ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 242/KH-UBND
|
Bắc Kạn, ngày 18
tháng 04 năm 2022
|
KẾ HOẠCH
PHÒNG CHỐNG CÁC BỆNH KÝ SINH TRÙNG THƯỜNG GẶP TẠI TỈNH BẮC KẠN
GIAI ĐOẠN 2022-2025
I. TÌNH HÌNH
BỆNH KÝ SINH TRÙNG
1. Một số thông tin cơ bản về
bệnh ký sinh trùng
Các bệnh ký sinh trùng (gọi
chung là giun, sán) ở người là một bệnh truyền nhiễm thường gặp phổ biến, hàng
đầu phải kể đến là bệnh về giun, sán như: Bệnh giun đũa, giun móc, giun tóc,
giun kim, giun chỉ, sán lá gan, sán dây, sán lá phổi hoặc ấu trùng sán lợn. Khoảng
70 - 80% người dân nhiễm ít nhất một loại giun. Hiện nay, đã xác định được trên
100 loại giun tròn và 140 loại sán có khả năng gây bệnh cho người.
Bệnh ký sinh trùng có thể gây
ra các tổn thương tại gan, não, phổi, thận, đường tiêu hoá ở người; nặng có thể
đe dọa đến tính mạng. Bệnh gây ảnh hưởng đến dinh dưỡng, thể lực, phát triển cơ
thể, gây ảnh hưởng cấp tính và lâu dài đến sức khoẻ của người dân, tác động xấu
tới sức khoẻ cộng đồng và gây ra những gánh nặng bệnh tật, tổn hại kinh tế. Bệnh
đã có phác đồ điều trị và có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu như chưa gây ra các biến
chứng nguy hiểm.
2. Tình hình bệnh ký sinh
trùng thường gặp tại tỉnh Bắc Kạn
Mặc dù trong những năm gần đây
tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh và nguồn nước sạch tại các địa
phương trên toàn tỉnh tăng dần, tuy nhiên vẫn còn tình trạng người dân nuôi gia
súc thả rông, sử dụng phân tươi để trồng hoa màu, nuôi cá, thói quen đi chân đất,
nhiều hộ gia đình nuôi chó, mèo..., cộng thêm thói quen ăn rau sống, gỏi cá, tiết
canh, đồ tái, sống nên nguy cơ lây nhiễm của các bệnh ký sinh trùng giun, sán
là rất cao. Theo số liệu điều tra năm 2015 của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng -
Côn trùng Trung ương ở trẻ em 24 - 60 tháng tuổi tại một số tỉnh miền Bắc Việt
Nam cho thấy tỷ lệ nhiễm các loại giun ở tỉnh Bắc Kạn là 14%.
Nhóm bệnh ký sinh trùng thường
gặp tại tỉnh: Bệnh giun truyền qua đất (bệnh giun đũa, giun móc, giun tóc); bệnh
giun đường ruột khác (bệnh giun kim); bệnh sán lá truyền qua thức ăn (sán lá
gan nhỏ, sán lá gan lớn); bệnh giun, sán lây truyền từ động vật sang người (sán
dây/ấu trùng sán lợn, sán dây chó, bệnh ấu trùng giun đầu gai, ấu trùng giun
đũa chó mèo).
II. KẾ HOẠCH
HOẠT ĐỘNG PHÒNG CHỐNG BỆNH KÝ SINH TRÙNG THƯỜNG GẶP TẠI BẮC KẠN GIAI ĐOẠN 2022
- 2025
1. Căn cứ
xây dựng kế hoạch
- Luật Phòng chống bệnh truyền
nhiễm ngày 21 tháng 11 năm 2007.
- Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày
25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6, Ban chấp hành Trung ương khoá XII về tăng cường
công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới.
- Quyết định số 122/QĐ-TTg ngày
10/01/2013 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm
sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030.
- Quyết định số 1744/QĐ-BYT
ngày 30/3/2021 của Bộ Y tế ban hành “Hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh ký
sinh trùng thường gặp tại Việt Nam”.
- Quyết định số 1745/QĐ-BYT
ngày 30/3/2021 của Bộ Y tế ban hành Kế hoạch phòng chống bệnh ký sinh trùng thường
gặp tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025.
