giảm (những ngày giáp Tết sức mua có tăng nhưng so cùng kỳ Tết năm 2012, sức mua tại các chợ truyền
thống được đánh giá giảm từ 5 đến 10%).
c) Các cơ quan chức năng của thành phố
đã tiến hành hơn 950 cuộc kiểm tra chuyên ngành và liên ngành về việc chấp hành
giá cả, niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết tại các chợ, siêu thị, trung
tâm thương mại; tăng cường công tác quản lý thị trường, chống buôn bán hàng cấm,
hàng nhập lậu, hàng gian, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành
vi gian lận thương mại khác nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo môi trường
cạnh tranh lành mạnh, góp phần bình ổn thị trường; xử lý kịp thời các hành vi
vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, nhất là đối với
các loại thực phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm...
d) Các tổ chức tín dụng trên địa bàn
thành phố đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn cho các doanh nghiệp, cá nhân phục vụ cho
sản xuất kinh doanh trong dịp cuối năm 2012 và Tết Quý Tỵ 2013. Tính đến 31
tháng 01 năm 2013, tổng vốn huy động đạt 1.007.900 tỷ đồng, tăng 1,49% so tháng
trước; Dư nợ tín dụng đạt 856.700 tỷ đồng, tăng 1,2% so
tháng trước. Một số ngân hàng thương mại cổ phần đã tích cực hỗ trợ vốn cho
doanh nghiệp sản xuất kinh doanh như Sacombank dành 1.000 tỷ đồng cho các tiểu
thương vay để chuẩn bị hàng hóa trong dịp Tết.
Để đáp ứng nhu cầu tiền mặt cho thanh
toán, chi trả cuối năm, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố đã dự trữ tiền mặt
với khối lượng khá lớn (trên 30.000 tỷ đồng) cả về loại tiền và cơ cấu tiền; đảm bảo đáp ứng đủ cơ cấu,
loại tiền cho hệ thống máy ATM trên địa bàn, hạn chế tình trạng thiếu tiền mặt trong
những ngày nghỉ tết; tăng số lần và thời gian giao dịch tiền mặt
trong ngày vào dịp Tết, đảm bảo đáp ứng tốt nhất nhu cầu
thu - chi của tổ chức tín dụng, đáp ứng nhu cầu tiền
mặt cho lưu thông.
2. Thực hiện tốt
các chính sách an sinh xã hội, chăm lo chu đáo đời sống vật chất, tinh thần cho
các tầng lớp nhân dân thành phố
a) Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ
Thành ủy, nhằm chăm lo chu đáo đời sống, vật chất tinh thần của nhân dân, cán bộ
công chức, viên chức, các cơ quan đơn vị; Ủy ban nhân dân thành phố đã thành lập
31 Đoàn công tác do các đồng chí lãnh
đạo thành phố là Trưởng đoàn tổ chức đi thăm, tặng quà và chúc tết các hộ gia
đình diện chính sách có công, diện bảo trợ xã hội, dân nghèo, dân tộc thiểu số,
người cao tuổi, công nhân, người lao động, học sinh, sinh viên, trường dạy nghề,
các cơ sở cách mạng, đơn vị y tế, quân đội, công an, lực
lượng thanh niên xung phong, các cơ quan, đơn vị với kinh phí trên 5 tỷ đồng...;
tham gia Đoàn Đại biểu Quân khu 7 đi thăm, chúc tết và tham dự các hoạt động
cùng với nhân dân, cán bộ, chiến sĩ Huyện Đảo Trường Sa, trao tặng các phần quà
trị giá hơn 650 triệu đồng cùng các hàng hóa thiết yếu nhằm góp phần nâng cao
chất lượng cuộc sống, tinh thần của nhân dân, cán bộ, chiến
sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền của đất nước.
b) Thành phố đã tổ chức chăm lo chu
đáo đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân, đảm bảo mọi
nhà, mọi người đều có Tết, với tổng kinh phí trên 1.372 tỷ đồng (tăng 370 tỷ đồng,
tăng 37%, so với Tết Nhâm Thìn 2012):
- Ngân sách thành phố đã chi 371,74 tỷ
đồng (tăng 12,91 tỷ đồng, tăng 3,6% so với năm 2012 và bằng 27,09% tổng kinh
phí chăm lo tết) để chăm lo cho các đối tượng chính sách, người có công; đối tượng
bảo trợ xã hội; các hộ nghèo thu nhập dưới 8 triệu đồng/tháng; cán bộ công chức,
viên chức; các đồng chí là cựu tù chính trị chưa được hưởng
chế độ chính sách; các gia đình có con em đang làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1..
- Ủy ban nhân dân các quận - huyện
thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã vận động các tổ chức xã hội, từ
thiện, các mạnh thường quân triển khai nhiều hoạt động chăm lo cho nhân dân đón
Tết, như: tổ chức thăm hỏi, chăm lo các gia đình chính sách, các lực lượng vũ
trang, nhân dân các vùng kháng chiến cũ, sinh viên, học sinh, công nhân, người
lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, học viên ở trung tâm giáo dục
và những hộ gia đình nghèo... với số tiền trên 152 tỷ đồng
(chiếm 11,07% tổng kinh phí chăm lo tết).
- Liên đoàn Lao động thành phố đã
chỉ đạo các cấp công đoàn phối hợp với 9.389 doanh nghiệp thưởng,
tặng quà, tiền cho 712.679 công nhân, viên chức, người lao động với tổng số tiền
780,8 tỷ đồng (tăng 82,5% so với tết năm 2012), chiếm 56,9% tổng kinh phí chăm
lo tết; vận động, phối hợp với 384 doanh nghiệp hỗ trợ vé xe cho 26.782 công
nhân về quê (tăng 15,63% so với năm 2012) với số tiền 16,7 tỷ đồng (tăng 23% so
năm 2012), chiếm 1,21% tổng kinh phí chăm lo tết.
