THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1288/QĐ-TTg
|
Hà Nội, ngày 03
tháng 11 năm 2023
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỈNH BẮC KẠN THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM
NHÌN ĐẾN NĂM 2050
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật liên
quan đến quy hoạch ngày 15 tháng 6 năm 2018;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có
liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Pháp lệnh số 01/2018/QH14 ngày 22 tháng 12 năm
2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của 04 Pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch;
Căn cứ Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội
về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật
về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ
lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030;
Căn cứ Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09 tháng 01 năm 2023 của Quốc
hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07
tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch;
Căn cứ Nghị định số 58/2023/NĐ-CP ngày 12 tháng 8 năm 2023 của Chính
phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của
Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch;
Căn cứ Quyết định số 907/QĐ-TTg ngày 29 tháng 6 năm 2022 của Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm
nhìn đến năm 2050;
Theo đề nghị của Ủy ban nhân
dân tỉnh Bắc Kạn tại Tờ trình số 142/TTr- UBND ngày 10 tháng 8 năm 2023 về việc
đề nghị phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm
2050, Văn bản số 6808/UBND-GTCND ngày 12 tháng 10 năm 2023, Văn bản số
7143/UBND-GTCNXD ngày 24 tháng 10 năm 2023 và Văn bản số 7296/UBND-GTCNXD ngày
30 tháng 10 năm 2023 về việc đề nghị phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ
2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Báo cáo thẩm định số 9612/BC-HĐTĐ ngày 30
tháng 12 năm 2022 của Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh; Văn bản số
6433/CV-HĐTĐ ngày 10 tháng 8 năm 2023 của Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh về
rà soát hồ sơ, tài liệu quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến
năm 2050 đã được bổ sung, hoàn thiện theo kết luận của Hội đồng thẩm định quy
hoạch tỉnh; ý kiến của Bộ Công Thương tại Văn bản số 6905/BCT-ĐL ngày 05 tháng
10 năm 2023 về phương án phát triển mạng lưới cấp điện, danh mục dự kiến nguồn
điện trong hồ sơ Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn; rà soát tổng thể của Bộ Kế hoạch và Đầu
tư tại các Văn bản số 6747/BKHĐT-QLQH ngày 18 tháng 8 năm 2023 và số 8776/BKHĐT-QLQH
ngày 23 tháng 10 năm 2023.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với
những nội dung chủ yếu sau:
I. PHẠM VI,
RANH GIỚI QUY HOẠCH
Phạm vi lập quy hoạch bao gồm
toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh Bắc Kạn, quy mô 4.859,96 km2 gồm 08
đơn vị hành chính: Thành phố Bắc Kạn và 07 huyện (Chợ Mới, Chợ Đồn, Bạch Thông,
Ngân Sơn, Ba Bể, Na Rì, Pác Nặm), được giới hạn như sau:
- Phía Bắc: Giáp tỉnh Cao Bằng.
- Phía Đông: Giáp tỉnh Lạng
Sơn.
- Phía Nam: Giáp tỉnh Thái
Nguyên.
- Phía Tây: Giáp tỉnh Tuyên
Quang.
Tỉnh Bắc Kạn có toạ độ địa lý
khoảng từ 21o48' đến 22o44' vĩ độ Bắc, 105o26'
đến 106o15' kinh độ Đông.
II. QUAN ĐIỂM,
TẦM NHÌN, MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN; CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM, ĐỘT PHÁ PHÁT TRIỂN
1. Quan điểm phát triển
a) Phù hợp với định hướng, tầm
nhìn phát triển đất nước, tinh thần Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần
thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 11- NQ/TW ngày 10 tháng 02 năm 2022 của Bộ
Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an
ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến
lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; quy hoạch tổng thể quốc gia; quy
hoạch ngành quốc gia; Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ
XII.
b) Phát huy tiềm năng, lợi thế
của tỉnh để phát triển nhanh gắn liền với tăng trưởng xanh, bền vững; nâng cao
chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, hiệu quả và sức cạnh tranh của Tỉnh
trong phát triển kinh tế; đổi mới, sáng tạo, tăng cường ứng dụng khoa học -
công nghệ; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh
tranh và năng lực tiếp cận, nắm bắt, tận dụng hiệu quả các thành tựu, cơ hội của
cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
c) Chú trọng phát huy hiệu quả
nội lực và tăng cường thu hút ngoại lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; tập
trung đầu tư đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng liên
kết vùng và đa mục tiêu.
d) Tập trung phát triển, đầu tư
có trọng tâm, trọng điểm vào những ngành, lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh với
nông, lâm nghiệp là nền tảng; du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; công
nghiệp là một động lực phát triển.
đ) Phát huy tối đa yếu tố con
người, truyền thống cách mạng, bản sắc văn hóa và khát vọng phát triển của tỉnh
Bắc Kạn; gắn giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực với nhu cầu
của thị trường lao động và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
e) Phát triển kinh tế gắn với
tiến bộ và công bằng xã hội, tạo việc làm ổn định để giảm nghèo bền vững, nâng
cao mức sống của Nhân dân; sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên; chủ động
thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
g) Kết hợp chặt chẽ giữa phát
triển kinh tế với củng cố quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội; chủ động
hội nhập, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế gắn với liên kết vùng.
2. Tầm nhìn đến năm 2050
Bắc Kạn có nền kinh tế năng động,
kinh tế phát triển khá so với các địa phương trong cả nước; không gian phát triển
hài hòa giữa đô thị và nông thôn; xây dựng đô thị theo hướng sinh thái, hiện đại
và bền vững; trở thành điểm đến về du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe
chất lượng cao, là một trong những địa phương có môi trường đáng sống của cả nước.
3. Mục tiêu phát triển đến năm
2030
a) Mục tiêu tổng quát
Đến năm 2030, Bắc Kạn trở thành
tỉnh phát triển trung bình khá, bền vững của vùng với hệ thống không gian phát
triển hài hòa, hợp lý giữa đô thị và nông thôn, giữa khu vực phát triển kinh tế
với các khu vực bảo tồn sinh thái, văn hóa. Kinh tế phát triển theo hướng xanh
và năng động với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng số đồng bộ,
hiện đại; các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng nâng cao
chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị bản
sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội
ổn định, bền vững; hợp tác, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
b) Mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể
- Về kinh tế:
+ Tốc độ tăng trưởng kinh tế
(GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt trên 7,5%; trong đó: Dịch vụ tăng
trên 8%/năm; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trên 3,5%/năm; công nghiệp - xây
dựng tăng trên 11%/năm.
+ Cơ cấu kinh tế: Ngành dịch vụ
chiếm khoảng 54%; ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm khoảng 20%; ngành
công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 24% (công nghiệp chiếm khoảng 12%); thuế sản
phẩm trừ trợ cấp khoảng 2%.
+ GRDP bình quân/người đạt trên
100 triệu đồng/người (giá hiện hành).
+ Năng suất lao động đạt trên
125 triệu đồng (giá hiện hành).
+ Phấn đấu thu ngân sách nhà nước
trên địa bàn đạt trên 2.000 tỷ đồng.
+ Huy động tổng vốn đầu tư toàn
xã hội đạt trên 105 nghìn tỷ đồng.
+ Tổng lượng khách du lịch đạt
khoảng 3 triệu lượt người.
- Về xã hội:
+ Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên
0,8%; duy trì tỷ lệ khoảng 16 bác sĩ/1 vạn dân; số giường bệnh/vạn dân đạt tối
thiểu 35 giường; phấn đấu 100% số xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã; tỷ lệ
người dân tham gia bảo hiểm y tế trên 98%.
+ Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt
55%; tỷ lệ thất nghiệp hàng năm dưới 3%. Phấn đấu chỉ số HDI đạt 0,699.
+ Toàn tỉnh có trên 80% trường
đạt chuẩn quốc gia.
+ Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân
2%/năm; đến năm 2030 cơ bản không còn huyện nghèo và xã đặc biệt khó khăn.
+ Tỷ lệ gia đình văn hóa đạt
88% trở lên; khu dân cư văn hóa đạt 86% trở lên; 100% xã, phường có trạm truyền
thanh hoạt động tốt.
- Về tài nguyên và môi trường:
+ Duy trì tỷ lệ che phủ rừng
trên 70%.
+ Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt
đô thị được thu gom, xử lý theo quy định đạt 95%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt
nông thôn được thu gom, xử lý theo quy định đạt 60%; tỷ lệ chất thải nguy hại
được thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định đạt 95%.
+ Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt
đô thị được xử lý bằng công nghệ chôn lấp trực tiếp trên tổng lượng chất thải rắn
được thu gom là 10%.
+ Tỷ lệ nước thải đô thị được xử
lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định đạt 98%.
+ 100% khối lượng nước thải từ
các khu, cụm công nghiệp được xử lý đạt tiêu chuẩn kỹ thuật môi trường.
+ Tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử
dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 100%, trong đó 80% được sử dụng nước sạch.
- Về phát triển kết cấu hạ tầng:
+ Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên
30%; xây dựng thành phố Bắc Kạn trở thành đô thị xanh - sạch - văn minh, từng
bước hoàn thiện tiêu chí của đô thị loại II.
+ Toàn tỉnh có ít nhất 70 xã và
03 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
+ Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện
đạt 100%.
+ Phát triển kết cấu hạ tầng kỹ
thuật, hạ tầng xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại đáp ứng tốt nhu cầu phát triển.
- Về quốc phòng, an ninh: Huy động
nguồn lực để xây dựng, tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh của Tỉnh. Xây dựng
lực lượng vũ trang chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, tuyệt đối trung thành với Đảng,
Tổ quốc, Nhân dân, có trình độ và sức mạnh tổng hợp, có khả năng sẵn sàng và sức
chiến đấu cao, không để bị động, bất ngờ và xử lý kịp thời, hiệu quả các tình
huống.
4. Các nhiệm vụ trọng tâm, đột
phá phát triển
a) Các nhiệm vụ trọng tâm
- Giải quyết các mâu thuẫn,
xung đột có tính chất liên ngành, liên tỉnh trong quá trình phát triển thông
qua việc đánh giá thực trạng phát triển cũng như tích hợp các định hướng phát
triển của các ngành, lĩnh vực, địa phương.
- Đề xuất các giải pháp để cải
thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Tỉnh
thông qua việc xây dựng các cơ chế chính sách.
- Đổi mới mô hình tăng trưởng,
tăng năng suất trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy
chuyển đổi số. Xác định chuyển đổi số là một trong các nhiệm vụ, giải pháp quan
trọng để tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội.
- Đề xuất các giải pháp quy hoạch
phát triển Tỉnh với trọng tâm là phát triển nông nghiệp với tư duy kinh tế nông
nghiệp theo hướng mở rộng liên kết sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ và
tham gia các chuỗi giá trị; phát triển du lịch và công nghiệp chế biến trở
thành ngành kinh tế mũi nhọn.
- Phát triển kinh tế gắn với thực
hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo bền vững, đào tạo nghề, giải quyết
việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao mức sống và cải thiện sinh kế của
Nhân dân, đặc biệt là các khu vực thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc
thiểu số và miền núi.
b) Các đột phá phát triển
- Xác định thu hút đầu tư vào
lĩnh vực du lịch là trọng tâm; chú trọng phát triển du lịch nghỉ dưỡng, đưa thị
trường bất động sản nghỉ dưỡng nằm trong nhóm dẫn đầu các tỉnh Trung du và miền
núi Bắc Bộ. Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Tỉnh, có
vai trò động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác với hệ thống kết cấu hạ tầng
được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại, đa mục tiêu.
- Hoàn thiện cơ chế, chính sách
và nâng cao năng lực cạnh tranh của Tỉnh; xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh
thông thoáng, minh bạch, thân thiện; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các
thành phần kinh tế tham gia đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Tỉnh;
nghiên cứu ban hành hoặc đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù để thu
hút các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
- Phát triển nông, lâm nghiệp
theo hướng sản xuất hàng hóa, từng bước xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ
cao, tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản và kim loại màu.
- Tập trung thu hút, khơi thông
nguồn lực để đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội bảo đảm đồng bộ,
hiện đại với trọng tâm là hệ thống hạ tầng giao thông kết nối các hành lang
kinh tế thuộc vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Ưu tiên triển khai đầu tư các dự
án giao thông huyết mạch; phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội
tại thành phố Bắc Kạn, các thị trấn, đô thị trên địa bàn Tỉnh; hoàn thiện hạ tầng
các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
- Tăng cường đổi mới, sáng tạo,
ứng dụng khoa học - công nghệ vào thực tiễn sản xuất; nghiên cứu triển khai các
chương trình khoa học công nghệ có hiệu quả ứng dụng cao trong thực tiễn để
tăng năng suất, chất lượng các sản phẩm chủ lực của địa phương. Đẩy mạnh chuyển
đổi số, ứng dụng công nghệ số vào một số ngành, lĩnh vực quan trọng của Tỉnh.
Khuyến khích thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có tiềm năng,
lợi thế cạnh tranh trên địa bàn Tỉnh.
- Nâng cao chất lượng công tác
giáo dục, đào tạo, trọng tâm là giáo dục nghề nghiệp gắn với nhu cầu của thị
trường lao động; chú trọng đào tạo nhân lực có trình độ kỹ thuật cao.
III. PHƯƠNG
HƯỚNG PHÁT TRIỂN NGÀNH QUAN TRỌNG; PHƯƠNG ÁN TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG KINH TẾ - XÃ HỘI
1. Phương hướng phát triển các
ngành quan trọng
a) Phương hướng phát triển
ngành du lịch
- Phát triển du lịch bền vững gắn
với bảo vệ môi trường; giữ gìn, phát huy, bảo tồn các giá trị di sản, các giá
trị văn hóa của địa phương.
- Đẩy mạnh thu hút đầu tư trọng
điểm vào một số dự án, tổ hợp du lịch với phạm vi, quy mô lớn theo hướng du lịch
nghỉ dưỡng, sinh thái kết hợp chăm sóc sức khỏe với các dịch vụ giải trí, thể
thao chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng cao; xây dựng sản phẩm du lịch đa dạng,
mang thương hiệu và đặc thù của Tỉnh bao gồm: Du lịch sinh thái, khám phá thiên
nhiên; du lịch nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp sân gôn; du lịch gắn với giá trị văn
hoá, lịch sử; du lịch thể thao mạo hiểm, vui chơi giải trí, du lịch cộng đồng;
du lịch gắn với phát triển sản phẩm OCOP.
- Đầu tư, phát triển khu du lịch
hồ Ba Bể trở thành Khu du lịch quốc gia với các sản phẩm, loại hình du lịch độc
đáo, mang bản sắc riêng và liên kết chặt chẽ với các khu du lịch trong vùng
Trung du và miền núi Bắc Bộ; phát triển du lịch Hồ Nặm Cắt trở thành khu du lịch
cấp tỉnh; phấn đấu mỗi huyện, thành phố có ít nhất 01 điểm, khu du lịch được
công nhận.
- Phát triển các cụm du lịch, gồm:
Cụm du lịch Ba Bể và phụ cận; cụm du lịch thành phố Bắc Kạn và phụ cận; cụm du
lịch (ATK) Chợ Đồn và phụ cận; cụm du lịch Na Rì - Ngân Sơn.
- Hoàn thiện các thủ tục để Di
sản Ba Bể - Na Hang được Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc
(UNESCO) công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.
- Thúc đẩy chuyển đổi số trong
phát triển du lịch thông qua một số hoạt động như: Số hóa các điểm đến, danh
lam thắng cảnh, di tích, văn hóa, ẩm thực; xây dựng phương án tích hợp, kết nối
và chia sẻ dữ liệu, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, trên nền tảng ứng dụng
du lịch thông minh...
b) Phương hướng phát triển
ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản
- Phát triển ngành nông, lâm
nghiệp, thủy sản theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa có năng suất,
chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho
ngành nông, lâm nghiệp.
- Đổi mới mạnh mẽ tư duy, hình
thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo định hướng kinh tế nông nghiệp với việc
hình thành, phát triển các chuỗi giá trị và thúc đẩy hợp tác, liên kết nội tỉnh,
nội vùng, giữa các vùng, quốc gia và quốc tế.
- Tập trung phát triển sản phẩm
nông nghiệp có lợi thế theo các nhóm sản phẩm chủ lực, xây dựng các vùng sản xuất
hàng hóa tập trung theo tiêu chí và yêu cầu của thị trường, cung cấp đủ nguyên
liệu cho công nghiệp chế biến.
- Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện
đại hóa trong phát triển kinh tế rừng với 03 trọng tâm gồm phát triển thị trường
tín chỉ các-bon, phát triển điện sinh khối, phát triển công nghiệp chế biến
nông, lâm sản, dược phẩm, dược liệu, gỗ và sản phẩm khác. Xây dựng ngành lâm
nghiệp trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật hiện đại, có hiệu quả cao; nâng
cao chất lượng, hiệu quả kinh tế đối với rừng sản xuất; phát triển các vùng sản
xuất tập trung, đạt tiêu chuẩn bền vững để đáp ứng nguyên liệu cho công nghiệp
chế biến gỗ; nghiên cứu, đề xuất cơ chế phát triển, trồng cây dược liệu dưới
tán rừng và sản phẩm lâm nghiệp ngoài gỗ; chú trọng phát triển dịch vụ môi trường
rừng.
c) Phương hướng phát triển
ngành công nghiệp
- Công nghiệp sản xuất chế biến
nông, lâm sản, dược phẩm, dược liệu, gỗ và các sản phẩm khác: Lựa chọn để tập
trung phát triển một số sản phẩm chế biến chủ lực của Tỉnh gắn với phát triển
vùng nguyên liệu, phấn đấu đưa Bắc Kạn trở thành một trong những trung tâm chế
biến nông, lâm sản, dược phẩm, dược liệu, gỗ và các sản phẩm khác của vùng.
- Công nghiệp sản xuất và phân
phối điện: Thu hút đầu tư phát triển điện gió, điện sinh khối, thuỷ điện tích
năng phù hợp tiềm năng, lợi thế của tỉnh và điều kiện tự nhiên về địa hình, khí
hậu; nghiên cứu, phát triển điện mặt trời áp mái và trên mặt nước tại những địa
điểm, khu vực phù hợp với định hướng của Quy hoạch điện VIII.
- Công nghiệp khai khoáng, chế
biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng: Khai thác, chế biến sâu, chế biến
tinh các khoáng sản có giá trị kinh tế là lợi thế của tỉnh gồm: Quặng sắt, sắt
mangan, quặng chì, kẽm,… bảo đảm phù hợp Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến
và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được
phê duyệt tại Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày
18 tháng 7 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ; ưu tiên sản xuất vật liệu không
nung, vật liệu mới thân thiện với môi trường từ nguồn nguyên liệu tại chỗ.
- Công nghiệp hỗ trợ, tiêu
dùng: Khuyến khích đầu tư các dự án công nghiệp sản xuất linh kiện, thiết bị điện
tử, tái chế, công nghiệp phụ trợ cho các trung tâm sản xuất công nghiệp lớn của
vùng, đặc biệt là liên kết với các khu công nghiệp lớn. Ưu tiên chế biến các sản
phẩm từ nguyên liệu có sẵn trên địa bàn Tỉnh như nông, lâm sản và kim loại màu.
Thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực may mặc, da giầy, gia công xuất khẩu,
góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương.
d) Phương hướng phát triển
ngành thông tin truyền thông, chuyển đổi số
- Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ
tầng thông tin và truyền thông phục vụ cho nhu cầu kết nối của toàn dân cũng
như công cuộc chuyển đổi số toàn diện; chuyển từ dịch vụ bưu chính truyền thống
sang dịch vụ bưu chính số và khuyến khích phát triển các nền tảng số để ứng dụng
trong lĩnh vực Bưu chính. Đẩy mạnh hợp tác với các sàn thương mại điện tử để
phát triển hoạt động thương mại điện tử tại địa phương, đặc biệt là tại địa bàn
vùng nông thôn.
- Phát triển nền tảng dữ liệu số:
Xây dựng kho dữ liệu dùng chung của Tỉnh, từng bước phát triển kho dữ liệu mở của
Tỉnh; nghiên cứu, xây dựng nền tảng giao dịch và các nền tảng đổi mới, sáng tạo
dựa trên các nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung và các hệ thống cơ sở
dữ liệu quan trọng của Tỉnh, tạo nền tảng cho phát triển chính quyền điện tử đồng
bộ theo khung kiến trúc Chính phủ điện tử quốc gia, trong đó tập trung xây dựng
các nền tảng đặc thù của Tỉnh.
- Từng bước xây dựng chính quyền
số; phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh
theo hướng ứng dụng công nghệ số, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có sức
cạnh tranh trên thị trường.
2. Phương hướng phát triển các
ngành, lĩnh vực khác
a) Phương hướng phát triển
ngành dịch vụ thương mại
- Phát triển ngành thương mại
trở thành điểm tựa để thúc đẩy phát triển các ngành sản xuất và dịch vụ khác,
đáp ứng nhu cầu của Nhân dân, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế
và phân công lao động xã hội.
- Phát triển đa dạng các loại
hình hạ tầng thương mại phục vụ bán buôn và bán lẻ; có sự kết hợp chặt chẽ, hợp
lý giữa hai loại hình truyền thống và hiện đại phù hợp với phong tục, tập quán
của từng vùng miền, địa phương.