2. Mục tiêu
2.1. Mục tiêu chung
- Giảm tỷ lệ nhiễm giun sán tập
trung, ưu tiên tại các vùng có dịch tễ có nguy cơ cao, tiến tới khống chế và loại
trừ dần một số bệnh giun, sán, góp phần nâng cao sức khoẻ cộng đồng.
- Củng cố và nâng cao năng lực
của ngành y tế để phòng chống bệnh ký sinh trùng thường gặp trên phạm vi toàn tỉnh.
2.2. Mục tiêu cụ thể
- 100% cán bộ phụ trách phòng
chống bệnh ký sinh trùng được tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, trong đó
cán bộ chuyên trách tỉnh được tập huấn chuyên sâu về chẩn đoán và điều trị bệnh
ký sinh trùng.
- 100% Trung tâm Y tế các huyện,
thành phố chẩn đoán, điều trị được các bệnh giun, sán thường gặp.
- 20% các thôn, xã tại các huyện,
thành phố có nguy cơ nhiễm giun, sán được điều tra, lấy mẫu xét nghiệm.
- Trên 95% học sinh các trường
tiểu học và trẻ 24-60 tháng tuổi trên địa bàn được duy trì uống thuốc tẩy giun
ít nhất 01 lần/năm.
3. Giải
pháp thực hiện
3.1. Giải pháp về nguồn lực
- Đảm bảo kinh phí địa phương để
triển khai các hoạt động phòng chống ký sinh trùng, trong đó ưu tiên cho hoạt động
điều tra, nghiên cứu, giám sát, đào tạo tập huấn, truyền thông giáo dục sức khỏe.
- Huy động sự tham gia và phối
hợp của các sở, ban, ngành, đoàn thể và của cộng đồng vào công tác phòng chống
các bệnh ký sinh trùng.
3.2. Giải pháp về chuyên
môn kỹ thuật
- Xây dựng kế hoạch và triển
khai các hoạt động can thiệp để tăng cường các hoạt động phòng chống một số bệnh
đã có tại địa phương như: Sán lá gan lớn, sán lá gan nhỏ, sán dây/ấu trùng sán
dây lợn, sán dây chó, ấu trùng giun đũa chó/mèo, giun móc, ấu trùng giun đầu
gai…
- Điều tra đánh giá tỷ lệ nhiễm
giun, sán truyền qua đất và bệnh giun, sán truyền từ động vật sang người tại
các huyện, thành phố (ưu tiên các vùng dịch tễ và các đối tượng có nguy cơ
cao).
- Phát hiện, chẩn đoán được các
trường hợp bệnh và xác định được các nhóm đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh giun,
sán thông qua điều tra dịch tễ và qua thu thập thông tin khám, chữa bệnh… để có
giải pháp can thiệp phù hợp như: điều trị cho các trường hợp mắc bệnh sán, cấp
thuốc tẩy giun cho đối tượng nguy cơ…
- Tổ chức các lớp tập huấn chẩn
đoán, xét nghiệm và điều trị bệnh ký sinh trùng cho đội ngũ chuyên trách tuyến
tỉnh, huyện, xã nhằm phát hiện sớm, điều trị kịp thời các bệnh ký sinh trùng
theo đúng phác đồ quy định của Bộ Y tế. Ưu tiên đào tạo chuyên sâu về chẩn đoán
và điều trị cho chuyên trách tuyến tỉnh.
- Đảm bảo kinh phí mua hóa chất,
sinh phẩm, vật tư...phục vụ xét nghiệm giun, sán cho các tuyến.
- Tổ chức theo dõi, đánh giá hiệu
quả các biện pháp can thiệp.
- Tổ chức 01 cuộc điều tra dịch
tễ học về một số bệnh ký sinh trùng tại tỉnh.
3.3. Giải pháp về kiểm
tra, giám sát và đánh giá hoạt động phòng chống bệnh ký sinh trùng
- Tổ chức giám sát, kiểm tra định
kỳ, đột xuất hàng năm và hỗ trợ chuyên môn tại các tuyến.
- Thông báo danh sách và cập nhật
thông tin và quản lý người mắc các bệnh giun, sán tại cộng đồng; tổng hợp và
báo cáo theo quy định.
- Tổ chức tổng kết, đánh giá kết
quả thực hiện, rút ra những bài học kinh nghiệm…tiến hành xây dựng mục tiêu, nội
dung hoạt động giai đoạn tiếp theo sát với tình hình thực tế.
