ỦY
BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
63/KH-UBND
|
Cần
Thơ, ngày 28 tháng 5 năm 2015
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 19/NQ-CP NGÀY 12 THÁNG 3
NĂM 2015 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ NHỮNG NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU TIẾP TỤC CẢI THIỆN
MÔI TRƯỜNG KINH DOANH, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH QUỐC GIA HAI NĂM 2015-2016;
GẮN VỚI THỰC HIỆN NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH (PCI) THÀNH PHỐ CẦN THƠ
Thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP
ngày 12 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp
tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai
năm 2015 - 2016, gắn với việc tiếp tục thực hiện Chương trình số 09/CTr-UBND
ngày 23 tháng 5 năm 2014 của Ủy ban nhân dân thành phố về nâng cao chỉ số năng
lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành
Kế hoạch triển khai thực hiện với những nội dung chính như sau:
I. MỤC
TIÊU CHUNG:
Tập trung thực hiện có hiệu
quả Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ về những nhiệm
vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực
cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016, triển khai thực hiện đồng bộ các giải
pháp nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2015 và những năm tiếp theo, xây dựng môi
trường đầu tư thông thoáng, công khai, minh bạch, tạo mọi điều kiện thuận lợi
cho doanh nghiệp và nhà đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, trong đó đặt trọng
tâm vào các nội dung cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các nhà đầu tư thuộc
các thành phần kinh tế mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm,
tăng thu nhập cho người lao động, cải cách hành chính, phấn đấu thành phố Cần
Thơ được đánh giá là “Nhóm địa phương có chất lượng điều hành tốt”.
Tập trung thực hiện có hiệu
quả 3 đột phá chiến lược gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng
trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, phấn đấu
cải thiện điểm số và vị trí xếp hạng về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh
tranh. Bảo đảm các loại thị trường hàng hóa, lao động, bất động sản, khoa học
công nghệ,… vận hành đầy đủ, thông suốt và ngày càng trở thành yếu tố quyết định
trong huy động và phân bổ các nguồn lực cho phát triển.
II. MỤC
TIÊU CỤ THỂ:
Tăng cường xây dựng, tạo lập
môi trường kinh doanh và đầu tư thông thoáng, minh bạch và thuận lợi nhằm thu
hút sự tham gia đầu tư, sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế trên địa
bàn thành phố.
Đẩy mạnh cải cách hành
chính, điều chỉnh, thay đổi, ban hành những chính sách cần thiết phù hợp, thống
nhất và đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng điều hành kinh tế, nâng cao chỉ số
năng lực cạnh tranh của thành phố trong năm 2015 và những năm tiếp theo, góp phần
đưa các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh của nước ta đạt và vượt mức trung
bình của các nước ASEAN-6.
Cải
thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trên cơ sở quyết tâm cải thiện các chỉ số
thành phần thấp điểm, giảm điểm; tiếp tục phát huy những chỉ số thành phần tăng
điểm tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp đồng thời đảm bảo sự
phát triển kinh tế - xã hội thành phố bền vững trong thời gian tới. Góp phần
đưa chỉ số môi trường kinh doanh Việt Nam tối thiểu đạt mức trung bình của nhóm
nước ASEAN-4 vào năm 2016.
Đẩy
mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các ngành, lĩnh vực sản xuất và đời sống,
đổi mới quy trình quản lý, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành, của thành phố.
III. YÊU CẦU:
1.
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng
trong toàn thể cán bộ, công chức, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân
dân nhận thức đầy đủ, rõ ràng và thống nhất về mục tiêu của Kế hoạch này, nâng
cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực hiện công vụ.
2.
Triển khai đầy đủ, đồng bộ các giải pháp
thực hiện nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của thành phố, gắn với trách
nhiệm, nhiệm vụ được giao, lồng ghép các nội dung về cải thiện môi trường đầu
tư, sản xuất kinh doanh, cải cách hành chính trong các chiến lược, chính sách,
quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngành, lĩnh vực, góp phần vào
việc cải thiện điểm số bền vững.
3.