- Tập trung xuất khẩu các sản
phẩm chủ đạo có tiềm năng phát triển và lợi thế cạnh tranh trong các lĩnh vực
nông, lâm nghiệp, công nghiệp.
b) Phương hướng phát triển lĩnh
vực văn hóa, thể thao
- Xây dựng, phát triển văn hóa
tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc gắn với mục tiêu phát triển con người. Củng cố
và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa các cấp gắn liền với phát triển du lịch
cộng đồng; hoàn thiện một số thiết chế văn hóa trọng điểm. Ưu tiên đầu tư, bảo
tồn các di sản văn hoá phi vật thể trên địa bàn Tỉnh.
- Tuyển chọn, đào tạo tài năng
và phát triển một số môn thể thao có thế mạnh, đạt nhiều thành tích cao của Tỉnh.
Phát triển công tác giáo dục thể chất và thể thao trong cộng đồng, trường học.
Nghiên cứu, phát triển một số môn thể thao gắn với các sản phẩm du lịch, giải
trí. Tập trung đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất trong lĩnh vực thể thao từ cấp
tỉnh đến cơ sở.
c) Phương hướng phát triển
ngành giáo dục - đào tạo và giáo dục nghề nghiệp
- Phát triển giáo dục - đào tạo
một cách toàn diện, hiệu quả, đồng bộ cả về quy mô, chất lượng và cơ sở vật chất.
Đầu tư, nâng cấp mở rộng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu
phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là đào tạo lao động trong
lĩnh vực dịch vụ, du lịch. Tăng cường giáo dục kỹ năng, kiến thức cơ bản, tư
duy sáng tạo, khả năng thích nghi với yêu cầu của Cuộc cách mạng công nghiệp
4.0.
- Triển khai thực hiện có hiệu
quả chương trình giáo dục phổ thông; nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục các cấp
học và trường chuẩn quốc gia; củng cố, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động
của hệ thống Trường Dân tộc nội trú và bán trú. Đẩy mạnh xã hội hóa trong phát
triển giáo dục và đào tạo; nghiên cứu phát triển trường cao đẳng đa ngành, đa
nghề phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Tiếp tục quan tâm đến
giáo dục ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
d) Phương hướng phát triển lĩnh
vực y tế
- Xây dựng lĩnh vực y tế từng
bước hiện đại, đồng bộ; nâng cao chất lượng, tỷ lệ khám, chữa bệnh và chăm sóc
sức khỏe ban đầu tại cấp cơ sở. Nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết
bị cho các cơ sở y tế từ cấp xã đến cấp tỉnh.
- Tăng cường đào tạo cơ bản,
đào tạo nâng cao, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ y tế đáp ứng yêu cầu về chăm sóc
sức khỏe của Nhân dân. Thu hút nhân lực y tế có trình độ chuyên môn, chuyên sâu
về công tác lâu dài tại địa phương, đặc biệt là tại y tế cấp cơ sở, vùng khó
khăn.
- Chú trọng hợp tác và triển khai
các mô hình khám, chữa bệnh từ xa, đặc biệt là hợp tác với các bệnh viện lớn
tuyến trung ương để nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và năng lực,
trình độ của đội ngũ y tế của Tỉnh.
đ) Phương hướng phát triển lĩnh
vực khoa học công nghệ
Phát triển nhân lực khoa học
công nghệ; nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới
sáng tạo đủ khả năng tiếp thu, làm chủ, phát triển và chuyển giao các công nghệ
tiên tiến. Mở rộng đẩy nhanh tốc độ ứng dụng những thành tựu của khoa học công
nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0,
công nghệ về vật liệu mới. Trọng tâm nghiên cứu phát triển các lĩnh vực công
nghiệp chế biến - chế tạo, cải cách hành chính, quản lý nhà nước, y tế, giáo dục,
văn hóa, an ninh, du lịch. Thúc đẩy chuyển đổi số để tạo động lực chính cho
tăng trưởng kinh tế, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh
và đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững.
e) Phương hướng phát triển lĩnh
vực lao động việc làm và an sinh xã hội
Tập trung đào tạo nâng cao chất
lượng nguồn nhân lực theo hướng bao trùm, toàn diện; từng bước chuyển dịch cơ cấu
lao động sang các ngành, lĩnh vực tạo giá trị gia tăng cao. Cải thiện điều kiện
sống của người nghèo, đặc biệt là khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn; đảm bảo
thực hiện các quyền trẻ em, bình đẳng giới; làm tốt công tác bảo trợ xã hội, tập
trung chăm sóc và trợ giúp các nhóm đối tượng yếu thế có hoàn cảnh đặc biệt,
người có công; thực hiện tốt công tác quản lý đối tượng tệ nạn xã hội.
g) Quốc phòng, an ninh
Xây dựng, phát triển tỉnh Bắc Kạn
giàu mạnh kết hợp chặt chẽ với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh trên từng
địa bàn chiến lược; tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu cao, không để bị động,
bất ngờ và xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống, bảo đảm giữ vững an ninh
chính trị, trật tự an toàn xã hội.
3. Phương án tổ chức hoạt động
kinh tế - xã hội và phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã
a) Hành lang kinh tế
- Hành lang kinh tế gắn với trục
động lực: Bao gồm hành lang tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao
Bằng và tuyến đường quốc lộ 3.
- Hành lang kinh tế gắn với tuyến
Quốc lộ 3C.
- Hành lang kinh tế gắn với các
trục Đông Tây, Quốc lộ 279, Quốc lộ 3B, trực đường Ba Bể - Thành phố Bắc Kạn.
b) Năm (05) vùng kinh tế - xã hội
- Vùng trung tâm động lực: Bao
gồm thành phố Bắc Kạn, huyện Chợ Mới và huyện Bạch Thông. Vùng nằm dọc theo trục
động lực gắn với hành lang phát triển QL3, đường cao tốc, với trung tâm là
thành phố Bắc Kạn, là đầu tàu cho sự phát triển của toàn Tỉnh.
- Tiểu vùng phía Đông: Bao gồm
huyện Na Rì xây dựng vùng nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất
hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
- Tiểu vùng phía Tây: Bao gồm huyện
Chợ Đồn phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, chế biến nông,
lâm sản, công nghiệp cơ khí.. phát triển sản xuất nông nghiệp, du lịch.
- Tiểu vùng phía Tây Bắc: Bao gồm
huyện Ba Bể, huyện Pác Nặm, là vùng có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, với
hướng phát triển kinh tế chủ yếu tập trung vào du lịch cảnh quan Hồ Ba Bể, du lịch
sinh thái, nghỉ dưỡng, phát triển dịch vụ, thương mại và công nghiệp khai thác,
công nghiệp chế biến nông, lâm sản, công nghiệp phục vụ du lịch.
- Tiểu vùng phía Bắc: Bao gồm
huyện Ngân Sơn xây dựng vùng nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất
hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, phát triển du lịch
sinh thái, nghỉ dưỡng.
c) Các cực tăng trưởng
- Thành phố Bắc Kạn là cực phát
triển tổng hợp, đa dạng đóng vai trò là hạt nhân của vùng trung tâm và là đô thị
hạt nhân của Tỉnh sẽ là động lực và là cầu nối giữa các trung tâm đô thị của
các đơn vị hành chính trong Tỉnh giúp thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của toàn
Tỉnh.
- Huyện Chợ Mới là cực tăng trưởng
về công nghiệp - đô thị phía Nam tỉnh Bắc Kạn; phát triển cụm đô thị thị trấn Đồng
Tâm và đô thị Sáu Hai với vai trò là đô thị trung tâm của huyện Chợ Mới và là
trọng điểm cửa ngõ của tỉnh Bắc Kạn, kết nối với tỉnh Thái Nguyên và vùng Thủ
đô; phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên hành lang tuyến cao tốc
và quốc lộ 3.
- Huyện Ba Bể là cực tăng trưởng
về du lịch với hạt nhân là hồ Ba Bể. Hình thành đô thị du lịch sinh thái, nghỉ
dưỡng hiện đại, giàu bản sắc với các loại hình du lịch đa dạng, hấp dẫn, có chất
lượng cao; phát triển kinh tế ban đêm cho phép đa dạng hóa hoạt động du lịch.
- Huyện Chợ Đồn là cực tăng trưởng
về công nghiệp - đô thị - du lịch. Phát triển thị trấn Bằng Lũng có vai trò là
trung tâm của huyện Chợ Đồn; phát triển công nghiệp khai thác và chế biến
khoáng sản, hình thành các cụm công nghiệp trên hành lang tuyến quốc lộ 3C và
quốc lộ 3B; phát triển du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái, nghỉ dưỡng với trọng
tâm khu ATK.
d) Phương án sắp xếp đơn vị
hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã thời kỳ 2023 - 2030
- Giai đoạn 2023 - 2025: Thực
hiện sắp xếp đối với các ĐVHC cấp huyện, cấp xã có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về
diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% quy định; ĐVHC cấp huyện đồng thời
có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% quy định;
ĐVHC cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô
dân số dưới 300% quy định.
- Giai đoạn 2026 - 2030: Thực
hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã còn lại có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện
tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% quy định; ĐVHC cấp huyện đồng thời có
tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 200% quy định;
ĐVHC cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô
dân số dưới 300% quy định.
- Tiêu chuẩn về diện tích tự
nhiên và quy mô dân số của ĐVHC thực hiện theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ
Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại ĐVHC. Việc lập và thực
hiện quy hoạch sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 ngoài tiêu
chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số cần phải tính đến kết quả sắp xếp
giai đoạn trước, ĐVHC ổn định từ lâu, có vị trí biệt lập, có các yếu tố đặc thù
và các ĐVHC nông thôn đã được quy hoạch thành ĐVHC đô thị. Việc xác định phạm
vi, ranh giới, tên địa lý và triển khai phương án sắp xếp cụ thể các ĐVHC cấp
huyện, cấp xã sẽ được thực hiện theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
IV. PHƯƠNG
ÁN QUY HOẠCH HỆ THỐNG ĐÔ THỊ VÀ TỔ CHỨC LÃNH THỔ KHU VỰC NÔNG THÔN
1. Phương án quy hoạch hệ thống
đô thị
a) Hệ thống đô thị tỉnh Bắc Kạn
đến năm 2030
- 01 đô thị đạt một số tiêu chí
của đô thị loại II: Thành phố Bắc Kạn.
- 04 đô thị đạt một số tiêu chí
của đô thị loại IV: Thị trấn Đồng Tâm, thị trấn Bằng Lũng, thị trấn Yến Lạc, thị
trấn Chợ Rã.
- 06 đô thị loại V: Thị trấn Bộc
Bố, thị trấn Nà phặc, thị trấn Vân Tùng, thị trấn Phủ Thông và các đô thị: Sáu
Hai, Khang Ninh.
b) Định hướng phát triển thành
phố Bắc Kạn
Phát triển thành phố Bắc Kạn lấy
dòng sông Cầu là trung tâm, là đô thị động lực, trung tâm chính trị, kinh tế,
văn hóa, xã hội của tỉnh Bắc Kạn. Tập trung phát triển dịch vụ thương mại, du lịch,
công nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
(Chi
tiết tại Phụ lục I kèm theo)
2. Phương án tổ chức lãnh thổ
khu vực nông thôn
Các xã, thôn, bản phát triển
theo mô hình nông thôn mới gắn với đặc thù của từng khu vực trên cơ sở bổ sung
hoàn thiện hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và cơ sở sản xuất, trong
đó:
- Đối với các khu vực phát triển
mới: Các khu dân cư mới được sắp xếp tại vị trí thuận tiện cho sản xuất của từng
khu vực. Mỗi khu dân cư được bố trí đất thương mại, đất sản xuất và đầu tư đồng
bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội kết nối thuận lợi đến các khu vực
đô thị và trung tâm dịch vụ.
- Đối với các khu vực dân cư hiện
hữu: Giữ gìn không gian cảnh quan, kiến trúc công trình. Bảo tồn không gian nhà
ở, công trình văn hóa truyền thống mang nét đặc trưng địa phương, đặc trưng văn
hóa của mỗi dân tộc tại từng khu vực.
V. PHƯƠNG ÁN
PHÁT TRIỂN CÁC KHU CHỨC NĂNG
1. Phương án phát triển hệ thống
khu công nghiệp
- Đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ
thuật, hạ tầng xã hội các khu công nghiệp, đảm bảo đủ điều kiện, đạt tiêu chuẩn
theo quy định, thu hút đầu tư, tăng tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đang hoạt
động.
- Phát triển, mở rộng các khu
công nghiệp đã thành lập và thu hút đầu tư, xây dựng mới thêm một số khu công
nghiệp khi Tỉnh được bổ sung chỉ tiêu quy hoạch và Kế hoạch sử dụng đất.
(Chi
tiết tại Phụ lục II kèm theo)
2. Phương án phát triển cụm
công nghiệp
Đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ
thuật các cụm công nghiệp, đảm bảo đủ điều kiện, đạt tiêu chuẩn theo quy định,
thu hút đầu tư, hoàn thiện hạ tầng và tăng tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp đã
thành lập.
(Chi
tiết tại Phụ lục III kèm theo)
3. Phương án phát triển khu du
lịch
Tổ chức không gian phát triển
du lịch, tập trung thu hút đầu tư xây dựng các cụm du lịch:
- Cụm du lịch Ba Bể và phụ cận:
Đây là cụm trọng tâm ưu tiên đầu tư phát triển, không gian địa bàn của cụm gồm
huyện Ba Bể (hạt nhân là hồ Ba Bể) và huyện Pác Nặm.
- Cụm du lịch thành phố Bắc Kạn
và phụ cận: Không gian địa bàn gồm thành phố Bắc Kạn và các huyện: Chợ Mới, Bạch
Thông.
- Cụm du lịch ATK Chợ Đồn và phụ
cận: Không gian địa bàn gồm huyện Chợ Đồn (hạt nhân là khu di tích quốc gia đặc
biệt ATK Chợ Đồn liên kết với thành phố Bắc Kạn, hồ Ba Bể, ATK Định Hóa (Thái
Nguyên)) và tỉnh Tuyên Quang.
- Cụm du lịch Na Rì - Ngân Sơn:
Không gian địa bàn gồm các huyện Na Rì và Ngân Sơn, liên kết với thành phố Bắc
Kạn và các tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng.
Thu hút đầu tư các tổ hợp đô thị
sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, văn hóa - thể thao và sân gôn trên địa bàn Tỉnh.
(Chi
tiết tại Phụ lục IV kèm theo)
4. Phương án phát triển các khu
bảo tồn, khu vực cần được bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa,
danh lam thắng cảnh
- Các khu vực cần bảo tồn, hạn
chế phát triển bao gồm công trình kiến trúc, di tích lịch sử, văn hóa cần bảo tồn,
tôn tạo, khu bảo tồn đất ngập nước, vườn quốc gia Ba Bể, khu bảo tồn thiên
nhiên Kim Hỷ, khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc, khu bảo vệ cảnh quan
Thác Giềng.
- Duy trì hiện trạng công trình
hoặc tu bổ, cải tạo, xây dựng mới phải phù hợp với hiện trạng kiến trúc của khu
vực; kiểm soát hoạt động xây dựng, loại hình công trình xây dựng, cấp công
trình xây dựng, kiến trúc công trình xây dựng phù hợp với cảnh quan và đặc
trưng văn hoá cần được bảo tồn.
- Hạn chế tối đa các hoạt động
có nguy cơ gây sạt lở; quản lý chặt chẽ, hạn chế cấp phép khai thác vật liệu
xây dựng, không xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư tập
trung. Kiểm soát mật độ xây dựng, loại công trình xây dựng, cấp công trình xây
dựng; chú trọng sử dụng các phương pháp chống sạt lở đất. Khuyến khích trồng rừng,
cây xanh, các biện pháp bảo vệ đất và lớp phủ thực vật khác.
5. Phương án phát triển các
vùng sản xuất nông nghiệp tập trung
- Phân bố không gian phát triển
trồng trọt tập trung:
+ Vùng trồng lúa tập trung phát
triển tại các huyện: Ba Bể, Bạch Thông, Chợ Đồn.
+ Vùng trồng cây hàng năm khác
tại thành phố Bắc Kạn và các huyện: Bạch Thông, Ba Bể, Chợ Mới, Na Rì, Chợ Đồn.
+ Vùng trồng cây lâu năm: Phát
triển tại các huyện Bạch Thông, Ba Bể, Chợ Đồn, Ngân Sơn, Chợ Mới.
+ Vùng phát triển cây trồng đặc
hữu cận ôn đới tại các huyện: Ngân Sơn, Pác Nặm.
+ Vùng trồng dược liệu: Tập
trung phát triển các loài dược liệu có thế mạnh, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng,
khí hậu, sinh thái của từng địa phương.
- Phân bố không gian phát triển
chăn nuôi: Xây dựng các trang trại chăn nuôi tập trung, chăn nuôi gia súc.
- Phân bố không gian phát triển
lâm nghiệp: Phát triển trồng các loại cây như keo, mỡ, cây quế, cây hồi; phát
triển các vùng nguyên liệu tre, nứa.
6. Phương án xác định khu quân
sự, an ninh
- Các khu quân sự, an ninh đảm
bảo tuân thủ chỉ tiêu sử dụng đất do Thủ tướng Chính phủ phân bổ. Việc bố trí
xây dựng các công trình quốc phòng, an ninh trên địa bàn được thực hiện theo
các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng được cấp có thẩm quyền phê
duyệt.
- Khu vực phòng cháy chữa cháy
và cứu hộ cứu nạn (PCCC&CNCH): Bố trí các công trình hạ tầng phòng cháy chữa
cháy tại trung tâm các huyện, thành phố, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp
và địa bàn trọng điểm có nguy cơ về cháy nổ, đảm bảo thuận tiện về giao thông,
nguồn nước, thông tin liên lạc và đáp ứng các qui định hiện hành.
7. Phương án phát triển những
khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn
- Thu hút đầu tư xây dựng các
công trình công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại và xây dựng
hạ tầng xã hội khác để phát triển sinh kế, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống
vật chất và tinh thần của Nhân dân.
- Đầu tư phát triển kết cấu xã
hội, hạ tầng kỹ thuật đặc biệt hạ tầng giao thông nông thôn, thủy lợi, cấp nước,
cơ sở năng lượng, hạ tầng thương mại dịch vụ (chợ), hạ tầng viễn thông, thông
tin, truyền hình phục vụ khu vực đặc biệt khó khăn.
- Tiếp tục đổi mới cơ chế,
chính sách phát triển lâm nghiệp, làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng gắn
với ổn định và nâng cao thu nhập góp phần nâng cao đời sống đồng bào gắn với rừng.
- Ưu tiên giải quyết cơ bản
tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; quy hoạch,
bố trí sắp xếp, di dời các hộ dân trong vùng thiên tai nguy hiểm gắn với ổn định
đời sống dân cư.
- Bảo tồn, phát huy giá trị văn
hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.
VI. PHƯƠNG
ÁN PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG KỸ THUẬT
1. Phương án phát triển mạng lưới
giao thông a) Đường bộ
- Phương án phát triển hạ tầng
giao thông quốc gia: Đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng giao thông quốc gia
trên địa bàn Tỉnh phù hợp với quy hoạch theo quy định.
- Phương án phát triển hạ tầng
giao thông cấp tỉnh: Xây dựng, cải tạo, nâng cấp 24 tuyến đường tỉnh với quy mô
tối thiểu đường cấp IV - VI miền núi, trong đó nâng cấp cải tạo 12 tuyến đường
tỉnh hiện trạng; quy hoạch mới 7 tuyến đường tỉnh; xây dựng, nâng cấp 5 tuyến
đường huyện lên đường tỉnh và một số dự án khác khi có điều kiện về nguồn vốn.
b) Đường thuỷ: Nâng cấp cải tạo
tuyến đường thuỷ sông Năng - hồ Ba Bể và hồ Ba Bể - Chợ Lèng đạt cấp hạng kỹ
thuật tối thiểu là cấp V. Hình thành các tuyến đường thuỷ trên các tuyến sông,
hồ phục vụ vận tải dân sinh, phát triển du lịch.
c) Hàng không: Nghiên cứu, xây
dựng sân bay chuyên dùng Quân Bình theo nhu cầu khai thác, sử dụng bảo đảm phù
hợp Quy hoạch và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng
hàng không, sân bay toàn quốc.
d) Công trình hạ tầng giao
thông khác
- Bến xe: Xây dựng mới, nâng cấp
9 bến xe khách tại các trung tâm huyện, thành phố của Tỉnh.
- Trung tâm logistics: Xây dựng
3 trung tâm logistics tại huyện Chợ Mới, thành phố Bắc Kạn và huyện Bạch Thông.
- Xây dựng mới các trạm dừng
nghỉ trên tuyến cao tốc Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng và các tuyến quốc lộ
trên địa bàn Tỉnh.
(Chi
tiết tại Phụ lục V kèm theo)
2. Phương án phát triển mạng lưới
cấp điện
- Phát triển lưới điện truyền tải
và phân phối gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của vùng và của từng
địa phương. Từng bước thực hiện đầu tư và cải tạo lưới điện theo quy hoạch. Ưu
tiên nguồn điện phục vụ cho sản xuất và cho các khu, cụm công nghiệp trên địa
bàn Tỉnh.
- Duy trì, phát triển các nguồn
điện hiện có trên địa bàn tỉnh; phát triển mới một số nhà máy điện sinh khối, tổ
hợp điện gió, thủy điện và các nguồn năng lượng tái tạo có tiềm năng.
