ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 4067/KH-UBND
|
Bình Thuận, ngày
27 tháng 10 năm 2021
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 1246/QĐ-TTG NGÀY 19/7/2021 CỦA THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN KIẾN TRÚC VIỆT NAM ĐẾN NĂM
2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
Căn cứ Luật Kiến trúc ngày 13
tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số
85/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số
điều của Luật Kiến trúc;
Căn cứ Quyết định số
1246/QĐ-TTg ngày 19 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Định hướng
phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế
hoạch thực hiện Quyết định số 1246/QĐ-TTg ngày 19 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm
nhìn đến năm 2050 với các nội dung cụ thể như sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát: Tiếp
tục xây dựng phát triển kiến trúc hiện đại, bền vững, giàu bản sắc, đáp ứng kịp
thời yêu cầu phát triển văn hóa trở thành nền tảng tinh thần trong công cuộc đổi
mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, gắn với bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
2. Mục tiêu cụ thể:
- Đến năm 2025, các đô thị trên
địa bàn tỉnh Bình Thuận (14 đô thị) hoàn thành xây dựng Quy chế quản lý kiến
trúc đô thị.
- Đến năm 2030 cơ bản hoàn
thành Quy chế kiến trúc điểm dân cư nông thôn (Quy chế quản lý kiến trúc điểm dân
cư nông thôn được lập riêng hoặc được tích hợp nội dung vào đồ án quy hoạch
chung xây dựng xã theo quy định tại Nghị định số 85/2020/NĐ-CP 17/7/2020 của
Chính phủ).
- Bảo tồn, kế thừa và phát huy
các giá trị kiến trúc truyền thống; phấn đấu đến năm 2025, các địa phương hoàn
thành việc xây dựng Danh mục công trình kiến trúc có giá trị.
- Các công trình kiến trúc bảo
đảm tiêu chí về bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái; sử dụng hợp lý tài
nguyên thiên nhiên, đất đai, tiết kiệm năng lượng; có giải pháp phòng chống
thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
II. PHÂN
CÔNG THỰC HIỆN
1. Sở Xây dựng:
- Chủ trì tham mưu Ủy ban nhân
dân tỉnh ban hành quy định phân cấp về công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản
lý quy chế quản lý kiến trúc; quy định phân cấp về công tác lập, điều chỉnh
danh mục công trình kiến trúc có giá trị.
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh
thành lập Hội đồng tư vấn về kiến trúc cấp tỉnh khi cần thiết để tư vấn cho Chủ
tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về lĩnh vực kiến trúc và kiến trúc của một số công
trình quan trọng, công trình kiến trúc có giá trị trên địa bàn tỉnh; Hội đồng
thẩm định danh mục công trình kiến trúc có giá trị; Hội đồng thẩm định quy chế
quản lý kiến trúc. Tổ chức thẩm định và báo cáo thẩm định quy chế quản lý kiến
trúc trình phê duyệt (theo phân cấp).
- Hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp
huyện trong việc tổ chức lập quy chế quản lý kiến trúc và công tác lập danh mục
công trình kiến trúc có giá trị; thẩm định, phê duyệt quy chế quản lý kiến trúc
(theo phân cấp).
- Thực hiện quản lý nhà nước về
hoạt động kiến trúc; tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm
pháp luật trong hoạt động kiến trúc.
- Tổ chức rà soát đánh giá quy
chế quản lý kiến trúc, định kỳ 5 năm hoặc đột xuất để xem xét điều chỉnh quy chế
quản lý kiến trúc.
- Thực hiện và phối hợp với các
bộ, cơ quan ngang bộ tổ chức triển khai thực hiện, theo dõi, kiểm tra và giám
sát chất lượng kiến trúc trong dự án đầu tư xây dựng.
- Tuyên truyền, truyền thông về
kiến trúc nhằm nâng cao nhận thức thẩm mỹ kiến trúc của cộng đồng; đẩy mạnh sự
tham gia của cộng đồng trong các hoạt động kiến trúc.
- Định kỳ đánh giá hằng năm, sơ
kết 5 năm, tổng kết 10 năm tình hình thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động kiến
trúc, báo cáo Bộ Xây dựng.
2. Sở Văn
hóa, Thể thao và Du lịch:
- Hướng dẫn việc bảo tồn phát
huy giá trị các công trình kiến trúc hoặc quần thể kiến trúc có giá trị tiêu biểu
về kiến trúc.
- Phối hợp với cơ quan lập công
trình kiến trúc có giá trị theo phân cấp trong việc đánh giá hồ sơ tư liệu công
trình kiến trúc để lập danh mục công trình kiến trúc có giá trị, trình phê duyệt
theo quy định.
- Thực hiện chức năng quản lý
(theo thẩm quyền) đối với công trình kiến trúc có giá trị đã được xếp hạng di
tích lịch sử - văn hóa theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Cung cấp
thông tin, danh mục công trình kiến trúc có giá trị đã được xếp hạng di tích lịch
sử - văn hóa trên địa bàn đến cơ quan, ban, ngành có liên quan để phối hợp thực
hiện các chức năng quản lý ngành theo quy định.
