Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 158/QĐ-TTg năm 2024 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu: 158/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Trần Hồng Hà
Ngày ban hành: 06/02/2024 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 158/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 06 tháng 02 năm 2024

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỈNH VĨNH PHÚC THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 15 tháng 6 năm 2018; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23 tháng 11 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09 tháng 01 năm 2023 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch; Nghị định số 58/2023/NĐ-CP ngày 12 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch;

Căn cứ Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 08 tháng 02 năm 2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23 tháng 11 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2022 của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030;

Căn cứ Quyết định số 998/QĐ-TTg ngày 10 tháng 7 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Theo đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc tại Tờ trình số 462/TTr-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2023, Văn bản số 594/UBND-KT5 ngày 23 tháng 01 năm 2024 về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Báo cáo thẩm định số 8596/BC-HĐTĐ ngày 16 tháng 10 năm 2023 của Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh và tổng hợp ý kiến rà soát hồ sơ Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc tại Văn bản số 10946/BKHĐT-QLQH ngày 27 tháng 12 năm 2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với một số nội dung sau:

I. PHẠM VI, RANH GIỚI QUY HOẠCH

Phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh Vĩnh Phúc, quy mô 1.236 km2 gồm 09 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc (02 thành phố và 07 huyện). Tỉnh Vĩnh Phúc có tọa độ địa lý từ 21°08’ đến 21°19' vĩ độ bắc; từ 105° 109’ đến 105°47’ kinh độ đông, được giới hạn như sau:

- Phía Bắc: Giáp tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Tuyên Quang.

- Phía Tây: Giáp tỉnh Phú Thọ.

- Phía Đông và Nam: Giáp thành phố Hà Nội.

II. QUAN ĐIỂM, TẦM NHÌN, MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN; CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM, ĐỘT PHÁ

1. Quan điểm phát triển:

a) Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm phù hợp với quan điểm, mục tiêu, định hướng, tầm nhìn phát triển đất nước của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và bền vững; các quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch, kế hoạch ngành quốc gia, quy hoạch phát triển vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

b) Đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung mọi nguồn lực đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế về công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch; dịch vụ tài chính, ngân hàng, dịch vụ thương mại và logistics; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao; đổi mới sáng tạo, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư.

c) Xác định phát huy giá trị bản sắc văn hóa, phát triển con người Vĩnh Phúc “Tiên phong, sáng tạo, khát vọng, đổi mới” là yếu tố nền tảng tạo động lực phát triển của tỉnh.

d) Cải thiện, nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân; lấy người dân làm trung tâm phát triển, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân cùng có cơ hội cải thiện điều kiện kinh tế, nâng cao thu nhập và đều được thụ hưởng những thành quả phát triển của tỉnh.

đ) Đẩy nhanh đô thị hóa, bảo đảm kết nối đồng bộ kết cấu hạ tầng giữa các đô thị với các khu, cụm công nghiệp và khu dịch vụ, trung tâm đầu mối; hình thành các hành lang kinh tế kết nối các không gian phát triển mới, các hành lang kinh tế quan trọng của Vùng, quốc gia; thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia.

e) Phát triển hài hòa, bền vững cả 3 lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường; Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội; chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế để khai thác có hiệu quả mọi tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

2. Mục tiêu phát triển đến năm 2030

a) Mục tiêu tổng quát

Tỉnh Vĩnh Phúc thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước về tăng trưởng GRDP bình quân đầu người; có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, cơ bản đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại I, làm tiền đề để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, phát triển bền vững; là hạt nhân thúc đẩy phát triển công nghiệp và dịch vụ hiện đại trong vùng đồng bằng sông Hồng; người dân có cuộc sống chất lượng cao, ấm no, hạnh phúc; có nền văn hóa tiên tiến, giàu bản sắc, xã hội phát triển hài hòa, môi trường sinh thái trong lành, đáng sống.

b) Một số chỉ tiêu cụ thể

- Về kinh tế:

+ Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt khoảng từ 10,5 - 11,0%/năm; GRDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 325 triệu đồng.

+ Đóng góp của nhân tố TFP vào tăng trưởng kinh tế năm 2030 khoảng 55% - 60%; đóng góp kinh tế số đạt trên 35% GRDP.

+ Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt khoảng 13%/năm.

+ Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 65%; phát triển đạt tiêu chí đô thị loại I trên quy mô toàn tỉnh.

+ Tỷ lệ huyện đạt huyện nông thôn mới đạt 100%; số xã đạt xã nông thôn mới nâng cao đạt 80%, trong đó xã nông thôn mới kiểu mẫu đạt trên 40%.

- Về xã hội:

+ Chỉ số phát triển con người HDI là 0,85.

+ Tỷ lệ trường mầm non, phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia đạt 100%, trong đó 30% đạt chuẩn mức độ 2.

+ Số giường bệnh/vạn dân đạt trên 45 giường; số bác sỹ/vạn dân đạt trên 19 bác sỹ; số dược sỹ đại học/vạn dân đạt trên 5 dược sỹ.

+ Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,5%.

+ Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt trên 48%.

- Về môi trường:

+ Tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch tập trung đạt chuẩn tại đô thị đạt 100%; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 85%.

+ Tỷ lệ chất thải rắn thu gom được xử lý tại khu vực thành thị đạt 100%, khu vực nông thôn đạt 90%; tỷ lệ các khu, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung và các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt quy chuẩn về môi trường đạt 100%; tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý theo quy định đạt 100%.

+ Tỷ lệ độ che phủ rừng khoảng 22% - 25%.

- Quốc phòng, an ninh được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

3. Tầm nhìn đến năm 2050

Vĩnh Phúc là thành phố trực thuộc Trung ương, có hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, xanh, sạch đẹp, mang bản sắc riêng, xã hội phồn vinh, thịnh vượng; là thành phố phát triển toàn diện trên tất cả các mặt về kinh tế, xã hội, môi trường; người dân có chất lượng cuộc sống cao, hạnh phúc; có nền văn hóa tiên tiến, môi trường sinh thái trong lành, đáng sống; quốc phòng, an ninh được giữ vững, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

4. Các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá

- Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, tăng năng suất lao động trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số. Nâng cao thu nhập bình quân đầu người.

- Tiếp tục phát huy thế mạnh của tỉnh trong phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao (trong đó chú trọng phát triển công nghiệp cơ khí, chế tạo ô tô xe máy, linh kiện điện tử…), đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm sản xuất ô tô, xe máy lớn của cả nước. Khai thác tối đa mọi tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh để phát triển kinh tế - xã hội.

- Đẩy mạnh, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, trong đó tập trung cải thiện các chỉ số về dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

- Khuyến khích, thu hút, đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; trọng dụng, đãi ngộ nhân tài đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao và phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo trên các ngành, lĩnh vực quan trọng của tỉnh, đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; phát triển kinh tế số, xã hội số và kinh tế tuần hoàn.

- Quản lý, huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại; tập trung giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm có tính chất lan tỏa, có khả năng kết nối liên vùng, liên tỉnh về hạ tầng giao thông, các khu, cụm công nghiệp, khu du lịch, khu đô thị đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

III. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH QUAN TRỌNG; PHƯƠNG ÁN TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG KINH TẾ - XÃ HỘI

1. Phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng

a) Phương hướng phát triển ngành công nghiệp

- Phát triển công nghiệp theo chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, gắn với mục tiêu đảm bảo các điều kiện về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Trên cơ sở các ngành công nghiệp đã hình thành, đẩy mạnh liên kết hợp tác giữa các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ để hướng tới mục tiêu xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất của cả nước về công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, ô tô - xe máy…

- Định hướng phát triển một số ngành công nghiệp chủ yếu như sau:

+ Sản xuất các sản phẩm điện tử, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, ưu tiên thu hút các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng các ngành có thế mạnh của tỉnh và vùng đồng bằng sông Hồng.

+ Cơ khí chế tạo, lắp ráp và sản xuất kim loại: Phát triển trở thành ngành công nghiệp nền tảng; tiếp tục phát triển các dòng sản phẩm ô tô cao cấp, mô tô và sản xuất các linh kiện phụ tùng phục vụ trong nước và xuất khẩu; khuyến khích phát triển sản phẩm cơ khí chế tạo phục vụ công nghiệp, nông nghiệp,…

+ Chế biến thực phẩm, đồ uống: Thu hút đầu tư và tạo điều kiện phát triển các dự án chế biến thịt các loại (bò, lợn,…) và các sản phẩm sữa gắn với việc phát triển ngành chăn nuôi bò, lợn thịt ở các khu vực có lợi thế, đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn của các nhà đầu tư chế biến thực phẩm.

+ Các nhóm ngành công nghiệp khuyến khích phát triển khác như chế biến nông, lâm sản, sản xuất dược phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng mới chất lượng cao, thân thiện môi trường,…

b) Phương hướng phát triển ngành dịch vụ

- Phát triển các ngành dịch vụ nhanh, hiệu quả, bền vững, đảm bảo các dịch vụ cơ bản với chất lượng ngày càng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và trở thành một ngành kinh tế quan trọng trong nền kinh tế tỉnh.

- Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh theo hướng “Dịch vụ chất lượng - Sản phẩm khác biệt - Hiệu quả bền vững”: vừa phát triển du lịch dựa trên các giá trị văn hóa truyền thống, vừa tạo dựng một phong cách riêng với các loại hình mới, độc đáo, đưa Vĩnh Phúc trở thành điểm đến hàng đầu về du lịch nghỉ dưỡng có thương hiệu, có năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế; đầu tư khai thác hiệu quả các sân gôn, dịch vụ thể thao, giải trí,…

- Phát triển dịch vụ thương mại gắn kết chặt chẽ với sản xuất. Phát triển các đầu mối cung cấp hàng hóa, bán buôn, bán lẻ của cả vùng tại Thổ Tang, Tề Lỗ, Trung Nguyên; khuyến khích xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong và ngoài nước, trong đó đặc biệt với thị trường vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Tạo điều kiện và khuyến khích phát triển hệ thống phân phối hiện đại; phát triển mạng lưới trung tâm thương mại, siêu thị và hội chợ triển lãm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

- Khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các loại hình dịch vụ vận tải, kho bãi, logistic hiện đại, trở thành một trong các ngành dịch vụ chủ lực, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu thụ hàng hóa nội tỉnh, vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Khuyến khích phát triển dịch vụ thông tin và truyền thông trên cơ sở phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, sáng tạo, ứng dụng hiệu quả thành tựu khoa học, công nghệ và cách mạng công nghiệp 4.0; nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, các dịch vụ đem lại từ kinh tế đô thị theo hướng đổi mới quy trình, thủ tục và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; đa dạng hóa các loại hình khám, chữa bệnh,…

c) Phương hướng phát triển ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản

Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, an toàn, hữu cơ theo chuỗi giá trị, tuần hoàn gắn với xây dựng nông thôn mới hiện đại, văn minh, bền vững; tập trung phát triển các vùng chuyên canh hàng hóa lớn, chất lượng cao; chú trọng xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản đặc hữu cho vùng, địa phương. Thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng nền tảng số và dữ liệu số trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.

- Trồng trọt: Ưu tiên phát triển các vùng sản xuất tập trung gắn với các sản phẩm có lợi thế về điều kiện địa lý và thị trường tiêu thụ; tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết, sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ,…

- Chăn nuôi: Tập trung phát triển những loại vật nuôi chủ lực, có lợi thế theo hướng trang trại công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao; đồng thời đẩy mạnh chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi truyền thống theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, an toàn. Phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường.

- Lâm nghiệp: quản lý, khai thác có hiệu quả, bền vững diện tích rừng hiện có; sử dụng dịch vụ môi trường rừng kết hợp phát triển du lịch sinh thái. Tổ chức liên kết theo chuỗi từ bảo vệ, trồng rừng, sử dụng đến chế biến lâm sản, trồng dược liệu,… để nâng cao giá trị rừng.

- Thủy sản: Bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản; phát triển nuôi trồng thủy sản theo hình thức thâm canh, công nghệ cao với các đối tượng chủ lực có giá trị kinh tế cao; đa dạng đối tượng và hình thức nuôi phù hợp với từng vùng, hình thành các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung quy mô lớn, áp dụng các quy phạm thực hành nuôi tốt, nuôi hữu cơ… gắn với truy xuất nguồn gốc và nâng cao chất lượng sản phẩm hướng đến xuất khẩu; đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học. Nuôi trồng thủy sản đạt chứng nhận hữu cơ tại các địa phương có lợi thế.

Tăng cường đầu tư phát triển cho lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.

2. Phương án phát triển các ngành, lĩnh vực khác

a) Phương hướng phát triển ngành giáo dục - đào tạo

Tiếp tục sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của mỗi địa bàn cụ thể, đảm bảo đủ trường lớp và trang thiết bị dạy học, đáp ứng yêu cầu phổ cập giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông. Khuyến khích phát triển các cơ sở giáo dục - đào tạo ngoài công lập ở những địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội phát triển. Phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên theo hướng giáo dục mở, đảm bảo đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của mọi người dân, xây dựng xã hội học tập từ cơ sở. Phát triển hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, bảo đảm đủ năng lực, quy mô, đáp ứng nhu cầu tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ giáo dục có chất lượng cho người khuyết tật; thực hiện công bằng trong tiếp cận giáo dục.

Nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh sẵn sàng thích ứng, gia nhập vào quá trình toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đảm bảo cơ cấu, đạt chuẩn nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Phát triển Vĩnh Phúc thành trung tâm giáo dục trải nghiệm phục vụ nhu cầu học tập của học sinh trong tỉnh và các vùng lân cận cũng như toàn quốc. Sắp xếp và phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại các địa phương trong tỉnh để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực hướng đến các chuẩn quốc tế. Thu hút, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao để tạo ra lợi thế cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế cho tỉnh.

b) Phương hướng phát triển lĩnh vực y tế

Củng cố và mở rộng quy mô, phát triển các trung tâm chuyên khoa thuộc các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh hiện có nhằm cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh có chất lượng, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Củng cố và nâng cấp các trung tâm y tế tuyến huyện, các bệnh viện đa khoa khu vực trên nguyên tắc đảm bảo đủ năng lực để đảm bảo nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Đầu tư nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở y tế hiện có; thành lập mới một số bệnh viện chuyên khoa; các cơ sở y tế tại địa bàn các khu, cụm công nghiệp. Đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao hiệu quả hoạt động của các trạm y tế xã, phường, thị trấn.

Đầu tư xây dựng hệ thống y tế dự phòng và kiểm soát bệnh tật đồng bộ, đủ năng lực dự báo, kiểm soát dịch bệnh. Kiện toàn hệ thống kiểm nghiệm, giám định y khoa, giám định pháp y và pháp y tâm thần theo quy định của Bộ Y tế.

Khuyến khích đầu tư phát triển chế biến, trồng nguyên dược liệu, tạo thành chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất và các cơ sở y tế.

c) Phương hướng phát triển lĩnh vực lao động việc làm và an sinh xã hội

- Về lao động việc làm:

+ Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo theo hướng ứng dụng, thực hành. Tăng cường đầu tư cho các trường đào tạo nghề trọng điểm để thực hiện đào tạo lực lượng lao động có chất lượng cao theo tiêu chuẩn thế giới và khu vực, đáp ứng nhu cầu của địa phương và xuất khẩu lao động. Chú trọng các ngành nghề đào tạo: công nghiệp công nghệ cao, cơ khí chế tạo, cơ khí chính xác, công nghệ thông tin, thương mại, dịch vụ, du lịch,…

+ Xây dựng chương trình đào tạo phù hợp trên cơ sở các tiêu chuẩn nghề quốc gia và khu vực, bám sát yêu cầu của thị trường lao động, phù hợp với kỹ thuật, công nghệ mới, trình độ quản lý; bảo đảm liên thông giữa các trình độ đào tạo.

- Về an sinh xã hội:

Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với người có công với cách mạng, giảm nghèo bền vững; phòng, chống các tệ nạn xã hội; bảo vệ và chăm sóc trẻ em, ưu tiên trợ giúp trẻ em đặc biệt khó khăn để hòa nhập cộng đồng.

Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ trợ giúp xã hội. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động trợ giúp xã hội; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền phòng, chống mại dâm, mua bán người, ma túy; thực hiện tốt các chính sách chăm sóc, bảo vệ trẻ em, bình đẳng giới ở các cấp.

d) Phương hướng phát triển lĩnh vực văn hóa, thể thao

- Khuyến khích, thu hút mọi nguồn lực đầu tư phát triển các thiết chế văn hóa thể thao nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của con người, địa phương Vĩnh Phúc. Bảo tồn, tôn tạo và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa; các công trình có giá trị tiêu biểu, có ý nghĩa chính trị, văn hóa, lịch sử, truyền thống đặc sắc trên địa bàn tỉnh, ưu tiên phục hồi, tu bổ, tôn tạo các di tích được xếp hạng.

- Bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống phi vật thể; tiếp nhận chọn lọc tinh hóa văn hóa thế giới, phù hợp sự phát triển của xã hội đương đại và thực tiễn của địa phương; các di sản văn hóa phi vật thể được ghi vào các Danh sách di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO, Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đẩy mạnh xã hội hóa và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa nghệ thuật.

- Phát triển sự nghiệp thể dục thể thao với nhiều loại hình đa dạng, phong phú. Đẩy mạnh phong trào toàn dân luyện tập thể thao, gắn với yêu cầu xây dựng đời sống văn hóa, nâng cao thể lực, tầm vóc con người Vĩnh Phúc; tập trung đầu tư cho thể dục thể thao trường học, tạo sự chuyển biến cơ bản về chất lượng công tác giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên. Chú trọng phát triển thể thao chuyên nghiệp; đào tạo vận động viên thể thao thành tích cao, ưu tiên đầu tư phát triển những môn thể thao có thế mạnh của tỉnh, phấn đấu xây dựng Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm thể dục thể thao mạnh của vùng và cả nước. Đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư cho thể dục thể thao, phát triển thể thao giải trí, thể thao gắn với dịch vụ du lịch.

đ) Phương hướng phát triển ngành thông tin truyền thông, chuyển đổi số

- Phát triển hệ thống thông tin, truyền thông và hạ tầng số đồng bộ, hiện đại nhằm tăng cường khả năng kết nối thông suốt, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, phục vụ chuyển đổi số, kinh tế số của tỉnh; chuyển từ dịch vụ bưu chính truyền thống sang dịch vụ bưu chính số và khuyến khích phát triển các nền tảng số trong lĩnh vực bưu chính. Hoàn thiện nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung cấp tỉnh (LGSP), kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các bộ, cơ quan; nâng cao năng lực bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

- Xây dựng ngành báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, hiện đại; tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên mạng Internet.

e) Phương hướng phát triển lĩnh vực khoa học công nghệ

- Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng thành tựu mới của khoa học - công nghệ, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, giá trị sản phẩm, nhất là các sản phẩm có thế mạnh chủ lực của tỉnh; hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, phát triển doanh nghiệp và thị trường khoa học, công nghệ, áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm hàng hóa.

- Nghiên cứu triển khai mô hình Trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của tỉnh, tạo cơ sở thuận lợi phát triển các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Phát triển các cơ sở ươm tạo (khu vườn ươm) các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch - dịch vụ và khởi nghiệp, đưa đổi mới sáng tạo trở thành một động lực quan trọng cho phát triển nhanh và bền vững của tỉnh.

g) Quốc phòng, an ninh

Xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc; thực hiện tốt kết hợp phát triển kinh tế gắn với quốc phòng, an ninh làm cơ sở xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới…

3. Phương án tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội và phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện

Phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội

- Hành lang kinh tế:

+ Hành lang kinh tế động lực phía Đông Nam: là hành lang kinh tế đa chức năng, động lực phát triển của tỉnh, liên kết các khu vực Vĩnh Tường - Yên Lạc - Bình Xuyên - Phúc Yên, đồng thời tăng cường liên kết hoạt động kinh tế với Hà Nội, Thái Nguyên…

+ Hành lang phát triển du lịch - đô thị nghỉ dưỡng phía Bắc: là hành lang phát triển dọc theo chân dãy núi Tam Đảo kéo dài qua khu vực hồ Vân Trục hướng ra sông Lô, kết nối các điểm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch gôn, du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện (du lịch MICE)… tạo sức hấp dẫn lớn gắn với phát triển bất động sản nghỉ dưỡng.

+ Hành lang phát triển ven sông phía Tây: là hành lang liên kết các huyện Yên Lạc - Vĩnh Tường - Lập Thạch - Sông Lô, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến, tiểu thủ công nghiệp, các trung tâm logistics, chợ đầu mối nông sản. Tập trung khai thác lợi thế của các trục sông chính trên địa bàn.

- Phân vùng tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội:

+ Vùng đô thị, công nghiệp trung tâm (gồm thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Tam Dương; một phần thành phố Phúc Yên và huyện Bình Xuyên): là khu vực có tiềm năng phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ, du lịch trong đó có khu du lịch Đại Lải, Đầm Vạc; có hệ thống di tích lịch sử - văn hóa, có các điểm cảnh quan đẹp.

+ Vùng phía Tây (gồm huyện Sông Lô, huyện Lập Thạch): có điều kiện giao thông kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, thuận lợi thu hút các dự án công nghiệp và phát triển du lịch.

+ Vùng phía Bắc (huyện Tam Đảo, xã Trung Mỹ thuộc huyện Bình Xuyên và xã Ngọc Thanh thuộc thành phố Phúc Yên): định hướng phát triển trở thành đô thị du lịch, nghỉ dưỡng có đẳng cấp của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.

- Trục động lực phát triển Bắc Nam: là trục liên kết Tam Đảo - Vĩnh Yên - Yên Lạc tới Hà Nội, liên kết cảnh quan, thể hiện sự đa dạng về địa hình và cảnh quan của tỉnh.