- Xây dựng mới, cải tạo nâng cấp
các trạm biến áp, đường dây 220 KV, 110KV để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế
- xã hội và sinh hoạt.
(Chi
tiết tại Phụ lục VI kèm theo)
3. Phương án phát triển mạng lưới
viễn thông
- Duy trì hoạt động hệ thống điểm
cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng hiện tại; phát triển thêm các điểm cung cấp
dịch vụ viễn thông công cộng tại huyện, thành phố để đảm bảo đáp ứng nhu cầu của
xã hội về dịch vụ viễn thông công cộng có người phục vụ.
- Phát triển mới các trạm thu,
phát sóng đáp ứng nhu cầu, đảm bảo cung cấp dịch vụ cho mọi người dân. Tập
trung ưu tiên phát triển trạm thu, phát sóng tại các khu đô thị, khu dân cư tập
trung, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các địa điểm du lịch. Phát triển hạ
tầng mạng cáp viễn thông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện ngầm
hóa mạng cáp viễn thông khu vực đô thị trên toàn Tỉnh; xây dựng cột treo cáp viễn
thông phù hợp với điều kiện từng khu vực.
4. Phương án phát triển mạng lưới
thủy lợi, cấp nước
- Thủy lợi: Vùng cấp và thoát
nước được phân thành 04 lưu vực sông: Sông Cầu, sông Năng, sông Phó Đáy, sông Bắc
Giang. Đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình thủy lợi (hồ chứa, đập
dâng, kè, kênh dẫn, trạm bơm) trên địa bàn Tỉnh phục vụ phát triển kinh tế - xã
hội bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Cấp nước: Đầu tư xây dựng, cải
tạo, nâng cấp hệ thống cấp nước đô thị, nông thôn và các khu chức năng để đáp ứng
nhu cầu sản xuất, sinh hoạt; ưu tiên xây dựng công trình cấp nước tập trung.
(Chi
tiết tại Phụ lục VII kèm theo)
5. Phương án phát triển các khu
xử lý chất thải; sắp xếp, phân bố không gian các khu nghĩa trang
a) Khu xử lý chất thải: Đầu tư
xây dựng 3 khu xử lý chất thải rắn cấp liên huyện và 08 khu xử lý chất thải rắn
cấp huyện (bao gồm: Xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và chất thải rắn
nguy hại).
(Chi
tiết tại Phụ lục VIII kèm theo)
b) Nghĩa trang
Nghĩa trang đô thị: Đối với
thành phố Bắc Kạn, xây dựng mở rộng khu nghĩa trang với diện tích khoảng 60ha.
Đối với các thị trấn, xây dựng nghĩa trang tập trung quy mô diện tích khoảng 10
- 15ha.
(Chi
tiết tại Phụ lục IX kèm theo)
6. Phương án phát triển mạng lưới
phòng cháy và chữa cháy
- Xây dựng mạng lưới trụ sở,
doanh trại của lực lượng cảnh sát PCCC& CNCH, được bố trí đảm bảo mỗi huyện
có tối thiểu 01 đội cảnh sát PCCC & CNCH.
- Xây dựng hệ thống giao thông
phục vụ phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ phải đảm bảo đủ rộng và đủ tải để
xe chữa cháy hoặc CNCH dài nhất, rộng nhất, cao nhất và nặng nhất (thường là xe
thang) của lực lượng chữa cháy và CNCH tiếp cận được.
- Hệ thống cung cấp nước chữa
cháy đảm bảo đáp ứng theo quy định hiện hành.
- Hệ thống thông tin liên lạc
PCCC&CNCH phải đảm bảo tuân thủ theo quy định và được kết nối với các đơn vị
tỉnh lân cận và Trung ương.
(Chi
tiết tại Phụ lục X kèm theo)
VII. PHƯƠNG
ÁN PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG XÃ HỘI
1. Phương án phát triển kết cấu
hạ tầng y tế
Đầu tư xây dựng mới, cải tạo,
nâng cấp các cơ sở y tế, đơn vị sự nghiệp y tế tuyến tỉnh và tuyến cơ sở đảm bảo
đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe của Nhân dân. Khuyến khích phát triển hệ thống
y tế ngoài công lập góp phần đa dạng hóa dịch vụ y tế.
(Chi
tiết tại Phụ lục XI kèm theo)
2. Phương án phát triển kết cấu
hạ tầng giáo dục - đào tạo
Rà soát, sắp xếp, đầu tư các cơ
sở giáo dục phổ thông các cấp, mầm non đáp ứng tiêu chuẩn về cơ sở vật chất,
trang thiết bị đạt chuẩn theo quy định và phục vụ nhu cầu của địa phương. Khuyến
khích, thu hút đầu tư các cơ sở giáo dục - đào tạo ngoài công lập.
(Chi
tiết tại Phụ lục XII kèm theo)
3. Phương án phát triển kết cấu
hạ tầng cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Rà soát, sắp xếp, đầu tư các cơ
sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở của trường cao đẳng, các trung tâm Giáo dục nghề
nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp tỉnh, cấp huyện đáp ứng tiêu chuẩn về cơ sở
vật chất, trang thiết bị đạt chuẩn theo quy định.
(Chi
tiết tại Phụ lục XIII kèm theo)
4. Phương án phát triển kết cấu
hạ tầng văn hóa, thể dục, thể thao
- Đầu tư trùng tu, tôn tạo, lập
hồ sơ công nhận thêm các di tích xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, di tích xếp
hạng quốc gia, di tích xếp hạng cấp tỉnh; nâng cấp, bảo vệ và phát huy có hiệu
quả di tích trên địa bàn Tỉnh.
- Duy trì các thiết chế văn
hoá, thể thao cấp tỉnh hiện có; huy động các nguồn lực để đầu tư, xây dựng bảo
tàng, thư viện, nhà hát ca múa nhạc dân tộc, rạp chiếu phim, trung tâm trưng
bày, triển lãm văn hóa nghệ thuật, quảng trường, công viên cây xanh, khu liên hợp
thể dục thể thao, khu luyện tập, thi đấu thể thao dưới nước, trường đua xe địa
hình, thể thao mạo hiểm.
- Xây dựng mới khu liên hợp thể
thao ở các huyện.
(Chi
tiết tại Phụ lục XIV kèm theo)
5. Phương án phát triển kết cấu
hạ tầng thương mại
- Phát triển hạ tầng thương mại
hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi) ở các đô thị. Tại
thành phố Bắc Kạn xây dựng trung tâm thương mại hạng II, III cùng với việc xây
dựng siêu thị các loại. Đối với các đô thị loại IV, xây dựng các trung tâm
thương mại hạng III.
- Xây dựng, nâng cấp, cải tạo,
mở rộng các chợ hạng I, chợ đầu mối thuộc thành phố Bắc Kạn và trung tâm các
huyện.
(Chi
tiết tại Phụ lục XV kèm theo)
6. Phương án phát triển kết cấu
hạ tầng bảo trợ xã hội
- Cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới
Trung tâm Điều dưỡng người có công và công tác xã hội; các công trình ghi công
liệt sĩ.
- Cải tạo, sửa chữa nâng cấp cơ
sở bảo trợ xã hội tổng hợp, cơ sở cai nghiện ma túy; khuyến khích các tổ chức,
cá nhân xây dựng các cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ngoài công lập.
(Chi
tiết tại Phụ lục XVI kèm theo)
7. Phương án phát triển kết cấu
hạ tầng khoa học và công nghệ
Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng,
trang thiết bị của các tổ chức khoa học và công nghệ, trung tâm ứng dụng tiến bộ
khoa học và công nghệ đảm bảo thực hiện các chức năng nghiên cứu, chuyển giao, ứng
dụng khoa học công nghệ. Nghiên cứu, xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo cấp tỉnh;
phát triển các cơ sở nghiên cứu phát triển khoa học và công nghệ phục vụ chuyển
đổi số. Đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nâng cao chất lượng,
hiệu quả hoạt động sản xuất.
VIII. PHÂN BỔ
VÀ KHOANH VÙNG ĐẤT ĐAI
Nguồn lực đất đai phải được điều
tra, đánh giá, thống kê, kiểm kê, lượng hóa, hạch toán đầy đủ trong nền kinh tế,
được quy hoạch sử dụng hiệu quả, hợp lý, tiết kiệm, bền vững với tầm nhìn dài hạn;
đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát
triển giáo dục, văn hóa, thể thao; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi
khí hậu; tạo động lực cho sự phát triển của Tỉnh. Đảm bảo việc bố trí sử dụng đất
hợp lý trên cơ sở cân đối nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực phù hợp với
chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 được Thủ tướng
Chính phủ phân bổ.
(Chi
tiết tại Phụ lục XVII kèm theo)
IX. PHƯƠNG
ÁN QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG LIÊN HUYỆN, VÙNG HUYỆN
1. Phương án quy hoạch xây dựng
vùng liên huyện: Triển khai lập các quy hoạch vùng liên huyện bảo đảm phù hợp với
định hướng phát triển của Tỉnh và theo quy định.
2. Phương án quy hoạch xây dựng
vùng huyện
Quy hoạch 07 vùng huyện đảm bảo
phù hợp với mục tiêu định hướng phát triển tổng thể của Tỉnh gồm:
a) Vùng huyện Chợ Mới: Tập
trung phát triển trở thành trung tâm công nghiệp, đô thị động lực của Tỉnh. Xây
dựng đô thị trung tâm huyện cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại IV làm tiền đề hình
thành thị xã trong tương lai. Phát triển sản xuất nông lâm nghiệp hàng hóa theo
chuỗi giá trị, nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng; phát triển các khu công nghiệp,
cụm công nghiệp gắn với hành lang tuyến Quốc lộ 3 và tuyến cao tốc Thái Nguyên
- Bắc Kạn; phát triển năng lượng tái tạo như điện sinh khối, thủy điện, điện
gió; phát triển các khu tổ hợp đô thị sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, văn hóa thể
thao và sân gôn.
b) Vùng huyện Chợ Đồn: Tập
trung phát triển trở thành vùng du lịch lịch sử, văn hóa gắn với khu di tích quốc
gia đặc biệt ATK, du lịch sinh thái, trải nghiệm nông nghiệp, thể thao, vui
chơi, giải trí; vùng bảo tồn đa dạng sinh học, vùng nông nghiệp tập trung, vùng
khai thác và chế biến khoáng sản của Tỉnh. Đầu tư xây dựng trung tâm huyện cơ bản
đạt tiêu chí đô thị loại IV, phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa theo
chuỗi giá trị.
c) Vùng huyện Bạch Thông: Tập
trung đầu tư xây dựng trung tâm huyện đạt tiêu chí đô thị loại V; là khu vực đầu
mối giao thông liên vùng, nội tỉnh, tập trung phát triển dịch vụ cho vùng động
lực. Phát triển nông, lâm nghiệp tập trung và công nghiệp chế biến nông, lâm sản.
d) Vùng huyện Ba Bể: Phát triển
trở thành khu du lịch quốc gia với hạt nhân là hồ Ba Bể, vùng phát triển đa dạng
các loại hình du lịch như: Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức
khỏe, du lịch thể thao, lễ hội, văn hóa. Trở thành vùng đô thị lớn của Tỉnh,
phát triển về nông, lâm nghiệp, công nghiệp chế biến nông, lâm sản.
đ) Vùng huyện Pác Nặm: Tập
trung thu hút các nguồn lực phát triển trung tâm huyện trở thành thị trấn. Phát
triển nông nghiệp gắn chuỗi giá trị hàng hóa, hình thành các vùng sản xuất nông
nghiệp tập trung, phát triển chăn nuôi đại gia súc. Phát triển du lịch theo hướng
du lịch sinh thái, văn hóa bản sắc.
e) Vùng huyện Ngân Sơn: Tập
trung xây dựng thị trấn Vân Tùng và thị trấn Nà Phặc đạt tiêu chí đô thị loại
V. Phát triển năng lượng tái tạo như thủy điện, điện gió. Phát triển du lịch
sinh thái, nghỉ dưỡng, sân gôn. Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa
theo chuỗi giá trị.
g) Vùng huyện Na Rì: Đầu tư xây
dựng trung tâm huyện cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại IV. Lấy nông, lâm nghiệp
làm chủ đạo trong phát triển kinh tế, hình thành vùng nguyên liệu cho chế biến
quy mô công nghiệp. Phát triển du lịch gắn với lễ hội, danh lam, thắng cảnh và
bảo tồn đa dạng sinh học.
X. PHƯƠNG
ÁN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, KHAI THÁC, SỬ DỤNG, BẢO VỆ TÀI NGUYÊN, ĐA DẠNG SINH HỌC,
PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
1. Phương án bảo vệ môi trường,
bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh
a) Về phân vùng môi trường
Vùng bảo vệ môi trường được
phân thành các vùng theo yếu tố nhạy cảm về môi trường là vùng bảo vệ nghiêm ngặt,
vùng hạn chế phát thải và vùng khác.
- Vùng bảo vệ nghiêm ngặt gồm:
+ Khu dân cư tập trung nội
thành của thành phố Bắc Kạn.
+ Nguồn nước mặt được dùng cho
mục đích cấp nước sinh hoạt trên các đoạn sông, đoạn suối, hồ chứa thuộc các
lưu vực sông Cầu, sông Năng, sông Bắc Giang và sông Phó Đáy.
+ Toàn bộ phân khu bảo vệ
nghiêm ngặt và phân khu phục hồi sinh thái của Vườn Quốc gia Ba Bể; khu bảo tồn
thiên nhiên Kim Hỷ; khu bảo tồn loài - sinh cảnh Nam Xuân Lạc; khu bảo vệ cảnh
quan Thác Giềng.
+ Khu vực bảo vệ I của di tích
lịch sử - văn hoá theo quy định của pháp luật về di sản văn hoá.
- Vùng hạn chế phát thải gồm:
+ Vùng đệm của các vùng bảo vệ
nghiêm ngặt nêu trên.
+ Khu dân cư tập trung nông
thôn; nội thành, nội thị của các đô thị loại IV, loại V.
- Vùng khác là khu vực còn lại
trên địa bàn quản lý của Tỉnh.
(Chi
tiết tại Phụ lục XVIII kèm theo)
b) Về bảo tồn đa dạng sinh học
- Bảo tồn đa dạng sinh học, khu
vực cảnh quan sinh thái quan trọng, khu bảo tồn thiên nhiên: Vườn Quốc gia Ba Bể,
Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Nam Xuân Lạc, Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ và
Khu bảo vệ cảnh quan Thác Giềng.
- Đầu tư xây dựng 07 cơ sở bảo
tồn nguồn gen động vật, thực vật quý hiếm, gồm: Vườn thực vật, Trung tâm cứu hộ
và bảo tồn, phát triển sinh vật và Bảo tàng thiên nhiên tại Vườn Quốc gia Ba Bể;
Vườn thực vật Lũng Lỳ và Vườn ươm Kéo Nàng tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh
Nam Xuân Lạc; Vườn thực vật Cao Sơn và Trung tâm bảo tồn cây Du Sam tại Khu bảo
tồn thiên nhiên Kim Hỷ.
(Chi
tiết tại Phụ lục XIX kèm theo)
c) Quan trắc chất lượng môi trường
Đến năm 2030 số điểm quan trắc
trên toàn bộ tỉnh Bắc Kạn là 40 điểm quan trắc môi trường không khí, 41 điểm
quan trắc môi trường nước mặt, 28 điểm quan trắc môi trường nước ngầm, 25 điểm
quan trắc môi trường đất.
d) Về phát triển bền vững rừng
đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất và phát triển kết cấu hạ tầng lâm nghiệp
- Bảo vệ và phát triển rừng bền
vững, duy trì tỷ lệ che phủ rừng trên 70% đến năm 2030, phát huy hiệu quả chức
năng phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần
giảm thiểu tác động của thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển
kinh tế lâm nghiệp bền vững, liên kết theo chuỗi từ trồng, bảo vệ, sử dụng rừng
đến chế biến gỗ, thương mại lâm sản và dược liệu dưới tán rừng. Quản lý bảo vệ
rừng kết hợp với khai thác cảnh quan và các loại hình du lịch gắn với tài
nguyên rừng, thực hiện hiệu quả dịch vụ môi trường rừng.
- Xây dựng kết cấu hạ tầng lâm
nghiệp, tạo nên mạng lưới giao thông đa dạng liên hoàn, tăng cường khả năng cơ
giới hóa giảm sức người, thu hút các nguồn đầu tư phục vụ cho lâm nghiệp, tạo
điều kiện thuận lợi cho công tác phát triển rừng bền vững, công tác quản lý bảo
vệ, phòng chống cháy rừng.
2. Phương án bảo vệ, khai thác,
sử dụng tài nguyên
Khoanh định 128 khu vực thăm
dò, khai thác, chế biến khoáng sản. Tập trung khai thác, chế biến sâu các sản
phẩm mà Tỉnh có tiềm năng, lợi thế như tinh quặng chì, kẽm. Đối với nhu cầu sử
dụng đất công trình phụ trợ mỏ quy mô mỏ thực hiện điều chỉnh để cấp phép theo
thẩm quyền và quy định của pháp luật hiện hành; cấp phép khai thác, quản lý
khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng phù hợp với nhu cầu địa phương và quy định
của pháp luật hiện hành.
(Chi
tiết tại Phụ lục XX kèm theo)
3. Phương án khai thác, sử dụng,
bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra
a) Phân bổ tài nguyên nước
Ưu tiên phân bổ nguồn nước cho
các đối tượng khai thác, sử dụng nước theo thứ tự: (1) Nhu cầu nước cho sinh hoạt;
(2) Nhu cầu nước cho công nghiệp; (3) Nhu cầu nước cho du lịch, dịch vụ; (4)
Nhu cầu nước cho nông nghiệp; (5) Nhu cầu nước cho thủy sản; (6) Nhu cầu nước
cho các lĩnh vực khác.
- Phân bổ nguồn nước cho các đối
tượng trong điều kiện bình thường: Với tổng trữ lượng nước phân bổ không vượt
quá 564 triệu m3/năm.
- Phân bổ nguồn nước trong điều
kiện hạn hán, thiếu nước với tổng trữ lượng nước phân bổ không vượt quá 456 triệu
m3/năm.
b) Bảo vệ tài nguyên nước
- Xây dựng mạng quan trắc tài
nguyên nước, giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên các khu vực dùng
nước, các hồ, sông suối chính nhằm phát hiện sớm các vi phạm trong khai thác
tài nguyên nước đặc biệt các khu vực có nguy cơ cạn kiệt nguồn nước, giảm thiểu
ô nhiễm từ các nguồn thải.
- Xác định, giám sát và duy trì
dòng chảy tối thiểu cho các sông, suối. Tăng cường các giải pháp bảo vệ nguồn
sinh thủy.
c) Phòng, chống và khắc phục hậu
quả tác hại do nước gây ra
Triển khai thực hiện hiệu quả hệ
thống thông tin khí tượng thủy văn phục vụ theo dõi, phát hiện hạn. Thực hiện
các nguyên tắc quản lý vận hành các hồ chứa nước và nước ngầm phù hợp với việc
chống hạn. Sử dụng nước tiết kiệm, tăng cường các biện pháp trữ nước. Thay đổi
các cơ cấu cây trồng phù hợp với tình hình hạn hán.
(Chi
tiết tại Phụ lục XXI kèm theo)
4. Phương án phòng, chống thiên
tai và ứng phó với biến đổi khí hậu
a) Phân vùng rủi ro đối với từng
loại thiên tai trên địa bàn Tỉnh và xác định các khu vực ưu tiên phòng, chống đối
với từng loại thiên tai
- Vùng có nguy cơ xảy ra lũ
quét: Các sườn dốc, các tuyến đường giao thông trên địa bàn toàn Tỉnh.
- Vùng có nguy cơ sạt lở đất tại
các khu vực đồi núi cao, sườn dốc lớn, bờ sông, suối tại các huyện, thành phố.
- Vùng bị ảnh hưởng do lũ, ngập
lụt tại các lưu vực sông, suối, hồ đập, các khu vực trũng, thấp.
b) Phương án quản lý rủi ro
thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu
Củng cố, tu sửa, tu bổ và xây dựng
các công trình phòng chống thiên tai, giám sát biến đổi khí hậu. Tăng cường
phòng ngừa kết hợp với phương châm “4 tại chỗ”. Sử dụng các giống cây trồng, vật
nuôi có sức chống chịu cao với thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh. Phát triển và ứng
dụng công nghệ cao sinh học, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến để hướng tới
nền nông nghiệp hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng, cập nhật cơ
sở dữ liệu phòng chống thiên tai trên địa bàn Tỉnh.
XI. DANH MỤC
DỰ ÁN DỰ KIẾN ƯU TIÊN THỰC HIỆN
Trên cơ sở định hướng phát triển
các ngành, lĩnh vực trọng điểm, xác định các dự án lớn, có tính chất quan trọng,
tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội để đầu tư và thu
hút đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động nguồn vốn của từng
thời kỳ.
(Chi
tiết tại Phụ lục XXII kèm theo)
XII. GIẢI
PHÁP, NGUỒN LỰC THỰC HIỆN QUY HOẠCH
1. Nhóm giải pháp về huy động vốn
đầu tư
- Tập trung huy động các nguồn
lực cho đầu tư phát triển. Căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách nhà nước, bố
trí nguồn vốn đầu tư ưu tiên cho hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội quan trọng nhằm
dẫn dắt, thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế khác, tạo nguồn lực thúc đẩy
phát triển nhanh và bền vững các vùng động lực tăng trưởng của Tỉnh.
