ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 568/QĐ-UBND
|
Kon Tum, ngày 21 tháng 6 năm 2017
|
QUYẾT ĐỊNH
V/V BAN HÀNH PHƯƠNG ÁN BẢO VỆ KHOÁNG SẢN CHƯA KHAI THÁC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
KON TUM.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Khoáng sản ngày
17/11/2010;
Căn cứ Nghị định số 158/2016/NĐ-CP
ngày 19/11/2016 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Khoáng sản;
Căn cứ Nghị định số 203/2013/NĐ-CP
ngày 28/11/2013 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp
quyền khai thác khoáng sản;
Căn cứ Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày
30/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính
sách, pháp luật về khoáng sản;
Xét đề nghị của Sở Tài nguyên và
Môi trường tại Tờ trình số 215/TTr-STNMT ngày 02/6/2017 về việc ban hành Phương
án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Kon Tum,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết
định này Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Kon Tum
(có Phương án kèm theo).
Điều 2. Quyết định này có hiệu
lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 534/QĐ-UBND ngày 05/8/2015 của UBND
tỉnh về việc ban hành Phương án bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác
trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh;
Giám đốc các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Xây dựng, Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải, Văn
hóa Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông; Thủ trưởng các cơ quan: Cục
Thuế tỉnh, Ban quản lý Khu kinh tế, Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ
chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Báo Kon Tum, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh;
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; các tổ chức, cá nhân có hoạt động khoáng sản,
sử dụng đất và tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm
thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Tổng cục Địa chất và Khoáng sản;
- Các sở, ban ngành;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- VP.UBND tỉnh;
- Lưu: VT, HTKT3.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Đức Tuy
|
PHƯƠNG ÁN
BẢO VỆ KHOÁNG SẢN CHƯA KHAI THÁC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 568/QĐ-UBND
ngày 21/6/2017 của UBND tỉnh Kon Tum)
Nhằm đảm bảo công tác quản lý, bảo vệ
có hiệu quả tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa
bàn tỉnh; ngăn chặn, xử lý các hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản trái
phép, bảo vệ môi trường, sinh thái, đảm bảo an ninh trật tự trong khu vực; tăng
cường hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản; cụ thể
hóa công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Thực hiện quy định
tại Điều 16, Điều 17, Điều 18 Luật Khoáng sản, Điều 13 Nghị định số
203/2013/NĐ-CP ngày 28/11/2013 của Chính phủ, Điều 17, Điều 18 Nghị định số
158/2016/NĐ-CP ngày 19/11/2016 của Chính phủ, UBND tỉnh
Kon Tum ban hành Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh,
như sau:
I. Tiềm năng
khoáng sản, thực trạng công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và hoạt động
khoáng sản trên địa bàn tỉnh; những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân.
1. Tiềm năng khoáng sản trên địa
bàn tỉnh Kon Tum.
Theo tài liệu đo vẽ bản đồ địa chất
và tìm kiếm khoáng sản tỷ lệ 1/200.000 đã được công bố, tỉnh Kon Tum là một địa
khối có cấu trúc địa chất phức tạp, là tiền đề sinh khoáng đa dạng từ khoáng sản
quý hiếm đến khoáng sản nguyên liệu, nước khoáng - nước nóng thiên nhiên. Tài
nguyên khoáng sản tỉnh Kon Tum được đánh giá là phong phú và đa dạng, từ khoáng
sản nguyên liệu (nguyên liệu hóa, gốm sứ, vật liệu xây dựng, đá trang trí mỹ
nghệ...) đến khoáng sản quý hiếm (vàng, bạc,..), một số khoáng sản có ý nghĩa
quan trọng trong lĩnh vực phát triển công nghiệp luyện kim (wolfram, molipden,
sắt, nhôm, đồng, chì, kẽm...), công nghiệp điện hạt nhân (uran, thori, đất hiếm...),
tuy nhiên đa phần các loại khoáng sản trên còn ở dưới dạng tiềm ẩn, công tác điều tra cơ bản chưa được phủ kín, còn sơ lược.
Trên bản đồ khoanh vùng triển vọng
khoáng sản tỉnh Kon Tum 1/100.000 (Tài liệu Biên hội Bản đồ địa chất tỉnh Kon
Tum do Trường Đại học Mỏ và Địa chất thực hiện năm 2007) thể hiện trên 250 điểm
khoáng sản (dưới nhiều quy mô khác nhau: mỏ, điểm quặng, điểm khoáng hóa, đới
khoáng hóa), gồm nhiều loại khoáng sản và nhiều kiểu nguồn
gốc sinh thành, cụ thể:
- Kim loại: (Fe, Cr, Mo, W, Bi, Cu, Pb, Zn, Sn, Au, Ag, U, Th, TR).
- Không kim loại: gồm các loại khoáng sản sau
+ Nguyên liệu hóa học và phân bón:
than nâu, than bùn.
+ Nguyên liệu gốm sứ chịu lửa: kaolin, dolomit, sét diatomit.
+ Nguyên liệu kỹ thuật: bột màu.
+ Đá tạc tượng mỹ nghệ: đá serpentinit, đá hoa.
+ Vật liệu xây dựng tự nhiên: cát, cuội, sỏi, granitoid, bazan, andesit xây dựng, granit ốp lát,
pyroxenit ốp lát.
