ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH BẠC LIÊU
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
01/2021/QĐ-UBND
|
Bạc Liêu, ngày
18 tháng 01 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH XÂY DỰNG VÀ TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG TRẠM CÂN ĐỐI
CHỨNG TẠI CÁC CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẠC LIÊU
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản
quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Đo lường ngày 11
tháng 11 năm 2011;
Căn cứ Nghị định số 99/2011/NĐ-CP ngày
27 tháng 10 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một
số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
Căn cứ Nghị định số 86/2012/NĐ-CP ngày
19 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một
số điều của Luật Đo lường;
Căn cứ Thông tư số
09/2017/TT-BKHCN ngày 27 tháng 6 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ
quy định về đo lường đối với phép đo khối lượng trong thương mại bán lẻ;
Căn cứ Thông tư số 07/2019/TT-BKHCN ngày
26 tháng 7 năm 2019 Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung một số
điều của Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN ngày 26 tháng 9 năm 2013 của Bộ
trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về đo lường đối với phương tiện đo
nhóm 2;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Giáo dục, Khoa học và Công nghệ.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định xây dựng và tổ chức
hoạt động Trạm cân đối chứng tại các chợ trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
Điều 2. Giao Giám đốc Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ chủ trì phối
hợp với các Sở, Ngành, đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị
xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này; đồng thời, hướng dẫn,
theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Giáo
dục, Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Thủ trưởng
các cơ quan, đơn vị có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã,
thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá
nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực kể từ
ngày 28 tháng 01 năm 2021.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ KH&CN (báo cáo);
- TT Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- Tổng cục TCĐLCL (báo cáo);
- Cục kiểm tra VBQPPL - Bộ Tư
pháp
(để kiểm tra);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Sở Tư pháp (tự kiểm tra);
- Trung tâm Công báo - Tin học (đăng Công báo);
- CVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, (Duy-005).
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Phan Thanh Duy
|
QUY ĐỊNH
XÂY DỰNG VÀ TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG TRẠM CÂN ĐỐI CHỨNG TẠI CÁC CHỢ
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẠC LIÊU
(Kèm theo Quyết định số 01/2021/QĐ-UBND ngày 28 tháng 01 năm 2021 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Bạc Liêu)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Phạm vi điều chỉnh
1. Quy định này quy định việc
xây dựng và tổ chức hoạt động của Trạm cân đối chứng tại các chợ, trung tâm
thương mại đã được quy hoạch trong phát triển hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh Bạc
Liêu.
2. Các chợ tạm, chợ không ổn định
và chợ không thuộc quy hoạch phát triển hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh thì
không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy định này.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy định này áp dụng đối với các
tổ chức, cá nhân kinh doanh tại chợ; trung tâm thương mại; ban quản lý chợ;
doanh nghiệp kinh doanh quản lý chợ; hợp tác xã kinh doanh quản lý chợ (sau
đây viết tắt là doanh nghiệp quản lý chợ); người tiêu dùng và các cơ quan
quản lý Nhà nước về đo lường có liên quan.
Điều
3. Mục đích của Trạm cân đối chứng
1. Trạm cân đối chứng phục vụ
nhu cầu đối chứng của Nhân dân nhằm đấu tranh phòng, chống gian lận trong
thương mại bán lẻ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo đo lường được thống
nhất, chính xác.
2. Tăng cường tiềm lực kỹ thuật
đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về đo lường tại địa phương.
3. Phục vụ hoạt động quản lý và
giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước về đo lường, Ủy ban nhân dân các cấp, Ban
Quản lý chợ, doanh nghiệp quản lý chợ, trung tâm thương mại và người tiêu dùng.
