ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
15/2018/QĐ-UBND
|
Hà Tĩnh, ngày
11 tháng 5 năm 2018
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TẠI CÁC KHU KINH TẾ, KHU CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ
TĨNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ TĨNH
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
ngày 22/6/2015;
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương
ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23/6/2014;
Căn cứ Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày
14/3/2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế;
Căn cứ Nghị định số 164/2013/NĐ-CP ngày
12/11/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định
29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế
xuất và khu kinh tế; Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về
quản lý chất thải và phế liệu;
Căn cứ Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày
14/02/2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi
trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường;
Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số
điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
Căn cứ Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT ngày
29/5/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về đánh giá môi trường chiến lược,
đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường; Thông tư số
35/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ môi
trường khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; Thông tư
số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý
chất thải nguy hại; Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT ngày 14/10/2016 của Bộ Tài
nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch
vụ tập trung, làng nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ;
Căn cứ Văn bản số 100/BC-STP ngày 02/4/2018 của
Sở Tư pháp Báo cáo kết quả Quyết định về việc ban hành Quy chế phối hợp trong
công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tại các khu kinh tế, khu công
nghiệp trên địa bàn tỉnh;
Theo đề nghị của Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh
tại Văn bản số 224/KKT-TNMT ngày 09/4/2018.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết
định này Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường
tại các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Điều 2. Giám đốc Sở Tài nguyên
và Môi trường chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Công an tỉnh,
các đơn vị liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã triển
khai, hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện Quy chế này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu
lực thi hành kể từ ngày 25/5/2018 và thay thế Quyết định số 42/2013/QĐ-UBND
ngày 08/10/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh về việc ban hành Quy chế phối
hợp trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tại các khu kinh tế,
khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh;
Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh; Giám đốc
Sở Tài nguyên và Môi trường; Giám đốc Công an tỉnh;
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Chủ tịch UBND
các xã, phường, thị trấn và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có
liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định thi hành./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Cục Kiểm tra VB-Bộ Tư pháp;
- Vụ Pháp chế - Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- TTr Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Sở Tư Pháp;
- Các PVP UBND tỉnh;
- Trung tâm Công báo - Tin học tỉnh;
- Lưu: VT, XD1;
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Dương Tất Thắng
|
QUY CHẾ
PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BẢO
VỆ MÔI TRƯỜNG TẠI KHU KINH TẾ, KHU CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH
(Kèm theo Quyết định số 15/2018/QĐ-UBND
ngày 11/5/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi và đối tượng
áp dụng
1. Phạm vi áp dụng
Quy chế này được áp dụng tại các khu kinh tế,
khu công nghiệp (KKT, KCN) trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
2. Đối tượng áp dụng
Quy chế này áp dụng đối với Ban Quản
lý Khu kinh tế tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, UBND các huyện,
thành phố, thị xã (sau đây gọi là UBND cấp huyện) và UBND
các xã, phường, thị trấn nơi có KKT, KCN đóng trên địa bàn, các cơ quan, tổ
chức, cá nhân liên quan và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch
vụ (sau đây gọi chung là doanh nghiệp) trong KKT, KCN trên địa bàn tỉnh Hà
Tĩnh.
Điều 2.
Nguyên tắc và phương thức phối hợp
1. Nguyên tắc phối hợp
a) Đảm bảo
sự thống nhất, đồng bộ, tránh chồng chéo, bỏ sót nhiệm vụ quản lý nhà nước của các cơ quan, đơn vị liên quan trong công
tác bảo vệ môi trường tại các KKT, KCN; tạo
điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong quá
trình đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong KKT, KCN;
b) Đảm bảo kỷ
luật, kỷ cương trong hoạt động phối hợp; Nâng cao trách
nhiệm cá nhân của Thủ trưởng cơ quan chủ trì, cơ quan phối
hợp và cán bộ, công chức tham gia phối hợp.
c) Cơ quan chủ trì có trách nhiệm
thông báo, lấy ý kiến hoặc mời cơ quan phối hợp tham gia.
2. Phương thức phối hợp
Tùy theo tính chất, nội dung nhiệm
vụ cụ thể, các cơ quan lựa chọn một trong các phương thức phối hợp sau:
a) Bằng văn bản;
b) Tổ chức họp, hội nghị;
c) Tổ chức đoàn khảo sát, thanh
tra, kiểm tra;
d) Trao đổi, cung cấp các thông
tin liên quan.