3.4. Giải pháp về truyền
thông, giáo dục sức khỏe
- Xây dựng kế hoạch truyền
thông phòng, chống bệnh ký sinh trùng cụ thể cho từng nhóm bệnh, từng nhóm đối
tượng, từng vùng, nhất là những vùng còn tồn tại các phong tục tập quán lạc hậu,
các thói quen có hại cho sức khỏe.
- Đẩy mạnh truyền thông giáo dục
sức khỏe phòng chống ký sinh trùng tới cộng đồng bằng các phương tiện thông tin
thích hợp, đặc biệt truyền thông giáo dục sức khỏe trực tiếp cho đối tượng đích
nhằm nâng cao nhận thức và tăng cường thực hành phòng chống của người dân, cộng
đồng và của xã hội.
3.5. Giải pháp về xã hội
hoá và phối hợp liên ngành phòng chống bệnh ký sinh trùng
- Huy động các đoàn thể tại địa
phương như: Hội phụ nữ, hội nông dân, đoàn thanh niên... và các đơn vị liên
quan tích cực tham gia vào các hoạt động phòng chống bệnh ký sinh trùng, chú trọng
công tác truyền thông giáo dục sức khỏe.
- Phối hợp giữa Sở Y tế, Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị liên quan và các địa phương để
phát hiện, điều tra và thông báo dịch bệnh từ gia súc và gia cầm, phòng chống
lây nhiễm sang người.
- Vận động người dân thực hiện
tiêm phòng cho gia súc, vật nuôi; từ bỏ các thói quen ăn đồ ăn tái, sống; không
thả rông gia súc; không sử dụng phân tươi để trồng màu… để phòng các bệnh ký
sinh trùng lây truyền từ động vật sang người.
- Duy trì và đẩy mạnh mô hình
nâng cao sức khỏe tại cộng đồng như mô hình cộng đồng an toàn, làng văn hóa - sức
khỏe…
4. Nội dung
hoạt động
4.1. Các hoạt động điều
tra dịch tễ, chẩn đoán, điều trị
4.1.1. Các hoạt động chung
- Tổ chức thực hiện giám sát về
tình hình bệnh, giám sát chẩn đoán, điều trị và các hoạt động tẩy giun tại cộng
đồng… Phối hợp và lồng ghép với các hoạt động khác như: phòng chống suy dinh dưỡng,
vệ sinh môi trường …
- Tổ chức các đợt điều tra tỷ lệ
nhiễm giun, sán trong cộng đồng.
- Thực hiện tư vấn và điều trị
cho tất cả các ca nhiễm bệnh theo đúng phác đồ của Bộ Y tế.
- Ứng dụng công nghệ thông tin
vào các hoạt động giám sát và phòng chống bệnh ký sinh trùng. Thực hiện báo cáo
trên hệ thống phần mềm khi Trung ương chỉ đạo thực hiện.
4.1.2. Các hoạt động phòng chống
bệnh giun truyền qua đất (giun đũa, giun tóc, giun móc/mỏ), giun kim và giun
lươn
- Tiếp tục tổ chức thực hiện hoạt
động tẩy giun cho cho học sinh tiểu học và trẻ 24-60 tháng tuổi trên địa bàn
hàng năm theo chỉ đạo của Trung ương.
- Phối hợp thực hiện giám sát
trước, trong và sau chiến dịch tẩy giun với uống Vitamin A ở trẻ từ 24 tháng tuổi
đến dưới 60 tháng tuổi.
- Thực hiện xét nghiệm xác định
tỷ lệ nhiễm, cường độ nhiễm ở các nhóm ảnh hưởng, phát hiện các trường hợp nhiễm
giun truyền qua đất, bệnh giun đường ruột khác bằng kỹ thuật xét nghiệm phân trực
tiếp Kato-Katz.
4.1.3. Các hoạt động phòng chống
bệnh sán
- Xác định tỷ lệ nhiễm sán qua
xét nghiệm soi phân tươi và xét nghiệm Elisa.
- Điều trị hàng loạt một lần/năm
cho đối tượng nguy cơ nhiễm bệnh sán tại các vùng dịch tễ nơi có tỉ lệ nhiễm
cao, 2 năm một lần cho các đối tượng nguy cơ sống trong vùng dịch tễ nơi có tỷ
lệ nhiễm từ 10% đến dưới 20% và điều trị ca bệnh tại các vùng dịch tễ còn lại.
