ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------
|
Số: 110/KH-UBND
|
Thừa Thiên Huế,
ngày 29 tháng 4 năm 2020
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN
KHAI ĐỀ ÁN “NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG THÔNG TIN CƠ SỞ DỰA TRÊN ỨNG DỤNG CÔNG
NGHỆ THÔNG TIN” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Thực hiện Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 20/01/2020
của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động
thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin, Ủy ban nhân dân tỉnh ban
hành Kế hoạch triển khai Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa
trên ứng dụng Công nghệ Thông tin” trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế gồm những nội
dung chính như sau .
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
- Hiện đại hóa hệ thống thông tin cơ sở nhằm đổi mới
phương thức cung cấp thông tin, nâng cao chất lượng nội dung thông tin để cung
cấp, trao đổi thông tin theo hướng chủ động, kịp thời, chính xác và hiệu quả.
- Phối hợp tốt với Bộ Thông tin và Truyền thông xây
dựng cơ sở dữ liệu, số hóa nguồn thông tin cơ sở đáp ứng yêu cầu cung cấp thông
tin nguồn tuyên truyền, phổ biến đến người dân và phục vụ công tác quản lý nhà
nước về thông tin cơ sở.
- Thực hiện thông tin hai chiều để người dân tiếp
nhận thông tin thiết yếu và phản ánh thông tin về hiệu quả thực thi chính sách,
pháp luật ở cơ sở đến các cơ quan quản lý thông qua hệ thống thông tin cơ sở.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025
- 100% thông tin thiết yếu từ hệ thống thông tin cơ
sở được phổ biến đến người dân; 100% ý kiến phản ánh của người dân về hiệu quả
thực thi chính sách, pháp luật ở cơ sở được tiếp nhận, xử lý trên hệ thống
thông tin cơ sở.
- 100% nội dung thông tin thiết yếu từ trung ương,
cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã để tuyên truyền, phổ biến đến người dân được cung
cấp trên hệ thống thông tin nguồn.
- 100% cán bộ làm công tác thông tin cơ sở các cấp
được bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin
để khai thác, biên soạn tài liệu, lưu trữ thông tin, quản lý và vận hành thiết
bị kỹ thuật phù hợp với vị trí việc làm.
3. Tầm nhìn đến năm 2030
- Người dân tiếp nhận đầy đủ thông tin thiết yếu và
phản ánh thông tin về hiệu quả thực thi các chính sách, pháp luật ở cơ sở trên
hệ thống thông tin cơ sở.
- Hiện đại hóa đồng bộ hệ thống thông tin cơ sở để
góp phần làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền và nâng cao hiệu lực quản lý
nhà nước về thông tin cơ sở.
II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống
truyền thanh cơ sở theo hướng hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin – viễn
thông
- Công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống truyền
thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh theo hướng hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông
tin – viễn thông (CNTT-VT) được thực hiện theo lộ trình sau:
a) Từ 2020 – 2021: Thực hiện khảo sát, đánh
giá hiện trạng cũng như hiệu quả sử dụng hệ thống đài truyền thanh xã, phường,
thị trấn trên địa bàn tỉnh. Từ đó xác định được nhu cầu cũng như các căn cứ về
điều kiện tự nhiên, mật độ dân cư, điểm tập trung đông dân cư để có phương án đầu
tư, thiết lập hệ thống truyền thanh cơ sở phù hợp với từng địa phương, tránh
lãnh phí.
b) Từ 2021 – 2022:
Thứ nhất: Thứ nhất: Từ kết quả khảo sát, đánh giá,
để thực hiện đầu tư thiết bị mới đối với các xã, phường, thị trấn có đài truyền
thanh xuống cấp, không còn khả năng sử dụng. Không để tồn tại vùng trũng về
truyền thanh cơ sở.
