ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 19/CT-UBND
|
Vĩnh Phúc, ngày
26 tháng 12 năm 2024
|
CHỈ THỊ
VỀ
VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ QUY HOẠCH VÀ PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ TRÊN
ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC
Trong thời gian qua, công tác
quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và phát triển đô thị đã được các
cấp, các ngành quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện theo
quy định của pháp luật, đảm bảo việc phát triển đô thị ngày càng văn minh, hiện
đại theo định hướng quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị đã được cấp có thẩm
quyền phê duyệt, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đến nay, tỷ lệ phủ kín quy
hoạch đã đạt được một số kết quả tích cực làm cơ sở để quản lý và đầu tư xây
dựng theo quy hoạch: Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung đô thị, quy hoạch xây dựng
vùng liên huyện toàn tỉnh đạt 100%, tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu đạt khoảng
100% (đối với các khu vực có yêu cầu phải lập quy hoạch phân khu), tỷ lệ phủ
kín quy hoạch chung xây dựng nông thôn đạt trên 90%. Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh
đạt khoảng 49%, phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh đã hình thành mạng lưới đô
thị phân bố tương đối đồng đều gồm 34 đô thị, trong đó 01 đô thị loại loại II,
01 đô thị loại III và 32 đô thị loại V. Không gian đô thị được mở rộng, hạ tầng
kỹ thuật, hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết
quả đạt được, công tác quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị còn có một số
tồn tại, hạn chế mà các cơ quan thanh kiểm tra của Trung ương đã chỉ ra như: Chưa
đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa các cấp độ quy hoạch; một số quy hoạch xây
dựng tầm nhìn còn hạn chế do biến động nhanh chóng của thực tiễn mà công tác
quy hoạch không dự báo được hoặc dự báo không chính xác dẫn đến sự lúng túng về
tổ chức triển khai thực hiện, chưa thực sự đáp ứng được các yêu cầu phát triển
nhanh, bền vững và thiếu đồng bộ (đặc biệt về kết nối hạ tầng kỹ thuật và hạ
tầng xã hội). Ngoài ra, tiến độ lập quy hoạch còn chậm do không được bố trí
nguồn vốn kịp thời làm ảnh hưởng đến hiệu quả định hướng đầu tư; chất lượng quy
hoạch còn thấp, tính đột phá chưa cao, chưa khai thác được hết tiềm năng, thế
mạnh của địa phương; trong quá trình triển khai vẫn phải điều chỉnh, bổ sung để
phù hợp với điều kiện thực tế phát triển, thu hút các nhà đầu tư.
Việc phát triển các dự án nhà
ở, đô thị chưa có sự nghiên cứu và dự báo chính xác giữa cung và cầu, sản phẩm
bất động sản kém hấp dẫn, thiếu sức cạnh tranh so với các địa phương lân cận.
Theo số liệu thống kê, tính đến nay trên địa bàn tỉnh có 79 dự án nhà ở, đô thị
có tổng diện tích đất là 2.357 ha (trong đó, diện tích đất ở chiếm khoảng 1.120
ha), sau khi các dự án hoàn thiện sẽ đáp ứng được chỗ ở cho 256.000 người,
nhưng đến nay tỷ lệ người dân đến xây dựng nhà ở rất thấp, phản ánh rất rõ tình
trạng cung vượt cầu ở phân khúc nhà chia lô truyền thống, dẫn đến sản phẩm bất
động sản tồn kho còn thừa nhiều; trong khi đó, nguồn cung nhà ở xã hội còn rất
hạn chế, phân khúc bất động sản cho nhu cầu ở ngoài tỉnh như các khu đô thị
sinh thái, nghỉ dưỡng còn thiếu. Một trong những nguyên nhân khiến sản phẩm bất
động sản chưa có sức hấp là do thu nhập thực tế của người dân trong tỉnh thấp
nên khó tiếp cận được. Ngoài ra, trong giai đoạn thúc đẩy bất động sản chưa có
các giải pháp hiệu quả để thu hút di chuyển dân số cơ học, chưa có dự án quy mô
lớn được đầu tư đồng bộ về hạ tầng, tạo ra phân khúc sản phẩm bất động sản có
chất lượng cao. Đây là mục tiêu rất quan trọng trong việc phải gia tăng dân số
cơ học cho tỉnh Vĩnh Phúc đạt quy mô 1.400.000 người, đảm bảo chỉ tiêu về dân
số để duy trì tồn tại đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Tiến độ triển khai các dự án
nhà ở đô thị, thương mại trên địa bàn tỉnh nhìn chung còn chậm nguy cơ gây lãng
phí nguồn lực đất đai. Đây chính là vấn đề đã được Tổng Bí thư Tô Lâm nêu ra
trong bài viết “Chống lãng phí” vào tháng 10/2024 và phát biểu tại phiên thảo
luận tổ Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XV về tình hình kinh tế - xã hội ngày 26/10/2024.
