Kính
gửi: Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam
(Địa chỉ: 22 Ngô Quyền, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội -
MST: 0101057919)
Trả lời công văn số 1416/PVB-K.TCKT đề ngày 13/01/2021 của Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam
(sau đây gọi tắt là “Ngân hàng”) hỏi về chính sách thuế, Cục Thuế TP Hà Nội có
ý kiến như sau:
- Căn cứ Điều 64 Nghị định
163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính Phủ về giao dịch bảo đảm quy định:
“Điều 64. Quyền và nghĩa vụ của
bên nhận bảo đảm trong thời gian chờ xử lý tài sản
bảo đảm
1. Trong thời gian chờ xử lý tài sản bảo đảm, bên nhận bảo đảm được khai thác, sử dụng tài sản bảo
đảm hoặc cho phép bên bảo đảm hoặc ủy quyền cho người thứ ba khai thác, sử dụng
tài sản bảo đảm theo đúng tính năng và công dụng của
tài sản. Việc cho phép hoặc ủy quyền khai thác, phương thức khai thác và việc xử
lý hoa lợi, lợi tức thu được phải được lập thành văn
bản.
2. Hoa lợi, lợi tức thu được phải
được hạch toán riêng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Sau khi trừ các chi phí cần thiết cho việc khai thác, sử dụng
tài sản, số tiền còn lại được dùng để thanh toán
cho bên nhận bảo đảm”.
- Căn cứ Nghị định số 123/2020/NĐ-CP
ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ:
+ Tại Điều 59 quy định về hiệu lực
thi hành:
"1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7
năm 2022, khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân
đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin áp dụng quy định về hóa đơn,
chứng từ điện tử của Nghị định này trước ngày 01 tháng 7 năm 2022.
2. Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày
14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định về hóa
đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 01
năm 2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều
của Nghị định số 51/2010/NĐ-CP
quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm
2018 của Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch
vụ tiếp tục có hiệu lực thi hành đến ngày 30 tháng 6 năm 2022.
3. Bãi bỏ khoản 2 và khoản 4 Điều
35 Nghị định số 119/2018/NĐ-CP
ngày 12 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử kể từ ngày
01 tháng 11 năm 2020.
…"
+ Tại Điều 60 quy định xử lý chuyển tiếp:
"1. Doanh nghiệp, tổ
chức kinh tế đã thông báo phát hành hóa đơn đặt in, hóa đơn tự in, hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế hoặc đã đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử
có mã của cơ quan thuế, đã mua hóa đơn của cơ quan thuế trước ngày Nghị định
này được ban hành thì được tiếp tục sử dụng hóa đơn đang sử dụng kể từ ngày Nghị
định này được ban hành đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2022 và thực hiện các thủ tục
về hóa đơn theo quy định tại các Nghị định: số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5
năm 2010 và số 04/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm
2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
…"
- Căn cứ Thông tư số 26/2015/TT-BTC
ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng và quản lý
thuế tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ quy định chi
tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi,
bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của
Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính về hóa đơn bán hàng
hóa, cung ứng dịch vụ.
+ Tại Điểm a Khoản 7 Điều 3 sửa đổi,
bổ sung điểm b Khoản 1 Điều 16 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ
Tài chính quy định lập hóa đơn như sau:
“a) Sửa đổi, bổ sung điểm b Khoản 1 Điều 16 (đã được sửa đổi,
bổ sung tại Khoản 3 Điều 5 Thông tư số 119/2014/TT-BTC) như sau:
“b) Người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các trường hợp hàng
hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để
cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người
lao động (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ, tiêu dùng
nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất).
…”
- Căn cứ Điều 17 Thông tư số
39/2014/TT-BTC ngày 31/03/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn
thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/05/2010 và Nghị định số
04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính Phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa,
cung ứng dịch vụ, quy định về ủy nhiệm lập hóa đơn:
“1.
Người bán hàng được ủy nhiệm cho bên thứ ba lập hóa
đơn cho hoạt động bán hàng hóa, dịch vụ. Hóa đơn được
ủy nhiệm cho bên thứ ba lập vẫn phải ghi tên đơn vị bán là đơn vị ủy nhiệm và đóng dấu đơn vị ủy nhiệm phía trên bên trái của tờ hóa đơn (trường hợp
hóa đơn tự in được in từ thiết bị của bên được ủy
nhiệm hoặc hóa đơn điện tử thì không phải đóng dấu của đơn vị ủy nhiệm). Việc ủy nhiệm phải
được xác định bằng văn bản giữa bên ủy nhiệm và bên nhận ủy nhiệm.
