BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG
NGHỆ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 3701/BKHCN-PTTTDN
V/v
hướng dẫn hình thành và phát triển trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng
tạo tại bộ, ngành, địa phương, tổ chức có tiềm năng phát triển khởi nghiệp
đổi mới sáng tạo
|
Hà Nội, ngày 20 tháng
12 năm 2021
|
Quyết định số 188/QĐ-TTg
của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số
844/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề
án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 được
ban hành ngày 09/02/2021, với trọng tâm hình thành và phát triển Trung tâm hỗ
trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại 03 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố
Hồ Chí Minh và các Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các bộ, ngành, địa
phương, tổ chức có tiềm năng về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giao Bộ Khoa học
và Công nghệ là cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về các hoạt động khởi nghiệp đổi
mới sáng tạo.
Kính đề nghị Quý Ủy ban,
căn cứ theo Quyết định số 188/QĐ-TTg , căn cứ theo tình hình thực tiễn, nghiên cứu
tính khả thi tiến tới triển khai hình thành và phát triển trung tâm khởi nghiệp
đổi mới sáng tạo (sau đây gọi là Trung tâm) tại địa phương theo một số nội
dung sau:
1. Nguyên tắc hình thành
và phát triển Trung tâm:
- Việc hình thành và
phát triển Trung tâm phải căn cứ vào nhu cầu thực tiễn và nguồn lực nội tại của
địa phương.
- Khuyến khích huy động
các nguồn lực xã hội hóa tham gia thành lập, xây dựng và vận hành Trung tâm.
- Khuyến khích liên kết,
hợp tác với các tập đoàn, các trường đại học, viện nghiên cứu để triển khai các
hoạt động của Trung tâm.
- Khai thác tối đa cơ sở
hạ tầng sẵn có phục vụ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cả từ khu vực nhà nước
và khu vực tư nhân.
- Trung tâm không cạnh
tranh với những hoạt động mà khu vực tư nhân đang triển khai có hiệu quả; khuyến
khích hỗ trợ, phối hợp với khu vực tư nhân trong quá trình hoạt động.
2. Định hướng mục tiêu:
- Xây dựng Trung tâm trở
thành hạt nhân kết nối và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
(ĐMST) tại địa phương, là đầu mối triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp
ĐMST tại địa phương, liên kết chặt chẽ với hoạt động của vùng, quốc gia và quốc
tế.
- Hình thành và phát triển
cộng đồng khởi nghiệp ĐMST liên kết xung quanh Trung tâm, chủ động tương tác,
chia sẻ, hỗ trợ về khởi nghiệp ĐMST.
3. Chức năng, nhiệm vụ
chủ yếu của Trung tâm:
- Tư vấn cho tổ chức, cá
nhân về cách thức đổi mới sản phẩm, dịch vụ; đổi mới quy trình quản lý, tổ chức
sản xuất kinh doanh; quản trị hoạt động đổi mới sáng tạo; quản trị, khai thác
và thương mại hóa tài sản trí tuệ.
- Hỗ trợ thương mại hóa
kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ của tổ chức
khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, các tổ chức khác có
hoạt động tạo ra kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản
trí tuệ.
- Cung cấp dịch vụ hỗ trợ
tổ chức, cá nhân trong lựa chọn, tiếp thu, giải mã, làm chủ, cải tiến công nghệ.
- Cung cấp dịch vụ đặt
hàng nghiên cứu, hoàn thiện, chuyển giao công nghệ và hợp tác đầu tư nghiên cứu
khoa học và phát triển công nghệ.
- Cung cấp dịch vụ tư vấn,
hỗ trợ chủ sở hữu, đại diện chủ sở hữu, người có quyền sử dụng kết quả nghiên cứu
khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ và các bên liên quan trong việc
xác định giá trị của kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản
trí tuệ.
- Nâng cao năng lực về
khởi nghiệp ĐMST cho các thành phần trong hệ sinh thái; Cung cấp dịch vụ hỗ trợ
khởi nghiệp ĐMST.
- Xây dựng, hình thành
và phát triển mạng lưới khởi nghiệp ĐMST, mạng lưới tư vấn viên khởi nghiệp
ĐMST tại địa phương.
- Tham mưu địa phương, tổ
chức thực hiện các hoạt động triển khai phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp
ĐMST tại địa phương, triển khai Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc
gia đến năm 2025 tại địa phương.