Điều 4. Giải
thích từ ngữ
1. Gian lận đo lường: Là hành
vi sử dụng một số thủ thuật làm sai lệch kết quả định lượng hàng hóa trong trao
đổi, mua bán hàng hóa với mục đích thu lợi bất chính, gây thiệt hại cho người
tiêu dùng, các biểu hiện chính như:
a) Sử dụng các thủ thuật làm
sai lệch kết quả định lượng hàng hóa khi sử dụng phương tiện đo (phương
tiện đo vẫn còn hợp pháp và chính xác).
b) Sử dụng phương tiện đo không
hợp pháp, như: Chưa được kiểm định, hết hiệu lực kiểm định, có sai số của kết
quả phép đo vượt quá giới hạn sai số cho phép, giả mạo tem, dấu và giấy chứng
nhận kiểm định.
c) Tháo dỡ niêm phong, kẹp chì
để điều chỉnh phương tiện đo làm sai lệch kết quả đo theo hướng có lợi cho tổ
chức, cá nhân kinh doanh.
d) Buôn bán hàng đóng gói sẵn
không đủ định lượng, không ghi lượng trên nhãn hàng hóa hoặc ghi không đúng quy
định.
2. Quả cân đối chứng: Là quả cân đáp
ứng yêu cầu quy định và được dùng để thực hiện phép đo đối chứng theo quy định.
3. Cân đối chứng: Là việc tổ chức,
cá nhân, sử dụng cân hợp pháp tại Trạm cân đối chứng, kiểm tra lại lượng hàng
hóa đã mua bán để xác định sai số về đo lường.
4. Trạm cân đối chứng: Là nơi
được trang bị cân đối chứng, quả cân đối chứng
và các trang thiết bị cần thiết để phục vụ nhu cầu cân đối chứng của Nhân dân
và hỗ trợ công tác quản lý đo lường của Nhà nước.
Chương II
XÂY DỰNG VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA
TRẠM CÂN ĐỐI CHỨNG
Điều 5. Quy
mô Trạm cân đối chứng
1. Tùy theo quy mô của chợ,
trung tâm thương mại được xây dựng một hoặc một số Trạm cân đối chứng nhưng phải
đảm bảo trang thiết bị đầy đủ theo quy định.
2. Trạm cân đối chứng được
trang bị một hoặc nhiều cân có phạm vi đo khác nhau, trang bị một hoặc nhiều loại
quả cân và các trang thiết bị cần thiết đảm bảo yêu cầu cân đối chứng các loại hàng
hóa trong giao dịch thương mại bán lẻ tại chợ, trung tâm thương mại.
Điều 6. Hoạt
động của Trạm cân đối chứng
1. Trạm cân đối chứng phục vụ
nhu cầu đối chứng của tổ chức, cá nhân trong mua bán, trao đổi để xác định sai
số đo lường của hàng hóa.
2. Trạm cân đối chứng phục vụ
không thu phí đối chứng của tổ chức, cá nhân và người tiêu dùng.
3. Phương tiện đo tại các Trạm
cân đối chứng (cân, quả cân) là cơ sở pháp lý để xác định sai số của việc
đo lường hàng hóa, đảm bảo chính xác, phạm vi đo phù hợp và được kiểm định theo
quy định của pháp luật.
4. Trạm cân đối chứng hoạt động
theo phương thức tự phục vụ: Người tiêu dùng khi có nhu cầu cân đối chứng, được
tự mình cân kiểm tra tại Trạm cân đối chứng, khi có sai lệch về định lượng hàng
hóa, các bên tự thỏa thuận giải quyết với nhau. Trường hợp không thỏa thuận được,
các bên được quyền đề nghị Ban quản lý chợ, các cơ quan có thẩm quyền giải quyết
theo quy định của pháp luật.
5. Phải có bản nội quy hoạt động
Trạm cân đối chứng, bản hướng dẫn sử dụng cân, quả cân đối chứng và bảng quy định
về phạm vi cân, lượng thiếu cho phép theo quy định và đặt tại vị trí thuận tiện
để tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng biết, so sánh kết quả lượng hàng hóa qua
việc sử dụng cân đối chứng. Cân phải được đặt ngay ngắn, các bộ phận hoạt động
bình thường, kim chỉ thị ban đầu ở vị trí điểm không (zero).