+ Nguyên liệu sản xuất vật liệu
xây dựng: đá vôi xi măng, sét gạch ngói.
- Nước khoáng nóng: Tài liệu điều tra địa chất thủy văn do Liên đoàn ĐCTV - ĐCCT miền
Trung thực hiện đã xác định trên 14 điểm nước khoáng - nước nóng có triển vọng,
có giá trị chữa bệnh và điều dưỡng.
2. Thực trạng công tác quản lý nhà
nước về khoáng sản và hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Kon Tum
2.1. Công tác ban hành văn bản
- Quyết định số 12/2010/QĐ-UBND ngày
21/4/2010 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến
và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Kon
Tum đến năm 2015 và xét đến năm 2020; điều chỉnh, bổ sung tại các Quyết định số
25/2010/QĐ-UBND ngày 09/6/2010; Quyết định số 33/2011/QĐ-UBND
ngày 27/10/2011 và Quyết định số 26/2013/QĐ-UBND ngày 28/6/2013.
- Quyết định số 1231/QĐ-UBND ngày
09/11/2011 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động triển khai Chương trình của
Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25/4/2011 của Bộ
Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng có thời
gian đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
- Quyết định số 58/QĐ-UBND ngày
17/01/2012 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng
trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.
- Quyết định số 806/QĐ-UBND ngày 04/9/2012 của UBND tỉnh về việc phê duyệt khu vực không đấu
giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Kon Tum, được bổ sung tại các
Quyết định: số 754/QĐ-UBND ngày 10/10/2013; số 482/QĐ-UBND ngày 22/5/2014; số
298/QĐ-UBND ngày 12/4/2017.
- Quyết định số 14/2013/QĐ-UBND ngày
22/02/2013 của UBND tỉnh về việc ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan quản
lý Nhà nước trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
- Kế hoạch 286/KH-UBND ngày
08/02/2013 của UBND tỉnh về phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm
2020 và lộ trình giảm dần, chấm dứt sản xuất gạch xây đất sét nung bằng lò thủ
công trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
- Quyết định số 443/QĐ-CT ngày
22/8/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt khu vực cấm hoạt động khoáng
sản, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Kon Tum, phê duyệt điều
chỉnh tại Quyết định số 254/QĐ-CT ngày 22/5/2014.
- Quyết định số 59/2014/QĐ-UBND ngày
28/10/2014 của UBND tỉnh về việc Ban hành tỷ lệ quy đổi từ
số lượng khoáng sản thành phẩm ra số lượng khoáng sản
nguyên khai và quy đổi trọng lượng ra khối lượng làm căn cứ
tính phí bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
- Quyết định số 60/2014/QĐ-UBND ngày
28/10/2014 của UBND tỉnh về việc Quy định giá tối thiểu tính thuế tài nguyên đối
với một số loại tài nguyên khoáng sản; nước thiên nhiên trên địa bàn tỉnh Kon
Tum; điều chỉnh, sửa đổi tại Quyết định số 38/2015/QĐ-UBND ngày 03/9/2015.
- Quyết định số 31/2016/QĐ-UBND ngày
28/7/2016 của UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung Điều 3, Điều 15 và bãi bỏ khoản 10 Điều
3 Quyết định số 01/2015/QĐ-UBND ngày 12/01/2015; bãi bỏ Điều 3 Quyết định số
51/2012/QĐ-UBND ngày 12/11/2012 và Điều 3 Quyết định số 60/2014/QĐ-UBND ngày
28/10/2014 của UBND tỉnh Kon Tum.
- Quyết định số 25/2014/QĐ-UBND ngày
21/4/2014 của UBND tỉnh về việc Ban hành Quy định về trình tự, thủ tục cấp Giấy
phép hoạt động khoáng sản thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh Kon Tum.
- Quyết định số 71/2014/QĐ-UBND ngày
22/12/2014 của UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng
sản trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; được điều chỉnh,
bổ sung tại Quyết định số 21/2016/QĐ-UBND ngày 24/5/2016.
- Quyết định số 534/QĐ-UBND ngày
05/8/2015 của UBND tỉnh về việc ban hành Phương án bảo vệ tài nguyên khoáng sản
chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
- Quyết định số 533/QĐ-UBND ngày
21/9/2015 của UBND tỉnh về việc công bố thủ tục hành chính ban hành mới; thủ tục
hành chính đã sửa đổi, bổ sung, thay thế và bãi bỏ trong lĩnh vực khoáng sản,
tài nguyên nước và đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND các cấp.
2.2. Công tác tuyên truyền, phổ
biến pháp luật về khoáng sản
Hàng năm, giao Sở Tài nguyên và Môi
trường chủ trì công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật
về khoáng sản cho cán bộ, công chức, lãnh đạo các phòng ban phụ trách về lĩnh vực
khoáng sản của các đơn vị cấp huyện, cấp xã, phường và tổ chức, cá nhân hoạt động
khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
2.3. Công tác cấp phép hoạt động
khoáng sản
- Từ ngày 30/3/2015 đến 30/5/2017,
UBND tỉnh cấp 52 giấy phép, gồm có: 29 giấy phép thăm dò (08 đá xây dựng; 01
sét; 20 cát xây dựng); cấp mới 11 giấy phép (03 đá xây dựng; 08 cát xây dựng);
gia hạn 12 Giấy phép (01 than bùn; 01 cát xây dựng; 10 đá xây dựng). Có 02 giấy
phép trả lại một phần diện tích khai thác và 02 giấy phép chuyển nhượng quyền
khai thác khoáng sản. Số giấy phép dừng khai thác do hết hạn:
07 giấy phép (03 vàng sa khoáng, 03 đá xây dựng, 01 quặng sắt) (Phụ lục 1 và
Phụ lục 2 kèm theo).