Tổ chức triển khai thực hiện gắn với trách
nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư,
kinh doanh và cải cách hành chính; kết hợp thực hiện đồng bộ với Chương trình cải
cách hành chính của thành phố Cần Thơ giai đoạn 2011 - 2020.
4. Phát triển mạnh các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học
công nghệ, có giá trị quốc gia, giá trị gia tăng và lợi thế cạnh tranh cao. Tập
trung phát triển những ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức công nghệ
và giá trị gia tăng cao như: Du lịch, tài chính, thông tin truyền thông, dịch vụ
logistics,…
5.
Tập trung thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ
về hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ổn định sản xuất kinh
doanh; nâng cao chất lượng chỉ đạo, điều hành; tăng cường kiểm tra, kiểm soát
quản lý thị trường và công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của
các doanh nghiệp.
6.
Cải cách toàn diện các quy định về điều kiện
kinh doanh, quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu,
phù hợp với thông lệ quốc tế, chuyển mạnh sang hậu kiểm.
7.
Huy động sự hợp tác, phát huy vai trò của
cộng đồng doanh nghiệp, các Hiệp hội, các cơ quan Thuế, Hải quan, Viện kiểm sát
nhân dân, Tòa án nhân dân, Cục Thi hành án dân sự và cộng đồng dân cư trên địa
bàn.
8.
Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin
và các nghiên cứu khoa học phục vụ nâng cao năng lực cạnh tranh bền vững của
thành phố.
9. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, đẩy mạnh
phòng chống tham nhũng, lãng phí. Nêu cao tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân;
tăng cường kỷ luật, kỷ cương, công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra trong thực
hiện thủ tục hành chính và công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan, tổ chức,
đơn vị tại các cấp chính quyền; phát hiện xử lý nghiêm những cán bộ, công chức
có hành vi nhũng nhiễu, gây cản trở cho tổ chức, cá nhân khi thi hành công vụ.
10. Phát hiện, điều tra kịp thời, xử lý nghiêm minh và giải
quyết thỏa đáng khiếu nại đối với các vụ việc vi phạm cạnh tranh, góp phần tạo
lập môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.
IV. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công và
các nhiệm vụ được giao theo Kế hoạch này, Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan ban,
ngành, Chủ tịch UBND quận, huyện và các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn có
trách nhiệm tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả. Trong quá trình triển khai thực
hiện, phải bảo đảm đúng quy định, quy chế phối hợp, quy chế nội bộ thực hiện tốt
chức năng nhiệm vụ và đoàn kết nội bộ trong từng cơ quan và giữa các cơ quan.
2.
Sở Kế hoạch và Đầu tư (Thường trực Ban chỉ
đạo PCI thành phố) chủ trì theo dõi, kiểm tra và tổng hợp việc triển khai thực
hiện các nhiệm vụ, đề án, chương trình, kế hoạch hành động; phối hợp với Sở Nội
vụ, Văn phòng UBND thành phố và các thành viên Ban chỉ đạo PCI của thành phố tổ
chức kiểm tra tình hình thực hiện Kế hoạch này tại các Sở, ban ngành thành phố,
UBND quận, huyện và cơ quan, đơn vị có liên quan.
Chủ
trì phối hợp với các Sở, ban ngành thành phố và UBND quận, huyện khẩn trương
triển khai Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Luật Đầu tư năm 2014 cho cộng đồng
doanh nghiệp, thực hiện việc sử dụng mã số doanh nghiệp duy nhất, đăng ký kinh
doanh qua mạng, sử dụng chữ ký số,… trong hoạt động của doanh nghiệp.
3.
Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với các Sở,
ban, ngành thành phố và UBND các quận huyện thực hiện nghiêm việc đánh giá tác
động thủ tục hành chính và thẩm định chặt chẽ các dự thảo văn bản quy phạm pháp
luật, bảo đảm chỉ ban hành những thủ tục hành chính thật sự cần thiết, hợp lý
và có chi phí tuân thủ thấp; công bố công khai, kịp thời các thủ tục hành chính
sửa đổi, bổ sung, thủ tục hành chính mới được ban hành; chủ động rà soát, loại
bỏ kịp thời các quy định thủ tục hành chính không còn phù hợp, gây cản trở hoạt
động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.
4. Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên
quan và UBND quận, huyện tiến hành rà soát, giảm số lượng hồ sơ, đơn giản hóa
thủ tục, nội dung hồ sơ, quy trình và rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng xuống
còn không quá 15 ngày theo quy định. Đối với những khu mới có quy hoạch chung
hoặc quy hoạch phân khu, giao chủ dự án chủ động lập quy hoạch chi tiết 1/500
trình trực tiếp Sở Xây dựng (không thông qua cấp huyện) phê duyệt, làm cơ sở cấp
phép xây dựng.
5. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài phát thanh và Truyền
hình thành phố Cần Thơ phối hợp với Ban chỉ đạo PCI thành phố, các Sở, ban
ngành thành phố, và UBND quận, huyện tổ chức tuyên truyền, phổ biến mục tiêu, ý
nghĩa của Kế hoạch này đến toàn thể cán bộ công chức, mọi tầng lớp nhân dân và
cộng đồng doanh nghiệp hiểu, tích cực hưởng ứng và triển khai thực hiện.
6. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với
sở, ban ngành có liên quan và UBND quận huyện tiến hành rà soát, đánh giá và thực
hiện các biện pháp cần thiết tạo thuận lợi hơn trong tuyển dụng và sử dụng lao
động, đảm bảo tính thống nhất và linh hoạt của thị trường lao động.
Tăng
cường công tác kiểm soát nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, dạy nghề. Mở rộng
quyền tự chủ về chương trình, nội dung và sản phẩm dịch vụ cho các tổ chức đào
tạo nghề ngoài công lập, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung ứng dịch vụ giáo
dục, đào tạo theo cơ chế thị trường.
7. Công an thành phố phối hợp với các Sở, ban ngành thành phố
và UBND quận, huyện căn cứ chức, năng nhiệm vụ được giao xử lý nghiêm các hành
vi vi phạm pháp luật liên quan đến việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải
thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
8.
Đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi
nhánh Cần Thơ chỉ đạo các Ngân hàng thương mại trên địa bàn tập trung ưu tiên vốn
tín dụng cho nông nghiệp nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ
và vừa, công nghiệp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ cao.
Triển
khai các giải pháp nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả hoạt động của các tổ
chức tín dụng, sức cạnh tranh, giảm tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại.
Tăng cường quản lý thị trường ngoại tệ, thị trường vàng trên địa bàn.
9.
Đề nghị Thủ trưởng cơ quan Trung ương trên
địa bàn quan tâm chỉ đạo phối hợp chặt chẽ với Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan,
Chủ tịch UBND quận, huyện và cơ quan có liên quan thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm
vụ theo kế hoạch; định kỳ hàng quý (gửi trước ngày 20 tháng cuối quí), 06 tháng
(gửi trước ngày 15 tháng 6) và 01 năm (gửi trước ngày 15 tháng 12) tổng hợp báo
cáo, đánh giá tình hình triển khai và kết quả thực hiện Kế hoạch này gửi về Sở
Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp trình UBND thành phố báo cáo về Bộ Kế hoạch và Đầu
tư và Văn phòng Chính phủ theo quy định.
Trong
quá trình triển khai thực hiện nếu phát sinh những vấn đề mới, khó khăn vướng mắc
cần bổ sung, điều chỉnh, Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan liên quan chủ động đề
xuất gửi đến Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành
phố xem xét, quyết định./.
(Đính
kèm Bảng phụ lục phân công nhiệm vụ cụ thể)
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- TT. Thành ủy;
- TT. HĐND thành phố;
- TV. UBND thành phố;
- TT. UBMTTQ và các đoàn thể;
- Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân thành phố;
- Phòng TM&CN Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ;
- Sở, ban ngành, Cục Thuế, Cục Hải quan thành phố;
- Các Hiệp hội;
- UBND quận, huyện;
- VP. Thành ủy; VP. Đoàn ĐBQH và HĐND thành phố;
- VP.UBND thành phố (2,3);
- Lưu: VT.V.Cao
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Lê Hùng Dũng
|