BỘ GIÁO DỤC VÀ
ĐÀO TẠO
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 4222/QĐ-BGDĐT
|
Hà Nội, ngày 27
tháng 12 năm 2024
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC BAN HÀNH BỘ CHUẨN PHÁT TRIỂN TRẺ EM 5 TUỔI
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày
01/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức
của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 86/2022/NĐ-CP ngày
24/10/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Theo Biên bản của Hội đồng thẩm định Bộ chuẩn
phát triển trẻ em 5 tuổi (Quyết định số 1946/QĐ-BGDĐT ngày 17/7/2023 của Bộ trưởng
Bộ Giáo dục và Đào tạo);
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo
Quyết định này Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi.
Điều 2. Bộ chuẩn phát triển
trẻ em 5 tuổi là định hướng cho giáo dục phát triển toàn diện trẻ em mầm non.
Điều 3. Quyết định có hiệu
lực kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, Thủ
trưởng các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc sở giáo dục và đào tạo
các tỉnh, thành phố, các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm
thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng (để b/cáo);
- Các Thứ trưởng (để p/h);
- Cổng thông tin điện tử Bộ GDĐT;
- Lưu: VT, Vụ GDMN.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Thị Kim Chi
|
BỘ
CHUẨN PHÁT TRIỂN TRẺ EM 5 TUỔI
(Ban hành kèm
theo Quyết định số 4222/QĐ-BGDĐT ngày 27 tháng 12 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ
Giáo dục và Đào tạo)
Phần I. Cấu trúc Bộ chuẩn
Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi gồm 22 chuẩn, 70
chỉ số thuộc 6 lĩnh vực: thể chất, tình cảm - xã hội, ngôn ngữ và giao tiếp, nhận
thức, thẩm mĩ, tiếp cận với việc học.
Phần II. Giải thích từ ngữ
Các từ ngữ trong văn bản này được hiểu như sau:
1. Trẻ em 5 tuổi là trẻ em trong độ tuổi từ 60
tháng đến 71 tháng (71 tháng 29 ngày).
2. Bộ chuẩn là tập hợp những chuẩn, chỉ số thuộc
các lĩnh vực, định hướng về sự phát triển toàn diện của trẻ em 5 tuổi.
3. Lĩnh vực là phạm vi phát triển cụ thể.
4. Chuẩn là những mong đợi trẻ em 5 tuổi biết và có
thể làm được sau quá trình giáo dục.
5. Chỉ số là các biểu hiện cụ thể, phản ánh nội
dung cốt lõi của chuẩn.
Phần III. Nội dung Bộ chuẩn
I. Thể chất
Năng lực cơ bản trong lĩnh vực thể chất được phản
ánh thông qua: sức khỏe thể chất; thực hiện các kỹ năng vận động; hiểu biết, thực
hành dinh dưỡng, vệ sinh và an toàn.
1. Chuẩn 1. Trẻ em có thể lực để tham gia tích cực
các hoạt động.
a) Chỉ số 1. Giữ tư thế đúng khi đứng, ngồi, đi
(không cần nhắc nhở);
b) Chỉ số 2. Thường xuyên tham gia các hoạt động thể
chất.
2. Chuẩn 2. Trẻ em thích ứng với sự thay đổi của hoạt
động thể chất và môi trường.
a) Chỉ số 3. Duy trì thể lực khi tham gia hoạt động
thể chất trong môi trường thay đổi;
b) Chỉ số 4. Dễ dàng tham gia hoạt động thể chất với
nhóm bạn chơi mới, môi trường mới.
3. Chuẩn 3. Trẻ em có kỹ năng vận động thô (vận động
cơ lớn).
a) Chỉ số 5. Thực hiện phối hợp các vận động: đi
lên - xuống trên mặt phẳng nghiêng, vượt qua chướng ngại vật; leo, trèo, di
chuyển trên các mô hình vận động không cần sự hỗ trợ;
b) Chỉ số 6. Chạy nhanh 20m trong 5-6 giây;
c) Chỉ số 7. Phối hợp với người khác thực hiện vận
động có sử dụng dụng cụ.