- Ban Vận động Vì người nghèo - Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố chăm lo 8.762 các gia đình chính sách,
Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các vị nhân sĩ, trí thức, các vị tiêu biểu các dân tộc,
chức sắc các tôn giáo, các Trung tâm chữa bệnh, cơ sở giáo dục - lao động xã hội
của thành phố và các Trung tâm xã hội của tôn giáo, các hộ dân nghèo tại 15 xã,
phường nghèo của thành phố và đồng bào nghèo các tỉnh, số tiền 9,72 tỷ đồng
(chiếm 0,7% tổng kinh phí chăm lo tết).
- Thành Đoàn đã tổ chức thăm và tặng
quà cho 2.166 gia đình thuộc diện chính sách tại 12 tỉnh, thành phố và 24 quận,
huyện của thành phố; trao tặng 850 vé xe miễn phí cho thanh niên công nhân về
quê đón Tết; hỗ trợ 1.500 vé xe miễn phí cho sinh viên, học
sinh của các trường Đại học - Cao đẳng - Trung cấp chuyên nghiệp về quê đón Tết;
giới thiệu hơn 4.500 việc làm cho sinh viên làm thêm ngày Tết; tổ chức nhiều chương trình chăm lo, tặng quà và tổ chức vui chơi cho
các em thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em ở
các mái ấm, nhà mở, trẻ khuyết tật; tổ chức chăm lo cho 3.616 cán bộ Đoàn - Hội
- Đội có hoàn cảnh gia đình khó khăn...với tổng kinh phí thực hiện trên 18 tỷ đồng
(chiếm 1,31% tổng kinh phí chăm lo tết).
- Hội Liên Phụ nữ thành phố đã vận động
cán bộ, hội viên, phụ nữ phát huy truyền thống tương thân,
tương trợ; vận động các cơ quan đơn vị chăm lo Tết đối với 68.346 đối tượng (tăng 12.378 đối tượng) thuộc diện gia đình
chính sách, các lực lượng vũ trang, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp,
khu chế xuất, các hộ gia đình nghèo, nữ công nhân nhà trọ
và nữ lao động nhập cư không có điều kiện về quê vui Tết... với tổng kinh phí
là 15,92 tỷ đồng (chiếm 1,16% tổng kinh phí chăm lo tết).
- Hội Nông dân phối hợp với Đài Truyền
Hình thành phố tổ chức chương trình “Tết làm điều hay vì nông dân nghèo”,
vận động các nhà tài trợ, các đơn vị, doanh nghiệp, mạnh thường quân và hội
viên nông dân với số tiền trên 5,3 tỷ (chiếm 0,38% tổng kinh phí chăm lo tết) để
tập trung chăm lo quà tết, xây dựng nhà tình thương, trao thẻ BHYT, học bổng
Lương Định Của cho con em và hội viên nông dân nghèo năm 2013.
- Hội Cựu Chiến binh thành phố đã tổ
chức thăm, chúc tết và tặng quà cho 17 đồng chí lão thành cách mạng, gia đình
chính sách với tổng kinh phí 21.500.000 đồng.
- Hội Chữ Thập đỏ đã tổ chức trao tặng
108.193 suất quà cho các đối tượng gia đình chính sách, hộ dân nghèo, người già
neo đơn, cán bộ, hội viên; người hồi gia; trẻ mồ côi, khuyết
tật, nạn nhân chất độc da cam... có hoàn cảnh khó khăn tại thành phố và các tỉnh
với tổng kinh phí 23,6 tỷ đồng (chiếm 1,72% tổng kinh phí chăm lo tết).
c) Về mức thưởng cho người lao động:
Theo báo cáo của 991 doanh nghiệp (791 doanh nghiệp ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp và 200 doanh nghiệp
trong khu chế xuất, khu công nghiệp), mức thưởng Tết Quý Tỵ 2013 cao nhất là
539,3 triệu (tăng 61,9 triệu đồng, 12,97% so với Tết Nhâm Thìn 2012), thấp nhất
là 2,14 triệu (tăng 90 nghìn đồng, 4,4% so với Tết Nhâm Thìn 2012), bình quân
thưởng của các loại hình doanh nghiệp ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp từ
3,91-8,54 triệu đồng (Tết Nhâm Thìn 2012 là 3,69 - 8,33 triệu đồng) và trong
khu chế xuất, khu công nghiệp từ 2,98 - 3,67 triệu đồng (Tết Nhâm Thìn 2012 là
2,5 - 2,8 triệu đồng).
d) Tính từ ngày 01/01 - 13/02/2013,
trên địa bàn thành phố xảy ra 32 vụ tranh chấp lao động tập
thể với 11.105 người tham gia (tăng 15 vụ so với trước Tết Nguyên đán năm
2012). Trong đó, có 05 vụ xảy ra trong các Khu Chế xuất, Khu Công nghiệp thành
phố với 5.080 người tham gia, chiếm tỷ lệ 15,63% trên tổng số vụ. Nguyên nhân
chủ yếu là do các doanh nghiệp chậm trả lương, tiền thưởng,
thông báo nghỉ tết. Các cơ quan chức năng đã kịp thời phối
hợp giải quyết ổn định trước Tết.