- Tổ chức điều trị các ca bệnh
sán tại các cơ sở y tế.
4.2. Hoạt động về đào tạo,
tập huấn về phòng chống bệnh ký sinh trùng
- Tập huấn, nâng cao trình độ
chuyên sâu về chẩn đoán và điều trị bệnh ký sinh trùng cho cán bộ chuyên trách
tuyến tỉnh.
- Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn,
nâng cao năng lực về xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị về phòng chống các bệnh ký
sinh cho tuyến huyện, xã.
4.3. Hoạt động nghiên cứu
khoa học
Thiết kế các đề tài nghiên cứu
khoa học về lĩnh vực ký sinh trùng gắn liền với hoạt động chuyên môn theo kế hoạch
năm và giai đoạn.
4.4. Hoạt động truyền
thông phòng chống bệnh ký sinh trùng
- Áp dụng các hình thức truyền
thông đa dạng, phong phú, phù hợp với từng nhóm đối tượng như: tờ rơi, áp
phích, khẩu hiệu, phát thanh, nói chuyện trực tiếp... lồng ghép với các buổi
tuyên truyền vệ sinh môi trường, phòng chống suy dinh dưỡng và các buổi họp
thôn, tổ...; truyền thông trực tuyến qua các ứng dụng công nghệ.
- Phối hợp giữa y tế cơ sở và
nhà trường truyền thông về nguyên nhân, tác hại, các biện pháp phòng chống bệnh
giun, sán và lợi ích của việc tẩy giun định kỳ cho giáo viên, học sinh, phụ
huynh.
- Phối hợp giữa các sở, ban,
ngành, đoàn thể để tổ chức các hoạt động truyền thông phòng chống bệnh giun,
sán tại cộng đồng cho người dân như: vận động các gia đình và người dân thực hiện
vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch, ăn uống hợp vệ sinh, cho trẻ uống thuốc tẩy giun
sán theo hướng dẫn, vận động những người có nguy cơ nhiễm giun, sán đến cơ sở y
tế để khám phát hiện sớm và được điều trị kịp thời.
- Tích cực viết tin bài và cung
cấp các tài liệu truyền thông phòng chống bệnh ký sinh trùng cho Đài Phát thanh
- Truyền hình tỉnh, Báo Bắc Kạn và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử...
5. Kinh phí
thực hiện
- Ngân sách Trung ương cấp theo
các hoạt động (nếu có); nguồn kinh phí địa phương theo phân cấp.
- Các nguồn kinh phí hợp pháp
khác (nếu có).
III. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Y tế
- Chủ trì, phối hợp, hướng dẫn
các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai đồng bộ các hoạt động phòng chống bệnh
ký sinh trùng hàng năm.
- Phối hợp với các cơ quan truyền
thông tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh
ký sinh trùng.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài
chính xây dựng kế hoạch về kinh phí tổ chức thực hiện công tác phòng chống bệnh
ký sinh trùng hàng năm và giai đoạn.
- Triển khai và tham mưu theo
thẩm quyền về việc nâng cấp, cải tạo hệ thống Labo xét nghiệm tuyến huyện để phục
vụ công tác chẩn đoán và phát hiện sớm, điều trị bệnh ký sinh trùng.
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc
triển khai thực hiện và tăng cường công tác khám phát hiện, thu dung, điều trị,
phối hợp chuyển tuyến bệnh nhân mắc bệnh ký sinh trùng.
- Tổ chức giám sát, đánh giá hiệu
quả công tác phòng chống bệnh ký sinh trùng của các đơn vị trên địa bàn.
2. Sở Tài chính
Căn cứ khả năng ngân sách, tham
mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí theo phân cấp ngân sách; phối hợp các cơ
quan, đơn vị liên quan xem xét, lồng ghép với các nhiệm vụ chi thường xuyên
trong dự toán hàng năm của các cơ quan, đơn vị để thực hiện kế hoạch trên địa
bàn tỉnh; hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí
theo quy định.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Phối hợp với Sở Y tế đưa các
mục tiêu, chỉ tiêu về phòng, chống bệnh ký sinh trùng vào kế hoạch phát triển
kinh tế - xã hội hàng năm và giai đoạn.
