VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
TỔ CÔNG TÁC CỦA TTgCP
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 689/BC-TCTTTg
|
Hà Nội, ngày 01 tháng 9 năm 2017
|
BÁO CÁO
KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ DO CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ GIAO VÀ KẾT
QUẢ KIỂM TRA THÁNG 8 NĂM 2017
I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN
NHIỆM VỤ DO CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ GIAO 8 THÁNG 2017
Từ ngày 01/01/2017 đến 29/8/2017, có
tổng số 13.672 nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan,
địa phương. Trong đó, có 7.455 nhiệm vụ đã hoàn thành (đúng hạn: 6.448, quá hạn:
1.007); 6.217 nhiệm vụ chưa hoàn thành (trong hạn: 5.996, quá hạn: 221- chiếm 2,8%, giảm 0,4% so với tháng trước)
(có phụ lục kèm theo).
II. KẾT QUẢ KIỂM TRA CỦA TỔ CÔNG
TÁC THÁNG 8 NĂM 2017
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng
Chính phủ, trong tháng 8 năm 2017, Tổ công tác đã tiến hành 02 cuộc kiểm tra
chuyên đề về triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng năm
2017 tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và tại 03 Tổng công ty thuộc ngành
hàng không, gồm: Cảng hàng không Việt Nam, Quản lý bay Việt Nam, Hàng không Việt
Nam; 01 cuộc kiểm tra các Bộ quản lý chuyên ngành trong việc thực hiện các nhiệm
vụ giao liên quan đến hoạt động kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đối với hàng hóa
xuất nhập khẩu. Tổ công tác báo cáo Chính phủ về kết quả
kiểm tra như sau:
1. Kết quả kiểm
tra tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR)
Trong thời gian qua, VNR đã triển
khai nhiều giải pháp tích cực để đạt mục tiêu tăng trưởng theo kế hoạch đề ra,
như: Tổ chức lại sản xuất, tận dụng tối đa chiều dài và tải trọng đoàn tàu
khách, tàu hàng để giảm giá vé, giá cước (giá cước bình quân về hàng hóa giảm từ
12 - 15%, giá vé hành khách giảm từ 15- 29% so với cùng kỳ
năm trước), nâng cao năng lực cạnh tranh; tích cực hợp tác với các đối tác
ngoài ngành (như Petrolimex, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn...) để khai thác tối
đa năng lực kết cấu hạ tầng đường sắt, để tăng doanh thu, lợi nhuận. Trong 7
tháng đầu năm 2017, kết quả sản xuất kinh doanh của VNR có tăng trưởng nhẹ, cụ
thể: Tổng doanh đạt 3.515,5 tỷ đồng, đạt 45,1% so với kế hoạch, tăng 3,8% so với
cùng kỳ 2016; vận tải tăng trưởng từ 10 - 13% so với cùng kỳ, đạt hơn 3.719 triệu TKm (tấn Km). Các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
giao được VNR triển khai thực hiện tích cực: Theo kết quả rà soát, thống kê, từ
01/01/2016 đến 10/8/2017, VNR có tổng số 56 nhiệm vụ giao, trong đó: số nhiệm vụ
đã hoàn thành đúng hạn: 55; nhiệm vụ chưa hoàn thành quá hạn: 01.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, VNR còn hạn chế, yếu kém về một số mặt công tác,
như: còn tư tưởng bao cấp, chưa tích cực đổi mới phương pháp quản lý, điều
hành, ứng dụng công nghệ mới trong quản trị doanh nghiệp; thị phần giảm dần qua
các năm; vấn đề an toàn đường sắt, chất lượng lao động, ý thức trách nhiệm của
người lao động; việc kêu gọi các nhà đầu tư tham gia khai thác, triển khai xã hội
hóa các dịch vụ hạ tầng; đẩy mạnh khai thác hiệu quả hạ tầng hiện có; công tác
cổ phần hóa, thoái vốn... chưa đáp ứng yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ đối với ngành đường sắt và đề nghị VNR có giải
pháp khắc phục, chấn chỉnh kịp thời.
