ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 44/2018/QĐ-UBND
|
Hà Tĩnh, ngày 27 tháng 11 năm 2018
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ
CHỨC CỦA SỞ GIAO THÔNG VẬN TẢI
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ TĨNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy
phạm pháp luật ngày 22/6/2015;
Căn cứ Nghị định số 24/2014/NĐ-CP
ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy
ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Căn cứ Thông tư liên tịch số
42/2015/TTLT-BGTVT-BNV ngày 14/8/2015 của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Nội vụ hướng
dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về
Giao thông vận tải thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương và Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành
phố thuộc tỉnh;
Xét đề nghị của Sở Giao thông vận
tải tại Văn bản số 2689/TTr-SGTVT ngay 27/9/2018, Sở
Nội vụ tại Văn bản số 1397/SNV-TCBC ngày 13/11/2018; ý kiến thẩm định của Sở Tư
pháp tại Văn bản số 446/BC-STP ngày 10/10/2018.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Giao thông Vận tải.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày
15/12/2018; thay thế Quyết định số 15/2009/QĐ-UBND ngày 04/6/2009 và Quyết định
số 1041/QĐ-UBND ngày 13/4/2010 của UBND tỉnh.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc
các Sở: Giao thông Vận tải, Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Chủ tịch
UBND các huyện, thành phố, thị xã và Thủ trưởng các cơ quan liên quan căn cứ
Quyết định thi hành./.
Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Bộ Giao thông vận tải;
- Cục Kiểm tra VBQPPL, Bộ Tư pháp;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Ban Tổ chức Tỉnh ủy;
- Sở Tư pháp;
- Trung tâm CBTH;
- Lưu: VT, GT, NC1.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Đặng Quốc Khánh
|
QUY ĐỊNH
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA SỞ GIAO THÔNG VẬN
TẢI
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 44/2018/QĐ-UBND ngày 27 tháng 11 năm 2018 của UBND tỉnh Hà Tĩnh)
Điều 1. Vị trí
và chức năng
1. Sở Giao thông Vận tải (sau đây gọi
tắt là Sở) là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, có chức năng tham mưu,
giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Đường bộ, đường thủy nội
địa, đường sắt đô thị; vận tải; an toàn giao thông; quản lý, khai thác, duy tu,
bảo trì hạ tầng giao thông đô thị gồm: Cầu đường bộ, cầu vượt, hè phố, đường phố, dải phân cách, hệ thống biển báo hiệu đường
bộ, đèn tín hiệu điều khiển giao thông, hầm giành cho người
đi bộ, hầm cơ giới đường bộ, cầu giành cho người đi bộ, bến
xe, bãi đỗ xe trên địa bàn.
2. Sở Giao thông Vận tải có tư cách
pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức,
biên chế và công tác của UBND tỉnh; đồng thời chịu sự chỉ đạo,
hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của
Bộ Giao thông Vận tải.
Điều 2. Nhiệm vụ
và quyền hạn
1. Trình Ủy ban nhân dân tỉnh:
a) Dự thảo quyết định, chỉ thị; các
biện pháp tổ chức thực hiện cải cách hành chính và các văn bản khác thuộc thẩm
quyền ban hành của UBND tỉnh về giao thông vận tải;
b) Dự thảo quy hoạch, kế hoạch 05
năm, hàng năm, chương trình, dự án về giao thông vận tải;
c) Các dự án đầu tư về giao thông vận
tải thuộc thẩm quyền quyết định của UBND tỉnh;
d) Dự thảo văn bản quy định cụ thể chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở;
đ) Phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo quy định về
tiêu chuẩn chức danh Trưởng, Phó
Trưởng Phòng Quản lý đô thị hoặc Phòng Kinh tế hạ tầng thuộc UBND
huyện, thành phố, thị xã (sau đây gọi là UBND cấp huyện)
trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý.
2. Trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh:
a) Dự thảo quyết định, chỉ thị cá biệt
thuộc thẩm quyền ban hành của Chủ tịch UBND tỉnh về giao thông vận tải;
b) Dự thảo quyết định thành lập, tổ
chức lại, giải thể các tổ chức, đơn vị thuộc Sở theo quy định của pháp luật; phối
hợp với Sở Nội vụ trình dự thảo quyết định xếp hạng các đơn vị sự nghiệp, dịch
vụ công lập do Sở quản lý theo hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Nội vụ.
3. Tổ chức thực hiện các văn bản quy
phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án, tiêu chuẩn,
quy chuẩn kỹ thuật và định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực giao thông vận
tải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc phê duyệt; thông tin,
tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, theo dõi thi hành pháp luật về các lĩnh vực
thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao.
