ỦY BAN THƯỜNG
VỤ
QUỐC HỘI
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Nghị quyết số:
44/2024/UBTVQH15
|
Hà Nội, ngày
05 tháng 02 năm 2024
|
NGHỊ QUYẾT
QUY ĐỊNH VỀ THI ĐUA, KHEN THƯỞNG ĐỐI VỚI ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI,
CÁC CƠ QUAN CỦA QUỐC HỘI, CÁC CƠ QUAN THUỘC ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI VÀ CÁN BỘ,
CÔNG CHỨC THUỘC THẨM QUYỀN QUẢN LÝ CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
Căn cứ Hiến
pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Luật Tổ
chức Quốc hội số 57/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật
số 65/2020/QH14;
Căn cứ Luật Thi
đua, khen thưởng số 06/2022/QH15;
QUYẾT NGHỊ:
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị quyết này quy định về thi đua, khen thưởng
đối với đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ
quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản
lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Điều 2. Kinh phí phục vụ
công tác thi đua, khen thưởng
Kinh phí phục vụ công tác thi đua, khen thưởng
được bảo đảm từ Quỹ thi đua, khen thưởng của Văn phòng Quốc hội theo quy định của
pháp luật.
Điều 3. Danh hiệu thi đua,
hình thức khen thưởng cấp Nhà nước
Các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cấp
Nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.
Chương II
TỔ CHỨC THI ĐUA, DANH HIỆU
THI ĐUA VÀ TIÊU CHUẨN DANH HIỆU THI ĐUA
Điều 4. Phạm vi tổ chức thi
đua
1. Quốc hội.
2. Khối thi đua các cơ quan của
Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
3. Các cơ quan của Quốc hội,
các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Điều 5.
Thẩm quyền phát động, chỉ đạo, triển khai phong trào thi đua
1. Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát động, chỉ đạo
phong trào thi đua ở Quốc hội.
2. Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy
ban của Quốc hội, Trưởng các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai
phong trào thi đua ở cơ quan mình.
Điều 6. Thi
đua đối với đại biểu Quốc hội, cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy
ban Thường vụ Quốc hội; thi đua đối với Viện Nghiên cứu lập pháp
1. Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở
trung ương, Trưởng ban và Phó Trưởng ban các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội
thực hiện thi đua thường xuyên, bình xét thi đua tại cơ quan công tác và thực
hiện thi đua theo chuyên đề do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát động.
2. Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở địa
phương thực hiện thi đua thường xuyên, bình xét thi đua tại Văn phòng Đoàn đại
biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và thực
hiện thi đua theo chuyên đề do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát động.
3. Đại biểu Quốc hội hoạt động
không chuyên trách thực hiện thi đua thường xuyên, bình xét thi đua tại cơ quan,
đơn vị công tác và thực hiện thi đua theo chuyên đề do Ủy ban Thường
vụ Quốc hội phát động.
4. Chủ nhiệm,
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý của Chủ tịch Quốc hội,
Trợ lý của Phó Chủ tịch Quốc hội, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện
Nghiên cứu lập pháp và cán bộ, công chức khác thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy
ban Thường vụ Quốc hội thực hiện thi đua thường xuyên,
bình xét thi đua tại Văn phòng Quốc hội và thực hiện thi đua theo chuyên đề do Ủy
ban Thường vụ Quốc hội phát động.
5. Viện Nghiên cứu
lập pháp thực hiện thi đua thường xuyên, bình xét thi đua
tại Văn phòng Quốc hội và thực hiện thi đua theo chuyên đề do Ủy ban Thường vụ
Quốc hội phát động.
Điều 7. Các danh hiệu thi
đua
1. Danh hiệu thi đua đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở trung ương, Trưởng
ban và Phó Trưởng ban các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm:
a) “Chiến sĩ thi đua cơ quan
của Quốc hội”;
b) “Chiến sĩ thi đua cơ sở”;
c) “Lao động tiên tiến”.
2. Danh hiệu thi đua đối với Hội
đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội
gồm:
a) “Cờ thi đua cơ quan của Quốc
hội”;
b) “Tập thể lao động xuất sắc”;
c) “Tập thể lao động tiên tiến”.