2. Kết quả kiểm
tra 3 Tổng công ty thuộc ngành hàng không
a) Tổng công ty Cảng hàng không Việt
Nam (ACV)
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam
hiện đang quản lý và khai thác 22/22 cảng HK trên cả nước, trong những năm qua, ACV đã rất cố gắng trong việc thực hiện đầu tư, nâng cấp kết
cấu hạ tầng hàng không; tích cực đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ
thuật để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và thực hiện nhiều biện pháp
hiệu quả bảo đảm an ninh an toàn hàng không, như đầu tư hệ thống đèn tín hiệu, đèn đêm, hệ thống cất hạ cánh chính xác, hệ thống máy soi với công nghệ tiệm cận quốc tế...
đáp ứng nhu cầu ngày càng phát triển của vận tải hàng không; đạt được nhiều kết
quả trong hoạt động kinh doanh, đầu tư, cụ thể: trong 7 tháng đầu năm 2017, tổng
sản lượng hành khách tiếp tục tăng trưởng, đạt 56 triệu hành khách, tăng 17%; Sản
lượng hàng hóa, bưu kiện đạt 775 nghìn tấn, tăng 30%; Sản lượng hạ cất cánh đạt
363 nghìn lượt, tăng 11%; doanh thu đạt 9.864 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 3.458 tỷ đồng,
nộp ngân sách nhà nước 875 tỷ, đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành
hàng không Việt Nam nói riêng và bảo đảm mục tiêu tăng trưởng chung năm 2017
nói chung.
b) Tổng công ty quản lý bay Việt Nam
(VATM)
Trong những năm qua, Tổng công ty quản
lý bay Việt Nam đã thực hiện tốt chức năng quản lý, điều hành và kiểm soát các
hoạt động bay trên các hành lang bay và vùng trời được
phân công; bảo đảm các dịch vụ không lưu, không báo và khí tượng hàng không;
tích cực triển khai nhiều giải pháp trong việc củng cố, nâng cấp, hoàn thiện,
hoạt động quản lý và cung cấp dịch vụ quản lý không lưu ngày càng dần tiếp cận và phù hợp với các khuyến cáo thực hiện của Tổ chức hàng
không dân dụng quốc tế (ICAO). Các kết quả đạt được, cụ thể: Hệ thống quản lý
an toàn của VATM năm 2016 đạt 81% các nội dung yêu cầu của ICAO, trên 3 cấp độ;
quyết liệt triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tăng năng lực quản lý, khai
thác tại các cảng hàng không sân bay và đảm bảo an toàn bay; nâng cao năng lực
khai thác sân bay tổng thể để tăng tần suất cất cánh và hạ cánh lên 54 lượt,
chuyến/giờ tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Tính đến hết 6
tháng đầu năm 2017: Sản lượng điều hành bay: 395.129 lần
chuyến, đạt 51,26% so với kế hoạch năm 2017 và tăng 9,18 % so với thực hiện
cùng kỳ năm 2016; tổng doanh thu: 1.613.916 triệu đồng, đạt 52,43% so với kế hoạch
năm 2017 và tăng 58,45% so với thực hiện cùng kỳ năm 2016; lợi nhuận trước thuế:
464.257 triệu đồng, đạt 59,10% so với kế hoạch năm 2017 và 183,99% so với thực
hiện cùng kỳ năm 2016; nộp ngân sách nhà nước: 1,163,246 triệu đồng, đạt 54,58%
so với kế hoạch năm 2017 và bằng 153,73% so với thực hiện
cùng kỳ năm 2016.