Tính đến thời điểm lập Phương án,
trên địa bàn tỉnh có 35 giấy phép khai thác khoáng sản do UBND tỉnh cấp (15 cát
xây dựng, 19 đá xây dựng và 01 than bùn) và 01 Giấy phép khai thác vàng gốc khu
vực xã Đăk Blô, huyện Đăk Glei do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp còn hiệu lực (Phụ
lục 3 kèm theo).
2.4. Công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh
tại thời điểm lập Phương án
Nhằm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác
trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành: Quyết định số 14/2013/QĐ-UBND ngày
22/02/2013 về việc ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước
trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Quyết định số 443/QĐ-CT
ngày 22/8/2013 về việc phê duyệt khu vực cấm hoạt động khoáng sản, tạm thời cấm
hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Kon Tum, phê duyệt điều chỉnh tại Quyết
định số 254/QĐ-CT ngày 22/5/2014; Quyết định số 534/QĐ-UBND ngày 05/8/2015 của
UBND tỉnh về việc ban hành Phương án bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai
thác trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Các đơn vị chức năng trên địa bàn tỉnh
đã triển khai thực hiện các văn bản trên làm cho hoạt động khai thác khoáng sản
trên địa bàn tỉnh dần đi vào nề nếp, hạn chế các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn, tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Thời
gian gần đây, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép (đặc biệt là cát làm vật
liệu xây dựng thông thường, vàng gốc, vàng sa khoáng) có chiều hướng gia tăng ở
một số địa phương, làm ảnh hưởng đến môi trường; gây mất an ninh trật tự, an
toàn xã hội; làm thất thoát tài nguyên, mất đất sản xuất
và thất thu ngân sách.
2.5. Những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân
2.5.1. Những tồn tại, hạn chế
Hoạt động khai thác khoáng sản trái
phép vẫn còn tồn tại trên địa bàn tỉnh, tình trạng khai thác khoáng sản trái
phép tại một số điểm nóng vẫn còn tái
diễn, trong khi chính quyền các địa phương chưa có biện pháp ngăn chặn triệt để; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương chưa đồng bộ, đặc
biệt là công tác phối hợp quản lý, bảo vệ khoáng sản và việc ngăn chặn kịp thời
tình trạng khai thác khoáng sản trái phép; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý
đối với những hành vi vi phạm pháp luật chưa nghiêm.
Công tác quản lý bảo vệ tài nguyên
khoáng sản ở cấp huyện, cấp xã đôi lúc, đôi nơi còn buông lỏng, không kịp thời
phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác trái phép, để kéo dài tạo điểm
nóng như: Khoáng sản vàng tại xã Đắk Pét, xã Đắk Nhoong, xã Đắk Long, xã Đăk
Blô, sông Pô Kô (huyện Đăk Glei); sông Pô Kô, xã Đăk Kan, xã Sa Loong (huyện Ngọc
Hồi), xã Đăk Tre (huyện Kon Rẫy), xã Tân Cảnh, xã Pô Kô
(huyện Đăk Tô), xã Hơ Moong (huyện Sa Thầy) và xã Hiếu (huyện Kon Plông); cát,
sỏi lòng sông ĐăkBla; đất sét xã Hòa Bình, phường Ngô Mây (thành phố Kon
Tum)... Ngoài các điểm khoáng sản nêu trên, một số khu vực khác trên địa bàn tỉnh
cũng xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản lén lút, trái phép.
2.5.2. Nguyên nhân
- Lực lượng cán bộ cấp huyện, đặc biệt
là cấp xã được giao nhiệm vụ tham mưu quản lý nhà nước về khoáng sản chưa đáp ứng
được yêu cầu nhiệm vụ cả về số lượng và trình độ chuyên môn, do kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực (đất đai, môi trường, khoáng sản); chưa phối hợp tốt với các
đơn vị liên quan trên địa bàn (lực lượng Biên phòng, Công an, Ban quản lý các
khu bảo tồn, các chủ rừng...) trong công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa
khai thác.
- Hoạt động khoáng sản trái phép diễn
biến ngày càng phức tạp, tinh vi (ngoài giờ hành chính, ban đêm, các ngày nghỉ,
ngày Lễ).
- Thanh tra chuyên ngành khoáng sản
còn thiếu, chưa thường xuyên nên chưa phát hiện kịp thời hoạt động khoáng sản
trái pháp luật hoặc phát hiện nhưng chưa ngăn chặn, xử lý triệt để.
- Một số đơn vị chức năng, các chủ đất,
chủ rừng chưa phát huy vai trò trách nhiệm trong công tác bảo vệ khoáng sản
chưa khai thác.