3. Tổ chức chu
đáo các hoạt động lễ hội, văn hóa, nghệ thuật gắn với tuyên truyền chính trị để
lại ấn tượng đẹp trong lòng nhân dân
a) Đoàn đại biểu Thành ủy, Hội đồng
nhân dân thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
thành phố đã viếng Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố, Nghĩa trang thành phố, Nghĩa
trang Liệt sĩ huyện Củ Chi và Đền Tưởng niệm Liệt sĩ Bến Dược - huyện Củ Chi;
long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 83 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
(3/2/1930 - 3/2/2013), Kỷ niệm 45 năm Cuộc Tổng tiến công
và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968 - 2013) và trao tặng các phần thưởng cao quý của
Nhà nước; tổ chức Lễ dâng hương, dâng hoa Bác Hồ, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh -
Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh và Bác Tôn tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng; dự Lễ
khánh thành dự án mở rộng Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh thành phố Hồ Chí
Minh; dự Chương trình Cầu truyền hình “Vang mãi Bản hùng ca Xuân 68”; họp mặt
truyền thống chiến khu An Phú Đông,
truyền thống cách mạng Khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.
b) Thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động
văn hóa, nghệ thuật phục vụ nhu cầu vui tết của nhân dân thành phố:
- Chương trình trang trí đèn đường phố phục vụ Tết dương lịch và Tết Nguyên đán với điểm nhấn là trang trí đèn trên các tuyến
đường trung tâm thành phố. Một số quận - huyện đã chủ động trang trí đèn, hoa tại
các khu vực trung tâm, thu hút nhân dân và khách du lịch đến tham quan, thưởng
ngoạn, tạo không khí vui tươi, phấn khởi với sự phát triển của thành phố.
- Lễ hội Thành phố Hồ Chí Minh - Đón
chào năm mới 2013 với nhiều nội dung: triển lãm thành tựu
phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; giới thiệu các hoạt động thực hiện
chủ đề “Năm An toàn giao thông”; giới thiệu công trình cải tạo kênh Nhiêu Lộc -
Thị Nghè. Điểm nổi bật năm nay là các hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức trên
tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và kênh Tàu Hũ - Bến Nghé với nhiều chương
trình như: Giải đua xe đạp đón chào năm mới, Giải đua thuyền thành phố Hồ Chí
Minh mở rộng trên kênh Tàu Hũ - Bến Nghé.... đã diễn ra trong không khí tưng bừng,
phấn khởi, “Lễ hội Thành phố Hồ Chí Minh đón chào năm mới 2013 ” đã thu hút gần
300.000 lượt người tham dự.
- Đường hoa Nguyễn Huệ 2013 có chủ đề
“Lòng dân và thế nước” với tên gọi “Trái tim Việt Nam”, kỷ niệm 10 năm tổ chức
đường hoa thể hiện những nét đặc trưng tươi đẹp vùng - miền của đất nước; sức mạnh
đoàn kết của 54 dân tộc anh em trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; tôn vinh
những giá trị lao động qua các công cụ truyền thống, tiêu
biểu nghề nghiệp của từng vùng miền; những sắc thái văn
hóa của mỗi dân tộc; thể hiện biển đảo với sự khẳng định chủ quyền và thông điệp
mong muốn hòa bình ở biển Đông và trên thế giới của nhân dân Việt Nam... được tổ
chức từ ngày 07 - 13/02/2013, đã có hơn 1 triệu lượt khách trong nước và quốc tế
đến tham quan.
- Đường Sách Tết Quý Tỵ 2013 tổ chức trong
07 ngày, từ ngày 07 - 13/02/2013 với các hoạt động chính: triển
lãm sách thiếu nhi qua các thời kỳ; giới thiệu sách của các nhà xuất bản; khu vực
không gian tri thức và Cà phê Sách trưng bày một số phương
tiện, thiết bị truyền thông về xuất bản sách điện tử; triển lãm hình ảnh, tư liệu
giới thiệu 54 dân tộc anh em trong cộng đồng các dân tộc
Việt Nam cùng đoàn kết, chung sức bảo vệ biên giới, biển đảo... đã có hơn
40.000 lượt khách đến tham quan, đọc và mua sách tại đường sách với doanh thu gần
2,5 tỷ đồng.
- Chương trình bắn pháo hoa phục vụ Tết
Dương lịch 2013 và Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 được nhân dân hưởng ứng nhiệt liệt.
- Hội hoa Xuân Quý Tỵ 2013 với tên gọi
“Dáng đứng Việt Nam”, quy mô trưng bày và dự thi với 8.000 hiện vật trưng bày
triển lãm hoa, cá kiểng, tiểu cảnh, đá nghệ thuật kiểng... của các đơn vị, địa
phương trong nước và nước ngoài được tổ chức từ ngày 05/02 - 16/02/2013 thu hút
gần 600.000 lượt người đến tham quan, vui chơi.
- Chợ hoa Tết trên địa bàn thành phố diễn
ra đồng loạt từ ngày 03 - 09/02/2013 với 03 Chợ Hoa Tết cấp thành phố (tại các
Công viên 23 tháng 09; Công viên Gia định và Công viên Lê Văn Tám) và 65 điểm
Chợ Hoa Tết cập quận - huyện (tại 17 quận - huyện) nhằm phục vụ nhu cầu mua bán
các mặt hàng hoa kiểng, Chợ Hoa Tết tại Cảng Phú Định phục vụ hoạt động mua
bán, trung chuyển hoa kiểng bằng đường thủy và đường bộ của các nhà vườn thành
phố và các tỉnh Bến Tre, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Trà Vinh. Chợ
Hoa Tết tại quận 8 tổ chức tập trung dọc tuyến bờ kè Bến Bình Đông thuộc các
phường 11, 13, 14 quận 8 mang đậm dấu ấn “Trên bến dưới thuyền”.
c) Các quận - huyện đã tổ chức nhiều
hoạt động chào mừng Kỷ niệm 83 năm Ngày thành lập Đảng Cộng
sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2013), Kỷ niệm 45 năm Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy
Xuân Mậu Thân. Các Trung tâm Văn hóa, các khu văn hóa du lịch, khu vui chơi giải
trí, các công viên văn hóa cấp thành phố và quận huyện đã tổ chức tốt các hoạt
động văn nghệ vui chơi, giải trí mừng Xuân, mừng Đảng gắn
với tuyên truyền cổ động chính trị với nhiều loại hình và
phương thức hoạt động đa dạng, với nội dung lành mạnh, đậm nét văn hóa dân tộc;
cố gắng đầu tư những loại hình, những phương thức hoạt động
thiết thực.