c) Tổng công ty Hàng không Việt Nam
(VNA)
Trong 7 tháng đầu năm 2017, mặc dù thị
trường nội địa đã tăng trưởng chậm lại, có dấu hiệu bão
hòa, dưới sự điều hành năng động và quyết liệt của lãnh đạo Tổng công ty và nỗ
lực của người lao động, Tổng công ty đã khẳng định vị trí, vai trò của Hãng
hàng không Quốc gia, đảm bảo tuyệt đối an toàn, an ninh trong hoạt động khai
thác bay. VNA đã hoàn thành tốt kế hoạch 7 tháng với doanh thu đạt 49.000 tỷ
VND, lợi nhuận đạt 2.100 tỷ VND vượt 45,6% kế hoạch; thực hiện 84.024 chuyến
bay an toàn với 192.303 giờ bay vượt 1,8% so với cùng kỳ; vận chuyển 15,6 triệu
lượt khách, tăng 7,3% so với cùng kỳ và 182 nghìn tấn hàng hóa, tăng 24% so với
cùng kỳ và vượt 6% kế hoạch; chất lượng dịch vụ duy trì ổn
định 4 sao, chỉ số đúng giờ bình quân đạt 90,5% và luôn là Hãng hàng không tại
Việt Nam có chỉ số đúng giờ cao nhất.
Các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ giao được 03 Tổng công ty thực hiện nghiêm túc, đúng tiến độ. Theo kết
quả rà soát, thống kê: Từ 01/01/2016 - 10/8/2017, tổng số nhiệm vụ giao 03 Tổng
công ty: 84 nhiệm vụ, trong đó đã hoàn thành 80 (ACV hoàn thành 100% nhiệm vụ
giao đúng tiến độ); còn 4 nhiệm vụ chưa hoàn thành trong hạn. Với những kết quả
đạt được của 03 Tổng công ty thuộc ngành hàng không trong 7 tháng đầu năm 2017,
đã đóng góp quan trọng vào tăng trưởng khu vực dịch vụ và mục tiêu tăng trưởng
chung năm 2017. Tuy nhiên, còn một số mặt công tác: Công tác bảo đảm an toàn an
ninh hàng không; nâng tần suất cất, hạ cánh; tình hình hủy,
hoãn chuyến bay; đầu tư, nâng cao hiệu quả hạ tầng hàng không; chủ trương xã hội
hóa; công tác cổ phần hóa, thoái vốn... chưa đáp ứng yêu cầu. Đề nghị 03 Tổng
công ty cần tập trung chỉ đạo, khắc phục triệt để những tồn tại, bất cập này nhằm
nâng cao sức cạnh tranh, xây dựng ngành hàng không Việt Nam ngày càng phát triển
lớn mạnh, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
3. Đối với các Bộ
được kiểm tra về việc thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến hoạt động KTCN đối với
hàng hóa xuất nhập khẩu
Trong thời gian qua, các Bộ, cơ quan
liên quan đã nỗ lực, cố gắng trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ giao
tại Quyết định 2026/QĐ-TTg ngày 17 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ và
Nghị quyết 19-2017/NQ-CP; tích cực soạn thảo, sửa đổi, bổ sung thay thế hoặc
bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền quy định về KTCN; tình trạng
chồng chéo, trùng lặp, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm thủ tục, thời
gian, chi phí liên quan đến hoạt động KTCN đối với hàng hóa xuất nhập khẩu được
khắc phục một phần.
Theo kết quả rà soát, thống kê: Quyết
định 2026/QĐ-TTg và Nghị quyết 19-2017 có tổng số 98 nhiệm vụ giao 13 Bộ quản
lý chuyên ngành (87 nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung, thay thế 87 văn bản quy phạm pháp
luật về KTCN; 11 nhiệm vụ giao liên quan đến hoạt động
KTCN). Đến nay, các Bộ đã thực hiện 64 nhiệm vụ tại Quyết định 2026/QĐ-TTg (có
Bộ đã hoàn thành 100% nhiệm vụ giao, gồm: Kế hoạch và Đầu tư, Lao động, Thương
binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch); còn 34 nhiệm vụ chưa hoàn thành.