- Ba cực tăng trưởng chính gồm: (i) Vĩnh Yên: là cực tăng trưởng trung tâm phát triển kinh tế, đô thị có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội đối với tỉnh và vùng; (ii) Phúc Yên: Là cực tăng trưởng phía Đông Nam phát triển về công nghiệp - dịch vụ (trong đó du lịch là trọng tâm); (iii) Bình Xuyên: là cực tăng trưởng công nghiệp (trọng điểm là công nghiệp công nghệ cao).

b) Phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã

Rà soát, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24 tháng 12 năm 2018, Kết luận số 48-KL/TW ngày 30 tháng 01 năm 2023 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15 ngày 12 tháng 9 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2021 - 2030.

Tên gọi, vị trí địa lý, phạm vi ranh giới và phương án sắp xếp cụ thể các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

(Chi tiết tại Phụ lục I kèm theo)

IV. PHƯƠNG ÁN QUY HOẠCH HỆ THỐNG ĐÔ THỊ VÀ TỔ CHỨC LÃNH THỔ KHU VỰC NÔNG THÔN

1. Phương án quy hoạch hệ thống đô thị

- Đến năm 2030 tỷ lệ đô thị hóa khoảng 65%, bao gồm các đô thị:

+ 02 đô thị loại II: thành phố Vĩnh Yên và Phúc Yên.

+ 05 đô thị loại IV gồm: Vĩnh Tường, Tam Đảo, Bình Xuyên, Tam Dương, Yên Lạc, trong đó Vĩnh Tường, Tam Đảo, Bình Xuyên được thành lập đơn vị hành chính đô thị là thị xã.

+ 19 đô thị loại V: trong đó huyện Lập Thạch có 14 đô thị, huyện Sông Lô có 05 đô thị.

- Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Vĩnh Phúc đạt các tiêu chí của đô thị loại I, làm tiền đề để thành lập thành phố trực thuộc Trung ương; sau năm 2030 Vĩnh Phúc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

(Chi tiết tại Phụ lục II kèm theo)

2. Phương án tổ chức lãnh thổ khu vực nông thôn

Chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; mở rộng và hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng trung tâm cấp xã, cấp huyện, kết nối liên xã, liên huyện; đầu tư phát triển hệ thống sản xuất, chế biến, cung ứng nông sản; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bảo đảm cân bằng quỹ đất sản xuất nông nghiệp, môi trường sinh thái phát triển theo định hướng tăng trưởng xanh, hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Phát triển các khu vực ven đô thị với mật độ thấp, ưu tiên mô hình phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị sinh thái.

V. PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN CÁC KHU CHỨC NĂNG

1. Phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp

Quy hoạch, phát triển mới 05 khu công nghiệp để đến năm 2030 tỉnh Vĩnh Phúc có 24 khu công nghiệp được quy hoạch. Phát triển thành lập mới thêm các khu công nghiệp trong trường hợp được bổ sung, điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất và đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp.

Nhu cầu phát triển các khu công nghiệp sau năm 2030 với quy mô 7.000 ha và tầm nhìn đến năm 2050 lên quy mô 10.000 ha. Trong đó ưu tiên phát triển các khu công nghiệp mới dọc theo các trục đường giao thông huyết mạch như cao tốc Hà Nội - Lào Cai, đường vành đai 4, vành đai 5.

(Chi tiết tại Phụ lục III kèm theo)

2. Phương án phát triển cụm công nghiệp

Đến năm 2030, quy hoạch, phát triển mới 31 cụm công nghiệp, đưa tổng số cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh lên 47 cụm. Đến năm 2050 toàn tỉnh có 51 cụm công nghiệp.

(Chi tiết tại Phụ lục IV kèm theo)

3. Phương án phát triển khu du lịch

Tập trung phát triển các khu vực trọng điểm về du lịch kết hợp xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ; hình thành các khu du lịch nghỉ dưỡng, chất lượng dịch vụ đạt chuẩn quốc tế; là điểm đến của du khách trong và ngoài nước.

Đầu tư, nâng cấp khu du lịch quốc gia Tam Đảo và từng bước hoàn thiện đáp ứng tiêu chí khu du lịch quốc gia đối với khu du lịch Đại Lải - Ngọc Thanh và phụ cận; khu du lịch Tây Thiên - Tam Đảo II và phụ cận.

Đầu tư phát triển các khu du lịch: Hồ Làng Hà, Bắc Ngọc Thanh và hồ Đồng Câu, hồ Xạ Hương, hồ Thanh Lanh, hồ Vân Trục, hồ Bò Lạc, thác Bản Long,…

(Chi tiết tại Phụ lục V kèm theo)

4. Phương án phát triển khu thể dục thể thao

- Đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các công trình thể dục thể thao, khu luyện tập thể dục thể thao tại các huyện, thành phố phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, các quy hoạch khác có liên quan và quy định của pháp luật. Xây dựng Khu liên hợp thể thao tỉnh dự kiến tại huyện Tam Dương.

- Triển khai thu hút đầu tư các sân gôn kết hợp vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng ở các địa bàn thuận lợi trên địa bàn tỉnh.

(Chi tiết tại Phụ lục VI kèm theo)

5. Phát triển khu nghiên cứu, đào tạo

Phát triển khu nghiên cứu, đào tạo tại phía Bắc thành phố Vĩnh Yên, thuộc địa bàn các phường Liên Bảo, Đồng Tâm và xã Định Trung (Vĩnh Yên), các xã Kim Long, Thanh Vân, Đạo Tú và Hướng Đạo (Tam Dương) theo hướng trở thành khu đô thị đại học nhằm thu hút các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở, trung tâm nghiên cứu phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của vùng và cả nước phù hợp với quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội.

Củng cố và phát triển các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng và trung tâm
giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh để đáp ứng
nhu cầu nghiên cứu, đào tạo nhân lực chất lượng cao.

6. Phương án xác định các khu quân sự, khu an ninh

Xây dựng khu quân sự, khu an ninh bảo đảm thế trận quốc phòng trong khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc, các khu vực sẵn sàng phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội từng khu vực, địa phương trên địa bàn tỉnh.

Việc bố trí xây dựng các công trình quốc phòng, an ninh trên địa bàn được thực hiện theo các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

7. Phương án phát triển khu vực khó khăn

Thúc đẩy phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, hiệu quả; hình thành các vùng chuyên canh với quy mô hợp lý; phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với chế biến, khoanh nuôi, bảo vệ và phát triển rừng.

Đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, ưu tiên các chương trình, đề án hỗ trợ phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; phát triển các loại hình du lịch, dịch vụ.

Ưu tiên sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ; ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông kết nối khu vực khó khăn với các vùng phát triển kinh tế năng động của tỉnh.

VI. PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG KỸ THUẬT

1. Phương án phát triển mạng lưới giao thông

Tuân thủ theo định hướng các quy hoạch cấp quốc gia để phát triển hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh bảo đảm đồng bộ, hiện đại, liên thông, thúc đẩy liên kết vùng.

a) Đường bộ

- Đường bộ Quốc gia: thực hiện theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có cao tốc Hà Nội - Lào Cai, đường vành đai 5 - vùng Thủ đô, quốc lộ 2, quốc lộ 2C, quốc lộ 2D,…

- Đường địa phương:

+ Các tuyến đường tỉnh: quy hoạch các tuyến đường tỉnh đạt tối thiểu cấp III, đảm bảo kết nối đồng bộ giữa các địa phương trong tỉnh. Đối với những đoạn tuyến đi qua khu vực đô thị, sẽ được đầu tư theo quy hoạch xây dựng đô thị được phê duyệt.

+ Các tuyến đường huyện: nâng cấp các tuyến đường huyện đạt tiêu chuẩn tối thiểu cấp V.

- Bến, bãi đỗ xe: phát triển các bến xe khách, bãi đỗ xe tại các trung tâm huyện, thành phố, thị trấn, khu vực tập trung đông dân cư,… đáp ứng nhu cầu thực tế của từng địa phương.

(Chi tiết tại Phụ lục VII kèm theo)

b) Đường thủy nội địa

Đầu tư phát triển hạ tầng đường thủy phù hợp với Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có:

- Các tuyến đường thủy nội địa: tuyến Hà Nội - Việt Trì trên sông Hồng; tuyến Việt Trì - Tuyên Quang trên sông Lô.

- Các cảng thủy nội địa: cảng Vĩnh Thịnh; cảng Cam Giá; cảng An Tường; cảng Như Thụy; cảng Đức Bác và cảng khác (cảng Trung Hà, cảng Hồng Châu, cảng Cao Đại trên sông Hồng, cảng Việt Xuân, cảng Sơn Đông, cảng Cao Phong, cảng Hải Lựu trên sông Lô,…).

(Chi tiết tại Phụ lục VIII kèm theo)

c) Đường sắt

- Đường sắt quốc gia: Thực hiện theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có tuyến Hà Nội - Lào Cai và tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

- Đường sắt đô thị: Nghiên cứu xây dựng mới 02 tuyến đường sắt đô thị của Vĩnh Phúc kết nối với các tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội, cảng hàng không Nội Bài, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó có phát triển khu vực Tam Đảo.

(Chi tiết tại Phụ lục IX kèm theo)

d) Cảng cạn

Thực hiện theo Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có cảng cạn Hương Canh tại huyện Bình Xuyên, cảng cạn Lập Thạch tại huyện Lập Thạch, cảng cạn Cam Giá tại huyện Vĩnh Tường.

(Chi tiết tại Phụ lục X kèm theo)

2. Phương án phát triển mạng lưới cấp điện

a) Nguồn điện

Thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch triển khai Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; khuyến khích phát triển các loại hình năng lượng tái tạo như điện mặt trời áp mái, điện gió, điện sinh khối, điện rác,… thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

b) Lưới điện cao thế 500 kV (thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch triển khai Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050):

- Xây dựng mới trạm biến áp 500 kV Vĩnh Yên, quy mô công suất 2.700 MVA, trước mắt đầu tư công suất 1.800 MVA, tại khu vực xã Trung Mỹ, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc.

- Xây dựng mới tuyến 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên (tổng chiều dài 49 km trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc).

- Xây dựng mới đường dây 04 mạch 500 kV Vĩnh Yên - Rẽ Sơn La - Hiệp Hòa và Việt Trì - Hiệp Hòa, chiều dài 5 km đấu nối TBA 500 kV Vĩnh Yên.

- Xây dựng mới đường dây 02 mạch 500 kV Tây Hà Nội - Vĩnh Yên, chiều dài 44 km tạo liên kết lưới điện 500 kV giữa tỉnh Vĩnh Phúc và Thủ đô Hà Nội.

c) Lưới điện cao thế 220 kV (thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch triển khai Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050):

- Giữ nguyên công suất trạm 220 kV Vĩnh Yên; nâng công suất trạm 220 kV Vĩnh Tường; xây 04 trạm 220 kV (Bá Thiện, Tam Dương, Phúc Yên, Chấn Hưng). Tổng công suất trạm 220 kV trên địa bàn tỉnh khoảng 2.500 MVA.

- Các tuyến 220 kV đóng vai trò truyền tải và cấp điện cho các trạm nguồn 220 kV trên địa bàn tỉnh.

d) Lưới điện cao thế 110 kV

Cải tạo nâng cấp các tuyến 110 kV hiện hữu không đảm bảo chất lượng, xây dựng mới các tuyến 110 kV đấu nối cấp điện cho các trạm 110 kV xây mới, đảm bảo tiêu chí N-1.

đ) Lưới điện trung thế

- Cải tạo và xây dựng mới các nhánh chính, nhánh rẽ trung thế bảo đảm cấp điện cho các khu dân cư.

- Đầu tư xây dựng các lộ ra cho các trạm 110 kV, tăng cường tiết diện và liên kết mạch vòng các tuyến trục trung thế để khai thác hiệu quả các trạm biến áp 110 kV.

- Phát triển lưới điện cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các khu dân cư, đô thị, các cơ sở kinh tế - xã hội khác trên địa bàn tỉnh.

(Chi tiết tại Phụ lục XI kèm theo)

3. Phương án phát triển mạng lưới thông tin và truyền thông

- Phát triển bưu chính theo hướng hoàn thiện chất lượng dịch vụ số; khai thác và ứng dụng hiệu quả nền tảng mã địa chỉ gắn với bản đồ số (Vpostcode). Phát triển ngành báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại. Hình thành và phát triển môi trường số an toàn, tiện ích phục vụ phát triển bền vững trên cơ sở nghiên cứu, ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ.

- Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, mạng kết nối vạn vật (IoT) liên thông, đồng bộ, hiện đại nhằm phục vụ chuyển đổi số toàn diện trên địa bàn tỉnh; tạo sự bứt phá về hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông; đưa Vĩnh Phúc trở thành tỉnh có chỉ số cao về phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số của cả nước.

- Xây dựng và nâng cấp tuyến truyền dẫn quang liên tỉnh (bao gồm cả các tuyến truyền dẫn dự phòng): Hà Nội - Vĩnh Phúc, Vĩnh Phúc - Phú Thọ, Vĩnh Phúc - Thái Nguyên, Vĩnh Phúc - Tuyên Quang. Bảo đảm đáp ứng nhu cầu sử dụng các dịch vụ băng thông rộng trong tương lai. Xây dựng các tuyến truyền dẫn quang nội tỉnh bảo đảm dung lượng cao, kết nối liên vùng, liên huyện, đặc biệt là các vùng kinh tế - chính trị, vùng động lực phát triển của tỉnh, vùng kinh tế trọng điểm, ưu tiên phấn đấu phát triển đô thị thông minh, hiện đại bao gồm: thành phố Vĩnh Yên, thành phố Phúc Yên, huyện Tam Đảo và các vùng phát triển công nghiệp, phục vụ nhu cầu phát triển các dịch vụ băng rộng, tốc độ và chất lượng cao.

4. Phương án phát triển mạng lưới thủy lợi, cấp nước, thoát nước

a) Phương án phát triển mạng lưới thủy lợi

- Phân vùng cấp nước tưới gồm 04 vùng tưới: (i) Vùng tưới khu vực thành phố Vĩnh Yên; một phần huyện Lập Thạch, một phần huyện Tam Dương, một phần huyện Bình Xuyên, huyện Yên Lạc, huyện Vĩnh Tường; (ii) Vùng tưới khu vực huyện Sông Lô, một phần huyện Lập Thạch; (iii) Vùng tưới khu vực huyện Tam Đảo, một phần huyện Tam Dương, một phần huyện Bình Xuyên; (iv) Vùng tưới khu vực thành phố Phúc Yên và một phần kết nối liên vùng với huyện Sóc Sơn của Hà Nội.

- Phân vùng tiêu nước gồm 03 vùng tiêu: (i) Vùng sông Lô - Phó Đáy; (ii) Vùng sông Phan - Cà Lồ; (iii) Vùng bãi Vĩnh Tường - Yên Lạc.

- Phương án phát triển thủy lợi

+ Về cấp nước tưới: (i) Cải tạo, nâng cấp phát triển đa mục tiêu các hồ, đập lớn, vừa và nhỏ; (ii) Xây mới các hồ chứa nước, các đập dâng nước tại các địa điểm phù hợp trên địa bàn tỉnh; (iii) Cải tạo, nâng cấp và xây mới các trạm bơm tưới; (iv) Nâng cấp, kiên cố các tuyến kênh trên địa bàn tỉnh,…

+ Về tiêu úng: (i) Cải tạo, nâng cấp và xây mới các trạm bơm tiêu; (ii) Cải tạo, nạo vét khơi thông và kiên cố một số luồng tiêu địa bàn tỉnh; (iii) Cải tạo, nâng cấp, xây mới các cống, ngầm, tràn, điều tiết trên các tuyến kênh, luồng tiêu, suối, sông… trên địa bàn tỉnh.

b) Phương án phát triển mạng lưới cấp nước

- Nguồn cấp nước:

+ Đối với nước dưới đất: Tiếp tục duy trì khai thác, xử lý nước dưới đất đối với các công trình cấp nước sử dụng nguồn nước ngầm hiện trạng (hạn chế khai thác, mở rộng thêm công suất).

+ Đối với nước mặt: Xây dựng và mở rộng công suất một số nhà máy nước sử dụng nguồn nước mặt sông Lô, sông Hồng, sông Phó Đáy, hồ Đại Lải,… đảm bảo đáp ứng nhu cầu dùng nước sinh hoạt và sản xuất.

- Cấp nước khu vực đô thị, nông thôn và sản xuất công nghiệp:

+ Nâng cao hiệu quả hoạt động các nhà máy nước ngầm hiện có trên địa bàn tỉnh.

+ Mở rộng, nâng công suất các nhà máy cấp nước sử dụng nguồn nước mặt: Nhà máy nước Việt Xuân, nhà máy nước Tam Dương, nhà máy nước Sông Lô (Tam Sơn), nhà máy nước Bá Hiến, nhà máy nước Thái Hòa - Hoa Sơn, nhà máy nước Hồng Phương - Liên Châu, nhà máy nước Bồ Sao...

+ Xây dựng mới các nhà máy cấp nước mặt: Nhà máy nước Sông Hồng, nhà máy nước Phúc Bình, nhà máy nước Đôn Nhân, nhà máy nước Bồ Lý…

+ Tiếp tục duy trì cấp nước từ các nhà máy cấp nước tập trung khu vực nông thôn, tiếp tục triển khai các dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào cấp nước sạch tại khu vực nông thôn.

- Phát triển mạng lưới cấp nước kết nối hiệu quả với hạ tầng cấp nước của vùng; bố trí hệ thống cấp nước đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân; khai thác và sử dụng nguồn nước theo hướng hiệu quả, bền vững; ưu tiên giải pháp sử dụng nguồn nước mặt, hạn chế sử dụng nguồn nước ngầm. Phát triển mạng lưới đường ống truyền tải chính và đường ống truyền tải khu vực (cấp 1) phù hợp với định hướng phát triển các nhà máy nước.

- Khuyến khích, thu hút đầu tư các nhà máy cấp nước mặt trên địa bàn với quy mô phù hợp, đảm bảo tính khả thi để đáp ứng nhu cầu cấp nước sinh hoạt và sản xuất.

(Chi tiết tại Phụ lục XII kèm theo)

5. Phương án phát triển các khu xử lý chất thải, nghĩa trang

a) Xử lý nước thải

- Xây dựng các hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt tập trung tại các khu đô thị, thị xã, thị trấn và khu dân cư tập trung. Các cơ sở sản xuất, khu, cụm công nghiệp phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải, bảo đảm đạt quy chuẩn cho phép trước khi xả ra nguồn tiếp nhận. Nghiên cứu, đầu tư xây dựng 05 trạm xử lý nước thải tập trung bao gồm: Nhà máy nước thải khu Tây Vĩnh Yên, Nhà máy nước thải khu Trung tâm Vĩnh Yên, Nhà máy nước thải khu Nam Vĩnh Yên, Nhà máy nước thải khu Đông Bắc Vĩnh Yên, Nhà máy nước thải khu vực Phúc Yên.

(Chi tiết tại Phụ lục XII kèm theo)

b) Xử lý chất thải rắn

- Xây dựng các cơ sở xử lý chất thải rắn phân tán tại các huyện, thị xã, thành phố (mỗi địa phương bố trí tối thiểu 01 cơ sở xử lý hoặc dự trữ quỹ đất để bố trí khu xử lý chất thải rắn bảo đảm thu gom, xử lý cho địa phương hoặc liên huyện).

- Thu gom, xử lý: chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp thông thường của từng huyện, thành phố sẽ được thu gom và đưa về các khu xử lý chất thải rắn của từng huyện, thành phố; xử lý chất thải nguy hại tại nhà máy xử lý chất thải nguy hại theo quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng.

(Chi tiết tại Phụ lục XIII kèm theo)

c) Nghĩa trang và nhà tang lễ

- Xây dựng nghĩa trang, nhà tang lễ tập trung theo quy hoạch đô thị; nghĩa trang tập trung của các xã theo quy hoạch xây dựng nông thôn; di dời đối với các nghĩa trang trong khu vực phát triển đô thị hoặc không đảm bảo yêu cầu môi trường.

- Quy hoạch mới 01 nghĩa trang cấp I, 02 nghĩa trang cấp II; 01 cơ sở hỏa táng tại huyện Lập Thạch, xây dựng mới 10 nhà tang lễ tại các huyện, thành phố, cụ thể: 02 nhà tang lễ tại thành phố Vĩnh Yên và còn lại mỗi huyện, thành phố 01 nhà tang lễ.

(Chi tiết tại Phụ lục XIV kèm theo)

6. Phương án phát triển hạ tầng phòng cháy và chữa cháy

- Xây dựng mạng lưới trụ sở, doanh trại của lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ bảo đảm đủ điều kiện đáp ứng công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh.

- Đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất phục vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ bảo đảm tuân thủ theo quy định và được kết nối với các đơn vị tỉnh lân cận và trung ương.

VII. PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG XÃ HỘI

1. Phương án phát triển kết cấu hạ tầng giáo dục - đào tạo

- Đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp, mua sắm trang thiết bị cho các cơ sở giáo dục các cấp theo hướng chuẩn hóa, hiện đại. Nghiên cứu, thành lập mới một số trường trung học phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh. Thành lập trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh.

- Khuyến khích thu hút đầu tư các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở, trung tâm nghiên cứu, đầu tư xây dựng tại tỉnh để tiến tới hình thành khu đô thị đại học theo Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Khuyến khích phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương; tập trung đẩy nhanh phát triển hệ thống trường học mầm non, phổ thông tư thục ở địa bàn các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và khu đô thị mới.

(Chi tiết tại Phụ lục XV kèm theo)

2. Phương án phát triển kết cấu hạ tầng y tế

- Phát triển hệ thống y tế đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế dự phòng và kiểm soát bệnh tật.

- Đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp, mua sắm trang thiết bị cho các cơ sở y tế tuyến tỉnh, bệnh viện đa khoa khu vực, các trung tâm y tế tuyến huyện và các trạm y tế tuyến xã đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân. Nâng cấp quy mô giường bệnh của các bệnh viện tuyến tỉnh và trung tâm y tế tuyến huyện. Nghiên cứu đầu tư xây dựng bệnh viện chuyên khoa, trung tâm khám chữa bệnh chất lượng cao, trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ gen, tế bào gốc và mô phôi.

(Chi tiết tại Phụ lục XVI kèm theo)

3. Phương án phát triển kết cấu hạ tầng cơ sở giáo dục nghề nghiệp và an sinh xã hội

a) Đối với giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên

- Tiếp tục đầu tư, cải tạo, nâng cấp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trong đó ưu tiên đầu tư phát triển các trường cao đẳng thành trường chất lượng cao đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu cho các ngành, nghề trọng điểm của tỉnh. Nghiên cứu thành lập mới trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên tại huyện Sông Lô.

- Khuyến khích thu hút đầu tư các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập đào tạo đa ngành nghề phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế của tỉnh.

(Chi tiết tại Phụ lục XV kèm theo)

b) Đối với các cơ sở an sinh xã hội

- Tiếp tục đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các cơ sở an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo cơ bản điều kiện chăm sóc, trợ giúp cho người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người tâm thần, người nghiện ma túy và đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp.

- Khuyến khích kêu gọi các nguồn lực xã hội hóa để đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất các trung tâm trợ giúp xã hội hiện có và thành lập mới các trung tâm trợ giúp xã hội ngoài công lập tại các huyện, thị xã, thành phố.

(Chi tiết tại Phụ lục XVII kèm theo)

4. Phương án phát triển kết cấu hạ tầng cơ sở văn hóa, thể thao và du lịch

- Đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp thiết chế văn hóa, thể thao các cấp của tỉnh đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, thể thao của nhân dân. Đầu tư xây dựng đồng bộ các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ người lao động làm việc tại các khu, cụm công nghiệp.

- Đầu tư xây dựng mới các công trình văn hóa, thể thao trọng điểm của tỉnh. Đến năm 2030, các thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh đảm bảo về quy mô, chất lượng phục vụ các sự kiện văn hóa, thể thao lớn của tỉnh và sự kiện, giải đấu quy mô quốc gia và quốc tế.

- Chú trọng công tác bảo tồn, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, di tích được xếp hạng trên địa bàn tỉnh.

- Phát triển hệ thống sân gôn phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và bảo đảm các quy định của pháp luật.

- Đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp hạ tầng các khu du lịch trên địa bàn tỉnh.

- Khuyến khích thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.

(Chi tiết tại Phụ lục VI kèm theo)

5. Phương án phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, logistics

a) Kết cấu hạ tầng thương mại

- Chợ, trung tâm thương mại và siêu thị: Khuyến khích phát triển siêu thị, trung tâm thương mại hạng I tại khu vực thành phố; siêu thị và trung tâm thương mại hạng II tại khu vực đô thị cấp huyện.

- Hoàn thành xây dựng Dự án Trung tâm triển lãm tỉnh và giới thiệu thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc. Khuyến khích thu hút đầu tư các trung tâm trưng bày giới thiệu sản phẩm tại các huyện: Yên Lạc, Vĩnh Tường,…

- Hệ thống chợ, các trung tâm thương mại, siêu thị tại các xã, phường, thị trấn và các đô thị theo quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và các quy hoạch có liên quan.

b) Trung tâm logistics

Đầu tư hoàn thiện 01 trung tâm logistics tại huyện Bình Xuyên; nghiên cứu phát triển các trung tâm logistics tại 02 vị trí được quy hoạch cảng cạn thuộc huyện Lập Thạch và huyện Vĩnh Tường.

6. Phương án phát triển kết cấu hạ tầng khoa học và công nghệ

- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào các ngành, lĩnh vực, các hoạt động kinh tế - xã hội để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

- Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ đáp ứng công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khoa học và công nghệ của tỉnh. Xây dựng, phát triển Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc.

- Khuyến khích hỗ trợ phát triển các cơ sở hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh.

VIII. PHÂN BỔ VÀ KHOANH VÙNG ĐẤT ĐAI

Nguồn lực đất đai phải được điều tra, đánh giá, thống kê, kiểm kê, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát triển giáo dục, văn hóa, thể thao; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh. Bố trí sử dụng đất hợp lý trên cơ sở cân đối nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực phù hợp với chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc có trách nhiệm xây dựng kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất cấp huyện phù hợp với phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất trong quy hoạch tỉnh để làm căn cứ thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

(Chi tiết tại Phụ lục XVIII kèm theo)

IX. PHƯƠNG ÁN QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG LIÊN HUYỆN, VÙNG HUYỆN

1. Phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện

Quy hoạch phân vùng không gian liên huyện của tỉnh thành 3 vùng, gồm:

- Vùng liên huyện trung tâm: gồm thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Tam Dương, một phần thành phố Phúc Yên (trừ xã Ngọc Thanh) và một phần huyện Bình Xuyên (trừ xã Trung Mỹ). Là vùng có cửa ngõ quan trọng kết nối với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận; trung tâm hành chính, chính trị của tỉnh và là động lực phát triển của tỉnh, trung tâm phát triển kinh tế tổng hợp, đa ngành, định hướng phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, thương mại dịch vụ, logistics của tỉnh và của vùng đồng bằng sông Hồng.

- Vùng liên huyện phía Tây: gồm huyện Sông Lô và Lập Thạch. Là trung tâm phát triển công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp phụ trợ; vùng sản xuất nông nghiệp lớn, công nghệ cao gắn với sản xuất hàng hóa và du lịch.

- Vùng liên huyện phía Bắc: gồm huyện Tam Đảo, xã Trung Mỹ thuộc huyện Bình Xuyên và xã Ngọc Thanh thuộc thành phố Phúc Yên. Là vùng phát triển dịch vụ du lịch, văn hóa thể thao, có vai trò quan trọng trong bảo tồn các giá trị văn hóa, thiên nhiên của địa phương; phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với ngành chăn nuôi,…

2. Phương án quy hoạch xây dựng vùng huyện

a) Vùng huyện Bình Xuyên: là vùng trung tâm sản xuất công nghiệp động lực và dịch vụ logitics của tỉnh. Định hướng trở thành thị xã - đô thị loại IV. Trọng điểm thu hút công nghiệp sạch, hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao; các trung tâm nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực, trung tâm logistics, các khu chức năng dịch vụ hậu cần cảng, khu đô thị mới,…

b) Vùng huyện Yên Lạc: là vùng kinh tế tổng hợp công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, đô thị dịch vụ thương mại. Năm 2030 đạt tiêu chí đô thị loại IV. Tập trung phát triển các vùng nông nghiệp thâm canh cao, theo chuỗi giá trị; tận dụng lợi thế trên trục đường Bắc Nam kết nối với Hà Nội - Vĩnh Yên và tuyến đường Vành Đai 4 để phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, trung tâm thương mại, đô thị sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm.

c) Vùng huyện Vĩnh Tường: là trung tâm phát triển về thương mại dịch vụ, nông nghiệp có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng phía Tây Nam đô thị Vĩnh Phúc. Định hướng trong giai đoạn 2021 - 2030 trở thành thị xã - đô thị loại IV, đưa Thổ Tang - Vĩnh Tường trở thành trung tâm thương mại lớn của miền Bắc, kết hợp phát triển công nghiệp phụ trợ và đô thị phục vụ cho thương mại dịch vụ.

d) Vùng huyện Tam Dương: là huyện phát triển về kinh tế đô thị và công nghiệp phụ trợ của tỉnh Vĩnh Phúc. Định hướng năm 2030 đạt tiêu chí đô thị loại IV. Phát triển các khu đô thị mới với tiêu chí đô thị xanh - bền vững, đáp ứng tốc độ đô thị hóa của vùng trung tâm tỉnh. Thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản, thực phẩm, thức ăn gia súc, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí và các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp, hàng truyền thống...

đ) Vùng huyện Lập Thạch: là vùng kinh tế tổng hợp công nghiệp, nông nghiệp, đô thị, du lịch, dịch vụ, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng phía Tây. Kết nối với các địa phương trong tỉnh để phát triển các khu, cụm công nghiệp, nông nghiệp sạch, du lịch sinh thái,...

e) Vùng huyện Sông Lô: là vùng phát triển kinh tế tổng hợp về công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ du lịch, một trong những khu vực phát triển nông nghiệp chính của tỉnh; có tiềm năng phát triển các loại hình du lịch văn hóa; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với cảnh quan thiên nhiên đa dạng, hệ thống di tích và truyền thống lịch sử lâu đời.

g) Vùng huyện Tam Đảo: là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, thể thao, văn hóa,… của tỉnh và cả nước. Phát triển các đô thị xanh, trung tâm thương mại, dịch vụ; dược liệu, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch.

X. PHƯƠNG ÁN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, KHAI THÁC, SỬ DỤNG, BẢO VỆ TÀI NGUYÊN, ĐA DẠNG SINH HỌC; PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

1. Phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học

a) Về phân vùng môi trường:

- Vùng bảo vệ nghiêm ngặt: bao gồm 02 tiểu vùng:

+ Tiểu vùng bảo tồn: bao gồm Vườn quốc gia Tam Đảo, khu bảo tồn loài và sinh cảnh Đông bắc bộ, khu bảo tồn loài và sinh cảnh khu vực ngã ba sông Đà - sông Lô - sông Thao, khu bảo vệ cảnh quan: Thiền viện Trúc lâm Tuệ Đức, hồ Vân Trục, hồ Đại Lải; vùng bảo vệ nguồn nước các hồ cấp nước sinh hoạt; khu vực bảo vệ I của các di tích quốc gia đặc biệt, di tích cấp quốc gia trên địa bàn; vùng sinh thủy và khu vực cấp nước sinh hoạt.

+ Tiểu vùng bảo vệ có kiểm soát: các đô thị loại II, III; phân khu dịch vụ hành chính các khu bảo tồn, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo vệ thiên nhiên.

- Vùng hạn chế phát thải: vùng đệm các khu bảo tồn, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo vệ thiên nhiên; khu vực bảo vệ II của các khu di tích quốc gia đặc biệt; hành lang bảo vệ nguồn nước sông suối: sông Hồng, sông Lô, sông Phó Đáy, sông Cà Lồ, sông Phan; rừng phòng hộ đầu nguồn; các đô thị loại IV, loại V; vùng trồng lúa nước hai vụ (các huyện: Sông Lô, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Tam Dương, Lập Thạch); vùng nuôi cá nước ngọt ở các hồ chứa thuỷ lợi và trên các vùng nước ven sông, suối (thuộc các huyện: Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên, Tam Dương, Vĩnh Yên và Tam Đảo).

- Các vùng còn lại: ngoài các vùng bảo vệ nghiêm ngặt và vùng hạn chế phát thải.

(Chi tiết tại Phụ lục XIX kèm theo)

b) Về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học

Thực hiện theo Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tăng cường các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học nhằm giảm thiểu tác
động của thiên tai và biến đổi khí hậu; bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái tự
nhiên, các loài động vật hoang dã, các giống cây trồng, vật nuôi nguy cấp, quý,
hiếm. Kiểm soát và giảm thiểu các mối đe dọa đến đa dạng sinh học; nâng cao độ che phủ rừng, phòng ngừa, ngăn chặn xâm hại rừng và khai thác trái phép.

(Chi tiết tại Phụ lục XIX kèm theo)

c) Về định hướng bảo vệ môi trường tại các khu xử lý chất thải, nghĩa trang

- Các khu xử lý chất thải được bố trí ngoài khu vực đô thị, bảo đảm khoảng cách an toàn, vệ sinh môi trường theo các quy chuẩn hiện hành; có hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh và thu gom xử lý nước rỉ rác triệt để; sử dụng công nghệ tiên tiến và hiện đại.

- Nước thải được thu gom riêng xử lý đạt tiêu chuẩn hiện hành; rác thải phát sinh trong hoạt động mai táng được tập trung tại khu riêng và xử lý theo quy định, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường.

d) Về quan trắc chất lượng môi trường

Xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường định kỳ và tự động với hệ thống trang thiết bị đạt chuẩn, hiện đại, phù hợp mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia cho từng loại môi trường: nước, không khí, đa dạng sinh học,... Đến năm 2030, hoàn chỉnh mạng lưới quan trắc môi trường tỉnh Vĩnh Phúc.

(Chi tiết tại Phụ lục XX kèm theo)

đ) Về quản lý bảo vệ và phát triển rừng bền vững

- Xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững. Hoàn thành giao đất, giao rừng phù hợp với các quy định hiện hành và tình hình thực tế tại địa phương.

- Khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phục hồi, trồng mới, trồng thay thế các loại rừng và bảo vệ nghiêm ngặt rừng phòng hộ; kết hợp hài hoà giữa bảo vệ rừng với phát triển sinh kế từ rừng.

- Phát triển hệ thống đường lâm nghiệp phục vụ công tác tuần tra, bảo vệ rừng và kết hợp du lịch sinh thái dưới tán rừng. Nâng cao năng lực quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.

2. Phương án thăm dò, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên khoáng sản

a) Khu vực thăm dò, khai thác sử dụng và bảo vệ tài nguyên khoáng sản

- Phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh phù hợp với Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các quy hoạch ngành quốc gia và quy định khác có liên quan.

- Bảo vệ, khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên khoáng sản hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm, phục vụ nhu cầu hiện tại, có tính đến sự phát triển khoa học công nghệ và nhu cầu khoáng sản trong tương lai, không làm ảnh hưởng môi trường, các danh lam, thắng cảnh và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

- Khoanh định các vị trí, phạm vi khai thác làm vật liệu san lấp tại địa bàn các huyện: Bình Xuyên, Tam Dương, Tam Đảo, Lập Thạch, Sông Lô. Khoanh định bổ sung quy hoạch khai thác vật liệu xây dựng tại các khu vực sông, suối trong tỉnh.

b) Khoanh định các khu vực cấm và tạm thời cấm hoạt động khoáng sản

- Các khu vực cấm hoạt động khoáng sản, gồm: khu vực đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc được khoanh vùng bảo vệ; khu vực đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ hoặc đất quy hoạch trồng rừng phòng hộ, khu bảo tồn địa chất; khu vực đất quy hoạch dành cho mục đích quốc phòng, an ninh hoặc nếu tiến hành hoạt động khoáng sản có thể gây ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; đất do cơ sở tôn giáo sử dụng; đất thuộc hành lang hoặc phạm vi bảo vệ công trình giao thông, thủy lợi, đê điều, hệ thống cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải, dẫn điện, xăng dầu, khí, thông tin liên lạc.

- Khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, gồm: các khu vực yêu cầu về quốc phòng, an ninh, bảo tồn thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh khi phát hiện trong quá trình thăm dò, khai thác khoáng sản và các khu vực phòng, tránh, khắc phục hậu quả thiên tai.

(Chi tiết tại Phụ lục XXI kèm theo)

3. Phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra

a) Phân vùng tài nguyên nước

- Về tài nguyên nước mặt: nguồn nước sử dụng được lấy chủ yếu từ 04 sông lớn, gồm: sông Hồng, sông Lô, sông Phan - Cà Lồ, sông Phó Đáy và từ các sông, hồ, kênh, ao,… trên địa bàn các huyện, thành phố.

- Về tài nguyên nước ngầm: tiếp tục duy trì khai thác nước ngầm tại các địa điểm hiện trạng trên địa bàn 09 huyện, thành phố của tỉnh Vĩnh Phúc, trong đó hạn chế dần việc khai thác tại các điểm trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên. Nước ngầm được khai thác trong tầng chứa nước với lưu lượng phù hợp theo trữ lượng thăm dò của từng khu vực.

b) Phân bổ tài nguyên nước

Thứ tự ưu tiên phân bổ nguồn nước cho các đối tượng sử dụng nước trong kỳ quy hoạch được sắp xếp từ cao đến thấp như sau: sinh hoạt; công nghiệp; du lịch; dịch vụ; nông nghiệp; thủy sản.

- Trong điều kiện bình thường: nguồn nước đủ đáp ứng việc phân bổ đảm bảo 100% nhu cầu dùng nước; ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt, an sinh xã hội, các ngành sản xuất có giá trị cao.

- Trong trường hợp hạn hán, thiếu nước: tỷ lệ phân bổ cho các đối tượng khai thác, sử dụng nước là sinh hoạt 100%, công nghiệp 90%, du lịch - dịch vụ 85%, nông nghiệp 80%, thủy sản 75%.

c) Bảo vệ tài nguyên nước

- Triển khai cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước. Thực hiện các biện pháp hạn chế khai thác và phòng ngừa, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước dưới đất. Xây dựng hệ thống giám sát tài nguyên nước và khai thác, sử dụng nước mặt và nước dưới đất. Thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm từ các nguồn thải. Xây dựng các công trình phòng, chống hạn hán và tiêu úng như các trạm bơm, cống tiêu, nạo vét trục tiêu và triển khai đầu tư công trình đê điều, phòng chống lũ. Hoàn thiện, nâng cấp mạng lưới các trạm cảnh báo thiên tai hiện có. Rà soát các công trình đập dâng, hồ chứa nước đã xuống cấp để gia cố, nâng cấp. Ổn định mái dốc, chống sạt lở cho những khu vực có nguy cơ lũ quét cao...

Khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên nước mặt và nước dưới đất; tăng cường trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn, đảm bảo dòng chảy tối thiểu trên các hệ thống sông; phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm, xây dựng mạng quan trắc, giám sát khai thác và sử dụng tài nguyên nước; kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác, sử dụng nước dưới đất, lượng khai thác không vượt qua ngưỡng giới hạn trữ lượng tiềm năng.

d) Phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra

Xây dựng, nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi, các công trình phòng chống hạn, thực hiện các biện pháp trữ nước trong mùa khô. Xây dựng các tuyến đê bao, kè chống sạt lở ven sông, các công trình trạm bơm chống ngập úng. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với những khu vực có khả năng thiếu nước. Tăng cường trồng rừng và bảo vệ nghiêm ngặt rừng phòng hộ.

4. Phương án phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu

a) Phân vùng rủi ro đối với từng loại thiên tai trên địa bàn

- Vùng nguy cơ ngập lụt: thành phố Vĩnh Yên, thành phố Phúc Yên, các huyện: Lập Thạch, Bình Xuyên, Yên Lạc, Tam Dương, Sông Lô, Vĩnh Tường.

- Vùng nguy cơ sạt lở đất, lũ quét: vùng núi, sườn núi Tam Đảo huyện Tam Đảo; huyện Sông Lô, huyện Lập Thạch; phía bắc thành phố Phúc Yên và huyện Bình Xuyên.

- Vùng ảnh hưởng bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn: toàn tỉnh.

- Vùng rủi ro sạt lở bờ sông: dọc bờ tả sông Lô, một số vị trí ven bờ sông Phan, sông Bến Tre,…

- Vùng rủi ro lốc sét, hạn hán, nắng nóng, rét hại: toàn tỉnh.

b) Phương án phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu

- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống thiên tai; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng và kịp thời cho công tác dự báo, cảnh báo; tổ chức thường xuyên diễn tập phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Tăng cường năng lực quan trắc khí tượng thủy văn.

- Đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các công trình phòng, chống thiên tai, đê, kè, cống, bãi sông, luồng tiêu, trạm bơm tiêu,… tăng khả năng thoát lũ. Đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các công trình hồ, đập, kênh, trạm bơm,… tăng khả năng trữ nước chống hạn.

c) Phương án phòng, chống lũ của các tuyến sông có đê, phương án phát triển hệ thống đê điều và kết cấu hạ tầng phòng, chống thiên tai

- Về dân cư vùng bãi sông:

+ Đối với các cụm dân cư nhỏ lẻ hiện hữu ở vị trí có nguy cơ chịu ảnh hưởng lớn của dòng chảy khi mùa mưa lũ đến hoặc khu vực bãi sông có nguy cơ xói lở, nguy hiểm tiến hành di dời theo quy định.

+ Đối với các khu dân cư tập trung khác được tồn tại và tái định cư theo Quy hoạch phòng chống lũ, đê điều, hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình.

- Về khai thác, sử dụng bãi sông:

+ Quản lý, khai thác, sử dụng các khu vực bãi sông bên ngoài đê cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc như: dịch vụ, du lịch,… bảo đảm phù hợp với Quy hoạch phòng chống lũ, đê điều, hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quy định của pháp luật đê điều và các quy định pháp luật khác có liên quan.

+ Cải tạo các bãi sông nhằm tăng khả năng thoát lũ; xây dựng hệ thống
quan trắc, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo mưa lũ; xây dựng phương án ứng phó với trường hợp lũ vượt tần suất thiết kế. Nâng cao hiệu quả quản lý, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các đơn vị quản lý đê điều. Quản lý chặt chẽ việc khai thác cát, sỏi lòng sông, vật liệu trên bãi sông, nạo vét, chỉnh trị luồng vận tải thủy, di dời các công trình trong hành lang bảo vệ đê điều; nâng cao nhận thức cộng đồng...

- Cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ đê điều, chỉ giới các khu vực dân cư tập trung hiện có được tồn tại, các khu vực bãi sông được phép nghiên cứu xây dựng. Củng cố đê điều; xây dựng, củng cố, nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi. Đầu tư, nâng cấp công trình xây dựng có xem xét đến phòng, chống thiên tai; công trình giao thông kết hợp phòng, chống thiên tai; lắp đặt bổ sung các công trình đo đạc khí tượng thủy văn, giám sát và cảnh báo thiên tai.

XI. DANH MỤC DỰ ÁN DỰ KIẾN ƯU TIÊN THỰC HIỆN

Trên cơ sở định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng và phương hướng tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội, xác định các dự án có tính chất quan trọng, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội để ưu tiên đầu tư và thu hút đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư của từng thời kỳ.