II. Thống kê số lượng,
vị trí diện tích các khu vực thăm dò, khai thác khoáng sản đang hoạt động trên
địa bàn tỉnh Kon Tum.
1. Các khu vực thăm dò khoáng sản (Phụ lục 1 kèm theo)
2. Các khu vực khai thác khoáng sản
(Phụ lục 2, Phụ lục 3 kèm theo)
3. Các khu vực khai thác đã kết
thúc, đóng cửa mỏ để bảo vệ; các bãi thải của mỏ đã
có quyết định đóng cửa mỏ (Phụ lục 2 kèm theo)
4. Các khu vực cấm hoạt động
khoáng sản, các khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản đã phê duyệt: (Phụ lục 4 kèm theo).
- Khu vực cấm hoạt động khoáng sản:
1.111 vị trí, khu vực, tuyến; tổng diện tích 297.421,31
ha.
- Khu vực tạm thời cấm hoạt động
khoáng sản: 732 vị trí; tổng diện tích 335,96 ha.
(Phương án và bản đồ khoanh vùng cấm,
tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Kon Tum được đăng tải trên
Trang thông tin điện tử Sở Tài nguyên và Môi trường
(http://stnmt.kontum.gov.vn).
5. Các khu vực có khoáng sản phân
tán, nhỏ lẻ.
Các khu vực có khoáng sản phân tán,
nhỏ lẻ đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định, công bố: Gồm 22 điểm, tổng diện tích 535 ha (phụ lục 5 kèm theo).
6. Các khu vực thường xảy ra khai thác trái pháp luật cần quan tâm bảo vệ
- Các điểm quặng vàng Đăk Ri Peng, xã
Tân Cảnh; xã Pô Kô, huyện Đăk Tô.
- Các điểm quặng vàng thuộc các xã:
Hơ Moong, Sa Nhơn, Rờ Kơi, huyện Sa Thầy.
- Điểm quặng đá mỹ nghệ Sa Nghĩa, huyện
Sa Thầy.
- Các điểm quặng vàng thuộc các xã:
Đăk Kan, Sa Long, Bờ Y, huyện Ngọc Hồi
- Các điểm quặng vàng thuộc các xã:
Đăk Roong, Đăk Blô, Đăk Long, Đăk Nhoong, Đăk Pét, huyện Đăk Glei
- Các khu vực dọc tuyến biên giới
giáp Lào, Campuchia thuộc địa bàn các huyện: Đăk Glei, Ngọc Hồi, Sa Thầy, la
H’Drai.
- Khu vực thôn 8 xã Hiếu, huyện Kon
Plông.
- Khu vực các xã Ngọc Vang, Ngọc Réo,
huyện Đăk Hà.
- Các khu vực cát sỏi thuộc lưu vực
sông: Đăk Bla, Pô Kô, Đăk Kan.
- Khu vực đá chẻ thôn 4, xã Chư
Hreng; Sao Mai, xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum.
- Sét gạch ngói khu vực các xã: Hòa
Bình, Đăk Blà; phường Ngô Mây, thành phố Kon Tum.
III. Cập nhật
thông tin Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản có liên quan trên địa
bàn tỉnh.
1. Thông tin về Quy hoạch khoáng sản
của tỉnh Kon Tum
- Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế
biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh
Kon Tum đến năm 2015 và xét đến năm 2020 (Quy hoạch khoáng sản) được HĐND tỉnh
thông qua tại Nghị quyết số 04/2010/NQ-HĐND ngày 05/4/2010 và được UBND tỉnh
phê duyệt tại Quyết định số 12/2010/QĐ-UBND ngày 21/4/2010 và điều chỉnh, bổ
sung tại các Quyết định số 25/2010/QĐ-UBND ngày 9/6/2010; Quyết định số
33/2011/QĐ-UBND ngày 27/10/2011; Quyết định số 26/2013/QĐ-UBND ngày 28/6/2013.
- Thực hiện Luật Khoáng sản 2010,
UBND tỉnh đã triển khai lập Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản
trên địa bàn tỉnh theo quy định. Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản
trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, được HĐND tỉnh
thông qua tại Nghị quyết số 26/2014/NQ-HĐND ngày 11/12/2014, được UBND tỉnh phê
duyệt tại Quyết định số 71/2014/QĐ-UBND ngày 22/12/2014 của UBND tỉnh và điều
chỉnh bổ sung tại Quyết định số 21/2016/QĐ-UBND ngày 24/5/2016.
2. Thông tin về Quy hoạch khoáng sản
của cả nước
2.1. Quy
hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng ở
Việt Nam đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số
45/QĐ-TTg ngày 09/01/2012. Trên địa bàn tỉnh có các loại khoáng sản sau thuộc
quy hoạch:
- Cao lanh Đăk Cấm, xã Đăk Cấm, thành
phố Kon Tum
- Đá granit ốp lát Làng Lung Leng, xã
Sa Bình, huyện Sa Thầy
- Đá granit ốp lát Làng Chổi, Thôn 1,
xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy
- Đá gabro ốp lát Sa Nghĩa, xã Sa
Nghĩa, huyện Sa Thầy
- Đá ốp lát Đăk Ring, Đăk Nên, thôn
4, xã Đăk Ring, huyện Kon Plông
- Đá quaczit Pô Kô, huyện Đăk Tô và
Rơi Kơi, huyện Sa Thầy
- Khoáng sản dự trữ Quốc gia làm vật
liệu xây dựng:
+ Khoáng sản cao lanh: Plei Krông, la
Rơ Tang, Mô Rai, thị trấn Sa Thầy, Chư Chok, huyện Sa Thầy; Măng Cành, huyện
Kon Plông; Đèo Ngọc Bích, huyện Đăk Tô.
