BỘ Y TẾ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2099/QĐ-BYT
|
Hà Nội, ngày 10
tháng 5 năm 2023
|
QUYẾT ĐỊNH
QUY
ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA THANH TRA BỘ Y TẾ
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Luật Thanh
tra ngày 14 tháng 11 năm 2022;
Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP
ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 101/2020/NĐ-CP
ngày 28 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ về sửa đổi Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của
Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ
quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 95/2022/NĐ-CP
ngày 15 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và
Chánh Thanh tra Bộ Y tế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Vị trí, chức năng
1. Thanh tra Bộ Y tế (sau đây gọi tắt là Thanh tra Bộ)
là cơ quan thuộc Bộ Y tế, giúp Bộ trưởng Bộ Y tế quản lý nhà nước về công tác
thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham
nhũng, tiêu cực theo thẩm quyền; thực hiện nhiệm vụ thanh tra hành chính đối với
cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của Bộ Y tế; thực hiện nhiệm vụ
thanh tra chuyên ngành trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ
Y tế theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế, bảo đảm không chồng chéo với chức
năng, nhiệm vụ của cơ quan khác thuộc Bộ Y tế được giao thực hiện chức năng
thanh tra chuyên ngành; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại,
tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.
2. Thanh tra Bộ chịu sự quản lý, chỉ đạo, điều hành
của Bộ trưởng Bộ Y tế và chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ về công tác thanh
tra của Thanh tra Chính phủ.
3. Thanh tra Bộ có tên giao dịch bằng Tiếng Anh là
Ministry Inspectorate, Ministry of Health (MI - MOH).
4. Thanh tra Bộ có con dấu và tài khoản tạm giữ
theo quy định của pháp luật, có trụ sở đặt tại thành phố Hà Nội.
Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn
1. Giúp Bộ trưởng Bộ Y tế quản lý nhà nước về công
tác thanh tra thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế:
a) Chủ trì hoặc tham gia xây dựng các văn bản quy
phạm pháp luật, các quy trình, quy chế thanh tra trong lĩnh vực quản lý nhà nước
của Bộ Y tế, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt;
b) Xây dựng trình Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành và hướng
dẫn, đôn đốc việc thực hiện quy định về tổ chức, hoạt động thanh tra thuộc thẩm
quyền quản lý nhà nước của Bộ Y tế;
c) Hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra đối với cơ quan
khác thuộc Bộ Y tế được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và
Thanh tra Sở Y tế;
d) Tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc cơ
quan, đơn vị thuộc quyền quản lý của Bộ Y tế thực hiện quy định của pháp luật về
thanh tra;
đ) Xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra của Bộ Y tế,
hướng dẫn xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra của cơ quan khác thuộc Bộ Y tế được
giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành để tổng hợp, xây dựng kế hoạch
thanh tra của Bộ Y tế trình Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành và đôn đốc, theo dõi, tổ
chức thực hiện;
e) Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch
thanh tra của cơ quan khác thuộc Bộ được giao thực hiện chức năng thanh tra
chuyên ngành;
g) kiểm tra tính chính xác, hợp pháp kết luận thanh
tra của cơ quan khác thuộc Bộ Y tế được giao thực hiện chức năng thanh tra
chuyên ngành và quyết định xử lý sau thanh tra của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp
tỉnh đối với vụ việc thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế khi cần thiết;
i) Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết
luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra của Thanh tra Bộ, Bộ trưởng Bộ Y
tế và của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp;
2. Tổ chức thực hiện hoạt động thanh tra
a) Thanh tra hành chính: Thanh tra việc thực hiện
chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc
quyền quản lý của Bộ Y tế; thanh tra đối với doanh nghiệp nhà nước do Bộ trưởng
Bộ Y tế quyết định thành lập theo quy định của pháp luật;
b) Thanh tra chuyên ngành: thanh tra việc chấp hành
pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn - kỹ thuật, quản lý của cơ quan,
tổ chức, đơn vị và cá nhân trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của
Bộ Y tế, trừ lĩnh vực được phân cấp cho cơ quan khác thuộc Bộ Y tế được giao thực
hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thực hiện;
c) Thanh tra lại vụ việc đã có kết luận của cơ quan
khác thuộc Bộ Y tế được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và các
vụ việc thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế đã có kết luận của Thanh tra
Sở Y tế nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật qua xem xét, xử lý khiếu
nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;
d) Trưng tập công chức, viên chức của cơ quan, đơn
vị liên quan tham gia hoạt động thanh tra theo quy định của pháp luật;
đ) Trưng cầu giám định về vấn đề liên quan đến nội
dung thanh tra;
e) Thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính hoặc
kiến nghị người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp
luật về xử lý vi phạm hành chính;
g) Thanh tra vụ việc có nội dung có liên quan đến
nhiều lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế;
h) Xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động của
các cơ quan thanh tra theo quy định của pháp luật;
i) Thanh tra vụ việc khác khi được Bộ trưởng Bộ Y tế
giao.