Chương II
NỘI DUNG PHỐI HỢP
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TẠI CÁC KHU KINH TẾ, KHU CÔNG NGHIỆP
Điều 3. Nội
dung phối hợp
1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến
và hướng dẫn thực hiện các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường cho các tổ chức,
cá nhân hoạt động trong KKT, KCN.
2. Thẩm định, phê duyệt báo cáo
đánh giá tác động môi trường, xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường của các dự án
đầu tư vào KKT, KCN.
3. Kiểm tra, xác nhận hoàn thành
các nội dung của báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường,
kế hoạch bảo vệ môi trường đã được phê duyệt hoặc xác nhận.
4. Thanh tra, kiểm tra, giám sát,
xử lý vi phạm việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ
môi trường đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong KKT, KCN.
5. Giải quyết khiếu nại, tố cáo,
tranh chấp về lĩnh vực môi trường phát sinh trong quá trình hoạt động tại KKT,
KCN.
6. Cung cấp các thông tin liên
quan của các dự án đầu tư vào KKT, KCN.
7. Thực hiện các nhiệm vụ khác
liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường theo quy định của
pháp luật.
Điều 4. Trách
nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường
1. Chủ trì tổ chức thẩm định,
trình UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác
động môi trường của các dự án đầu tư vào KKT, KCN thuộc thẩm quyền cấp tỉnh.
Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể
từ ngày có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường Sở Tài
nguyên và môi trường có trách nhiệm gửi bản báo cáo và quyết định phê duyệt báo
cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư vào KKT, KCN cho Ban Quản lý
Khu kinh tế tỉnh và UBND cấp huyện nơi có KKT, KCN.
2. Chủ trì kiểm tra, xác nhận các
công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của các dự án do Sở Tài
nguyên và Môi trường thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt.
3. Chủ trì thanh tra, kiểm tra
công tác bảo vệ môi trường của các dự án do Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định
trình UBND tỉnh phê duyệt.
4. Chủ trì giải quyết các tranh chấp,
khiếu nại, tố cáo về môi trường phát sinh trong KKT, KCN theo quy định của
pháp luật.
5. Phối hợp với Ban Quản lý Khu
kinh tế tỉnh tổ chức kiểm tra, thanh tra định kỳ hoặc đột xuất về môi trường;
giám sát việc thực hiện các nội dung về bảo vệ môi trường được quy định trong
các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của các dự án do Ban Quản
lý Khu kinh tế tỉnh thẩm định, phê duyệt, xác nhận.
6. Phối hợp, hỗ trợ Ban Quản lý
Khu kinh tế tỉnh thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật,
nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho chủ dự án đầu tư vào KKT, KCN; Thông tin kết quả xử lý, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về môi
trường và xử lý vi phạm sau kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường trong KKT,
KCN đến Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, UBND cấp huyện
có KKT, KCN và Công an tỉnh để theo dõi quản lý;
7. Phối hợp với Ban Quản lý Khu
kinh tế tỉnh xem xét, chấp thuận việc điều chỉnh những nội dung thay đổi trong
Báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi
trường đối với các dự án đã được Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh thẩm định,
phê duyệt.
8. Hướng dẫn UBND cấp huyện nơi có
KKT, KCN tổ chức xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường và kiểm tra việc thực hiện
các biện pháp bảo vệ môi trường trong kế hoạch bảo vệ môi trường của các dự án
đầu tư vào KKT, KCN theo phân cấp.
9. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện
công khai thông tin, dữ liệu môi trường của Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh và của
các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong KKT, KCN.
10. Chủ trì hoặc phối hợp với Ban
Quản lý Khu kinh tế tỉnh và chính quyền địa phương thực hiện các nhiệm vụ quản
lý nhà nước về bảo vệ môi trường tại KKT, KCN theo quy định của pháp luật.
11. Khâu nối các đơn vị liên quan
để kịp thời ứng phó khi xảy ra sự cố môi trường; trường hợp vượt quá khả năng ứng
phó, báo cáo khẩn với cơ quan có thẩm quyền để xử lý.