d) Các báo, đài đã tập trung tuyên
truyền các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân; Kỷ niệm 83 năm Ngày thành lập Đảng Cộng
sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2013); 45 năm Cuộc tổng tấn công và nổi dậy
Xuân Mậu Thân (1968-2013); thông tin những thành tựu kinh tế - xã hội thành phố
năm 2012, đặc biệt là những nỗ lực của thành phố trong việc kiềm chế lạm phát, ổn
định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; phản ánh sát thực tế các chủ
trương, chính sách của thành phố. Các chuyên mục mừng Đảng, mừng Xuân phong
phú, sinh động, phù hợp với đời sống xã hội, tập quán, nhu cầu vui chơi của người
dân thành phố; có nhiều bài viết ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, thông
tin nhanh các hoạt động chăm lo Tết cho nhân dân của lãnh đạo thành phố.
4. Đảm bảo ổn định
tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; an toàn giao thông; phòng,
chống cháy, nổ và mỹ quan đô thị trong thời gian trước, trong và sau Tết
a) Để tăng cường đấu tranh trấn áp
các loại tội phạm trong cao điểm
theo chỉ đạo Chính phủ, thành phố đã chủ động làm việc với các tỉnh giáp ranh
khu vực phía Nam (Long An, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu,
Bình Thuận, Lâm Đồng, Bình Phước) và các tỉnh thành trọng điểm phía Bắc (Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định) để phối hợp, trao đổi,
cập nhật và cung cấp thông tin kịp thời về tình hình hoạt động, biến động của
các đối tượng tội phạm; phối hợp kiểm tra hành chính đồng
loạt các cơ sở kinh doanh lưu trú, nhà trọ, các dịch vụ cầm đồ, các khu vực phức
tạp về cư trú tại các địa bàn giáp ranh.
Công an thành phố và Bộ Tư lệnh thành
phố đã triển khai thực hiện Kế hoạch tăng cường phối hợp tuần tra chung giữa 02
lực lượng nhằm nâng cao sức mạnh, hiệu quả trọng phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động
của tội phạm tại các phường, xã, thị trấn, cũng như phối hợp trong công tác
tuyên truyền, vận động phong trào nhân dân tham gia bảo vệ an ninh tổ quốc,
phòng chống tội phạm, chặn đứng và từng bước đẩy lùi các hoạt động tệ nạn xã hội.
Công an thành phố đã triển khai 34 Tổ
Cảnh sát cơ động tăng cường phối hợp tuần tra kiểm soát, tấn
công trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự trên các khu vực, địa bàn phức tạp
và 14 tuyến trọng điểm thuộc địa bàn các quận 5, 6, 8, Thủ Đức, Bình Tân, Huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè.
Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động - Bộ Công
an đã tăng cường lực lượng Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Nam Bộ với hơn 600 đồng
chí, phối hợp cùng Công an thành phố tuần tra kiểm soát, đảm bảo an ninh trật tự
trên các tuyến Quốc lộ 1A, tuyến Quốc lộ 1K và một số tuyến đường thuộc huyện Bình Chánh và Hóc Môn.
Kết quả triển khai cao điểm tấn công
trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 (từ
15/12/2012 - 15/01/2013) đã chặn đứng và đẩy lùi các loại tội phạm trên địa bàn
thành phố, tạo sự chuyển biến rõ rệt tại các tuyến, địa bàn trọng điểm. So với
thời gian liền kề: phạm pháp hình sự xảy ra 490 vụ, giảm 61 vụ (-11,07%); đặc
biệt, án cướp tài sản xảy ra 28 vụ, giảm 21 vụ (-2,85%), án cướp giật tài sản xảy
ra 87 vụ, giảm 15 vụ (-14,70%), án trộm
cắp tài sản xảy ra 260 vụ, giảm 05 vụ (-1,92%). Thông qua công tác đấu tranh tội phạm hình sự, băng nhóm phạm tội có tổ chức, lực lượng công
an đã khám phá 08 chuyên án, bắt 47 đối tượng; triệt phá 73 băng nhóm, bắt 193
đối tượng gây án nguy hiểm, nghiêm trọng trên nhiều địa bàn; bắt 36 đối tượng
có quyết định truy nã; gọi hỏi răn đe giáo dục 1.116 đối tượng. Đồng thời,
thông qua tuyên truyền, vận động, nhân dân đã giao nộp cho cơ quan công an 12
khẩu súng, 88 viên đạn, 33 dao lê mã tấu, 36 hung khí tự tạo và cung cấp 3.015
nguồn tin liên quan về an ninh trật tự, giúp lực lượng công an xác minh làm rõ
377 vụ việc, bắt giữ 540 đối tượng.
Từ ngày 09 - 14/02/2013, ghi nhận 69
vụ phạm pháp hình sự, chủ yếu là thường án, không xảy ra án đặc biệt nghiêm
trọng. Tai nạn giao thông xảy ra 09 vụ từ ít nghiêm trọng trở
lên, làm 08 người chết, 03 người bị thương. Không có tai nạn giao thông đường
thủy, đường sắt.
Nhìn chung, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố trong dịp Tết Quý Tỵ 2013 được đảm bảo tuyệt đối an
toàn, không xảy ra đột biến bất ngờ (khủng bố phá hoại, rải tờ rơi, gây nổ, khiếu
kiện, đình lãn công...); các đối
tượng chính trị không có hoạt động phức tạp.
b) Về đảm bảo trật tự an toàn giao
thông:
- Các ngành chức năng tăng cường kiểm
tra, xác định những đoạn đường hư hỏng, lún sụp, ổ gà, những đoạn ngập nước,...
không đảm bảo an toàn giao thông, kịp thời duy tu, sửa chữa; các dự án đang thi
công dở dang, đã tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn
giao thông, nhanh chóng tái lập trả lại mặt đường, thu gọn
rào chắn và vệ sinh khu vực công trường.