Theo đó, không tiếp tục để xảy ra tình trạng đất đã giao thực hiện dự án nhưng
không triển khai, cần có giải pháp phù hợp để thúc đẩy sự phát triển trong giai
đoạn tới.
Bên cạnh những hạn chế nêu
trên, những định hướng mới đã mở ra trong Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021
- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định
số 158/QĐ-TTg ngày 06/02/2024. Trong đó, xác định mục tiêu, định hướng đến năm
2030, tỉnh Vĩnh Phúc đạt các tiêu chí của đô thị loại I, làm tiền đề để thành
lập thành phố trực thuộc Trung ương; sau năm 2030 Vĩnh Phúc trở thành thành phố
trực thuộc Trung ương. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng và phát
triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung, trong công tác quản lý quy hoạch,
phát triển đô thị nói riêng.
Để nâng cao trách nhiệm trong
việc chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành trong công tác quản lý quy hoạch
và phát triển đô thị. Đồng thời, đảm bảo định hướng theo Quy hoạch tỉnh Vĩnh
Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt,
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành; Chủ tịch
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố nghiêm túc thực hiện như sau:
I. Quan điểm, một số nhiệm vụ
trọng tâm
1. Thống nhất cao nhận thức về
vai trò, vị trí của công tác quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, là nhiệm vụ
quan trọng; quy hoạch phải đi trước một bước, nhằm cụ thể hóa các mục tiêu,
định hướng theo Quy hoạch tỉnh; là khâu then chốt trong việc đề xuất triển khai
các dự án đầu tư để phát triển đô thị; phải ưu tiên nguồn kinh phí hàng năm để
tập trung hoàn thiện các cấp độ quy hoạch.
2. Xác định quy hoạch phải có
tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phá và có tính ổn định, lâu dài, gắn kết với
nhu cầu đầu tư thị trường, nhu cầu về không gian ở, gắn kết với kế hoạch đầu
tư, đầu tư công trung hạn và hàng năm, bảo đảm nguồn lực thực hiện. Đồng thời,
phát huy, khai thác được tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế
cạnh tranh của tỉnh về cảnh quan thiên nhiên, vị trí địa lý và liên kết vùng.
3. Nâng cao chất lượng đồ án
quy hoạch thông qua việc tăng cường kiểm soát chất lượng đơn vị tư vấn lập quy
hoạch, khuyến khích việc lựa chọn tư vấn thông qua hình thức thi tuyển; khuyến
khích sử dụng ý tưởng quy hoạch của các đơn vị tư vấn nước ngoài có năng lực và
kinh nghiệm chuyên sâu.
4. Quan tâm hoạch định các
chính sách, giải pháp đột phá thúc đẩy quá trình đô thị hóa, phải xác định phát
triển đô thị là động lực chính trong phát triển của nền kinh tế, phát triển đô
thị có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình là nhiệm vụ rất quan trọng trong việc
đẩy nhanh tốc độ gia tăng dân số cơ học đảm bảo tiêu chuẩn của tỉnh về quy mô
dân số theo quy định.