- Đẩy mạnh cải cách hành chính,
cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của Tỉnh; tập trung
hút nguồn lực xã hội hóa để phát triển các ngành có lợi thế cạnh tranh, trong
đó chú trọng phát triển các ngành du lịch, chế biến nông, lâm sản, năng lượng
tái tạo.
2. Nhóm giải pháp về phát triển
nguồn nhân lực
- Có chính sách thu hút nhân lực,
nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có tay nghề, kỹ năng gắn với
chuyển dịch cơ cấu lao động; đẩy mạnh đào tạo nghề tại các cơ sở giáo dục nghề
nghiệp; tăng cường kết nối giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với thị trường
lao động và doanh nghiệp. Gắn kết chặt chẽ giữa phát triển nguồn nhân lực với
phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ.
- Tập trung thu hút đầu tư các
cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập, tạo đột phá quy mô đào tạo.
3. Nhóm giải pháp về môi trường,
khoa học công nghệ
a) Giải pháp về môi trường
Nâng cao năng lực quản lý nhà
nước về bảo vệ môi trường, đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường,
nhất là đầu tư xử lý chất thải, xử lý ô nhiễm môi trường. Tăng cường công tác
tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, tăng trưởng
xanh, phát triển bền vững.
b) Giải pháp về khoa học công
nghệ
- Chủ động triển khai thực hiện
các chủ trương, chính sách khoa học công nghệ. Nghiên cứu ứng dụng thành tựu của
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào phát triển kinh tế - xã hội gắn với sản xuất,
kinh doanh sản phẩm chủ lực hướng tới mục tiêu xuất khẩu và tham gia các chuỗi
giá trị.
- Đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ
đạo, quản lý, điều hành trong chuyển đổi số, từng bước xây dựng chính quyền số,
phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh theo
hướng ứng dụng công nghệ số, khuyến khích phát triển các doanh nghiệp công nghệ
số có sức cạnh tranh trên thị trường.
4. Nhóm giải pháp về cơ chế, chính
sách liên kết phát triển
- Nghiên cứu, ban hành các cơ
chế, chính sách trên các lĩnh vực để thu hút thêm các nguồn lực cho phát triển
khu vực động lực và sự liên kết giữa khu vực động lực với các khu vực phụ trợ.
- Liên kết với các tỉnh trong
vùng và cả nước tạo cơ hội phát triển các ngành lĩnh vực mà Tỉnh có lợi thế.
Thúc đẩy hợp tác quốc tế tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân
trong việc tiếp cận thông tin, thâm nhập và mở rộng thị trường.
5. Giải pháp về quản lý, kiểm
soát phát triển đô thị và nông thôn
- Nâng cao năng lực của chính
quyền đáp ứng yêu cầu quản lý đối với đô thị và nông thôn nhằm đảm bảo sự phát
triển hiện đại, văn minh và thân thiện với môi trường.
- Xây dựng và thực hiện đồng bộ
các cơ chế, chính sách để phát triển các đô thị trung tâm vùng hiện đại, thông
minh. Điều tiết, kiểm soát chặt chẽ sự gia tăng dân số đô thị.
- Quản lý chặt chẽ, bảo đảm xây
dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật. Tiếp tục triển khai
thực hiện có hiệu quả các đề án, chương trình phát triển đô thị thích ứng với
biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; cải tạo, chỉnh trang, tái
thiết và nâng cấp đô thị; xây dựng và phát triển các đô thị thông minh; xây dựng
nông thôn mới phù hợp với định hướng đô thị hoá.
6. Nhóm giải pháp tổ chức thực
hiện và giám sát thực hiện quy hoạch
Công bố, phổ biến và triển
khai, xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch. Tăng cường công tác kiểm tra, giám
sát và quản lý thực hiện quy hoạch.
XIII. SƠ ĐỒ,
BẢN ĐỒ QUY HOẠCH
Danh mục sơ đồ, bản đồ Quy hoạch
tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
(Chi
tiết tại Phụ lục XXIII)
Điều 2.
Tổ chức thực hiện quy hoạch tỉnh
1. Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời
kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định này là cơ sở,
căn cứ để lập quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch sử dụng đất cấp
huyện và quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh theo
quy định của pháp luật.
2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân
dân tỉnh Bắc Kạn:
a) Tổ chức công bố, công khai
Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định
của pháp luật về quy hoạch;
b) Rà soát, hoàn thiện hệ thống
sơ đồ, bản đồ, cơ sở dữ liệu, hồ sơ quy hoạch tỉnh bảo đảm thống nhất với nội
dung của Quyết định này; chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu, tài liệu,
hệ thống sơ đồ, bản đồ và cơ sở dữ liệu trong Hồ sơ Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn;
c) Xây dựng, trình ban hành Kế
hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm
2050; tổ chức thực hiện Quy hoạch tỉnh gắn với chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát
triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; định kỳ tổ chức đánh giá thực hiện
Quy hoạch tỉnh, rà soát điều chỉnh quy hoạch tỉnh theo quy định của pháp luật;
nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý Quy hoạch;
d) Nghiên cứu xây dựng và ban
hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách,
giải pháp thu hút đầu tư, bảo đảm nguồn lực tài chính, an sinh xã hội, quốc
phòng, an ninh, phát triển nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường
để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và định hướng đã được xác định
trong Quy hoạch tỉnh;
đ) Tổ chức lập, điều chỉnh quy
hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên
ngành đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021
- 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực
hiện quy hoạch; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của
pháp luật;
e) Tổ chức rà soát Quy hoạch tỉnh
Bắc Kạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi các quy hoạch cấp quốc
gia, quy hoạch vùng được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt và thực hiện
quy trình, thủ tục điều chỉnh Quy hoạch tỉnh trong trường hợp có nội dung mâu
thuẫn so với quy hoạch cấp cao hơn theo quy định tại điểm c khoản
1 Điều 2 Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội
và quy định có liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
3. Việc chấp thuận hoặc quyết định
chủ trương đầu tư và triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn, bao gồm cả các dự
án chưa được xác định trong các phương án phát triển ngành, lĩnh vực, phương án
phát triển các khu chức năng, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và danh
mục dự án dự kiến ưu tiên thực hiện ban hành kèm theo Quyết định này phải phù hợp
với các nội dung quy định tại Điều 1 Quyết định này và phù hợp với các quy hoạch,
kế hoạch thực hiện quy hoạch khác có liên quan (nếu có), bảo đảm thực hiện đầy
đủ, đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền và các quy định pháp luật hiện hành có
liên quan; đồng thời, người quyết định chủ trương đầu tư phải chịu trách nhiệm
toàn diện trước pháp luật về quyết định của mình
Trong quá trình nghiên cứu, triển
khai các dự án cụ thể, cơ quan có thẩm quyền chấp thuận hoặc quyết định chủ
trương đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về việc xác định vị
trí, diện tích, quy mô, công suất dự án, phân kỳ đầu tư dự án, bảo đảm phù hợp
với yêu cầu thực tiễn phát triển của Tỉnh trong từng giai đoạn và theo đúng các
quy định pháp luật hiện hành có liên quan.
Đối với các dự án quy hoạch đầu
tư sau năm 2030, trường hợp có nhu cầu đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội
và huy động, bố trí được đầy đủ các nguồn lực thực hiện, cơ quan được giao chủ
trì thực hiện dự án báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, chấp thuận cho đầu tư sớm
hơn.
4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh
Bắc Kạn chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và các cơ quan thanh tra, kiểm
tra, kiểm toán, tư pháp về tính chính xác của các nội dung, thông tin, số liệu,
tài liệu, hệ thống bản đồ, cơ sở dữ liệu trong hồ sơ Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời
kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; các ý kiến tiếp thu, giải trình, bảo lưu
đối với ý kiến rà soát, góp ý của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân
có liên quan; phụ lục các phương án phát triển ngành, lĩnh vực, phương án phát
triển các khu chức năng, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và danh mục dự
án dự kiến ưu tiên thực hiện trong thời kỳ quy hoạch được ban hành kèm theo Quyết
định này bảo đảm phù hợp, đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch có liên quan và
quy định hiện hành; thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các cam kết tại Văn bản số
7296/UBND-GTCNXD ngày 30 tháng 10 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn.
5. Các bộ, ngành liên quan
trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm hướng dẫn Ủy ban
nhân dân tỉnh Bắc Kạn trong quá trình thực hiện Quy hoạch; phối hợp với Ủy ban
nhân dân tỉnh Bắc Kạn trong việc nghiên cứu, xây dựng, ban hành hoặc trình cấp
có thẩm quyền ban hành một số cơ chế chính sách, giải pháp, huy động và bố trí
nguồn lực thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh.
Điều 3.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ,
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực
thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, QHĐP (3b).
|
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Trần Hồng Hà
|
PHỤ LỤC I
PHƯƠNG ÁN QUY HOẠCH HỆ THỐNG ĐÔ THỊ TỈNH BẮC KẠN THỜI KỲ
2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 03 tháng 11 năm 2023 của
Thủ tướng Chính phủ)
TT
|
Đô thị
|
Phân loại đô thị
|
Ghi chú
|
Hiện trạng năm 2021
|
Đến năm 2030
|
1
|
Thành phố Bắc Kạn
|
III
|
II
|
|
2
|
Thị trấn Đồng Tâm
|
V
|
IV
|
|
3
|
Đô thị Sáu Hai
|
-
|
V
|
|
4
|
Thị trấn Phủ Thông
|
V
|
V
|
|
5
|
Thị trấn Nà Phặc
|
V
|
V
|
|
6
|
Thị trấn Vân Tùng
|
V
|
V
|
|
7
|
Thị trấn Bằng Lũng
|
V
|
IV
|
|
8
|
Thị trấn Chợ Rã
|
V
|
IV
|
|
9
|
Đô thị Khang Ninh
|
-
|
V
|
|
10
|
Thị trấn Bộc Bố
|
V
|
V
|
|
11
|
Thị trấn Yến Lạc
|
V
|
IV
|
|
Ghi chú:
- Định hướng phân loại đô thị đảm
bảo phù hợp với Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia.
- Trong quá trình xây dựng phát
triển đô thị, các đô thị đạt tiêu chí phân loại đô thị sớm hơn hoặc muộn hơn định
hướng thì thực hiện thủ tục đánh giá, công nhận loại đô thị tại thời điểm đánh
giá đạt các tiêu chí phân loại đô thị theo quy định của pháp luật.
PHỤ LỤC II
PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TỈNH BẮC KẠN
THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 03 tháng 11 năm 2023 của
Thủ tướng Chính phủ)
TT
|
Tên khu công nghiệp
|
Địa điểm dự kiến
|
Diện tích dự kiến
(ha)
|
Ghi chú
|
A
|
Các Khu công nghiệp thực
hiện theo chỉ tiêu phân bổ đất tại Quyết định số 326/QĐ-TTg
ngày 09/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ
|
I
|
Khu công nghiệp đã thành lập
|
|
|
1
|
KCN Thanh Bình - Giai đoạn I
|
Huyện Chợ Mới
|
80,7
|
|
1.1
|
Quy mô diện tích hiện có
|
|
73,5
|
|
1.2
|
Quy mô diện tích mở rộng
|
|
7,2
|
|
2
|
KCN Thanh Bình - Giai đoạn II
|
Huyện Chợ Mới
|
80,3
|
|
|
Tổng cộng I
|
161
|
|
II
|
Các khu công nghiệp thành
lập mới khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về khu công
nghiệp
|
|
KCN Chợ Mới 1
|
Huyện Chợ Mới
|
43
|
|
|
Tổng cộng II
|
43
|
|
|
Tổng cộng (I+II)
|
204
|
|
B
|
Các khu công nghiệp có tiềm
năng, dự kiến thành lập mới trong trường hợp được bổ sung, điều chỉnh chỉ
tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đáp ứng các điều kiện theo quy định của
pháp luật về khu công nghiệp
|
1
|
KCN Chợ Mới 1
|
Huyện Chợ Mới
|
257
|
Mở rộng
|
2
|
KCN Chợ Mới 2
|
Huyện Chợ Mới
|
200
|
Thành lập mới
|
3
|
KCN Chợ Mới 3
|
Huyện Chợ Mới
|
300
|
4
|
KCN Chợ Mới 4
|
Huyện Chợ Mới
|
500
|
5
|
KCN Chợ Mới 5
|
Huyện Chợ Mới
|
500
|
6
|
KCN Bạch Thông
|
Huyện Bạch Thông
|
400
|
|
Tổng cộng
|
2.157
|
Ghi chú: Quy mô, diện
tích và phạm vi ranh giới khu công nghiệp sẽ được xác định trong quá trình lập
quy hoạch xây dựng và lập dự án đầu tư.
PHỤ LỤC III
PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN CÁC CỤM CÔNG NGHIỆP TỈNH BẮC KẠN
THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 03 tháng 11 năm 2023 của
Thủ tướng Chính phủ)
TT
|
Tên Cụm công nghiệp
|
Địa điểm dự kiến
|
Diện tích dự kiến (ha)
|
Ngành nghề hoạt động dự kiến
|
I
|
Các cụm công nghiệp đang triển
khai thực hiện thủ tục đầu tư và xây dựng hạ tầng kỹ thuật
|
|
1
|
CCN Huyền Tụng
|
Thành phố Bắc Kạn
|
16
|
Chế biến nông, lâm sản, đồ uống,
thực phẩm, dược liệu, dệt may, da giầy, sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử,
cơ khí, tái chế và các lĩnh vực khác
|
2
|
CCN Quảng Chu
|
Huyện Chợ Mới
|
74,4
|
3
|
CCN Cẩm Giàng
|
Huyện Bạch Thông
|
43
|
Công nghiệp sản xuất kim loại,
Chế biến nông, lâm sản, đồ uống, thực phẩm, tiểu thủ công nghiệp, sản xuất vật
liệu xây dựng, sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử, cơ khí và các lĩnh vực
khác
|
4
|
CCN Vằng Mười
|
Huyện Na Rì
|
15
|
Công nghiệp chế biến nông,
lâm sản, thực phẩm, dược liệu, tiểu thủ công nghiệp, cơ khí và các lĩnh vực
khác
|
5
|
CCN Nam Bằng Lũng
|
Huyện Chợ Đồn
|
20
|
Công nghiệp chế biến khoáng sản,
sản xuất kim loại; chế biến nông, lâm sản, đồ uống, thực phẩm, dược liệu, sản
xuất và lắp ráp linh kiện điện tử, cơ khí, tái chế, xử lý chất thải và các
lĩnh vực khác
|
6
|
CCN Chu Hương
|
Huyện Ba Bể
|
18
|
Chế biến nông, lâm sản, đồ uống,
thực phẩm, dược liệu, tiểu thủ công nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng và các
lĩnh vực khác
|
|
Tổng cộng
|
186,4
|
|
II
|
Các cụm công nghiệp thành
lập mới
|
1
|
CCN Lủng Điếc
|
Huyện Ba Bể
|
10
|
Công nghiệp chế biến khoáng sản,
sản xuất kim loại; chế biến nông, lâm sản, đồ uống, thực phẩm, dược liệu, sản
xuất và lắp ráp linh kiện điện tử, cơ khí, tái chế, xử lý chất thải và các
lĩnh vực khác
|
2
|
CCN Bản Thi
|
Huyện Chợ Đồn
|
15
|
3
|
CCN Ngọc Phái
|
Huyện Chợ Đồn
|
30
|
4
|
CCN Bình Trung
|
Huyện Chợ Đồn
|
10
|
5
|
CCN Bằng Phúc
|
Huyện Chợ Đồn
|
20
|
Chế biến nông, lâm sản, đồ uống,
thực phẩm, dược liệu, dệt may, da giầy, sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử,
cơ khí, xử lý, tái chế chất thải rắn, chất thải nguy hại và các lĩnh vực khác
|
6
|
CCN Quảng Chu 1
|
Huyện Chợ Mới
|
70
|
7
|
CCN Khe Lắc
|
Huyện Chợ Mới
|
15
|
8
|
CCN Thanh Thịnh
|
Huyện Chợ Mới
|
50
|
9
|
CCN Côn Minh
|
Huyện Na Rì
|
10
|
Công nghiệp chế biến nông,
lâm sản, thực phẩm, dược liệu, tiểu thủ công nghiệp, cơ khí và các lĩnh vực
khác
|
10
|
CCN Pù Pết
|
Huyện Ngân Sơn
|
15
|
Chế biến nông, lâm sản, thực
phẩm, tiểu thủ công nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng và các lĩnh vực khác
|
11
|
CCN Nà Phặc
|
Huyện Ngân Sơn
|
20
|
12
|
CCN Huyền Tụng 1
|
Thành phố Bắc Kạn
|
40
|
Chế biến nông, lâm sản, đồ uống,
thực phẩm, dược liệu, dệt may, da giầy, hàng tiêu dùng, sản xuất và lắp ráp
linh kiện điện tử, cơ khí và các lĩnh vực khác
|
13
|
CCN Huyền Tụng 2
|
Thành phố Bắc Kạn
|
30
|
14
|
CCN Nông Thượng
|
Thành phố Bắc Kạn
|
15
|
15
|
CCN Tân Tú
|
Huyện Bạch Thông
|
15
|
Công nghiệp sản xuất kim loại,
Chế biến nông, lâm sản, đồ uống, thực phẩm, tiểu thủ công nghiệp, sản xuất vật
liệu xây dựng, sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử, cơ khí và các lĩnh vực
khác
|
16
|
CCN Quân Hà
|
Huyện Bạch Thông
|
15
|
17
|
CCN Yên Phong
|
Huyện Chợ Đồn
|
25
|
18
|
CCN Thanh Mai
|
Huyện Chợ Mới
|
20
|
Chế biến nông, lâm sản, đồ uống,
thực phẩm, dược liệu, dệt may, da giầy, sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử,
cơ khí, tái chế và các lĩnh vực khác
|
19
|
CCN Thanh Vận
|
Huyện Chợ Mới
|
40
|
20
|
CCN Kim Lư
|
Huyện Na Rì
|
15
|
Công nghiệp chế biến nông,
lâm sản, thực phẩm, dược liệu, tiểu thủ công nghiệp, cơ khí và các lĩnh vực
khác
|
21
|
CCN Pác Nặm
|
Huyện Pác Nặm
|
10
|
|
Tổng cộng
|
490
|
|
Ghi chú: Tên dự
án, vị trí, quy mô và phạm vi ranh giới các cụm công nghiệp sẽ được xác định
chính xác trong quá trình lập quy hoạch chi tiết và lập dự án đầu tư.
PHỤ LỤC IV
PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN CÁC KHU TỔ HỢP SINH THÁI, DU LỊCH
NGHỈ DƯỠNG, VĂN HÓA THỂ THAO VÀ SÂN GÔN TỈNH BẮC KẠN THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM
NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 03 tháng 11 năm 2023 của
Thủ tướng Chính phủ)
I
|
Các dự án triển khai thực
hiện theo chỉ tiêu phân bổ đất tại Quyết định 326/QĐ-TTg
ngày 09/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ
|
|
1
|
Tổ hợp đô thị sinh thái, du lịch
nghỉ dưỡng, văn hóa thể thao và sân gôn Chợ Mới 1
|
Huyện Chợ Mới
|
2
|
Tổ hợp đô thị sinh thái, du lịch
nghỉ dưỡng, văn hóa thể thao và sân gôn Chợ Mới 2
|
Huyện Chợ Mới
|
3
|
Tổ hợp khu sinh thái, du lịch
nghỉ dưỡng, văn hóa thể thao và sân gôn Bạch Thông
|
Huyện Bạch Thông
|
4
|
Tổ hợp đô thị sinh thái, du lịch
nghỉ dưỡng, văn hóa thể thao và sân gôn Ba Bể 2
|
Huyện Ba Bể
|
5
|
Tổ hợp khu sinh thái, du lịch
nghỉ dưỡng, văn hóa thể thao và sân gôn Chợ Đồn
|
Huyện Chợ Đồn
|
6
|
Tổ hợp đô thị sinh thái, du lịch
nghỉ dưỡng, văn hóa thể thao và sân gôn Ba Bể 3
|
Huyện Ba Bể
|
II
|
Các dự án tiềm năng, dự kiến
triển khai thực hiện khi được điều chỉnh bổ sung chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch
sử dụng đất
|
|
1
|
Tổ hợp đô thị sinh thái, du lịch
nghỉ dưỡng, văn hóa thể thao và sân gôn Ba Bể 1
|
Huyện Ba Bể
|
2
|
Tổ hợp đô thị sinh thái, du lịch
nghỉ dưỡng, văn hóa thể thao và sân gôn thành phố Bắc Kạn
|
Thành phố Bắc Kạn
|
3
|
Tổ hợp đô thị sinh thái, du lịch
nghỉ dưỡng, văn hóa thể thao và sân gôn Chợ Mới 3
|
Huyện Chợ Mới
|
4
|
Tổ hợp khu sinh thái, du lịch
nghỉ dưỡng, văn hóa thể thao và sân gôn Ngân Sơn
|
Huyện Ngân Sơn
|
Ghi chú: Tên, vị
trí, quy mô, phạm vi ranh dưới, diện tích và danh mục dự án sẽ được xác định cụ
thể trong quá trình triển khai thực hiện.