(Chi tiết tại Phụ lục XXII kèm theo)

XII. GIẢI PHÁP, NGUỒN LỰC THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Nhóm giải pháp về huy động và sử dụng vốn đầu tư

Tập trung đẩy mạnh huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, trong đó ưu tiên các dự án trọng điểm tạo động lực lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Mở rộng các hình thức đầu tư, khuyến khích đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và hình thức đầu tư khác; tăng cường xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước để huy động nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và các dự án sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

2. Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực

Phát triển nguồn nhân lực phù hợp xu thế phát triển chung của vùng và cả nước với ba ưu tiên hàng đầu bao gồm: nâng cao kỹ năng nghề của người lao động; phát triển nguồn nhân lực trình độ cao các ngành: kỹ thuật, công nghệ thông tin, thương mại dịch vụ, khoa học công nghệ và nông nghiệp; thu hút nhân tài, chuyên gia nghiên cứu,... về công tác tại tỉnh.

3. Giải pháp về môi trường, khoa học và công nghệ

a) Về môi trường

Tăng cường năng lực của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, nhất là đầu tư xử lý chất thải, nước thải, xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường.

b) Về khoa học và công nghệ

Ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án về hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm của địa phương; nghiên cứu, giải mã, tiếp nhận và ứng dụng các công nghệ mới; xác lập, đăng ký tài sản trí tuệ, quyền sở hữu công nghiệp, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm hàng hóa của địa phương. Hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ.

Hình thành và đưa vào vận hành, kết nối sàn giao dịch công nghệ của tỉnh với các sàn giao dịch công nghệ cấp tỉnh, Vùng, các trung tâm tư vấn, môi giới, xúc tiến chuyển giao công nghệ tại Việt Nam, thuộc khu vực ASEAN và quốc tế.

c) Giải pháp về chuyển đổi số

Tăng cường vai trò, trách nhiệm, năng lực của các cơ quan chủ trì các nhiệm vụ chuyển đổi số. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thay đổi, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số tới các cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp. Triển khai các chương trình hợp tác liên vùng, hợp tác quốc tế trao đổi kinh nghiệm thực hiện chuyển đổi số, khoa học, công nghệ, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực. Tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp, các viện, các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu nhằm phát triển khoa học công nghệ.

Ưu tiên phát triển hạ tầng băng rộng chất lượng cao trên toàn tỉnh. Tăng cường đầu tư vào hạ tầng số thông qua các giải pháp thúc đẩy xây dựng hạ tầng, sử dụng chung hạ tầng, khuyến khích đầu tư vào hạ tầng số, dịch vụ mới như điện toán đám mây, 5G, IoT, Big Data, AI…; bảo đảm an toàn, an ninh mạng, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số.

4. Giải pháp về cơ chế, chính sách liên kết phát triển

Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23 tháng 11 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế - xã hội.

Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình hợp tác với các địa phương. Tăng cường quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi Chính phủ, các Đại sứ quán và cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận thông tin, thâm nhập và mở rộng thị trường.

5. Giải pháp về quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn

Kiểm soát không gian phát triển đô thị, bảo đảm các tiêu chí phát triển bền vững về kinh tế - xã hội - môi trường. Quy hoạch đầu tư xây dựng các khu dân cư, điểm dân cư nông thôn mới theo các quy hoạch chuyên ngành (quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất) với quy mô phù hợp theo định hướng, nhu cầu phát triển nhà ở của địa phương, gắn với quá trình phát triển đô thị, tiệm cận với các tiêu chí, tiêu chuẩn đô thị, làm động lực và đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa của tỉnh. Sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển đô thị - nông thôn, khuyến khích các mô hình phát triển bền vững theo hướng đô thị xanh, đô thị sinh thái, đô thị thông minh.

Đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai, hồ sơ địa chính theo mô hình hiện đại, tập trung thống nhất mang tính tích hợp hướng tới xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu liên thông; có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, khắc phục tình trạng đầu cơ đất đai.

6. Giải pháp về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch

Triển khai xây dựng kế hoạch hành động và thường xuyên cập nhật, cụ thể hoá, lồng ghép các nội dung quy hoạch thành các chương trình, đề án, kế hoạch 5 năm, hằng năm.

Thường xuyên theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch; kịp thời phát hiện và xử lý hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý các trường hợp vi phạm.

XIII. DANH MỤC SƠ ĐỒ, BẢN ĐỒ QUY HOẠCH

Danh mục sơ đồ, bản đồ Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

(Chi tiết tại Phụ lục XXIII kèm theo)

Điều 2. Tổ chức thực hiện quy hoạch tỉnh

1. Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định này là căn cứ lập, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc theo quy định của pháp luật có liên quan.

2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc

a) Tổ chức công bố, công khai Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

b) Rà soát, hoàn thiện hệ thống sơ đồ, bản đồ, cơ sở dữ liệu, hồ sơ quy hoạch tỉnh bảo đảm thống nhất với nội dung của Quyết định này; chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu, tài liệu, hệ thống sơ đồ, bản đồ và cơ sở dữ liệu trong Hồ sơ Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi đã rà soát, hoàn thiện.

c) Xây dựng, trình ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc; tổ chức thực hiện quy hoạch gắn với chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; định kỳ tổ chức đánh giá thực hiện Quy hoạch và rà soát điều chỉnh Quy hoạch theo quy định của pháp luật.

d) Nghiên cứu xây dựng và ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp với yêu cầu phát triển của tỉnh và quy định của pháp luật để huy động các nguồn lực thực hiện quy hoạch.

đ) Tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy hoạch; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật.

e) Tổ chức rà soát Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch có liên quan được cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện điều chỉnh Quy hoạch trong trường hợp có nội dung mâu thuẫn theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

g) Đối với các dự án dự kiến đầu tư sau năm 2030, trường hợp có nhu cầu đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và huy động được nguồn lực thực hiện thì tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền chấp thuận cho đầu tư sớm hơn.

3. Việc chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư và triển khai các chương trình, dự án, đề án, bao gồm cả các dự án chưa được xác định trong các phương án phát triển ngành, lĩnh vực, phương án phát triển các khu chức năng, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và danh mục dự án ưu tiên đầu tư ban hành kèm theo Quyết định này phải phù hợp với các nội dung quy định tại Điều 1 Quyết định này và phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch thực hiện quy hoạch khác có liên quan (nếu có), bảo đảm thực hiện đầy đủ, đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền và các quy định pháp luật hiện hành có liên quan; đồng thời người quyết định chủ trương đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về quyết định của mình.

Trong quá trình nghiên cứu, triển khai các dự án cụ thể, cơ quan có thẩm quyền chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về việc xác định vị trí, diện tích, quy mô, công suất, phân kỳ đầu tư các công trình, dự án phù hợp với khả năng huy động nguồn lực, yêu cầu thực tiễn phát triển của tỉnh và theo đúng các quy định pháp luật hiện hành có liên quan.

Đối với các dự án, công trình đang được rà soát, xử lý theo kết luận thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán và thi hành các bản án (nếu có) chỉ được triển khai thực hiện sau khi đã thực hiện đầy đủ các nội dung theo kết luận thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán, bản án (nếu có) hoặc được cấp có thẩm quyền chấp thuận, bảo đảm đúng các quy định hiện hành.

4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về tính chính xác của các nội dung, thông tin, số liệu, tài liệu, hệ thống sơ đồ, bản đồ, cơ sở dữ liệu trong hồ sơ Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; các nội dung tiếp thu, giải trình, bảo lưu đối với các ý kiến thẩm định, rà soát, tham gia của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân có liên quan; các phụ lục được ban hành kèm theo Quyết định này bảo đảm phù hợp, đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch có liên quan; thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các cam kết tại Công văn số 594/UBND-KT5 ngày 23 tháng 01 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc.

5. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc trong quá trình thực hiện Quy hoạch; phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc trong việc đề xuất các cơ chế chính sách, giải pháp, huy động và bố trí nguồn lực thực hiện hiệu quả các mục tiêu, định hướng của Quy hoạch bảo đảm thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Trần Hồng Hà

PHỤ LỤC I

PHƯƠNG ÁN SẮP XẾP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP HUYỆN, CẤP XÃ TỈNH VĨNH PHÚC GIAI ĐOẠN 2023 - 2025
(Kèm theo Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 06 tháng 02 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Cấp đơn vị hành chính

Số lượng đơn vị hành chính trước khi sắp xếp

Số lượng đơn vị hành chính sau khi sắp xếp

1

Đơn vị hành chính cấp huyện

9

9

1.1

Thành phố

2

2

1.2

Huyện

7

7

2

Đơn vị hành chính cấp xã

136

121

2.1

Thị trấn

18

18

2.2

Phường

16

15

2.3

102

88

Ghi chú:

- Giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Vĩnh Phúc dự kiến sắp xếp 28 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 13 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 15 đơn vị hành chính cấp xã.

- Nội dung sắp xếp đơn vị hành chính đề xuất nêu trên là phương án dự kiến. Việc sắp xếp đơn vị hành chính sẽ tiếp tục được cập nhật sau khi Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm tuân thủ theo quy định tại Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24 tháng 12 năm 2018 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã, Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15 ngày 12 tháng 9 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12 tháng 7 năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.

PHỤ LỤC II

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG ĐÔ THỊ TỈNH VĨNH PHÚC THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 06 tháng 02 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Đô thị

Loại đô thị

Năm 2021

Giai đoạn
2021 - 2025

Giai đoạn
2026 - 2030

Đến năm 2030

I

Hệ thống đô thị

32

28

26

Tỉnh Vĩnh Phúc cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại I, làm tiền đề để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

1

Thành phố Vĩnh Yên

II

II

II

2

Thành phố Phúc Yên

III

II

II

3

Huyện Bình Xuyên

IV

IV

3.1

Thị trấn Hương Canh

V

3.2

Thị trấn Gia Khánh

V

3.3

Thị trấn Thanh Lãng

V

3.4

Thị trấn Đạo Đức

V

3.5

Thị trấn Bá Hiến

V

3.6

Xã Quất Lưu

V

4

Huyện Vĩnh Tường

IV

IV

4.1

Thị trấn Vĩnh Tường

V

4.2

Thị trấn Thổ Tang

V

4.3

Thị trấn Tứ Trưng

V

4.4

Xã Thượng Trưng

V

4.5

Xã Tân Tiến

V

4.6

Xã Đại Đồng

V

5

Huyện Tam Đảo

IV

IV

5.1

Thị trấn Tam Đảo

V

5.2

Thị trấn Hợp Châu

V

5.3

Thị trấn Đại Đình

V

6

Huyện Yên Lạc

IV

6.1

Thị trấn Yên Lạc

V

V

6.2

Xã Tam Hồng

V

V

6.3

Xã Nguyệt Đức

V

V

6.4

Xã Trung Nguyên

V

V

6.5

Xã Tề Lỗ

V

V

6.6

Xã Đồng Văn

V

V

7

Huyện Tam Dương

IV

7.1

Thị trấn Hợp Hòa

V

V

7.2

Xã Hợp Thịnh

V

V

7.3

Xã Kim Long

V

V

8

Huyện Lập Thạch

8.1

Thị trấn Lập Thạch

V

V

V

8.2

Thị trấn Hoa Sơn

V

V

V

8.3

Xã Sơn Đông

V

V

V

8.4

Xã Xuân Lôi

V

V

V

8.5

Xã Văn Quán

V

V

V

8.6

Xã Hợp Lý

V

V

8.7

Xã Bàn Giản

V

V

8.8

Xã Thái Hòa

V

V

8.9

Xã Triệu Đề

V

V

8.10

Xã Bắc Bình

V

V

8.11

Xã Đình Chu

V

8.12

Xã Tiên Lữ

V

8.13

Xã Vân Trục

V

8.14

Xã Tử Du

V

9

Huyện Sông Lô

9.1

Thị trấn Tam Sơn

V

V

V

9.2

Xã Hải Lựu

V

V

9.3

Xã Đức Bác

V

V

9.4

Xã Lãng Công

V

V

9.5

Xã Cao Phong

V

II

Tỷ lệ đô thị hóa (%)

45

55

> 65

Ghi chú:

- Định hướng phân loại đô thị bảo đảm phù hợp với Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia.

- Trong quá trình xây dựng phát triển đô thị, các đô thị đạt tiêu chí phân loại đô thị sớm hơn hoặc muộn hơn định hướng thì thực hiện thủ tục đánh giá, công nhận loại đô thị tại thời điểm đánh giá đạt các tiêu chí phân loại đô thị theo quy định của pháp luật.

PHỤ LỤC III

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TỈNH VĨNH PHÚC THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 06 tháng 02 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)

STT

Tên khu công nghiệp

Địa điểm

Diện tích dự kiến (ha)

Đến năm 2030

Đến năm 2050

I

Các khu công nghiệp đã thành lập

3162,66

3162,66

1

Khu công nghiệp Kim Hoa

Thành phố Phúc Yên

50

50

2

Khu công nghiệp Khai Quang

Thành phố Vĩnh Yên, Huyện Bình Xuyên

221,46

221,46

3

Khu công nghiệp Bình Xuyên

Huyện Bình Xuyên

286,98

286,98

4

Khu công nghiệp Bá Thiện

Huyện Bình Xuyên

325,75

325,75

5

Khu công nghiệp Bình Xuyên II, giai đoạn I

Huyện Bình Xuyên

42,21

42,21

6

Khu công nghiệp Bình Xuyên II - giai đoạn II

Huyện Bình Xuyên

63,11

63,11

7

Khu công nghiệp Bá Thiện II

Huyện Bình Xuyên

308,83

308,83

8

Khu công nghiệp Sơn Lôi

Huyện Bình Xuyên

246,65

246,65

9

Khu công nghiệp Tam Dương I khu vực 2

Huyện Tam Dương

156,76

156,76

10

Khu công nghiệp Nam Bình Xuyên

Huyện Bình Xuyên

290,15

290,15

11

Khu công nghiệp Phúc Yên

Thành phố Phúc Yên

127,74

127,74

12

Khu công nghiệp Sông Lô I

Huyện Sông Lô

177,36

177,36

13

Khu công nghiệp Sông Lô II

Huyện Sông Lô

165,66

165,66

14

Khu công nghiệp Tam Dương II, khu A

Huyện Tam Dương

135,17

135,17

15

Khu công nghiệp Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa khu vực II - giai đoạn 1

Huyện Lập Thạch

145,27

145,27

16

Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc

Huyện Bình Xuyên

213

213

17

Khu công nghiệp Đồng Sóc

Huyện Vĩnh Tường

206,56

206,56

II

Các khu công nghiệp đã quy hoạch

928,34

1.305,02

1

Khu công nghiệp Tam Dương I khu vực 3

Huyện Tam Dương

176,11

176,11

2

Khu công nghiệp Lập Thạch II

Huyện Lập Thạch

235,35

235,35

3

Khu công nghiệp Lập Thạch I

Huyện Lập Thạch

131,99

131,99

4

Khu công nghiệp Tam Dương II, khu B

Huyện Tam Dương

178,98

178,98

5

Khu công nghiệp Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa khu vực I

Huyện Lập Thạch

77,21

283,27

6

Khu công nghiệp Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa khu vực II - phần còn lại

Huyện Lập Thạch

136,02

7

Khu công nghiệp Chấn Hưng

Huyện Vĩnh Tường

128,7

163,3

III

Các khu công nghiệp quy hoạch mới

724

1022

1

Khu Công nghiệp Yên Lạc

Huyện Yên Lạc

150

183

2

Khu Công nghiệp Bình Xuyên - Yên Lạc I

Huyện Bình Xuyên, huyện Yên Lạc

219

235

3

Khu Công nghiệp Bình Xuyên - Yên Lạc II

Huyện Bình Xuyên, huyện Yên Lạc

165

230

4

Khu Công nghiệp Đồng Sóc - Yên Lạc

Huyện Yên Lạc

115

115

5

Khu công nghiệp Sông Lô III

Huyện Sông Lô

75

259

IV

Tổng

4.815

5.489,68

V

Các khu công nghiệp có tiềm năng, dự kiến thành lập mới trong trường hợp được bổ sung, điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật

Các huyện: Lập Thạch, Sông Lô, Tam Dương và các khu vực tiềm năng khác trên địa bàn tỉnh

4.510,32

Ghi chú:

- Tên, quy mô diện tích và phạm vi ranh giới các khu công nghiệp sẽ được xác định chính xác trong quá trình lập quy hoạch xây dựng, lập dự án đầu tư và được cấp có thẩm quyền quyết định, bảo đảm đúng chỉ tiêu sử dụng đất đã được phân bổ tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ và các quyết định điều chỉnh, bổ sung (nếu có) của cấp có thẩm quyền.

- Các khu công nghiệp tiềm năng có nhu cầu đầu tư sớm hơn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thì Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

PHỤ LỤC IV

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN CÁC CỤM CÔNG NGHIỆP TỈNH VĨNH PHÚC THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 06 tháng 02 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Tên cụm công nghiệp

Địa điểm dự kiến

Diện tích quy hoạch dự kiến (ha)

Giai đoạn 2021 - 2030

Giai đoạn 2031 - 2050

A

Các cụm công nghiệp đã được thành lập

1

Cụm công nghiệp Lý Nhân

Huyện
Vĩnh Tường

10

2

Cụm công nghiệp Đồng Sóc

Huyện
Vĩnh Tường

75

3

Cụm công nghiệp làng nghề Vĩnh Sơn

Huyện
Vĩnh Tường

15,32

4

Cụm công nghiệp Thổ Tang - Lũng Hòa

Huyện
Vĩnh Tường

35,98

5

Cụm công nghiệp An Tường

Huyện
Vĩnh Tường

12

6

Cụm công nghiệp làng nghề Tề Lỗ

Huyện Yên Lạc

25,03

7

Cụm công nghiệp làng nghề Yên Đồng

Huyện Yên Lạc

18,3

8

Cụm công nghiệp thị trấn Yên Lạc

Huyện Yên Lạc

5,18

9

Cụm công nghiệp Đồng Văn

Huyện Yên Lạc

24,17

10

Cụm công nghiệp làng nghề Minh Phương

Huyện Yên Lạc

56

11

Cụm công nghiệp Trung Nguyên

Huyện Yên Lạc

20

Nhu cầu dự kiến tăng lên 70ha

12

Cụm công nghiệp Hợp Thịnh

Huyện
Tam Dương

47

13

Cụm công nghiệp Hoàng Lâu

Huyện
Tam Dương

58

14

Cụm công nghiệp Đình Chu

Huyện
Lập Thạch

50

15

Cụm công nghiệp Đồng Thịnh

Huyện Sông Lô

28,4

16

Cụm công nghiệp Hùng Vương - Phúc Thắng

Thành phố Phúc Yên

10

B

Quy hoạch mới các Cụm công nghiệp

1

Cụm công nghiệp Việt Xuân

Huyện
Vĩnh Tường

10

2

Cụm công nghiệp Vân Giang Vân Hà

Huyện
Vĩnh Tường

10

3

Cụm công nghiệp Kim Xá

Huyện
Vĩnh Tường

30

4

Cụm công nghiệp làng nghề Bàn Mạch

Huyện
Vĩnh Tường

5

5

Cụm công nghiệp Đại Đồng

Huyện
Vĩnh Tường

75

6

Cụm công nghiệp làng nghề Yên Phương

Huyện Yên Lạc

45

7

Cụm công nghiệp làng nghề Tề Lỗ 2

Huyện Yên Lạc

70

8

Cụm công nghiệp làng nghề Đồng Văn 2

Huyện Yên Lạc

17,3

9

Cụm công nghiệp làng nghề Đồng Văn 3

Huyện Yên Lạc

50

10

Cụm công nghiệp Hoàng Đan

Huyện
Tam Dương

39

11

Cụm công nghiệp Hoàng Đan 2

Huyện
Tam Dương

47

12

Cụm công nghiệp Hướng Đạo

Huyện
Tam Dương

46

13

Cụm công nghiệp Duy Phiên

Huyện
Tam Dương

75

14

Cụm công nghiệp Vân Hội

Huyện
Tam Dương

60

15

Cụm công nghiệp Tử Du

Huyện
Lập Thạch

20

Nhu cầu dự kiến tăng lên 45 ha

16

Cụm công nghiệp Xuân Lôi

Huyện
Lập Thạch

57

Nhu cầu dự kiến tăng lên 75 ha

17

Cụm công nghiệp Triệu Đề

Huyện
Lập Thạch

Nhu cầu dự kiến 45 ha

18

Cụm công nghiệp Xuân Hòa

Huyện
Lập Thạch

45

19

Cụm công nghiệp Văn Quán - Triệu Đề

Huyện
Lập Thạch

50

20

Cụm công nghiệp Quang Sơn

Huyện
Lập Thạch

Nhu cầu dự kiến 45 ha

21

Cụm công nghiệp Bắc Bình - Ngọc Mỹ

Huyện
Lập Thạch

45

22

Cụm công nghiệp Phương Khoan

Huyện Sông Lô

35

23

Cụm công nghiệp Lãng Công

Huyện Sông Lô

25

Nhu cầu dự kiến tăng lên 60 ha

24

Cụm công nghiệp Tân Lập

Huyện Sông Lô

Nhu cầu dự kiến 25 ha

25

Cụm công nghiệp Yên Thạch

Huyện Sông Lô

Nhu cầu dự kiến 25 ha

26

Cụm công nghiệp Cao Minh

Thành phố Phúc Yên

30

27

Cụm công nghiệp Phúc Thắng

Thành phố Phúc Yên

26,9

28

Cụm công nghiệp Thanh Lãng

Huyện
Bình Xuyên

52,6

29

Cụm công nghiệp Đạo Đức

Huyện
Bình Xuyên

25

30

Cụm công nghiệp Bá Hiến - Trung Mỹ

Huyện
Bình Xuyên

50

31

Cụm công nghiệp Sơn Lôi

Huyện
Bình Xuyên

56

32

Cụm công nghiệp Hợp Thành

Huyện
Tam Đảo

50

33

Cụm công nghiệp Yên Chung

Huyện Tam Đảo

50

34

Cụm công nghiệp Kiên Tràng

Huyện Tam Đảo

25

Nhu cầu dự kiến tăng lên 40 ha

35

Cụm công nghiệp Yên Dương

Huyện Tam Đảo

25

Nhu cầu dự kiến tăng lên 40 ha

Tổng cộng: (A) + (B)

1.737

Ghi chú: Tên dự án, vị trí, quy mô và phạm vi ranh giới các cụm công nghiệp sẽ được xác định trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng và triển khai dự án đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.