+ Khoáng sản đá ốp lát: Diên Bình,
huyện Đăk Tô; Sa Bình, huyện Sa Thầy; Bờ Y, huyện Ngọc Hồi; la chim, la Khương,
thành phố Kon Tum.
+ Khoáng sản bentonit: la Chim, thành
phố Kon Tum
+ Khoáng sản cao lanh Đăk Cấm, thành
phố Kon Tum
+ Khoáng sản bauxit, Kon Plông - Kon
Hà Nừng
2.2. Quy
hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản thuộc thẩm quyền phê
duyệt của Bộ Công Thương, trên địa bàn tỉnh có các loại khoáng sản sau thuộc
quy hoạch:
- Quyết định số 5289/QĐ-BCT ngày
20/10/2010 của Bộ Công Thương về việc bổ sung điểm felspat, xã Đăk Rve, huyện
Kon Rẫy vào Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng nhóm khoáng chất công nghiệp đến
năm 2015, xét đến năm 2025.
- Quyết định số 6170/QĐ-BCT ngày
08/12/2009 của Bộ Công Thương về việc bổ sung điểm mỏ vàng gốc xã Đăk Blô, huyện
Đăk Glei vào Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng
vàng đến năm 2015, xét đến năm 2025.
IV. Trách nhiệm của
các sở ngành, đơn vị liên quan trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác
trên địa bàn tỉnh
1. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Chủ trì xây dựng phương án, kế hoạch,
hướng dẫn và tổ chức thực hiện công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa
bàn toàn tỉnh.
- Cung cấp các thông tin, tài liệu về
khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, quy hoạch khoáng sản, khu vực cấp
phép hoạt động khoáng sản cho các đơn vị liên quan và các lực lượng chức năng để
thực hiện công tác quản lý. Giám sát, theo dõi các hoạt động điều tra cơ bản địa
chất khoáng sản, hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp
phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường liên quan đến địa bàn tỉnh Kon Tum.
- Chủ trì, tổ chức
kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất tại các địa bàn thường xảy ra hoạt động khoáng sản
trái phép hoặc có nguy cơ xảy ra khai thác khoáng sản trái phép. Lực lượng nòng
cốt là Thanh tra chuyên ngành, Phòng Khoáng sản, Chi cục Quản lý đất đai, Chi cục
Bảo vệ môi trường; lực lượng chức năng tại địa phương nơi có hoạt động khoáng sản
trái phép; các sở ngành chức năng và Công an tỉnh được huy động tham gia phối hợp
để xử lý vụ việc có tính chất phức tạp.
- Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành
pháp luật về khoáng sản, giải quyết các tranh chấp, kiến nghị, khiếu nại, tố
cáo; xử lý theo thẩm quyền hoặc tham mưu UBND tỉnh xử lý các trường hợp vi phạm
pháp luật về thăm dò, khai thác khoáng sản theo quy định.
- Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện của
các cấp, các ngành được giao nhiệm vụ trong Phương án này; định kỳ hàng tháng,
tổng hợp báo cáo kết quả công tác quản
lý bảo vệ khoáng sản trên địa bàn về UBND tỉnh.
- Định kỳ hàng năm, tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản cho các
cơ quan quản lý cấp huyện, cấp xã và tổ chức, cá nhân đang hoạt động khoáng sản
và nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản cho các cơ quan, lực lượng
chức năng liên quan.
2. Sở Công Thương
- Triển khai thực hiện lộ trình phát
triển ngành công nghiệp khai khoáng trên địa bàn tỉnh theo quy định; rà soát,
đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch khoáng sản, kịp thời tham mưu điều chỉnh,
bổ sung quy hoạch để thực hiện công tác quản lý, đáp ứng
nhu cầu khai thác, sử dụng khoáng sản trong từng thời kỳ.
- Chủ trì thực hiện công tác bảo vệ
khoáng sản chưa khai thác nằm trong hàng lang lưới điện cao áp; chỉ đạo Chi cục
Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường công tác
kiểm tra, xử lý kịp thời việc tàng trữ, vận chuyển, mua bán khoáng sản không có
nguồn gốc khai thác, chế biến hợp pháp.
3. Sở Xây dựng:
- Chủ trì triển khai thực hiện lộ
trình phát triển ngành vật liệu xây dựng nói chung và vật liệu xây không nung
nói riêng trên địa bàn tỉnh; thực hiện tốt Kế hoạch 286/KH-UBND ngày 08/02/2013
của UBND tỉnh về phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020 và lộ
trình giảm dần, chấm dứt sản xuất gạch xây đất sét nung bằng lò thủ công trên địa
bàn tỉnh Kon Tum.