Thứ hai: Chọn thí điểm đầu tư, chuyển đổi một số
đài truyền thanh hữu tuyến/FM sang đài truyền thanh ứng dụng hệ thống thống truyền
thanh thông minh đảm bảo thông tin bảo mật, thiết bị gọn nhẹ. Sử dụng ứng dụng
mobile và hệ thống quản trị trên cloud để triển khai truyền thanh. (Ưu tiên những
đài đã hư hỏng, xuống cấp không còn hoạt động được). Đồng thời theo dõi, đánh
giá hiệu quả sử dụng.
c) Từ 2023 – 2025: Phấn đấu số đài truyền
thanh được đầu tư, chuyển đổi sang ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông
trên địa bàn tỉnh đạt 40%.
d) Từ 2025 – 2030: Phấn đấu số đài truyền
thanh được đầu tư, chuyển đổi sang ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông
trên địa bàn tỉnh đạt 95%.
- Việc đầu tư hệ thống truyền thanh cơ sở ứng dụng
CNTT-VT phải đảm bảo các yêu cầu sau:
+ Hệ thống truyền thanh cơ sở ứng dụng CNTT-VT phải
đảm bảo các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn thông tin theo quy định.
Sử dụng thiết bị có khả năng nhận thông tin từ một hệ thống biên tập thông tin
tập trung thông qua kết nối mạng viễn thông hoặc Internet.
- Thiết bị kết nối được với hệ thống phát thanh FM
của cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện, đài phát thanh - truyền hình cấp
tỉnh, Đài Tiếng nói Việt Nam và đảm bảo trong điều kiện đặc biệt (thiên tai, cố
ý phá hoại, xảy ra chiến tranh...) khi mạng viễn thông, Internet bị tấn công, hệ
thống không hoạt động được thì đài truyền thanh cơ sở vẫn có thể chuyển sang hoạt
động theo công nghệ phát sóng FM.
- Hệ thống truyền thanh cơ sở ứng dụng CNTT-VT được
kết nối trực tiếp đến hệ thống tác nghiệp trung tâm “Hệ thống thông tin nguồn
và thu thập, tổng hợp, phân tích, quản lý dữ liệu, đánh giá hiệu quả hoạt động thông
tin cơ sở” để nhận nội dung phát thanh.
- Hệ thống truyền thanh cơ sở ứng dụng CNTT-VT cần
được đảm bảo các thiết bị tối thiểu sau:
+ Bộ điều khiển thu phát thanh thông minh: Kết nối
Internet gửi, nhận lệnh từ trung tâm điều khiển và thông tin cần phát;
+ Bộ thu tín hiệu FM: Tiếp sóng tín hiệu FM của cơ
sở truyền thanh - truyền hình huyện, đài phát thanh - truyền hình tỉnh và Đài
Tiếng nói Việt Nam;
+ Hệ thống lưu trữ dữ liệu chương trình;
+ Microphone để thông báo;
+ Có thể sử dụng lại hệ thống loa còn hoạt động tốt
của đài truyền thanh hữu tuyến/truyền thanh FM để tránh lãng phí trong đầu tư
nâng cấp.
2. Thiết lập bảng tin điện tử
công cộng
- Thực hiện rà soát, đánh giá hiện trạng cũng như
hiệu quả của bảng điện tử công cộng hiện có trên địa bàn tỉnh.
- Xây dựng kế hoạch thiết lập các bảng tin điện tử
công cộng phục vụ nhiệm vụ chính trị và cung cấp thông tin thiết yếu phù hợp với
nhu cầu và điều kiện kinh tế, xã hội của các địa phương trên địa bàn tỉnh.
3. Nâng cao năng lực ứng dụng
công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ phụ trách về công nghệ thông tin và cán
bộ làm công tác thông tin cơ sở
- Thực hiện rà soát, xác định nhu cầu, từ đó hằng
năm xây dựng kế hoạch, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng,
nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ phụ trách về công nghệ thông tin và cán bộ làm
công tác thông tin cơ sở các cấp về các nội dung sau:
+ Tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng biên soạn, biên tập
tin, bài; nâng cao năng lực tổng hợp, phân tích, đánh giá chất lượng thông tin.