6. Mọi người tiêu dùng đều có
quyền và nghĩa vụ sử dụng và bảo vệ Trạm cân đối chứng nhằm kiểm tra, giám sát
đo lường và đấu tranh phòng, chống gian lận về đo lường trong hoạt động thương
mại bán lẻ để tự bảo vệ quyền lợi của mình, góp phần đảm bảo công bằng và văn
minh thương mại.
7. Trạm cân đối chứng phải được
duy trì và hoạt động theo đúng thời gian quy định hoạt động của chợ, trung tâm
thương mại.
8. Người trực tiếp vận hành Trạm
cân đối chứng là nhân viên thuộc ban quản lý chợ, doanh nghiệp quản lý chợ và
chịu sự quản lý trực tiếp của các tổ chức này; phải được đào tạo và có giấy chứng
nhận về chuyên môn nghiệp vụ đo lường nhằm đáp ứng yêu cầu công việc được giao;
có trách nhiệm ghi lại kết quả, số liệu chi tiết liên quan đến các hành vi gian
lận trong đo lường của người bán và báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về cơ quan có
thẩm quyền theo phân cấp quản lý đối với từng loại chợ để làm cơ sở xử lý hành
vi vi phạm đúng quy định pháp luật.
Điều 7.
Kinh phí xây dựng và duy trì Trạm cân đối chứng
1. Đối với các chợ thuộc quản
lý của Ủy ban nhân dân các cấp:
a) Kinh phí đầu tư cơ sở vật chất,
lắp đặt trang thiết bị, ki-ốt bao che của Trạm cân đối chứng, kính phí đào tạo,
hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ về đo lường được chi từ nguồn ngân sách Nhà nước
theo phân cấp ngân sách hiện hành.
b) Kinh phí duy trì hoạt động
Trạm cân đối chứng như: Bảo dưỡng, sửa chữa, kiểm định định kỳ, kiểm định đột
xuất các cân, quả cân đối chứng và các phương tiện đo của Trạm cân đối chứng;
chi phí điện, nước và phụ cấp kiêm nhiệm cho nhân viên trực Trạm cân đối chứng
chi từ nguồn thu giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ được để lại (theo
quy định tại Quyết định số 19/2018/QĐ-UBND ngày 29 tháng 6 năm 2018 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Bạc Liêu).
c) Hàng năm, Ủy ban nhân dân cấp
xã (cơ quan được giao quản lý) căn cứ vào nhu cầu thực tế phát sinh và định mức
chi theo quy định, chế độ hiện hành xây dựng dự toán kinh phí duy trì hoạt động
Trạm cân đối chứng tại các chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn trình Ủy ban
nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định.
2. Đối với các chợ, trung tâm
thương mại thuộc doanh nghiệp đầu tư xây dựng, quản lý đang hoạt động:
a) Kinh phí xây dựng Trạm cân đối
chứng ban đầu được hỗ trợ từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ.
Kinh phí mở rộng, tăng số lượng Trạm cân đối chứng do doanh nghiệp tự đầu tư.
b) Kinh phí duy trì hoạt động
Trạm cân đối chứng như: Bảo dưỡng, sửa chữa, kiểm định định kỳ, kiểm định đột
xuất các cân, quả cân đối chứng và các phương tiện đo của Trạm cân đối chứng;
chi phí điện, nước và lương của nhân viên trực Trạm cân đối chứng do doanh nghiệp
chi trả.
3. Hàng năm, Ủy ban nhân dân
các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào các quy định, chế độ, chính sách hiện
hành và phối hợp với Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ xây dựng dự toán kinh
phí xây dựng và duy trì Trạm cân đối chứng tại các chợ, trung tâm thương mại
trên địa bàn gửi Sở Tài chính kiểm tra, đề xuất trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem
xét, quyết định.