PHỤ LỤC V

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN CÁC KHU DU LỊCH TỈNH VĨNH PHÚC THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 06 tháng 02 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Khu vực quy hoạch

Địa điểm dự kiến

1

Khu du lịch cấp quốc gia Tam Đảo

Huyện Tam Đảo

2

Khu du lịch cấp quốc gia Đại Lải - Ngọc Thanh và phụ cận

Thành phố Phúc Yên

3

Khu du lịch cấp quốc gia Tây Thiên - Tam Đảo II và phụ cận

Huyện Tam Đảo

4

Các khu du lịch: Hồ Làng Hà, Bắc Ngọc Thanh và hồ Đồng Câu, hồ Xạ Hương, hồ Thanh Lanh, hồ Vân Trục, hồ Bò Lạc, thác Bản Long…

Các huyện, thành phố

Ghi chú: Tên, vị trí, quy mô và phạm vi ranh giới sẽ được xác định chính xác trong quá trình lập quy hoạch chi tiết, lập dự án đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư của từng thời kỳ, đồng thời không vượt chỉ tiêu phân bổ đất đai đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm yếu tố quốc phòng, an ninh. Ngoài dự kiến nêu trên, theo nhu cầu thực tế, có thể điều chỉnh, phát triển thêm các dự án phù hợp với định hướng của các quy hoạch liên quan.

PHỤ LỤC VI

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN VĂN HÓA, THỂ THAO TỈNH VĨNH PHÚC THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 06 tháng 02 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Danh mục

Số lượng

Địa điểm

I

DI TÍCH

1

Di tích quốc gia đặc biệt

1.1

Di tích quốc gia đặc biệt đã được công nhận

4

-

Tháp Bình Sơn

1

Huyện Sông Lô

-

Di tích Tây Thiên - Tam Đảo

1

Huyện Tam Đảo

-

Đình Thổ Tang

1

Huyện Vĩnh Tường

-

Di tích kiến trúc nghệ thuật cụm đình Hương Canh

1

Huyện Bình Xuyên

1.2

Di tích đề nghị công nhận cấp quốc gia đặc biệt

8

Các huyện, thành phố

2

Di tích cấp quốc gia

2.1

Di tích cấp quốc gia đã được công nhận

65

Các huyện, thành phố

2.2

Di tích đề nghị công nhận cấp quốc gia

16

Các huyện, thành phố

3

Di tích cấp tỉnh

3.1

Di tích cấp tỉnh đã được công nhận

446

Các huyện, thành phố

3.2

Di tích đề nghị công nhận cấp tỉnh

40

Các huyện, thành phố

4

Di sản văn hóa phi vật thể

4.1

Di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh

3

-

Di sản Hát ca trù của người Việt

1

-

Di sản Nghi lễ và trò chơi Kéo co

1

-

Di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt

1

4.2

Di sản văn hóa phi vật thể đề nghị UNESCO ghi danh

2

-

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên

1

-

Nghệ thuật Chèo ở đồng bằng sông Hồng

1

4.3

Di sản văn hóa phi vật thể đã được công nhận

7

Các huyện, thành phố

4.4

Di sản văn hóa phi vật thể đề nghị công nhận

17

Các huyện, thành phố

II

THIẾT CHẾ VĂN HÓA, THỂ THAO CẤP TỈNH

1

Thiết chế văn hóa, thể thao hiện có

6

-

Bảo tàng tỉnh

1

Thành phố Vĩnh Yên

-

Văn Miếu tỉnh

1

Thành phố Vĩnh Yên

-

Thư viện tỉnh

1

Thành phố Vĩnh Yên

-

Trung tâm Văn hóa tỉnh

1

Thành phố Vĩnh Yên

-

Nhà hát nghệ thuật tỉnh

1

Thành phố Vĩnh Yên

-

Trung tâm đào tạo vận động viên tỉnh

1

Thành phố Vĩnh Yên

Các sân gôn hiện có

4

Thành phố Vĩnh Yên, thành phố Phúc Yên, huyện Tam Đảo, huyện Bình Xuyên

2

Quy hoạch mới (tiềm năng)

-

Khu liên hợp thể thao tỉnh Vĩnh Phúc

1

Huyện Tam Dương

-

Sân gôn tại khu vực Bắc Ngọc Thanh; Sân gôn Lập Đinh

2

Thành phố Phúc Yên

-

Các sân gôn: Bàn Long; Đồng Nhập; Đại Đình; Bến Tắm; Đồng Mỏ

5

Huyện Tam Đảo

-

Các sân gôn: Gia Khau; Mỹ Khê

2

Huyện Bình Xuyên

-

Sân gôn Vân Trục

1

Huyện Lập Thạch

-

Sân gôn Bò Lạc

1

Huyện Sông Lô

-

Sân gôn Liên Châu

1

Huyện Yên Lạc

-

Sân gôn Vĩnh Thịnh

1

Huyện Vĩnh Tường

Ghi chú:

- Tên, vị trí, quy mô, diện tích, tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư của các dự án nêu trên sẽ được xác định cụ thể trong giai đoạn lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt và khả năng cân đối, huy động nguồn lực đầu tư của từng giai đoạn.

- Đầu tư phát triển sân gôn trong thời kỳ quy hoạch phù hợp với chỉ tiêu sử dụng đất của tỉnh; tùy thuộc vào tình hình thực tế về chỉ tiêu sử dụng đất để xem xét đầu tư khi có đủ điều kiện theo quy định.

PHỤ LỤC VII

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN CÁC TUYẾN ĐƯỜNG BỘ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC, THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 06 tháng 02 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Tuyến

Dự kiến điểm đầu

Dự kiến điểm cuối

Quy mô tối thiểu (cấp, làn xe)

A

Đường cao tốc, quốc lộ

I

CAO TỐC

1

Tuyến hiện có

Cao tốc Hà Nội - Lào Cai

Thành phố Phúc Yên (ranh giới Vĩnh Phúc và Hà Nội)

Huyện Sông Lô (Ranh giới Vĩnh Phúc và Phú Thọ)

6 làn

2

Tuyến quy hoạch

Đường Vành đai V - Vùng Thủ đô.

Thành phố Phúc Yên (ranh giới giữa Vĩnh Phúc và Thái Nguyên)

Cầu Vĩnh Thịnh

II, 6 làn (chưa kể đường gom, định hướng xây dựng đường cao tốc đô thị khác mức trên cao)

II

QUỐC LỘ

1

Tuyến hiện có

1.1

Quốc lộ 2

Cầu Xuân Phương, thành phố Phúc Yên

Cầu Hạc Trì

II, 6 làn đường chính + 4 làn đường gom

1.2

Quốc lộ 2C

Cầu Vĩnh Thịnh

Huyện Lập Thạch

II - IV, 2 - 6 làn xe (chưa kể đường gom đoạn trùng Đường Vành đai V - Vùng Thủ đô.)

2

Tuyến quy hoạch

Quốc lộ 2D

Huyện Lập Thạch (Quốc lộ 2C)

Huyện Tam Đảo (ranh giới giữa Vĩnh Phúc và Tuyên Quang)

IV, 2 - 4 làn xe

B

ĐƯỜNG TỈNH

I

Đường tỉnh hiện có giữ nguyên chiều dài

1

Đường tỉnh 301

Quốc lộ 2, thành phố Phúc Yên

Đèo Nhe, thành phố Phúc Yên (giáp ranh giới Thái Nguyên)

III - II, 2 - 4 làn xe

2

Đường tỉnh 302B

Đường tỉnh 302, huyện Bình Xuyên

Đường Nguyễn Tất Thành, thành phố Vĩnh Yên

II, 4 - 6 làn xe

3

Đường tỉnh 304

Đê tả Đáy, huyện Vĩnh Tường

Quốc lộ 2, thành phố Vĩnh Yên

II, 4 - 6 làn xe

II

Đường tỉnh hiện có thay đổi chiều dài tuyến

1

Đường tỉnh 302

Đường tỉnh 303, huyện Bình Xuyên

Vành đai 4, khu công nghiệp Lập Thạch 2

III - II, 2 - 6 làn xe

2

Đường tỉnh 303

Đường tỉnh 305, huyện Yên Lạc

Quốc lộ 2, huyện Vĩnh Tường

III - II, 2 - 6 làn xe

3

Đường tỉnh 305

Đê bối Hồng Châu, huyện Yên Lạc

Đường tỉnh 307 và đường tỉnh 306 - Nút giao ngã tư, huyện Lập Thạch

III - II, 2 - 6 làn xe

4

Đường tỉnh 305C

Đường tỉnh 305, huyện Lập Thạch

Vành đai 1, thành phố Vĩnh Yên

II, 4 - 6 làn xe

5

Đường tỉnh 306

Đường song song đường sắt, tuyến phía Bắc, huyện Tam Dương

Cầu Vĩnh Phú (giáp ranh thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ)

III - II, 2 - 6 làn xe

6

Đường tỉnh 306B

Đường tỉnh 306 huyện Lập Thạch

Đường tỉnh 308E, huyện Sông Lô

III - II, 2 - 6 làn xe

7

Đường tỉnh 307

Quốc lộ 2C, huyện Lập Thạch

Huyện Sông Lô (giáp ranh huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang)

III - II, 2 - 6 làn xe

8

Đường tỉnh 307B

Đê Tả Sông Lô (vành đai 5), huyện Sông Lô

Đường tỉnh 310D, huyện Tam Dương

II, 4 - 6 làn xe

9

Đường tỉnh 309

Quốc lộ 2 huyện Vĩnh Tường

Đường tỉnh 308C, huyện Tam Đảo

III - II, 2 - 4 làn xe

10

Đường tỉnh 309B

Quốc lộ 2B, huyện Tam Dương

Quốc lộ 2C, huyện Lập Thạch

III - II, 2 - 4 làn xe

11

Đường tỉnh 310

Thành phố Phúc Yên (giáp ranh giới huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội)

Huyện Lập Thạch (giáp ranh huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang)

II, 6 làn xe

12

Đường tỉnh 310B

Quốc lộ 2, huyện Bình Xuyên

Vành đai 5 - Vùng Thủ đô địa phận Thái Nguyên, tại Đèo Nhe, thành phố Phúc Yên (giáp ranh giới Thái Nguyên)

II, 6 làn xe

13

Đường tỉnh 310C

Quốc lộ 2C, huyện Tam Dương

Đường tỉnh 308C, huyện Tam Đảo

II, 4 - 6 làn xe

14

Đường tỉnh 311

Quốc lộ 2, thành phố Phúc Yên

Đường tỉnh 310C, huyện Tam Dương

II, 4 - 6 làn xe

III

Đường tỉnh quy hoạch mới

1

Đường tỉnh 301B

Cầu Đồng Đò, thành phố Phúc Yên (giáp ranh giới huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội)

Thành phố Phúc Yên (giáp ranh giới huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên)

III - II, 2 - 4 làn xe

2

Đường tỉnh 303B

Tại quốc lộ 2 và Vành đai 2, thành phố Vĩnh Yên

Vành đai 4, huyện Yên Lạc

II, 4 - 6 làn xe

3

Đường tỉnh 303C

Nối với trục TD7, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội

Đường song song đường sắt tuyến phía Nam (khu công nghiệp Chấn Hưng, huyện Vĩnh Tường)

II - I, 6 - 8 làn xe

4

Đường tỉnh 303D

Trục Bắc Nam, huyện Yên Lạc

Quốc lộ 2, khu công nghiệp Chấn Hưng, huyện Vĩnh Tường

II, 4 làn xe

5

Đường tỉnh 303E

Đường tỉnh 303, huyện Bình Xuyên

Đường tỉnh 305C, huyện Yên Lạc

II, 4 làn xe

6

Đường tỉnh 304B

Quốc lộ 2, huyện Yên Lạc

Cảng Cam Giá, huyện Vĩnh Tường

II, 4 - 6 làn xe

7

Đường tỉnh 304C

Đường tỉnh 304, huyện Vĩnh Tường

Quốc lộ 2B - Trục Bắc Nam, huyện Yên Lạc

II, 6 làn xe

8

Đường tỉnh 304D

Đường tỉnh 304B, Cảng Cam Giá, huyện Vĩnh Tường

Vành đai 4, huyện Yên Lạc

III - II, 2 - 4 làn xe

9

Đường tỉnh 304E

Bến Phà Vĩnh Thịnh (quốc lộ 2C cũ), huyện Vĩnh Tường

Đường tỉnh 304D, huyện Yên Lạc

III - II, 2 - 4 làn xe

10

Đường tỉnh 305B

Đường tỉnh 305, huyện Lập Thạch

Vành đai 5 (hồ Vân Trục), huyện Sông Lô

III - II, 2 - 6 làn xe

11

Đường tỉnh 305D

Đường tỉnh 305, huyện Tam Dương

Đê tả Phó Đáy, huyện Vĩnh Tường

III, 2 - 4 làn xe

12

Đường tỉnh 306C

Đê Tả Sông Lô (Vành đai 5), huyện Sông Lô

Đường tỉnh 302, huyện Bình Xuyên

II, 4 - 6 làn xe

13

Đường tỉnh 306D

Đường tỉnh 306C, huyện Lập Thạch

Cầu Cao Phong (giáp ranh thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ)

III - II, 2 - 4 làn xe

14

Đường tỉnh 307C

Đường tỉnh 307B, huyện Lập Thạch

Đê tả Sông Lô, xã Bạch Lưu, huyện Sông Lô (giáp ranh huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang)

III - II, 2 - 6 làn xe

15

Đường tỉnh 307D

Vành đai 5, huyện Sông Lô

Cầu Hải Lựu (giáp ranh huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ)

II, 4 - 6 làn xe

16

Đường tỉnh 308

Đường tỉnh 302, (Cổng Tây Thiên), huyện Tam Đảo

Vành đai 5 (hồ Vân Trục), huyện Lập Thạch

II, 4 - 6 làn xe

17

Đường tỉnh 308B

Đường tỉnh 308, huyện Tam Đảo

Đường tỉnh 307B, huyện Tam Dương

II, 4 - 6 làn xe

18

Đường tỉnh 308C

Đường tỉnh 301 (Hồ Đồng Câu), thành phố Phúc Yên

Quốc lộ 2D, huyện Tam Đảo

III, 2 làn xe

19

Đường tỉnh 308D

Đường tỉnh 302, huyện Tam Đảo

Đường tỉnh 310, huyện Tam Dương

III - II, 2 - 4 làn xe

20

Đường tỉnh 308E

Đường tỉnh 308, huyện Lập Thạch

Cầu Như Thụy (giáp ranh thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ)

II, 4 làn xe

21

Đường tỉnh 309C

Nút giao IC5 và đường tỉnh 307B, thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương

Quốc lộ 2D (ranh giới giữa Vĩnh Phúc và Tuyên Quang)

II, 4 - 6 làn xe

22

Đường tỉnh 309D

Đường Vành đai 4, huyện Vĩnh Tường

Đường tỉnh 310D huyện Tam Dương

III - II, 2 - 4 làn xe

23

Đường tỉnh 310D

Vành đai 1, thành phố Vĩnh Yên

Đường tỉnh 308C, huyện Tam Đảo

II, 4 - 6 làn xe

24

Đường tỉnh 310E

Đường Lý Thái Tổ, thành phố Vĩnh Yên

Quốc lộ 2B, huyện Tam Đảo

III - II, 4 - 6 làn xe

25

Đường tỉnh 311B

Đường trục chính đô thị Mê Linh, phường Tiền Châu, thành phố Phúc Yên (điểm giáp ranh Hà Nội)

Đê tả Sông Lô, huyện Sông Lô

II, 4 - 6 làn xe

26

Đường tỉnh 311C

Vành đai 1 (Nguyễn Tất Thành), thành phố Vĩnh Yên

Đường tỉnh 308C, huyện Bình Xuyên

III, 4 làn xe

27

Đoạn đường quốc lộ 2 cũ

Nút giao với quốc lộ 2, huyện Bình Xuyên

Nút giao với Quốc lộ 2C, thành phố Vĩnh Yên

II, 4 - 6 làn xe (chưa kể đường gom)

28

Đường trục Bắc Nam (quốc lộ 2B)

Đầu cầu Vân Phúc, điểm giáp ranh địa phận Hà Nội

Huyện Tam Đảo

III - I, 2 - 10 làn xe

29

Đường song song đường sắt tuyến phía Bắc

Đường Hàm Nghi, khu Honda, thành phố Phúc Yên (điểm giáp ranh với Hà Nội)

Vành đai 5, đê tả sông Phó Đáy, huyện Vĩnh Tường

II, 4 làn xe

30

Đường song song đường sắt tuyến phía Nam

Đường Hàm Nghi đi Cảng Chu Phan (điểm giáp ranh với Hà Nội), thành phố Phúc Yên

Quốc lộ 2 đường dẫn cầu Hạc Trì, huyện Vĩnh Tường

III - II, 2 - 4 làn xe

C

Đường vành đai tỉnh Vĩnh Phúc

I

Đường vành đai hiện có hoàn chỉnh

Đường Vành đai 1

Nút giao đường Nguyễn Tất Thành với đường Mê Linh (quốc lộ 2 cũ), thành phố Vĩnh Yên

Nút giao Đường Nguyễn Tất Thành với Đường Mê Linh (quốc lộ 2 cũ), thành phố Vĩnh Yên

II, 4 - 6 làn xe

II

Đường vành đai hiện có chưa hoàn chỉnh

1

Đường Vành đai 2

Nút giao với (quốc lộ 2 cũ), huyện Bình Xuyên

Nút giao với (quốc lộ 2 cũ), huyện Bình Xuyên

II, 4 - 6 làn xe

2

Đường Vành đai 3

Nút giao với quốc lộ 2, huyện Bình Xuyên

Nút giao với quốc lộ 2, huyện Bình Xuyên

II, 4 - 6 làn xe

3

Đường Vành đai 4

Nút giao với quốc lộ 2, khu công nghiệp Bình Xuyên, huyện Bình Xuyên

Nút giao với quốc lộ 2, khu công nghiệp Bình Xuyên, huyện Bình Xuyên

II, 6 làn xe

4

Đường Vành đai 5

Nút giao với quốc lộ 2 và đường trục 100 m Mê Linh, huyện Bình Xuyên

Nút giao Vành đai 4, huyện Bình Xuyên

II, 4 - 6 làn xe

Ghi chú:

- Tên, số hiệu đường tỉnh, phạm vi (điểm đầu, điểm cuối), vị trí, hướng tuyến và quy mô, diện tích, tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư của các công trình nêu trên sẽ được xác định cụ thể trong giai đoạn lập, thẩm định, phê duyệt theo quy định của pháp luật.

- Quy mô theo quy hoạch là quy mô tối thiểu được tính toán theo nhu cầu dự báo. Trong quá trình triển khai, tùy theo nhu cầu vận tải và khả năng nguồn lực đầu tư, cấp quyết định chủ trương đầu tư quyết định việc phân kỳ đầu tư bảo đảm hiệu quả dự án.

- Các đoạn đường qua đô thị quy mô thực hiện theo quy hoạch đô thị. Số làn xe đến năm 2030 có thể được mở rộng theo quy mô quy hoạch sau năm 2030 khi có nhu cầu thực tế.

PHỤ LỤC VIII

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG CẢNG THỦY NỘI ĐỊA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 06 tháng 02 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Tên cảng

Tên sông

Địa điểm dự kiến

Loại, công suất dự kiến

I

Cảng hàng hóa

1

Cảng theo quy hoạch quốc gia

1.1

Cảng Vĩnh Thịnh

Sông Hồng

Vĩnh Tường

Hàng hóa, 500.000 tấn/năm

1.2

Cảng Cam Giá

Sông Hồng

Vĩnh Tường

Hàng hóa, 500.000 tấn/năm

1.3

Cảng An Tường

Sông Hồng

Vĩnh Tường

Hàng hóa, 500.000 tấn/năm

1.4

Cảng Như Thụy

Sông Lô

Sông Lô

Hàng hóa, 500.000 tấn/năm

1.5

Cảng Đức Bác

Sông Lô

Sông Lô

Hàng hóa, 300.000 tấn/năm

2

Cảng quy hoạch tiềm năng

2.1

Cảng Hải Lựu

Sông Lô

Sông Lô

Hàng hóa, 300.000 tấn/năm

2.2

Cảng Sơn Đông

Sông Lô

Lập Thạch

Hàng hóa, 300.000 tấn/năm

2.3

Cảng Cao Phong

Sông Lô

Sông Lô

Hàng hóa, 300.000 tấn/năm

2.4

Cảng Việt Xuân

Sông Lô

Vĩnh Tường

Hàng hóa, 300.000 tấn/năm

2.5

Cảng Cao Đại

Sông Hồng

Vĩnh Tường

Hàng hóa, 300.000 tấn/năm

2.6

Cảng Trung Hà

Sông Hồng

Yên Lạc

Hàng hóa, 300.000 tấn/năm

2.7

Cảng Hồng Châu

Sông Hồng

Yên Lạc

Hàng hóa, 300.000 tấn/năm

2.8

Các cảng khác

Sông Hồng - Sông Lô

Các huyện, thành phố

II

Cảng hành khách

Cụm cảng hành khách Vĩnh Phúc - Phú Thọ

Sông Hồng - Sông Lô

Cảng khách, 100.000 hành khách/năm

Ghi chú:

- Việc đầu tư các cảng thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc phải phù hợp với Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các quy hoạch, kế hoạch có liên quan.