4. Về kết cấu hạ tầng giao thông:
a) Tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền
hạn của cơ quan quyết định đầu tư, chủ đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng
kết cấu hạ tầng giao thông theo phân cấp của tỉnh;
b) Tổ chức quản lý, bảo trì, bảo đảm
tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mạng lưới công trình giao thông đường bộ, đường
sắt đô thị, đường thủy nội địa địa phương đang khai thác thuộc trách nhiệm của
tỉnh quản lý hoặc được ủy thác quản lý;
c) Thực hiện các biện pháp bảo vệ
hành lang an toàn giao thông và công trình giao thông trên địa bàn theo quy định
của pháp luật, hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải và các
cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành;
d) Trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định:
Phân loại đường thủy nội địa; công bố luồng, tuyến đường thủy nội địa theo thẩm
quyền; phân cấp cho UBND cấp huyện cấp Giấy phép hoạt động bến thủy nội địa, Giấy
phép hoạt động bến khách ngang sông theo quy định của pháp luật. Chấp thuận chủ
trương xây dựng cảng, bến thủy nội địa; công bố cảng thủy nội địa; cấp giấy
phép hoạt động bến thủy nội địa theo thẩm quyền.
đ) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu, giúp UBND tỉnh quyết định phân loại, phân cấp
và điều chỉnh hệ thống đường tỉnh, các đường khác theo quy định của pháp luật và phân cấp của UBND tỉnh;
e) Thiết lập và quản lý hệ thống báo
hiệu đường bộ, đường thủy nội địa địa phương, đường sắt đô thị trong phạm vi quản
lý;
g) Có ý kiến đối với các dự án xây dựng
công trình trên đường bộ, đường thủy nội địa địa phương và tuyến chuyên dùng nối với tuyến đường thủy nội địa địa phương theo quy định;
cấp phép thi công trên các tuyến đường bộ, đường thủy nội địa đang khai thác do
địa phương quản lý hoặc Trung ương ủy thác quản lý;
h) Tổ chức thực thi các nhiệm vụ, quyền
hạn quản lý nhà nước tại bến xe ô tô, bãi đỗ xe, nhà ga đường sắt đô thị, trạm
dừng nghỉ và cảng, bến thủy nội địa trên các tuyến đường bộ, đường thủy nội địa
do địa phương quản lý.
5. Về phương tiện và người điều khiển
phương tiện giao thông; phương tiện, thiết bị xếp dỡ, thi công chuyên dùng
trong giao thông vận tải (trừ phương tiện phục vụ vào mục đích quốc phòng, an
ninh và tàu cá) và trang bị, thiết bị kỹ thuật chuyên
ngành giao thông vận tải:
a) Tổ chức thực hiện việc đăng ký
phương tiện giao thông đường thủy nội địa; đăng ký cấp biển số cho xe máy
chuyên dùng của tổ chức và cá nhân ở địa phương theo quy định của pháp luật và
phân cấp của Bộ Giao thông Vận tải;
b) Thực hiện vai trò quản lý nhà nước về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường
đối với phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy nội địa
theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ Giao thông Vận tải;
c) Thẩm định thiết kế kỹ thuật trong sửa chữa, hoán cải phương tiện giao thông, phương tiện, thiết
bị xếp dỡ, thi công chuyên dùng trong giao thông vận tải đường bộ, đường thủy nội
địa theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ Giao thông Vận tải;
d) Tổ chức sát hạch, cấp, đổi, thu hồi
giấy phép lái xe cơ giới đường bộ; cấp giấy chứng nhận
giáo viên dạy thực hành lái xe, cấp giấy phép xe tập lái của các cơ sở đào tạo
lái xe trên địa bàn; cấp, thu hồi giấy phép và quản lý việc đào tạo lái xe đối
với các cơ sở đào tạo lái xe trên địa bàn theo quy định của pháp luật và phân cấp
của Bộ Giao thông Vận tải;
đ) Tổ chức thi, ra quyết định công nhận
kết quả thi, cấp, cấp lại, chuyển đổi Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn trên
phương tiện thủy nội địa; tổ chức kiểm tra, ra quyết định công nhận kết quả kiểm
tra, cấp, cấp lại chứng chỉ nghiệp vụ và chứng chỉ huấn
luyện an toàn cơ bản đường thủy nội địa; tổ chức cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng
nhận cơ sở đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên, người lái
phương tiện thủy nội địa theo phân cấp của Bộ Giao thông Vận tải; quản lý công
tác đào tạo cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng
chỉ chuyên môn thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa và đảm nhiệm chức
danh thuyền viên phương tiện thủy nội địa theo phân cấp của Bộ Giao thông Vận tải.
