ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
2420/2006/QĐ-UBND
|
Hà Nội, ngày
18 tháng 10 năm 2006
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT
ĐỀ ÁN PHỔ CẬP GIÁO DỤC BẬC TRUNG HỌC GIAI ĐOẠN 2006 - 2015
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày
26/11/2003;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 27/6/2006;
Căn cứ Chỉ thị số 61-CT/TƯ ngày 28/12/2000
của Bộ Chính trị về việc thực hiện phổ cập trung học;
Căn cứ Nghị quyết số 41/2000/QH10 ngày
09/12/2000 của Quốc hội Khóa X về thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở;
Căn cứ Nghị Quyết 6c/2006/NQ-HĐND ngày
28/7/2006 của Hội đồng nhân dân Tỉnh Thừa Thiên Huế về việc thông qua đề án
“Phổ cập trung học giai đoạn 2006 - 2015”;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào
tạo,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Phổ cập
giáo dục bậc Trung học giai đoạn 2006 - 2015” với những nội dung chính sau:
1. Tên đề án: Phổ cập giáo dục bậc
Trung học giai đoạn 2006 - 2015.
2. Mục tiêu của Đề án:
2.1. Mục tiêu chung: nhằm nâng cao dân trí, đảm
bảo cho hầu hết thanh thiếu niên trong tỉnh đã tốt nghiệp trung học cơ sở đến
hết tuổi 21 đều đạt trình độ học vấn trung học, góp phần nâng cao chất lượng
nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước; thực hiện hội
nhập với giáo dục khu vực và thế giới. Phấn đấu đến năm 2010 đạt chuẩn phổ cập
bậc trung học ở Thành phố Huế và các huyện đồng bằng và năm 2015 hoàn thành phổ
cập bậc trung học trong toàn tỉnh.
2.2. Mục tiêu cụ thể:
- Hoàn thành phổ cập giáo dục bậc trung học ở
Thành phố Huế và các huyện đồng bằng đến năm 2010.
- Hoàn thành phổ cập giáo dục bậc trung học
trong toàn tỉnh vào năm 2015.
- Củng cố và phát huy thành quả của phổ cập giáo
dục bậc trung học cơ sở, tạo điều kiện học tập bậc trung học phổ thông, trung
học chuyên nghiệp và dạy nghề cho đối tượng từ 15 đến 21 tuổi.
- Nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục trung
học, bảo đảm để mọi học sinh được phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể
chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản, có những hiểu biết ban đầu về kỹ thuật và
hướng nghiệp; thực hiện tốt việc phân luồng sau trung học cơ sở.
- Đảm bảo xây dựng hoàn chỉnh hệ thống mạng lưới
các trường theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hóa, xã hội hóa đáp ứng yêu cầu thu
hút học sinh học tập, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; hình thành một hệ
thống các trường chuẩn quốc gia ở các cấp học theo tiêu chuẩn phổ cập bậc trung
học quy định hiện hành.
(Tiêu chuẩn phổ cập bậc trung học thực hiện
theo Công văn số 3420/THPT ngày 23/4/2003 và Công văn số 10819/GDTrH ngày
07/12/2004 của Bộ Giáo dục Đào tạo hướng dẫn về phổ cập bậc trung học và theo
quy định hiện hành).
Điều 2. Các giải pháp và tổ chức thực
hiện:
I. Các giải pháp:
1. Tổ chức quán triệt các Nghị quyết của Trung
ương, Chỉ thị của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết và Chỉ thị
của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, các văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục Đào tạo về
công tác phổ cập bậc trung học đến tận cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân.
2. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính
quyền, đoàn thể đối với công tác phổ cập. Căn cứ chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị
quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII và Nghị quyết HĐND tỉnh, các cấp uỷ
Đảng, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội cần xây dựng kế hoạch
thực hiện, đề ra mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp cụ thể, phối hợp đồng bộ để thực
hiện đảm bảo chất lượng và tiến độ. Trên cơ sở rút kinh nghiệm trong chỉ đạo
thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở trước đây để đề ra các biện pháp
đồng bộ khả thi, quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ các xã nghèo và đặc biệt khó khăn.
3. Củng cố Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục các cấp.
Có sự phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên trong Ban chỉ đạo. Ban
chỉ đạo phổ cập các cấp tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc tổ chức
thực hiện, sự tham gia phối hợp của các ban ngành, đoàn thể trong việc thực
hiện nhiệm vụ phổ cập; tổ chức sơ, tổng kết kịp thời để rút kinh nghiệm chỉ đạo
và khen thưởng động viên kịp thời những nhân tố điển hình tích cực; định kỳ báo
cáo tình hình và kết quả phổ cập bậc trung học lên cấp trên; đồng thời, đẩy mạnh
công tác tuyên truyền, vận động trong toàn xã hội, trước hết là các đối tượng
trong độ tuổi từ 15 - 21 nhằm xây dựng quyết tâm, động cơ và kế hoạch học tập
đúng đắn của từng người, đi đôi với việc xác định rõ trách nhiệm của từng tổ
chức trong hệ thống chính trị, trong ngành giáo dục đào tạo đối với nhiệm vụ
phổ cập giáo dục bậc trung học này.