- Thực hiện công tác bảo vệ khoáng sản
chưa khai thác theo chức năng nhiệm vụ của ngành đối với các dự án đầu tư xây dựng
công trình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
4. Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn
- Chủ trì thực hiện công tác bảo vệ
khoáng sản chưa khai thác theo chức năng nhiệm vụ của ngành đối với khu vực nằm
trong hành lang bảo vệ các công trình thủy lợi, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.
- Chỉ đạo lực lượng kiểm lâm, các đơn
vị chủ rừng (các Công ty TNHH MTV lâm nghiệp, các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc
dụng, Vườn quốc gia Chư Mom Ray, Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, Công ty
nguyên liệu giấy Miền Nam...): Ngoài chức năng nhiệm vụ được giao về bảo vệ và
phát triển rừng, phải có biện pháp ngăn chặn ngay các hoạt động khoáng sản (khảo
sát, thăm dò, khai thác, chế biến...) trái phép trong lâm phần mình quản lý. Kịp
thời báo cáo chính quyền địa phương và cơ quan chức năng biết tình trạng trên để
phối hợp xử lý.
- Chỉ đạo Chi cục Thủy lợi và Phòng
chống lụt bão, Ban quản lý Khai thác các công trình thủy lợi ngoài chức năng
nhiệm vụ được giao trong lĩnh vực quản lý các công trình thủy lợi, phải có biện
pháp ngăn chặn ngay các hoạt động khoáng sản (khảo sát, thăm dò, khai thác, chế
biến...) trong phạm vi bảo vệ của các công trình thủy lợi do đơn vị đang quản
lý theo quy định. Kịp thời báo cáo chính quyền địa phương và cơ quan chức năng
biết tình trạng trên để phối hợp xử lý.
5. Sở Giao thông Vận tải
- Chủ trì thực hiện công tác bảo vệ
khoáng sản chưa khai thác theo chức năng nhiệm vụ của ngành đối với khu vực nằm
trong phạm vi quản lý bảo vệ của công trình kết cấu hạ tầng giao thông.
- Chủ trì, phối hợp Phòng Cảnh sát
giao thông (Công an tỉnh): Có biện pháp quản lý các phương tiện khai thác cát
trên sông theo quy định của pháp luật (về an toàn vận tải đường thủy nội địa;
việc đăng ký, đăng kiểm phương tiện khai thác, vận chuyển
cát trên lòng sông; việc đăng ký số lượng, chủng loại, gắn biển hiệu các phương
tiện khai thác cát...).
6. Sở Văn
hóa Thể thao và Du lịch
Chủ trì thực hiện công tác bảo vệ
khoáng sản chưa khai thác theo chức năng nhiệm vụ của ngành đối với khu vực nằm trong phạm vi quản lý về di sản văn hóa, di tích lịch sử, danh lam thắng
cảnh trên địa bàn tỉnh; khi phát hiện có hoạt động khai thác khoáng sản trái
phép trong khu vực quản lý bảo vệ, phải kịp thời xử lý theo quy định của pháp
luật, đồng thời thông báo và phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan chức
năng biết để phối hợp xử lý.
7. Sở Thông tin và Truyền thông
Chủ trì thực hiện công tác bảo vệ
khoáng sản chưa khai thác theo chức năng nhiệm vụ của ngành đối với khu vực nằm
trong phạm vi quản lý thuộc hành lang bảo vệ các công trình thông tin liên lạc
viễn thông. Khi phát hiện có hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trong khu
vực quản lý bảo vệ, phải kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời
thông báo và phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng biết để phối
hợp xử lý.
8. Sở Tài chính
Tham mưu UBND tỉnh phân bổ nguồn kinh
phí cho công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác từ nguồn thu tiền
cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định tại Điều 13 Nghị định số
203/2013/NĐ-CP ngày 28/11/2013 của Chính phủ.
9. Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh
Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ quyền
hạn của đơn vị mình có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện đấu tranh phòng, chống tội
phạm trong lĩnh vực khoáng sản; bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại khu vực cấm
hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, khu vực thuộc
đất dành riêng cho an ninh, quốc phòng, khu vực quy hoạch đất an ninh, quốc
phòng; ngăn chặn, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, tác động xấu
đến môi trường, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội. Phối hợp các sở ngành liên quan kiểm tra, xử lý hoạt động mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp. Chỉ đạo các lực lượng trực thuộc tham gia phối hợp, hỗ trợ công
tác truy quét hoạt động khoáng sản trái phép theo quy định của pháp luật khi có
đề nghị của chính quyền địa phương.
10. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh
- Có biện pháp kiểm tra, giám sát chặt
chẽ việc tuân thủ quy định về Quy chế khu vực biên giới đất liền đối với các tổ
chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trong khu vực biên giới; phối hợp tốt với
các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát hoạt động khoáng sản trong khu vực
biên giới. Kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác, mua, bán, vận chuyển, tàng trữ
khoáng sản trái phép trong khu vực biên giới theo quy định của pháp luật.
- Chỉ đạo các Đồn Biên phòng trong
khu vực biên giới, ngoài việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trong lĩnh vực
quốc phòng, an ninh, có trách nhiệm phối hợp với các cấp, các ngành có liên
quan tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương phát hiện xử lý, cung cấp
thông tin kịp thời về hoạt động khoáng sản trái phép, đấu tranh ngăn chặn tình
trạng khai thác khoáng sản trái phép xảy ra trong khu vực biên giới.