- Tham mưu, đề xuất UBND tỉnh về
nguồn vốn theo quy định để đảm bảo cho thực hiện kế hoạch phòng, chống bệnh ký
sinh trùng của tỉnh.
4. Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn
- Phối hợp với các địa phương
chỉ đạo, hướng dẫn người chăn nuôi quản lý vật nuôi (lợn, chó, mèo… ) tại hộ
gia đình theo Thông tư số 07/2016/TT- BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ nông nghiệp
và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn và
các quy định hiện hành.
- Phối hợp với ngành Y tế trong
tuyên truyền, giám sát, phát hiện, xử lý dịch bệnh ở động vật lây sang người.
- Thống kê báo cáo định kỳ các
bệnh ký sinh trùng trên động vật gửi Sở Y tế.
5. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Phối hợp với Sở Y tế và các địa
phương chỉ đạo, triển khai phòng, chống bệnh ký sinh trùng, đặc biệt quan tâm đến
công tác phòng, chống bệnh ký sinh trùng tại trường mầm non, tiểu học trên địa
bàn.
- Hướng dẫn học sinh, giáo
viên, phụ huynh các biện pháp phòng bệnh, phát hiện sớm các trường hợp bệnh để
thông báo cho gia đình và cơ quan y tế xử lý kịp thời. Đưa nội dung giáo dục sức
khoẻ và kiến thức phòng chống bệnh ký sinh trùng như: ăn chín, uống sôi, rửa
tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, vệ sinh trường lớp và lợi
ích, hiệu quả của việc uống thuốc tẩy giun... vào các buổi học ngoại khoá. Tổ
chức các hoạt động tìm hiểu về một số bệnh ký sinh trùng thường gặp, cách phòng
tránh trong trường học.
6. Sở Thông tin và Truyền
thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Kạn, Báo Bắc Kạn
Tiếp tục phối hợp với ngành y tế
và các ngành liên quan để đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng về
nguyên nhân, tác hại và các biện pháp phòng chống bệnh ký sinh trùng thường gặp.
Tuyên truyền lợi ích và hiệu quả của chiến dịch tẩy giun theo định kỳ đối với
các lứa tuổi học sinh tiểu học, trẻ 24 -60 tháng tuổi, phụ nữ độ tuổi sinh sản...
7. Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố
- Xây dựng và triển khai hiệu
quả kế hoạch phòng chống bệnh ký sinh trùng thường gặp tại địa phương hàng năm,
giai đoạn 2022-2025.
- Đảm bảo kinh phí cho hoạt động
phòng, chống bệnh ký sinh trùng trên địa bàn.
- Chỉ đạo các cơ quan, đoàn thể
tại địa phương tích cực tham gia truyền thông giáo dục sức khỏe để nhân dân biết
cách tự phòng bệnh, chủ động đến các cơ sở y tế khi cần thiết, tích cực tham
gia vào các hoạt động phòng, chống bệnh ký sinh trùng thường gặp tại cộng đồng.
- Vận động người dân tham gia
vào các mô hình nâng cao sức khỏe tại cộng đồng như mô hình cộng đồng an toàn,
làng văn hóa - sức khỏe.
- Kiểm tra việc triển khai thực
hiện công tác phòng, chống bệnh ký sinh trùng thường gặp tại địa phương.
8. Đề nghị Ủy ban MTTQ Việt
Nam và các tổ chức đoàn thể tỉnh
- Tích cực và chủ động tham gia
cùng chính quyền các cấp và ngành y tế thực hiện có hiệu quả các hoạt động
phòng chống bệnh ký sinh trùng thường gặp trên địa bàn.
- Giám sát việc triển khai thực
hiện công tác phòng, chống bệnh ký sinh trùng thường gặp tại địa phương; chủ động
phát hiện và kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm pháp
luật về phòng, chống dịch trên địa bàn.
Trên đây là Kế hoạch phòng chống
các bệnh ký sinh trùng thường gặp tại tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2022 - 2025, các
cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện.
Nơi nhận:
Gửi bản điện tử:
- Cục Y tế dự phòng-Bộ Y tế;
- Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng TW;
- CT, PCT UBND tỉnh (Ô. Hưng);
- Các Sở, ngành, đoàn thể tại mục III;
- UBND các huyện, thành phố;
- LĐVP (Ô. Nguyên);
- Lưu: VT, VXNV (V).
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Phạm Duy Hưng
|