4. Không ngừng củng cố và phát huy kết quả phổ
cập tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở ở tất cả các huyện, thành
phố, đặc biệt chú ý đến các xã, huyện còn nhiều khó khăn về đời sống kinh tế -
xã hội; đảm bảo tất cả các đối tượng trong độ tuổi phổ cập và tất cả các xã,
phường, thị trấn phải liên tục đạt chuẩn phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và phổ
cập phổ cập trung học cơ sở để làm tiền đề vững chắc cho công tác phổ cập giáo
dục bậc trung học.
5. Đẩy mạnh xã hội hóa phổ cập giáo dục; xây
dựng và nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng tại các
xã, phường, thị trấn. Xây dựng một xã hội học tập, phong trào toàn dân học tập;
xây dựng mối liên kết giữa ngành giáo dục với các ngành, các đoàn thể, các dự
án, những chương trình (khuyến nông, khuyến ngư, xoá đói giảm nghèo, xây dựng
làng - xã văn hoá…); xây dựng môi trường giáo dục đảm bảo sự thống nhất giữa giáo
dục gia đình, giáo dục nhà trường và giáo dục xã hội.
6. Không ngừng nâng cao chất lượng dạy học và
hiệu quả đào tạo ở các nhà trường phổ thông thuộc tất cả các vùng, miền, đặc
biệt là miền núi để tạo nên sự đồng đều ở các vùng miền về chất lượng giáo dục.
Triển khai có hiệu quả việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và đổi mới
phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá; chú trọng các biện pháp để giảm thiểu
số học sinh lưu ban, bỏ học...
7. Tăng cường đầu tư xây dựng bằng
nhiều nguồn kinh phí để vừa đảm bảo nhanh chóng hình thành một hệ thống các
trường chuẩn quốc gia ở các cấp học theo tiêu chuẩn phổ cập bậc trung học; Có
chính sách ưu tiên đối với các cơ sở giáo dục đào tạo ngoài công lập và chính
sách khuyến khích đầu tư xây dựng mới, nâng cấp các trường trung học chuyên
nghiệp, dạy nghề đáp ứng yêu cầu thu hút, phân luồng học sinh học tập và yêu
cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
8. Hoàn thiện chính sách khuyến khích hỗ trợ
phát triển các loại hình nhà trường: các trường, trung tâm dạy nghề theo hướng
xã hội hoá giáo dục, nghiên cứu ban hành các quy định về tài chính để hỗ trợ
sách giáo khoa, học phí... cho học sinh thuộc các xã nghèo, khó khăn học các
lớp giáo dục không chính quy bậc trung học hoặc học nghề, học trung học chuyên
nghiệp; đồng thời, huy động tốt đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục
phục vụ công tác phổ cập giáo dục bậc trung học theo mục tiêu, nhiệm vụ của Đề
án đã đề ra.
9. Tăng cường đầu tư phát triển kinh tế xã hội
để nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân có điều kiện chăm lo tốt
hơn cho con em học tập; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá chất
lượng dạy và học, thực hiện tốt cuộc vận động nói không với tiêu cực trong thi
cử và bệnh thành tích trong giáo dục.
II. Huy động nguồn lực:
Tổng kinh phí để thực hiện Đề án là 166.934.800.000
đồng (Một trăm sáu mươi sáu tỷ, chín trăm ba mươi bốn triệu, tám trăm nghìn
đồng) từ ngân sách nhà nước và huy động từ các nguồn FDI, ODA, NGO… và các
nguồn hợp pháp khác.
III. Phân công thực hiện:
1. Sở Giáo dục và Đào tạo có trách
nhiệm:
- Giữ nhiệm vụ thường trực, chịu trách nhiệm
chính trong công tác tham mưu cho UBND tỉnh và Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục
tỉnh về theo dõi, chỉ đạo và xây dựng kế hoạch triển khai công tác phổ cập giáo
dục bậc trung học trên phạm vi toàn tỉnh.
- Chỉ đạo, tổ chức tốt các hoạt động chuyên môn
nhằm nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, chất lượng phổ cập; tham mưu UBND
tỉnh chỉ đạo công tác xây dựng các điều kiện về cơ sở vật chất, tăng cường
thiết bị dạy học, xây dựng trường chuẩn quốc gia, quy hoạch mạng lưới trường phổ
thông, trung học chuyên nghiệp…
- Tiếp nhận và xử lý các thông tin về tình hình
kết quả phổ cập trên phạm vi toàn tỉnh để tham mưu kịp thời cho Ban chỉ đạo phổ
cập tỉnh và UBND tỉnh các giải pháp chỉ đạo triển khai Đề án đạt hiệu quả.
