ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 01/CT-UBND
|
Tuyên Quang, ngày
05 tháng 9 năm 2021
|
CHỈ THỊ
VỀ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ NĂM HỌC 2021-2022 ỨNG PHÓ VỚI DỊCH
COVID-19, TIẾP TỤC THỰC HIỆN ĐỔI MỚI, KIÊN TRÌ MỤC TIÊU CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC VÀ
ĐÀO TẠO
Năm học 2021-2022, toàn ngành
Giáo dục tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép vừa tích cực thực hiện các giải pháp
phòng, chống dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, bảo đảm an toàn trường học,
vừa ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học, đáp ứng
yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo.
Dự báo dịch Covid-19 còn diễn
biến phức tạp, khó lường, để tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình, chất
lượng và tiếp tục thực hiện mạnh mẽ, đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào
tạo theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh. Thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày
03/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 800/CT-BGDĐT ngày 24/8/2021 của
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu ngành
Giáo dục tỉnh Tuyên Quang tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
sau:
1.
Chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học
2021-2022 linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch Covid-19 tại địa phương
Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp
Sở Y tế triển khai hiệu quả các biện pháp về phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo
an toàn cho cán bộ, giáo viên, người lao động và người học; chủ động xây dựng
các kịch bản, giải pháp ứng phó với tình huống dịch Covid-19 dự báo còn có thể
kéo dài và diễn biến phức tạp. Trong đó lưu ý: Tận dụng tối đa thời gian tổ chức
dạy học trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát; trường hợp dịch bệnh diễn biến
phức tạp không thể tổ chức dạy học trực tiếp thì tổ chức dạy học trực tuyến để
hoàn thành kế hoạch năm học, bảo đảm chất lượng giáo dục; xây dựng giải pháp
phù hợp hỗ trợ học sinh, giáo viên các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa
không có khả năng tiếp cận với hình thức học trực tuyến, học qua truyền hình;
không tổ chức dạy học trực tuyến đối với giáo dục mầm non, tập trung phối hợp,
hướng dẫn, hỗ trợ cha mẹ học sinh nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ ở nhà theo
các kênh phù hợp.
Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng đội
ngũ giáo viên các kỹ năng cần thiết để tiến hành dạy học trực tuyến, đào tạo từ
xa; xây dựng nền tảng dạy và học trực tuyến dùng chung, hệ thống bài giảng chuẩn
hóa để chia sẻ theo hướng tạo môi trường tương tác, tăng tính thích ứng và trải
nghiệm đối với người học, tăng cường khả năng tự học cho học sinh, sinh viên.
Không tăng học phí so với năm học 2020-2021 theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào
tạo. Thực hiện nghiêm các văn bản hướng dẫn về quản lý tài chính, tài sản; quản
lý thu, chi các khoản tiền đóng góp của người học, tuyệt đối không để xảy ra
tình trạng “lạm thu” đầu năm học.
2.
Triển khai thực hiện quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự
nghiệp công lập thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo tỉnh Tuyên Quang đến năm
2025, định hướng đến năm 2030
Tổ chức thực hiện hiệu quả Kế
hoạch 119/KH-UBND ngày 30/7/2021 về sắp xếp lại điểm trường, lớp học đối với
giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn
2021-2025; Kế hoạch số 83/KH-UBND ngày 25/5/2021 Ủy ban nhân dân tỉnh về phát
triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú giai đoạn 2021-2025
trên địa bàn tỉnh.
3.
Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo
dục phổ thông; đổi mới quản lý và nâng cao hiệu quả của giáo dục thường xuyên
a) Tổ chức thực hiện Chương
trình Giáo dục mầm non đã được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số
51/2020/TT-BGDĐT ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; chuyên đề
“Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021-2025”; Chương
trình cho trẻ em mẫu giáo làm quen với tiếng Anh theo Thông tư số
50/2020/TT-BGDĐT ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tiếp tục
triển khai thực hiện Kế hoạch số 103/KH-UBND ngày 29/12/2016 của Ủy ban nhân
dân tỉnh về thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh
tiểu học vùng dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016-2020, định hướng
đến 2025”;
Duy trì và nâng cao chất lượng
phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, chuẩn bị cho trẻ em 5 tuổi sẵn sàng
vào học lớp 1. Thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 73-NQ/TU ngày 10/12/2018 của
Ban Thường vụ Tỉnh ủy (Khóa XVI) về huy động trẻ đi nhà trẻ trên địa bàn tỉnh;
Đề án huy động trẻ đi nhà trẻ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang ban hành kèm theo
Quyết định số 417/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
b) Thực hiện các giải pháp đồng
bộ nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với khắc phục bệnh thành tích
trong giáo dục
Tiếp tục thực hiện tốt Kế hoạch
số 10/KH-UBND ngày 30/01/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện chương
trình giáo dục phổ thông 2018 bảo đảm chất lượng và hiệu quả, đặc biệt với lớp
2, lớp 6 trong năm học 2021-2022; chuẩn bị các điều kiện triển khai chương
trình giáo dục phổ thông đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10 năm học 2022-2023 và tài
liệu giáo dục địa phương theo lộ trình quy định. Nâng cao chất lượng dạy và học
tiếng Anh theo Đề án ngoại ngữ quốc gia. Bảo đảm cung cấp đủ sách giáo khoa cho
học sinh, không để xảy ra tình trạng thiếu sách giáo khoa đầu năm học.