Chương
III
TRÁCH NHIỆM TRIỂN KHAI
XÂY DỰNG VÀ QUẢN LÝ TRẠM CÂN ĐỐI CHỨNG
Điều 8
Trách nhiệm của các ngành, Ủy ban nhân dân các cấp
1. Sở Giáo dục, Khoa học và
Công nghệ chịu trách nhiệm:
a) Chủ trì, phối hợp với Sở
Công Thương, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các ngành liên
quan xây dựng kế hoạch phát triển Trạm cân đối chứng cho các chợ, trung tâm
thương mại trên địa bàn tỉnh, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt phù hợp yêu
cầu của từng thời kỳ, quy hoạch chung của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố.
b) Cân đối kinh phí sự nghiệp
khoa học và công nghệ hàng năm, đảm bảo thực hiện tốt kế hoạch phát triển Trạm
cân đối chứng của tỉnh.
c) Hướng dẫn cấp huyện khảo
sát, xây dựng kế hoạch phát triển Trạm cân đối chứng trên địa bàn.
d) Chỉ đạo Chi cục Tiêu chuẩn
Đo lường Chất lượng thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Hướng dẫn các địa phương xây
dựng mô hình Trạm cân đối chứng phù hợp với yêu cầu của từng loại hình chợ,
trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh.
- Tổ chức tập huấn,
đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ đo lường cho nhân viên thuộc ban quản lý chợ, doanh nghiệp quản lý chợ. Hướng
dẫn ban quản lý chợ, doanh nghiệp quản lý chợ thực hiện công tác tuyên truyền,
phổ biến cho Nhân dân biết các quy định về đo lường.
- Chủ trì, phối hợp tổ chức kiểm
tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về đo lường tại các Trạm cân đối chứng
và hoạt động kinh doanh, dịch vụ thương mại tại các chợ, trung tâm thương mại
trên địa bàn tỉnh.
- Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn
Đo lường Chất lượng thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa, kiểm định định kỳ, đột xuất
các loại phương tiện đo tại các chợ, trung tâm thương mại và Trạm cân đối chứng
khi có yêu cầu.
2. Sở Công Thương chịu trách
nhiệm: Phối hợp với Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ, Cục Quản lý thị trường
Bạc Liêu, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị
có liên quan đưa nội dung hoạt động kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đo lường
vào công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tại các chợ, trung tâm thương mại
trên địa bàn tỉnh theo quy định.
3. Sở Tài chính chịu trách nhiệm:
a) Đảm bảo nguồn kinh phí cho
việc xây dựng và triển khai Trạm cân đối chứng hoạt động đúng quy định.
b) Hướng dẫn về chính sách, chế
độ và các quy định tài chính của Nhà nước cho các ngành, các cấp, các đơn vị
liên quan biết thực hiện.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu
trách nhiệm: Căn cứ kế hoạch phát triển Trạm cân đối chứng của tỉnh, phối hợp với
Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ đưa nội dung phát triển Trạm cân đối chứng
vào kế hoạch hàng năm để tổ chức thực hiện.
5. Ủy ban nhân dân các huyện,
thị xã, thành phố chịu trách nhiệm:
a) Phối hợp với Sở Giáo dục,
Khoa học và Công nghệ hướng dẫn, bổ sung nhiệm vụ quản lý đo lường và duy trì
hoạt động Trạm cân đối chứng cho các ban quản lý chợ, doanh nghiệp quản lý chợ
thuộc địa bàn quản lý.
b) Thực hiện trách nhiệm quản
lý Nhà nước về đo lường theo quy định tại khoản 3, Điều 56, Luật Đo lường năm
2011 và khoản 4, Điều 13 Nghị định số 86/2012/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm
2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật
Đo lường.
c) Xây dựng kế hoạch phát triển
Trạm cân đối chứng trên địa bàn, gửi về Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ để tổng
hợp; đồng thời, xây dựng dự toán kinh phí để phát triển và duy trì hoạt động Trạm
cân đối chứng trong kế hoạch khoa học và công nghệ hàng năm của địa phương.
d) Chủ trì, phối hợp với Sở
Giáo dục, Khoa học và Công nghệ và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong công
tác quản lý, kiểm tra, thanh tra về đo lường trên địa bàn.