Tuy nhiên, công tác này còn những tồn
tại, hạn chế:
- Một số quy định còn chồng chéo,
xung đột, bất cập, chưa được bổ sung, sửa đổi hoặc bãi bỏ kịp thời dẫn đến một
mặt hàng bị điều chỉnh bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật, phải thực hiện nhiều
thủ tục, KTCN của nhiều Bộ (tỷ lệ mặt hàng phải thực hiện 2 hoặc 3 thủ tục kiểm
tra chuyên ngành, chiếm khoảng 58%), làm tăng chi phí, phiền hà cho doanh nghiệp;
việc thống nhất ban hành danh mục hàng hóa phải KTCN và gắn mã HS còn chậm;
chưa đẩy mạnh áp dụng quản lý rủi ro, quản lý trên cơ sở đánh giá sự tuân thủ
pháp luật của doanh nghiệp, chưa chuyển mạnh từ tiền kiểm
sang hậu kiểm.
Đặc biệt, qua báo cáo, phản ánh của Bộ
Tài chính, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, Viện nghiên cứu quản lý
kinh tế Trung ương đã nêu rõ một số Bộ có danh mục hàng hóa thuộc đối tượng
KTCN của một số Bộ quy định còn nhiều, phạm vi rộng, nhiều mặt hàng chưa có mã
số HS, chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn đầy đủ, việc xung đột giữa các văn bản quy
phạm pháp luật nhưng không được sửa đổi, bổ sung kịp thời, gây khó khăn cho
doanh nghiệp.
- Quy trình thủ tục chủ yếu dựa trên
phương thức thủ công, ngoại trừ một số thủ tục được đưa lên Cổng thông tin một cửa quốc gia đã thực hiện bằng
phương thức điện tử, hầu hết các thủ tục còn lại đều được thực hiện bằng phương
thức thủ công dựa trên giấy tờ. Danh mục nhiều hàng hóa phải quản lý chuyên
ngành không được mã hóa HS nên không thể tự động hóa trong khâu lựa chọn kiểm
tra.
- Phương pháp quản lý, kiểm tra chưa
theo chuẩn mực quốc tế dẫn đến kéo dài thời gian thông quan hàng hóa, hầu hết
hàng hóa (khoảng gần 100.000 nghìn mặt hàng) phải KTCN đều thực hiện kiểm tra tại
cửa khẩu trong quá trình thông quan với tỷ lệ phát hiện vi phạm rất thấp (dưới
0,1%); không thực hiện công nhận chất lượng sản phẩm hàng hóa giữa các nước, nhất
là hàng hóa có nguồn gốc từ các nước phát triển.
Với các tồn tại, hạn chế nêu trên, dẫn
đến tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải KTCN tại giai đoạn thông quan chưa giảm
nhiều, vẫn ở mức 35% (mục tiêu của Nghị quyết 19/NQ-CP, giảm xuống còn 15%),
gây khó khăn, phiền hà, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp (mỗi năm doanh nghiệp
phải bỏ ra khoảng 28,6 triệu ngày công và khoảng 14,3 nghìn tỉ đồng để thực hiện
các quy định, thủ tục về kiểm tra chuyên ngành)... chưa đáp ứng được yêu cầu chỉ
đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tại cuộc kiểm tra, các Bộ đã thẳng thắn
nhìn nhận những bất cập, tồn tại liên quan đến hoạt động kiểm tra chuyên ngành
của Bộ mình với tinh thần cầu thị và cam kết với Tổ công tác sẽ khẩn trương khắc
phục.