Điều 8. Danh hiệu “Chiến sĩ
thi đua cơ quan của Quốc hội”
Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ quan của Quốc hội”
để tặng cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau đây:
1. Có thành tích xuất sắc tiêu biểu được lựa chọn
trong số những cá nhân có 03 lần liên tục được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua
cơ sở”;
2. Có sáng kiến đã được áp dụng hiệu quả và có
khả năng nhân rộng trong các cơ quan của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường
vụ Quốc hội được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công nhận hoặc có đề tài khoa học,
đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu và áp dụng
hiệu quả, có phạm vi ảnh hưởng trong các cơ quan của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy
ban Thường vụ Quốc hội.
Điều 9. Danh hiệu “Chiến sĩ
thi đua cơ sở”
Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” để tặng cho
cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau đây:
1. Đạt tiêu chuẩn danh hiệu “Lao động tiên tiến”;
2. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc có sáng kiến
được cơ quan của Quốc hội, Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội công nhận hoặc
có đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được
nghiệm thu.
Điều 10. Danh hiệu “Lao động
tiên tiến”
Danh hiệu “Lao động tiên tiến” để tặng cho cá
nhân đạt các tiêu chuẩn sau đây:
1. Hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên;
2. Có tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết,
tương trợ, tích cực tham gia phong trào thi đua.
Điều 11. Danh hiệu “Cờ thi
đua cơ quan của Quốc hội”
1. Danh hiệu “Cờ thi đua cơ quan của Quốc hội” để
tặng hằng năm cho tập thể dẫn đầu phong trào thi đua của khối thi đua và đạt
các tiêu chuẩn sau đây:
a) Hoàn thành vượt các chỉ tiêu thi đua và nhiệm
vụ được giao trong năm; là tập thể tiêu biểu xuất sắc;
b) Nội bộ đoàn kết; tổ chức đảng, đoàn thể trong
sạch, vững mạnh; tích cực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống
tham nhũng, tiêu cực và các tệ nạn xã hội khác.
2. Danh hiệu “Cờ thi đua cơ quan của Quốc hội” để
tặng cho tập thể dẫn đầu phong trào thi đua theo chuyên đề do Ủy ban Thường vụ
Quốc hội phát động có thời gian thực hiện từ 03 năm trở lên khi tổng kết phong
trào.
Điều 12. Danh hiệu “Tập thể
lao động xuất sắc”
Danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” để tặng hằng
năm cho tập thể đạt các tiêu chuẩn sau đây:
1. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao;
2. Tích cực tham gia phong trào thi đua thường
xuyên, thiết thực, hiệu quả;
3. Có 100% cá nhân trong Thường trực Hội đồng
Dân tộc, Thường trực Ủy ban, Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thành nhiệm
vụ được giao, trong đó có ít nhất là 70% cá nhân đạt danh hiệu “Lao động tiên
tiến”;
4. Có cá nhân đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ
sở”;
5. Nội bộ đoàn kết, gương mẫu chấp hành tốt chủ
trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Điều 13. Danh hiệu “Tập thể
lao động tiên tiến”
Danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến” để tặng hằng
năm cho tập thể đạt các tiêu chuẩn sau đây:
1. Hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao;
2. Tham gia phong trào thi đua thường xuyên, thiết
thực, hiệu quả;
3. Có ít nhất là 70% cá nhân trong Thường trực Hội
đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban, Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đạt danh
hiệu “Lao động tiên tiến” và không có cá nhân bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo
trở lên;
4. Nội bộ đoàn kết, chấp hành tốt chủ trương của
Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Chương III
HÌNH THỨC, ĐỐI TƯỢNG VÀ
TIÊU CHUẨN KHEN THƯỞNG
Điều 14. Các hình thức khen
thưởng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
1. Kỷ niệm chương
“Vì sự nghiệp Quốc hội Việt Nam”.