đ) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các
xã, phường, thị trấn, ban quản lý chợ, doanh nghiệp quản lý chợ triển khai hoạt
động quản lý đo lường; xây dựng và duy trì hoạt động Trạm cân đối chứng đạt hiệu
quả.
e) Định kỳ hàng năm
hoặc đột xuất khi có yêu cầu báo cáo đánh giá tình hình
xây dựng và duy trì hoạt động Trạm cân đối chứng trên địa bàn, gửi về Sở Giáo dục, Khoa học
và Công nghệ để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh
theo quy định.
6. Ủy ban nhân dân các xã, phường,
thị trấn (được phân cấp quản lý chợ) chịu trách nhiệm:
a) Tiếp nhận cơ sở vật chất,
trang thiết bị được đầu tư xây dựng tại Trạm cân đối chứng theo chỉ đạo của Ủy
ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ.
b) Chịu trách nhiệm duy trì hoạt
động của Trạm cân đối chứng và chịu sự hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của
Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
c) Đảm bảo các điều kiện cần
thiết về mặt bằng để bố trí lắp đặt Trạm cân đối chứng, bảo quản tài sản, an
ninh trật tự, an toàn xã hội trong quá trình hoạt động của Trạm cân đối chứng.
d) Kiểm tra, giám sát hoạt động
của Ban Quản lý chợ, doanh nghiệp quản lý chợ trong việc thực hiện nội quy đã
được phê duyệt, công tác bảo vệ tài sản Trạm cân đối chứng, quản lý, sử dụng các
thiết bị của trạm đúng quy định và phục vụ tốt nhu cầu cân đối chứng; đồng thời,
thực hiện các biện pháp để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
đ) Phối hợp với các Sở, Ngành,
đơn vị chức năng có liên quan cấp tỉnh, cấp huyện trong công tác quản lý Nhà nước
về đo lường tại địa phương.
e) Xử lý các vi phạm về bảo vệ
người tiêu dùng thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
g) Quản lý, kiểm tra hoạt động
của các cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên không phải đăng ký
kinh doanh trên địa bàn ngoài phạm vi chợ, trung tâm thương mại để bảo vệ quyền
lợi người tiêu dùng.
h) Tuyên truyền, khuyến khích
các cá nhân không hoạt động thương mại ngoài phạm vi chợ, trung tâm thương mại;
tạo điều kiện để các cá nhân hoạt động kinh doanh trong phạm vi chợ, trung tâm
thương mại.
Điều 9.
Trách nhiệm Ban Quản lý chợ, doanh nghiệp quản lý chợ và các tổ chức, cá nhân
kinh doanh
1. Ban Quản lý chợ,
doanh nghiệp quản lý chợ có trách nhiệm:
a) Tổ chức hoạt động của Trạm
cân đối chứng, bảo vệ tài sản Trạm cân đối chứng, quản lý, sử dụng các thiết bị
của Trạm cân đúng quy định và phục vụ tốt nhu cầu cân đối chứng; xây dựng và
ban hành nội quy hoạt động của Trạm cân đối chứng; hướng dẫn sử dụng cân, quả
cân đối chứng; niêm yết các quy định về phạm vi cân, lượng thiếu cho phép theo
quy định và đặt tại vị trí thuận tiện để tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng biết,
so sánh kết quả lượng hàng hóa qua việc sử dụng cân đối chứng.
b) Bố trí, phân công nhân viên
quản lý và hướng dẫn tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng sử dụng cân, quả cân đối
chứng. Nhân viên quản lý tiếp nhận và giải quyết các vụ việc tranh chấp của tổ
chức, cá nhân và người tiêu dùng thông qua việc sử dụng cân, quả cân đối chứng;
đồng thời, trực tiếp giải quyết hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết
các tranh chấp, khiếu kiện về đo lường tại chợ, trung tâm thương mại theo quy định
của pháp luật.
c) Phối hợp với các cơ quan quản
lý Nhà nước trong công tác kiểm tra, thanh tra, quản lý đo lường tại chợ, trung
tâm thương mại.
d) Thường xuyên theo dõi, giám
sát các hoạt động đo lường, thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hàng năm, đột xuất
về tình hình quản lý đo lường, Trạm cân đối chứng thuộc phạm vi quản lý theo
quy định.