- Tổ chức lực lượng điều tiết và chống
ùn tắc giao thông tại các khu vực thường xảy ra ùn tắc tại các cửa ngõ vào thành phố, khu Lễ hội, khu vui chơi, chợ đầu mối, các bến phà, các
vị trí có rào chắn thi công trên đường; kịp thời triển khai kế hoạch tổ chức
phân luồng giao thông phục vụ chương trình Tết, lễ hội.
Riêng đợt cao điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông dịp
Tết Dương lịch, Tết Nguyên Đán Quý Tỵ (từ 16/12/2012 - 15/01/2013) đã có sự
chuyển biến rõ nét, số vụ tai nạn giao thông và số người bị thương giảm; đã xảy
ra 458 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 66 người, bị thương 389 người,
so với thời gian liền kề giảm 17 vụ (-4%), tăng 3 người chết (+5%), giảm 82 người
bị thương (-13%).
Tính đến ngày 12/02/2013, không xảy
ra tình trạng ùn ứ giao thông. Đặc biệt các khu vực vui chơi,
giải trí tập trung đông người như Đường hoa Nguyễn Huệ,
Công viên Tao Đàn, Khu Du lịch Suối Tiên, Công viên Đầm Sen... trật tự an toàn
giao thông được đảm bảo; các tuyến Quốc lộ, trục đường chính lưu lượng người
tham gia lưu thông ít, giao thông thông thoáng.
- Thành phố tập trung đôn đốc các cơ
quan, đơn vị, đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành một số công trình trọng điểm
nhằm đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên Đán năm 2013 như:
thông xe cầu vượt bằng thép tại vòng xoay hàng xanh và ngã tư Thủ Đức; công
trình Nâng cấp, mở rộng đường dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (đoạn từ Lê Văn Sỹ
đến Nguyễn Hữu Cảnh); đường Bến Vân Đồn; đường Liên cảng
A5; cầu Băng Ky; xây dựng cầu vượt kết cấu bằng thép tại
Ngã tư Thủ Đức và Ngã tư Hàng Xanh; đường Tân Thới Nhất 15 kết nối ra đường
Phan Văn Hớn (quận 12); đường Nguyễn Thị Thập (đoạn từ Lê Văn Lương đến Huỳnh Tấn
Phát), đường An Phú Tây - Hưng Long (đoạn từ Ủy ban nhân dân xã An Phú Tây đến
Hương lộ 11); đường Tỉnh lộ 10 (đoạn từ cầu Xáng đến cầu Tân Tạo). Đồng thời tổ
chức khởi công xây dựng cầu vượt bằng thép tại vòng xoay Hoàng Văn Thụ - Trường
Sơn - Cộng Hòa, làm việc liên tục trong những ngày nghỉ
Tết.
Từ 31/01/2013 đến 12/02/2013, vận tải
hành khách liên tỉnh đạt 947.345 hành khách, với 37.932 lượt xe phục vụ, lượng
khách giảm 3% so với cùng kỳ. Trong đó: Bến xe Miền Đông giảm 6%; Bến xe Miền
Tây giảm 2%; Bến Xe An Sương tăng 11%; Bến xe Ngã Tư Ga tăng 1%; Bến xe quận 8
tăng 14%. Nhìn chung, lượng xe phục vụ vận tải hành khách liên tỉnh nhiều, thừa
khả năng phục vụ hành khách.
Vận tải hành khách công cộng đạt khoảng
1,185 triệu hành khách/ngày, tăng 2% so với cùng kỳ. Trong đó: xe buýt 648,5
nghìn hành khách/ngày, tăng 5,4%; taxi 540 nghìn hành khách/ngày, giảm 1,8% (do
số lượng taxi giảm khoảng 1.000 xe từ đầu năm 2013).
Vận tải đường thủy (09/02 -
11/02/2013) tại các bến phà tăng nhẹ so với năm 2012: Bến Cát Lái tăng 13,4%; Bến
Bình Khánh tăng 5,2%. Riêng Bến Tàu Cánh ngầm giảm 2%.
c) Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH Một thành viên đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt đầy đủ,
ổn định, trong những ngày trước, trong và sau Tết; tăng cường kiểm tra lấy mẫu
nước, phòng chống ô nhiễm nguồn nước; dự trù phương án huy động xe bồn, xà lan
cấp nước khi xảy ra sự cố mất nước cục bộ, chuẩn bị các biện pháp sửa chữa kịp
thời khi có sự cố đột xuất xảy ra; phối hợp với Sở Cảnh sát Phòng cháy và Chữa
cháy kiểm tra các trụ nước chữa cháy trên địa bàn thành phố, đảm bảo nước phục
vụ chữa cháy, nhất là các khu vực vui chơi, giải trí...
d) Ngành điện thành phố tăng cường kiểm
tra toàn bộ lưới điện; lập phương án cung cấp điện và tổ chức diễn tập khi có sự
cố xảy ra; chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, hệ thống thông tin liên lạc, máy
biến thế, máy phát dự phòng; tổ chức trực 24/24 giờ...đảm bảo cung cấp ổn định
điện năng phục vụ sinh hoạt của nhân dân thành phố trong dịp Tết.
e) Công tác vệ sinh môi trường được đảm
bảo trong dịp Tết. Vào những ngày cao điểm Tết, khối lượng rác tăng rất lớn, từ
05/02 - 09/02/2013 lượng rác thu gom xử lý là 46.725 tấn (Khu liên hợp xử lý chất
thải rắn Đa Phước, huyện Bình Chánh tiếp nhận xử lý 19.195 tấn; Khu Liên hợp xử
lý chất thải rắn Tây Bắc, huyện Củ Chi tiếp nhận xử lý 27.529 tấn).
g) Từ ngày 09 - 14/02/2013,
trên địa bàn thành phố xảy ra 04 vụ cháy (không tăng, không giảm), không có người
chết và bị thương (không tăng, không giảm); thiệt hại về tài sản ước tính khoảng
57 triệu đồng.
h) Các bệnh viện, trung tâm y tế bố trí đội ngũ y, bác sĩ trực cấp cứu
24/24, bảo đảm tốt việc cấp cứu, điều trị tại các bệnh viện
trong các ngày Tết phòng chống dịch bệnh. Sở Y tế phối hợp
với các sở - ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện,
xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm. Theo báo cáo của 59 bệnh
viện trực thuộc Sở Y tế, từ 09 - 14/02/2013 đã có: 55.998 lượt bệnh nhân khám
chữa bệnh; 11.764 lượt cấp cứu; nhập viện 8.123 trường hợp; tử vong 57 trường hợp.