Tổ công tác kính đề nghị Thủ tướng
Chính phủ biểu dương tinh thần quyết liệt, cầu thị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương đã thành lập ngay Tổ công tác của Bộ
trưởng để đôn đốc, kiểm tra các đơn vị trong việc thực hiện các nhiệm vụ liên
quan đến hoạt động kiểm tra chuyên ngành, đặc biệt Bộ Công Thương đã đề nghị được
Tổ công tác kiểm tra Bộ ngay trong tháng 9; biểu dương đối với các Bộ đã hoàn
thành 100% nhiệm vụ giao, gồm: Khoa học và công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động,
Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
III. KIẾN NGHỊ CỦA TỔ CÔNG TÁC
Trên cơ sở kết quả kiểm tra tại các Bộ,
cơ quan, Tổ công tác kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ,
cơ quan được kiểm tra trong tháng 8 và các Bộ, cơ quan,
liên quan triển khai ngay một số nhiệm vụ sau:
1. Đối với các bộ, cơ quan, địa
phương được kiểm tra trong tháng 8
a) Đối với Tổng công ty Đường sắt Việt
Nam
- Lãnh đạo Tổng công ty tiếp tục triển
khai đồng bộ các giải pháp đã đề ra; phải mạnh dạn thay đổi tư duy, khắc phục
triệt để tư tưởng bao cấp, độc quyền của ngành đường sắt; có giải pháp quyết liệt,
hiệu quả để thay đổi mô hình quản lý, đổi mới công tác quản trị, tạo đột phá
trong kinh doanh, tái cơ cấu theo hướng năng động, hiệu quả, phù hợp với cơ chế
thị trường, cơ chế tự chủ của doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh
doanh, theo kịp nhu cầu phát triển của nền kinh tế.
- Rà soát, sắp xếp, tinh giản bộ máy,
cải cách hành chính để giảm chi phí quản lý; thu gọn đầu mối các chi nhánh xí
nghiệp theo hướng tinh gọn, thực chất, hiệu quả, chuyên
nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị doanh nghiệp, ứng
dụng mạnh mẽ máy móc, thiết bị công nghệ tiên tiến trong chỉ đạo, điều hành nhằm
kiểm soát tốt chi phí để hạ giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh, qua đó
tăng doanh thu, lợi nhuận và đóng góp nhiều hơn nữa vào tăng trưởng kinh tế
chung của đất nước.
- Sắp xếp lại công tác vận tải đường
sắt theo hướng chuyên môn hóa giữa vận tải hành khách và vận
tải hàng hóa; triển khai ngay các công cụ, biện pháp quản lý hiệu quả để nâng
cao chất lượng dịch vụ của ngành đường sắt; chú trọng đầu tư tạo ra chất lượng
dịch vụ tốt, đa dạng các loại hình dịch vụ khác nhau, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng hành khách nhằm thu hút khách hàng trở lại với vận tải đường
sắt.
- Có giải pháp, cơ chế hiệu quả để
kêu gọi đầu tư, huy động vốn xã hội hóa tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng
đường sắt, đầu tư kho bãi, phương tiện bốc xếp, kết nối các khu công nghiệp,
sân bay, cảng biển...; rà soát tổng thể quy hoạch các khu
ga đường sắt, xây dựng tiêu chí đầu tư, hình thức đầu tư
phù hợp để thu hút nguồn vốn xã hội hóa đầu tư nâng cấp, kinh doanh hệ thống kết cấu hạ tầng đường
sắt.
- Trong điều kiện khó khăn về vốn đầu
tư, tập trung khai thác tối đa năng lực hạ tầng đường sắt hiện có, rà soát, kiểm
tra dư địa, thế mạnh trên từng tuyến cụ thể để nâng cao năng lực khai thác. Chủ
động, tích cực hợp tác với các đối tác ngoài ngành để đẩy mạnh vận chuyển hàng hóa, khai thác tối đa năng lực kết cấu hạ tầng đường sắt, để tăng doanh thu, lợi nhuận.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám
sát việc thực hiện công tác bảo đảm an toàn giao thông đường sắt, phát hiện và
xử lý kịp thời các yếu tố tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn. Nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc đảm bảo an toàn giao thông đường
sắt, xử lý nghiêm đối với tập thể, cá nhân vi phạm quy định, quy trình bảo đảm
an toàn giao thông đường sắt; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các
cơ quan chức năng trong việc quản lý, bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường
sắt, không để tái diễn và phát sinh thêm các lối đi tự mở qua đường sắt; lấn
chiếm, tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt nhằm kiềm chế tai nạn
giao thông đường sắt theo đúng chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị
33/CT-TTg ngày 21 tháng 7 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ.