- Tên, vị trí, quy mô, diện tích, tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư của các công trình nêu trên sẽ được xác định cụ thể trong giai đoạn lập, thẩm định, phê duyệt theo quy định của pháp luật. Ngoài dự kiến các cảng xây dựng mới nêu trên, căn cứ nhu cầu thực tế để nghiên cứu điều chỉnh, phát triển thêm các cảng khác phù hợp với định hướng của các quy hoạch liên quan.

PHỤ LỤC IX

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN CÁC TUYẾN ĐƯỜNG SẮT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 06 tháng 02 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Tuyến

Chiều dài (km)

Khổ đường (mm)

I

Đường sắt quốc gia

1

Đường sắt Hà Nội - Lào Cai

35

1.000 mm

2

Đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng

Theo dự án đầu tư

1.435 mm

II

Đường sắt đô thị

1

Tuyến số 1 (Nội Bài -Vĩnh Yên -Sơn Tây)

Theo dự án đầu tư

2

Tuyến số 2 (Phúc Thọ - Vĩnh Yên - Tam Đảo)

Theo dự án đầu tư

Ghi chú:

- Hướng tuyến, phạm vi sử dụng đất, thời gian thực hiện theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Tên, vị trí, quy mô, diện tích, tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư của các công trình nêu trên sẽ được xác định cụ thể trong giai đoạn lập, thẩm định, phê duyệt theo quy định của pháp luật. Ngoài dự kiến các tuyến đường sắt nêu trên, căn cứ nhu cầu thực tế để nghiên cứu điều chỉnh, phát triển thêm các tuyến đường sắt khác phù hợp với định hướng của các quy hoạch liên quan.

PHỤ LỤC X

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG CẢNG CẠN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 06 tháng 02 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Tên cảng

Địa điểm dự kiến

Kết nối hạ tầng giao thông vận tải

Kết nối cảng biển/cửa khẩu

Diện tích dự kiến (ha)

Giai đoạn đến 2030

Giai đoạn đến 2050

1

Cảng cạn Hương Canh

Huyện Bình Xuyên

Đường bộ: cao tốc Hà Nội - Lào Cai, cao tốc Hà Nội Hải Phòng. Đường sắt: Hà Nội - Lào Cai.

Cảng biển: Hải Phòng, Quảng Ninh.
Cửa khẩu: Lào Cai; Lạng Sơn.

83

83

2

Cảng cạn Lập Thạch

Huyện Lập Thạch

Đường bộ: cao tốc Hà Nội - Lào Cai, cao tốc Hà Nội Hải Phòng.

Cảng biển: Hải Phòng, Quảng Ninh.
Cửa khẩu: Lào Cai; Lạng Sơn.

-

50

3

Cảng cạn Cam Giá

Huyện Vĩnh Tường

Đường bộ: quốc lộ 2C, quốc lộ 32, cao tốc Hà Nội - Lào Cai, cao tốc Hà Nội Hải Phòng. Đường thủy nội địa: sông Hồng.

Cảng biển: Hải Phòng, Quảng Ninh.
Cửa khẩu: Lào Cai; Lạng Sơn.

-

30

Ghi chú:

- Việc đầu tư các cảng cạn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc phải phù hợp với Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các quy hoạch, kế hoạch có liên quan.

- Tên, vị trí, quy mô, diện tích, tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư của các công trình nêu trên sẽ được xác định cụ thể trong giai đoạn lập, thẩm định, phê duyệt theo quy định của pháp luật. Ngoài dự kiến các cảng xây dựng mới nêu trên, căn cứ nhu cầu thực tế để nghiên cứu điều chỉnh, phát triển thêm các cảng khác phù hợp với định hướng của các quy hoạch liên quan.

PHỤ LỤC XI

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN NGUỒN VÀ MẠNG LƯỚI CẤP ĐIỆN TỈNH VĨNH PHÚC THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 06 tháng 02 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)

A. QUY HOẠCH NGUỒN ĐIỆN

TT

Hạng mục

Ghi chú

Nguồn điện tiềm năng

1

Điện mặt trời

Triển khai theo kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII

2

Điện gió

3

Điện sinh khối

4

Điện rác

Ghi chú:

- Việc đầu tư các dự án nguồn điện có tiềm năng phát triển phải bảo đảm phù hợp với Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, các quy hoạch liên quan và các quyết định điều chỉnh, bổ sung (nếu có) của cấp có thẩm quyền.

- Tên, vị trí, quy mô, diện tích, tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư của các công trình nêu trên sẽ được xác định cụ thể trong giai đoạn lập, thẩm định, phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật.

B. QUY HOẠCH LƯỚI ĐIỆN

TT

Hạng mục

I

Hệ thống điện 500 kV

A

Trạm biến áp

Xây dựng mới trạm biến áp 500 kV Vĩnh Yên, quy mô công suất 3x900 MVA, trước mắt đầu tư công suất 2x900 MVA, tại khu vực xã Trung Mỹ, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc.

B

Đường dây

1

Xây dựng mới tuyến 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên (tổng chiều dài 49 km trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc)

2

Xây dựng mới đường dây 04 mạch 500 kV Vĩnh Yên - Rẽ Sơn La - Hiệp Hòa và Việt Trì - Hiệp Hòa, chiều dài 5 km đấu nối TBA 500 kV Vĩnh Yên.

3

Xây dựng mới đường dây mạch kép 500 kV Tây Hà Nội - Vĩnh Yên, chiều dài 44 km tạo liệt kết 500 kV giữa tỉnh Vĩnh Phúc và Thủ đô Hà Nội.

II

Hệ thống điện 220 kV

A

Trạm biến áp

1

Xây dựng mới trạm biến áp 220 kV Bá Thiện, quy mô 3 x 250 MVA, lắp trước MBA AT1 250 MVA.

2

Nâng công suất trạm biến áp 220 kV Bá Thiện lên 2 x 250 MVA.

3

Xây dựng mới trạm biến áp 220 kV Tam Dương, quy mô 3x250 MVA, lắp trước MBA AT1 250 MVA.

4

Nâng công suất trạm biến áp 220 kV Tam Dương lên 2x250 MVA.

5

Xây dựng mới trạm biến áp 220 kV Phúc Yên, công suất 2x250 MVA, lắp trước MBA AT1 250 MVA.

6

Xây dựng mới trạm biến áp 220 kV Chấn Hưng, công suất 2x250 MVA, lắp trước MBA AT1 250 MVA.

7

Nâng công suất trạm biến áp 220 kV Vĩnh Tường từ 250 MVA lên 2x 250 MVA;

B

Đường dây

1

Xây dựng mới đường dây mạch kép 220 kV từ trạm 500 kV Việt Trì - Bá Thiện (500 kV Vĩnh Yên), tiết diện ACSR2x330, dài 43 km.

2

Xây dựng mới đường dây mạch kép 220 kV Bá Thiện (Vĩnh Yên 500kV) - Rẽ Vĩnh Yên - Sóc Sơn, tiết diện ACSR2x330, dài 13 km.

3

Xây dựng mới đường dây bốn mạch Tam Dương - Rẽ 500kV Việt Trì - Bá Thiện (500 kV Vĩnh Yên), tiết diện ACSR2x330, dài 2,0 km.

4

Xây dựng mới đường dây mạch kép 220 kV từ Bá Thiện (Vĩnh Yên 500 kV) - Mê Linh, tiết diện ACSR2x330, dài 25 km.

5

Xây dựng mới và cải tạo chuyển đấu nối thành đường dây mạch kép Vĩnh Tường - Vĩnh Yên, tiết diện ACSR2x330, dài 8 km.

6

Xây dựng mới đường dây mạch kép 220 kV Phúc Yên - Rẽ 500 kV Vĩnh Yên - 220 kV Vĩnh Yên, tiết diện ACSR2x330, dài 2 km.

7

Xây dựng mới đường dây mạch kép 220kV Chấn Hưng - Rẽ 500 kV Việt Trì - 220 kV Vĩnh Yên, tiết diện ACSR2x330, dài 2 km.

8

Cải tạo, nâng khả năng tải đường dây mạch đơn 220 kV trạm 500 kV Việt Trì - Vĩnh Tường dài 27 km.

9

Cải tạo, nâng khả năng tải đường dây mạch đơn 220 kV trạm 500 kV Việt Trì - Vĩnh Yên dài 36 km.

10

Cải tạo, nâng khả năng tải đường dây mạch đơn 220 kV Sơn Tây - Vĩnh Yên thành mạch kép 30 km.

III

Hệ thống điện 110 kV

A

Trạm biến áp

1

Thay máy T1, T2 nâng công suất trạm 110 kV Khu công nghiệp Thăng Long 3 từ 2x25 MVA thành 4x40 MVA.

2

Xây dựng mới trạm biến áp 110 kV Bá Thiện, công suất 2x63 MVA (lắp trước MBA T1 63 MVA).

3

Nâng công suất TBA 110 kV Bá Thiện lên 2x63 MVA.

4

Xây dựng mới trạm biến áp 110 kV Sơn Lôi, công suất 2x63 MVA (lắp trước MBA T1 63 MVA).

5

Nâng công suất TBA 110 kV Sơn Lôi lên 2x63 MVA.

6

Xây dựng mới trạm biến áp 110 kV Nam Bình Xuyên, công suất 2x63 MVA (lắp trước MBA T1 63 MVA).

7

Nâng công suất TBA 110 kV Nam Bình Xuyên lên 2x63 MVA.

8

Xây dựng mới trạm biến áp 110 kV Bá Thiện 2, công suất 2x63 MVA (lắp trước MBA T1 63 MVA).

9

Xây dựng mới trạm biến áp 110 kV Sơn Lôi 2, công suất 2x63 MVA (lắp trước MBA T1 63 MVA).

10

Xây dựng mới trạm biến áp 110 kV Vĩnh Yên 3, công suất 2x63 MVA (lắp trước MBA T1 63 MVA).

11

Xây dựng mới trạm biến áp 110 kV Nam Bình Xuyên 2, công suất 2x63 MVA (lắp trước MBA T1 63 MVA).

12

Xây dựng mới trạm biến áp 110 kV Phúc Yên 2, công suất 2x63 MVA (lắp trước MBA T1 63 MVA).

13

Nâng công suất TBA 110 kV Phúc Yên 2 lên 2x63 MVA.

14

Xây dựng mới trạm biến áp 110 kV Xuân Hòa, công suất 2x40 MVA (lắp trước MBA T1 40 MVA).

15

Thay máy biến áp T3 trạm biến áp 220 kV Vĩnh Tường (110 kV Vĩnh Tường nối cấp) từ 40 MVA thành 63 MVA.

16

Xây dựng mới trạm biến áp 110 kV Đồng Sóc, công suất 3x63 MVA (lắp trước MBA T1 63 MVA).

17

Nâng công suất TBA 110 kV Đồng Sóc lên 2x63 MVA.

18

Nâng công suất TBA 110 kV Đồng Sóc lên 3x63 MVA.

19

Xây dựng mới trạm biến áp 110 kV Chấn Hưng, công suất 2x63 MVA (lắp trước MBA T1 63 MVA).

20

Xây dựng mới trạm biến áp 110 kV Yên Lạc, công suất 2x63 MVA (lắp trước MBA T1 63 MVA).

21

Nâng công suất TBA 110 kV Yên Lạc lên 2x63 MVA.

22

Xây dựng mới trạm biến áp 110 kV Yên Lạc 2, công suất (40+63) MVA (lắp trước MBA T1 40 MVA).

23

Nâng công suất TBA 110 kV Yên Lạc 2 lên 2x63 MVA.

24

Xây dựng mới trạm biến áp 110 kV Tam Dương, công suất 3x63 MVA (lắp trước MBA T1 63 MVA).

25

Nâng công suất TBA 110 kV Tam Dương lên 2x63 MVA.

26

Nâng công suất TBA 110 kV Tam Dương lên 3x63 MVA.

27

Xây dựng mới trạm biến áp 110 kV Tam Dương 2, công suất 2x63 MVA (lắp trước MBA T1 63 MVA).

28

Nâng công suất TBA 110 kV Tam Dương 2 lên 2x63 MVA.

29

Xây dựng mới trạm biến áp 110 kV Thanh Vân, công suất 2x63 MVA (lắp trước MBA T1 63 MVA).

30

Xây dựng mới trạm biến áp 110 kV Sông Lô, công suất (40+63) MVA (lắp trước MBA T1 40 MVA).

31

Nâng công suất TBA 110 kV Sông Lô lên 2x63 MVA.

32

Xây dựng mới trạm biến áp 110 kV Sông Lô 2, công suất 2x40 MVA (lắp trước MBA T1 40 MVA).

33

Nâng công suất TBA 110 kV Sông Lô 2 lên 2x40 MVA.

34

Xây dựng mới trạm biến áp 110 kV Sông Lô 3, công suất 2x63 MVA (lắp trước MBA T1 63 MVA).

35

Nâng công suất TBA 110 kV Lập Thạch lên 2x63 MVA.

36

Xây dựng mới trạm biến áp 110 kV Lập Thạch 2, công suất 2x63 MVA (lắp trước MBA T1 63 MVA).

37

Nâng công suất TBA 110 kV Lập Thạch 2 lên 2x63 MVA.

38

Xây dựng mới trạm biến áp 110 kV Lập Thạch 3, công suất 2x63 MVA (lắp trước MBA T1 63 MVA).

39

Xây dựng mới trạm biến áp 110 kV Lập Thạch 4, công suất 2x63 MVA (lắp trước MBA T1 63 MVA).

40

Xây dựng mới trạm biến áp 110 kV Lập Thạch 5, công suất 2x63 MVA (lắp trước MBA T1 63 MVA).

41

Xây dựng mới trạm biến áp 110 kV Tam Đảo 2, công suất 2x40 MVA (lắp trước MBA T1 40 MVA).

42

Nâng công suất TBA 110 kV Tam Đảo 2 lên 2x40 MVA.

43

Xây dựng mới trạm biến áp 110 kV Đồng Cương, công suất 2x63 MVA (lắp trước MBA T1 63 MVA).

44

Xây dựng mới trạm biến áp 110 kV Tam Đảo, công suất 2x40 MVA (lắp trước MBA T1 40 MVA).

45

Nâng công suất TBA 110 kV Tam Đảo lên 2x40 MVA.

46

Dự phòng phát sinh TBA 110 kV xây dựng mới, cải tạo nâng công suất 200 MVA (Dự phòng cho tăng trưởng phụ tải và phát triển nguồn điện)

B

Đường dây

1

Xây dựng mới đường dây 110 kV 02 mạch x 18 km kết nối lưới 110 kV sau trạm 220 kV Vĩnh Yên - trạm 220 kV Vĩnh Tường, dây dẫn ACSR400/51.

2

Xây dựng mới đường dây 02 mạch x 0,5 km đấu nối trạm 110 kV Nam Bình Xuyên chuyển tiếp trên 01 mạch đường dây 110 kV trạm 220 kV Vĩnh Yên - trạm 220 kV Vĩnh Tường, dây dẫn ACSR400/51.

3

Xây dựng mới đường dây 02 mạch x 13,7 km đấu nối trạm 110 kV Tam Đảo chuyển tiếp trên 01 mạch đường dây 110 kV trạm 110 kV Vĩnh Yên 2 - trạm 110 kV Thiện Kế, dây dẫn ACSR400/51.

4

Xây dựng mới xuất tuyến 110 kV 04 mạch x 1,5 km sau trạm 220 kV Bá Thiện đấu chuyển tiếp trên 02 mạch đường dây 110 kV Kế Thiện - Tam Đảo (Đồng bộ với trạm 220 kV Bá Thiện), dây dẫn ACSR400/51.

5

Xây dựng mới xuất tuyến 110 kV 02 mạch x 7,0 km sau trạm 220 kV Bá Thiện đấu nối khép mạch vòng về trạm 110 kV Khu công nghiệp Thăng Long 3 (Đoạn đầu đi chung cột 04 mạch dài 7 km), dây dẫn ACSR400/51.

6

Xây dựng mới xuất tuyến 110 kV 02 mạch x 18 km sau trạm 220 kV Bá Thiện đấu nối khép mạch vòng về trạm 110 kV Khai Quang - Vĩnh Yên, dây dẫn ACSR400/51.

7

Xây dựng mới xuất tuyến 110 kV 06 mạch x 0,602 km sau trạm 220 kV Tam Dương trong đó đấu chuyển tiếp 04 mạch trên đường dây 110 kV Tam Dương - Sơn Nam; Treo dây trên đường dây 110 kV mạch kép 110 kV nhánh rẽ Sơn Nam (có kết cấu 04 mạch) với chiều dài khoảng 3,48 km (Đồng bộ với trạm 220 kV Tam Dương), dây dẫn ACSR400/51.

8

Xây dựng mới đường dây 110 kV 02 mạch x 23,4 km nhánh rẽ 110 kV đi Nam Sơn, tỉnh Tuyên Quang (Tam Dương - Sơn Nam), dây dẫn ACSR400/51.

9

Xây dựng mới đường dây 110 kV 02 mạch x 4,5 km nhánh rẽ 110 kV đi Phúc Yên 2 đấu nối chuyển tiếp trên đường dây 110 kV từ trạm 220 kV Vĩnh Yên đi 220 kV Mê Linh, dây dẫn ACSR400/51.

10

Xây dựng mới xuất tuyến 110 kV 02 mạch x 0,5 km sau trạm 220 kV Phúc Yên cấp điện cho trạm 110 kV Phúc Yên 2 (Đồng bộ với trạm 220 kV Phúc Yên), dây dẫn ACSR400/51.

11

Xây dựng mới xuất tuyến 110 kV 04 mạch x 5 km sau trạm 220 kV Phúc Yên đấu chuyển tiếp trên 02 mạch đường dây 110 kV từ trạm 220 kV Bá Thiện - 110 kV Khai Quang và từ trạm 220 kV Bá Thiện - 110 kV Vĩnh Yên (Đồng bộ với trạm 220 kV Phúc Yên), dây dẫn ACSR400/51.

12

Xây dựng mới xuất tuyến 110 kV 02 mạch x 4,5 km sau trạm 110 kV Tam Dương cấp điện cho trạm 110 kV Thanh Vân, dây dẫn ACSR400/51.

13

Xây dựng mới xuất tuyến 110 kV 04 mạch x 2,0 km sau trạm 220 kV Chấn Hưng đấu chuyển tiếp trên 02 mạch đường dây 110 kV từ trạm 220 kV Vĩnh Tường - 110 kV Vĩnh Tường và từ trạm 110 kV Yên Lạc - trạm 110 kV Việt Trì (Đồng bộ với trạm 220 kV Chấn Hưng), dây dẫn ACSR400/51.

14

Xây dựng mới xuất tuyến 110 kV 02 mạch x 9,0 km sau trạm 220 kV Chấn Hưng đấu chuyển tiếp trên 01 mạch đường dây 110 kV từ trạm 110 kV Tam Dương - 110 kV Thanh Vân (Đồng bộ với trạm 220 kV Chấn Hưng), dây dẫn ACSR400/51.

15

Xây dựng mới đường dây 02 mạch x 1,5 km đấu nối trạm 110 kV Bá Thiện chuyển tiếp trên 01 mạch đường dây 110 kV trạm 220 kV Bá Thiện - Khu công nghiệp Thăng Long 3, dây dẫn ACSR400/51.

16

Xây dựng mới đường dây 02 mạch x 0,5 km đấu nối trạm 110 kV Sơn Lôi chuyển tiếp trên 01 mạch đường dây 110 kV trạm 220 kV Vĩnh Yên - Khu công nghiệp Thăng Long 3, dây dẫn ACSR400/51.

17

Xây dựng mới đường dây 02 mạch x 2,0 km đấu nối trạm 110 kV Xuân Hòa chuyển tiếp trên 01 mạch đường dây 110 kV trạm 110 kV Khai Quang - trạm 220 kV Bá Thiện (sau chuyển thành đường dây 110 kV từ trạm 220 kV Bá Thiện - 220 kV Phúc Yên sau khi trạm 220 kV Phúc Yên vào vận hành), dây dẫn ACSR400/51.

18

Xây dựng mới đường dây 02 mạch x 1,5 km đấu nối trạm 110 kV Đồng Sóc về thanh cái 110 kV trạm 220 kV Vĩnh Tường, dây dẫn ACSR400/51.

19

Xây dựng mới đường dây 02 mạch x 0,5 km đấu nối trạm 110 kV Yên Lạc chuyển tiếp trên 01 mạch đường dây 110 kV trạm 220 kV Vĩnh Tường - Việt Trì, dây dẫn ACSR400/51.

20

Xây dựng mới đường dây 02 mạch x 0,5 km đấu nối trạm 110 kV Yên Lạc 2 chuyển tiếp trên 01 mạch đường dây 110 kV trạm 220 kV Vĩnh Yên - trạm 220 kV Vĩnh Tường, dây dẫn ACSR400/51.

21

Xây dựng mới đường dây 02 mạch x 10,0 km đấu nối trạm 110 kV Tam Dương chuyển tiếp trên 01 mạch đường dây 110 kV trạm 220 kV Bá Thiện - Tam Đảo, dây dẫn ACSR400/51.

22

Xây dựng mới đường dây 02 mạch x 0,5 km đấu nối trạm 110 kV Sông Lô chuyển tiếp trên 01 mạch đường dây 110 kV trạm 220 kV Việt Trì - Lập Thạch, dây dẫn ACSR400/51.

23

Xây dựng mới đường dây 02 mạch x 0,5 km đấu nối trạm 110 kV Lập Thạch 2 chuyển tiếp trên 01 mạch đường dây 110 kV trạm 220 kV Tam Dương - Sơn Nam, dây dẫn ACSR400/51.

24

Xây dựng mới đường dây 02 mạch x 10,5 km đấu nối trạm 110 kV Tam Dương 2 từ tạm 110 kV Tam Dương, dây dẫn ACSR400/51.