11. Cục Thuế tỉnh
Truy thu các nghĩa vụ tài chính đối với
khoáng sản khai thác trái phép; xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật Thuế.
12. Các đơn vị Điện lực, Bưu điện
và đơn vị cấp thoát nước thuộc các huyện, thành phố
Ngoài thực hiện nhiệm vụ của đơn vị,
khi phát hiện hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trong phạm vi quản lý bảo
vệ của công trình kết cấu hạ tầng công trình cấp nước, thoát nước, xử lý chất
thải, dẫn điện, thông tin liên lạc... theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm xử
lý các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời thông báo
kịp thời với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng biết để phối hợp xử lý.
13. Lực lượng kiểm lâm, các đơn vị
chủ rừng (các Công ty TNHH MTV lâm nghiệp, các Ban quản
lý rừng phòng hộ, đặc dụng, Vườn quốc gia Chư Mom Ray, Khu Bảo tồn thiên nhiên
Ngọc Linh, Công ty nguyên liệu giấy Miền Nam...):
Ngoài chức năng nhiệm vụ được giao về
bảo vệ và phát triển rừng, phải có biện pháp ngăn chặn các hoạt động khoáng sản
(khảo sát, thăm dò, khai thác, chế biến...) trái phép trong lâm phần mình quản
lý theo quy định của pháp luật. Kịp thời báo cáo chính quyền địa phương và cơ
quan chức năng biết tình trạng trên để phối hợp xử lý.
14. Tổ chức, cá nhân sử dụng đất:
Có trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa
khai thác trong diện tích đất đang sử dụng; không được tự ý khai thác khoáng sản,
trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 64 của Luật Khoáng sản.
15. Báo Kon Tum, Đài Phát thanh
Truyền hình tỉnh
- Thông tin, tuyên truyền các quy định
của pháp luật về tài nguyên khoáng sản; Phương án bảo vệ
khoáng sản chưa khai thác.
- Đăng tải thông tin về công tác quản
lý nhà nước đối với tài nguyên khoáng sản; hoạt khai thác khoáng sản trái phép
và chịu trách nhiệm về nội dung thông tin đã đăng tải theo quy định của pháp luật
V. Trách nhiệm của
UBND cấp huyện, cấp xã; Hình thức xử lý tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng
khai thác khoáng sản trái phép
1. UBND cấp huyện, cấp xã
- Có trách nhiệm bảo vệ khoáng sản
chưa khai thác trên địa bàn quản lý và tổ chức thực hiện đúng các quy định tại:
Khoản 2, Khoản 3 Điều 18 Luật Khoáng sản; Khoản 2, Khoản 3
Điều 17 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 19/11/2016 của Chính phủ Quy định chi
tiết một số điều của Luật Khoáng sản.
- UBND cấp huyện, cấp xã nếu để
xảy ra khai thác khoáng sản trái phép, mua bán, vận chuyển khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không giải tỏa dứt điểm, để tái diễn, kéo dài; gây bức xúc trong dư luận, tác động xấu đến
môi trường, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và đời sống của người dân địa phương
phải nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với cán bộ, người đứng đầu cơ
quan, đơn vị. Trường hợp phát hiện cán bộ, công chức bao che, tiếp tay cho hoạt
động khoáng sản trái phép; thỏa thuận, cho phép tổ chức, cá nhân hoạt động
khoáng sản trái pháp luật phải xử lý, kỷ luật.
2. Chủ tịch UBND cấp huyện
Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND
tỉnh khi để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái
phép trên địa bàn mà không xử lý hoặc để diễn ra kéo dài theo quy định tại điểm
đ Khoản 2 Điều 17 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 19/11/2016 của Chính phủ.
3. Chủ tịch UBND cấp xã
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của
mình có trách nhiệm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hoạt động khoáng sản
trái phép; phối hợp với các cơ quan chức năng bảo vệ khoáng sản chưa khai thác
trên địa bàn. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp huyện khi để xảy ra tình
trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không xử lý hoặc để
diễn ra kéo dài.
VI. Quy định trách
nhiệm phối hợp giữa các cấp, Sở ngành có liên quan trong việc cung cấp, xử lý
thông tin và giải tỏa hoạt động khai thác khoáng sản trái phép
1. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản
lý Khu kinh tế tỉnh
Định kỳ hàng quý tổng hợp, thông báo
cho Sở Tài nguyên và Môi trường về: khối lượng đất, đá, cát sỏi trong dự án đầu
tư mới được phê duyệt; thông tin về các dự án có thu hồi vận chuyển khoáng sản ra khỏi dự án (chủ đầu tư, Quyết định phê duyệt chủ trương
đầu tư, diện tích dự án, khối lượng đắp; khối lượng vận chuyển ra khỏi dự
án...); việc cấp đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh có lĩnh vực
hoạt động khoáng sản.
2. Sở Xây dựng, Sở Công Thương, Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông
Vận tải
Định kỳ hàng quý tổng hợp, thông báo
cho Sở Tài nguyên và Môi trường về: khối lượng đất, đá, cát sỏi trong dự án đầu
tư (thuộc chức năng quản lý của ngành) đã được phê duyệt (chủ đầu tư, giấy phép
xây dựng, diện tích dự án, khối lượng đắp; khối lượng vận chuyển ra khỏi dự
án...).