6. Về vận tải:
a) Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ
quan liên quan triển khai thực hiện quy hoạch, các chính sách phát triển vận tải
hành khách công cộng theo quy định của UBND tỉnh;
b) Tổ chức thực hiện việc quản lý vận
tải đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt đô thị trên địa bàn theo quy định;
cấp phép kinh doanh vận tải ô tô cho đơn vị vận tải; cấp phép vận tải quốc tế,
cấp phép lưu hành đặc biệt cho phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo quy
định của pháp luật và phân cấp của Bộ Giao thông Vận tải;
c) Hướng dẫn, kiểm tra xây dựng và
công bố bến xe, trạm dừng nghỉ, điểm đổ xe taxi, điểm đón, trả khách trên địa bàn theo quy hoạch được phê duyệt; quản lý các tuyến vận
tải hành khách; việc tổ chức quản lý dịch vụ vận tải hành khách trên địa bàn;
d) Quyết định theo thẩm quyền việc chấp
thuận cho tổ chức, cá nhân vận tải hành khách trên tuyến cố
định đường bộ và đường thủy nội địa theo quy định.
7. Về an toàn giao thông:
a) Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ
quan liên quan triển khai thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không xảy ra trên địa bàn theo
quy định của pháp luật và phân công của UBND tỉnh; phối hợp xử lý tai nạn giao
thông trên địa bàn khi có yêu cầu;
b) Tổ chức thực hiện các biện pháp
phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, ngăn chặn và xử
lý các hành vi xâm phạm công trình giao thông, lấn chiếm
hành lang an toàn giao thông;
c) Là cơ quan thường trực của Ban An
toàn giao thông tỉnh theo phân công của UBND tỉnh;
d) Thẩm định an toàn giao thông theo quy
định của pháp luật và phân cấp của Bộ Giao thông vận tải, của UBND tỉnh;
đ) Trình UBND tỉnh ban hành quy định
về tổ chức giao thông trên mạng lưới giao thông đường bộ thuộc phạm vi quản lý
của địa phương theo quy định của pháp luật.
8. Tổ chức thực hiện các quy định của
pháp luật về bảo vệ môi trường trong giao thông vận tải thuộc phạm vi quản lý
nhà nước của Sở theo quy định của pháp luật.
9. Giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước đối
với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân; hướng dẫn, kiểm
tra hoạt động đối với các hội và tổ chức phi chính phủ thuộc
lĩnh vực quản lý của Sở theo quy định của pháp luật.
10. Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về
giao thông vận tải đối với cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện.
11. Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện
cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc quyền quản
lý của Sở theo phân cấp của UBND tỉnh và quy định của pháp luật.
12. Thực hiện hợp tác quốc tế trong
lĩnh vực giao thông vận tải theo quy định của pháp luật và phân công hoặc ủy
quyền của UBND tỉnh;
13. Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng tiến
bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ; chủ trì hoặc tham gia thẩm định, đánh giá
các đề tài nghiên cứu, đề án, dự án ứng dụng tiến bộ công nghệ có liên quan đến
giao thông vận tải trên địa bàn.
14. Thanh tra, kiểm tra và xử lý các
hành vi vi phạm pháp luật về giao thông vận tải đường bộ, đường thủy nội địa,
đường sắt đô thị và bảo vệ công trình giao thông, bảo vệ hành lang an toàn giao
thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh trong phạm vi nhiệm
vụ được giao; quản lý các Trạm kiểm soát tải trọng xe đặt trên các đoạn, tuyến
đường bộ được giao quản lý hoặc ủy thác quản lý để thu thập số liệu phục vụ
công tác quản lý và xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; giải
quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật và
theo sự phân công hoặc ủy quyền của UBND tỉnh.
15. Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn của Văn phòng, Thanh tra, các phòng chuyên môn, nghiệp vụ và các đơn vị sự
nghiệp thuộc Sở, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở theo hướng dẫn
của Bộ Giao thông Vận tải, quy định của pháp luật và UBND tỉnh.
16. Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế
công chức, cơ cấu ngạch công chức, vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức
danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập;
thực hiện chế độ tiền lương và các chính sách, chế độ đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng,
khen thưởng, kỷ luật đối với công chức, viên chức và lao động thuộc phạm vi quản
lý của Sở theo quy định của pháp luật và phân cấp của UBND tỉnh.
17. Quản lý và chịu trách nhiệm về
tài chính, tài sản được giao theo quy định của pháp luật và theo sự phân công,
phân cấp hoặc ủy quyền của UBND tỉnh.
