TỔNG CỤC THUẾ
CỤC THUẾ TP HÀ NỘI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 24666/CT-TTHT
V/v chính
sách thuế GTGT đối với hoạt động xây dựng, lắp đặt trong khu phi thuế quan
|
Hà Nội, ngày 17 tháng 4 năm 2020
|
Kính gửi: Cổng Thông tin điện tử - Bộ
Tài chính
Cục Thuế TP Hà Nội nhận được Phiếu chuyển số
231/PC-TCT ngày 23/03/2020 của Tổng cục Thuế chuyển thư hỏi của Độc giả Hải
Thanh Phan ở Hà Nội (phiếu hỏi đáp số 190320-15) do Cổng thông tin điện tử - Bộ
Tài chính chuyển đến (sau đây gọi là “Độc giả”) hỏi về việc chính sách thuế
GTGT.
- Căn cứ Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của
Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành luật thuế giá trị gia tăng và nghị định số
209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi
hành một số điều luật thuế giá trị gia tăng:
+ Tại Điều 4 quy định về đối tượng không chịu thuế
GTGT:
“20. Hàng hóa chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt
Nam; hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu; hàng tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu;
nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu theo hợp
đồng sản xuất, gia công xuất khẩu ký kết với bên nước ngoài.
Hàng hóa, dịch vụ được mua bán giữa nước ngoài với
các khu phi thuế quan và giữa các khu phi thuế quan với nhau.
Khu phi thuế quan bao gồm: khu chế
xuất, doanh nghiệp chế xuất, kho bảo thuế, khu bảo thuế, kho ngoại quan, khu
kinh tế thương mại đặc biệt, khu thương mại - công nghiệp và các khu vực kinh tế
khác được thành lập và được hưởng các ưu đãi về thuế như khu phi thuế quan theo Quyết định của Thủ
tướng Chính phủ. Quan hệ mua bán trao đổi hàng hóa giữa các khu này với bên
ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu.”
+ Tại Điều 9 quy định về thuế suất 0%:
“1. Thuế suất 0%: áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ
xuất khẩu; hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài và ở trong khu
phi thuế quan; vận tải quốc tế; hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không chịu thuế
GTGT khi xuất khẩu, trừ các trường hợp không áp dụng mức thuế suất 0% hướng dẫn
tại khoản 3 Điều này.
Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu là hàng
hóa, dịch vụ được bán, cung ứng cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài và tiêu
dùng ở ngoài Việt Nam; bán, cung ứng cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan; hàng hóa, dịch vụ cung cấp
cho khách hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật.
Điều kiện áp dụng thuế suất 0%:
...b) Đối với dịch vụ xuất khẩu:
- Có hợp đồng cung ứng dịch vụ với tổ chức, cá nhân ở
nước ngoài hoặc ở trong khu phi thuế quan;
- Có chứng từ thanh toán tiền dịch vụ xuất khẩu qua
ngân hàng và các chứng từ khác theo quy định của pháp luật;
Riêng đối với dịch vụ sửa chữa tàu bay, tàu biển cung
cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, để được áp dụng thuế suất 0%, ngoài các điều
kiện về hợp đồng và chứng từ thanh toán nêu trên, tàu bay, tàu biển đưa vào Việt
Nam phải làm thủ tục nhập khẩu, khi sửa chữa xong thì phải làm thủ tục xuất khẩu.
...”
+ Tại Điều 19 quy định điều kiện và thủ tục hoàn thuế
GTGT:
“1. Các cơ sở kinh doanh, tổ chức thuộc đối tượng được
hoàn thuế GTGT theo hướng dẫn tại điểm 1, 2, 3, 4, 5 Điều 18 Thông tư này phải
là cơ sở kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khấu trừ, đã được cấp giấy chứng
nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy phép đầu tư (giấy phép hành nghề) hoặc quyết
định thành lập của cơ quan có thẩm quyền, có con dấu theo đúng quy định của
pháp luật, lập và lưu giữ sổ kế toán, chứng từ kế toán theo quy định của pháp
luật về kế toán; có tài khoản tiền gửi tại ngân hàng theo mã số thuế của cơ sở kinh doanh.