- Đẩy nhanh việc thực hiện và hoàn
thiện phương án thoái vốn tại các công ty không cần nắm giữ, bảo đảm thu hồi tối
đa giá trị do nhà nước đầu tư; kiên quyết xử lý các doanh nghiệp thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả, hoặc
hiệu quả thấp theo cơ chế thị trường; tập trung sắp xếp, quản lý các cơ sở nhà
đất của Tổng công ty bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, không để xảy
ra thất thoát tài sản của nhà nước theo đúng chỉ đạo của
Thủ tướng tại Thông báo 423/TB-VPCP ngày 22 tháng 12 năm 2016.
b) Đối với 3 Tổng công ty thuộc ngành
Hàng không
- Tập trung chỉ đạo, đôn đốc các đơn
vị liên quan khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ chưa hoàn thành theo đúng yêu
cầu, không để phát sinh nhiệm vụ quá hạn.
- Chỉ đạo quyết liệt các đơn vị nâng
cao tinh thần trách nhiệm, với quyết tâm, nỗ lực cao nhất thực hiện các giải
pháp hiệu quả, bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn bay.
- Đổi mới mạnh mẽ công tác quản trị
hơn nữa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng dịch vụ, tiết
kiệm chi phí, nhất là chi phí gián tiếp để giảm giá vé, tăng hiệu quả sản xuất
kinh doanh, tăng tỷ suất lợi nhuận, nâng cao năng lực cạnh
tranh, nhất là cạnh tranh với các hãng hàng không nước
ngoài để tăng thị phần vận chuyển đối với khách quốc tế, đóng góp nhiều hơn nữa vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
- Ưu tiên đầu tư trang thiết bị hiện
đại phục vụ công tác kiểm soát không lưu; tăng cường công tác đào tạo huấn luyện,
nâng cao chất lượng kiểm soát viên không lưu, bảo đảm tính chuyên nghiệp, chính
xác, hiệu quả; có giải pháp hiệu quả trong quản lý luồng không lưu giữa các sân
bay để khắc phục tình trạng tắc nghẽn trong khu vực vùng
trời sân bay cũng như trong khu vực đường trời đường dài, bảo đảm tuyệt đối an
ninh an toàn bay; khắc phục triệt để nguyên nhân gây mất
an ninh an toàn bay do lỗi chủ quan của con người; xử lý
nghiêm minh đối với tập thể và cá nhân vi phạm quy trình, yêu cầu tác nghiệp, cấp
huấn luyện không chính xác, gây uy hiếp an toàn bay.
- Quyết liệt đổi mới phương thức, quy
trình vận hành, quản lý và điều hành bay, áp dụng công nghệ
mới, tiên tiến để nâng cao năng lực quản lý, khai thác tại các cảng hàng không
sân bay, nhất là tại các sân bay có mật độ và lưu lượng bay cao để nâng cao khả
năng linh hoạt tăng, giảm, giãn cách các tàu bay đi và đến để tăng tần suất hạ,
cất cánh.
- Siết chặt quy trình kiểm tra, kiểm
soát hàng hóa ký gửi bảo đảm chặt chẽ, khách quan, tuyệt đối không để các đối
tượng tội phạm lợi dụng sơ hở để gửi hàng hóa trái phép, như ma túy, chất nổ,
súng đạn… nâng cao hiệu quả công tác quản trị mạng từ đầu tư trang thiết bị,
công nghệ hiện đại đến nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp đội ngũ cán bộ,
công nhân viên; có biện pháp phòng, cảnh báo cao, không để các hacker tấn công
website sân bay, mạng lưới điều hành bay, gây uy hiếp an ninh, an toàn bay.
- Chú trọng hơn nữa đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại phục vụ công tác
điều hành bay; có giải pháp căn cơ để nâng cao hiệu quả điều hành bay tại các cảng
hàng không, xây dựng các phương thức, tiêu chí cụ thể để được bay vào các khung
giờ cao điểm, giờ vàng nhằm khắc phục triệt để tình trạng hủy, hoãn chuyến bay;
thắt chặt kỷ luật, kỷ cương lao động và xử lý nghiêm đối với cán bộ, công nhân
viên thiếu ý thức trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ để xảy ra tình trạng hủy,
hoãn chuyến bay do nguyên nhân chủ quan.