Triển khai thực hiện Đề án nâng
cao chất lượng giáo dục đại trà trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 ban hành
kèm theo Quyết định số 506/QĐ-UBND ngày 26/8/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh; Kế
hoạch số 94/KH-UBND ngày 04/6/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện nhiệm
vụ phổ cập giáo dục, xoá mù chữ giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch
số 128/KH-UBND ngày 25/5/2021 về xây dựng trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn
quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch nâng cao chất lượng học
sinh giỏi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021-2025.
c) Tổ chức thực hiện hiệu quả
Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 25/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công
tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030; Quyết
định số 1373/QĐ-TTg ngày 30/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây
dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030”; đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý, quản
trị các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng.
Tiếp tục thực hiện Kế hoạch số
136/KH-UBND ngày 31/12/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Đề án
"Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ
thông giai đoạn 2018-2025" trên địa bàn tỉnh; đổi mới nội dung, hình thức
giáo dục hướng nghiệp gắn với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu
của thị trường lao động; thực hiện kết hợp dạy văn hóa phổ thông với dạy nghề
hiệu quả, đúng quy định.
4.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng
giáo dục , đào tạo , chất lượng giáo dục mũi nhọn góp phần nâng cao chất lượng
nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh; tập trung xây dựng
Trường Trung học phổ thông Chuyên thành trường đạt chuẩn quốc gia. Thực hiện tốt
chính sách thu hút nhân tài, hỗ trợ công chức, viên chức tham gia đào tạo trình
độ thạc sỹ, tiến sỹ; xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích học sinh giỏi, học
sinh đoạt giải cấp tỉnh, cấp quốc gia đi học đại học sư phạm về công tác tại địa
phương.
5.
Tăng cường công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư
tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, việc làm
cho học sinh, sinh viên; đa dạng hoá các hình thức tổ chức hoạt động giáo dục kỹ
năng sống, kỹ năng ứng xử - giao tiếp, kỹ năng lập nghiệp...; tiếp tục đẩy mạnh
việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các cơ
sở giáo dục; xây dựng văn hóa học đường; cung cấp, trau dồi các kỹ năng khởi
nghiệp đổi mới sáng tạo và nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, kinh tế số cho
học sinh, sinh viên. Đặc biệt quan tâm và có giải pháp để ổn định tâm lý, tư tưởng
của học sinh, sinh viên bị tác động do tình hình dịch bệnh kéo dài; tăng cường
phối hợp giữa nhà trường - gia đình trong việc quản lý, hỗ trợ học sinh, nhất
là học sinh tiểu học, trong việc học trực tuyến tại nhà. Triển khai hiệu quả
công tác giáo dục thể chất và y tế trường học, bảo đảm an toàn trường học; xây
dựng cơ sở dữ liệu về sức khỏe học đường. Nâng cao chất lượng công tác giáo dục
quốc phòng, an ninh.
6.
Thực hiện nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm
non, tiểu học , trung học cơ sở theo quy định; Nâng cao năng lực lãnh đạo của
cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ; đổi mới công tác
tuyển chọn, bổ nhiệm chức danh lãnh đạo quản lý các trường mầm non, phổ thông
trên địa bàn thông qua hình thức thi tuyển; bố trí, sử dụng hợp lý cơ cấu giáo
viên theo yêu cầu vị trí việc làm và tham mưu cấp có thẩm quyền bổ sung biên chế
giáo viên, bảo đảm “có học sinh phải có giáo viên đứng lớp”.
Nâng cao tinh thần trách nhiệm,
lương tâm nghề nghiệp và tính trung thực trong quá trình dạy học, kiểm tra,
đánh giá kết quả học tập của học sinh, học viên. Cán bộ quản lý, giáo viên toàn
ngành giáo dục cam kết thực hiện khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục.
Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra và
kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật đối với giáo viên, cán bộ quản lý
giáo dục vi phạm các quy định về đạo đức nhà giáo.
7.
Tham mưu huy động nguồn lực tiếp tục đầu tư tăng cường
cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện chương trình mới đối
với lớp 1, lớp 2, lớp 6 và Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Triển khai thực
hiện hiệu quả Kế hoạch đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm
non, giáo dục phổ thông, giai đoạn 2021-2025. Đa dạng hóa các nguồn lực để đầu
tư cho giáo dục, hỗ trợ cho học sinh, sinh viên có cha mẹ thuộc đối tượng là
người lao động bị tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, ngừng việc, lao động
mất việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; không để học sinh,
sinh viên vì điều kiện kinh tế mà không thể đến trường.
8.