- Nắm bắt nhu cầu, thực
trạng, thu thập phản hồi, đề xuất từ cộng đồng khởi nghiệp ĐMST tại địa phương,
kiến nghị tới cơ quan quản lý tại địa phương và trung ương.
4. Một số hoạt động cụ
thể:
- Đào tạo, huấn luyện,
nâng cao năng lực phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST cho các thành phần
trong hệ sinh thái.
- Tổ chức các chương
trình ươm tạo, thúc đẩy kinh doanh, các sáng kiến kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp
đổi mới sáng tạo địa phương, vùng, quốc gia.
- Tổ chức hoạt động mạng
lưới tư vấn viên về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại địa phương, liên kết với Mạng
lưới khởi nghiệp ĐMST quốc gia.
- Tổ chức sự kiện
Techfest địa phương, liên kết, hợp tác tổ chức Techfest vùng, Techfest quốc
gia.
- Truyền thông về khởi
nghiệp ĐMST.
- Hỗ trợ đổi mới công
nghệ, ứng dụng tiến bộ KH&CN để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm,
xây dựng thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ phát triển các sản phẩm chủ
lực, sản phẩm có lợi thế phát triển của địa phương.
- Tổ chức thực hiện các
nhiệm vụ KH&CN phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới,
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), …
- Các hoạt động được quy
định tại Quyết định số 844/QĐ-TTg và Quyết định số 188/QĐ-TTg .
5. Các hoạt động phục vụ
công tác quản lý:
- Quản lý dữ liệu về hệ
sinh thái khởi nghiệp ĐMST địa phương, liên kết với hệ thống dữ liệu quốc gia về
khởi nghiệp ĐMST.
- Liên kết với các hoạt
động ở quy mô vùng, quốc gia, kết nối quốc tế.
- Quản lý và vận hành Cổng
thông tin khởi nghiệp ĐMST tại địa phương, liên kết với Cổng thông tin khởi
nghiệp ĐMST quốc gia.
6. Hoạt động xây dựng mạng
lưới vùng, trung tâm vùng để thúc đẩy liên kết, kết nối với mạng lưới, trung
tâm quốc gia, quốc tế:
- Khuyến khích thành lập
mạng lưới vùng, trung tâm có phạm vi hoạt động thúc đẩy liên kết vùng, trung
tâm hỗ trợ chuyên sâu một số lĩnh vực công nghệ; tổ chức các cuộc thi, sự kiện
kết nối tập trung chuyên sâu vào một số lĩnh vực mà địa phương, vùng có tiềm
năng.
- Tham gia đề nghị, đặt
hàng những vấn đề, nhu cầu, thách thức cụ thể của địa phương cho chuyên gia
trong Mạng lưới các Hội trí thức kiều bào hỗ trợ đổi mới sáng tạo và thương mại
hoá công nghệ1, nền tảng đổi mới sáng tạo mở2 để giải quyết, hợp tác với
một số tập đoàn, hiệp hội, quỹ đầu tư, viện nghiên cứu, trường đại học, …
- Mạng lưới các trung
tâm cần được hình thành ở phạm vi địa phương, vùng, quốc gia. Thành lập Trung
tâm của tỉnh, thành phố để trở thành hạt nhân xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp
ĐMST tại địa phương và khu vực.
- Trung tâm của từng tỉnh,
thành phố sẽ gắn kết hoạt động, thu hút nguồn lực tại địa phương, quốc gia và
quốc tế để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của tỉnh, thành phố đó và hệ
sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia3.
- Nghiên cứu, đề xuất tới
các cơ quan có thẩm quyền cho phép Trung tâm tại các tỉnh, thành phố được hưởng
một phần hoặc toàn bộ cơ chế ưu đãi theo Nghị định số 94/2020/NĐ-CP ngày
21/8/2020 quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo
Quốc gia một cách phù hợp để đáp ứng nhu cầu của địa phương.
Trong quá trình tổ chức
thực hiện, đề nghị Quý Ủy ban nghiên cứu giao cơ quan quản lý khoa học và công
nghệ địa phương làm đầu mối triển khai, chủ động trao đổi, phối hợp với Trung
tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (NSSC) thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.
Trân trọng cảm ơn./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu VT, PC, PTTTDN, VP844.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Trần Văn Tùng
|