Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 3818/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An Người ký: Thái Thanh Quý
Ngày ban hành: 27/09/2019 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3818/QĐ-UBND

Nghệ An, ngày 27 tháng 9 năm 2019

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN CHUYỂN HÓA ĐỊA BÀN TRỌNG ĐIỂM, PHỨC TẠP VỀ TRẬT TỰ, AN TOÀN XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN GIAI ĐOẠN 2019 - 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2016 của Bộ Chính trị (Khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và Kết luận số 05-KL/TW ngày 15/7/2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW;

Căn cứ Quyết định số 623/QĐ-TTg ngày 14/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030;

Xét đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh tại Tờ trình số 3143/Ttr-CAT-PV01 ngày 04/9/2019,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Đề án chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2019-2030”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký;

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Bộ Công an (V01);
- TT Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- Đ/c Chủ tịch UBND tỉnh;
- Đ/c Vinh, PCT UBND tỉnh;
- Chánh, Phó VPNC UBND tỉnh;
- Lưu: VT, NC (Đ/c Vinh-TP).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Thái Thanh Quý

ĐỀ ÁN

CHUYỂN HÓA ĐỊA BÀN TRỌNG ĐIỂM, PHỨC TẠP VỀ TRẬT TỰ, AN TOÀN XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN GIAI ĐOẠN 2019 - 2030
(Ban hành theo Quyết định số: 3818/QĐ-UBND ngày 27/9/2019 của UBND tỉnh)

PHẦN I

THỰC TRẠNG VÀ SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH ĐỀ ÁN

I. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC CHUYỂN HÓA ĐỊA BÀN TRỌNG ĐIỂM, PHỨC TẠP VỀ TRẬT TỰ AN TOÀN XÃ HỘI

1. Thực trạng tình hình trật tự an toàn xã hội

- Trong những năm qua, tình hình trật tự, an toàn xã hội (TTATXH), hoạt động của các loại tội phạm trên địa bàn tỉnh tuy được kìm giữ nhưng vẫn diễn biến phức tạp. Từ năm 2015 đến 2018, toàn tỉnh phát hiện, xử lý 12.715 vụ phạm tội các loại (trung bình mỗi năm xử lý 2.543 vụ), trong đó, tội phạm xâm phạm trật tự xã hội 5.766 vụ (chiếm 45,35%), tệ nạn xã hội 2.310 vụ (chiếm 18,17%); tội phạm về kinh tế, tham nhũng và môi trường 415 vụ (chiếm 3,26%); tội phạm về ma túy 4.054 vụ (chiếm 31,88%)... Phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ngày càng tinh vi, manh động. Tình hình trật tự an toàn giao thông, cháy, nổ mặc dù được kìm giữ và có chiều hướng giảm nhưng số vụ tai nạn giao thông, cháy, nổ vẫn ở mức cao, một số vụ gây thiệt hại lớn về người, tài sản... Nghệ An vẫn được Chính phủ, Bộ Công an xác định là một trong 18 địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự của cả nước.

- Qua rà soát, tính đến ngày 14/6/2019, toàn tỉnh có hơn 180 xã, phường, thị trấn tình hình TTATXH có mặt diễn biến phức tạp, điển hình như: phường Hồng Sơn, Vinh Tân, Hà Huy Tập, Cửa Nam, Bến Thủy, Lê Lợi (TP Vinh); xã Mường Long, Chiêu Lưu (huyện Kỳ Sơn); xã Nga My, Xiêng My, Yên Na, Thạch Giám, Xá Lượng (huyện Tương Dương); thị trấn Con Cuông (huyện Con Cuông); thị trấn Quỳ Hợp, xã Tam Hợp (huyện Quỳ Hợp); thị trấn Diễn Châu, Diễn Hồng, Diễn Ngọc (huyện Diễn Châu); xã Châu Bình, Diên Lãm, Châu Hoàn (huyện Quỳ Châu); xã Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Bảng, Quỳnh Văn, thị trấn Cầu Giát (huyện Quỳnh Lưu); phường Quỳnh Thiện (TX Hoàng Mai); thị trấn Nghĩa Đàn, xã Nghĩa Bình (huyện Nghĩa Đàn); xã Nậm Nhoóng, Châu Thôn, Tri Lễ (huyện Quế Phong); xã Võ Liệt, Thanh Sơn, Ngọc Lâm (huyện Thanh Chương); thị trấn Nam Đàn (huyện Nam Đàn); phường Quang Tiến, Hòa Hiếu (TX Thái Hòa)...

2. Kết quả công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về TTATXH trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015 - 2018

Giai đoạn 2015 - 2018, bám sát chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công an, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các lực lượng triển khai thực hiện công tác chuyển hóa địa bàn một cách nghiêm túc, bài bản, đạt nhiều kết quả quan trọng, cụ thể:

2.1. Đã tập trung tham mưu chỉ đạo triển khai, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ về chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về TTATXH. Trong đó đã chỉ đạo 100% UBND các xã được lựa chọn chuyển hóa thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chuyển hóa do Chủ tịch UBND cấp xã làm trưởng ban để trực tiếp chỉ đạo, huy động sức mạnh của hệ thống chính trị tại cơ sở tham gia công tác chuyển hóa tại địa bàn; chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường phối hợp với chính quyền cơ sở triển khai các giải pháp phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, kịp thời giải quyết các tình hình phức tạp nổi lên về an ninh trật tự, không để diễn biến phức tạp; tạo các điều kiện về nguồn lực, kinh phí để phục vụ công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về TTATXH...