5. Tập trung thu hút những dự
án phát triển đô thị có quy mô lớn, khai thác tốt liên kết vùng đồng bộ hạ tầng
khung với thành phố Hà Nội và các địa phương lân cận, có sức ảnh hưởng lan tỏa
rộng rãi trong và ngoài tỉnh; ưu tiên phát triển mới các dự án đô thị sinh
thái, nghỉ dưỡng theo hướng “vườn trong nhà, nhà trong công viên”, tạo ra các
sản phẩm bất động sản mũi nhọn, có sức hấp dẫn, cạnh tranh so với các địa
phương trong vùng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
6. Tập trung tháo gỡ khó khăn,
vướng mắc trong thực hiện các dự án nhà ở đô thị; đẩy nhanh tiến độ giải quyết
các thủ tục gia hạn, điều chỉnh chủ trương đầu tư, giải phóng mặt bằng, thẩm
định dự án, cấp giấy phép xây dựng sớm khởi công xây dựng công trình; khẩn trương
thực hiện bàn giao hạ tầng, kết thúc dự án theo quy định đối với các dự án đã
hoàn thành.
7. Tập trung thu hút đầu tư các
dự án nhà ở xã hội tại các vị trí thuận tiện về giao thông, gắn với các trung
tâm công nghiệp, bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội thiết
yếu. Công khai danh mục dự án nhà ở xã hội phải lựa chọn chủ đầu tư để thu hút
các doanh nghiệp, tập đoàn kinh doanh bất động sản lớn, có năng lực, uy tín,
kinh nghiệm tham gia đầu tư.
8. Rà soát, đề xuất thu hồi,
chấm dứt đối với các dự án khu đô thị, nhà ở đã có chủ trương nhưng không thể
triển khai hoặc chậm triển khai, chậm tiến độ; làm cơ sở để thu hút nhà đầu tư
khác có đủ năng lực thực hiện, hoặc dừng triển khai để tập trung vào các khu vực,
dự án trọng tâm, trọng điểm để phát triển đô thị, nhà ở để hình thành các sản
phẩm bất động sản chủ đạo, mũi nhọn của tỉnh.
9. Tăng cường công tác chỉnh
trang bộ mặt đô thị hiện hữu; ưu tiên thực hiện cải tạo, chỉnh trang cảnh quan
xung quanh các hồ, đầm trong vùng lõi đô thị; bổ sung không gian cây xanh, mặt
nước; tăng cường các chức năng hoạt động như bãi đỗ xe tĩnh, không gian đi bộ,
sinh hoạt văn hóa kết hợp thương mại, dịch vụ….; sớm triển khai xây dựng các
công trình nhà cao tầng tạo điểm nhấn trong đô thị; chỉnh trang các tuyến đường
trục cảnh quan, trồng cây xanh hè phố theo chủ đề mở ra không gian mới để phát triển
đô thị.
10. Tập trung khắc phục những
tồn tại, khuyết điểm theo kết luận thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan có
thẩm quyền chỉ ra đối với công tác quản lý, thực hiện dự án khu đô thị, nhà ở;
đôn đốc, hướng dẫn, giám sát chủ đầu tư dự án, thực hiện đầy đủ trình tự, thủ
tục liên quan để triển khai dự án đúng theo quy định pháp luật.
II. Nhiệm vụ của các sở, ngành,
địa phương
1. Sở Xây dựng
- Là cơ quan đầu mối, tham mưu
cho UBND tỉnh trong công tác thu hút các dự án đầu tư phát triển đô thị và nhà
ở trên địa bàn tỉnh.
- Đề xuất hoàn thiện cơ chế,
chính sách trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị, hạn chế phát
triển thêm phân khúc sản phẩm bất động sản đang thừa nguồn cung cấp, bổ sung
phân khúc còn thiếu làm động lực phát triển.