4. Chuẩn 4. Trẻ em có kỹ năng vận động tinh (vận động
cơ nhỏ).
a) Chỉ số 8. Cắt theo đường viền thẳng và cong của
các hình và dán hình vào đứng vị trí;
b) Chỉ số 9. Thực hiện các việc tự phục vụ không cần
sự giúp đỡ.
5. Chuẩn 5. Trẻ em thực hiện ăn, uống lành mạnh và
có thói quen vệ sinh cơ bản.
a) Chỉ số 10. Nhận biết về các loại thực phẩm, các
nhóm chất dinh dưỡng và lợi ích đối với sức khỏe;
b) Chỉ số 11. Thực hiện ăn uống đầy đủ (ăn đủ chất,
đủ lượng, đa dạng thực phẩm), sạch sẽ (bảo đảm vệ sinh) và lành mạnh (có lợi
cho sức khoẻ, phòng, tránh đồ ăn gây dị ứng cho bản thân);
c) Chỉ số 12. Thực hiện các yêu cầu giữ vệ sinh cá
nhân, đồ dùng và môi trường sống gần gũi.
6. Chuẩn 6. Trẻ em có kỹ năng an toàn.
a) Chỉ số 13. Biết và không thực hiện các hoạt động
gây mất an toàn;
b) Chỉ số 14. Nhận ra tình huống nguy hiểm và biết
cách xử lý phù hợp (tránh xa, kêu cứu, thông báo với người khác...);
c) Chỉ số 15. Nhận ra một số dấu hiệu bất thường của
cơ thể và thông báo với người khác (cảm thấy mỏi mệt, đau, mẩn ngứa, buồn nôn
...).
II. Tình cảm - xã hội
Năng lực cơ bản trong lĩnh vực tình cảm - xã hội được
phản ánh thông qua: nhận thức bản thân và năng lực quan hệ xã hội.
1. Chuẩn 7. Trẻ em nhận thức và thể hiện thái độ đối
với bản thân.
a) Chỉ số 16. Nhận biết về tên gọi, đặc điểm bên
ngoài, giới tính, nhu cầu, sở thích, điểm mạnh, điểm yếu của bản thân;
b) Chỉ số 17. Gọi tên tối thiểu 3 cảm xúc khác nhau
của bản thân và nói nguyên nhân gây ra các cảm xúc đó;
c) Chỉ số 18. Tự hào về những đặc điểm riêng và khả
năng của bản thân.
2. Chuẩn 8. Trẻ em có thể quản lý cảm xúc và thể hiện
trách nhiệm với người khác.
a) Chỉ số 19. Nhận biết và thể hiện cảm xúc phù hợp
với mọi người xung quanh;
b) Chỉ số 20. Điều chỉnh cảm xúc phù hợp với hoàn cảnh;
c) Chỉ số 21. Có trách nhiệm với bản thân, người khác
và môi trường.
3. Chuẩn 9. Trẻ em ứng xử phù hợp với người khác và
môi trường.
a) Chỉ số 22. Nhận biết và thể hiện thái độ phù hợp
với người khác và môi trường;
b) Chỉ số 23. Thể hiện hành vi ứng xử văn hóa với
người khác và môi trường;
c) Chỉ số 24. Tôn trọng sự khác biệt của người
khác;
d) Chỉ số 25. Thích ứng với các hoạt động trong môi
trường xã hội gần gũi;
e) Chỉ số 26. Nhận biết mối quan hệ giữa con người
với môi trường tự nhiên và ứng xử phù hợp.
4. Chuẩn 10. Trẻ em thể hiện sự trung thực trong
giao tiếp và ứng xử với người khác.
a) Chỉ số 27. Phản ánh với mọi người xung quanh
đúng sự việc xảy ra;
b) Chỉ số 28. Nhận ra lỗi, biết nói lời xin lỗi và
sửa lỗi;
c) Chỉ số 29. Giữ lời hứa và thực hiện lời hứa với
người khác.