+ Tập huấn, bồi dưỡng về sử dụng công nghệ thông
tin, công nghệ số để quản lý, vận hành thiết bị kỹ thuật, an toàn, an ninh
thông tin.
+ Tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng biên soạn tài liệu
tuyên truyền, sản xuất nội dung chương trình, biên tập tin, bài phát thanh theo
hướng hiện đại.
4. Phối hợp xây dựng hệ thống
thông tin nguồn và thu thập, tổng hợp, phân tích, quản lý dữ liệu, đánh giá hiệu
quả hoạt động thông tin cơ sở
- Xây dựng hệ thống cung cấp thông tin nguồn và thu
thập, tổng hợp phân tích, quản lý dữ liệu theo mô hình phân cấp, phân tầng để
đánh giá hiệu quả hoạt động hệ thống thông tin cơ sở; xác định đây là nội dung
trọng tâm của Đề án.
- Hệ thống thông tin tại địa phương được triển khai
theo hình thức nhân rộng hệ thống của Trung ương. Để phối hợp với Bộ Thông tin
và Truyền thông trong quá trình xây dựng hệ thống, cần thực hực hiện rà soát,
kiểm tra, đánh giá cơ sở vật chất, từ đó thực hiện đầu tư, chuẩn bị hạ tầng cài
đặt, vận hành hệ thống thông tin nguồn và thu thập, tổng hợp, phân tích, quản
lý dữ liệu, đánh giá hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở tại địa phương;
- Hoàn thiện đầu tư hệ thống truyền thanh cơ sở ứng
dụng CNTT-VT trên địa bàn tỉnh, sẵn sàng kết nối với Hệ thống thông tin nguồn
và thu thập, tổng hợp, phân tích, quản lý dữ liệu, đánh giá hiệu quả hoạt động
thông tin cơ sở;
- Phối hợp chặt chẽ trong công tác thu thập, cung cấp
thông tin, dữ liệu để xây dựng hệ thống;
- Bố trí và đào tạo nhân sự phục vụ công tác thu thập,
tổng hợp, phân tích, quản lý dữ liệu, đánh giá hiệu quả hoạt động thông tin cơ
sở tại địa phương;
5. Tuyên truyền, phổ biến về ứng
dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thông tin cơ sở
- Tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của
các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị các cấp, nhất là người đứng
đầu về vai trò, tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin để chỉ đạo
xây dựng, củng cố, phát triển và hiện đại hóa hệ thống thông tin cơ sở.
- Tuyên truyền, phổ biến các ứng dụng công nghệ
thông tin trong hoạt động thông tin cơ sở đến đông đảo người dân. Công tác
tuyên truyền cần đặc biệt chú trọng đến người dân miền núi, vùng sâu, vùng xa.
- Công tác tuyên truyền cần triển khai một cách sâu
rộng, với nhiều hình thức và nội dung sinh động, phong phú. Cụ thể:
+ Thông tin trên báo chí, xuất bản phẩm, thông tin
điện tử, mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác.
+ Biểu dương, khen thưởng những mô hình hay, cách
làm sáng tạo ứng dụng CNTT trong hoạt động thông tin cơ sở.
+ Tuyên truyền, hướng dẫn người dân hưởng ứng việc
sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin trong việc góp ý, đánh giá hiệu quả thực
thi các chính sách, pháp luật và trao đổi thông tin tương tác hai chiều giữa
người dân với cơ quan quản lý nhà nước.