Tiếp tục rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung, thay thế
các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý không còn phù hợp, chồng chéo;
tăng cường phân cấp cho cơ sở, đi đối với việc tăng cường công tác thanh tra,
kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người
đứng đầu, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Tăng cường ứng dụng công nghệ
thông tin và chuyển đổi số trong ngành giáo dục gắn với đổi mới công tác quản
lý, đổi mới phương pháp dạy và học; nâng cao hiệu quả sinh hoạt chuyên môn, tư
vấn, dự giờ, hội nghị, dạy - học trực tuyến để đảm bảo chất lượng giáo dục, đặc
biệt là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
Tiếp tục thông tin, truyền
thông về các chủ trương, chính sách mới của ngành và kết quả triển khai thực hiện
các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo
dục và đào tạo; phối hợp, xử lý hiệu quả các vấn đề về truyền thông, nhất là
các vấn đề xã hội quan tâm, bức xúc để xã hội, nhân dân hiểu, chia sẻ, ủng hộ
và đóng góp nhiều hơn cho ngành.
Tổ chức thực hiện phong trào
thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” bảo đảm thiết
thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị; kịp thời
khen thưởng, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có sáng kiến, giải pháp, mô hình
sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập , nhất là trong bối cảnh dịch
Covid-19 còn có thể kéo dài.
9. Tổ chức
thực hiện
a) Sở Giáo dục và Đào tạo
Tổ chức, triển khai thực hiện
nghiêm Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 03/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy
mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương
trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch Covid-19;
Chỉ thị số 800/CT-BGDĐT ngày 24/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về
thực hiện nhiệm vụ năm học 2021- 2022 và Chỉ thị này; hướng dẫn các Phòng Giáo
dục và Đào tạo huyện, thành phố, các cơ sở giáo dục thực hiện tốt các nhiệm vụ,
giải pháp chủ yếu của năm học, trong đó lưu ý các giải pháp bảo đảm chất lượng
giáo dục trong bối cảnh dịch Covid-19 với phương châm “tạm dừng đến trường,
không dừng học”.
Chủ trì, phối hợp với các ngành
chức năng, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh các
cơ chế, chính sách, các chương trình, đề án, kế hoạch nâng cao chất lượng giáo
dục, đào tạo của tỉnh; chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các cơ sở giáo dục trên địa
bàn thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2021-2022.
Tổng hợp tình hình và định kỳ
báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả triển khai thực hiện
kế hoạch, nhiệm vụ năm học 2021-2022 trên địa bàn tỉnh theo quy định.
b) Trường Đại học Tân Trào
Tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu
quả Chiến lược phát triển Trường Đại học Tân Trào giai đoạn 2018-2025, định hướng
đến năm 2030, định hướng đến năm 2030, đảm bảo mục tiêu phấn đấu xây dựng trường
thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực trong khu vực, là trung tâm nghiên cứu,
chuyển giao công nghệ của tỉnh; rà soát, đánh giá việc triển khai thực hiện và
áp dụng các quy định của pháp luật về tự chủ đại học, nâng cao hiệu quả hoạt động
của Hội đồng trường.
Xây dựng kế hoạch, tổ chức triển
khai thực hiện tốt nhiệm vụ, giải pháp năm học 2021-2022; tăng cường các giải
pháp bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19.
c) Ủy ban nhân dân huyện, thành
phố
Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục
và Đào tạo triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ giáo dục và đào tạo năm học
2021-2022 trên địa bàn.
Chịu trách nhiệm tổ chức thực
hiện việc sắp xếp lại điểm trường, lớp học đối với giáo dục mầm non, giáo dục
phổ thông đảm bảo hiệu quả, đúng tiến độ Kế hoạch 119/KH-UBND ngày 30/7/2021 của
Ủy ban nhân dân tỉnh.
d) Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp
Chỉ đạo các tổ chức thành viên
chủ động phối hợp với ngành giáo dục, Ủy ban nhân dân các cấp tuyên truyền, vận
động đoàn viên, hội viên nâng cao nhận thức về chủ trương, đường lối phát triển
sự nghiệp giáo dục và đào tạo của Đảng, từ đó tạo động lực thúc đẩy, đóng góp
cho sự nghiệp giáo dục của địa phương, xây dựng xã hội học tập.
đ) Các Giám đốc sở, ngành của tỉnh;
Thủ trưởng cơ quan đơn vị; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, xã, phường,
thị trấn; các Hiệu trưởng trường học, người đứng đầu cơ sở giáo dục và cán bộ,
công chức, viên chức ngành giáo dục trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm triển khai
thực hiện nghiêm Chỉ thị này./.
Nơi nhận:
- Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu QH tỉnh Tuyên Quang;
- Các Ban Đảng của Tỉnh ủy;
- UBMTTQ và các đoàn thể tỉnh;
- Các sở, ban, ngành của tỉnh;
- Báo Tuyên Quang;
- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh;
- Trường Đại học Tân Trào;
- Huyện ủy, Thành ủy;
- Chánh VP, các PCVP UBND tỉnh;
- UBND huyện, thành phố;
- Các tổ chức xã hội - nghề nghiệp;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Phòng THCB-KSTTHC;
- Lưu: VT, THVX (Bắc).
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Hoàng Việt Phương
|