PHỤ LỤC V
PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ TỈNH
BẮC KẠN THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 03 tháng 11 năm 2023 của
Thủ tướng Chính phủ)
TT
|
Tên tuyến
|
Điểm đầu
|
Điểm cuối
|
Quy mô tối thiểu dự kiến
(cấp đường/số làn xe)
|
A
|
CAO TỐC
|
|
|
|
1
|
Đoạn Chợ Mới – Thành phố Bắc
Kạn
|
|
|
4 làn xe
|
2
|
Đoạn Bắc Kạn – Cao Bằng
(Trường hợp huy động được
nguồn lực báo cáo cấp thẩm quyền triển khai thực hiện)
|
QL3B, thành phố Bắc Kạn
|
Huyện Ngân Sơn
|
4 làn xe
|
B
|
ĐƯỜNG TỈNH
|
|
|
|
I
|
Đường tỉnh hiện có cải tạo,
nâng cấp
|
|
|
|
1
|
Đường tỉnh 253
|
Huyện Ba Bể
|
Huyện Ba Bể
|
IV.MN
2 làn xe
|
2
|
Đường tỉnh 253B
|
Huyện Bạch Thông
|
Huyện Na Rì
|
V.MN
|
3
|
Đường tỉnh 254B
|
Huyện Chợ Đồn
|
Huyện Chợ Đồn
|
V.MN
|
4
|
Đường tỉnh 256
|
Huyện Chợ Mới
|
Huyện Na Rì
|
V.MN
|
5
|
Đường tỉnh 257B
|
Huyện Chợ Đồn
|
Huyện Ba Bể
|
V.MN
|
6
|
Đường tỉnh 257C
|
Huyện Chợ Đồn
|
Huyện Chợ Đồn
|
V.MN
|
7
|
Đường tỉnh 259B
|
Huyện Chợ Mới
|
Huyện Chợ Đồn
|
V.MN
|
II
|
Đường tỉnh hiện có, điều
chỉnh chiều dài tuyến
|
|
|
|
1
|
Đường tỉnh 251
|
Huyện Ngân Sơn
|
Huyện Ngân Sơn
|
V.MN
|
2
|
Đường tỉnh 252B
|
Huyện Ngân Sơn
|
Huyện Ngân Sơn
|
V.MN
|
3
|
Đường tỉnh 258
|
Huyện Bạch Thông
|
Huyện Ba Bể
|
IV.MN
2 làn xe
|
4
|
Đường tỉnh 258B
|
Huyện Ba Bể
|
Huyện Pác Nặm
|
V.MN
|
5
|
Đường tỉnh 259
|
Thành phố Bắc Kạn
|
Huyện Chợ Mới
|
V.MN
|
III
|
Đường tỉnh quy hoạch mới
|
|
|
|
1
|
Tuyến đường liên kết, kết nối
giữa tỉnh Bắc Kạn với tỉnh Tuyên Quang
|
Huyện Na Rì
|
Huyện Chợ Đồn
|
III.MN
2 làn xe
|
2
|
Tuyến đường liên kết, kết nối
giữa tỉnh Bắc Kạn với tỉnh Lạng Sơn
|
Huyện Bạch Thông
|
Huyện Na Rì
|
III.MN
2 làn xe
|
3
|
Tuyến đường thành phố Bắc Kạn
- Hồ Ba Bể kết nối sang Na Hang, Tuyên Quang
|
Thành phố Bắc Kạn
|
Huyện Chợ Đồn
|
III-IV.MN
2 làn xe
|
4
|
Tuyến đường Vành đai TP Bắc Kạn
|
Thành phố Bắc Kạn
|
Thành phố Bắc Kạn
|
IV.MN
2 làn xe
|
5
|
Tuyến Quảng Khê - Khang Ninh
|
Huyện Ba Bể
|
QL3C, Huyện Ba Bể
|
VI.MN
|
6
|
Tuyến Nà Phặc - Thượng Quan -
Thuần Mang - Văn Vũ - Cường Lợi
|
Huyện Ngân Sơn
|
Huyện Na Rì
|
VI.MN
|
7
|
Tuyến Thanh Vận - Hòa Mục
|
Huyện Chợ Mới
|
Huyện Chợ Mới
|
IV.MN
2 làn xe
|
IV
|
Đường tỉnh nâng cấp từ đường
huyện
|
|
|
|
1
|
Đường Thanh Vận - Cao Kỳ -
Yên Cư
|
Huyện Chợ Mới
|
Huyện Chợ Mới
|
V.MN
|
2
|
Tuyến Mù Là - Hồng Thái
(Tuyên Quang)
|
Huyện Pác Nặm
|
Huyện Pác Nặm
|
VI.MN
|
3
|
Tuyến Lương Bằng - Linh Phú
(Tuyên Quang)
|
Huyện Chợ Đồn
|
Huyện Chợ Đồn
|
V.MN
|
4
|
Tuyến Công Bằng - Yên Thổ
(Cao Bằng)
|
Huyện Pác Nặm
|
Xã Công Bằng, huyện Pác Nặm
(giáp ranh giới tỉnh Cao Bằng)
|
V.MN
|
5
|
Tuyến Quang Phong - Đổng Xá -
Liêm Thủy - Xuân Dương - Thiện Long
|
QL3B, huyện Na Rì
|
Xã Xuân Dương, huyện Na Rì
(giáp ranh tỉnh Lạng Sơn)
|
V.MN
|
Ghi chú: Tên, vị
trí, quy mô, chiều dài, tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư của các công trình
nêu trên sẽ được xác định cụ thể trong giai đoạn lập kế hoạch, phê duyệt hoặc quyết
định chủ trương đầu tư thực hiện dự án.
PHỤ LỤC VI
PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI CẤP ĐIỆN TỈNH BẮC KẠN THỜI
KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 03 tháng 11 năm 2023 của
Thủ tướng Chính phủ)
A. NGUỒN ĐIỆN
TT
|
Nhà máy điện
|
Địa điểm
|
Công suất dự kiến (MW)
|
Ghi chú
|
Hiện trạng
|
Đến năm 2030
|
I
|
Thủy điện
|
|
81,9
|
|
1
|
Các dự án thủy điện đang vận
hành dự kiến điều chỉnh công suất
|
|
17,7
|
22,5
|
|
1.1
|
Khuổi Thốc
|
Huyện Bạch Thông
|
3,0
|
3,9*
|
|
1.2
|
Nậm Cắt 2
|
Huyện Bạch Thông
|
6,0
|
5,0*
|
|
1.3
|
Khuổi Nộc 2
|
Huyện Na Rì- Ngân Sơn
|
4,2
|
6,6*
|
|
1.4
|
Tà Làng
|
Huyện Ba Bể
|
4,5
|
7,0*
|
|
2
|
Các dự án thủy điện đã được
quy hoạch giai đoạn 2011 - 2020 chưa triển khai thực hiện được đưa vào giai
đoạn 2021 - 2030
|
|
|
20,2
|
.
|
2.1
|
Sông Năng
|
Huyện Ba Bể
|
|
5,0
|
2.2
|
Sông Cầu 2
|
Huyện Chợ Mới
|
|
5,2
|
2.3
|
Bộc Bố
|
Huyện Pác Nặm
|
|
3,5
|
2.4
|
Sông Cầu 3
|
Huyện Chợ Mới
|
|
6,5
|
3
|
Các dự án thuỷ điện tiềm
năng
(Dự kiến thu hút đầu tư các dự
án thủy điện kết hợp hồ chứa nước trên địa bàn vùng CT229 và phụ cận: Thủy điện
Nghĩa Tá, thủy điện Yên Thịnh, thủy điện Bằng Lãng - huyện Chợ Đồn; thủy điện
Văn Vũ - huyện Na Rì; thủy điện Thượng Quan, thủy điện Lãng Ngâm - huyện Ngân
Sơn; thủy điện Đôn Phong - huyện Bạch Thông; thủy điện Dương Quang - thành phố
Bắc Kạn và dự án thủy điện tiềm năng khác).
|
Các huyện, thành phố
|
|
39,2
|
|
II
|
Các dự án điện sinh khối
tiềm năng
(Dự kiến thu hút đầu tư các
Nhà máy điện sinh khối: Cẩm Giàng; Chợ Mới; Bắc Kạn 1; Na Rì; Chợ Đồn và các
dự án điện sinh khối tiềm năng khác)
|
|
|
220
|
|
III
|
Các dự án điện gió tiềm
năng
(Dự kiến thu hút đầu tư các
Nhà máy điện gió: Đèo Gió; Thượng Quan; Thượng Quan 1; Thượng Quan 2; Ngân
Sơn; Thiên Long 3; Thiên Long 4; Thiên Long-Chợ Mới; Thiên Long - Na Rì;
Thiên Long 1; Thiên Long 2; Thiên Long - Ngân Sơn; Yên Hạ; Chợ Mới 1; Chợ Mới
2; Pắc Nặm; Na Rì; Chợ Đồn; TTP Ngân Sơn; Bạch Thông; Hương Nê; Ba Bể và các
dự án điện gió tiềm năng khác)
|
|
|
2.680
|
|
IV
|
Các dự án điện mặt trời và
điện rác tiềm năng
|
|
|
101,24
|
|
1
|
Điện mặt trời tự sản tự tiêu
|
Các huyện, thành phố
|
|
100
|
|
2
|
Các dự án điện rác tiềm năng
|
Các huyện, thành phố
|
|
1,24
|
|
Ghi chú:
(*) Các dự án thủy điện đang vận
hành chỉ được thực hiện điều chỉnh công suất khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt
và đáp ứng các quy định về quy hoạch, điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định hiện
hành.
Tên, vị trí, quy mô, diện tích,
tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư của các công trình nêu trên sẽ được xác định
cụ thể trong giai đoạn lập kế hoạch, phê duyệt hoặc quyết định chủ trương đầu
tư thực hiện dự án.
Việc đầu tư các dự án thủy điện
đã được quy hoạch giai đoạn 2011 - 2020 chưa triển khai thực hiện được đưa vào
giai đoạn 2021 - 2030 và các dự án nguồn điện có tiềm năng phát triển phải đảm
bảo phù hợp với Quy hoạch điện VIII, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII và
các quy hoạch liên quan được cấp có thẩm quyền phê duyệt trên cơ sở phù hợp với
điều kiện thực tiễn của tỉnh, tiềm năng phát triển và các quy định về bảo vệ
môi trường, bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước và các quy định khác có liên quan.
B. LƯỚI ĐIỆN
I. TRẠM BIẾN ÁP 220KV (BỔ
SUNG THEO QUY HOẠCH ĐIỆN VIII)
TT
|
Trạm biến áp 220 kV
|
Công suất dự kiến (MVA)
|
Ghi chú
|
|
Trạm biến áp 220 kV Bắc Kạn
|
375
|
|
II. ĐƯỜNG DÂY 220KV (BỔ SUNG
THEO QUY HOẠCH ĐIỆN VIII)
TT
|
Đường dây 220 kV
|
Chiều dài dự kiến (Km)
|
Ghi chú
|
|
Treo dây mạch 2 Cao Bằng - Bắc
Kạn
|
71
|
|
III. TRẠM BIẾN ÁP 110KV
TT
|
Trạm biến áp
|
Công suất dự kiến (MVA)
|
Chi chú
|
Hiện tại
|
Quy hoạch đến năm 2030
|
I
|
Nâng cấp cải tạo
|
|
|
|
1
|
Bắc Kạn (E26.1)
|
40
|
65
|
Nâng công suất MBA T2 từ
25MVA lên 40MVA
|
2
|
Chợ Đồn (E26.2)
|
25
|
50
|
Lắp bổ sung MBA T2
|
II
|
Quy hoạch mới
|
|
|
|
1
|
Thanh Bình
|
|
25
|
|
2
|
Na Rì
|
|
25
|
|
3
|
Ba Bể
|
|
25
|
|
4
|
Nà Phặc
|
|
25
|
|
5
|
Ngọc Linh
|
|
25
|
|
6
|
Chợ Mới
|
|
50
|
|
7
|
Pác Nặm
|
|
50
|
|
8
|
CN Cẩm Giàng (SK BK)
|
|
65
|
|
9
|
Điện gió Yên Hạ
|
|
80
|
|
10
|
Điện gió SD Chợ Mới 1
|
|
63
|
|
11
|
Điện gió SD Chợ Mới 2
|
|
90
|
|
12
|
Điện sinh khối Bắc Kạn 1 (chợ
mới)
|
|
63
|
|
13
|
Điện gió Thiên Long-Chợ Mới 3
|
|
63
|
|
14
|
Điện gió Thiên Long-NaRì
|
|
63
|
|
15
|
Điện gió Ngân Sơn
|
|
126
|
|
16
|
Điện gió TTP Ngân Sơn
|
|
63
|
|
Ghi chú: Việc đầu
tư xây dựng các trạm biến áp phải căn cứ vào Quy hoạch và kế hoạch thực hiện
Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm
2050 và các quy hoạch liên quan được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Danh mục trạm
biến áp không bao gồm các trạm biến áp nâng áp của các dự án nguồn điện. Trong
quá trình thực hiện, tùy điều kiện phát triển thực tiễn và quy hoạch để lắp đặt
máy biến áp phù hợp; đối với máy biến áp 110kV, tùy vào cấp điện áp trung áp
khu vực đang sử dụng và phụ tải tại khu vực cấp điện để lắp đặt số cuộn dây và
cấp điện áp phù hợp.
IV. ĐƯỜNG DÂY 110KV
TT
|
Danh mục đường dây
|
Tiết diện dự kiến
|
Chiều dài dự kiến (km)
|
Ghi chú
|
I
|
Đường dây 110kV nâng cấp cải
tạo
|
1
|
TBA Bắc Kạn (E26.1)-Phú Lương
|
AC 240
|
11
|
Cải tạo từ 1 mạch lên 2 mạch
và tăng tiết diện từ 185mm2 lên 240mm2
|
2
|
TBA Bắc Kạn (E26.1)-Cao Bằng
|
AC 240
|
30
|
Nâng tiết diện từ AC 185mm2
lên AC 240mm2
|
3
|
TBA Bắc Kạn (E26.1)-Chợ Đồn
|
AC 240
|
32
|
Nâng tiết diện từ AC 185mm2
lên AC 240mm2
|
II
|
Đường dây 110kV xây dựng mới
|
1
|
Từ thanh cái 220kV Bắc Kạn-
110kV Na Rì
|
AC 240
|
38
|
|
2
|
DZ 110kV Na Rì-Lạng Sơn
|
AC 240
|
50
|
|
3
|
Đoạn rẽ nhánh Cao Bằng -TBA
110kV Nà Phặc
|
AC 240
|
1.5
|
|
4
|
Từ thanh cái 220kV Bắc Kạn -
TBA 110kV Cẩm Giàng
|
ACSR 185
|
3.3
|
|
5
|
Đường dây 110kV Chợ Đồn-Na
Hang (Tuyên Quang)
|
AC 240
|
60
|
|
6
|
Đoạn rẽ nhánh Thái Nguyên
-TBA 110kV Thanh Bình
|
AC 240
|
1.5
|
|
7
|
Đường dây Chợ Đồn - Ba Bể
|
AC 240
|
35
|
|
8
|
Đường dây Nà Phặc - Ba Bể
|
AC 240
|
30
|
|
9
|
Nhánh rẽ TBA Nà Phặc
|
ACSR 240/39
|
15
|
|
10
|
DZ 110kV Chợ Đồn-Ngọc Linh
|
AC240
|
6
|
|
11
|
Đoạn rẽ nhánh Thái Nguyên
-TBA 110kV Chợ Mới
|
AC240
|
4.5
|
|
12
|
TBA 110kV Ba Bể-110kV Pắc Nặm
|
AC240
|
25
|
|
13
|
Đoạn rẽ nhánh Cao Bằng-TBA
110kV điện gió Ngân Sơn
|
AC 240
|
5
|
|
14
|
Nhánh rẽ TBA 110kV ĐG Chợ Mới
1
|
AC 240
|
15
|
|
15
|
Nhánh rẽ TBA 110kV ĐG Chợ Mới
2
|
AC 240
|
5
|
|
16
|
Đường dây 110kV mạch kép cho
nhà máy điện gió Yên Hạ (đấu nối chuyển tiếp 110kV Bắc Kạn-Phú Lương)
|
AC 240
|
8.7
|
|
17
|
DZ 110kV TBA ĐG Thiên Long-Chợ
Mới 3
|
AC 240
|
15
|
|
18
|
DZ 110kV TBA ĐG Thiên Long-Na
Rì
|
AC 240
|
13
|
|
Ghi chú: Việc đầu
tư xây dựng các tuyến đường dây 110kV căn cứ Quy hoạch và kế hoạch thực hiện
Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm
2050 và các quy hoạch liên quan được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chiều dài đường
dây sẽ được xác định cụ thể trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án.
PHỤ LỤC VII
PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI THỦY LỢI, CẤP NƯỚC TỈNH
BẮC KẠN THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 03 tháng 11 năm 2023 của
Thủ tướng Chính phủ)
A. DANH MỤC CÁC DỰ ÁN CÔNG
TRÌNH THỦY LỢI
TT
|
Danh mục
|
Địa điểm
|
I
|
Dự án nâng cấp cải tạo
|
|
1
|
Nâng cấp, cải tạo kiên cố hóa
kênh mương
|
Huyện Ba Bể, Bạch Thông, Ngân
Sơn, Pác Nặm, Chợ Mới, Chợ Đồn; Tp. Bắc Kạn
|
2
|
Nâng cấp, cải tạo, sửa chữa
và nâng cao an toàn đập dâng
|
Huyện Ba Bể, Bạch Thông, Ngân
Sơn, Pác Nặm, Chợ Mới; Tp. Bắc Kạn
|
3
|
Sửa chữa, nâng cấp cụm công
trình hồ tích nước thủy lợi
|
Huyện Bạch Thông, Pác Nặm, Chợ
Mới
|
4
|
Sửa chữa, nâng cấp 05 hồ chứa
nước (Hồ Pác Nghiêng, Bản Chang, Nà Kiến, Nà Lẹng, Nà Quang) và sửa chữa hệ
thống kênh tưới, các hạng mục phụ trợ
|
Huyện Bạch Thông, Chợ Đồn, Na
Rì, Ngân Sơn
|
II
|
Dự án đề xuất mới
|
|
1
|
Xây dựng mới hai đập dâng (đập
dâng số 1 tại vị trí hạ lưu cầu Dương Quang, đập dâng số 2 tại vị trí hạ lưu
cầu Huyền Tụng) trên sông Cầu
|
Thành phố Bắc Kạn
|
2
|
Hồ chứa nước giáp suối Khuổi
Dủm, Khuổi Lặng
|
Thành phố Bắc Kạn
|
3
|
Hồ chứa nước Nà Mang, Cốc
Bây, Khuổi Hương
|
Huyện Bạch Thông
|
4
|
Cụm công trình đầu mối 06 hồ
chứa nước (Quan Làng, Nà Bang, Khuổi Thiêu, Khuổi Lình; Khuổi
Tráng; Phai Khít) và hệ thống kênh tưới
|
Huyện Bạch Thông; Chợ Đồn; Na
Rì
|
5
|
Hồ Pá Din, Khuổi Quang, Cặm
Tán và các công trình kênh mương
|
Huyện Chợ Mới
|
6
|
Hồ Thôm Luông, Khuổi Đăm, Khuổi
Căng, Khuổi Mụ, Khuổi Vạc
|
Huyện Na Rì
|
7
|
Mở rộng hồ Bản Chang
|
Huyện Ngân Sơn
|
8
|
Hồ Giả Ve (xã Bộc Bố)
|
Huyện Pác Nặm
|
9
|
Đập dâng Nà Dài
|
Huyện Na Rì
|
B. DANH MỤC CÁC NHÀ MÁY NƯỚC
SẠCH
TT
|
Tên nhà máy nước
|
Công suất dự kiến (m3/ngđ)
|
Địa điểm
|
A
|
CẤP NƯỚC ĐÔ THỊ
|
I
|
Nhà máy nước hiện trạng giữ
nguyên công suất
|
1
|
Nhà máy nước Yến Lạc 1
|
150,00
|
Thị trấn Yến Lạc, huyện Na Rì
|
2
|
Nhà máy nước Đền Thắm
|
150,00
|
Thị trấn Đồng Tâm, huyện Chợ
Mới
|
3
|
Nhà máy nước Khu Chợ
|
350,00
|
Thị trấn Đồng Tâm, huyện Chợ
Mới
|
4
|
Nhà máy nước Bằng Lũng 1
|
300,00
|
Thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ
Đồn
|
5
|
Nhà máy nước Bắc Kạn
|
8.000,00
|
Thành phố Bắc Kạn
|
II
|
Nhà máy nước hiện có cải tạo,
nâng công suất
|
1
|
Nhà máy nước Nà Phặc
|
2.700,00
|
Thị trấn Nà Phặc, Huyện Ngân
Sơn
|
2
|
Nhà máy nước Yến Lạc 2
|
1.800,00
|
Thị trấn Yến Lạc, huyện Na Rì
|
3
|
Nhà máy nước Yên Đĩnh
|
2.000,00
|
Thị trấn Đồng Tâm, huyện Chợ
Mới
|
4
|
Nhà máy nước Phủ Thông
|
3.500,00
|
Thị trấn Phủ Thông, huyện Bạch
Thông
|
5
|
Nhà máy nước Bằng Lũng 2
|
3.000,00
|
Thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ
Đồn
|
6
|
Nhà máy nước Chợ Rã
|
1.700,00
|
Thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể
|
7
|
Nhà máy nước Bộc Bố
|
1.900,00
|
Thị trấn Bốc Bố, huyện Pác Nặm
|
8
|
Nhà máy nước Vân Tùng
|
2.100,00
|
Thị trấn Vân Tùng, huyện Ngân
Sơn
|
III
|
Nhà máy nước xây mới
|
1
|
Nhà máy nước Sáu Hai
|
1.100,00
|
Đô thị Sáu Hai
|
2
|
Nhà máy nước Nặm Cắt
|
24.300,00
|
Thành phố Bắc Kạn
|
3
|
Nhà máy nước KCN Thanh Bình
|
13.100,00
|
Khu công nghiệp Thanh Bình,
huyện Chợ Mới
|
4
|
Nhà máy nước ĐT Khang Ninh
|
1.400,00
|
Đô thị Khang Ninh
|
B. CẤP NƯỚC NÔNG THÔN
Các công trình cấp nước nông
thôn được đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp đảm bảo tỷ lệ hộ dân nông
thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 100%, trong đó 80% được sử dụng
nước sạch.
|
Ghi chú: Tên, vị
trí, quy mô, diện tích các công trình, dự án sẽ được tính toán, lựa chọn, xác định
cụ thể trong giai đoạn lập kế hoạch, phê duyệt hoặc quyết định chủ trương đầu
tư.