2. Nội dung văn bản ủy nhiệm phải
ghi đầy đủ các thông tin về hóa đơn ủy nhiệm (hình thức hóa đơn, loại hóa đơn,
ký hiệu hóa đơn và số lượng hóa đơn (từ số... đến số.,.));
mục đích ủy nhiệm; thời hạn ủy nhiệm; phương thức giao nhận hoặc phương thức
cài đặt hóa đơn ủy nhiệm (nếu là hóa đơn tự in hoặc hóa đơn điện tử); phương thức thanh
toán hóa đơn ủy nhiệm.
3. Bên ủy nhiệm phải lập thông báo
ủy nhiệm có ghi đầy đủ các thông tin về hóa đơn ủy
nhiệm, mục đích ủy nhiệm, thời hạn ủy nhiệm dựa trên văn bản ủy nhiệm đã ký kết; có tên, chữ ký, dấu (nếu có) của đại diện
bên ủy nhiệm cho bên nhận ủy nhiệm. Thông báo ủy nhiệm phải được gửi đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp bên ủy nhiệm và bên nhận ủy nhiệm, chậm nhất là ba (03) ngày
trước khi bên nhận ủy nhiệm lập hóa đơn..
4. Bên nhận ủy nhiệm phải niêm yết
thông báo ủy nhiệm tại nơi bán hàng hóa, dịch vụ được ủy nhiệm lập hóa đơn để
người mua hàng hóa, dịch vụ được biết.
5. Khi hết thời hạn ủy nhiệm hoặc
chấm dứt trước hạn ủy nhiệm lập hóa đơn, hai bên phải xác định bằng văn bản và
bên nhận ủy nhiệm phải tháo gỡ ngay các thông báo đã niêm yết tại nơi bán hàng
hóa, dịch vụ.
6. Bên ủy nhiệm và bên nhận ủy nhiệm
phải tổng hợp báo cáo định kỳ việc sử dụng các hóa đơn ủy nhiệm. Bên ủy nhiệm
phải thực hiện báo cáo sử dụng hóa đơn (trong đó có các hóa đơn ủy nhiệm) hàng
quý theo hướng dẫn tại
Thông tư này. Bên nhận ủy nhiệm không phải thực hiện thông báo phát hành hóa
đơn ủy nhiệm và báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn ủy
nhiệm.”
Căn cứ quy định trên:
- Trường hợp
Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (gọi tắt là “Công ty
VAMC”) có quyền sở hữu khoản nợ, quản lý tài sản đảm bảo và nhận được các lợi
ích phát sinh từ tài sản đảm bảo theo quy định của pháp luật thì khi Công ty
VAMC cho bên thứ ba thuê tài sản này (thông qua việc ủy quyền cho Ngân hàng quản
lý, khai thác tài sản đảm bảo), Công ty VAMC phải xuất hóa đơn cho bên thuê tài sản theo quy định tại Điểm a Khoản 7 Điều 3 Thông tư
số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính.
- Trường hợp
Ngân hàng nhận được khoản thù lao (nếu có) từ hoạt động quản lý, khai thác, xử
lý tài sản đảm bảo do Công ty VAMC chi trả thì Ngân hàng
phải lập hóa đơn GTGT, kê khai và nộp thuế theo quy định.
- Việc ủy nhiệm lập hóa đơn: Ngân
hàng và Công ty VAMC thực hiện theo quy định tại Điều 17 Thông tư số
39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính.
Trong quá trình thực hiện chính sách
thuế, trường hợp còn vướng mắc, đơn vị có thể tham khảo
các văn bản hướng dẫn của Cục Thuế TP Hà Nội được đăng tải
trên website http://hanoi.gdt. gov.vn hoặc liên hệ với phòng Thanh tra - Kiểm
tra thuế số 8 để được hỗ trợ giải quyết.
Cục Thuế TP Hà Nội
trả lời Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam biết để thực hiện./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Phòng TTKT8;
- Phòng NVDTPC;
- Website Cục Thuế;
- Lưu: VT, TTHT(2).
|
KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG
Nguyễn Tiến Trường
|