- Tổ chức thực hiện tốt công tác tái
cấu trúc doanh nghiệp; tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn;
khẩn trương đánh giá đầy đủ, chính xác, khách quan, minh bạch giá trị doanh
nghiệp để hoàn thành phương án cổ phần hóa, thoái vốn theo đúng chỉ đạo của Thủ
tướng Chính phủ; khắc phục những tồn tại về tài chính khi quyết toán cổ phần
hóa; xác định đúng giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, quyết toán cổ phần
hóa...
- Tập trung nguồn lực để thực hiện
các dự án đầu tư xây dựng công trình hàng không quan trọng của ngành hàng
không. Có chiến lược, giải pháp căn cơ để kêu gọi xã hội
hóa, đẩy mạnh thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư, khai thác hạ tầng hàng
không, kể cả đường băng, sân bay cũng cần mạnh dạn có cơ chế để thu hút đầu tư
nhằm phá vỡ thế độc quyền nữa, tạo cú hích để ngành hàng không Việt Nam phát
triển lớn mạnh, thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của đất
nước.
c) Đối với các Bộ được kiểm tra về việc
thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến hoạt động KTCN đối với hàng hóa xuất nhập
khẩu
- Khẩn trương hoàn thành việc sửa đổi,
bổ sung hoặc bãi bỏ theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật đã được giao
tại các Nghị quyết 19 và Quyết định 2026/QĐ-TTg; việc sửa đổi, bổ sung phải bảo
đảm tính hiệu quả, hiệu lực, không xung đột, chồng chéo, khắc phục triệt để
tình trạng một mặt hàng phải thực hiện nhiều thủ tục, chịu sự KTCN của nhiều
đơn vị thuộc một Bộ hoặc của nhiều Bộ khác nhau.
- Các Bộ quản lý chuyên ngành khẩn
trương rà soát, công bố danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện phải KTCN
kèm theo mã số HS thuộc phạm vi quản lý chuyên ngành của Bộ mình, bao gồm cả danh
mục hàng hóa bắt đầu thực hiện từ năm 2018 theo hướng không chồng chéo danh mục
giữa các Bộ, giảm tối đa số lượng hàng hóa phải KTCN tại khâu thông quan để
bảo đảm đạt mục tiêu giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải KTCN tại
giai đoạn thông quan từ 35% hiện nay xuống 15% đúng theo chỉ đạo của Chính phủ
tại Nghị quyết 19/NQ-CP.
- Các Bộ quản lý chuyên ngành khẩn
trương hoàn thành việc ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với danh mục
hàng hóa thuộc diện phải KTCN khi nhập khẩu ở khâu thông quan để thuận lợi
trong việc áp dụng quản lý rủi ro.
- Quyết liệt hơn nữa trong việc rà
soát, rút gọn quy trình, thủ tục, hồ sơ, yêu cầu, điều kiện và thời gian thực
hiện thủ tục KTCN; kiên quyết cắt giảm, bãi bỏ các thủ tục, quy trình, giấy tờ
KTCN không cần thiết, không hợp lý, nhằm cắt giảm thời gian, chi phí liên quan
đến hoạt động KTCN. Đồng thời, công bố công khai quy trình, thủ tục, tiêu chuẩn,
phương thức KTCN đối với từng mặt hàng; xây dựng và công bố công khai tiêu chí
quản lý rủi ro đối với hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý chuyên
ngành của từng Bộ.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông
tin, thực hiện điện tử hóa các thủ tục KTCN; tăng cường kết nối, chia sẻ, thống
nhất thông tin giữa các cơ quan quản lý chuyên ngành với Tổng cục Hải quan và Cổng
Thông tin một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN.
- Đẩy mạnh việc công nhận lẫn nhau về
kết quả đánh giá sự phù hợp giữa các cơ quan quản lý chuyên ngành trong nước và
công nhận chất lượng sản phẩm hàng hóa giữa các nước, nhất là hàng hóa có nguồn
gốc từ các nước phát triển.