III. Ngôn ngữ và giao tiếp
Năng lực cơ bản trong lĩnh vực ngôn ngữ và giao tiếp
được phản ánh thông qua: nghe hiểu và biểu đạt thông tin phù hợp trong giao tiếp
và sẵn sàng cho việc học đọc, học viết.
1. Chuẩn 11. Trẻ em nghe hiểu và sử dụng ngôn ngữ
trong giao tiếp.
a) Chỉ số 30. Nghe và nhận ra từng tiếng trong câu
nói;
b) Chỉ số 31. Nghe hiểu và phản hồi thông tin đơn
giản;
c) Chỉ số 32. Nói để người khác hiểu;
d) Chỉ số 33. Sử dụng lời nói, hành vi lịch sự
trong giao tiếp.
2. Chuẩn 12. Trẻ em thể hiện ngôn ngữ sáng tạo.
a) Chỉ số 34. Diễn tả hiểu biết của bản thân bằng
những cách khác nhau;
b) Chỉ số 35. Kể chuyện theo cách riêng.
3. Chuẩn 13. Trẻ em sẵn sàng việc học đọc.
a) Chỉ số 36. Thích và có hành vi phù hợp với sách
và tài liệu in;
b) Chỉ số 37. Nhận biết một số ký hiệu, biểu tượng
trong cuộc sống;
c) Chỉ số 38. Nhận biết và gọi tên chữ cái trong bảng
chữ cái tiếng Việt;
d) Chỉ số 39. Nghe và nhận ra âm giống nhau trong
tiếng.
4. Chuẩn 14. Trẻ em sẵn sàng việc học viết.
a) Chỉ số 40. Thích và có hành vi phù hợp với việc
vẽ, “viết”;
b) Chỉ số 41. Bắt chước hành vi “viết”.
IV. Nhận thức
Năng lực cơ bản trong lĩnh vực nhận thức được phản
ánh thông qua: hiểu biết và kỹ năng tư duy; vận dụng kiến thức, kỹ năng sơ đẳng
để giải quyết một số vấn đề đơn giản trong cuộc sống hằng ngày.
1. Chuẩn 15. Trẻ em thực hiện các kỹ năng liên quan
đến số, đếm, đo và biểu thị kết quả.
a) Chỉ số 42. Tách, gộp số lượng trong phạm vi 10;
b) Chỉ số 43. So sánh, thêm, bớt số lượng trong phạm
vi 10;
c) Chỉ số 44. Đo độ dài, dung tích của đối tượng bằng
đơn vị đo ước lệ.
2. Chuẩn 16. Trẻ em xác định hình dạng, quy tắc sắp
xếp, định hướng trong không gian và thời gian.
a) Chỉ số 45. Xác định một số hình phẳng và hình khối
đơn giản trong cuộc sống xung quanh;
b) Chỉ số 46. Sắp xếp theo quy tắc;
c) Chỉ số 47. Xác định vị trí trong không gian theo
vật chuẩn;
d) Chỉ số 48. Phân biệt hôm qua, hôm nay, ngày mai
và gọi tên các ngày trong tuần theo thứ tự;
e) Chỉ số 49. Xác định giờ đúng trên đồng hồ.
3. Chuẩn 17. Trẻ em thể hiện hiểu biết và thực hiện
khám phá khoa học.
a) Chỉ số 50. Nhận biết một số đặc điểm nổi bật và
sự thay đổi của môi trường tự nhiên;
b) Chỉ số 51. Phân loại một số sự vật thành nhóm
theo đặc điểm chung và gọi tên nhóm;
c) Chỉ số 52. Giải thích mối quan hệ giữa đặc điểm
của một số loài động vật, thực vật với môi trường sống.