18. Triển khai các biện pháp tổ chức
thực hiện cải cách hành chính về giao thông vận tải thuộc phạm vi quản lý nhà
nước của Sở theo phân cấp của UBND tỉnh.
19. Tổ chức xây dựng hệ thống thông
tin, lưu trữ phục vụ công tác quản lý nhà nước và chuyên môn nghiệp vụ của Sở.
20. Thực hiện công tác thông tin, báo
cáo định kỳ và đột xuất về tình hình thực hiện nhiệm vụ được
giao với UBND tỉnh và Bộ Giao thông Vận tải.
21. Thực hiện một số nhiệm vụ khác do
UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao và theo quy định của pháp luật.
Điều 3. Cơ cấu tổ
chức bộ máy
1. Lãnh đạo Sở:
a) Sở Giao thông vận tải có Giám đốc
và không quá 03 Phó Giám đốc.
b) Giám đốc Sở là người đứng đầu Sở,
chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và
trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Sở; chịu trách nhiệm báo cáo công tác trước
HĐND tỉnh, UBND tỉnh và Bộ Giao thông Vận tải theo quy định;
c) Phó Giám đốc Sở là người giúp Giám
đốc Sở, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở và trước pháp luật về nhiệm vụ được
phân công; khi Giám đốc Sở vắng mặt, một Phó Giám đốc Sở được Giám đốc Sở ủy
quyền điều hành các hoạt động của Sở;
d) Việc bổ nhiệm Giám đốc và Phó Giám
đốc Sở do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ
do Bộ Giao thông Vận tải ban hành và theo quy định của pháp luật. Việc miễn nhiệm,
điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, cho từ chức và thực hiện các chế
độ, chính sách đối với Giám đốc và Phó Giám đốc Sở do Chủ tịch UBND tỉnh quyết
định theo quy định của pháp luật.
2. Cơ cấu tổ chức:
a) Các phòng chuyên môn thuộc Sở:
- Văn phòng;
- Thanh tra;
- Phòng Kế hoạch - Tài chính;
- Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng và an
toàn giao thông;
- Phòng Quản lý vận tải, phương tiện
và người lái;
- Phòng Quản lý chất lượng công trình
giao thông.
b) Các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở:
- Trung tâm Tư vấn
kỹ thuật giao thông Hà Tĩnh.
- Ban Quản lý Bến xe khách Hà Tĩnh.
Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn
nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, cho từ chức
và thực hiện chế độ, chính sách đối với trưởng, phó các phòng chuyên môn thuộc
Sở; Giám đốc, Phó Giám đốc các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở thực hiện theo
quy định của pháp luật và phân cấp quản lý của UBND tỉnh.
3. Biên chế:
a) Biên chế công chức, số lượng người
làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập của Sở Giao thông Vận tải được
giao trên cơ sở vị trí việc làm, gắn với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động
và nằm trong tổng biên chế công chức, số lượng người làm việc trong các cơ
quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh được cấp có thẩm
quyền giao hoặc phê duyệt.
b) Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu
tổ chức và danh mục vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp được cấp
có thẩm quyền phê duyệt; hàng năm Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Sở
Nội vụ xây dựng kế hoạch biên chế công chức, số lượng người
làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập trình Ủy ban nhân dân tỉnh để
trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật bảo đảm
thực hiện nhiệm vụ được giao.
Điều 4. Tổ chức
thực hiện
1. Giao Giám đốc Sở Giao thông Vận tải
ban hành chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và quy định trách nhiệm của người đứng
đầu, cấp phó của người đứng đầu các tổ chức, các phòng chuyên môn, các đơn vị sự
nghiệp trực thuộc theo quy định của pháp luật sau khi có ý kiến thẩm định bằng
văn bản của Sở Nội vụ; ban hành quy chế làm việc của cơ quan; phân công, bố
trí, sắp xếp hợp lý đội ngũ công chức, viên chức, lao động đúng cơ cấu, đảm bảo
tiêu chuẩn ngạch và khung năng lực theo từng vị trí việc làm để hoàn thành tốt
các nhiệm vụ được giao.
2. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ
trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nội vụ và các cơ quan liên quan theo dõi,
đánh giá, hướng dẫn Sở Giao thông Vận tải thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động của các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở đảm bảo theo đúng lộ
trình và các quy định của pháp luật.
3. Trong quá trình thực hiện, trường
hợp có khó khăn, vướng mắc hoặc phát sinh những vấn đề cần bổ sung, sửa đổi cho
phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Sở Nội vụ thống
nhất trình UBND tỉnh xem xét, quyết định./.