NGHỊ QUYẾT
VỀ HOẠT ĐỘNG CHẤT VẤN
TẠI PHIÊN HỌP THỨ 31 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI KHÓA XV
ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC
HỘI
Căn
cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam;
Căn
cứ Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13 đã
được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số
65/2020/QH14;
Căn
cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng
nhân dân số 87/2015/QH13;
Trên
cơ sở kết quả chất vấn và trả lời
chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
QUYẾT NGHỊ:
1. Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao
sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chất lượng, tinh thần trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc
hội, cũng như trách nhiệm giải trình, làm rõ vấn đề và các giải pháp, cam kết của
Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Ngoại giao tại phiên chất vấn.
2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ
tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tập trung thực hiện
một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản
lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn. Cụ thể:
2.1.
Đối với lĩnh vực tài chính
Phát triển toàn diện thị trường bảo hiểm đáp ứng
nhu cầu của các cá nhân, tổ chức trong nền kinh tế. Đa dạng và chuyên nghiệp
hóa kênh phân phối bảo hiểm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận
với các dịch vụ của bảo hiểm, đặc biệt là đối tượng khách hàng có thu nhập thấp;
công khai, minh bạch thông tin về sản phẩm và doanh nghiệp bảo hiểm; nâng cao
chất lượng tư vấn bảo hiểm. Thực hiện nghiêm quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Các tổ chức tín dụng về việc không được ép
buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức, nhất là việc bán bảo
hiểm kèm với những sản phẩm của ngân hàng. Tiếp tục tăng cường thanh tra, giám
sát hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm và xử lý nghiêm các trường hợp vi
phạm.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về kế toán,
kiểm toán, thẩm định giá, dịch vụ xếp hạng tín nhiệm và chương trình hưu trí bổ
sung tự nguyện theo hướng tiếp cận với chuẩn mực và thông lệ quốc tế, phù hợp với
điều kiện của Việt Nam. Rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán độc lập; sửa đổi điều kiện kinh
doanh dịch vụ kế toán trong Luật Kế toán và Luật Quản lý thuế. Nâng cao chất lượng thẩm định,
cấp phép hoạt động của các công ty làm dịch vụ liên quan đến tài chính; tăng cường
số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ kế toán viên, kiểm toán viên trong bối
cảnh hội nhập quốc tế. Phát huy vai trò của các hiệp hội ngành nghề dịch vụ tài
chính, nâng cao chất lượng đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề, đề cao đạo đức nghề
nghiệp của người hành nghề dịch vụ tài chính, cũng như trách nhiệm của các
thành viên, hội viên, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành nghiêm quy định của
pháp luật.
Hoàn thiện khung pháp lý đối với lĩnh vực xổ số, đặt
cược, casino và trò chơi có thưởng. Chậm nhất là năm 2025, hoàn thành việc sửa
đổi Nghị định số 06/2017/NĐ-CP ngày
24/01/2017 của Chính phủ về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc
tế. Từng bước tái cơ cấu thị trường xổ số theo hướng hiện đại, công khai, minh
bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong
hoạt động quản lý, kinh doanh xổ số; sử dụng nguồn thu từ xổ số và trò chơi có
thưởng để đầu tư phát triển, trong đó chú trọng đầu tư cho các lĩnh vực y tế,
giáo dục, an sinh xã hội và các chương trình, dự án trọng điểm liên vùng, dự án
quan trọng quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, tăng cường
quản lý, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm, bảo đảm an ninh, trật tự xã hội.
Tiếp tục xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện
đại, ngang tầm hải quan các nước phát triển trên thế giới. Đến năm 2025, cơ bản
hoàn thành Hải quan số với 100% các thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp phép,
kiểm tra chuyên ngành cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh được thực hiện
thông qua Cơ chế một cửa quốc gia; 100% thủ tục hành chính có nhu cầu sử dụng
cao được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình; xây dựng, phát triển hệ
thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan hiện đại, đội ngũ công chức hải quan các cấp
có chất lượng, đáp ứng yêu cầu triển khai Hải quan số.
Ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản hướng dẫn thi
hành Luật Giá (sửa đổi), nhất là quy định về Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam,
bảo đảm đồng bộ hệ thống văn bản khi Luật có hiệu lực thi hành từ ngày
01/7/2024. Tăng cường công tác quản lý giá, góp phần sử dụng hiệu quả nguồn
ngân sách nhà nước và các nguồn lực tài chính hợp pháp khác. Chủ động, kịp thời
phân tích, dự báo giá cả thị trường để xây dựng và cập nhật các kịch bản điều
hành nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu của Quốc hội đề ra. Tiếp tục thực hiện
điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình đối với các mặt hàng do Nhà nước quản
lý theo nguyên tắc thị trường, trên cơ sở đánh giá, tính toán kỹ tác động để
tránh gây xáo trộn lớn về mặt bằng giá cả. Đến năm 2025, hoàn chỉnh hệ thống cơ
sở dữ liệu quốc gia về giá, bảo đảm khả năng kết nối dữ liệu đến các Bộ, ngành,
địa phương. Chủ động dự báo, có phương án bảo đảm cân đối cung cầu đối với các
mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, vật liệu xây dựng, lương thực, thịt lợn, các mặt
hàng thực phẩm tươi sống, vật tư nông nghiệp, dịch vụ vận tải..., không để xảy
ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến.
Tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực,
thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn ngành, nhất là lĩnh vực hải quan
và giá; đồng thời, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, thực hiện thủ
tục hành chính và thực thi công vụ của cán bộ, công chức, kịp thời xử lý nghiêm
các trường hợp vi phạm.
2.2.
Đối với lĩnh vực ngoại giao
Tiếp tục quán triệt sâu sắc, thể chế hóa đầy đủ các
nghị quyết của Đảng liên quan đến công tác ngoại giao, nhất là nghị quyết số
34-NQ/TW ngày 09/01/2023 của Bộ Chính trị về một số định hướng, chủ trương lớn
triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng. Đẩy mạnh công tác ngoại
giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030. Tăng cường rà soát, đôn
đốc việc thực hiện các Điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; trong đó, tập
trung vào các Điều ước, thỏa thuận quan trọng. Kiện toàn và nâng cao hiệu quả
hoạt động của các Ủy ban liên Chính phủ, Ủy ban hỗn hợp song phương. Kịp thời cảnh
báo các rủi ro, các rào cản kỹ thuật, nguy cơ tranh chấp thương mại để kiến nghị
điều chỉnh chính sách phù hợp; hỗ trợ xác minh đối tác nước ngoài, bảo vệ lợi
ích chính đáng của doanh nghiệp. Thúc đẩy đưa hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu
vào các thị trường lớn, còn nhiều tiềm năng. Tăng cường phối hợp đàm phán mở mới,
nâng cấp các cửa khẩu để phát triển kinh tế, nhất là kinh tế thương mại khu vực
biên giới, cửa khẩu. Xây dựng tiêu chuẩn và triển khai các giải pháp để phát
triển có hiệu quả ngành cung cấp các sản phẩm và dịch vụ hợp chuẩn cho người Hồi
giáo (Halal) tại Việt Nam, mở rộng tiếp cận thị trường Halal còn nhiều tiềm
năng.
Phát huy vai trò của mạng lưới các cơ quan đại diện
Việt Nam ở nước ngoài, là cầu nối hỗ trợ cho các cấp, các ngành, doanh nghiệp
và địa phương tiếp cận và nắm bắt cơ hội về khoa học - công nghệ, giáo dục và
đào tạo, xu thế phát triển số, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh... Tiếp tục tham
mưu, thúc đẩy ký kết, sửa đổi, bổ sung các hiệp định, thỏa thuận; đàm phán, ký
kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mới theo hướng chọn lọc, ưu tiên các
FTA thế hệ mới trên nguyên tắc bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc và
thúc đẩy quan hệ thương mại quốc tế theo chiều sâu, hiệu quả và thực chất.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả, đổi mới nội dung, hình
thức, phương thức của công tác ngoại giao văn hóa, thông tin tuyên truyền đối
ngoại; tích cực, chủ động hợp tác song phương và đa phương về du lịch. Gắn kết
chặt chẽ ngoại giao văn hóa với ngoại giao kinh tế, góp phần thúc đẩy xuất khẩu,
thu hút đầu tư, du lịch, hợp tác khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo điều
kiện thuận lợi để đất nước phát triển nhanh, bền vững. Tiếp tục phát huy lợi thế
của các cơ quan đại diện và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong xúc tiến,
quảng bá du lịch. Đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức dạy tiếng Việt cho người
Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài ở Việt Nam. Thúc đẩy quan hệ hợp tác
giữa Việt Nam và UNESCO về bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa. Tận dụng tốt
các nền tảng số để quảng bá hiệu quả, sáng tạo hơn hình ảnh đất nước, con người
Việt Nam; tăng cường phối hợp xây dựng kế hoạch, chương trình xúc tiến du lịch,
kết hợp với các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư. Chủ động đề xuất mở rộng
danh sách miễn thị thực đơn phương; thúc đẩy đàm phán, ký kết điều ước quốc tế
về miễn thị thực cho người mang hộ chiếu phổ thông với một số nước trên cơ sở
có đi có lại.
Nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách
về bảo hộ công dân và người Việt Nam ở nước ngoài. Triển khai toàn diện, hiệu quả
công tác bảo hộ công dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Làm tốt công
tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là thế hệ trẻ để phát huy sức mạnh
đại đoàn kết toàn dân tộc, thúc đẩy xây dựng các cơ chế, chính sách, hoàn thiện
hệ thống pháp luật nhằm phát huy hơn nữa nguồn lực của người Việt Nam ở nước
ngoài, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó có giải pháp
kết nối, tranh thủ nguồn lực tri thức của người Việt Nam ở nước ngoài. Rà soát,
hoàn thiện các quy chế, cơ chế tài chính, quy trình xử lý công tác bảo hộ công
dân, có phương án để sẵn sàng sơ tán công dân, nhất là tại các địa bàn có nguy
cơ xảy ra xung đột; xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành để bảo hộ công dân
trong các tình huống khủng hoảng; hợp tác chặt chẽ với các nước sở tại để giải
cứu công dân bị cưỡng bức lao động và nạn nhân của tội phạm mua bán người. Tăng
cường công tác kiểm tra, giám sát, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong
triển khai việc bảo hộ công dân.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực
đối ngoại đáp ứng yêu cầu công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế trong tình
hình mới. Trong đó, tập trung nghiên cứu xây dựng dự án Luật về hàm, cấp ngoại
giao thay cho Pháp lệnh về hàm, cấp ngoại giao hiện hành; dự án Luật về quyền
ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ
quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Nghiên cứu, tham mưu phương án
mở thêm cơ quan đại diện tại một số địa bàn quan trọng; có kế hoạch xây dựng, cải
tạo trụ sở và điều kiện làm việc của các cơ quan đại diện đồng bộ, hiện đại phù
hợp với thế và lực của đất nước nhằm tăng cường năng lực triển khai hoạt động đối
ngoại, bảo vệ quyền và lợi ích của công dân và pháp nhân Việt Nam trong tình
hình mới. Kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ngành
Ngoại giao. Nghiên cứu chế độ, chính sách gắn với hàm, cấp ngoại giao đối với
cán bộ ngoại giao trong nước; chính sách đối với thành viên cơ quan đại diện Việt
Nam ở nước ngoài đáp ứng yêu cầu đối ngoại, cân đối với mặt bằng chung của khu
vực ASEAN. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trọng dụng, thu hút
nhân tài. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tham mưu, dự báo chiến lược về đối ngoại;
nhạy bén phát hiện các vấn đề mới, nhận diện chính xác thời cơ, định vị đúng vị
thế chiến lược của đất nước và tranh thủ tốt các xu thế quốc tế để chủ động có
chủ trương, quyết sách, bước đi đối ngoại phù hợp. Khẩn trương ban hành Đề án
Chiến lược xây dựng và phát triển ngành Ngoại giao đến năm 2030, tầm nhìn đến
năm 2045.
3. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ
trưởng cơ quan ngang Bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm
sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân
dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của
mình, có trách nhiệm thực hiện Nghị quyết; Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao chủ trì,
phối hợp với các Bộ, ngành liên quan báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn
bản về việc thực hiện Nghị quyết vào tháng 9 hằng năm.
Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại
biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức
chính trị - xã hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm
giám sát việc thực hiện Nghị quyết. Trên cơ sở Nghị quyết và thực tiễn thi hành
pháp luật, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội chủ động tổ chức các phiên
giải trình thuộc lĩnh vực phụ trách, góp phần giải quyết có hiệu quả các vấn đề
thực tiễn đặt ra, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của đồng bào, cử tri và Nhân dân
cả nước.
4. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày ký
ban hành.
Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- TANDTC, VKSNDTC, KTNN;
- TTKQH;
- HĐDT, UB của QH; cơ quan thuộc UBTVQH;
- VPCP, VPCTN, VPQH;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ;
- UBND, HĐND, Đoàn ĐBQH các tỉnh,
TP trực thuộc TW;
- Các vị đại biểu Quốc hội; .
- Các Vụ, đơn vị của VPQH;
- Lưu: HC, GS;
- Epas: 28461
|
TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
CHỦ TỊCH
Vương Đình Huệ
|