- Nâng cao chất lượng công tác
lập, thẩm định quy hoạch xây dựng; tăng cường nâng cao chất lượng trọng công
tác lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các cấp
độ quy hoạch theo hệ thống quy hoạch; rà soát điều chỉnh, chấm dứt hiệu lực các
quy hoạch chồng chéo, hết hiệu lực, điều chỉnh đảm bảo sự đồng bộ, tăng sức hút
cho môi trường đầu tư của tỉnh; tuân thủ nghiêm các chỉ tiêu, mô hình, cấu trúc
phát triển không gian theo Quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Đề xuất triển khai quy hoạch,
phát triển các dự án đô thị trên cơ sở nghiên cứu, khai thác các tiềm năng, lợi
thế của từng địa phương; phát triển các dự án có trọng tâm, điểm nhấn đột phá,
tạo động lực trong phát triển kinh tế - xã hội. Ưu tiên các khu vực có tiềm
năng lợi thế về điều kiện tự nhiên như Phúc Yên, Bình Xuyên, Tam Đảo để phát triển
các sản phẩm bất động sản chủ đạo, mũi nhọn, là loại hình nhà ở sinh thái, nghỉ
dưỡng, tăng sức cạnh tranh với các địa phương trong vùng, thu hút và thúc đẩy
gia tăng dân số cơ học cho tỉnh.
- Chủ trì tổng hợp, đề xuất
tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong triển khai dự án khu đô thị, nhà ở trên địa
bàn tỉnh; đề xuất thu hồi, chấm dứt đối với các dự án khu đô thị, nhà ở đã có
chủ trương nhưng không thể triển khai hoặc chậm triển khai, chậm tiến độ.
- Chủ trì rà soát quỹ đất sử
dụng hỗn hợp (có đất ở), quỹ đất dịch vụ thương mại được quy hoạch để xây dựng
công trình cao tầng tại các góc ngã ba, ngã tư, dọc theo các trục đường chính
đô thị, đã chấp thuận đầu tư, giao đất… nhưng không triển khai hoặc chậm triển
khai; đề xuất thu hồi để phục vụ mục đích cải tạo, chỉnh trang đô thị.
- Triển khai lập danh mục các
dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội độc lập phải lựa chọn chủ đầu tư theo hướng
sắp xếp thứ tự tính khả thi, ưu tiên triển khai. Trong đó, ưu tiên đề xuất
triển khai dự án tại các khu vực trung tâm đô thị như: thành phố Vĩnh Yên, Phúc
Yên và huyện Bình Xuyên; khu vực tập trung các khu công nghiệp nhưng chưa có dự
án nhà ở xã hội như các huyện: Tam Dương, Lập Thạch và Sông Lô. Hoàn thành
trong Quý I năm 2025.
Một số nhiệm vụ trọng tâm cần
tập trung triển khai ngay:
(1) Đề xuất điều chỉnh các quy
hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng đảm bảo phù hợp với định hướng Quy hoạch tỉnh
được phê duyệt. Trong đó, tập trung nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh đồ án Quy
hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định
số 1883/QĐ-TTg ngày 26/10/2011. Triển khai 02 đồ án Quy hoạch chung đô thị mới
loại IV Tam Dương, Yên Lạc và các đồ án Quy hoạch chung đô thị mới loại V.
(2) Đề xuất công tác lập quy
hoạch chi tiết hồ Đầm Vạc và khu vực lân cận theo quy định để bảo tồn và phát
huy giá trị không gian cảnh quan mặt nước Đầm Vạc làm cơ sở để quản lý, triển
khai dự án đầu tư xây dựng.
(3) Đề xuất triển khai thiết kế
đô thị hình thành một số tuyến phố kiểu mẫu, điển hình trên địa bàn thành phố
Vĩnh Yên, Phúc Yên; đối với các công trình mang tính biểu tượng, cổng chào,
điểm nhấn tại các cửa ngõ chính của đô thị khuyến khích thông qua việc tổ chức
thi tuyển phương án kiến trúc, tạo bộ mặt kiến trúc cảnh quan cho đô thị.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Khẩn trương rà soát, đề xuất
tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thực hiện điều chỉnh, gia hạn tiến độ thực
hiện đối với các dự án phát triển đô thị, nhà ở.
- Đôn đốc và thực hiện giám
sát, đánh giá đầu tư các dự án phát triển đô thị; đề xuất xử lý nghiêm những vi
phạm trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường:
- Tham mưu cho UBND tỉnh các
biện pháp giải quyết ngay các vướng mắc trong lĩnh vực đất đai, đẩy nhanh tiến
độ đền bù, giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án.
- Nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh
các giải pháp giải phóng mặt bằng đối với các dự án, nhằm tháo gỡ điểm nghẽn về
cơ chế giao đất, nhằm khơi thông nguồn lực đất đai, thúc đẩy phát triển kinh tế
- xã hội.
4. Sở Giao thông vận tải:
- Chủ trì, phối hợp với các sở,
ngành, địa phương liên quan đề xuất đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông có tính
kết nối liên vùng, phù hợp với Quy hoạch tỉnh, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh
tế - xã hội.
- Phối hợp các nội dung về giao
thông đảm bảo tuân thủ theo đúng quy hoạch được phê duyệt; trong đó, ưu tiên bố
trí quỹ đất cho giao thông tĩnh (bãi đỗ xe) tại các khu vực đô thị và khu vực
có mật độ giao thông lớn.
5. Sở Tài chính:
- Tham mưu cho UBND tỉnh cân
đối ngân sách, phân bổ kịp thời, đầy đủ nguồn vốn cho công tác quy hoạch xây
dựng, quy hoạch đô thị theo quy định.
- Đẩy nhanh tiến độ việc thực
hiện việc sắp xếp, xử lý tài sản công trên địa bàn tỉnh để đề xuất quản lý,
khai thác và sử dụng có hiệu quả, tránh lãng phí.
6. Sở Tư pháp:
Tăng cường kiểm soát việc ban
hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quy hoạch, phát triển
đô thị; tăng cường công tác theo dõi, kiểm tra tình hình thi hành pháp luật.
7. Sở Thông tin và Truyền
thông:
Tăng cường hướng dẫn các cơ
quan báo chí, phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt
công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quy hoạch, phát triển đô thị và
nội dung của Chỉ thị này cho các tổ chức, công dân, nhằm nâng cao ý thức cộng
đồng chấp hành các quy định pháp luật.
8. Công an tỉnh:
Tăng cường công tác đảm bảo an
ninh trật tự trong việc tổ chức điều tra, xác minh, xử lý nghiêm đối với các
hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý quy hoạch và phát triển đô thị;
tổ chức thực hiện phương án cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc, thu hồi đất.
9. UBND các huyện, thành phố:
- Ưu tiên cân đối ngân sách, bố
trí kinh phí kịp thời, đầy đủ cho công tác quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng
và phát triển đô thị thuộc trách nhiệm tổ chức thực hiện của địa phương.
- Tăng cường chỉ đạo, đẩy nhanh
công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, cần nhận thức đây là nhiệm vụ chính
trị quan trọng, phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để khẩn trương và
quyết liệt hơn nữa trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án.
- Tăng cường đầu tư cải tạo,
nâng cấp một số quảng trường, công viên, vườn hoa, tạo điểm vui chơi, giải trí
thuận tiện cho nhân dân; xây dựng mới các công viên, vườn hoa ở các khu dân cư,
tăng cường các chức năng hoạt động trong các khu vực công viên, vườn hoa (bãi
đỗ xe tĩnh, không gian đi bộ, sinh hoạt văn hóa kết hợp thương mại, dịch vụ…).
Thủ trưởng các Sở, ban, ngành
và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố nghiêm túc triển khai thực
hiện Chỉ thị này; định kỳ trước ngày 15 tháng 12 hằng năm báo cáo kết quả thực
hiện về Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh theo quy định.
Trong quá trình thực hiện, có
vướng mắc vượt thẩm quyền, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Xây dựng
tổng hợp) để kịp thời giải quyết./.
Nơi nhận:
- TT Tỉnh ủy (b/c);
- TT HĐND tỉnh (b/c);
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- UB MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Các sở, ban, ngành đoàn thể cấp tỉnh;
- Các Huyện ủy, Thành ủy;
- Báo VP, Đài PT-TH VP, Cổng TTĐT tỉnh;
- CPVP UBND tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- UBND các xã, phường, thị trấn;
- CV NCTH;
- Lưu: VT
(Qg b)
|
CHỦ TỊCH
Trần Duy Đông
|