- Chấn chỉnh, khắc phục ngay tình trạng
độc quyền trong đánh giá sự phù hợp (thử nghiệm, giám định, kiểm định, chứng nhận
kiểm tra chất lượng). Thay bằng việc chỉ định duy nhất một
đơn vị đánh giá sự phù hợp, các Bộ khẩn trương rà soát, chỉ
định bổ sung nhiều đơn vị đánh giá sự phù hợp để tạo thuận
lợi giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp.
- Liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung
Nghị định 38/2012/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết
thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm
Bộ Y tế khẩn trương thực hiện việc
hoàn chỉnh Dự thảo Nghị định theo hướng áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, chuyển
sang hậu kiểm; bổ sung thêm đối tượng được miễn kiểm tra an toàn thực phẩm như
hàng tạm nhập tái xuất, hàng nhập khẩu để gia công, sản xuất
hàng xuất khẩu...; quy định cụ thể tại Nghị định việc công
bố của doanh nghiệp, hạn chế tối đa các hướng dẫn của các Bộ về vấn đề này; thực hiện đơn giản
hóa và rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính
theo đúng chỉ đạo Thủ tướng tại Thông báo số 321/TB-VPCP ngày 21 tháng 7 năm
2017 của Văn phòng Chính phủ.
- Bộ Tài chính khẩn trương trình
Chính phủ ban hành Nghị định về thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành theo trình tự, thủ tục rút gọn với mục tiêu
thực hiện cam kết quốc tế; tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các thủ tục
hành chính trong KTCN bằng phương thức điện tử phi giấy tờ góp phần đơn giản
hóa thủ tục hành chính; rút ngắn thời gian; minh bạch hóa công tác KTCN thông
qua việc công bố các quy chuẩn, tiêu chuẩn, phương pháp kiểm tra; thiết lập cơ
chế phối hợp liên ngành trong tổ chức công tác KTCN trên nền tảng kết nối thông
tin qua Cơ chế một cửa quốc gia.
2. Đối
với các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan
Bộ Giao thông vận tải:
- Khẩn trương tham mưu, đề xuất, báo
cáo với Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến về việc giải quyết khó khăn cho Tổng
công ty Đường sắt trong quản lý, đầu tư, bảo trì kết cấu hạ
tầng đường sắt quốc gia theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản
7706/VPCP-CN ngày 24 tháng 7 năm 2017.
- Khẩn trương báo cáo, đề xuất với Thủ
tướng Chính phủ cho cơ chế đối với việc thoái vốn tại 09 công ty thành viên của
Tổng công ty Đường sắt hiện đang gặp khó khăn, vướng mắc về
cổ phần hóa, thoái vốn.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng
nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ việc xây dựng
quy chế sử dụng vùng trời linh hoạt (Flexible Use of Airspace) giữa hàng không
dân dụng và quân sự để hỗ trợ phát triển Hàng không dân dụng, tăng hiệu quả
kinh tế và giảm bớt quá tải trên các đường Hàng không hiện nay;
- Nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính
phủ về kiến nghị của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam về cho phép cơ chế chuyển
giao tài sản của các Nhà đầu tư tại Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi về Tổng công ty và ghi tăng vốn điều
lệ của Tổng công ty để tạo thuận lợi cho quá trình đảm bảo cơ sở vật chất và
trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cung cấp dịch vụ của Tổng
công ty./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- Các thành viên Tổ công tác;
- Các Tổng công ty: Đường sắt VN, Cảng hàng không VN, Quản lý bay VN, Hàng
không VN;
- VPCP: các PCN, Trợ lý TTg, các Vụ, đơn vị CN, KTTH, NN, PL, QHQT, ĐMDN,
V.I, NC, KSTTHC, Cổng thông tin điện tử CP;
- Lưu: VT, TCTTTg (3b).L
|
TỔ TRƯỞNG
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM VPCP
Mai Tiến Dũng
|