Điều 5. Trách
nhiệm của Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh
1. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài
nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, UBND cấp huyện có KKT, KCN đóng trên địa
bàn tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi
trường cho các doanh nghiệp trong KKT, KCN.
2. Kiểm tra,
hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc thẩm quyền quản
lý thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
3. Cử đại diện tham gia Hội đồng
thẩm định báo cáo đánh giá tác dộng môi trường, tham gia
đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung trong báo cáo đánh giá tác
động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết
hoặc đề án bảo vệ môi trường đơn giản; Chủ trì kiểm tra,
xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường cho các dự án, các cơ sở đã được
Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh thẩm định, phê duyệt, xác nhận.
4. Tham gia đoàn kiểm tra công tác
bảo vệ môi trường trong KKT, KCN do Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì khi được
yêu cầu.
5. Phối hợp với các đơn vị liên
quan trong công tác giám sát, phát hiện và kịp thời báo cơ quan quản lý nhà nước
có thẩm quyền về bảo vệ môi trường để giải quyết, xử lý các hành vi vi phạm
pháp luật về bảo vệ môi trường.
6. Phê duyệt điều chỉnh báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án
bảo vệ môi trường đối với các dự án đã được Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh phê
duyệt, thẩm định.
7. Phối hợp giải quyết các tranh
chấp về môi trường giữa các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trong KKT, KCN; Chủ trì và phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết các tranh chấp
về môi trường giữa các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trong KKT, KCN với
bên ngoài; Tiếp nhận kiến nghị và phối hợp với Sở Tài
nguyên và Môi trường giải quyết các khiếu nại, tố cáo về môi trường trong KKT,
KCN.
8. Định kỳ báo cáo công tác bảo vệ
môi trường của KKT, KCN gửi Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15 tháng 01 hàng
năm. Thực hiện công khai thông tin về môi trường trong KKT, KCN.
9. Định kỳ 06 tháng, thống kê danh
sách các dự án sản xuất kinh doanh, dịch vụ phát sinh mới trong KKT, KCN gửi về
Sở Tài nguyên và Môi trường để quản lý và gửi Công an tỉnh (qua Phòng Cảnh sát
phòng chống tội phạm môi trường) để thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa đấu tranh chống
tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường; danh sách phải thể hiện rõ
các nội dung: Tên dự án, chủ dự án, địa chỉ liên hệ, địa điểm thực hiện dự án,
loại hình hoạt động các thủ tục về môi trường đã có.
10. Khẩn trương ứng phó khi xảy ra
sự cố môi trường, đồng thời thông báo ngay cho UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi
trường, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan để phối hợp tổ chức ứng
phó.
11. Tổ chức
phong trào thi đua khen thưởng cho các doanh nghiệp trong KKT, KCN có thành
tích trong công tác bảo vệ môi trường KKT, KCN.
12. Phối hợp
với Sở Tài nguyên và Môi trường trong công tác thẩm định, kiểm tra, giám sát kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của các cơ sở, dự án hoạt động trong
KKT, KCN.
13. Thực hiện
các nhiệm vụ khác theo thẩm quyền hoặc được ủy quyền theo quy định của pháp luật
Điều 6. Trách
nhiệm của Công an tỉnh
1. Chủ trì xây dựng kế hoạch và chỉ
đạo các lực lượng chức năng thực hiện kế hoạch công tác phòng ngừa, đấu tranh
phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường tại KKT,
KCN.
2. Tiếp nhận, giải quyết thông tin
tố cáo, tố giác về tội phạm và vi phạm pháp luật khác về bảo vệ môi trường tại
KKT, KCN; Chủ trì tiến hành điều tra, xử lý vi phạm pháp
luật về bảo vệ môi trường tại KKT, KCN theo quy định của pháp luật.
3. Trao đổi
thông tin với Sở Tài nguyên và Môi trường và Ban Quản lý
Khu kinh tế tỉnh về kết quả phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm
pháp luật khác về bảo vệ môi trường tại KKT, KCN.
4. Cử đại diện tham gia các đoàn do Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc
Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh chủ trì khi được yêu cầu, bao gồm: Đoàn kiểm tra xác nhận việc thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ
môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của các dự án; Đoàn
kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của các dự án trong KKT, KCN; Đoàn thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo về môi trường phát sinh
trong KKT, KCN.