2.2. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm, gắn với xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được đẩy mạnh, nhất là công tác tuyên truyền pháp luật tập trung; xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong bảo đảm TTATXH ở cơ sở. Tính đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 57 loại mô hình điển hình tiên tiến triển khai tại 1.218 khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, trường học; trong đó 100% địa bàn thực hiện chuyển hóa đều có các mô hình hoạt động hiệu quả. Một số mô hình được Bộ Công an, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh, huyện thông báo kết quả, kinh nghiệm và chỉ đạo nhân rộng: Mô hình “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải, tự phát hiện tố giác tội phạm ” tại xã Châu Hội (huyện Quỳ Châu); mô hình “Tiếng kẻng bình yên ” tại xã Châu Cường (huyện Quỳ Hợp); mô hình “Ánh điện thắp sáng đảm bảo an ninh trật tự” tại xã Nghĩa Bình (huyện Tân Kỳ); Câu lạc bộ “Lá chắn ” tại xã Bình Chuẩn, “Tự quản về trật tự, an toàn xã hội” tại xã Lục Dạ (huyện Con Cuông); mô hình “Camera cộng đồng” tại phường Lê Lợi, Bến Thủy, Cửa Nam (TP Vinh); mô hình “Cựu chiến binh với công tác tuần tra đảm bảo an ninh trật tự” tại xã Hợp Thành (huyện Yên Thành), xã Hưng Tây (huyện Hưng Nguyên), phường Quỳnh Phương (TX Hoàng Mai); mô hình “Tự quản về an ninh trật tự” tại xã Hữu Kiệm, Đoọc Mạy, Tây Sơn (huyện Kỳ Sơn)... Đặc biệt, mô hình “Tổ tuần tra nhân dân ” và “Tổ tự quản về an ninh ” của các xã thuộc huyện Diễn Châu được Bộ Công an thông báo kết quả, kinh nghiệm trong toàn quốc.

2.3. Công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự tại địa bàn chuyển hóa được tăng cường, nhất là công tác quản lý nhân, hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng, quản lý xuất, nhập cảnh; quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự; công tác vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, hung khí nguy hiểm; công tác lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa người vào Cơ sở giáo dục bắt buộc, Trường giáo dưỡng đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần làm trong sạch địa bàn, hạn chế tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội. Giai đoạn 2015 - 2018, toàn tỉnh đã áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với 825 trường hợp; đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng bắt buộc 220 trường hợp; đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc 1.620 Trường hợp; tổ chức cai nghiện tại cộng đồng cho hàng trăm đối tượng.

2.4. Triển khai nhiều giải pháp đấu tranh quyết liệt có hiệu quả với các loại tội phạm và vi phạm pháp luật tại địa bàn chuyển hóa. Nhiều địa bàn có số vụ phạm pháp hình sự giảm so với trước khi chuyển hóa hoặc không xảy ra; hầu hết các địa bàn đấu tranh có hiệu quả với tội phạm ma túy, bắt giữ nhiều đường dây, ổ nhóm tội phạm về ma túy; số người nghiện ma túy ở nhiều địa bàn trọng điểm, phức tạp giảm so với trước khi chuyển hóa; tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế, môi trường cơ bản được kìm giữ, không để xảy ra các vụ việc phức tạp kéo dài hoặc chậm bị phát hiện, xử lý, gây hậu quả nghiêm trọng. Sơ kết giai đoạn 2015 - 2018, trong tổng số 90 xã, phường, thị trấn lựa chọn thực hiện chuyển hóa có 54 địa bàn đủ điều kiện công nhận địa bàn chuyển hóa thành công (đạt tỷ lệ 60%), có 36 địa bàn tình hình tội phạm giảm nhưng chưa đáng kể, đang tiếp tục tập trung chuyển hóa.

3. Đánh giá chung

3.1. Ưu điểm

- Quá trình thực hiện công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về TTATXH đã khẳng định đây là một chủ trương rất quan trọng, là giải pháp đúng đắn, kịp thời của Chính phủ, Bộ Công an và Ủy ban nhân dân tỉnh trong công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm TTATXH tại cơ sở, cấp ủy, chính quyền các địa phương, các ngành chức năng đã quan tâm và chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, phân công lãnh đạo, thành viên Ban chỉ đạo, các lực lượng chức năng phối hợp, hỗ trợ lực lượng cơ sở; đầu tư nguồn lực; huy động các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và người dân vào cuộc. Lực lượng Công an đã phát huy vai trò tham mưu nòng cốt trong chỉ đạo và thực hiện công tác chuyển hóa địa bàn. Xuất hiện nhiều mô hình, điển hình trong công tác phòng, chống tội phạm được phát huy và nhân rộng.

- Tại các địa bàn được lựa chọn chuyển hóa, một số địa bàn trọng điểm đã trở thành địa bàn an toàn về TTATXH: Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật giảm hẳn so với thời gian trước khi chuyển hóa; nhiều địa bàn không để xảy ra các vụ trọng án; khiếu kiện đông người, khiếu kiện vượt cấp; tỷ lệ điều tra, khám phá tội phạm đạt hiệu quả cao; phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tại cơ sở được tăng cường, xây dựng được nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm TTATXH; hệ thống chính trị và lực lượng Công an được củng cố, tăng cường, vững mạnh... Trong giai đoạn bước đầu triển khai, thực hiện (2015 - 2018), việc lựa chọn địa bàn trọng điểm, phức tạp về TTATXH bảo đảm quy định của Bộ Công an và UBND tỉnh.