5. Các hoạt động
đối ngoại đã góp phần tăng cường hình ảnh của đất nước và thành phố về sự năng
động, sáng tạo, đổi mới, thân thiện
a) Thành phố đã phối hợp với Liên hiệp
các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm nhân kỷ niệm 40 năm Ngày ký
kết hiệp định Paris. Tham dự buổi tọa đàm là những nhân chứng lịch sử Việt Nam
và 30 đại biểu quốc tế đã từng tham gia trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ
nói chung và sự kiện ký kết hiệp định Paris (27-1-1973) nói riêng.
b) Lãnh đạo thành phố đã tiếp các nhà
hoạt động vì hòa bình, cánh tả Mỹ do ông Frank Howard Joyce làm trưởng đoàn đến
thăm thành phố. Mục đích chuyến thăm của đoàn là tìm hiểu tình hình Việt Nam,
quan hệ Việt - Mỹ hiện nay và gặp gỡ một số nhà hoạt động hòa bình của Việt Nam
tham gia vào quá trình vận động, đàm phán và ký kết Hiệp định Paris về Việt
Nam. Lãnh đạo thành phố đã giới thiệu với đoàn về sự phát triển của thành phố Hồ
Chí Minh trong thời gian qua và khẳng định thành quả đạt được hôm nay có sự góp
sức của nhiều bạn bè trên thế giới và mong rằng trong thời gian tới, đoàn các
nhà hoạt động vì hòa bình, cánh tả Mỹ tiếp tục ủng hộ Việt Nam vì sự hòa bình
chung của nhân loại.
c) Đã tổ chức gặp gỡ các cơ quan đại
diện nước ngoài tại thành phố với sự tham dự của gần 190 đại biểu ngoại giao
đoàn và cơ quan. Tại buổi gặp gỡ, Ủy ban nhân dân thành phố đã thông tin tình
hình kinh tế - xã hội của thành phố trong năm 2012 và định hướng phát triển
kinh tế - xã hội thành phố trong năm 2013, mong muốn các cơ quan
nước ngoài tiếp tục thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại đầu tư.
Các hoạt động đối ngoại trên được bạn
bè quốc tế đánh giá cao, góp phần làm tăng thêm hình ảnh về một đất nước Việt
Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng về sự năng động, sáng tạo, đổi
mới, thân thiện.
d) Đã tổ chức đón tiếp kiều bào về
thăm quê hương nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc tại sân bay Tân Sơn Nhất; tạo
điều kiện thuận lợi cho kiều bào đăng ký lưu trú tại địa phương, hướng kiều bào
tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, chia sẻ cùng người
nghèo tại địa phương. Tổ chức họp mặt 800 kiều bào; thông tin về những thành tựu
kinh tế - xã hội thành phố đạt được trong năm 2012, giới
thiệu các công trình trọng điểm và định hướng phát triển của
thành phố trong năm 2013; đồng thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của kiều bào
đang sinh sống tại các quốc gia và vùng lãnh thổ; tổ chức biểu dương, khen thưởng
những cá nhân, tập thể, doanh nghiệp kiều bào đã có thành tích xuất sắc trong
năm 2012 nhằm động viên, phát huy ngày càng nhiều hơn nữa sự đóng
góp tự nguyện, chân tình của kiều bào; tổ chức thăm, khám bệnh, phát thuốc miễn
phí và tặng 500 phần quà Tết cho kiều bào nghèo đang sống ở Campuchia.
6. Thực hiện tốt
chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Thành phố đã chỉ đạo các cơ quan, đơn
vị chấp hành nghiêm chủ trương của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của
Ban Thường vụ Thành ủy về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; không tổ chức
các Đoàn đi thăm các tỉnh, thành phố như mọi năm, dành thời gian tập trung chăm
lo Tết cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu, có công với cách
mạng, các gia đình thuộc diện chính sách, lực lượng võ trang, đồng bào nghèo,... và tổ chức các hoạt động chăm lo cho đời sống vật
chất, tinh thần của nhân dân thành phố.
Nhiều đơn vị, địa phương tổ chức tổng
kết công tác năm đi vào thực chất, chú trọng nội dung, không tổ chức liên hoan,
chiêu đãi cuối năm; thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thường trực Thành ủy không
tổ chức các đoàn đại biểu đến chúc Tết Thường trực Thành ủy, Thường trực Hội đồng
nhân dân thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố.