4. Chuẩn 18. Trẻ em nhận biết và thể hiện kỹ năng
phù hợp khi tiếp cận công nghệ số.
a) Chỉ số 53. Sử dụng một số thiết bị công nghệ số
an toàn, đúng cách với sự hỗ trợ của người lớn;
b) Chỉ số 54. Thể hiện kỹ năng giải quyết vấn đề
trong cuộc sống hàng ngày theo các bước đơn giản khi tiếp cận công nghệ số.
V. Thẩm mĩ
Năng lực cơ bản trong lĩnh vực thẩm mĩ được phản
ánh thông qua; cảm thụ cái đẹp và sử dụng nghệ thuật như là phương tiện để thể
hiện cảm xúc, hiểu biết và sự sáng tạo của bản thân. Các chuẩn, chỉ số trong
lĩnh vực này đề cao cảm xúc, ý tưởng của bản thân trẻ em trong các hoạt động
nghệ thuật và ứng dụng sáng tạo nghệ thuật vào cuộc sống.
1. Chuẩn 19. Trẻ em thể hiện khả năng cảm thụ cái đẹp
trong thiên nhiên, cuộc sống và nghệ thuật.
a) Chỉ số 55. Bộc lộ cảm xúc trước cái đẹp trong
thiên nhiên, cuộc sống và nghệ thuật;
b) Chỉ số 56. Bày tỏ ý kiến của bản thân đối với
cái đẹp trong thiên nhiên, cuộc sống;
c) Chỉ số 57. Bày tỏ ý kiến của bản thân đối với sản
phẩm nghệ thuật;
d) Chỉ số 58. Thể hiện một số hiểu biết của bản
thân về nghệ thuật truyền thống;
e) Chỉ số 59. Có hành vi thể hiện sự yêu quý, giữ
gìn sản phẩm nghệ thuật, cái đẹp trong thiên nhiên và cuộc sống.
2. Chuẩn 20. Trẻ em sử dụng nghệ thuật để thể hiện
sự sáng tạo của bản thân.
a) Chỉ số 60. Thể hiện cảm xúc, ý tưởng của bản
thân thông qua hát, vận động theo nhạc;
b) Chỉ số 61. Tạo ra sản phẩm nghệ thuật tạo hình
theo cảm xúc, ý tưởng của bản thân và nói về sản phẩm đó;
c) Chỉ số 62. Thể hiện vai diễn theo ý tưởng của bản
thân, phù hợp với đặc điểm, tính cách của nhân vật;
d) Chỉ số 63. Tạo ra cái đẹp trong cuộc sống hằng ngày
theo cách riêng (như cắm hoa, sắp đặt đồ vật, có lời nói/cử chỉ lịch sự/nhân
ái...).
VI. Tiếp cận với việc học
Năng lực cơ bản trong lĩnh vực tiếp cận với việc học
được phản ánh thông qua một số yếu tố cần thiết hướng đến hình thành các năng lực
học tập bền vững sau này, như: tự chủ với việc học và giải quyết vấn đề đơn giản
trong cuộc sống.
1. Chuẩn 21. Tự chủ với việc học.
a) Chỉ số 64. Tò mò, thích tìm hiểu sự vật, hiện tượng;
b) Chỉ số 65. Tập trung chú ý thực hiện nhiệm vụ và
hoạt động;
c) Chỉ số 66. Sẵn sàng tham gia và thực hiện nhiệm
vụ đến cùng;
d) Chỉ số 67. Chủ động thực hiện nhiệm vụ và tham
gia hoạt động;
e) Chỉ số 68. Hợp tác làm việc với trẻ em khác
trong thực hiện nhiệm vụ, hoạt động nhằm đạt mục tiêu.
2. Chuẩn 22. Giải quyết vấn đề đơn giản trong cuộc
sống.
a) Chỉ số 69. Thảo luận, giải thích, trình bày suy
nghĩ của bản thân;
b) Chỉ số 70. Thực hiện một số kỹ năng giải quyết vấn
đề đơn giản trong cuộc sống.