PHỤ LỤC VIII
PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN CÁC KHU XỬ LÝ CHẤT THẢI TỈNH BẮC KẠN
THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 03 tháng 11 năm 2023 của
Thủ tướng Chính phủ)
TT
|
Các khu xử lý
|
Địa điểm
|
Diện tích dự kiến (ha)
|
1
|
Khu xử lý Khuổi Ỏ xã Nhạn Môn
|
Huyện Pác Nặm
|
10
|
2
|
Khu xử lý Lủng Điếc xã Bành
Trạch
|
Huyện Ba Bể
|
25 - 30
|
3
|
Khu xử lý Trần Phú xã Trần
Phú
|
Huyện Na Rì
|
10-15
|
4
|
Khu xử lý Yên Đĩnh, thị trấn
Đồng Tâm
|
Huyện Chợ Mới
|
10
|
5
|
Khu xử lý Bản Tàn thị trấn Bằng
Lũng
|
Huyện Chợ Đồn
|
10-15
|
6
|
Khu xử lý Khuổi Mật, phường
Huyền Tụng
|
Thành phố Bắc Kạn
|
20-30
|
7
|
Khu xử lý Khuổi Xỏn, thị trấn
Phủ Thông
|
Huyện Bạch Thông
|
10
|
8
|
Khu xử lý Vân Tùng
|
Huyện Ngân Sơn
|
10
|
9
|
Khu xử lý liên vùng huyện
Ngân Sơn
|
Huyện Ngân Sơn
|
40
|
10
|
Khu xử lý liên vùng huyện Chợ
Mới
|
Huyện Chợ Mới
|
60
|
11
|
Khu xử lý liên vùng huyện Chợ
Đồn
|
Huyện Chợ Đồn
|
60
|
Ghi chú: Tên, vị
trí, quy mô, diện tích, tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư của các công trình
nêu trên sẽ được xác định cụ thể trong giai đoạn lập kế hoạch, phê duyệt hoặc quyết
định chủ trương đầu tư thực hiện dự án.
PHỤ LỤC IX
PHƯƠNG ÁN SẮP XẾP, PHÂN BỐ KHÔNG GIAN CÁC NGHĨA TRANG TỈNH
BẮC KẠN THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 03 tháng 11 năm 2023 của
Thủ tướng Chính phủ)
TT
|
Nghĩa Trang
|
Địa điểm
|
Diện tích dự kiến
(ha)
|
A
|
Nghĩa trang khu vực đô thị
|
|
|
1
|
Nghĩa trang Tp. Bắc Kạn
|
Thành phố Bắc Kạn
|
30-60
|
2
|
Nghĩa trang thị trấn Đồng Tâm
|
Huyện Chợ Mới
|
10-15
|
3
|
Nghĩa trang Sáu Hai
|
5-10
|
4
|
Nghĩa trang thị trấn Phủ
Thông
|
Huyện Bạch Thông
|
5-10
|
5
|
Nghĩa trang thị trấn Nà Phặc
|
Huyện Ngân Sơn
|
5-10
|
6
|
Nghĩa trang thị trấn Vân Tùng
|
5-10
|
7
|
Nghĩa trang thị trấn Bằng
Lũng
|
Huyện Chợ Đồn
|
10-15
|
8
|
Nghĩa trang thị trấn Chợ Rã
|
Huyện Ba Bể
|
10-15
|
9
|
Nghĩa trang Khang Ninh
|
5-10
|
10
|
Nghĩa trang thị trấn Bộc Bố
|
Huyện Pác Nặm
|
5-10
|
11
|
Nghĩa trang thị trấn Yến Lạc
|
Huyện Na Rì
|
10-15
|
B
|
Nghĩa trang khu vực nông
thôn
Thực hiện theo chương trình
nông thôn mới, mỗi xã hoặc cụm xã xây dựng 1 nghĩa trang tập trung với quy mô
dự kiến 5-10ha
|
Ghi chú: Tên, vị
trí, quy mô, diện tích các công trình, dự án sẽ được tính toán, lựa chọn, xác định
cụ thể trong giai đoạn lập kế hoạch, phê duyệt hoặc quyết định chủ trương đầu
tư.
PHỤ LỤC X
PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG PCCC&CNCH TỈNH BẮC KẠN
THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 03 tháng 11 năm 2023 của
Thủ tướng Chính phủ)
TT
|
Tên đơn vị
|
Địa điểm
|
1
|
Trụ sở Đội CS PCCC & CNCH
Ba Bể
|
Huyện Ba Bể
|
2
|
Trụ sở Đội CS PCCC & CNCH
Chợ Đồn
|
Huyện Chợ Đồn
|
3
|
Trụ sở Đội CS PCCC & CNCH
Na Rì
|
Huyện Na Rì
|
4
|
Trụ sở Đội CS PCCC & CNCH
TP Bắc Kạn
|
TP.Bắc Kạn
|
5
|
Trụ sở Đội CS CNCH chuyên sâu
|
TP.Bắc Kạn
|
6
|
Trung tâm GD cộng đồng và huấn
luyện PCCC & CNCH
|
Huyện Bạch Thông hoặc TP. Bắc Kạn
|
7
|
Trụ sở Đội CS PCCC & CNCH
Ngân Sơn
|
Huyện Ngân Sơn
|
8
|
Trụ sở Đội CS PCCC & CNCH
Pác Nặm
|
Huyện Pác Nặm
|
9
|
Trụ sở Đội CS PCCC & CNCH
Bạch Thông
|
Huyện Bạch Thông
|
Ghi chú: Tên dự
án, vị trí, quy mô và phạm vi ranh giới các Trụ sở Đội cảnh sát PCCC & CNCH
sẽ được xác định chính xác trong quá trình lập quy hoạch chi tiết và lập dự án
đầu tư.
PHỤ LỤC XI
PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN CÁC CƠ SỞ Y TẾ TỈNH BẮC KẠN THỜI
KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 03 tháng 11 năm 2023 của
Thủ tướng Chính phủ)
TT
|
Danh mục
|
Địa điểm
|
Qui mô dự kiến
(giường)
|
I
|
Công trình xây dựng mới
|
|
|
1
|
Bệnh viện Y học cổ truyền
|
Thành phố Bắc Kạn
|
≥ 75 giường
|
2
|
Trung tâm y tế huyện Ngân Sơn
|
Huyện Ngân Sơn
|
≥ 100 giường
|
3
|
Trung tâm Pháp Y và Giám định
Y khoa
|
Thành phố Bắc Kạn
|
|
II
|
Công trình nâng cấp cải
tạo
|
|
|
1
|
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật
tỉnh
|
Thành phố Bắc Kạn
|
|
2
|
Bệnh viện đa khoa tỉnh
|
Thành phố Bắc Kạn
|
≥ 700 giường
|
3
|
Trung tâm Y tế huyện Bạch
Thông
|
Huyện Bạch Thông
|
≥ 100 giường
|
4
|
Trung tâm Y tế huyện Na Rì
|
Huyện Na Rì
|
≥ 120 giường
|
5
|
Trung tâm Y tế huyện Pác Nặm
|
Huyện Pác Nặm
|
≥ 100 giường
|
6
|
Trung tâm Y tế huyện Ba Bể
|
Huyện Ba Bể
|
≥ 130 giường
|
7
|
Trung tâm Y tế huyện Chợ Đồn
|
Huyện Chợ Đồn
|
≥ 135 giường
|
8
|
Trung tâm Y tế huyện Chợ Mới
|
Huyện Chợ Mới
|
≥ 110 giường
|
9
|
Trung tâm Y tế thành phố Bắc
Kạn
|
Thành phố Bắc Kạn
|
≥ 90 giường
|
Ghi chú: Tên, vị
trí, quy mô, diện tích, tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư của các công trình
nêu trên sẽ được xác định cụ thể trong giai đoạn lập kế hoạch, phê duyệt hoặc quyết
định chủ trương đầu tư thực hiện dự án.
PHỤ LỤC XII
PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO TỈNH
BẮC KẠN THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 03 tháng 11 năm 2023 của
Thủ tướng Chính phủ)
TT
|
Tên cơ sở giáo dục
|
Địa điểm
|
Số lượng tối thiểu
|
I
|
Trường THPT
|
|
|
1
|
PTDT nội trú tỉnh
|
Thành phố Bắc Kạn
|
1
|
2
|
THPT Chuyên
|
Thành phố Bắc Kạn
|
1
|
3
|
THPT Bắc Kạn
|
Thành phố Bắc Kạn
|
1
|
4
|
THPT Ba Bể
|
Huyện Ba Bể
|
1
|
5
|
THPT Phủ Thông
|
Huyện Bạch Thông
|
1
|
6
|
THPT Chợ Đồn
|
Huyện Chợ Đồn
|
1
|
7
|
THPT Chợ Mới
|
Huyện Chợ Mới
|
1
|
8
|
THPT Na Rì
|
Huyện Na Rỳ
|
1
|
9
|
THPT Ngân Sơn
|
Huyện Ngân Sơn
|
1
|
10
|
THPT Bộc Bố
|
Huyện Pác Nặm
|
1
|
II
|
Trường liên cấp
THCS&THPT
|
|
|
1
|
THCS&THPT Bình Trung
|
Huyện Chợ Đồn
|
1
|
2
|
THCS&THPT Yên Hân
|
Huyện Chợ Mới
|
1
|
3
|
THCS&THPT Nà Phặc
|
Huyện Ngân Sơn
|
1
|
4
|
THCS&THPT Quảng Khê
|
Huyện Ba Bể
|
1
|
III
|
Trường phổ thông dân tộc nội
trú
|
|
|
|
Trường phổ thông dân tộc nội trú
|
Các huyện
|
6
|
IV
|
Trường Mầm non
|
|
|
|
Trường Mầm non
|
Các huyện, thành phố
|
110
|
V
|
Trường liên cấp
THCS&THPT ngoài công lập
|
|
|
|
THCS&THPT Bắc Kạn
|
Thành phố Bắc Kạn
|
1
|
Ghi chú: Tên, vị trí,
quy mô, diện tích, tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư của các công trình sẽ được
xác định cụ thể trong giai đoạn lập quy hoạch cấp huyện, kế hoạch, phê duyệt hoặc
quyết định chủ trương đầu tư thực hiện dự án.
PHỤ LỤC XIII
PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP TỈNH
BẮC KẠN THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 03 tháng 11 năm 2023 của
Thủ tướng Chính phủ)
TT
|
Danh mục
|
Địa điểm
|
Diện tích dự kiến (ha)
|
1
|
Trường Cao đẳng Bắc Kạn
|
Thành phố Bắc Kạn
|
10,61
|
2
|
Trung tâm GDNN-GDTX huyện Ba
Bể
|
Huyện Ba Bể
|
0,53
|
3
|
Trung tâm GDNN-GDTX huyện Bạch
Thông
|
Huyện Bạch Thông
|
0,40
|
4
|
Trung tâm GDNN-GDTX huyện Chợ
Đồn
|
Huyện Chợ Đồn
|
0,85
|
5
|
Trung tâm GDNN-GDTX huyện Chợ
Mới
|
Huyện Chợ Mới
|
0,15
|
6
|
Trung tâm GDNN-GDTX huyện
Ngân Sơn
|
Huyện Ngân Sơn
|
0,25
|
7
|
Trung tâm GDNN-GDTX huyện Pác
Nặm
|
Huyện Pác Nặm
|
0,61
|
8
|
Trung tâm GDNN-GDTX huyện Na
Rì
|
Huyện Na Rì
|
0,38
|
Ghi chú: Tên, vị trí,
quy mô, diện tích, tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư của các công trình nêu
trên sẽ được xác định cụ thể trong giai đoạn lập kế hoạch, phê duyệt hoặc quyết
định chủ trương đầu tư thực hiện dự án.
PHỤ LỤC XIV
PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN CÁC THIẾT CHẾ VĂN HÓA, THỂ THAO TỈNH
BẮC KẠN THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 03 tháng 11 năm 2023 của
Thủ tướng Chính phủ)
TT
|
Danh mục
|
Địa điểm thực hiện
|
Diện tích dự kiến
(ha)
|
I
|
Công trình văn hóa
|
|
|
1
|
Bảo tàng tỉnh Bắc Kạn
|
Thành phố Bắc Kạn
|
2
|
2
|
Rạp chiếu phim
|
Thành phố Bắc Kạn
|
3
|
3
|
Nhà Đoàn nghệ thuật dân tộc tỉnh
|
Thành phố Bắc Kạn
|
13
|
4
|
Nhà văn hóa lao động hoặc
Cung Văn hóa lao động cấp tỉnh
|
Thành phố Bắc Kạn
|
4
|
5
|
Trung tâm trưng bày, triển
lãm văn hóa nghệ thuật cấp tỉnh
|
Thành phố Bắc Kạn
|
3
|
6
|
Thư viện tỉnh Bắc Kạn
|
Thành phố Bắc Kạn
|
2
|
7
|
Quảng trường
|
Thành phố Bắc Kạn
|
|
II
|
Công trình thể thao
|
|
|
1
|
Khu liên hợp thể thao tỉnh
|
Thành phố Bắc Kạn
|
20
|
2
|
Trường đua xe địa hình
|
Huyện Bạch Thông
|
20-30
|
3
|
Khu liên hợp thể thao các huyện:
Bạch Thông, Ngân Sơn, Ba Bể, Na Rì, Chợ Đồn, Chợ Mới, Pác Nặm
|
Các huyện
|
6-8ha/huyện
|
Ghi chú: Tên, vị
trí, quy mô, diện tích các công trình, dự án sẽ được tính toán, lựa chọn, xác định
cụ thể trong giai đoạn lập kế hoạch, phê duyệt hoặc quyết định chủ trương đầu
tư.
PHỤ LỤC XV
PHƯƠNG ÁN PHÁN TRIỂN CÁC CHỢ ĐẦU MỐI (HẠNG I) TỈNH BẮC
KẠN THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 03 tháng 11 năm 2023 của
Thủ tướng Chính phủ)
TT
|
Danh mục
|
Địa điểm dự kiến
|
Diện tích dự kiến (ha)
|
I
|
Công trình chợ hạng I hiện
trạng
|
|
Chợ thành phố Bắc Kạn
|
Thành phố Bắc Kạn
|
1,02
|
II
|
Nâng cấp cải tạo từ chợ hiện
trạng lên chợ hạng I
|
1
|
Chợ Đức Xuân
|
Thành phố Bắc Kạn
|
0,6 -1,0
|
2
|
Chợ trâu bò xã Nghiên Loan
|
Huyện Pác Nặm
|
2-5
|
3
|
Chợ trâu bò xã Công Bằng
|
Huyện Pác Nặm
|
2-5
|
4
|
Chợ TT huyện Ba Bể
|
Huyện Ba Bể
|
0,5-1,0
|
5
|
Chợ thị trấn Nà Phặc
|
Huyện Ngân Sơn
|
0,5-1,0
|
6
|
Chợ thị trấn Phủ Thông
|
Huyện Bạch Thông
|
0,5-1,0
|
7
|
Chợ thị trấn Bằng Lũng
|
Huyện Chợ Đồn
|
0,5-1,0
|
8
|
Chợ TT Chợ Mới
|
Huyện Chợ Mới
|
0,5-1,0
|
9
|
Chợ đầu mối nông sản huyện Na
Rì
|
Huyện Na Rì
|
0,5-1,0
|
III
|
Công trình chợ hạng I xây
dựng mới
|
|
Chợ Nông Thượng
|
Thành phố Bắc Kạn
|
3,0
|
Ghi chú: Tên, vị trí,
quy mô, diện tích các công trình, dự án sẽ được tính toán, lựa chọn, xác định cụ
thể trong giai đoạn lập kế hoạch, phê duyệt hoặc quyết định chủ trương đầu tư.
PHỤ LỤC XVI
PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN CÁC CÔNG TRÌNH, DỰ ÁN AN SINH XÃ
HỘI TỈNH BẮC KẠN THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 03 tháng 11 năm 2023 của
Thủ tướng Chính phủ)
TT
|
Danh mục dự án
|
Địa điểm
|
Diện tích dự kiến
(ha)
|
I
|
Công trình nâng cấp cải tạo
|
|
|
1
|
Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh
|
Huyện Bạch Thông
|
1,0
|
2
|
Trung tâm điều dưỡng người có
công tỉnh Bắc Kạn cơ sở 1
|
Thành phố Bắc Kạn
|
|
3
|
Cơ sở bảo trợ xã hội tổng hợp
tỉnh Bắc Kạn
|
Thành phố Bắc Kạn
|
7,6
|
4
|
Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh
Bắc Kạn
|
Thành phố Bắc Kạn
|
1,9
|
II
|
Công trình xây dựng mới
|
|
|
|
Trung tâm điều dưỡng người có
công tỉnh Bắc Kạn cơ sở 2
|
Huyện Ba Bể
|
2,1
|
Ghi chú: Tên, vị
trí, quy mô, diện tích các công trình, dự án sẽ được tính toán, lựa chọn, xác định
cụ thể trong giai đoạn lập kế hoạch, phê duyệt hoặc quyết định chủ trương đầu
tư.