3.2. Tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc

- Vẫn còn một số cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể chưa nhận thức rõ về nội dung, tầm quan trọng của công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm phức tạp về TTATXH, chưa xác định chuyển hóa địa bàn là một chủ trương lớn của Chính phủ, Bộ Công an và Ủy ban nhân dân tỉnh nên chưa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp thực hiện.

- Cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức công tác lãnh đạo, chỉ đạo chuyển hóa địa bàn trọng điểm về TTATXH. Một số địa phương tuy có văn bản chỉ đạo, triển khai nhưng còn mang tính hình thức, vào cuộc chưa thật sự quyết liệt, một số nơi triển khai còn chậm; chưa xác định rõ vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong công tác chỉ đạo, triển khai, thực hiện. Việc sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm, đề ra giải pháp nâng cao hiệu quả công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội tại địa phương chưa được quan tâm đúng mức.

- Một số ngành, địa phương còn có tư tưởng coi công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về TTATXH là nhiệm vụ của lực lượng Công an nên thiếu quan tâm chỉ đạo triển khai, thực hiện. Công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp chưa thật sự chặt chẽ. Một số ngành chưa thực hiện hết vai trò, nhiệm vụ được phân công.

- Kinh phí triển khai thực hiện công tác chuyển hóa địa bàn còn hạn chế, chủ yếu lồng ghép việc thực hiện vào các chương trình khác và nguồn kinh phí thường xuyên của các đơn vị, địa phương. Bộ Công an, UBND các cấp chưa có kinh phí hỗ trợ các ngành, địa phương thực hiện...

II. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH ĐỀ ÁN

1. Công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về TTATXH là một chủ trương lớn, đúng đắn của Chính phủ, Bộ Công an trong phòng, chống tội phạm; là tổng hợp các biện pháp phòng, chống tội phạm áp dụng đối với một địa bàn xã, phường, thị trấn trọng điểm, phức tạp về TTATXH nhằm chuyển hóa thành địa bàn an toàn, giảm tội phạm và tệ nạn xã hội, không còn phức tạp về TTATXH. Chủ trương này được Chính phủ, Bộ Công an triển khai thí điểm tại một số tỉnh, thành phố từ năm 2013 và nhân rộng trên địa bàn cả nước từ năm 2015. Trong đó, một số địa phương như Sơn La ban hành Đề án của Tỉnh ủy, Lai Châu ban hành Đề án của UBND tỉnh để huy động nguồn lực, sức mạnh của hệ thống chính trị thực hiện chuyển hóa, đạt nhiều kết quả rất quan trọng.

Thời gian tới, trước yêu cầu bảo đảm ổn định TTATXH phục vụ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân và sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, Chính phủ, Bộ Công an sẽ tăng cường chỉ đạo và đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với các địa phương trong công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về TTATXH, xem đây là giải pháp trọng tâm trong công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự ngay từ cơ sở.

2. Tại Nghệ An, thời gian qua với sự vào cuộc của các ngành, các cấp và nhân dân, công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về TTATXH đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần xây dựng môi trường an toàn, ổn định, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về TTATXH vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như đã nêu ở trên, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự trên địa bàn.

Trước tình hình trên, để công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về TTATXH tiếp tục phát huy hiệu quả, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp cần phải thực hiện một cách đồng bộ, quyết liệt các biện pháp, bảo đảm đúng định hướng, lộ trình cụ thể theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an. Vì vậy, UBND tỉnh ban hành Đề án “Chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội giai đoạn 2019 - 2030” với các nội dung sau:

III. CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 26/3/2008 của Bộ Chính trị về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới và Kết luận số 95-KL/TW ngày 02/4/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW.

2. Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị (Khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và Kết luận số 05-KL/TW ngày 15/7/2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW.

3. Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới.

4. Quyết định số 623/QĐ-TTg ngày 14/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030.

5. Căn cứ Quyết định số 199/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình thực hiện Kết luận số 05-KL/TW ngày 15/7/2016 của Ban Bí thư và Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm đến năm 2020;

6. Căn cứ Quyết định số 1960/QĐ-BCA-C41 ngày 08/6/2017 của Bộ Công an về phê duyệt Đề án “Chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội đến năm 2020”.

PHẦN II

NỘI DUNG CỦA ĐỀ ÁN

I. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Quán triệt quan điểm của Đảng và Nhà nước về giữ gìn trật tự, an toàn xã hội là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, trong đó Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt trong công tác tham mưu và tổ chức thực hiện.

2. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các ngành, đoàn thể và nhân dân, giải quyết có hiệu quả các địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn toàn tỉnh, chuyển hóa thành địa bàn an toàn, giảm tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội một cách bền vững.

3. Ưu tiên nguồn lực, tổ chức triển khai đồng bộ, bài bản các nội dung, nhiệm vụ, giải quyết có trọng tâm, trọng điểm các vấn đề phức tạp về trật tự, an toàn xã hội tại từng địa bàn cụ thể. Có giải pháp duy trì bền vững kết quả chuyển hóa, không để tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội, các vấn đề phức tạp về trật tự, an toàn xã hội tiếp tục phát sinh sau chuyển hóa.

II. ĐỊA BÀN, TIÊU CHÍ XÁC ĐỊNH ĐỊA BÀN CHUYỂN HÓA

1. Địa bàn lựa chọn chuyển hóa

- Địa bàn trọng điểm, phức tạp về TTATXH là địa bàn có tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật diễn biến phức tạp hoặc tiềm ẩn yếu tố phức tạp trên một hoặc nhiều lĩnh vực TTATXH như: hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường, trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng...