III. KINH PHÍ THỰC HIỆN
- Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch từ
ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành và các nguồn tài
chính hợp pháp khác. Các đơn vị, địa phương có liên quan căn cứ vào nhiệm vụ được
phân công xây dựng dự toán kinh phí trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Huy động từ các nguồn tài trợ, đóng góp của các tổ
chức, doanh nghiệp và các nguồn tài trợ hợp pháp khác.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Thông tin và Truyền thông
- Chủ trì hướng dẫn việc triển khai thực hiện Kế hoạch
này; kiểm tra, đôn đốc, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện báo cáo Bộ Thông
tin và Truyền thông và UBND tỉnh.
- Phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền
thông trong việc thực hiện các nhiệm vụ tại Quyết định 135/QĐ-TTg: xây dựng ứng
dụng trên thiết bị di động thông minh; xây dựng hệ thống thông tin nguồn và thu
thập, tổng hợp, phân tích, quản lý dữ liệu, đánh giá hiệu quả hoạt động thông
tin cơ sở; Biên soạn tài liệu bồi dưỡng, sách hướng dẫn kiến thức, kỹ năng,
nghiệp vụ về ứng dụng công nghệ thông tin dưới hình thức xuất bản in, xuất bản
điện tử; tuyên truyền, phổ biến về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động
thông tin cơ sở...
- Chỉ đạo các cơ quan báo chí thực hiện công tác phổ
biến, tuyên truyền nội dung Quyết định số 135/QĐ-TTg cho các cơ quan, đơn vị,
cán bộ, công chức thuộc phạm vi quản lý bằng hình thức phù hợp. Tuyên truyền,
phổ biến về các nhiệm vụ của Đề án trong hoạt động thông tin cơ sở tại địa
phương.
2. Sở Tài chính
Thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kinh
phí thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch này.
3. Sở Văn hóa và Thể thao
Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông trong việc
rà soát và thiết lập Bảng tin điện tử công cộng trên địa bản tỉnh theo quy định.
4. Các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh
Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông
cung cấp thông tin thuộc lĩnh vực quản lý để tuyên truyền, phổ biến trên hệ thống
thông tin cơ sở.
5. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố
Huế
- Chỉ đạo, định hướng và tổ chức đặt hàng các Trung
tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao cấp huyện thực hiện công tác thông tin, tuyên
truyền việc triển khai Quyết định số 135/QĐ-TTg tại địa phương.
- Phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền
thông trong việc thực các nhiệm vụ tại Phần II Kế hoạch này.
6. Các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh, Trung
tâm Văn hóa thông tin và thể thao các huyện, thị xã và thành phố Huế
- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thực hiện hướng
dẫn chuyên môn, nghiệp vụ và hỗ trợ kỹ thuật đối với Trung tâm Văn hóa – Thông
tin và Thể thao cấp huyện, hệ thống truyền thanh cấp xã.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các ứng
dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thông tin cơ sở đến đông đảo người
dân. Đặc biệt chú trọng nội dung tuyên truyền về sự cần thiết của việc đầu tư
chuyển đổi đài truyền thanh hữu tuyến/FM sang đài truyền thanh ứng dụng công nghệ
thông tin - viễn thông để các cấp, các ngành, đông đảo quần chúng nhân dân dân
nhận thức rõ việc hiện đại hóa hệ thống thông tin cơ sở là rất cần thiết và cấp
bách, phù hợp với xu thế chung của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần
nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền ở cơ sở và hiệu
lực quản lý nhà nước về thông tin cơ sở.
Trên đây là Kế hoạch triển khai Đề án nâng cao hiệu
quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin trên địa
bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương và các đơn vị
liên quan xây dựng Kế hoạch triển khai. Trong quá trình thực hiện, nếu phát
sinh khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh về UBND tỉnh (qua Sở Thông tin và
Truyền thông) để kịp thời giải quyết./.
Nơi nhận:
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Cục Thông tin cơ sở (Bộ TT&TT);
- TT Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- UBND các huyện, TX và TP Huế;
- Đài PTTH tỉnh, Báo Thừa Thiên Huế;
- CVP, PCVP UBND tỉnh;
- Lưu VT, GD.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Phan Thiên Định
|