- Làm đầu mối phối hợp với các sở, ban, ngành
cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố trong chỉ đạo triển khai thực hiện các
nhiệm vụ, mục tiêu của Đề án đã đề ra.
2. Sở Kế hoạch Đầu tư có trách nhiệm:
- Xem xét các chỉ tiêu, điều kiện để bố trí
nguồn vốn triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án.
- Phối hợp với ngành Giáo dục Đào tạo quy hoạch
mạng lưới trường học, đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất trường lớp theo
hướng chuẩn hoá và hiện đại hoá; tăng cường phối hợp chỉ đạo để hoàn thành kế
hoạch hằng năm.
3. Sở Tài chính có trách nhiệm:
- Tham mưu UBND tỉnh ban hành hoặc ban hành theo
thẩm quyền các cơ chế, chính sách, định mức chi ngân sách để triển khai thực
hiện Đề án.
- Thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm về
tài chính của tổ chức, cá nhân trong quản lý và sử dụng nguồn tài chính được
giao để thực hiện Đề án.
- Phối hợp với Sở kế hoạch Đầu tư để bố trí kinh
phí thực hiện có hiệu quả mục tiêu phổ cập giáo dục bậc trung học.
4. Sở Nội vụ có trách nhiệm:
- Tham mưu UBND tỉnh trong việc bổ sung biên chế
cho các đơn vị để thực hiện công tác phổ cập giáo dục.
- Hướng dẫn UBND các huyện, thành phố và các cơ
quan liên quan trong việc tuyển dụng giáo viên, nhân viên theo quy định hiện
hành để ngành giáo dục có đủ nhân sự thực hiện có hiệu quả công tác phổ cập
giáo dục.
5. Sở Văn hoá Thông tin có trách
nhiệm: phối hợp Sở Giáo dục Đào tạo và UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ
quan thông tấn báo chí trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các
phương tiện thông tin đại chúng về công tác phổ cập giáo dục trung học theo
hướng dẫn của Bộ Giáo dục Đào tạo và theo nội dung Đề án đã được phê duyệt.
6. UBND thành phố Huế và các huyện,
Bộ đội Biên phòng tỉnh và các cơ quan có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ có
trách nhiệm phối hợp với Sở Giáo dục Đào tạo xây dựng kế hoạch triển khai có
hiệu quả Đề án phổ cập giáo dục bậc trung học giai đoạn 2005-2015.
7. Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên Môi
trường chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương đảm bảo quỹ đất để phát triển trường
học theo quy hoạch được phê duyệt; thực hiện đúng tiến độ việc phê duyệt và
kiểm tra các công trình xây dựng trường học giai đoạn 2006-2015 theo quy định
về trường chuẩn quốc gia.
8. Công an tỉnh tăng cường chỉ đạo
Công an các huyện, thành phố trong công tác quản lý hộ tịch, hộ khẩu để nắm
chắc tình hình thanh thiếu niên trong độ tuổi phổ cập chuyển đi và chuyển đến
để Ban chỉ đạo có kế hoạch vận động ra lớp.
9. UBND các huyện, thành phố chịu
trách nhiệm chính về chất lượng và tiến độ phổ cập giáo dục trung học địa bàn;
thành lập Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục trung học cấp huyện, thành phố để chỉ
đạo thực hiện Đề án; xây dựng đề án phổ cập giáo dục trung học trên địa bàn với
kế hoạch và chỉ tiêu cụ thể theo từng giai đoạn; chủ động huy động các nguồn
lực và tổ chức thực hiện theo kế hoạch chung của Ban chỉ đạo cấp tỉnh; kiểm tra
tiến độ thực hiện của các phường, xã, thị trấn trong việc kiểm tra công nhận
cấp cơ sở và đề nghị cấp trên công nhận hoàn thành chương trình phổ cập giáo
dục bậc trung học.
10. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội khuyến
học tỉnh, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi …chỉ đạo các
hội, đoàn thể trên địa bàn phối hợp trong việc tuyên truyền vận động các tầng
lớp nhân dân tích cực thực hiện các hoạt động hỗ trợ giáo dục phổ cập; thực
hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”
gắn với việc nâng cao trình độ dân trí; thực hiện chương trình “Xoá đói giảm
nghèo”, chương trình “ Vì sự tiến bộ của phụ nữ” và các chương trình khác để
đảm bảo các điều kiện cho con em được học tập, nâng cao trình độ học vấn.
11. Tỉnh Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ
Chí Minh có trách nhiệm tham gia công tác điều tra số lượng thanh thiếu niên
trong độ tuổi phổ cập. Xây dựng phong trào học tập nâng cao trình độ học vấn
trong thanh thiếu niên. Tổ chức, thực hiện những biện pháp nhằm vận động những
thanh thiếu niên trong độ tuổi tham gia các lớp học nghề, lớp phổ cập giáo dục.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực
thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh;
Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
Thủ trưởng các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch UBND các
huyện, thành phố Huế chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
UBND TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
PHÓ CHỦ TỊCH
Ngô Hòa
|