- Địa bàn lựa chọn chuyển hóa là các xã, phường, thị trấn được Ủy ban nhân dân cấp huyện xác định là trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội, đề xuất và được Ủy ban nhân dân tỉnh lựa chọn, phê duyệt thực hiện chuyển hóa.

- Đối với các địa bàn được công nhận là trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự theo Quyết định số 4194/QĐ-BCA-V28 ngày 31/8/2012 của Bộ Công an về công nhận các xã trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh Nghệ An, nếu phức tạp về trật tự, an toàn xã hội thuộc đối tượng điều chỉnh của Đề án này.

- Để công tác chuyển hóa đạt hiệu quả cao, Ủy ban nhân dân cấp huyện lựa chọn không quá 25% tổng số xã, phường, thị trấn, có tình hình trật tự, an toàn xã hội trọng điểm, phức tạp hơn để tập trung ưu tiên thực hiện chuyển hóa.

2. Các nhóm tiêu chí và cách thức xác định địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội

2.1. Các nhóm tiêu chí xác định địa bàn

2.1.1. Nhóm các tiêu chí về hình sự

- Địa bàn thường xảy ra các vụ việc phạm tội, vi phạm pháp luật về hình sự.

- Địa bàn tiềm ẩn nhiều tụ điểm, điểm phức tạp, nhiều băng, ổ nhóm về tội phạm hình sự hoạt động có tổ chức, có dấu hiệu “xã hội đen”.

- Địa bàn tập trung nhiều đối tượng hình sự trong diện quản lý có nguy cơ phạm tội và vi phạm cao.

- Số tin báo về tội phạm.

2.1.2. Nhóm tiêu chí về ma túy

- Địa bàn tội phạm diễn biến phức tạp.

- Địa bàn tiềm ẩn nhiều tụ điểm, điểm phức tạp về mua bán, vận chuyển, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy chưa được triệt xóa.

- Địa bàn tập trung nhiều người nghiện có hồ sơ quản lý.

- Địa bàn có diện tích trồng cây có chứa chất ma túy.

2.1.3. Nhóm tiêu chí về kinh tế, môi trường

- Địa bàn tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế, môi trường diễn biến phức tạp.

- Địa bàn tập trung nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, buôn bán thường xuyên vi phạm pháp luật về kinh tế, môi trường.

2.1.4. Nhóm tiêu chí khác

- Địa bàn thường xảy ra hoặc tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra các vụ cháy, nổ, các tai nạn khác gây hậu quả nghiêm trọng.

- Địa bàn có tranh chấp, khiếu kiện về đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng...

- Địa bàn tập trung các cơ sở kinh doanh ngành, nghề có điều kiện về an ninh trật tự (như: khách sạn, nhà nghỉ, quán bar, vũ trường, karaoke, cơ sở cầm đồ, hỗ trợ tư vấn tài chính); có nhiều bệnh viện, trường học, chợ, bến xe, khu công nghiệp, khu vực công cộng tập trung đông người...

- Địa bàn có tuyến giao thông thường xảy ra tai nạn và ùn tắc giao thông do các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn giao thông, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông; thường có các đối tượng tụ tập đua xe, tổ chức đua xe trái phép ...

- Địa bàn có hệ thống chính trị cơ sở yếu kém, hoạt động phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp.

- Địa bàn không có mô hình quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự hoặc có nhưng hoạt động kém hiệu quả.

Lưu ý: Ngoài các tiêu chí trên, các địa phương có thể đưa ra các tiêu chí khác phù hợp với địa bàn để làm căn cứ đánh giá, lựa chọn chuyển hóa, nhưng phải trên cơ sở nguyên tắc lựa chọn đúng địa bàn trọng điểm, phức tạp nhất.

2.2. Cách thức xác định địa bàn

- Trên cơ sở các tiêu chí quy định tại mục 2.1 của Đề án, các địa phương tập trung rà soát, đánh giá, lựa chọn các địa bàn trọng điểm, phức tạp nhất để đưa vào danh sách tập trung chuyển hóa. Số lượng địa bàn đưa vào diện chuyển hóa không quá 25% tổng số xã, phường, thị trấn của địa phương.

Riêng đối với tiêu chí “Địa bàn thường xảy ra các vụ việc phạm tội, vi phạm pháp luật về hình sự” thuộc nhóm tiêu chí về hình sự, các địa phương có thể tính tỷ lệ bình quân trong 02 năm gần nhất làm căn cứ xác định địa bàn. Ví dụ:

Đối với địa bàn TP Vinh trong năm 2017 bình quân mỗi phường, xã xảy ra 30 vụ; năm 2018 bình quân mỗi phường, xã xảy ra 35 vụ, thì địa bàn được lựa chọn chuyển hóa trong năm 2019 của thành phố phải có số vụ phạm tội và vi phạm về hình sự cao hơn mức bình quân năm 2017 và năm 2018.

Đối với địa bàn huyện Tân Kỳ trong năm 2017 bình quân mỗi xã, thị trấn xảy ra 20 vụ; năm 2018 bình quân mỗi xã, thị trấn xảy ra 18 vụ, thì địa bàn được lựa chọn chuyển hóa trong năm 2019 của huyện Tân Kỳ phải có số vụ phạm tội và vi phạm về hình sự cao hơn mức bình quân năm 2017 và năm 2018.