3. Sở Khoa
học và Công nghệ: Phối hợp với các viện, trường, các tổ chức, cá
nhân trong và ngoài tỉnh tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đặt hàng thực hiện các
nhiệm vụ khoa học công nghệ liên quan đến lĩnh vực kiến trúc; ưu tiên các nhiệm
vụ nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ, chuyển đổi số vào trong quản
lý và phát triển hoạt động kiến trúc đảm bảo phát triển kiến trúc bền vững,
thích ứng với biến đổi khí hậu.
4. Sở Thông
tin và Truyền thông: Thực hiện công tác tuyên truyền giáo dục
nghệ thuật, thẩm mỹ kiến trúc cho cộng đồng xã hội.
5. Sở Tài chính:
Trên cơ sở đề xuất của các đơn vị, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí nguồn
chi thường xuyên cho các đơn vị khối tỉnh tổ chức thực hiện công tác lập và tổ
chức thực hiện quy chế quản lý kiến trúc, công tác lập, phân loại và quản lý
danh mục công trình kiến trúc có giá trị theo quy định của pháp luật về Ngân
sách nhà nước và phù hợp với khả năng ngân sách địa phương.
6. Các sở,
ngành liên quan khác: Phối hợp Sở Xây dựng tổ chức triển khai thực
hiện kế hoạch, tham gia kiểm tra, giám sát và đôn đốc thực hiện theo phạm vi chức
năng, nhiệm vụ.
7. Ủy ban
nhân dân các huyện, thị xã La Gi, thành phố Phan Thiết:
- Tổ chức lập, điều chỉnh quy
chế quản lý kiến trúc đô thị và quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông
thôn; tổ chức lập, điều chỉnh danh mục công trình kiến trúc có giá trị. Tổ chức
thẩm định và phê duyệt quy chế quản lý kiến trúc (theo phân cấp) theo quy định.
- Thực hiện quản lý nhà nước về
hoạt động đầu tư xây dựng, hoạt động kiến trúc trên địa bàn theo phân cấp; xử
lý hoặc đề xuất xử lý cương quyết và dứt điểm theo thẩm quyền các trường hợp vi
phạm trật tự xây dựng (khởi công xây dựng công trình khi chưa đủ điều kiện khởi
công; xây dựng công trình trong khu vực cấm xây dựng; xây dựng công trình lấn
chiếm hành lang bảo vệ công trình quốc phòng, an ninh, giao thông, thủy lợi, đê
điều, năng lượng, khu di tích lịch sử - văn hóa và khu vực bảo vệ công trình
khác theo quy định của pháp luật; xây dựng công trình ở khu vực đã được cảnh
báo về nguy cơ lở đất, lũ quét, lũ ống, trừ công trình xây dựng để khắc phục những
hiện tượng này; xây dựng công trình không đúng quy hoạch xây dựng, trừ trường hợp
có giấy phép xây dựng có thời hạn; vi phạm chỉ giới xây dựng, cốt xây dựng; xây
dựng công trình không đúng với giấy phép xây dựng được cấp; xây dựng công trình
không tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được lựa chọn áp dụng cho công
trình; sử dụng công trình không đúng với mục đích, công năng sử dụng; xây dựng
cơi nới, lấn chiếm diện tích, lấn chiếm không gian đang được quản lý, sử dụng hợp
pháp của tổ chức, cá nhân khác và của khu vực công cộng, khu vực sử dụng
chung).
- Công bố các quy chế quản lý
kiến trúc (chậm nhất 15 ngày kể từ ngày quy chế quản lý kiến trúc được ban
hành, toàn bộ nội dung của quy chế phải được công bố công khai, trừ những nội
dung liên quan đến bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật
nhà nước).
- Tăng cường công tác tuyên
truyền, cung cấp thông tin, vận động nhân dân tham gia giám sát việc triển khai
thực hiện quy chế quản lý kiến trúc, quản lý danh mục công trình kiến trúc có
giá trị.
- Xây dựng kế hoạch, lộ trình
thực hiện lập các quy chế quản lý kiến trúc và danh mục công trình kiến trúc có
giá trị đảm bảo thời gian theo quy định; chủ động bố trí kinh phí địa phương
theo phân cấp để thực hiện các hoạt động, nhiệm vụ của Kế hoạch được giao theo
quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
- Định kỳ đánh giá hằng năm, sơ
kết 5 năm, tổng kết 10 năm tình hình thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động kiến
trúc, định hướng phát triển kiến trúc báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở
Xây dựng).
III. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
- Yêu cầu các sở, ban, ngành
liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ nội dung Kế hoạch
này xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện ở cơ quan, đơn vị, địa phương
mình; trong đó nêu rõ nhiệm vụ cụ thể, thời gian thực hiện và gửi kế hoạch về Sở
Xây dựng để tổng hợp, theo dõi.
- Định kỳ hằng năm (trước ngày
05 tháng 12) Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố gửi báo cáo công tác
quản lý nhà nước về hoạt động kiến trúc, định hướng phát triển kiến trúc về Sở
Xây dựng để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Xây dựng.
Đề nghị thủ trưởng các sở, ban,
ngành liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố khẩn
trương triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện Kế hoạch này, nếu có khó
khăn, vướng mắc thì kịp thời phản ánh về Sở Xây dựng để tổng hợp, đề xuất giải
pháp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Xây dựng;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở: XD, VHTTDL, KHCN, TTTT, TC;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT, ĐTQH. Thiện
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Phan Văn Đăng
|