PHỤ LỤC XVII
CÁC CHỈ TIÊU SỬ DỤNG ĐẤT TỈNH BẮC KẠN ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 03 tháng 11 năm 2023 của
Thủ tướng Chính phủ)
TT
|
Chỉ tiêu sử dụng đất
|
Mã
|
Hiện trạng năm 2020
|
Quy hoạch đến năm 2030
|
Tăng (+), giảm (-)
|
Diện tích (ha)
|
Cơ cấu (%)
|
Diện tích (ha)
|
Cơ cấu (%)
|
(1)
|
(2)
|
(3)
|
(4)
|
(5)
|
(6)
|
(7)
|
(8)=(6)-(4)
|
I
|
Loại đất
|
|
|
|
|
|
|
1
|
Đất nông nghiệp
|
NNP
|
459.756
|
94,60
|
452.621
|
93,13
|
-7.135
|
|
Trong đó:
|
|
|
|
|
|
|
1.1
|
Đất trồng lúa
|
LUA
|
19.428
|
4,00
|
18.020
|
3,71
|
-1.408
|
|
Trong đó: Đất chuyên trồng
lúa nước
|
LUC
|
10.556
|
2,17
|
10.074
|
2,07
|
-482
|
1.2
|
Đất trồng cây lâu năm
|
CLN
|
8.810
|
1,81
|
8.347
|
1,72
|
-463
|
1.3
|
Đất rừng phòng hộ
|
RPH
|
82.913
|
17,06
|
79.726
|
16,40
|
-3.187
|
1.4
|
Đất rừng đặc dụng
|
RDD
|
28.835
|
5,93
|
28.867
|
5,94
|
32
|
1.5
|
Đất rừng sản xuất
|
RSX
|
301.766
|
62,09
|
296.687
|
61,05
|
-5.079
|
|
Trong đó: đất có rừng sản
xuất là rừng tự nhiên
|
RSN
|
156.340
|
32,17
|
154.598
|
31,81
|
-1.742
|
2
|
Đất phi nông nghiệp
|
PNN
|
20.089
|
4,13
|
30.382
|
6,25
|
10.293
|
|
Trong đó:
|
|
|
|
|
|
|
2.1
|
Đất quốc phòng
|
CQP
|
3.950
|
0,81
|
4.976
|
1,02
|
1.026
|
2.2
|
Đất an ninh
|
CAN
|
47
|
0,01
|
227
|
0,05
|
180
|
2.3
|
Đất khu công nghiệp
|
SKK
|
62
|
0,01
|
204
|
0,04
|
142
|
2.4
|
Đất cụm công nghiệp
|
SKN
|
|
0,00
|
676
|
0,14
|
676
|
2.5
|
Đất thương mại, dịch vụ
|
TMD
|
41
|
0,01
|
1.017
|
0,21
|
976
|
2.6
|
Đất cơ sở sản xuất phi nông
nghiệp
|
SKC
|
178
|
0,04
|
338
|
0,07
|
160
|
2.7
|
Đất sử dụng cho hoạt động
khoáng sản
|
SKS
|
1.179
|
0,24
|
2.232
|
0,46
|
1053
|
2.8
|
Đất phát triển hạ tầng cấp quốc
gia
|
DHT
|
6.201
|
1,28
|
10.042
|
2,07
|
3.841
|
|
Trong đó:
|
|
|
|
|
|
|
-
|
Đất giao thông
|
DGT
|
5.235
|
1,08
|
7.584
|
1,56
|
2.349
|
-
|
Đất thủy lợi
|
DTL
|
378
|
0,08
|
1.074
|
0,22
|
696
|
-
|
Đất xây dựng cơ sở văn hóa
|
DVH
|
65
|
0,01
|
128
|
0,03
|
63
|
-
|
Đất xây dựng cơ sở y tế
|
DYT
|
72
|
0,01
|
90
|
0,02
|
18
|
-
|
Đất xây dựng cơ sở giáo dục
và đào tạo
|
DGD
|
295
|
0,06
|
394
|
0,08
|
99
|
-
|
Đất xây dựng cơ sở thể dục thể
thao
|
DTT
|
39
|
0,01
|
153
|
0,03
|
114
|
-
|
Đất công trình năng lượng
|
DNL
|
108
|
0,02
|
600
|
0,12
|
492
|
-
|
Đất công trình bưu chính, viễn
thông
|
DBV
|
9
|
0,00
|
19
|
0,00
|
10
|
2.9
|
Đất xây dựng kho dự trữ quốc
gia
|
DKG
|
3
|
0,00
|
3
|
0,00
|
0
|
2.10
|
Đất cơ sở tôn giáo
|
TON
|
4
|
0,00
|
33
|
0,01
|
29
|
2.11
|
Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa,
nhà tang lễ, nhà hỏa táng
|
NTD
|
173
|
0,04
|
374
|
0,08
|
201
|
2.12
|
Đất có di tích lịch sử - văn
hóa
|
DDT
|
5
|
0,00
|
135
|
0,03
|
130
|
2.13
|
Đất bãi thải, xử lý chất thải
|
DRA
|
32
|
0,01
|
252
|
0,05
|
220
|
2.14
|
Đất danh lam thắng cảnh
|
DDL
|
375
|
0,08
|
550
|
0,11
|
175
|
2.15
|
Đất ở tại nông thôn
|
ONT
|
2.149
|
0,44
|
3.063
|
0,63
|
914
|
2.16
|
Đất ở tại đô thị
|
ODT
|
506
|
0,10
|
1.208
|
0,25
|
702
|
2.17
|
Đất xây dựng trụ sở cơ quan
|
TSC
|
113
|
0,02
|
138
|
0,03
|
25
|
2.18
|
Đất xây dựng trụ sở của tổ chức
sự nghiệp
|
DTS
|
18
|
0,00
|
21
|
0,00
|
3
|
2.19
|
Đất xây dựng cơ sở ngoại giao
|
DNG
|
|
|
|
|
|
3
|
Đất chưa sử dụng
|
CSD
|
6.151
|
1,27
|
2.993
|
0,62
|
-3.158
|
II
|
Khu chức năng (*)
|
|
|
|
|
|
|
1
|
Đất khu công nghệ cao
|
KCN
|
|
|
|
|
|
2
|
Đất khu kinh tế
|
KKT
|
|
|
|
|
|
3
|
Đất đô thị
|
KDT
|
24.399
|
5,02
|
30.846
|
6,35
|
6.447
|
4
|
Khu sản xuất nông nghiệp
|
KNN
|
44.542
|
9,17
|
45.644
|
9,39
|
1.102
|
5
|
Khu lâm nghiệp
|
KLN
|
413.514
|
85,09
|
405.280
|
83,39
|
-8.234
|
6
|
Khu du lịch
|
KDL
|
|
|
|
|
|
7
|
Khu bảo tồn thiên nhiên và đa
dạng sinh học
|
KBT
|
28.757
|
5,92
|
28.867
|
5,94
|
110
|
8
|
Khu phát triển công nghiệp
|
KPC
|
62
|
0,01
|
880
|
0,18
|
818
|
9
|
Khu đô thị
|
DTC
|
|
|
|
|
|
10
|
Khu thương mại - dịch vụ
|
KTM
|
41
|
0,01
|
1.017
|
0,21
|
976
|
11
|
Khu dân cư nông thôn
|
DNT
|
20.193
|
4,15
|
21.288
|
4,38
|
1.095
|
(*) Khu chức năng không tổng
hợp khi tính tổng diện tích tự nhiên.
Ghi chú: - (3) Mã
loại đất thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.
- Trong quá trình triển khai thực
hiện, chỉ tiêu đất quốc phòng, đất an ninh được điều chỉnh phù hợp với quy hoạch
sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh.
PHỤ LỤC XVIII
ĐỊNH HƯỚNG PHÂN VÙNG MÔI TRƯỜNG TỈNH BẮC KẠN THỜI KỲ
2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 03 tháng 11 năm 2023 của
Thủ tướng Chính phủ)
TT
|
Tên vùng/tiểu vùng
|
Phạm vi/vị trí
|
I
|
Vùng bảo vệ nghiêm ngặt
|
|
1
|
Thành phố Bắc Kạn
|
Nội thị của thành phố Bắc Kạn
|
2
|
Vườn Quốc gia Ba Bể
|
Toàn bộ phân khu bảo vệ nghiêm
ngặt và phân khu phục hồi sinh thái
|
3
|
Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ
|
Toàn bộ phân khu bảo vệ
nghiêm ngặt và phân khu phục hồi sinh thái
|
4
|
Khu bảo tồn loài- sinh cảnh
Nam Xuân Lạc
|
Toàn bộ phân khu bảo vệ
nghiêm ngặt và phân khu phục hồi sinh thái
|
5
|
Khu bảo vệ cảnh quan Thác Giềng
|
Toàn bộ phân khu bảo vệ
nghiêm ngặt và phân khu phục hồi sinh thái
|
6
|
Nguồn nước phục vụ cho mục
đích sinh hoạt
|
- Vùng sinh thủy: Rừng đầu
nguồn xung yếu hoặc rất xung yếu phân bố chủ yếu ở những nơi đồi núi cao có độ
dốc lớn ở khu vực phân thủy của các lưu vực sông.
- Nguồn nước mặt được dùng
cho mục đích cấp nước sinh hoạt trên các đoạn sông, đoạn suối, hồ chứa thuộc
các lưu vực sông Cầu, sông Năng, sông Bắc Giang và sông Phó Đáy
|
7
|
Di tích lịch sử - văn hoá
|
Khu vực bảo vệ I của các di
tích lịch sử - văn hóa, bao gồm:
- Di tích cấp quốc gia đặc biệt:
(ATK) Chợ Đồn (gồm 25 điểm di tích).
- Di tích cấp quốc gia: Nà
Tu, Địa điểm Đồn Phủ Thông, Động Nàng Tiên, Địa điểm Chiến thắng đèo Giàng, Địa
điểm Lưu niệm Bác Hồ, Động Áng Toòng, Hang Nà Mò.
- Di tích xếp hạng cấp tỉnh:
+ Thành phố Bắc Kạn: Nền nhà
ông Hoàng Cẩm, Nà Thôm, Nền nhà Hội trường Tám Mái, Khuổi Cuồng, Nhà Công sứ
Pháp, Nhà Hội đồng, Thác Nà Noọc, Hội trường chữ U;
+ Huyện Ba Bể: Động Thẳm
Thinh, Lủng Cháng, Chùa Phố Cũ, Động Puông, Đon Pán, Pù Cút, Khuổi Mản,
Phiêng Chì, Tổng Luyên, Bản Chán, Thác Tát Mạ, Cốc Lùng;
+ Huyện Bạch Thông: Mộ đồng
chí Bàn Văn Hoan, Khuổi Lừa, Nà Mặn, Hòn đá Khau Cưởm, Nhà ông Hoàng Văn Lường,
Chùa Hoa Sơn, Ngườm Hẩu;
+ Huyện Chợ Đồn: Hệ thống đường
dây cáp tời quặng; Đền Tiên Sơn; Tủm Tó; Bản Cài; Phja Tắc; Đền Phja Khao; Nền
nhà ông Lăng Văn Quân; Nền nhà ông Tô Hữu Thơ; Nền nhà ông Hoàng Văn Quý; Nền
xưởng quân giới; Nhà ông Triệu Văn Kiên;
+ Huyện Chợ Mới: Viện nghiên
cứu kỹ thuật quân giới - Bộ quốc phòng, Chùa Thạch Long, Đền Thắm;
+ Huyện Na Rì: Pò Kép;
+ Huyện Ngân Sơn: Bốt Khau
Pàn, Đền Phja Thán, Coỏng Tát, Thác Nà Khoang, Lủng Sao, Đông Chót;
+ Huyện Pác Nặm: Búp Nhùng.
|
II
|
Vùng hạn chế phát thải
|
|
1
|
Vùng đệm của các vùng bảo vệ
nghiêm ngặt
|
- Các xã nông thôn của thành
phố Bắc Kạn.
- Các vùng đệm của Vườn Quốc
gia Ba Bể, khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, khu bảo tồn loài - sinh cảnh Nam
Xuân Lạc, khu bảo vệ cảnh quan Thác Giềng.
- Vùng đệm của nguồn nước phục
vụ cho mục đích sinh hoạt.
|
2
|
Vùng đệm của các di tích lịch
sử - văn hóa
|
Khu vực bảo vệ II của các di
tích lịch sử - văn hóa.
|
3
|
Khu dân cư tập trung nông
thôn; nội thành, nội thị của các đô thị loại IV, loại V.
|
- Các đô thị trung tâm của
các huyện: Thị trấn Đồng Tâm, thị trấn Phủ Thông, thị trấn Bằng Lũng, thị trấn
Chợ Rã, thị trấn Yến Lạc, xã Bộc Bố, thị trấn Vân Tùng.
- Các đô thị khác: Thị trấn
Nà Phặc, Sáu Hai, Khang Ninh.
|
PHỤ LỤC XIX
PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN CÁC KHU BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC
TỈNH BẮC KẠN THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 03 tháng 11 năm 2023
của Thủ tướng Chính phủ)
TT
|
Tên khu bảo tồn
|
Phân loại
|
Vị trí
|
Quy mô dự kiến (ha)
|
I
|
Khu bảo tồn cấp quốc gia
(*)
|
|
Ba Bể
|
Vườn quốc gia
|
Huyện Ba Bể & Chợ Đồn, Bắc
Kạn
|
9.443
|
II
|
Khu bảo tồn cấp tỉnh
|
|
|
|
1
|
Kim Hỷ
|
Khu dự trữ thiên nhiên
|
Huyện Na Rì & Bạch Thông,
Bắc Kạn
|
14.891
|
2
|
Nam Xuân Lạc
|
Khu bảo tồn loài - sinh cảnh
|
Huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn
|
3.985
|
3
|
Thác Giềng
|
Khu bảo vệ cảnh quan
|
Thành phố Bắc Kạn & huyện
Chợ Mới, Bắc Kạn
|
594
|
(*) Các khu bảo tồn cấp quốc
gia thực hiện theo Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021 -
2030, tầm nhìn đến năm 2050
PHỤ LỤC XX
PHƯƠNG ÁN THĂM DÒ, KHAI THÁC KHOÁNG SẢN TỈNH BẮC KẠN
THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 03 tháng 11 năm 2023 của
Thủ tướng Chính phủ)
STT
|
Loại khoáng sản
|
Tổng số các khu vực quy hoạch
|
Tổng diện tích dự kiến (ha)
|
1
|
Đá vôi
|
36
|
140,71
|
2
|
Cát đồi
|
4
|
85,00
|
3
|
Cát sỏi
|
37
|
416,00
|
4
|
Đất san lấp
|
8
|
181,70
|
5
|
Đất sét
|
6
|
142,60
|
6
|
Chì kẽm
|
15
|
279,04
|
7
|
Ba rít
|
1
|
3,30
|
8
|
Phốt pho rít
|
1
|
2,52
|
9
|
Quặng sắt
|
2
|
47,20
|
10
|
Thạch anh
|
16
|
326,68
|
11
|
Vàng gốc
|
2
|
47,06
|
|
Tổng cộng
|
128
|
1.671,81
|
Ghi chú: Trong
quá trình thực hiện quy hoạch, căn cứ quy hoạch cấp cao hơn, phương án quy hoạch
này và các phương án quy hoạch khác có liên quan để rà soát, xác định và điều
chỉnh, bổ sung theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh,
bổ sung số lượng, ranh giới, quy mô, công suất, lộ trình khai thác, mục tiêu sử
dụng các điểm mỏ (nếu cần) bảo đảm phù hợp với thực tiễn phát triển của tỉnh và
các quy định hiện hành. Các khu vực bãi thải của mỏ có quyết định đóng cửa mỏ
và các khu vực khoáng sản được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố là khu vực
có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ thì quy mô diện tích, công suất, giai đoạn theo
dự án đầu tư, đề án thăm dò được lập và phê duyệt. Đối với một số khu vực mỏ,
khoáng sản dự kiến khai thác sau năm 2030, trường hợp đủ điều kiện và huy động
được nguồn lực đầu tư thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét chấp thuận cho phép
triển khai sớm hơn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
PHỤ LỤC XXI
PHƯƠNG ÁN PHÂN VÙNG CHỨC NĂNG NGUỒN NƯỚC TỈNH BẮC KẠN
THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 03 tháng 11 năm 2023 của
Thủ tướng Chính phủ)
TT
|
Nguồn nước
|
Vị trí
|
Chức năng
|
Điểm đầu
|
Điểm cuối
|
1
|
Sông Bắc Giang
|
Huyện Na Rì
|
Huyện Na Rì
|
Cấp nước cho sinh hoạt Cấp nước
cho sản xuất nông nghiệp
|
2
|
Sông Minh Khai
|
Xã Thượng Quan, huyện Ngân Sơn
|
Tỉnh Cao Bằng
|
Cấp nước cho sản xuất nông
nghiệp
|
3
|
Sông Nậm Cung
|
Xã Đức Vân, huyện Ngân Sơn
|
Tỉnh Cao Bằng
|
Cấp nước cho sản xuất nông nghiệp
|
4
|
Suối Khuổi Tráng
|
Huyện Chợ Đồn
|
Huyện Chợ Đồn
|
Cấp nước cho sinh hoạt Cấp nước
cho sản xuất nông nghiệp
|
5
|
Sông Cầu
|
Thành phố Bắc Kạn
|
Thành phố Bắc Kạn
|
Cấp nước cho sinh hoạt Cấp nước
cho sản xuất nông nghiệp
|
6
|
Sông Phó Đáy
|
Huyện Chợ Đồn
|
Huyện Chợ Đồn
|
Cấp nước cho sinh hoạt Cấp nước
cho sản xuất nông nghiệp
Cấp nước cho sản xuất công
nghiệp
|
7
|
Sông Nà Phặc
|
Thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn
|
Thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn
|
Cấp nước cho sinh hoạt
|
8
|
Suối Khuổi Trù
|
Tiểu khu 1, thị trấn Nà Phặc
|
Tiểu khu 1, thị trấn Nà Phặc
|
Cấp nước cho sinh hoạt
|
9
|
Sông Nậm Cắt
|
Tổ 7 phường sông Cầu, Tp. Bắc Kạn
|
Tổ 7 phường sông Cầu, Tp. Bắc Kạn
|
Cấp nước cho sinh hoạt
|
10
|
Suối Tà Pìn
|
Thôn Nà Hin, xã Lương Hạ, huyện Na Rì
|
Thôn Nà Hin, xã Lương Hạ, huyện Na Rì
|
Cấp nước cho sinh hoạt
|
11
|
Sông Chợ Chu
|
Tổ 6 thị trấn Chợ Mới, huyện Chợ Mới
|
Tổ 6 thị trấn Chợ Mới, huyện Chợ Mới
|
Cấp nước cho sinh hoạt
|
12
|
Sông Nà Cù
|
Thôn 3a, xã Cẩm Giàng, huyện Bạch THông
|
Thôn 3a, xã Cẩm Giàng, huyện Bạch THông
|
Cấp nước cho sinh hoạt
|
PHỤ LỤC XXII
DANH MỤC DỰ ÁN DỰ KIẾN ƯU TIÊN THỰC HIỆN CỦA TỈNH BẮC
KẠN THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 03 tháng 11 năm 2023 của
Thủ tướng Chính phủ)
TT
|
Danh mục dự án
|
Địa điểm
|
I
|
GIAO THÔNG
|
|
1
|
Xây dựng mới
|
|
1.1
|
Đường cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng
(Trường hợp huy động được nguồn lực báo cáo cấp thẩm quyền triển khai
thực hiện)
|
Tỉnh Bắc Kạn - Tỉnh Cao Bằng
|
1.2
|
Tuyến đường liên kết, kết nối
giữa tỉnh Bắc Kạn với tỉnh Tuyên Quang
|
Huyện Bạch Thông, huyện Chợ Đồn
|
1.3
|
Tuyến đường liên kết, kết nối
giữa tỉnh Bắc Kạn với tỉnh Lạng Sơn
|
Huyện Bạch Thông, huyện Na Rì
|
1.4
|
Đường Vành đai thành phố Bắc
Kạn
|
Thành phố Bắc Kạn
|
2
|
Cải tạo, nâng cấp
|
|
2.1
|
Đường tỉnh 253
|
Huyện Ba Bể
|
2.2
|
Đường tỉnh 253B
|
Huyện Bạch Thông, huyện Na Rì
|
2.3
|
Đường tỉnh 254B
|
Huyện Chợ Đồn
|
2.4
|
Đường tỉnh 256
|
Huyện Chợ Mới, huyện Na Rì
|
2.5
|
Đường tỉnh 257B
|
Huyện Chợ Đồn, huyện Ba Bể
|
2.6
|
Đường tỉnh 257C
|
Huyện Chợ Đồn
|
2.7
|
Đường tỉnh 259B
|
Huyện Chợ Mới, huyện Chợ Đồn
|
2.8
|
Đường tỉnh 251
|
Huyện Ngân Sơn
|
2.9
|
Đường tỉnh 252B
|
Huyện Ngân Sơn, huyện Ba Bể
|
2.10
|
Đường tỉnh 258B
|
Huyện Ba Bể, huyện Pác Nặm
|
2.11
|
Đường tỉnh 259
|
Thành phố Bắc Kạn, huyện Chợ
Mới
|
2.12
|
Đường Thanh Vận - Cao Kỳ -
Yên Cư
|
Huyện Chợ Mới
|
2.13
|
Tuyến đường Mù Là - Hồng Thái
|
Huyện Pác Nặm
|
II
|
CÔNG TRÌNH CẤP ĐIỆN, NĂNG
LƯỢNG
|
|
1
|
Trạm biến áp 110 KV tại các
huyện, thành phố
|
Các huyện, thành phố
|
2
|
Đường dây 110kV đoạn rẽ nhánh
Cao Bằng - TBA 110kV Nà Phặc
|
Huyện Ngân Sơn
|
3
|
Đường dây 110kV từ thanh cái
220kV Bắc Kạn - TBA 110kV Cẩm Giàng
|
Các huyện, thành phố
|
4
|
Đường dây 110kV Chợ Đồn-Na
Hang (Tuyên Quang)
|
Các huyện, thành phố
|
5
|
Đường dây 110kV đoạn rẽ nhánh
Thái Nguyên - TBA 110kV Thanh Bình
|
Các huyện, thành phố
|
6
|
Đường dây 110kV Na Rì-Tràng Định
(Lạng Sơn)
|
Các huyện, thành phố
|
7
|
Đường dây 110kV Chợ Đồn - Ba
Bể
|
Các huyện, thành phố
|
8
|
Đường dây 110kV nhánh rẽ TBA
Nà Phặc
|
Các huyện, thành phố
|
9
|
Đường dây 110kV Nà Phặc - Ba
Bể
|
Các huyện, thành phố
|
10
|
Đường dây 110kV TBA 110kV-Chợ
Đồn-Ngọc Linh
|
Các huyện, thành phố
|
11
|
Đường dây 110kV đoạn rẽ nhánh
Thái Nguyên - TBA 110kV Chợ Mới
|
Các huyện, thành phố
|
12
|
Đường dây 110kV TBA 110kV Ba
Bể-110kV Pắc Nặm
|
Các huyện, thành phố
|
13
|
Đường dây 110kV nhánh rẽ TBA 110kV
ĐG Chợ Mới 1
|
Các huyện, thành phố
|
14
|
Đường dây 110kV nhánh rẽ TBA
110kV ĐG Chợ Mới 2
|
Các huyện, thành phố
|
15
|
Đường dây 110kV mạch kép cho
nhà máy điện gió Yên Hạ (đấu nối chuyển tiếp 110kV Bắc Kạn-Phú Lương)
|
Các huyện, thành phố
|
16
|
Đường dây 110kV TBA ĐG Chợ Mới
3
|
Các huyện, thành phố
|
17
|
Đường dây 110kV 110kV TBA ĐG
Na Rì
|
Các huyện, thành phố
|
18
|
Cấp điện nông thôn bằng năng
lượng tái tạo, tỉnh Bắc Kạn
|
Các huyện, thành phố
|
III
|
DỰ ÁN CẤP NƯỚC
|
|
1
|
Xây dựng mới
|
|
1.1
|
Xây dựng mới nhà máy nước KCN
Thanh Bình
|
Huyện Chợ Mới
|
1.2
|
Các dự án cấp nước sạch nông
thôn gồm 32 dự án cấp nước (Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch
nông thôn)
|
Các huyện, thành phố
|
2
|
Cải tạo, nâng cấp
|
|
2.1
|
Nhà máy nước Yến Lạc 2
|
Huyện Na Rì
|
2.2
|
Nhà máy nước Yên Đĩnh
|
Huyện Chợ Mới
|
2.3
|
Nhà máy nước Phủ Thông
|
Huyện Bạch Thông
|
2.4
|
Nhà máy nước Bằng Lũng 2
|
Huyện Chợ Đồn
|
2.5
|
Nhà máy nước Chợ Rã
|
Huyện Ba Bể
|
2.6
|
Nhà máy nước Bộc Bố
|
Huyện Pác Nặm
|
2.7
|
Nhà máy nước Vân Tùng
|
Huyện Ngân Sơn
|
IV
|
DỰ ÁN THOÁT NƯỚC
|
|
|
Xây dựng hệ thống thoát nước
và xử lý nước thải tại các thị trấn, trung tâm huyện, thành phố
|
Các huyện, thành phố
|
V
|
DỰ ÁN THỦY LỢI
|
|
1
|
Xây dựng mới
|
|
1.1
|
Xây dựng mới các cụm công
trình hồ tích nước thủy lợi
|
Các huyện, thành phố
|
1.2
|
Xây dựng mới các đập, kênh
mương
|
Các huyện, thành phố
|
1.3
|
Xây dựng mới các đập dâng
trên sông Cầu tại thành phố Bắc Kạn
|
Thành phố Bắc Kạn
|
1.4
|
Xây dựng mới các công trình
thủy lợi trên địa bàn huyện/thành phố
|
Các huyện, thành phố
|
2
|
Cải tạo, nâng cấp
|
|
2.1
|
Nâng cấp, cải tạo kiên cố hóa
kênh mương
|
Các huyện, thành phố
|
2.2
|
Nâng cấp, cải tạo, sửa chữa đập
|
Các huyện, thành phố
|
2.3
|
Sửa chữa và nâng cao an toàn
đập
|
Các huyện, thành phố
|
2.4
|
Sửa chữa, nâng cấp cụm công
trình hồ tích nước thủy lợi
|
Các huyện, thành phố
|
VI
|
DỰ ÁN PHÒNG CHỐNG THIÊN
TAI
|
|
1
|
Xây dựng mới
|
|
1.1
|
Xây mới các công trình kè
|
Các huyện, thành phố
|
1.2
|
Dự án “Kè chống sạt lở ứng
phó biến đổi khí hậu, bảo vệ dân sinh và phục vụ sản xuất nông nghiệp” - Tiểu
dự án tỉnh Bắc Kạn
|
Thành phố Bắc Kạn
|
2
|
Cải tạo, nâng cấp
|
|
|
Nâng cấp, sửa chữa các công
trình kè
|
Các huyện, thành phố
|
VII
|
DỰ ÁN NÔNG NGHIỆP
|
|
1
|
Chương trình phát triển nông
nghiệp, lâm nghiệp bền vững
|
Các huyện, thành phố
|
2
|
Dự án phát triển trồng trọt,
chăn nuôi
|
Các huyện, thành phố
|
3
|
Dự án nâng cao năng lực phòng
cháy chữa cháy rừng
|
Các huyện, thành phố
|
4
|
Dự án phát triển dược liệu
|
Các huyện, thành phố
|
5
|
Dự án phát triển vùng nguyên
liệu tập trung phục vụ chế biến gỗ, tre, nứa
|
Các huyện, thành phố
|
6
|
Dự án phát triển rừng phòng hộ
|
Các huyện, thành phố
|
7
|
Dự án phát triển rừng sản xuất
|
Các huyện, thành phố
|
8
|
Dự án đường lâm nghiệp
|
Các huyện, thành phố
|
9
|
Trung tâm giới thiệu nông sản
và dịch vụ hậu cần nông nghiệp
|
Huyện Chợ Mới
|
10
|
Các dự án xây dựng nhà máy chế
biến các sản phẩm nông, lâm sản
|
Các huyện, thành phố
|
11
|
Các dự án trồng, chăm sóc và
chế biến các sản phẩm nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái trải nghiệm
|
Các huyện, thành phố
|
12
|
Dự án đầu tư các trang trại
chăn nuôi công nghệ cao
|
Các huyện, thành phố
|
13
|
Dự án đầu tư cơ sở giết mổ
gia súc, gia cầm
|
Thành phố Bắc Kạn
|
14
|
Dự án các nhà máy chế biến, bảo
quản các sản phẩm từ hoa quả có múi
|
Huyện Bạch Thông, Thành phố Bắc
Kạn
|
15
|
Dự án nhà máy sản xuất đồ uống
đóng chai từ nguyên liệu tự nhiên (cam, quýt, mơ vàng, mía, rau,…)
|
Thành phố Bắc Kạn, Huyện Chợ
Mới
|
16
|
Dự án nhà máy sản xuất rượu
công nghiệp men lá với du lịch cộng đồng
|
Huyện Chợ Đồn
|
17
|
Dự án trồng, đầu tư xây dựng
các nhà máy chế biến dược liệu
|
Huyện Chợ Đồn, Huyện Ba Bể,
Huyện Na Rì
|
18
|
Dự án đầu tư xây dựng nhà máy
chế biến các sản phẩm từ tre, nứa, vầu
|
Huyện Chợ Đồn, Huyện Ba Bể
|
19
|
Dự án viên nén mùn cưa từ phế
phẩm lâm sản
|
Thành phố Bắc Kạn, Huyện Chợ
Mới và Huyện Bạch Thông.