3. Các cơ quan, đơn vị có liên quan
Trong phạm vi chức năng quản lý, kịp
thời phát hiện, cung cấp thông tin và phối hợp với UBND cấp huyện, cấp xã, Sở
Tài nguyên và Môi trường bảo vệ các khu vực khoáng sản chưa được cấp phép khai
thác.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường
Định kỳ hàng tháng phối hợp với UBND
cấp huyện kiểm tra một số địa bàn thường xảy ra khai thác khoáng sản trái pháp
luật; tổ chức giao ban, triển khai kế hoạch hàng quý với UBND cấp huyện về công
tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác.
5. UBND cấp huyện
Xây dựng kế hoạch và trực tiếp tổ chức
thực hiện công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn; thường xuyên
kiểm tra chỉ đạo công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản, tăng cường công tác quản
lý hành chính trên địa bàn, đặc biệt tại vùng giáp ranh với các địa phương, khu
vực biên giới.
VII. Kế hoạch, các
giải pháp tổ chức thực hiện; dự toán chi phí thực hiện
1. Kế hoạch và các giải pháp thực
hiện.
1.1. UBND cấp huyện, cấp xã
- Chủ động phát hiện, lập kế hoạch bảo
vệ khoáng sản chưa khai thác hàng năm và tổ chức thực hiện kiểm tra, xử lý vi
phạm về khai thác khoáng sản trái pháp luật trên địa bàn quản lý; báo cáo UBND
cấp trên các trường hợp vượt thẩm quyền, khai thác khoáng sản trái pháp luật tại
vùng giáp ranh các địa phương lân cận.
- Khi phát hiện hoạt động khoáng sản
trái pháp luật phải chủ động tổ chức, huy động lực lượng để giải tỏa, ngăn chặn;
lập Biên bản hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân; xử lý theo thẩm quyền, đúng
quy định của pháp luật, trường hợp vượt quá thẩm quyền phải báo cáo cơ quan cấp
trên để xử lý theo quy định.
- Đối với các trường hợp phức tạp, nằm
ngoài tầm kiểm soát, đã tổ chức lực lượng và có các biện pháp xử lý nhưng vẫn
không thể giải quyết phải kịp thời báo cáo cơ quan cấp
trên. Các trường hợp khẩn cấp có thể thông báo qua điện
thoại, sau đó phải có văn bản báo cáo cụ thể.
- Thực hiện báo cáo định kỳ tình hình
bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn theo quy định tại điểm d Khoản 2,
điểm c Khoản 3 Điều 17 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ.
UBND cấp huyện báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường) trước ngày
15 tháng 12 hàng năm.
1.2. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Chủ trì, phối hợp các sở ngành, địa
phương kiểm tra, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn toàn tỉnh theo
Phương án đã được phê duyệt.
- Tham mưu UBND tỉnh tổng kết, đánh
giá công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh và Báo cáo tình
hình quản lý nhà nước về khoáng sản hàng năm cho Bộ Tài nguyên và Môi trường
theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều
7, điểm c Khoản 1 Điều 17 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính
phủ.
2. Kinh phí thực hiện
Trước ngày 15 tháng 8 hàng năm (cùng
với thời điểm xây dựng dự toán ngân sách nhà nước), các cơ quan, gồm:
2.1. UBND cấp huyện, cấp xã
Cơ quan tài nguyên môi trường cấp huyện
có trách nhiệm lập dự toán kinh phí chi cho nhiệm vụ bảo vệ khoáng sản chưa
khai thác gửi cơ quan tài chính cùng cấp thẩm định, trình UBND cấp huyện phê
duyệt; đồng thời gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp.
2.2. Sở Tài nguyên và Môi trường
Lập dự toán chi nhiệm vụ bảo vệ
khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Điều 13 Nghị định
số 203/2013/NĐ-CP ngày 28/11/2013 của Chính phủ, gửi Sở Tài chính thẩm định,
trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
2.3. Sở Tài chính
Trên cơ sở dự toán chi nhiệm vụ bảo vệ
khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh do Sở Tài nguyên và Môi trường lập,
căn cứ khả năng cân đối của ngân sách và dự toán thu từ nguồn thu tiền cấp quyền
khai thác khoáng sản năm kế hoạch được hưởng theo phân cấp; tổ chức tổng hợp, thẩm định phương án phân bổ chi ngân sách trình cấp có thẩm quyền
xem xét, quyết định theo Luật Ngân sách.
VIII. Tổ chức thực
hiện.
1. Yêu cầu
Thủ trưởng các sở ngành, đơn vị có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố;
Báo Kon Tum, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh; các tổ chức, cá nhân được cấp
phép hoạt động khoáng sản thực hiện nghiêm túc Phương án bảo vệ khoáng sản chưa
khai thác trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
2. Giao Sở
Tài nguyên và Môi trường theo dõi, đôn đốc, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh về tình
hình thực hiện Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh.
Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh vướng mắc, các sở ngành, địa phương, đơn vị và cá nhân có
liên quan báo cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, trình UBND tỉnh
xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.