2. Bằng khen.
Điều 15. Kỷ niệm chương “Vì
sự nghiệp Quốc hội Việt Nam”
Việc xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Quốc
hội Việt Nam” thực hiện theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Điều 16. Bằng khen
1. Bằng khen do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tặng
hoặc truy tặng cho đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở trung ương, Trưởng
ban và Phó Trưởng ban các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội gương mẫu chấp
hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đạt một
trong các tiêu chuẩn sau đây:
a) Có thành tích xuất sắc được bình xét trong
phong trào thi đua do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát động;
b) Lập được nhiều thành tích hoặc thành
tích đột xuất, có phạm vi ảnh hưởng trong cơ quan của Quốc hội, Ban thuộc Ủy
ban Thường vụ Quốc hội;
c) Có đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội,
ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công tác xã hội, từ thiện nhân đạo;
d) Có 02 lần liên tục được tặng danh hiệu
“Chiến sĩ thi đua cơ sở” hoặc có liên tục từ 02 năm trở lên được công nhận hoàn
thành xuất sắc nhiệm vụ, trong thời gian đó có 02 sáng kiến được công nhận và
áp dụng có hiệu quả trong phạm vi cơ quan của Quốc hội, Ban thuộc Ủy ban Thường
vụ Quốc hội hoặc có 02 đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học
và công nghệ đã được nghiệm thu và áp dụng hiệu quả trong phạm vi cơ quan của
Quốc hội, Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
2. Bằng khen do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tặng
hoặc truy tặng cho Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội,
Trợ lý của Chủ tịch Quốc hội, Trợ lý của Phó
Chủ tịch Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, Phó Viện trưởng Viện
Nghiên cứu lập pháp, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở địa
phương và đại biểu Quốc hội hoạt động không chuyên trách gương mẫu chấp hành tốt
chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và có thành tích xuất sắc
được bình xét trong phong trào thi đua do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát động.
3. Bằng khen do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tặng
cho Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội
gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước,
nội bộ đoàn kết và đạt một trong các tiêu chuẩn sau đây:
a) Có thành tích xuất sắc được bình xét trong
phong trào thi đua do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát động;
b) Lập thành tích xuất sắc đột xuất, có phạm vi ảnh
hưởng trong cơ quan của Quốc hội, Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
c) Có đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội,
ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công tác xã hội, từ thiện nhân đạo;
d) Có 02 năm liên tục được công nhận hoàn
thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, thực
hiện tốt dân chủ ở cơ sở, tổ chức tốt các phong trào thi đua; chăm lo đời sống
vật chất, tinh thần trong tập thể; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phòng,
chống tham nhũng, tiêu cực.
4. Trường hợp khác do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết
định.
Chương IV
THẨM QUYỀN ĐỀ NGHỊ TẶNG,
HỒ SƠ, THỦ TỤC XÉT TẶNG, QUYẾT ĐỊNH TẶNG DANH HIỆU THI ĐUA, HÌNH THỨC KHEN THƯỞNG
Điều 17.
Thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tặng:
1. Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ quan của Quốc hội”;
2. Danh hiệu “Tập thể lao động
tiên tiến”, “Tập thể lao động xuất sắc”, “Cờ thi đua cơ quan
của Quốc hội”;
3. Bằng khen.
Điều 18. Thẩm quyền của Thường
trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội, Ban thuộc Ủy ban Thường
vụ Quốc hội
1. Thường trực Hội đồng Dân tộc,
Thường trực Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo Ban thuộc Ủy ban
Thường vụ Quốc hội quyết định tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến
sĩ thi đua cơ sở”; đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng
khác.
2. Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy
ban của Quốc hội, lãnh đạo Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng thời là Hội
đồng Thi đua - Khen thưởng cơ sở, Hội đồng sáng kiến cơ sở xem xét, quyết định
tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ thi đua cơ sở”.
3. Ban Công tác đại biểu thẩm
định hồ sơ, trình Hội đồng Thi đua - Khen thưởng bình xét thi đua, xét khen thưởng.
Trên cơ sở ý kiến của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng, Ban Công tác đại biểu
trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tặng các danh
hiệu thi đua quy định tại điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 7 và
hình thức khen thưởng quy định tại khoản 2 Điều 14 của Nghị quyết
này hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xét
tặng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng cấp Nhà nước quy định tại khoản
4 Điều này.