7. Về dư luận và
tâm trạng xã hội trên địa bàn thành phố trong dịp Tết Quý Tỵ 2013
Nhân dân thành phố đón Tết Quý Tỵ
2013 trong không khí vui tươi, phấn khởi, an toàn và tiết
kiệm: vui mừng trước thành tựu của thành phố đạt được trong năm 2012; phấn khởi trước diện mạo của thành phố được đổi thay từng
ngày, đặc biệt là những công trình giao thông trọng điểm được khánh thành và
đưa vào sử dụng nhu cầu vượt Hàng Xanh, cầu vượt Thủ Đức
và một số công trình khác đang tiếp tục được thực hiện; xúc động trước sự quan
tâm, chăm lo của lãnh đạo thành phố và các ban ngành, đoàn thể đối với các đối
tượng chính sách, công nhân, sinh viên, người lao động, dân nghèo,...đã tác động
tốt, được dư luận nhân dân thành phố thừa nhận, phấn khởi trước những việc làm
trên; nhiều ý kiến cho rằng công tác chăm lo của các ngành, các cấp đã góp phần
tạo điều kiện để Tết đến với mọi người, mọi nhà, thể hiện sự quan tâm sâu sắc,
cũng là biểu hiện về sự chuyển biến tích cực trong việc thực hiện Nghị quyết Hội
nghị Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng.
Giá các mặt hàng thiết yếu trước, trong và sau Tết không có biến động lớn, hàng hóa phong phú, đa dạng, đáp
ứng được nhu cầu mua sắm của nhân dân; Chương trình bình ổn thị trường và công
tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được cơ quan chức năng chú trọng, đã tạo
được tâm lý an tâm cho người tiêu dùng, nên người tiêu dùng chủ yếu mua trong
siêu thị hoặc tại các điểm bán hàng lưu động do thành phố tổ chức.
Dư luận trong nhân dân đặc biệt hoan nghênh các cơ quan chức năng tổ chức các điểm bán lẻ đến tận các chợ truyền thống
với các mặt hàng bình ổn. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế khó khăn, nhất là đối
với những người có thu nhập thấp, công nhân trong các khu
công nghiệp, khu chế xuất nên sức mua giảm; mặt khác, do nhiều siêu thị kinh
doanh trở lại sớm (mùng 2 Tết) nên người dân không mua dự trữ các hàng hóa tiêu
dùng thiết yếu cho cả những ngày Tết; nhiều công nhân, sinh viên không về quê,
chọn đón tết tại thành phố để vừa có điều kiện làm thêm tăng thu nhập, tiết kiệm
tiền tàu, xe.
Việc thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW của
Ban Bí thư về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được các ngành,
các cấp quán triệt, góp phần làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu đúng,
thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.... Hạn
chế tối đa việc tặng quà trong dịp tết vừa qua, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy và kế
hoạch tổ chức các hoạt động mừng Xuân, mừng Đảng, các cấp, các ngành, các cơ
quan, đơn vị đã tổ chức nghiêm túc, trang trọng Lễ kỷ niệm
83 năm Ngày thành lập Đảng gắn với các hoạt động đón Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013
với tinh thần đầm ấm, vui tươi, lành mạnh, thiết thực, hướng về cơ sở. Trong
đó, nổi lên một số hoạt động nổi bật, thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ,
đảng viên và nhân dân như Lễ Kỷ niệm 83 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2013), Kỷ niệm 45 năm Cuộc Tổng tiến
công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968 - 2013), Lễ dâng hương
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Tôn Đức Thắng; khai mạc triển lãm “Mừng Xuân
Quý Tỵ - Mừng Đảng quang vinh”; Đường hoa Nguyễn Huệ 2013; Hội Hoa Xuân Quý Tỵ
2013; Lễ hội Đường sách 2013; Lễ hội Thành phố Hồ Chí Minh đón chào năm mới
2013; tổ chức bắn pháo hoa nghệ thuật dài 15 phút ngay thời khắc giao thừa...
Các ấn phẩm Xuân 2013 của các cơ quan
báo chí có nội dung phong phú, nhiều bài đặc sắc, thể hiện theo từng chủ đề, tập
trung vào đúng đối tượng phục vụ của báo: hầu hết đều dành chuyên trang phản ánh tình cảm của đất liền với quân và
dân Trường Sa, không khí đón xuân ở Trường Sa; tập trung nhiều sáng tác, bài viết
đi tìm đặc trưng văn hóa Tết Việt Nam qua trang phục, ẩm thực, thói quen, cổ vật...
Các Báo, Đài cập nhật liên tục hoạt động của lãnh đạo các cấp; tình hình thời sự
trong ngày; không khí vui xuân của nhân dân; phát sóng nhiều
phim truyện, kịch nói, ca nhạc để đáp ứng nhu cầu nhân dân... đã có tác động
tích cực đến suy nghĩ và hành động của nhân dân thành phố. Nhiều bút ký, hồi ức,
bài viết phân tích về Đảng, Bác Hồ, về sự kiện lịch sử không thể nào quên trên
các báo xuân có giá trị giáo dục cao.
III. Nhận xét,
đánh giá
1. Những mặt mạnh
Rút kinh nghiệm về việc tổ chức, chăm
lo tết các năm trước đây, đặc biệt trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội
thành phố còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong năm
2012; lãnh đạo thành phố đã tập trung chỉ đạo, chủ động giao nhiệm vụ từ Quý
III năm 2012, các ngành các cấp đã nỗ lực thực hiện, vừa tập
trung hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, vừa tổ chức
các hoạt động chăm lo tết cho nhân dân, đạt được một số kết quả nổi bật như
sau:
a) Thành phố đã tổ chức và chăm lo Tết
cổ truyền Quý Tỵ 2013 đúng với tinh thần “Tết vui tươi, đoàn kết, lành mạnh, tiết
kiệm, an toàn”, đảm bảo Tết đến mọi nhà, mọi người, góp phần củng cố niềm tin của
các tầng lớp nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, tin vào sự phát triển đi
lên của đất nước và thành phố. Càng gặp nhiều khó khăn, thách thức, Đảng bộ,
chính quyền và nhân dân thành phố càng thể hiện rõ nét sự
năng động, sáng tạo, đoàn kết, nghĩa tình.