3. Về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại,
tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực:
a) Giúp Bộ trưởng Bộ Y tế thực hiện quản lý nhà nước
về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện nhiệm vụ,
quyền hạn trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định
của pháp luật.
b) Giúp Bộ trưởng Bộ Y tế thực hiện quản lý nhà nước
về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn
trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.
4. Tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng Bộ Y tế, Tổng Thanh
tra Chính phủ về kết quả công tác thanh tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo; tiếp
công dân; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong phạm vi quản lý của Bộ Y tế
theo quy định của pháp luật.
5. Thực hiện nhiệm vụ khác được Bộ trưởng Bộ Y tế
giao và các nhiệm vụ, quyền hạn khác trong hoạt động thanh tra theo quy định của
pháp luật.
Điều 3. Cơ cấu tổ chức
1. Thanh tra Bộ có: Chánh Thanh tra Bộ, các Phó
Chánh Thanh tra Bộ, Thanh tra viên và công chức khác.
2. Chánh Thanh tra Bộ do Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm,
miễn nhiệm, cách chức, điều động, luân chuyển, biệt phái sau khi tham khảo ý kiến
của Tổng Thanh tra Chính phủ.
Chánh Thanh tra Bộ chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng
Bộ Y tế trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra Bộ
theo quy định của pháp luật.
3. Các Phó Chánh Thanh tra Bộ do Bộ trưởng Bộ Y tế
bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, điều động, luân chuyển, biệt phái theo đề nghị
của Chánh Thanh tra Bộ; các Phó Chánh Thanh tra Bộ giúp việc cho Chánh Thanh
tra Bộ và chịu trách nhiệm trước Chánh Thanh tra Bộ và trước pháp luật về việc
thực hiện nhiệm vụ được phân công, ủy quyền.
4. Tổ chức bộ máy của Thanh tra Bộ:
a) Phòng Thanh tra Y tế dự phòng (P1);
b) Phòng Thanh tra Khám chữa bệnh, Bảo hiểm Y tế và
Dân số (P2);
c) Phòng Thanh tra Dược, Mỹ phẩm và Trang thiết bị
Y tế (P3);
d) Phòng Thanh tra Hành chính, phòng, chống tham
nhũng và tiếp dân, giải quyết đơn thư (P4);
đ) Phòng Tổng hợp và Xử lý sau thanh tra (P5).
5. Cơ chế hoạt động
a) Thanh tra Bộ hoạt động theo chế độ thủ trưởng;
b) Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công
tác của các phòng thuộc Thanh tra Bộ do Chánh Thanh tra Bộ quy định trên cơ sở
chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra Bộ được Bộ trưởng Bộ Y tế giao:
c) Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng của các phòng thuộc
Thanh tra Bộ được bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, điều động, luân chuyển, biệt
phái theo các quy định của pháp luật;
d) Thanh tra viên, công chức của Thanh tra Bộ được
bổ nhiệm theo quy định của pháp luật, chịu trách nhiệm trước Chánh Thanh tra Bộ
và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ được giao; có thẩm quyền, chức
năng, nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của pháp luật;
đ) Các chức danh Chánh Thanh tra Bộ, Phó Chánh
Thanh tra Bộ, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng thuộc Thanh tra Bộ được hưởng phụ
cấp theo quy định của pháp luật.
6. Biên chế
Biên chế của Thanh tra Bộ được xác định theo quy định
của pháp luật về vị trí việc làm và được điều chỉnh hàng năm theo nhu cầu vị
trí việc làm do Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định trên cơ sở đề xuất của Chánh Thanh
tra Bộ.
Điều 4. Hiệu lực thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban
hành.
2. Quyết định số 55/QĐ-BYT ngày 05 tháng 01 năm
2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Thanh tra Bộ hết hiệu lực kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực.
Điều 5. Trách nhiệm thi hành
Các ông, bà: Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ,
Vụ trưởng, Cục trưởng thuộc Bộ Y tế, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân
có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- Văn phòng Chính phủ (để báo cáo);
- Bộ Nội vụ;
- Các Thứ trưởng Bộ Y tế;
- Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế;
- Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế;
- Lưu: VT, TCCB.
|
BỘ TRƯỞNG
Đào Hồng Lan
|