4. Căn cứ ý kiến của Ủy
ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban
Công tác đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xét tặng thưởng Huân chương, Huy chương, “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước”, danh hiệu
vinh dự nhà nước; đề nghị Chính phủ xét tặng “Cờ thi đua của Chính phủ”; đề nghị Thủ tướng Chính
phủ xét tặng “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ”, danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” cho Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy
ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở trung ương,
lãnh đạo các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
5. Ban Công tác đại biểu tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về đề nghị khen thưởng đối
với Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, Phó Trưởng đoàn đại
biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách được giao phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội
khi có yêu cầu.
Điều 19.
Thủ tục xét tặng, đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng
1. Thủ tục xét tặng, đề nghị
xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết
định được thực hiện như sau:
a) Thường trực Hội đồng Dân tộc,
Thường trực Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp
bình xét danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng cho cá
nhân, tập thể; gửi văn bản đề nghị xét tặng đến Hội đồng Thi đua - Khen thưởng (qua Ban Công tác đại biểu);
b) Ban Công tác đại biểu thẩm định,
trình Hội đồng Thi đua - Khen thưởng;
c) Hội đồng Thi đua -
Khen thưởng họp bình xét thi đua, xét khen thưởng;
d) Ban Công tác đại biểu lập hồ sơ đề nghị khen
thưởng theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 20 của Nghị quyết
này trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định;
đ) Ủy ban Thường vụ Quốc hội
quyết định tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng theo thẩm quyền.
2. Thủ tục đề nghị xét tặng
danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cấp Nhà nước được thực hiện như sau:
a) Thường trực Hội đồng Dân tộc,
Thường trực Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp
bình xét danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng cho cá
nhân, tập thể, gửi văn bản đề nghị xét tặng đến Hội đồng Thi đua - Khen thưởng (qua Ban Công tác đại biểu);
b) Ban Công tác đại biểu thẩm định,
trình Hội đồng Thi đua - Khen thưởng;
c) Hội đồng Thi đua -
Khen thưởng họp bình xét thi đua, xét khen thưởng;
d) Ban Công tác đại biểu lập hồ sơ theo quy định
tại khoản 1 Điều 20 của Nghị quyết này trình Ủy ban Thường vụ
Quốc hội; trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng
Ban Công tác đại biểu đề nghị cấp có thẩm quyền xét tặng.
3. Việc khen
thưởng quá trình cống hiến của đại biểu
Quốc hội hoạt động chuyên trách ở trung ương và cán bộ, công chức thuộc thẩm
quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được thực hiện như sau:
a) Sau khi có thông báo nghỉ hưu,
cá nhân gửi Báo cáo tóm tắt thành tích đến Ban Công tác đại biểu để thẩm định,
trình Hội đồng Thi đua - Khen thưởng họp, xét khen thưởng;
b) Ban Công tác đại biểu lập
hồ sơ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội; trên cơ sở ý kiến của Ủy
ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị cấp có thẩm quyền
xét tặng.
4. Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội,
lãnh đạo Viện Nghiên cứu lập pháp, Đoàn đại biểu Quốc hội bình xét hình thức
khen thưởng đối với Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý của Chủ
tịch Quốc hội, Trợ lý của Phó Chủ tịch Quốc hội, Viện trưởng, Phó Viện trưởng
Viện Nghiên cứu lập pháp, cán bộ, công chức khác thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy
ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở địa phương
và đại biểu Quốc hội hoạt động không chuyên trách ở cơ quan mình khi sơ kết, tổng
kết phong trào thi đua do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát động và gửi đến Ủy ban
Thường vụ Quốc hội (qua Ban Công tác đại biểu).
Ban Công tác đại biểu tổng hợp, thẩm
định, trình Hội đồng Thi đua - Khen thưởng họp, xét khen thưởng. Ban
Công tác đại biểu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết
định tặng theo thẩm quyền hoặc giao Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị cấp có
thẩm quyền xét tặng hình thức khen thưởng cấp Nhà nước.
5. Việc công khai kết quả xét tặng hình thức
khen thưởng huân chương, huy chương, “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà
nước”, danh hiệu vinh dự nhà nước và các hình thức khác thực hiện theo quy định
của pháp luật về thi đua, khen thưởng.
Điều 20. Hồ
sơ xét tặng, đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng
1. Hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền của Chủ tịch
nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho cá nhân, tập thể được thực hiện
theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.
2. Hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua do Ủy
ban Thường vụ Quốc hội tặng cho cá nhân, tập thể được lập thành 01 bộ gồm:
a) Tờ trình của Ban Công tác đại biểu;
b) Báo cáo thành tích của cá nhân, tập thể;
c) Biên bản bình xét thi đua và kết quả bỏ phiếu
của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng;
d) Đề nghị xét tặng của Thường trực Hội đồng Dân
tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội, Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
đ) Chứng nhận hoặc xác nhận của cơ quan, tổ chức
có thẩm quyền đối với sáng kiến hoặc đề tài khoa học, đề án khoa học, công
trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu, áp dụng hiệu quả trong phạm vi
các cơ quan của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
e) Tài liệu khác có liên quan (nếu có).
3. Hồ sơ đề nghị xét tặng Bằng khen do Ủy ban
Thường vụ Quốc hội tặng cho cá nhân, tập thể được lập thành 01 bộ gồm:
a) Tờ trình của Ban Công tác đại biểu;
b) Báo cáo thành tích của cá nhân, tập thể;
c) Biên bản xét khen thưởng và kết quả bỏ phiếu
của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng;
d) Đề nghị khen thưởng của Thường trực Hội đồng
Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy
ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội;
đ) Trường hợp cá nhân, tập thể được đề nghị khen
thưởng Bằng khen do lập được nhiều thành tích hoặc thành tích đột xuất, có phạm
vi ảnh hưởng trong cơ quan của Quốc hội, Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc
có đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ
thuật, công tác xã hội, từ thiện nhân đạo thì phải có chứng nhận hoặc xác nhận
của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về thành tích đề nghị khen thưởng;
e) Tài liệu khác có liên quan (nếu có).
4. Hồ sơ khen thưởng đối với danh hiệu “Chiến sĩ
thi đua cơ sở” gồm:
a) Báo cáo thành tích của cá nhân;
b) Biên bản họp và kết quả bỏ phiếu của Thường
trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo Ban thuộc Ủy
ban Thường vụ Quốc hội;
c) Chứng nhận hoặc xác nhận của cơ quan, tổ chức
có thẩm quyền đối với sáng kiến hoặc quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm
quyền đối với đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ
đã được nghiệm thu;
d) Tài liệu khác có liên quan (nếu có).
Điều 21.
Thời hạn gửi hồ sơ xét tặng danh hiệu thi đua cấp Nhà nước
1. Hồ sơ xét tặng danh
hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” được gửi đến Ban
Công tác đại biểu chậm nhất vào ngày 30 tháng 10 của năm liền kề.
2. Hồ sơ xét tặng danh
hiệu “Cờ thi đua của Chính phủ” được gửi đến Ban Công
tác đại biểu chậm nhất vào ngày 30 tháng 4 hằng năm.
Điều 22. Trao
tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng
Các danh hiệu thi đua, hình thức
khen thưởng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ
tịch nước đối với cá nhân, tập thể do Ban Công tác đại biểu chủ trì, phối hợp với
Văn phòng Quốc hội tham mưu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức lễ trao tặng.
Điều 23.
Quản lý hồ sơ, tài liệu liên quan đến công tác thi đua, khen thưởng
1. Ban Công tác đại biểu có
trách nhiệm quản lý hồ sơ, tài liệu liên quan đến công tác thi đua, khen thưởng
của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
2. Thường trực Hội đồng
Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội,
Văn phòng Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội có trách nhiệm quản lý, lưu trữ hồ
sơ, tài liệu liên quan đến công tác thi đua, khen thưởng của cơ quan mình theo
quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.
Chương
V
HỘI ĐỒNG THI ĐUA - KHEN
THƯỞNG, HỘI ĐỒNG SÁNG KIẾN
Điều 24.
Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng
1. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng là cơ quan do Ủy ban Thường vụ
Quốc hội thành lập (trong Nghị quyết này gọi là Hội đồng Thi đua - Khen thưởng),
có trách nhiệm tham mưu, tư vấn cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác thi
đua, khen thưởng.
2. Thành phần Hội đồng Thi đua - Khen thưởng gồm:
a) Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng do Ủy ban Thường vụ Quốc hội
phân công;
b) Hội đồng Thi đua - Khen
thưởng có không quá 04 Phó Chủ tịch và các Ủy viên. Trưởng Ban Công tác đại biểu
là Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng.
3. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng
có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Tham mưu giúp Ủy
ban Thường vụ Quốc hội phát động phong trào thi đua theo thẩm quyền;
b) Định kỳ đánh giá kết quả phong trào thi đua
và công tác khen thưởng; tham mưu việc sơ kết, tổng kết công tác thi đua, khen
thưởng; kiến nghị, đề xuất các chủ trương, biện pháp đẩy mạnh phong trào thi
đua; tổ chức thi đua theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng;
c) Tham mưu giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiểm
tra phong trào thi đua và việc thực hiện quy định của pháp luật về thi đua,
khen thưởng;
d) Tham mưu, tư vấn cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội
xem xét, quyết định tặng, truy tặng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng
thuộc thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xét tặng;
đ) Thành lập khối thi đua
theo đề nghị của Trưởng Ban Công tác đại biểu.
4. Ban Công tác đại biểu là
cơ quan thường trực của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng.
5. Hội đồng Thi
đua - Khen thưởng làm việc theo Quy chế hoạt động do Chủ tịch Hội đồng Thi đua
- Khen thưởng ban hành.
Điều 25.
Hội đồng sáng kiến
Hội đồng Thi đua - Khen thưởng đồng thời là Hội đồng sáng kiến có nhiệm vụ giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội
công nhận hiệu quả áp dụng, khả năng nhân rộng của sáng kiến. Hội đồng sáng kiến làm việc theo quy chế hoạt động do Chủ tịch
Hội đồng sáng kiến ban hành.
Chương
VI
ĐIỀU KHOẢN
THI HÀNH
Điều
26. Hiệu lực thi hành
Nghị quyết này có hiệu
lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 02 năm 2024.
Điều 27.
Điều khoản thi hành
1. Mẫu Bằng chứng nhận “Chiến sĩ thi đua cơ quan
của Quốc hội”, mẫu “Cờ thi đua cơ quan của Quốc hội” và mẫu “Bằng khen” quy định
tại Nghị quyết này thực hiện tương ứng theo mẫu danh hiệu thi đua, bằng khen của
Bộ, ban, ngành, tỉnh theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.
2. Mẫu huy hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ quan của Quốc
hội” do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Ban Công tác đại
biểu. Mẫu huy hiệu gồm:
a) Cuống huy hiệu: kích thước 25
mm x 13 mm; nền màu đỏ cờ, ở giữa có ngôi sao màu vàng;
b) Thân huy hiệu: Hình sao vàng năm cánh dập nổi, đường kính đường tròn
ngoại tiếp năm đỉnh sao bằng 40 mm, phía trong có logo Nhà Quốc hội, xung quanh
có dòng chữ “CHIẾN SĨ THI ĐUA” và “CƠ QUAN CỦA QUỐC HỘI” màu đỏ, giữa hai dòng
chữ là hai ngôi sao.
3. Danh hiệu thi đua
“Chiến sĩ thi đua cơ quan của Quốc hội”, “Cờ thi đua cơ quan của Quốc hội” và
“Bằng khen” quy định tại Nghị quyết này được công nhận như danh hiệu thi đua, bằng
khen của Bộ, ban, ngành, tỉnh khi xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen
thưởng cấp Nhà nước. Việc Hội đồng Thi đua - Khen thưởng xem xét, đề nghị cấp
có thẩm quyền xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cấp Nhà nước được
thực hiện như đối với Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ, ban, ngành, tỉnh.
4. Việc xác định tính liên tục của các danh hiệu
thi đua đã được tặng trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành để làm cơ sở
xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cao hơn đối với đại biểu Quốc
hội khóa XV hoạt động chuyên trách ở trung ương trúng cử lần đầu thực hiện theo
hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
5. Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng
Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội
và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và
tập thể, cá nhân có liên
quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.
6. Ban Công tác đại biểu là
cơ quan tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác thi đua, khen thưởng;
có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan
tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cá
nhân, tập thể thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này được Ủy ban
Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV thông qua
ngày 05 tháng 02 năm 2024.
E-Pas: 10842
|
TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
CHỦ TỊCH
Vương Đình Huệ
|