2. Các trường hợp cơ sở kinh doanh đã kê khai đề nghị
hoàn thuế trên Tờ khai thuế GTGT thì không được kết chuyển số thuế đầu vào đã đề
nghị hoàn thuế vào số thuế được khấu trừ của tháng tiếp sau.
3. Thủ tục hoàn thuế GTGT thực hiện theo quy định tại
Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.”
- Căn cứ Khoản 4 Điều 1 Thông tư số 130/2016/TT-BTC
ngày 12/8/2016 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Khoản 4 Điều 18 Thông tư số
219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính quy định hoàn thuế đối với
hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu:
“4. Hoàn thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu
a) Cơ sở kinh doanh trong tháng (đối với trường hợp
kê khai theo tháng), quý (đối với trường hợp kê khai theo quý) có hàng hóa, dịch
vụ xuất khẩu có số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ từ 300 triệu
đồng trở lên thì được hoàn thuế giá trị gia tăng theo tháng, quý; trường hợp
trong tháng, quý số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ chưa đủ
300 triệu đồng thì được khấu trừ vào tháng, quý tiếp theo.
Cơ sở kinh doanh trong tháng/quý vừa có hàng hóa, dịch
vụ xuất khẩu, vừa có hàng hóa, dịch vụ bán trong nước thì cơ sở kinh doanh phải
hạch toán riêng số thuế GTGT đầu vào sử dụng cho sản xuất kinh doanh hàng hóa,
dịch vụ xuất khẩu. Trường hợp không hạch toán riêng được thì số thuế giá trị
gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu được xác định theo tỷ lệ giữa
doanh thu của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu trên tổng doanh thu hàng hóa, dịch vụ của
các kỳ khai thuế giá trị gia tăng tính từ kỳ khai thuế tiếp theo kỳ hoàn thuế
liền trước đến kỳ đề nghị hoàn thuế hiện tại.
Số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu
(bao gồm số thuế GTGT đầu vào hạch toán riêng được và số thuế GTGT đầu vào được
phân bổ theo tỷ lệ nêu trên) nếu sau khi bù trừ với số thuế GTGT phải nộp của
hàng hóa, dịch vụ tiêu thụ trong nước còn lại từ 300 triệu đồng trở lên thì cơ sở
kinh doanh được hoàn thuế cho hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, số thuế GTGT được
hoàn của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu không vượt quá doanh thu của hàng hóa, dịch
vụ xuất khẩu nhân (x) với 10%.
Đối tượng được hoàn thuế trong một số trường hợp xuất
khẩu như sau: Đối với trường hợp ủy thác xuất khẩu, là cơ sở có hàng hóa ủy
thác xuất khẩu; đối với gia công chuyển tiếp, là cơ sở ký hợp đồng gia công xuất
khẩu với phía nước ngoài; đối với hàng hóa xuất khẩu để thực hiện công trình
xây dựng ở nước ngoài, là doanh nghiệp có hàng hóa, vật tư xuất khẩu thực hiện
công trình xây dựng ở nước ngoài; đối với hàng hóa xuất khẩu tại chỗ là cơ sở
kinh doanh có hàng hóa xuất khẩu tại chỗ.”
- Căn cứ Điều 10 Thông tư số 99/2016/TT-BTC ngày
29/6/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn về quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng quy
định về việc lập và gửi hồ sơ hoàn thuế:
“1. Hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng gồm:
- Giấy đề nghị hoàn trả Khoản thu ngân sách nhà nước
(mẫu 01/ĐNHT ban hành kèm theo Thông tư hướng dẫn Luật Quản lý thuế số
156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính) (sau đây gọi là Thông tư số
156/2013/TT-BTC).
- Các tài liệu khác theo quy định tại các Điều từ Điều
50 đến Điều 56 (trừ Điều 53) của Thông tư số 156/2013/TT-BTC.
2. Người nộp thuế là doanh nghiệp, tổ chức đáp ứng đầy
đủ các Điều kiện về khấu trừ, hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp
luật về thuế giá trị gia tăng và pháp luật về quản lý thuế, lập và gửi hồ sơ
hoàn thuế giá trị gia tăng đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế.