|
VIII
|
DỰ ÁN CÔNG NGHIỆP
|
|
1
|
Dự án đầu tư hạ tầng KCN
Thanh Bình - Giai đoạn II
|
Huyện Chợ Mới
|
2
|
Dự án đầu tư hạ tầng KCN Chợ
Mới 1
|
|
3
|
Dự án đầu tư hạ tầng KCN Chợ
Mới 2, KCN Chợ Mới 3
|
Huyện Chợ Mới
|
4
|
Dự án đầu tư hạ tầng CCN Huyền
Tụng 2
|
Thành phố Bắc Kạn
|
5
|
Dự án đầu tư hạ tầng CCN Chu
Hương
|
Huyện Ba Bể
|
6
|
Dự án đầu tư hạ tầng CCN Tân
Tú
|
Huyện Bạch Thông
|
7
|
Dự án đầu tư hạ tầng CCN Bằng
Phúc
|
Huyện Chợ Đồn
|
8
|
Dự án đầu tư hạ tầng CCN Yên
Phong
|
Huyện Chợ Đồn
|
9
|
Dự án đầu tư hạ tầng CCN Quảng
Chu 1
|
Huyện Chợ Mới
|
10
|
Dự án đầu tư hạ tầng CCN
Thanh Mai
|
Huyện Chợ Mới
|
11
|
Dự án đầu tư hạ tầng CCN
Thanh Vận
|
Huyện Chợ Mới
|
12
|
Dự án đầu tư hạ tầng CCN Khe
Lắc
|
Huyện Chợ Mới
|
13
|
Dự án đầu tư hạ tầng CCN Kim
Lư
|
Huyện Na Rì
|
14
|
Dự án đầu tư hạ tầng CCN Nà
Phặc
|
Huyện Ngân Sơn
|
IX
|
DỰ ÁN HẠ TẦNG CHẤT THẢI RẮN
|
1
|
Khu xử lý liên vùng huyện
Ngân Sơn
|
Huyện Ngân Sơn
|
2
|
Khu xử lý liên vùng huyện Chợ
Mới
|
Huyện Chợ Mới
|
3
|
Khu xử lý liên vùng huyện Chợ
Đồn
|
Huyện Chợ Đồn
|
4
|
Khu xử lý chất thải các huyện,
thành phố
|
Các huyện, thành phố
|
X
|
DỰ ÁN HẠ TẦNG NGHĨA TRANG
|
|
1
|
Nghĩa trang nhân dân thành phố
Bắc Kạn
|
Thành phố Bắc Kạn
|
2
|
Nghĩa trang nhân dân các huyện
|
Các huyện
|
XI
|
DỰ ÁN KHOA HỌC CÔNG NGHỆ
|
|
Đầu tư tăng cường tiềm lực phục
vụ công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng giai đoạn 2021 - 2030
|
Thành phố Bắc Kạn
|
XII
|
VIỄN THÔNG, CÔNG NGHỆ
THÔNG TIN
|
|
1
|
Nâng cấp các tuyến truyền dẫn
quang nội tỉnh
|
Các huyện, thành phố
|
2
|
Triển khai Hệ thống thông tin
phục vụ họp và xử lý công việc của HĐND, UBND các cấp
|
Các huyện, thành phố
|
3
|
Xây dựng Trung tâm điều hành
thông minh IOC
|
Các huyện, thành phố
|
XIII
|
Y TẾ
|
|
|
Cải tạo, nâng cấp
|
|
1
|
Bệnh viện đa khoa tỉnh
|
Thành phố Bắc Kạn
|
2
|
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật
tỉnh
|
Thành phố Bắc Kạn
|
3
|
Hoàn thiện, nâng cấp, cải tạo,
sửa chữa các Trung tâm y tế tuyến huyện
|
Các huyện, thành phố
|
XIV
|
CÔNG TRÌNH DỊCH VỤ VIỆC
LÀM, NGƯỜI CÓ CÔNG, PHÒNG CHỐNG TỆ NẠN XÃ HỘI
|
1
|
Nâng cấp cải tạo nghĩa trang
liệt sỹ tỉnh
|
Huyện Bạch Thông
|
2
|
Cải tạo, nâng cấp cơ sở bảo
trợ xã hội xã hội tổng hợp tỉnh
|
Thành phố Bắc Kạn
|
XV
|
DỰ ÁN GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO,
DẠY NGHỀ
|
|
|
Cải tạo, nâng cấp
|
|
1
|
Các trường học trung học phổ
thông, nội trú dạy nghề trên địa bàn tỉnh
|
Các huyện, thành phố
|
2
|
Trường Cao đẳng Bắc Kạn
|
Thành phố Bắc Kạn
|
XVI
|
VĂN HÓA - TDTT
|
|
1
|
Cải tạo, nâng cấp
|
|
1.1
|
Tu bổ, tôn tạo di tích Quốc
gia đặc biệt ATK Chợ Đồn
|
Huyện Chợ Đồn
|
1.2
|
Hoàn thiện dự án Tượng đài
chiến thắng tỉnh Bắc Kạn
|
Thành phố Bắc Kạn
|
1.3
|
Tu bổ các di tích Nà Tu, Khuổi
Lừa, mộ đồng chí Bàn Văn Hoan
|
Huyện Bạch Thông
|
2
|
Xây dựng mới
|
|
2.1
|
Quảng trường thành phố Bắc Kạn
|
Thành phố Bắc Kạn
|
2.2
|
Xây dựng Bảo tàng tỉnh Bắc Kạn
|
Thành phố Bắc Kạn
|
2.3
|
Xây dựng khu công viên, vui
chơi giải trí tỉnh
|
Thành phố Bắc Kạn
|
2.4
|
Xây dựng khu liên hợp thể
thao tỉnh
|
Thành phố Bắc Kạn
|
2.5
|
Tổ hợp đô thị sinh thái, du lịch
nghỉ dưỡng, văn hóa, thể thao và sân Gôn Ba Bể 1
|
Huyện Ba Bể
|
2.6
|
Tổ hợp đô thị sinh thái, du lịch
nghỉ dưỡng, văn hóa, thể thao và sân Gôn Ba Bể 2
|
Huyện Ba Bể
|
2.7
|
Tổ hợp đô thị sinh thái, du lịch
nghỉ dưỡng, văn hóa, thể thao và sân Gôn Ba Bể 3
|
Huyện Ba Bể
|
2.8
|
Tổ hợp đô thị sinh thái, du lịch
nghỉ dưỡng, văn hóa, thể thao và sân Gôn thành phố Bắc Kạn
|
Thành phố Bắc Kạn
|
2.9
|
Tổ hợp đô thị sinh thái, du lịch
nghỉ dưỡng, văn hóa, thể thao và sân Gôn Chợ Mới 1
|
Huyện Chợ Mới
|
2.10
|
Tổ hợp đô thị sinh thái, du lịch
nghỉ dưỡng, văn hóa, thể thao và sân Gôn Chợ Mới 2
|
Huyện Chợ Mới
|
2.11
|
Tổ hợp đô thị sinh thái, du lịch
nghỉ dưỡng, văn hóa, thể thao và sân Gôn Chợ Mới 3
|
Huyện Chợ Mới
|
2.12
|
Tổ hợp sinh thái, du lịch nghỉ
dưỡng, văn hóa, thể thao và sân Gôn Ngân Sơn
|
Huyện Ngân Sơn
|
2.13
|
Tổ hợp sinh thái, du lịch nghỉ
dưỡng, văn hóa, thể thao và sân Gôn Chợ Đồn
|
Huyện Chợ Đồn
|
2.14
|
Tổ hợp đô thị sinh thái, du lịch
nghỉ dưỡng, văn hóa, thể thao và sân Gôn Bạch Thông
|
Huyện Bạch Thông
|
2.15
|
Trường đua xe địa hình
|
Huyện Bạch Thông
|
XVII
|
DU LỊCH
|
|
1
|
Đầu tư xây dựng mới cầu Pác
Ngòi
|
Huyện Ba Bể
|
2
|
Cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới
các bến thuyền khu du lịch Ba Bể
|
Huyện Ba Bể
|
3
|
Dự án đầu tư xây dựng khu nghỉ
dưỡng cao cấp trong Hồ Ba Bể
|
Huyện Ba Bể
|
4
|
Dự án Chuỗi du lịch nghỉ dưỡng
và trải nghiệm Bắc Kạn trên địa bàn xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn
|
Huyện Chợ Đồn
|
5
|
Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng kết
hợp thương mại, dịch vụ trên địa bàn xã Quảng Khê, huyện Ba Bể
|
Huyện Ba Bể
|
6
|
Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng
kết hợp thương mại, dịch vụ trên địa bàn xã Đồng Phúc, huyện Ba Bể
|
Huyện Ba Bể
|
7
|
Khu dân cư sinh thái kết hợp
du lịch nghỉ dưỡng trên địa bàn xã Quảng Khê, huyện Ba Bể
|
Huyện Ba Bể
|
8
|
Khu dân cư sinh thái kết hợp
du lịch nghỉ dưỡng trên địa bàn xã Đồng Phúc, huyện Ba Bể
|
Huyện Ba Bể
|
9
|
Khu dân cư sinh thái kết hợp
du lịch nghỉ dưỡng trên địa bàn xã Thượng Giáo, huyện Ba Bể
|
Huyện Ba Bể
|
10
|
Khách sạn năm sao thị trấn Chợ
Rã, huyện Ba Bể
|
Huyện Ba Bể
|
11
|
Dự án Tổ hợp đô thị sinh
thái, du lịch nghỉ dưỡng, kết hợp thương mại dịch vụ, văn hóa, thể thao Hồ Nặm
Cắt
|
Thành phố Bắc Kạn
|
12
|
Dự án du lịch nghỉ dưỡng và
trải nghiệm Đồn Đèn
|
Huyện Ba Bể
|
13
|
Dự án đầu tư xây dựng khu nghỉ
dưỡng cao cấp trong Hồ Ba Bể
|
Huyện Ba Bể
|
14
|
Khu dân cư sinh thái kết hợp
du lịch nghỉ dưỡng trên địa bàn xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông
|
Huyện Bạch Thông
|
15
|
Khu dân cư sinh thái kết hợp
du lịch nghỉ dưỡng Mù Là
|
Huyện Pác Nặm
|
16
|
Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng
kết hợp thương mại, dịch vụ Hồ Bản Chang
|
Huyện Ngân Sơn
|
17
|
Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng
kết hợp thương mại, dịch vụ Hồ Thanh Vận
|
Huyện Chợ Mới
|
18
|
Khu du lịch sinh thái trong
khu bảo tồn cảnh quan Nam Xuân Lạc
|
Huyện Chợ Đồn
|
19
|
Khu du lịch sinh thái trong
khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ
|
Huyện Na Rì
|
20
|
Khu văn hóa du lịch và phát
huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn
|
Huyện Chợ Đồn
|
21
|
Dự án khu du lịch sinh thái,
nghỉ dưỡng kết hợp thương mại dịch vụ, văn hóa, thể thao tại xã Văn Lang, huyện
Na Rì
|
Huyện Na Rì
|
XVIII
|
THƯƠNG MẠI
|
|
1
|
Dự án đầu tư các Trung tâm
thương mại hạng II và hạng III trên địa bàn thành phố Bắc Kạn
|
Thành phố Bắc Kạn
|
2
|
Dự án đầu tư Trung tâm thương
mại hạng III
|
Huyện Chợ Mới, huyện Ba Bể
|
3
|
Dự án xây dựng các siêu thị
|
Các huyện, thành phố
|
4
|
Dự án đầu tư hạ tầng công
trình logistics tại huyện Chợ Mới
|
Huyện Chợ Mới
|
5
|
Dự án đầu tư hạ tầng công
trình logistics tại huyện Bạch Thông
|
Huyện Bạch Thông
|
6
|
Dự án đầu tư hạ tầng công
trình logistics tại Thành phố Bắc Kạn
|
Thành phố Bắc Kạn
|
XIX
|
ĐÔ THỊ
|
|
1
|
Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng
kỹ thuật khu dân cư đô thị tại tổ Xây dựng và tổ Pá Danh, phường Huyền Tụng,
thành phố Bắc Kạn
|
Thành phố Bắc Kạn
|
2
|
Khu dân cư và dịch vụ thương
mại Khu công nghiệp Thanh Bình tại xã Thanh Thịnh, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn
|
Huyện Chợ Mới
|
3
|
khu du lịch đô thị sinh thái,
nghỉ dưỡng Khang Ninh- Thượng Giáo, huyện Ba Bể
|
Huyện Ba Bể
|
4
|
Dự án Khu dân cư Central Hill
Bắc Kạn
|
Thành phố Bắc Kạn
|
5
|
Khu đô thị mới phía đông
thành phố Bắc Kạn
|
Thành phố Bắc Kạn
|
6
|
Khu đô thị phía Nam hồ Nặm Cắt,
thành phố Bắc Kạn
|
Thành phố Bắc Kạn
|
XX
|
AN NINH QUỐC PHÒNG
|
|
1
|
Hoàn thiện cơ sở vật chất trụ
sở Công an xã, phường, thị trấn
|
Các xã, phường, thị trấn
|
2
|
Xây dựng, cải tạo các công
trình chiến đấu phục vụ diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh, huyện/thành phố
|
Các huyện, thành phố
|
3
|
Đầu tư hạ tầng phát triển
kinh tế - xã hội vùng CT229, ATK
|
Các huyện Chợ Đồn, Bạch
Thông, Na Rì
|
4
|
Xây dựng Trung tâm Giáo dục cộng
đồng và Huấn luyện nghiệp vụ PCCC & CNCH
|
Thành phố Bắc Kạn
|
5
|
Xây dựng Tru sở Đội cơ động bảo
vệ và PCCC rừng tại thành phố Bắc Kạn
|
Thành phố Bắc Kạn
|
6
|
Xây dựng Đội CS PCCC &
CNCH tại các huyện, thành phố
|
Các huyện, thành phố
|
Ghi chú:
- Tên, vị trí, quy mô, diện
tích, tổng mức đầu tư của các dự án nên trên sẽ được tính toán, lựa chọn, xác định
cụ thể trong quá trình lập quy hoạch xây dựng và lập dự án đầu tư.
- Các dự án, công trình đang được
rà soát, xử lý theo các Kết luận thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán và
thi hành các bản án trong danh mục dự án dự kiến ưu tiên thực hiện (nếu có) chỉ
được triển khai thực hiện sau khi đã thực hiện đầy đủ các nội dung theo Kết luận
thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán, bản án (nếu có) và được cấp có thẩm
quyền chấp thuận, bảo đảm phù hợp các quy định hiện hành.
PHỤ LỤC XXIII
DANH MỤC SƠ ĐỒ, BẢN ĐỒ QUY HOẠCH TỈNH BẮC KẠN THỜI KỲ
2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 03 tháng 11 năm 2023 của
Thủ tướng Chính phủ)
TT
|
Tên bản đồ
|
Tỷ lệ
|
1
|
Sơ đồ phương án quy hoạch hệ
thống đô thị, nông thôn tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm
2050
|
1:100.000
|
2
|
Sơ đồ phương án tổ chức không
gian và phân vùng chức năng tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến
năm 2050
|
1:100.000
|
3
|
Sơ đồ phương án phát triển kết
cấu hạ tầng xã hội tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
|
1:100.000
|
4
|
Sơ đồ phương án phát triển kết
cấu hạ tầng kỹ thuật tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
|
1:100.000
|
5
|
Sơ đồ phương án phân bổ và
khoanh vùng các chỉ tiêu sử dụng đất tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm
nhìn đến năm 2050
|
1:100.000
|
6
|
Sơ đồ phương án thăm dò, khai
thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến
năm 2050
|
1:100.000
|
7
|
Sơ đồ phương án bảo vệ môi
trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phòng, chống thiên tai và ứng phó biến đổi
khí hậu tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
|
1:100.000
|
8
|
Sơ đồ phương án quy hoạch xây
dựng vùng liên huyện, vùng huyện tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến
năm 2050
|
1:100.000
|