5. Chỉ đạo tổ chức thực hiện chức
năng quản lý nhà nước về công tác phòng cháy và chữa cháy; Huy động lực lượng và các phương tiện phục vụ cho công tác ứng phó, khắc
phục sự cố môi trường xảy ra trong KKT, KCN.
6. Khi
phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường không thuộc thẩm
quyền xử lý, phải kịp thời thông báo bằng văn bản tới cơ quan có thẩm quyền xử
lý đồng thời có trách nhiệm phối hợp xử lý khi được yêu cầu.
Điều 7. Trách
nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện
1. Tổ chức thực hiện việc đăng ký
kế hoạch bảo vệ môi trường cho các dự án đầu tư vào KKT, KCN trên địa
bàn quản lý theo quy định của pháp luật.
2. Cung cấp cho Sở Tài nguyên và
Môi trường và Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh: Bản kế hoạch bảo
vệ môi trường, văn bản thông báo chấp thuận kế hoạch bảo vệ
môi trường của các dự án đầu tư và các thông tin liên quan
đến công tác bảo vệ môi trường trong KKT, KCN trên địa bàn quản lý.
3. Tổ chức kiểm tra việc thực hiện
các biện pháp bảo vệ môi trường trong kế hoạch bảo vệ môi trường đã được đăng
ký và các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường của các dự án đầu tư vào
KKT, KCN theo địa bàn được phân cấp.
4. Cử đại diện tham gia Hội đồng
thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư vào
KKT, KCN trên địa bàn địa phương.
5. Cử đại diện tham gia đoàn kiểm tra công tác bảo vệ môi trường, giải quyết khiếu nại,
tố cáo, tranh chấp về môi trường phát sinh trong KKT, KCN do Sở Tài nguyên và
Môi trường hoặc Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh chủ trì.
6. Huy động khẩn cấp nhân lực, vật
lực và phương tiện phối hợp, hỗ trợ kịp thời ứng cứu và khắc phục các sự cố môi
trường xảy ra trong KKT, KCN trên địa bàn địa phương.
Điều 8. Quy trình thực hiện
1. Sở Tài nguyên và Môi trường là
cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường
trên địa bàn tỉnh và có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với
các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã trong thực hiện
nhiệm vụ bảo vệ môi trường tại KKT, KCN.
2. Công an tỉnh là cơ quan đầu mối
tổ chức công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp khác về bảo vệ
môi trường tại KKT, KCN.
3. Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh chịu
trách nhiệm quản lý công tác bảo vệ môi trường trong KKT, KCN theo chức năng,
nhiệm vụ được giao.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường,
Công an tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã
nơi có KKT, KCN có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Quy chế này
và các quy định khác có liên quan.
5. Các nhiệm vụ bảo vệ môi trường
có liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành do Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì,
phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tổ chức thực hiện theo quy định và
chỉ đạo của UBND tỉnh.
6. UBND các huyện, thành phố, thị
xã; UBND các xã, phường, thị trấn nơi có KKT, KCN có trách nhiệm tạo điều kiện
thuận lợi và phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, Ban Quản
lý Khu kinh tế tỉnh triển khai các nhiệm vụ bảo vệ môi trường ở KKT, KCN trên địa
bàn.
Điều 9. Thông tin báo cáo
Trường hợp có yêu cầu về cung cấp thông
tin, tài liệu phục vụ công tác bảo vệ môi trường của tỉnh, các cơ quan có trách
nhiệm trao đổi, cung cấp theo yêu cầu của cơ quan đề nghị, đồng thời phải chịu
trách nhiệm về thông tin đã cung cấp; nếu từ chối cung cấp thông tin, cơ quan
được yêu cầu phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do từ chối.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI
HÀNH
Điều 10.
Trách nhiệm thi hành
1. Sở Tài nguyên và Môi trường,
Công an tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, các sở, ban, ngành có liên quan và
UBND các huyện, thành phố, thị xã nơi có KKT, KCN theo chức năng nhiệm vụ được
phân công có trách nhiệm triển khai Quy chế này. Những nội dung không được quy
định tại Quy chế này thực hiện theo các quy định của Luật Bảo vệ môi trường và
các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
2. Trong quá trình tổ chức thực hiện
nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm
phản ánh kịp thời về Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh để tổng hợp,
báo cáo UBND tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung./.