đ) Tuyên truyền, phổ biến các
quy định về đo lường, hướng dẫn đôn đốc các tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện
kiểm định phương tiện đo theo đúng quy định.
e) Thống kê số lượng phương tiện
đo tại địa bàn chợ, trung tâm thương mại hàng năm và có kế hoạch phối hợp với
cơ quan, đơn vị chức năng của các huyện, thị xã, thành phố và Trung tâm Kỹ thuật
Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thực hiện kiểm định định kỳ các phương tiện đo
cho tổ chức, cá nhân kinh doanh.
g) Cân đối kinh phí hoạt động,
bảo dưỡng, sửa chữa, kiểm định định kỳ, đột xuất các phương tiện đo của Trạm
cân đối chứng và kinh phí hỗ trợ nhân viên trực tiếp quản lý, vận hành Trạm cân
đối chứng trong nguồn thu phí chợ.
h) Thiết lập, niêm yết công
khai đường dây nóng để tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu của người tiêu dùng.
2. Nhân viên quản lý vận hành
Trạm cân đối chứng:
a) Nhân
viên quản lý và vận hành Trạm cân đối chứng được đào tạo về
chuyên môn nghiệp vụ đo lường, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
b) Triển khai các hoạt động của
Trạm cân đối chứng đúng quy định, phục vụ tốt nhu cầu đối chứng tại địa phương.
c) Bảo quản, giữ gìn và sử dụng
các thiết bị Trạm cân đối chứng theo quy định, hướng dẫn và hỗ trợ người tiêu
dùng sử dụng cân đối chứng.
d) Được hưởng các chế độ theo
quy định tại Điều 7 của Quy định này.
3. Tổ chức, cá nhân kinh doanh:
a) Thực hiện cân, đong hàng hóa
trước khách hàng, đảm bảo cân đủ, đúng lượng hàng hóa đã thỏa thuận, tạo điều
kiện thuận lợi để khách hàng chứng kiến, kiểm tra lượng hàng hoá.
b) Đổi hoặc trả lại tiền, bù lại
lượng thiếu hoặc nhận lại hàng hóa cho người tiêu dùng trong trường hợp hàng
hóa do chính tổ chức, cá nhân thực hiện không đảm bảo số lượng theo thông tin
mà tổ chức, cá nhân cung cấp.
c) Thực hiện việc kiểm định định
kỳ, kiểm định sau sửa chữa đối với phương tiện đo trong quá trình sử dụng theo
quy định và trả chi phí kiểm định phương tiện đo.
d) Chịu sự kiểm tra, thanh tra,
giám sát của ban quản lý chợ, doanh nghiệp quản lý và cơ quan quản lý đo lường
của Nhà nước.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN
THI HÀNH
Điều 10.
Trách nhiệm thi hành
1. Ủy ban nhân dân các huyện,
thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch phát triển Trạm cân đối chứng cho năm tiếp
theo gửi Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ trước tháng 10 hàng năm.
2. Sở Giáo dục, Khoa học và
Công nghệ chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Ủy ban nhân
dân các huyện, thị xã, thành phố, các ngành liên quan tổng hợp kế hoạch phát
triển Trạm cân đối chứng từ các huyện, thị xã, thành phố và hướng dẫn, chỉ
đạo thực hiện quy định này trên địa bàn tỉnh.
3. Trong quá trình thực hiện nếu
có khó khăn, vướng mắc, các Sở, Ngành, đơn vị có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp
huyện, cấp xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan kịp thời phản ánh về Sở Giáo
dục, Khoa học và Công nghệ để tổng hợp, báo cáo, đề xuất, trình Ủy ban nhân dân
tỉnh xem xét, quyết định./.