ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
02/2024/QĐ-UBND
|
Điện Biên, ngày
10 tháng 01 năm 2024
|
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH ĐỐI TƯỢNG HỘ
GIA ĐÌNH NGHÈO CHƯA TỰ TÚC ĐƯỢC LƯƠNG THỰC; ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC TRỢ CẤP, MỨC TRỢ CẤP,
THỜI GIAN TRỢ CẤP GẠO BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN
THEO THÔNG TƯ SỐ 12/2022/TT-BNNPTNT NGÀY 20 THÁNG 9 NĂM 2022 CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính
phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành
văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Thông tư số
02/2011/TT-BKHĐT ngày 10 tháng 01 năm 2011 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định nội
dung hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; danh mục và nội dung hệ thống chỉ
tiêu thống kê cấp tỉnh, huyện, xã;
Căn cứ Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT ngày 20
tháng 9 năm 2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số hoạt
động về lâm nghiệp thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc
thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm
2025;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh,
đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh: Quyết định này quy định đối
tượng hộ gia đình nghèo chưa tự túc được lương thực; đối tượng được trợ cấp, mức
trợ cấp, thời gian trợ cấp gạo bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Điện
Biên theo Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT ngày 20 tháng 9 năm 2022 của Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn một số hoạt động về lâm nghiệp thực
hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và Chương trình mục tiêu quốc
gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai
đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.
2. Đối tượng áp dụng: Quyết định này áp dụng đối với
các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan đến hoạt động trợ cấp gạo
bảo vệ và phát triển rừng theo Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Điều 2. Đối tượng hộ gia đình nghèo chưa tự túc được lương thực;
đối tượng được trợ cấp, mức trợ cấp, thời gian trợ cấp gạo bảo vệ và phát triển
rừng
1. Đối tượng hộ nghèo chưa
tự túc được lương thực
Là hộ gia đình được xác định như chuẩn hộ nghèo quy
định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 3, Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 01
năm 2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 tại thời
điểm thực hiện rà soát để trợ cấp gạo có nguồn dự trữ lương thực
và dự trữ bằng tiền, trị giá hàng hóa có thể bán được để mua lương thực tính
bình quân đầu người đạt dưới 13 kg thóc hay 9 kg gạo 1 tháng.
2. Đối tượng được trợ cấp, mức trợ
cấp, thời gian trợ cấp gạo
a) Đối tượng được trợ cấp: Hộ gia đình đồng bào dân tộc
thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo có
tham gia bảo vệ rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung, trồng rừng
phòng hộ, trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ trên diện tích đất
lâm nghiệp được giao theo Điều 18, Điều 19, Điều 20, Điều 21, Thông tư số
12/2022/TT-BNNPTNT với diện tích tối thiểu từ 0,3 ha trở lên trong thời gian
chưa tự túc được lương thực.
b) Mức trợ cấp: 15
kg gạo/khẩu/tháng hoặc bằng tiền tương ứng với giá trị 15 kg gạo/khẩu/tháng tại
thời điểm trợ cấp (theo giá công bố của địa phương).
c) Thời gian trợ cấp: Số tháng được trợ cấp gạo tối
đa không quá 06 tháng/năm và thời gian trợ cấp tối đa không quá 07 năm.
d) Số lần trợ cấp, mức
trợ cấp từng lần: Số lần trợ cấp là 02 lần/năm; mức trợ cấp mỗi lần là 50% tổng
số gạo được trợ cấp trong năm.
Điều 3. Tổ chức thực hiện
1. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.
a) Chỉ đạo, hướng dẫn,
kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện trợ cấp gạo bảo vệ và phát triển rừng
trên địa bàn địa phương quản lý.
b) Giao nhiệm vụ cho Ủy ban nhân dân các xã, phường,
thị trấn xây dựng dự án về trợ cấp gạo bảo vệ rừng,
khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung, trồng rừng phòng hộ, trồng rừng
sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ; phê duyệt dự án để làm căn cứ tổ chức triển khai thực hiện.
c) Hàng năm, tổng hợp, xây dựng kế hoạch nhu cầu kinh phí thực hiện trợ cấp gạo bảo vệ và phát triển rừng
của địa phương theo quy định tại Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp;
phân bổ kinh phí được giao cho Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn;
thực hiện công bố giá gạo tại địa phương và phê duyệt danh sách đối tượng trợ cấp,
khối lượng, kinh phí trợ cấp để tổ chức triển khai thực hiện.
d) Tổ chức rà soát, xác nhận đối tượng nghèo chưa tự
túc được lương thực, số tháng thiếu lương thực thực tế trong năm của các đối tượng
được hỗ trợ để xác định số tháng trợ cấp gạo, thời
điểm hỗ trợ gạo phù hợp (tiêu chí xác định hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số chưa tự túc được lương thực áp dụng
theo quy định tại khoản 1, Điều 2, Quyết định này) và tổ chức thực hiện việc trợ cấp gạo trên địa
bàn theo đúng các quy định hiện hành.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Chủ trì, phối hợp
với các Sở, ngành liên quan chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra,
giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện chính sách trợ cấp gạo bảo vệ và phát triển
rừng theo Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn, xử lý
các khó khăn, vướng mắc phát sinh (nếu có) trong quá trình tổ chức thực hiện.
b) Hàng năm,
tổng hợp, xây dựng kế hoạch nhu cầu kinh phí thực
hiện trợ cấp gạo bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh theo quy định gửi
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp; phối hợp với Sở Tài chính tham mưu phân bổ kinh phí thực hiện cho
các địa phương.
3. Các Sở, ngành: Tài chính, Lao động - Thương binh
và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường và Ban Dân tộc.
a) Căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được giao có
trách nhiệm phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đánh
giá hiệu quả và xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện
chính sách trợ cấp gạo bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.
b) Sở Tài chính chủ
trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu phân bổ nguồn
kinh phí sự nghiệp thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 3, Chương trình mục
tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền
núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 được trung ương giao cho các địa phương, đơn vị liên quan để tổ chức thực hiện trợ cấp gạo bảo vệ và
phát triển rừng theo đúng quy định.
Điều 4. Điều khoản thi
hành
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
01 tháng 02 năm 2024.
2. Chánh Văn
phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội;
Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh; Giám đốc Kho bạc Nhà nước Điện Biên;Chủ tịch Ủy
ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị
liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Văn phòng Chính phủ;
- Cục Kiểm tra VBQPPL Bộ Tư pháp;
- Vụ Pháp chế - Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- TT Tỉnh ủy (b/c);
- TT HĐND tỉnh (b/c);
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- UBMTTQ Việt Nam tỉnh;
- Lãnh đạo UBND tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- Trung tâm Thông tin - Hội nghị tỉnh;
- Báo Điện Biên Phủ;
- Lưu VT, KTN.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Lê Thành Đô
|