25

Xây dựng mới đường dây 02 mạch x 13,0 km đấu nối trạm 110 kV Sông Lô 2 chuyển tiếp trên 01 mạch đường dây 110 kV Việt Trì - Lập Thạch, dây dẫn ACSR400/51.

26

Xây dựng mới đường dây 02 mạch x 1,0 km đấu nối trạm 110 kV Lập Thạch 3 chuyển tiếp trên 01 mạch đường dây 110 kV Lập Thạch - 220 kV Tam Dương, dây dẫn ACSR400/51.

27

Xây dựng mới đường dây 02 mạch x 13,3 km tạo mạch vòng giữa trạm 110 kV Tam Dương và trạm 110 kV Lập Thạch, dây dẫn ACSR400/51.

28

Xây dựng mới đường dây 02 mạch x 0,5 km đấu nối trạm 110 kV Bá Thiện 2 chuyển tiếp trên 01 mạch đường dây 110 kV trạm 220 kV Bá Thiện - trạm 110 kV Khu công nghiệp Thăng Long (Thăng Long 3), dây dẫn ACSR400/51.

29

Xây dựng mới đường dây 02 mạch x 0,5 km đấu nối trạm 110 kV Sơn Lôi 2 chuyển tiếp trên 01 mạch đường dây 110 kV trạm 220 kV Bá Thiện - trạm 110 kV Khai Quang, dây dẫn ACSR400/51.

30

Xây dựng mới đường dây 02 mạch x 1,5 km đấu nối trạm 110 kV Vĩnh Yên 3 chuyển tiếp trên 01 mạch đường dây 110 kV trạm 220 kV Vĩnh Yên - trạm 110 kV Phúc Yên, dây dẫn ACSR400/51.

31

Xây dựng mới đường dây 02 mạch x 0,5 km đấu nối trạm 110 kV Nam Bình Xuyên 2 chuyển tiếp trên 01 mạch đường dây 110 kV trạm 220 kV Vĩnh Yên - trạm 220 kV Vĩnh Tường, dây dẫn ACSR400/51.

32

Xây dựng mới đường dây 02 mạch x 0,5 km đấu nối trạm 110 kV Đồng Cương chuyển tiếp trên 01 mạch đường dây 110 kV trạm 220 kV Vĩnh Yên - trạm 220 kV Vĩnh Tường, dây dẫn ACSR400/51.

33

Xây dựng mới đường dây 02 mạch x 0,5 km đấu nối trạm 110 kV Chấn Hưng chuyển tiếp trên 01 mạch đường dây 110 kV trạm 110 kV Vĩnh Tường - trạm 220 kV Vĩnh Tường, dây dẫn ACSR400/51.

34

Xây dựng mới đường dây 02 mạch x 1,5 km đấu nối trạm 110 kV Lập Thạch 4 chuyển tiếp trên 01 mạch đường dây 110 kV trạm 220 kV Tam Dương - trạm 110 kV Sơn Nam, dây dẫn ACSR400/51.

35

Xây dựng mới đường dây 02 mạch x 6,0 km đấu nối trạm 110 kV Lập Thạch 5 chuyển tiếp trên 01 mạch đường dây 110 kV trạm 110 kV Lập Thạch 3 - trạm 110 kV Lập Thạch, dây dẫn ACSR400/51.

36

Xây dựng mới đường dây 02 mạch x 8,0 km đấu nối trạm 110 kV Lập Thạch 5 về thanh cái 110 kV trạm 220 kV Chấn Hưng, dây dẫn ACSR400/51.

37

Xây dựng mới đường dây 02 mạch x 1,5 km đấu nối trạm 110 kV Sông Lô 3 chuyển tiếp trên 01 mạch đường dây 110 kV trạm 220 kV Việt Trì - trạm 110 kV Lập Thạch, dây dẫn ACSR400/51.

38

Xây dựng mới đường dây 02 mạch x 3,5 km đấu nối trạm 110 kV Tam Đảo 2 chuyển tiếp trên 01 mạch đường dây 110 kV trạm 220 kV Tam Dương - trạm 110 kV Sơn Nam, dây dẫn ACSR400/51.

39

Cải tạo đường dây 01 mạch thành 02 mạch dài 32 km từ trạm 220 kV Vĩnh Yên - 110 kV Việt Trì, dây dẫn ACSR400/51 hoặc ACCC315.

40

Treo dây 02 mạch 110 kV còn lại trên nhánh rẽ từ trạm 220 kV Vĩnh Tường chuyển tiếp trên đường dây 110 kV trạm 220 kV Vĩnh Yên - 110 kV Việt Trì, dây dẫn ACSR400/51 hoặc ACCC315.

41

Cải tạo đường dây 01 mạch thành 02 mạch dài 11,3 km từ trạm 220 kV Vĩnh Yên - 110 kV Phúc Yên - 110 kV Quang Minh/220 kV Mê Linh.

42

Cải tạo nâng tiết diện từ ACSR-185 thành ACSR400/51 hoặc ACCC315 dài 13,5 km đường dây 110 kV từ trạm 220 kV Việt Trì - Lập Thạch.

43

Đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo lưới điện hiện hữu để đồng nhất về năng lực truyền tải cho lưới điện/hoặc đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc khi có phụ tải mới đăng ký có công suất lớn hoặc phụ tải tăng trưởng đột biến.

Ghi chú:

- Hạ tầng cấp điện tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và việc đầu tư, quy mô, số lượng các dự án phát triển nguồn điện, các trạm biến áp, các tuyến đường dây trên địa bàn phải phù hợp, đồng bộ với Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII; phù hợp với các điều kiện, tiêu chí, luận chứng tại Quy hoạch điện VIII và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định; phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; các quy hoạch, kế hoạch liên quan được cấp thẩm quyền phê duyệt và nhu cầu thực tế phát triển của địa phương.

- Tên, vị trí, quy mô, công suất đầu tư của các dự án sẽ được xác định cụ thể trong giai đoạn lập các thủ tục đầu tư dự án theo đúng quy định của pháp luật.

PHỤ LỤC XII

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG CẤP, THOÁT NƯỚC TỈNH VĨNH PHÚC THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 06 tháng 02 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Hạng mục

Số lượng công trình dự kiến

A

NƯỚC SẠCH

I

CẢI TẠO, NÂNG CẤP

1

Xây dựng, cải tạo, nâng cấp các dự án cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh

29

2

Cải tạo, nâng cấp công trình cấp nước sinh hoạt tập trung xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch

01

3

Hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung xã Trung Mỹ huyện Bình Xuyên

01

4

Xây dựng mở rộng cấp nước cho xã Liên Sơn, Liên Hòa từ nhà máy nước Thái Hòa - Hoa Sơn

01

5

Xây dựng mở rộng cấp nước cho xã Hồng Châu từ nhà máy nước Liên Châu - Hồng Phương

01

6

Xây dựng bổ sung tuyến ống cấp nước từ các công trình cấp nước sạch nông thôn trên toàn tỉnh

29

7

Nâng công suất nhà máy cấp nước mặt Việt Xuân

01

8

Nâng công suât nhà máy cấp nước mặt Tam Dương

01

9

Nâng công suất Nhà máy cấp nước Sông Lô (Tam Sơn)

01

10

Nâng công suất nhà máy cấp nước Bá Hiến

01

II

XÂY DỰNG MỚI

1

Nhà máy cấp nước Phúc Bình

01

2

Nhà máy cấp nước Sông Hồng

01

3

Nhà máy cấp nước Đôn Nhân

01

4

Nhà máy cấp nước Bồ Lý

01

B

THOÁT NƯỚC

I

CẢI TẠO, NÂNG CẤP

Nhà máy xử lý nước thải khu Trung tâm Vĩnh Yên

01

II

XÂY DỰNG MỚI

1

Nhà máy xử lý nước thải khu Tây Vĩnh Yên

01

2

Nhà máy xử lý nước thải khu Nam Vĩnh Yên

01

3

Nhà máy xử lý nước thải khu Đông Bắc Vĩnh Yên

01

4

Nhà máy xử lý nước thải khu vực Phúc Yên

01

5

Nhà máy xử lý nước thải khu Trung tâm Vĩnh Yên

01

6

Các công trình tiêu thoát nước và xử lý nước thải của Dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt tỉnh Vĩnh Phúc

03 trạm xử lý nước thải tập trung quy mô 2.500 m3/ngày đêm và các điểm xử lý nước thải phân tán

Ghi chú: Quy mô, công suất các nhà máy cấp nước, nhà máy xử lý nước thải có thể điều chỉnh theo nhu cầu thực tế tại các dự án cụ thể phù hợp với quy hoạch vùng huyện, quy hoạch chung đô thị để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

PHỤ LỤC XIII

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN CÁC KHU XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN TỈNH VĨNH PHÚC THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 06 tháng 02 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Tên khu

Địa điểm dự kiến

Ghi chú

1

Khu xử lý chất thải rắn tại phường Khai Quang,

Thành phố Vĩnh Yên

Xây mới

2

Khu xử lý chất thải rắn tại xã Ngọc Thanh

Thành phố Phúc Yên

Xây mới

3

Trung tâm tái chế phế thải và xử lý chất thải tại thôn Thanh Cao, xã Ngọc Thanh

Thành phố Phúc Yên

Mở rộng

4

Khu xử lý chất thải rắn tại thị trấn Đạo Đức

Huyện Bình Xuyên

Xây mới

5

Khu xử lý chất thải rắn tại khu vực dự kiến quy hoạch cụm công nghiệp Sơn Lôi, xã Sơn Lôi

Huyện Bình Xuyên

Xây mới

6

Nâng công suất khu xử lý chất thải rắn tại thị trấn Hợp Hòa

Huyện Tam Dương

Mở rộng

7

Khu xử lý chất thải rắn tại khu đất giáp cụm công nghiệp Hợp Thành, thị trấn Hợp Châu

Huyện Tam Đảo

Xây mới

8

Khu xử lý chất thải rắn tại xã Ngũ Kiên

Huyện Vĩnh Tường

Xây mới

9

Khu xử lý chất thải rắn tại thị trấn Thổ Tang và xã Tân Phú

Huyện Vĩnh Tường

Xây mới

10

Khu xử lý chất thải rắn tại thị trấn Tam Hồng

Huyện Yên Lạc

Mở rộng

11

Khu xử lý chất thải rắn tại xã Nhạo Sơn

Huyện Sông Lô

Xây mới

12

Khu xử lý chất thải rắn tại xã Quang Yên

Huyện Sông Lô

Xây mới

13

Khu xử lý chất thải rắn tại xã Xuân Hòa

Huyện Lập Thạch

Xây mới

Ghi chú: Quy mô, công suất các khu xử lý chất thải rắn có thể điều chỉnh theo nhu cầu thực tế tại các dự án cụ thể phù hợp với quy hoạch vùng huyện, quy hoạch chung đô thị để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

PHỤ LỤC XIV

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN CÁC NGHĨA TRANG, NHÀ TANG LỄ TỈNH VĨNH PHÚC THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 06 tháng 02 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Danh mục

Địa điểm dự kiến

I

Nghĩa trang

1

Cải tạo, mở rộng nghĩa trang Định Trung

Thành phố Vĩnh Yên

2

Xây dựng mới nghĩa trang Liên Đài Viên

Thành phố Phúc Yên

3

Xây dựng mới công viên nghĩa trang khu vực xã: Bắc Bình, Ngọc Mỹ

Huyện Lập Thạch

4

Xây dựng mới nghĩa trang tại xã Đồng Tĩnh và thị trấn Hợp Hòa

Huyện Tam Dương

5

Xây dựng mới nghĩa trang tại xã Phương Khoan

Huyện Sông Lô

6

Xây dựng mới nghĩa trang tại xã Đại Tự

Huyện Yên Lạc

7

Xây dựng mới nghĩa trang xã Yên Lập và thị trấn Tứ Trưng

Huyện Vĩnh Tường

II

Nhà tang lễ

Xây dựng mới 10 nhà tang lễ tại các huyện, thành phố

Ghi chú: Tên, quy mô, địa điểm các dự án xây dựng khu nghĩa trang, nhà tang lễ sẽ được xác định cụ thể trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt theo quy định, đảm bảo phù hợp với quy hoạch vùng huyện, quy hoạch chung đô thị để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

PHỤ LỤC XV

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH VĨNH PHÚC THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 06 tháng 02 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)

I. CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG VÀ TRƯỜNG CHUYÊN BIỆT

TT

Địa điểm

Số trường dự kiến

Hiện có

Bổ sung

Tổng cộng

Tổng số

33

17

50

1

Thành phố Vĩnh Yên

6

3

9

2

Thành phố Phúc Yên

3

3

6

3

Huyện Bình Xuyên

4

2

6

4

Huyện Tam Dương

3

1

4

5

Huyện Tam Đảo

2

0

2

6

Huyện Lập Thạch

4

1

5

7

Huyện Sông Lô

3

0

3

8

Huyện Vĩnh Tường

4

4

8

9

Huyện Yên Lạc

4

2

6

10

Xây dựng mới trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh

1

1

II. CÁC CƠ SỞ ĐÀO TẠO, GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP

TT

Danh mục

Số cơ sở

Địa điểm dự kiến

1

Số cơ sở hiện có

32

1.1

Các trường do trung ương quản lý

9

-

Trường đại học Sư phạm Hà Nội 2

1

Thành phố Phúc Yên

-

Trường đại học Công nghệ Giao thông vận tải (cơ sở 2)

1

Thành phố Vĩnh Yên

-

Trường đại học Trưng Vương

1

Huyện Tam Dương

-

Trường đại học Kiến Trúc (cơ sở 2)

1

Thành phố Phúc Yên

-

Trường Cao đẳng Cơ khí nông nghiệp

1

Huyện Bình Xuyên

-

Trường Cao đẳng Công nghiệp và Thương mại

1

Thành phố Phúc Yên

-

Trường Cao đẳng nghề Việt Xô số 1

1

Thành phố Phúc Yên

-

Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cơ sở 3

1

Thành phố Phúc Yên

-

Trường Cao đẳng Công nghệ kinh tế Hà Nội cơ sở 2

1

Thành phố Phúc Yên

1.2

Các trường do tỉnh quản lý

6

-

Trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc

1

Thành phố Vĩnh Yên

-

Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vĩnh Phúc

1

Thành phố Vĩnh Yên

-

Trường Cao đẳng Vĩnh Phúc

1

Thành phố Phúc Yên

-

Trường Trung cấp Công nghệ Thẩm mỹ Việt Hàn

1

Thành phố Vĩnh Yên

-

Trường Trung cấp Kinh doanh và quản lý Tâm Tín

1

Thành phố Vĩnh Yên

-

Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật xây dựng và Nghiệp vụ

1

Thành phố Phúc Yên

1.3

Các trung tâm giáo dục nghề nghiệp

17

Các huyện, thành phố

2

Quy hoạch mới

-

Trường cao đẳng

Vị trí quy hoạch được cân nhắc trên nhu cầu, khả năng thu hút quỹ đất và các điều kiện khác của địa phương

-

Trường trung cấp ngoài công lập

Vị trí quy hoạch được cân nhắc trên nhu cầu, khả năng thu hút quỹ đất và các điều kiện khác của địa phương

-

Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên

Huyện Sông Lô

Ghi chú: Tên, quy mô, địa điểm, diện tích đất sử dụng, cơ cấu tổng mức đầu tư của các dự án sẽ được xác định cụ thể trong giai đoạn lập, thẩm định, phê duyệt theo quy định của pháp luật, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư của từng thời kỳ. Đối với những cơ sở giáo dục, đào tạo, nghề nghiệp chưa có trong danh mục thì tiếp tục duy trì, phát triển như hiện trạng.

PHỤ LỤC XVI

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN CÁC CƠ SỞ Y TẾ TỈNH VĨNH PHÚC THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 06 tháng 02 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Danh mục

Số cơ sở

Địa điểm dự kiến

Các cơ sở y tế

A

Khối công lập thuộc tỉnh

Các cơ sở hiện có (xây mới và nâng cấp)

1

Bệnh viện đa khoa tỉnh

1

Thành phố Vĩnh Yên

2

Bệnh viện đa khoa khu vực Phúc Yên

1

Thành phố Phúc Yên

3

Bệnh viện Sản - Nhi

1

Huyện Yên Lạc

4

Bệnh viện Y học cổ truyền

1

Thành phố Vĩnh Yên

5

Bệnh viện hồi phục chức năng

1

Thành phố Vĩnh Yên

6

Bệnh viện Tâm thần

1

Thành phố Vĩnh Yên

7

Bệnh viện đa khoa Giao thông vận tải

1

Thành phố Phúc Yên

8

Trung tâm y tế thành phố Vĩnh Yên

1

Thành phố Vĩnh Yên

9

Trung tâm y tế thành phố Phúc Yên

1

Thành phố Phúc Yên

10

Trung tâm y tế huyện Bình Xuyên

1

Huyện Bình Xuyên

11

Trung tâm y tế huyện Tam Dương

1

Huyện Tam Dương

12

Trung tâm y tế huyện Tam Đảo

1

Huyện Tam Đảo

13

Trung tâm y tế huyện Lập Thạch

1

Huyện Lập Thạch

14

Trung tâm y tế huyện Sông Lô

1

Huyện Sông Lô

15

Trung tâm y tế huyện Vĩnh Tường

1

Huyện Vĩnh Tường

16

Trung tâm y tế huyện Yên Lạc

1

Huyện Yên Lạc

17

Các cơ sở y tế tuyến tỉnh

Các huyện, thành phố

Quy hoạch mới

1

Nghiên cứu đầu tư xây dựng mới các cơ sở y tế thuộc tỉnh

Các huyện, thành phố

B

Khối công lập thuộc bộ, ngành

1

Bệnh viện Quân Y 109

1

Thành phố Vĩnh Yên

2

Bệnh viện 74 Trung ương

1

Thành phố Phúc Yên

C

Các cơ sở y tế ngoài công lập

1

Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt

2

Cơ sở 1: Thành phố Vĩnh Yên

Cơ sở 2: Thành phố Phúc Yên

2

Các cơ sở y tế ngoài công lập (thành lập mới)

Số cơ sở và địa điểm trên toàn tỉnh dựa trên nhu cầu và khả năng thu hút đầu tư của từng địa phương

Ghi chú: Tên, quy mô, địa điểm, diện tích đất sử dụng, cơ cấu tổng mức đầu tư của các dự án sẽ được xác định cụ thể trong giai đoạn lập, thẩm định, phê duyệt theo quy định của pháp luật, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư của từng thời kỳ. Đối với những cơ sở chưa có trong danh mục thì tiếp tục duy trì, phát triển như hiện trạng.

PHỤ LỤC XVII

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN CÁC CƠ SỞ BẢO TRỢ XÃ HỘI TỈNH VĨNH PHÚC THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 06 tháng 02 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Danh mục

Số cơ sở

Địa điểm dự kiến

I

Các cơ sở hiện có (cải tạo, nâng cấp)

1

Trung tâm Điều dưỡng người có công Tam Đảo

1

Huyện Tam Đảo

2

Trung tâm công tác xã hội tỉnh Vĩnh Phúc

1

Thành phố Vĩnh Yên

3

Trung tâm nuôi dưỡng và Phục hồi chức năng cho người tâm thần tỉnh Vĩnh Phúc

1

Huyện Tam Dương

4

Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Phúc

1

Huyện Tam Dương

II

Quy hoạch mới

1

Khuyến khích thu hút thành lập các cơ sở trợ giúp xã hội

Các huyện, thành phố

2

Trung tâm Điều dưỡng người có công

1

Thành phố Phúc Yên

Ghi chú: Tên, quy mô, địa điểm, diện tích đất sử dụng, cơ cấu tổng mức đầu tư của các dự án sẽ được xác định cụ thể trong giai đoạn lập, thẩm định, phê duyệt theo quy định của pháp luật, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư của từng thời kỳ. Đối với những cơ sở chưa có trong danh mục thì tiếp tục duy trì, phát triển như hiện trạng.

PHỤ LỤC XVIII

CHỈ TIÊU SỬ DỤNG ĐẤT TỈNH VĨNH PHÚC ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 06 tháng 02 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Chỉ tiêu sử dụng đất

Diện tích (ha)

Chỉ tiêu sử dụng đất được phân bổ *

Nhu cầu tăng/giảm so với chỉ tiêu sử dụng đất được phân bổ* theo đề nghị của tỉnh

I

Loại đất

I.1

Đất nông nghiệp

75.770

-10.357

Trong đó:

1

Đất trồng lúa

23.593

-6.129

Trong đó: Đất chuyên trồng lúa nước

23.593

-8.252

2

Đất rừng phòng hộ

3.656

-185

3

Đất rừng đặc dụng

14.988

342

4

Đất rừng sản xuất

7.730

-687

I.2

Đất phi nông nghiệp

47.747

10.391

Trong đó:

1

Đất quốc phòng

1.547

2

Đất an ninh**

473

111

3

Đất khu công nghiệp

4.815

631

4

Đất phát triển hạ tầng cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã

19.700

4.584

Trong đó:

Đất giao thông

12.053

1.272

Đất xây dựng cơ sở văn hóa

436

90

Đất xây dựng cơ sở y tế

126

48

Đất xây dựng cơ sở giáo dục - đào tạo

1.617

Đất xây dựng cơ sở thể dục - thể thao

756

824

Đất công trình năng lượng

336

61

Đất công trình bưu chính, viễn thông

28

10

5

Đất xây dựng kho dự trữ quốc gia

8

6

Đất có di tích, lịch sử - văn hóa

157

62

7

Đất bãi thải, xử lý chất thải

259

76

I.3

Đất chưa sử dụng

83

-34

II

Khu chức năng

Đất khu công nghệ cao

Đất khu kinh tế

Đất đô thị

27.844

7.055

Ghi chú:

- Việc triển khai các dự án sau khi Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt phải bảo đảm phù hợp với chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030, kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025 và các quyết định điều chỉnh, bổ sung (nếu có) của cấp có thẩm quyền.

- Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc có trách nhiệm xây dựng kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất cấp huyện phù hợp với phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất trong quy hoạch tỉnh để làm căn cứ thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo đúng quy định của pháp luật.

* Theo Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025.

** Diện tích đất an ninh đến năm 2030 thực hiện theo Quy hoạch sử dụng đất an ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trong quá trình triển khai thực hiện, chỉ tiêu đất quốc phòng, đất an ninh được điều chỉnh phù hợp với quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh.

Diện tích đất lâm nghiệp thực hiện theo Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

PHỤ LỤC XIX

PHƯƠNG ÁN PHÂN VÙNG MÔI TRƯỜNG, BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC TỈNH VĨNH PHÚC THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 06 tháng 02 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)

STT

Tên vùng/tiểu vùng/khu vực

Ký hiệu

A

PHƯƠNG ÁN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

I

Vùng bảo vệ nghiêm ngặt

N

1

Tiểu vùng bảo tồn nghiêm ngặt

N1

Vườn Quốc gia Tam Đảo

Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Đông Bắc bộ

Khu vực các vùng đất ngập nước quan trọng: ngã 3 sông Đà - sông Lô - sông Thao, hồ Vân Trục, Hồ Đại Lải

Vùng bảo vệ nguồn nước hồ cấp nước sinh hoạt: hồ Đại Lải, hồ Vân Trục, hồ Xạ Hương, hồ Bò Lạc,…

Khu vực bảo vệ I của các di tích quốc gia đặc biệt, di tích cấp quốc gia trên địa bàn

Vùng sinh thủy và khu vực cấp nước sinh hoạt

2

Tiểu vùng bảo vệ có kiểm soát

N2

Các đô thị loại II: thành phố Vĩnh Yên và Phúc Yên

Phân khu dịch vụ hành chính: Khu bảo tồn thiên nhiên Vườn quốc gia Tam Đảo; khu bảo tồn loài và sinh cảnh Đông bắc bộ; khu bảo tồn loài và sinh cảnh Khu vực ngã 3 sông Đà - sông Lô - sông Thao; khu bảo vệ cảnh quan Thiền viện Trúc lâm Tuệ Đức; khu bảo vệ cảnh quan hồ Vân Trục; khu bảo vệ cảnh quan hồ Đại Lải,…

II

Vùng hạn chế phát thải

H

1

Tiểu vùng đệm khu bảo tồn thiên nhiên, khu di tích lịch sử - văn hóa - danh lam thắng cảnh, khu di sản thiên nhiên, khu vực khác không phải khu dân cư tập trung ở đô thị đặc biệt, loại I, loại II, loại III

H1

Vùng đệm các khu bảo tồn thiên nhiên Vườn quốc gia Tam Đảo; khu bảo tồn loài và sinh cảnh Đông bắc bộ; khu vực các vùng đất ngập nước quan trọng: ngã 3 sông Đà - sông Lô - sông Thao, hồ Vân Trục, Hồ Đại Lải.

Khu vực bảo vệ II Khu di tích lịch sử: di tích Tháp Bình Sơn; quần thể di tích Tây Thiên - Tam Đảo; di tích Đình Thổ Tang.

2

Tiểu vùng hành lang bảo vệ nguồn nước mặt được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt

H2

Hành lang bảo vệ nguồn nước các sông suối trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc: sông Hồng; sông Lô; sông Phó Đáy.

3

Tiểu vùng khu dân cư tập trung là nội thành, nội thị của các đô thị loại IV, loại V

H3

05 đô thị loại IV: thị xã Vĩnh Tường, thị xã Tam Đảo, thị xã Bình Xuyên; đô thị Yên Lạc, đô thị Tam Dương

19 đô thị loại V tại huyện Sông Lô và huyện Lập Thạch

4

Tiểu vùng khu vực có yếu tố nhạy cảm về môi trường dễ bị tổn thương trước tác động của ô nhiễm môi trường cần được bảo vệ

H4

Vùng trồng lúa 2 vụ tại các huyện: Sông Lô; Vĩnh Tường; Yên Lập; Tam Dương; Lập Thạch

Vùng nuôi cá nước ngọt ở các hồ chứa thủy lợi và trên các vùng nước ven sông, suối các huyện: Vĩnh Tường; Yên Lạc, Bình Xuyên; Tam Dương, Vĩnh Yên; Phúc Yên; Tam Đảo.

III

Vùng khác

K

Các khu vực còn lại ngoài các vùng bảo vệ nghiêm ngặt và vùng hạn chế phát thải

K

B

PHƯƠNG ÁN BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC

I

Khu bảo tồn thiên nhiên

BT

II

Cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học

CS

1

Vườn thực vật

CS1

2

Vườn cây thuốc

CS2

3

Trung tâm cứu hộ động vật

CS3

PHỤ LỤC XX

PHƯƠNG ÁN BỐ TRÍ ĐIỂM QUAN TRẮC MÔI TRƯỜNG TỈNH VĨNH PHÚC THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 06 tháng 02 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)

STT

Danh mục/địa phương

Tổng số (điểm)

Trong đó:

Hiện có

Bổ sung mới

I

Môi trường nước mặt

109

47

62

1

Huyện Sông Lô

12

4

8

2

Huyện Lập Thạch

12

2

10

3

Huyện Tam Dương

26

17

9

4

Huyện Tam Đảo

10

6

4

5

Huyện Bình Xuyên

16

10

6

6

Thành phố Vĩnh Yên

4

4

0

7

Thành phố Phúc Yên

8

5

3

8

Huyện Yên Lạc

12

0

12

9

Huyện Vĩnh Tường

11

1

10

II

Môi trường nước dưới đất

51

30

21

1

Huyện Sông Lô

7

4

3

2

Huyện Lập Thạch

4

2

2

3

Huyện Tam Dương

4

2

2

4

Huyện Tam Đảo

6

4

2

5

Huyện Bình Xuyên

10

6

4

6

Thành phố Vĩnh Yên

1

0

1

7

Thành phố Phúc Yên

3

2

1

8

Huyện Yên Lạc

8

5

3

9

Huyện Vĩnh Tường

8

6

2

III

Môi trường không khí xung quanh

102

40

62

1

Huyện Sông Lô

13

5

8

2

Huyện Lập Thạch

16

6

10

3

Huyện Tam Dương

14

5

9

4

Huyện Tam Đảo

8

4

4

5

Huyện Bình Xuyên

10

4

6

6

Thành phố Vĩnh Yên

2

2

0

7

Thành phố Phúc Yên

5

2

3

8

Huyện Yên Lạc

20

8

12

9

Huyện Vĩnh Tường

13

3

10

IV

Môi trường đất

25

13

12

1

Huyện Sông Lô

3

1

2

2

Huyện Lập Thạch

4

2

2

3

Huyện Tam Dương

2

1

1

4

Huyện Tam Đảo

3

3

5

Huyện Bình Xuyên

6

2

4

6

Thành phố Vĩnh Yên

0

0

7

Thành phố Phúc Yên

1

1

8

Huyện Yên Lạc

4

2

2

9

Huyện Vĩnh Tường

2

1

1

V

Môi trường trầm tích

15

15

1

Huyện Sông Lô

0

0

2

Huyện Lập Thạch

0

0

3

Huyện Tam Dương

2

2

4

Huyện Tam Đảo

0

0

5

Huyện Bình Xuyên

3

3

6

Thành phố Vĩnh Yên

4

4

7

Thành phố Phúc Yên

4

4

8

Huyện Yên Lạc

1

1

9

Huyện Vĩnh Tường

1

1

PHỤ LỤC XXI

PHƯƠNG ÁN QUY HOẠCH BẢO VỆ, THĂM DÒ, KHAI THÁC VÀ SỬ DỤNG KHOÁNG SẢN TỈNH VĨNH PHÚC THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 06 tháng 02 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)

STT

Loại khoáng sản

Hiện trạng

Tổng số khu mỏ

Tổng diện tích dự kiến (ha)

Trữ lượng và tài nguyên còn lại (tạm tính)

Ghi chú

I

Các khu mỏ quy hoạch khoáng sản cơ quan trung ương cấp phép: Không có

II

Các khu vực quy hoạch khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân tỉnh: 52 khu vực

1

Đất làm vật liệu san lấp

38 khu vực đang có hoạt động khai thác còn hiệu lực; 64 khu vực đề nghị bổ sung quy hoạch, trong đó có 62 khu vực là đất san lấp và 02 khu vực là nạo vét lòng sông.

102

682

78,30

Triệu m3

2

Đá làm vật liệu xây dựng thông thường

10 mỏ đang khai thác; 04 mỏ đã thăm dò, phê duyệt trữ lượng chưa cấp phép khai thác.

14

123

16,43

Triệu m3

3

Cát xây dựng

05 mỏ đang khai thác, 10 mỏ đã thăm dò, phê duyệt trữ lượng chưa cấp phép khai thác, 9 khu vực đề nghị bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác và 05 khu vực trên các sông, suối.

29

339

5,47

Triệu m3

4

Sét làm gạch

01 mỏ đang khai thác, 12 khu vực đề nghị bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác.

11

422

8,86

Triệu m3

5

Than bùn

Có 02 khu vực đề nghị thăm dò, khai thác.

2

77,48

1,18

Triệu tấn

Ghi chú:

- Trong quá trình thực hiện quy hoạch, căn cứ quy hoạch cấp cao hơn, phương án quy hoạch này và các phương án quy hoạch khác có liên quan để rà soát, xác định và điều chỉnh, bổ sung theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh, bổ sung số lượng, ranh giới, quy mô, công suất, lộ trình khai thác, mục tiêu sử dụng các điểm mỏ (nếu cần) bảo đảm phù hợp với thực tiễn phát triển của tỉnh, các quyết định điều chỉnh, bổ sung (nếu có) của cấp có thẩm quyền và quy định hiện hành.

- Các khu vực bãi thải của mỏ có quyết định đóng cửa mỏ và các khu vực khoáng sản được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố là khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ thì quy mô diện tích, công suất, giai đoạn theo dự án đầu tư, đề án thăm dò được lập và phê duyệt.

- Đối với một số khu vực mỏ, khoáng sản dự kiến khai thác sau năm 2030, trường hợp đủ điều kiện và huy động được nguồn lực đầu tư thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét chấp thuận cho phép triển khai sớm hơn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

- Tất cả các khu vực quy hoạch, khi thăm dò phát hiện khoáng sản có giá trị cao hơn vật liệu xây dựng thông thường phải báo cấp có thẩm quyền giải quyết, định hướng khai thác sử dụng đúng giá trị tài nguyên.

- Đối với cát xây dựng và san lấp trên tuyến sông, đặc biệt là sông Hồng phải có đầu tư khảo sát đánh giá, xác định chi tiết diện tích thăm dò, khai thác để đảm bảo an toàn môi trường, dòng chảy và lòng bờ, bãi sông, tuân thủ theo các quy định Luật Khoáng sản và các Nghị định có liên quan. Đặc biệt là Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông.

PHỤ LỤC XXII

DỰ ÁN DỰ KIẾN ƯU TIÊN THỰC HIỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 06 tháng 02 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Tên dự án

I

Giao thông vận tải

1

Nâng cấp, cải tạo, mở rộng tuyến đường quốc lộ 2 (đoạn qua địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc)

Cải tạo, mở rộng quốc lộ 2 đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì

Mở rộng quốc lộ 2 đoạn từ cầu Xuân Phương đến Vĩnh Yên

Mở rộng quốc lộ 2 tránh thành phố Vĩnh Yên và xây dựng đường gom 2

2

Nâng cấp, cải tạo, mở rộng tuyến đường trục Bắc - Nam (đoạn từ cầu Vân Phúc, huyện Yên Lạc đến thị trấn Hợp Châu, huyện Tam Đảo)

Đường trục Bắc - Nam đô thị Vĩnh Phúc đoạn quốc lộ 2A tránh thành phố Vĩnh Yên đến đường Vành đai 3

Nâng cấp, mở rộng đường trục Bắc - Nam đô thị Vĩnh Phúc, đoạn từ đường Vành đai 2 thành phố Vĩnh Yên đến thị trấn Hợp Châu, huyện Tam Đảo

3

Xây dựng Đường Vành đai 5 thủ đô đoạn từ cầu Vĩnh Thịnh đến nút giao IC5 (gồm cả đường gom 2 bên)

4

Đường Vành đai 5 đoạn từ hồ Vân Trục đến đê tả sông Lô

5

Đường Vành đai 4 đoạn từ huyện Bình Xuyên đến huyện Vĩnh Tường (giai đoạn 2)

6

Đường Vành đai 4 theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải đoạn từ quốc lộ 2 đi đường tỉnh 305

7

Đường vành đai 2 thành phố Vĩnh Yên, đoạn từ đường Tôn Đức Thắng đến quốc lộ 2 (bao gồm cả cầu vượt đường sắt)

8

Xây dựng mới, nâng cấp tuyến đường tỉnh 310

Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 310C đoạn từ quốc lộ 2C đến quốc lộ 2B

Xây dựng đường tỉnh 310 kéo dài (tuyến tránh quốc lộ 2C)

9

Xây dựng tuyến đường gom hai bên đường sắt Hà Nội - Lào Cai (nhằm tăng cường liên kết trục Đông - Tây hướng tâm)

Đường gom hai bên đường sắt Hà Nội - Lào Cai (tuyến phía Bắc và tuyến phía Nam), các đoạn còn lại kết nối từ Vĩnh Yên đến cầu Hạc Trì

Đường song song đường sắt Hà Nội - Lào Cai (tuyến phía bắc) đoạn từ quốc lộ 2C đến đường Hợp Thịnh - Đạo Tú

Đường song song đường sắt Hà Nội - Lào Cai (tuyến phía bắc) đoạn từ đường tỉnh 310B (Cảng cạn ICD) đến quốc lộ 2 Phúc Yên

10

Xây dựng đường trục Đông - Tây đô thị Vĩnh Phúc, đoạn từ Tân Phong đi Trung Nguyên (đường tỉnh 303C)

11

Mở rộng đường trục trung tâm Khu đô thị mới Mê Linh

12

Xây dựng mới đường trục trung tâm Mê Linh kéo dài kết nối hồ Đại Lải

13

Xây dựng tuyến giao thông kết nối đê tả sông Hồng đến cầu Vân Phúc

14

Xây dựng tuyến đường dẫn và cầu Hải Lựu

15

Xây dựng đường tỉnh 310D

16

Xây dựng cầu Vĩnh Phú qua sông lô kết nối hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ

17

Xây dựng nút giao IC2 và nút giao IC5 Cao tốc Nội Bài - Lào Cai

18

Bến xe khách kiêm bãi đỗ xe Phúc Yên

19

Xây dựng các cảng thủy quốc gia (cảng Cam Giá, cảng Vĩnh Thịnh, cảng An Tường, cảnh Như Thụy, cảng Đức Bác)

20

Xây dựng các cảng thủy địa phương (cảng Hải Lựu, cảng Sơn Đông, cảng Cao Phong, cảng Cao Đại, cảng Trung Hà, cảng Việt Xuân)

II

Công nghiệp, năng lượng

1

Thu hút đầu tư phát triển công nghiệp điện tử tại vùng công nghiệp động lực, các huyện, thành phố bám dọc theo trục đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai và trục đường Vành đai 4 của tỉnh

2

Thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến trong nông nghiệp và sản xuất vật liệu xây dựng tại vùng công nghiệp phụ trợ thuộc các huyện, thành phố bám dọc theo trục đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai và trục đường Vành đai 4 của tỉnh và đường tỉnh 310

3

Thu hút đầu tư các dự án sản xuất kinh doanh vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh

4

Thu hút đầu tư các dự án sản xuất kinh doanh vào các cụm công nghiệp phát triển mới

5

Xây dựng hệ thống hạ tầng truyền tải điện đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và sinh hoạt trên địa bàn tỉnh

III

Đô thị - Thương mại

1

Thu hút đầu tư xây dựng các đô thị, trung tâm thương mại, siêu thị,… tập trung tại các thành phố và trung tâm các huyện

2

Thu hút đầu tư xây dựng các khu đô thị, khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại khu vực hồ Sáu Vó huyện Bình Xuyên, xã Ngọc Thanh thành phố Phúc Yên, huyện Tam Đảo, huyện Lập Thạch,…

3

Xây dựng các khu nhà ở công nhân, nhà ở xã hội phục vụ cho công nhân lao động trong các Khu công nghiệp

4

Thu hút đầu tư xây dựng chợ đầu mối, trung tâm trưng bày sản phẩm tại huyện Vĩnh Tường và huyện Yên Lạc

IV

Văn hóa - Thể thao - Du lịch

1

Dự án xây dựng trung tâm triển lãm tỉnh và giới thiệu thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc.

2

Tu bổ, tôn tạo, phục hồi các di tích lịch sử, di tích được xếp hạng trên địa bàn tỉnh

3

Khu liên hợp thể thao tỉnh Vĩnh Phúc

4

Xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp hạ tầng du lịch, các thiết chế văn hóa, thể thao của tỉnh

5

Thu hút các dự án đầu tư vào các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, vui chơi giải trí, sân gôn,… ở các huyện, thành phố

6

Phát triển các dự án du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, vui chơi giải trí, sân gôn ven chân núi Tam Đảo, hồ Vân Trục, hồ Bò Lạc, Suối Sải, Thác Bay,…

7

Phát triển tổ hợp các khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, sân gôn, dịch vụ vui chơi giải trí, chăm sóc y tế, sức khỏe tại xã Ngọc Thanh và các khu vực lân cận

8

Phát triển các dự án du lịch khám phá, du lịch văn hóa, kết hợp vui chơi giải trí, sinh thái, nghỉ dưỡng Tây Thiên

9

Phát triển các dự án tổ hợp du lịch dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng vui chơi tại khu vực Đầm Rừng, Đầm Vạc,…

V

Khoa học, Công nghệ, Thông tin truyền thông

1

Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất cho các tổ chức khoa học và công nghệ, các khu thực nghiệm ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật

2

Xây dựng Trung tâm Ứng dụng và Đổi mới sáng tạo tỉnh Vĩnh Phúc

3

Phát triển các trạm phát sóng 5G và hạ tầng kết nối vạn vật (IoT) - hạ tầng nền tảng số và dữ liệu số phục vụ chuyển đổi số

4

Đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động xuất bản, báo chí, phát thanh, truyền hình,…

VI

Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thủy sản và Thủy lợi

1

Xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các công trình thủy lợi, hồ chứa nước lớn phục vụ đa mục đích (thủy lợi và phát triển du lịch)

2

Xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp tuyến đê, kè, kênh mương, luồng tiêu, trạm bơm,...

3

Xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các công trình phục vụ nông, lâm nghiệp và thủy sản

4

Khuyến khích thu hút đầu tư các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng tập trung; các dự án nông, lâm nghiệp và thủy sản liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ;… tại các huyện, thành phố

VII

Môi trường

1

Dự án bảo tồn đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Tam Đảo

2

Các dự án bảo tồn, lưu trữ và phát triển nguồn gen bản địa quý hiếm có giá trị; dự án ngăn ngừa và diệt trừ sinh vật ngoại lai xâm hại và có nguy cơ xâm hại; dự án phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng bị suy thoái

3

Xây dựng các nhà máy thu gom/xử lý nước thải, rác thải, chất thải rắn

4

Xây dựng các nghĩa trang tập trung, nhà tang lễ tại các huyện, thành phố, xây dựng công viên nghĩa trang

5

Xây dựng hệ thống các trạm, điểm quan trắc môi trường

VIII

Giáo dục đào tạo, lao động thương binh xã hội và y tế

1

Xây dựng trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh

2

Đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị các trường học trên địa bàn tỉnh

3

Đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh

4

Cải tạo, nâng cấp trường Chính trị tỉnh

5

Xây dựng mới Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh

6

Xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các bệnh viện tuyến tỉnh, các cơ sở y tế tuyến tỉnh, các trung tâm y tế tuyến huyện, các trạm y tế tuyến xã

7

Khuyến khích thu hút đầu tư xây dựng trường học các cấp, các trung tâm trải nghiệm giáo dục, các cơ sở y tế tư nhân, các cơ sở trợ giúp xã hội,…

Ghi chú:

- Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc cam kết không hợp thức hóa các sai phạm và chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, trước Thủ tướng Chính phủ về quá trình lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương và các quyết định đầu tư dự án tại Phụ lục này.

- Tên, vị trí, quy mô, diện tích, tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư của các dự án nêu trên sẽ xác định cụ thể trong giai đoạn lập, thẩm định, phê duyệt theo quy định của pháp luật.

- Các dự án, công trình khác ngoài danh mục trên căn cứ vào các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành của địa phương,... và các quyết định điều chỉnh, bổ sung (nếu có) của cấp có thẩm quyền quyết định, phê duyệt.

PHỤ LỤC XXIII

DANH MỤC SƠ ĐỒ, BẢN ĐỒ QUY HOẠCH TỈNH VĨNH PHÚC THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 06 tháng 02 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Tên sơ đồ, bản đồ

Tỷ lệ

1

Sơ đồ phương án quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc

1:50.000

2

Sơ đồ phương án tổ chức không gian và phân vùng chức năng tỉnh Vĩnh Phúc

1:50.000

3

Sơ đồ phương án phát triển kết cấu hạ tầng xã hội tỉnh Vĩnh Phúc

1:50.000

4

Sơ đồ phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật tỉnh Vĩnh Phúc

1:50.000

5

Sơ đồ phương án phân bổ và khoanh vùng các chỉ tiêu sử dụng đất tỉnh Vĩnh Phúc

1:50.000

6

Sơ đồ phương án thăm dò, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên tỉnh Vĩnh Phúc

1:50.000

7

Sơ đồ phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phòng, chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu tỉnh Vĩnh Phúc

1:50.000

8

Sơ đồ phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện tỉnh Vĩnh Phúc

1:50.000

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 158/QĐ-TTg ngày 06/02/2024 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


10.122

DMCA.com Protection Status
IP: 3.147.82.22
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!