Chi nhánh, đơn vị phụ thuộc của người nộp thuế theo
quy định tại Khoản 1 Điều 45 Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 và không phải là
đơn vị kế toán lập báo cáo tài chính theo quy định tại Khoản 4 Điều 3 Luật Kế
toán số 88/2015/QH13, khi đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng phải có văn bản ủy
quyền của doanh nghiệp trụ sở chính theo quy định của pháp luật về ủy quyền.
3. Người nộp thuế được gửi hồ sơ hoàn thuế điện tử hoặc
nộp trực tiếp tại cơ quan thuế hoặc gửi qua đường bưu chính. Cụ thể:
a) Người nộp thuế gửi hồ sơ hoàn thuế điện tử qua Cổng
thông tin điện tử của Tổng
cục Thuế kể từ thời Điểm cơ quan thuế
chấp nhận giao dịch hoàn thuế điện tử theo quy định tại Thông tư số
110/2015/TT-BTC ngày 28/7/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử
trong lĩnh vực thuế (sau đây gọi là Thông tư số 110/2015/TT-BTC).
b) Người nộp thuế gửi trực tiếp hồ sơ hoàn thuế bằng
giấy hoặc gửi qua đường bưu chính đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp người nộp
thuế.
4. Người nộp thuế đã gửi hồ sơ đề nghị hoàn thuế đến
cơ quan thuế nhưng sau đó có văn bản hủy đề nghị hoàn thuế thì người nộp thuế
dược khai Điều chỉnh, bổ sung số thuế đề nghị hoàn chuyến khấu trừ tiếp vào tờ
khai thuế giá trị gia tăng của kỳ kê khai tiếp theo kể từ thời Điểm có văn bản
hủy đề nghị hoàn thuế, nếu đáp ứng đủ Điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng.
”
- Căn cứ Khoản 5 Điều 30 Nghị định số 82/2018/NĐ-CP
ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế,
quy định:
“5. Quan hệ trao đổi hàng hóa giữa các khu chế xuất,
doanh nghiệp chế xuất với các khu vực khác trên lãnh thổ Việt Nam, không phải
khu phi thuế quan, là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu trừ các trường hợp quy định
tại khoản 3 Điều này và các trường hợp không làm thủ tục hải quan do Bộ Tài
chính quy định.... ”
Căn cứ các quy định trên, trường hợp Công ty của Độc
giả cung cấp dịch vụ xây dựng, lắp đặt công trình trong khu phi thuế quan; dịch
vụ mà Công ty của Độc giả cung cấp đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Tiết
b Khoản 2 Điều 9 Thông tư số 219/2013/TT-BTC nêu trên thì dịch vụ xây dựng, lắp
đặt mà Công ty được xác định là dịch vụ xuất khẩu và áp dụng thuế suất thuế
GTGT 0%.
Trường hợp trong tháng (đối với trường hợp kê khai
theo tháng), trong quý (đối với trường hợp kê khai theo quý) có hàng hóa, dịch
vụ xuất khẩu mà Công ty của Độc giả có số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch
vụ xuất khẩu chưa được khấu trừ hết từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế
GTGT theo tháng/ quý; trường hợp trong tháng/ quý có số thuế GTGT đầu vào của
hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu chưa
được khấu trừ chưa đủ 300 triệu đồng thì được khấu trừ vào tháng/ quý tiếp
theo.
Về thủ tục hoàn thuế GTGT, đề nghị Độc giả nghiên cứu
và thực hiện theo quy định tại Thông tư 99/2016/TT-BTC nêu trên.
Cục Thuế TP Hà Nội trả lời để Cổng thông tin điện tử - Bộ Tài chính
được biết và hướng dẫn Độc giả thực hiện./.
Nơi nhận:
- Như
trên;
- Tổng cục Thuế (để b/c);
- Phòng DTPC;
- Lưu: VT, TTHT.
|
KT. CỤC
TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG
Nguyễn Tiến Trường
|