- Trên cơ sở kết quả rà soát, lựa chọn, các địa phương gửi hồ sơ (danh sách địa bàn, kết quả rà soát theo các nhóm tiêu chí của Đề án) về UBND tỉnh (qua Công an tỉnh) trước ngày 15/12 để xem xét, ra quyết định phê duyệt địa bàn thực hiện chuyển hóa của toàn tỉnh trong năm tiếp theo.

3. Tiêu chí xác định địa bàn chuyển hóa thành công

Địa bàn chuyển hóa thành công phải đảm bảo đủ 03 tiêu chí sau đây:

Tiêu chí 1. Địa bàn đạt 4/5 chỉ tiêu sau (so với thời điểm xác định địa bàn trọng điểm, phức tạp)

- Không có dấu hiệu hoạt động của tội phạm có tổ chức hoạt động theo kiểu “xã hội đen”; tỷ lệ điều tra, khám phá các loại tội phạm đạt từ 80% trở lên, các tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt 95% trở lên trong tổng số án khởi tố; 100% tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố được tiếp nhận, xử lý (chỉ tiêu bắt buộc phải đạt được).

- Tỷ lệ tái phạm tội trong số người chấp hành xong án phạt tù và đặc xá về cư trú tại địa bàn giảm 15% so với trước khi thực hiện chuyển hóa.

- Địa bàn cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể thường xuyên quan tâm chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm.

- Địa bàn xây dựng và củng cố ít nhất 01 mô hình vận động nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự theo hướng tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải, hoạt động hiệu quả; xây dựng và duy trì được việc thực hiện các nội quy, quy tắc nếp sống cộng đồng văn minh, tiến bộ.

- 100% hộ dân tại địa bàn được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Tiêu chí 2. Địa bàn giảm tội phạm và tệ nạn xã hội

- Số vụ phạm pháp hình sự, tệ nạn xã hội, số vụ việc, tình hình về TTATXH làm căn cứ đưa vào diện chuyển hóa giảm so với trước khi chuyển hóa.

- Số người nghiện ma túy được kìm giữ; 100% số người nghiện trên địa bàn phải được phát hiện, lập hồ sơ quản lý và áp dụng biện pháp cai nghiện phù hợp; không tồn tại các tụ điểm sản xuất, mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy.

Tiêu chí 3. Địa bàn không để phức tạp nổi lên về trật tự, an toàn xã hội: Không để xảy ra các vụ phạm tội kinh tế, ma túy, môi trường... phức tạp kéo dài, chậm bị phát hiện, xử lý, gây hậu quả nghiêm trọng; không để hình thành các điểm, tụ điểm phức tạp về trật tự an toàn xã hội.

III. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN

1. Mục tiêu tổng quát

Tập trung lực lượng, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia giải quyết, chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về TTATXH thành địa bàn an toàn, giảm tội phạm và tệ nạn xã hội, không còn vấn đề phức tạp nổi lên về TTATXH.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Đối với số địa bàn đã khảo sát từ khi triển khai Đề án

- Đến cuối năm 2021: Chiếm tỷ lệ 70% địa bàn thực hiện chuyển hóa có chuyển biến tích cực về TTATXH, trong đó có 50% địa bàn chuyển hóa thành công. ít nhất 60% địa bàn đã chuyển hóa thành công không tái phức tạp trở lại.

- Đến cuối năm 2024: Chiếm tỷ lệ 80% địa bàn thực hiện chuyển hóa có chuyển biến tích cực về trật tự, an toàn xã hội, giảm tội phạm và tệ nạn xã hội cả về số vụ và tính chất, mức độ vi phạm; trong đó có 60% địa bàn chuyển hóa thành công. ít nhất 70% địa bàn đã chuyển hóa thành công không tái phức tạp trở lại.

- Đến cuối năm 2027: Chiếm tỷ lệ 90% địa bàn thực hiện chuyển hóa có chuyển biến tích cực về trật tự, an toàn xã hội, giảm tội phạm và tệ nạn xã hội cả về số vụ và tính chất, mức độ vi phạm, không còn vấn đề phức tạp nổi lên về trật tự, an toàn xã hội so với trước khi chuyển hóa; trong đó có 80% địa bàn chuyển hóa thành công. Ít nhất 90% địa bàn đã chuyển hóa thành công không tái phức tạp trở lại.

- Đến cuối năm 2030: Chiếm tỷ lệ 100% địa bàn được lựa chọn thực hiện chuyển hóa thành công; không có địa bàn tái phức tạp trở lại sau chuyển hóa.

2.2. Đối với địa bàn tái phức tạp, đưa bổ sung vào diện trọng điểm, phức tạp về TTATXH thì phải tập trung chuyển hóa bằng được trong thời gian 02 năm kể từ khi tái đưa vào diện.

IV. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện

- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội, gắn với tiếp tục thực hiện hiệu quả các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, trọng tâm là: Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 26/3/2008 của Bộ Chính trị về tăng cường lãnh đạo chỉ đạo công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới; Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong hình hình mới; Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 29/4/2016 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường công tác phòng, chống ma túy giai đoạn 2016 - 2020; Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 10/8/2016 của BCH Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020; Kế hoạch số 664/KH-UBND ngày 10/11/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2030...

- Tham mưu cấp ủy Đảng các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống tội phạm; lồng ghép nội dung lãnh đạo chỉ đạo công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội vào trong nội dung chỉ thị, nghị quyết, chương trình hành động cụ thể hàng năm để tổ chức thực hiện. Tiếp tục chỉ đạo phát huy vai trò gương mẫu, tiên phong của cán bộ, đảng viên trong phòng, chống tội phạm ngay từ trong gia đình, nơi cư trú.

- Tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội... từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, tăng cường củng cố niềm tin của nhân dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

- Ủy ban nhân dân các cấp ban hành kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về TTATXH hàng năm. Chỉ đạo các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn và nhân dân tích cực, chủ động tham gia công tác phòng, chống tội phạm nói chung, công tác chuyển hóa địa bàn nói riêng. Duy trì và phát huy vai trò hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc các cấp (sau đây gọi tắt là Ban chỉ đạo 138).

2. Kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống chính trị tại địa bàn lựa chọn thực hiện chuyển hóa

- Kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo và Bộ phận Thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo 138 cấp huyện, cấp xã. Trong đó: Đối với địa bàn cấp xã được lựa chọn chuyển hóa tổ chức thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp xã, phân công đồng chí Bí thư Đảng ủy lãnh đạo trực tiếp, toàn diện; đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân làm Trưởng ban, đồng chí Trưởng Công an làm phó ban, các ngành, đoàn thể là thành viên để chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm và công tác chuyển hóa địa bàn.

- Phối hợp tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức cấp xã, xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực công tác tốt, đáp ứng yêu cầu vị trí đảm nhiệm.

- Quan tâm xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công tác của lực lượng Công an cấp xã và các lực lượng nòng cốt bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở. Hàng năm tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ cốt cán các khối, xóm, làng, thôn, bản nâng cao kỹ năng tuyên truyền, phòng ngừa, đấu tranh tội phạm tại địa bàn cơ sở.

3. Tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia phòng, chống tội phạm, gắn với đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tại cơ sở

- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về phương thức thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm; chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước... vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực tham gia công tác phòng, chống tội phạm, công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về TTATXH.

- Thực hiện có hiệu quả các chương trình phối hợp giữa các sở, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội có liên quan về tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp, địa bàn có nguy cơ cao.

- Chỉ đạo xây dựng, củng cố, nhân rộng các mô hình điển hình về bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở gắn với hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các mô hình hoạt động hiệu quả.

- Tiếp tục quan tâm làm tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng, trong đó phân công các tổ chức đoàn thể phối hợp cùng với cấp ủy, chính quyền và gia đình để quản lý, giáo dục, giúp đỡ người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, số đối tượng có nguy cơ phạm tội cao, người lầm lỗi, người được đặc xá, tha tù, đi cai nghiện, đi cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng.

4. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự; phòng ngừa, tấn công, trấn áp tội phạm tại địa bàn cơ sở

- Các cấp, các ngành tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn, lĩnh vực phụ trách, nhất là trên các lĩnh vực như: đất đai; khoáng sản; lâm sản, môi trường; ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự; văn hóa dịch vụ; vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; cháy, nổ; an toàn giao thông... Thường xuyên rà soát, chấn chỉnh, khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý Nhà nước, không để các đối tượng xấu lợi dụng hoạt động phạm tội và vi phạm pháp luật.

- Phối hợp thực hiện tốt công tác quản lý, giám sát đối tượng có nguy cơ cao tại cộng đồng dân cư, nhất là các đối tượng nghiện, đối tượng chấp hành án tại địa phương, đối tượng thanh thiếu niên hư... để phòng ngừa tội phạm. Làm tốt các biện pháp hành chính lập hồ sơ đưa vào diện giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng. Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng, điều trị người nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone nhằm làm giảm nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật.

- Thường xuyên nghiên cứu, rà soát những bất cập, sơ hở liên quan đến các chính sách pháp luật của Nhà nước; các quy định của địa phương để tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

- Làm tốt công tác nắm, dự báo tình hình về tội phạm, tệ nạn xã hội diễn ra trên địa bàn để chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp có hiệu quả, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ. Thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, tập trung đánh mạnh vào các loại tội phạm và vi phạm pháp luật nổi lên trên địa bàn, nhất là các ổ nhóm tội phạm, tội phạm hoạt động lưu động, đối tượng có hành vi bảo kê, đòi nợ thuê, cho vay lãi nặng; tội phạm cướp, cướp giật tài sản, cố ý gây thương tích, trộm cắp tài sản; tội phạm về ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại, vi phạm pháp luật về môi trường, các tệ nạn xã hội...

- Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố; công tác bắt, giam, giữ, điều tra, xử lý tội phạm, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Tăng cường công tác bắt, vận động đầu thú đối tượng truy nã, trốn thi hành án. Lựa chọn đưa ra xét xử lưu động tại các địa bàn thực hiện chuyển hóa một số vụ án trọng điểm... nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục pháp luật và phòng ngừa, răn đe các loại tội phạm.

5. Quan tâm huy động nguồn lực, bảo đảm kinh phí phục vụ hiệu quả công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về TTATXH. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về TTATXH. Định kỳ, đột xuất tiến hành sơ kết, tổng kết để đề ra chủ trương, đường lối phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; kịp thời khen thưởng, động viên các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.

Địa phương nào thiếu quan tâm, chỉ đạo thực hiện công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về TTATXH hoặc kết quả thực hiện yếu kém thì tùy tình chất, mức độ, UBND tỉnh sẽ phê bình hoặc xem xét xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan.

PHẦN III

PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Công an tỉnh

- Là Cơ quan Thường trực thực hiện Đề án có trách nhiệm chủ trì tham mưu Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra quá trình thực hiện Đề án của các ngành, các cấp. Định kỳ hàng năm tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt địa bàn chuyển hóa; tham mưu sơ, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện đề án, ban hành quyết định công nhận các địa bàn chuyển hóa thành công đưa ra khỏi diện chuyển hóa và tổ chức các biện pháp quản lý, chống tái phức tạp sau chuyển hóa.