b) Thành phố đã tập trung chỉ đạo
chăm lo chu đáo đời sống vật chất và văn hóa cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt
chăm lo diện gia đình chính sách, dân nghèo, công nhân, sinh viên không có điều
kiện về quê ăn Tết, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, cán bộ
chiến sĩ ở Trường Sa, các đơn vị tham gia truy quét tội phạm, các đơn vị phục vụ
tết... kịp thời, đúng đối tượng, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng; hệ thống
chính trị, các doanh nghiệp và toàn thể nhân dân trên địa
bàn thành phố cùng chung tay chăm lo để Tết đến với mọi nhà, mọi người; thể hiện
truyền thống tốt đẹp “nhường cơm xẻ áo”, mang đậm tính nhân văn sâu sắc (tổng số
tiền các ban, ngành đoàn thể và các doanh nghiệp chăm lo
cho nhân dân trong dịp Tết Quý Tỵ 2013 chiếm 72,9% tổng kinh phí chăm lo tết, cao hơn nhiều so với Tết Nhâm Thìn 2012). Các hoạt động văn
hóa nghệ thuật, vui chơi giải trí phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu vui xuân
của nhân dân. Cơ sở hạ tầng, phương tiện vận chuyển, điện, nước được đảm bảo,
phục vụ nhu cầu sinh hoạt, đi lại của nhân dân thành phố trong dịp Tết.
Sự phối hợp của các ngành, các cấp trong công tác chăm lo Tết cho
nhân dân ngày càng nhịp nhàng, đồng bộ và chặt chẽ nên đạt hiệu quả cao hơn.
c) Thành phố đã tập trung quyết liệt
các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa, bình ổn thị trường
và phục vụ Tết Quý Tỵ 2013, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân
thành phố trước, trong và sau Tết, không để xảy ra tình trạng “thiếu hàng sốt giá”, nhất là lương thực, thực phẩm thiết yếu, gắn với
việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng
hàng Việt Nam”; tăng cường công tác quản lý giá cả, thị trường, dịch bệnh, vệ
sinh an toàn thực phẩm. Lượng hàng hóa phục vụ Tết năm nay dồi dào, phong phú,
đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân thành phố và khu vực với giá cả những mặt
hàng thiết yếu ổn định, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
d) Tình hình an ninh chính trị, trật
tự an toàn xã hội được đảm bảo. Các cơ quan, đơn vị đều thực hiện tốt kế hoạch
trực Tết, chế độ thông tin báo cáo. Tình hình đình công, lãn công trong dịp tết
giảm, không xảy ra trường hợp tai
nạn do pháo và các chất nổ khác, không có tình trạng tụ tập đua xe trái phép và
ý thức tôn trọng chấp hành luật giao thông được nâng cao đã góp phần làm cho
nhân dân yên tâm vui Tết.
2. Hạn chế, thiếu sót
- Một số quận - huyện chưa quản lý chặt
chẽ địa bàn, vẫn còn hiện tượng mua bán, lấn chiếm vỉa hè, giữ xe quá giá quy định.
- Trong những ngày Tết, số vụ phạm
pháp hình sự và tai nạn giao thông ở một số khu vực vẫn còn cao; số lượt người
khám chữa bệnh, cấp cứu, số người tử vong tại các bệnh viện tăng đáng kể
(nguyên nhân là do thời tiết; sử dụng rượu bia nhiều; tai
nạn giao thông...).
IV. Một số kinh
nghiệm cần tiếp tục phát huy trong chỉ đạo tổ chức chăm lo Tết Nguyên đán Quý Tỵ
2013
1. Thành
phố đã chủ động sớm xây dựng kế hoạch tổ chức và chăm lo Tết; phân công, phân
nhiệm cụ thể, rõ ràng cho từng sở - ban - ngành, quận - huyện; thường xuyên
theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tiến độ thực hiện, đảm bảo công tác phối hợp đồng bộ,
nhịp nhàng, chặt chẽ, thực hiện đúng kế hoạch; linh hoạt trong xử lý các tình
huống phát sinh, kịp thời giải quyết nhu cầu nguyện vọng chính đáng của nhân
dân.
2. Phát
huy sự chủ động tích cực của phường, xã, thị trấn, của cấp ủy và chính quyền địa
phương, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các ngành,
các cấp và các doanh nghiệp nhằm huy động đối đa các nguồn lực xã hội chăm lo Tết
cho các tầng lớp nhân dân, nhất là gia đình chính sách, đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, hộ nghèo, bà con ở các khu tái định cư,
công nhân lao động, sinh viên học sinh, chiến sĩ ở biên giới, hải đảo, bà con việt kiều nghèo ở Campuchia... Đặc biệt là các chương
trình lễ hội, văn hóa nghệ thuật tiếp tục hướng về cơ sở, ở
các huyện ngoại thành và quận ven, các khu công nghiệp và khu chế xuất, vùng
căn cứ kháng chiến cũ... nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
3. Mỗi
năm thành phố phải xác định sớm các nội dung, chủ đề mới mang nhiều ý nghĩa thiết
thực nhằm phục vụ tốt nhất đời sống và văn hóa của nhân dân, chủ động triển
khai thực hiện ngay từ đầu năm.
4. Tăng
cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về tinh thần trách nhiệm của
các ngành, các cấp, cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ trong việc tổ chức, phục vụ nhân dân thành phố đón Tết an bình, phấn khởi.
5. Tập
trung chỉ đạo các hoạt động sản xuất kinh doanh trước và ngay sau tết, phấn đấu
đạt mức cao nhất, tạo đà phát triển ngay từ những tháng đầu năm 2013./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Chính Phủ (HN và Tp.HCM);
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Công Thương;
- Bộ Tài chính;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND thành phố;
- Thường trực UBND thành phố;
- Các Sở, ban, ngành;
- Ủy ban nhân dân các quận, huyện;
- Các Tổng Công ty, Doanh nghiệp trực thuộc TP;
- VPUB: CPVP;
- Phòng TCTMDV, THKH (5b);
- Lưu: VT, (THKH/NTn).
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Hứa Ngọc Thuận
|