- Phối hợp Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ, phân bổ kinh phí thực hiện Đề án.

- Chỉ đạo lực lượng Công an các cấp tăng cường công tác nghiệp vụ nắm tình hình, quản lý chặt chẽ các địa bàn, đối tượng để chủ động phòng ngừa, phát hiện tội phạm và vi phạm pháp luật. Phối hợp các ngành, các cấp quản lý chặt chẽ số đối tượng thanh, thiếu niên hư, số người nghiện ma túy trên địa bàn, gắn với các biện pháp phòng ngừa, không để phát sinh người nghiện mới.

- Phối hợp các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc để nhân dân nâng cao nhận thức và hành động, tích cực tham gia phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

- Tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật tại các địa bàn thực hiện chuyển hóa. Trong đó, tập trung quản lý chặt chẽ các cơ sở, ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, nhất là cơ sở cầm đồ, lưu trú, massage, quán bar, karaoke...; công tác quản lý cư trú; vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ góp phần phòng ngừa tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây án; công tác tuần tra, kiểm soát, đảm bảo trật tự an toàn giao thông; phòng chống cháy nổ... Phối hợp làm tốt công tác lập hồ sơ đưa người vào giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng...

- Củng cố và phát huy vai trò của lực lượng nòng cốt làm nhiệm vụ bảo đảm ANTT ở cơ sở, nhất là Cảnh sát khu vực, Công an xây dựng phong trào và phụ trách xã về an ninh trật tự, Công an xã, phường, thị trấn, Bảo vệ dân phố, các lực lượng tự quản về an ninh trật tự, người có uy tín tại cộng đồng dân cư... tại địa bàn được lựa chọn chuyển hóa nhằm phòng ngừa, hạn chế thấp nhất các hành vi vi phạm pháp luật xảy ra.

- Thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm tại các địa bàn thực hiện chuyển hóa. Phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố; bắt, giam giữ, điều tra, xử lý tội phạm và tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động tại các địa bàn thực hiện chuyển hóa nhằm tuyên truyền, giáo dục, răn đe tội phạm.

2. Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh

- Tham mưu đưa các nội dung thực hiện của Đề án vào chương trình, kế hoạch hàng năm của Ủy ban nhân dân tỉnh; phối hợp với Sở Nội vụ đưa kết quả thực hiện Đề án là một trong những tiêu chí xếp loại thi đua các đơn vị, địa phương hàng năm.

- Phối hợp Công an tỉnh, Sở Tài chính đề xuất Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh cấp, phân bổ kinh phí thực hiện Đề án.

- Phối hợp Công an tỉnh theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Đề án ở các cơ quan, ban, ngành và các địa phương; tham mưu sơ, tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện Đề án. Kịp thời tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh biểu dương, Khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chuyển hóa địa bàn; phê bình các đơn vị triển khai kém hiệu quả và đề xuất xem xét xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân không quan tâm chỉ đạo thực hiện Đồ án hoặc thực hiện kém hiệu quả.

3. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

Làm tốt công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn tội phạm trên tuyến biên giới. Chỉ đạo các Đồn Biên phòng phối hợp, hỗ trợ cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành chức năng và lực lượng Công an thực hiện các biện pháp chuyển hóa các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thuộc phạm vi Biên phòng.

4. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

Phối hợp các ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống tội phạm cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân trên địa bàn đóng quân. Huy động lực lượng phối hợp triển khai thực hiện công tác bảo đảm an ninh, trật tự tại địa bàn chuyển hóa khi có yêu cầu.

5. Sở Y tế

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện và phối hợp thực hiện tốt công tác cai nghiện ma túy, công tác phòng chống HIV/AIDS. Duy trì và mở rộng hình thức điều trị người nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone. Quản lý chặt chẽ các loại tiền chất, hóa chất, các loại thuốc hướng thần gây nghiện dùng vào mục đích y tế, khám, chữa trị, nghiên cứu khoa học.

- Tham mưu Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm mở các đợt cao điểm thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, tập trung vào các địa bàn trọng điểm, phức tạp về TTATXH.

6. Sở Tư pháp

Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm, hoạt động tư vấn pháp lý, trợ giúp pháp lý theo quy định. Củng cố đội ngũ tuyên truyền viên, hòa giải viên tại cơ sở nhằm hạn chế nguyên nhân phát sinh tội phạm do mâu thuẫn trong nhân dân... tập trung tại các địa bàn thực hiện chuyển hóa.

7. Sở Giáo dục và Đào tạo

Chỉ đạo các đơn vị cơ sở triển khai kế hoạch phối hợp với Công an cơ sở tổ chức phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên; phòng, chống bạo lực học đường. Tiếp tục xây dựng và thực hiện có hiệu quả cơ chế phối hợp quản lý, giáo dục học sinh giữa nhà trường, gia đình và chính quyền các địa phương thực hiện chuyển hóa.

8. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Thực hiện và phối hợp thực hiện tốt các chính sách giải quyết việc làm, an sinh xã hội; công tác cai nghiện, giáo dục, dạy nghề, hỗ trợ tư vấn việc làm cho người nghiện ma túy; hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng...

9. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp Công an tỉnh tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối ngân sách địa phương báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh hỗ trợ kinh phí để thực hiện Đề án theo định kỳ hàng năm. Trước mắt, phối hợp Công an tỉnh tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí thực hiện Đề án trong Quý IV/2019.

10. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Nghệ An và các báo, tạp chí, các cơ quan thông tấn, báo chí địa phương và Trung ương thường trú ở Nghệ An phối hợp với các ban, ngành liên quan, chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về phòng chống tội phạm; giáo dục nếp sống lành mạnh, tiến bộ cho nhân dân; kịp thời biểu dương những gương người tốt, việc tốt trong phòng, chống tội phạm. Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân.

11. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Tham mưu UBND tỉnh có các chương trình, dự án, hỗ trợ kinh phí cho nhân dân tại các địa bàn thực hiện chuyển hóa để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, hạn chế nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, tệ nạn xã hội. Chỉ đạo lực lượng kiểm lâm, thú y, bảo vệ thực vật, quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành tại các địa bàn thực hiện chuyển hóa, chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.

12. Cục Quản lý thị trường tỉnh

Thực hiện tốt chức năng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh. Tăng cường công tác quản lý thị trường; chủ động nắm, dự báo tình hình, tham mưu mở các đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát, phòng, chống các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn tỉnh, tập trung tại các địa bàn thực hiện chuyển hóa.

13. Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố; công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm đảm bảo đúng pháp luật. Tăng cường tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động tại các địa bàn thực hiện chuyển hóa và địa bàn giáp ranh nhằm tuyên truyền, giáo dục, răn đe tội phạm.

14. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên (Tỉnh đoàn; Hội LHPN tỉnh; Hội Nông dân tỉnh; Hội Cựu chiến binh; Hội người cao tuổi; Liên đoàn lao động tỉnh): Tăng cường phối hợp tuyên truyền các chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận động nhân dân tích cực tham gia bảo đảm an ninh, trật tự, gắn với đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các phong trào phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến; các mô hình dân vận khéo; giúp đỡ, cảm hóa, giáo dục người lầm lỗi tại gia đình và cộng đồng dân cư. Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc trong công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội... tập trung tại các địa bàn thực hiện chuyển hóa.

Đề nghị Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Người cao tuổi tỉnh... phối hợp với Công an tỉnh tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình hành động, nghị quyết liên tịch đã ký kết về phòng, chống tội phạm tại các địa bàn thực hiện chuyển hóa. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, đoàn viên, quần chúng nhân dân tích cực tham gia công tác phòng, chống tội phạm; xây dựng nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về phòng, chống tội phạm trong các cấp hội, đoàn thể.

15. Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị

- Xây dựng kế hoạch triển khai toàn diện các nội dung của Đề án, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và tham mưu đưa vào một trong những nội dung quan trọng để lãnh đạo, chỉ đạo trong đại hội Đảng các cấp.

- Tiếp tục củng cố hệ thống chính trị các cấp tại cơ sở; bảo đảm vai trò lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội nói chung, chuyển hóa địa bàn nói riêng mà nòng cốt là lực lượng Công an. Đẩy mạnh việc thực hiện tốt chính sách phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân nhằm loại trừ các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm và tệ nạn xã hội, không để phát sinh, hình thành “điểm nóng”, các địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội.

- Chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện tăng cường lực lượng hỗ trợ các xã, phường, thị trấn thực hiện công tác chuyển hóa địa bàn; thành lập các tổ công tác liên ngành cấp huyện trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp thực hiện toàn diện công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội tại các địa bàn thực hiện chuyển hóa.

- Địa phương nào không quan tâm chỉ đạo thực hiện Đề án hoặc thực hiện kém hiệu quả thì UBND tỉnh sẽ phê bình đơn vị và xem xét xử lý trách nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch phụ trách phần hành cấp huyện, cấp xã.

- Hàng năm, trích ngân sách địa phương hỗ trợ các ngành chức năng thực hiện Đề án.

II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thời gian thực hiện: Từ năm 2019 đến hết năm 2030. Quá trình tổ chức thực hiện sẽ tiến hành sơ kết theo định kỳ 06 tháng, 01 năm (có thể sơ kết bằng văn bản hoặc tổ chức hội nghị tùy tình hình thực tế). UBND tỉnh tổ chức Sơ kết 02 năm, 05 năm, 08 năm và tổng kết Đề án vào năm 2030.

2. Kinh phí thực hiện Đề án

- Ngân sách tỉnh: Hàng năm Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Công an tỉnh tham mưu báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh duyệt hỗ trợ kinh phí thực hiện Đề án. Hàng năm, Công an tỉnh căn cứ tình hình, tiến độ thực hiện Đề án và yêu cầu thực tiễn để lập dự toán gửi Sở Tài chính thẩm định, báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quyết định. Riêng quý IV/2019, Sở Tài chính phối hợp Công an tỉnh tham mưu UBND tỉnh cân đối hỗ trợ bổ sung kinh phí thực hiện Đề án.

- Ngân sách huyện: Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị trên cơ sở nguồn ngân sách địa phương bố trí, hỗ trợ kinh phí thực hiện Đề án có hiệu quả.

3. Trên cơ sở Đề án này, các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thành, thị xây dựng kế hoạch và triển khai, thực hiện nghiêm túc. Thực hiện chế độ thông tin báo cáo định kỳ, đột xuất về UBND tỉnh (qua Công an tỉnh) theo quy định, trong đó, báo cáo định kỳ 06 tháng gửi trước ngày 20/6; báo cáo năm gửi trước ngày 20/11.

Quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Công an tỉnh) để hướng dẫn, chỉ đạo./.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 3818/QĐ-UBND ngày 27/09/2019 về Đề án Chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2019-2030

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


8

DMCA.com Protection Status
IP: 3.14.246.52
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!