ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 417/QĐ-UBND
|
An Giang, ngày 01
tháng 3 năm 2018
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ
DUYỆT ĐỀ TÀI “NGHIÊN CỨU QUY TRÌNH SẢN XUẤT GIỐNG VÀ NUÔI THƯƠNG PHẨM CÁ TRÈN BẦU
(OMPOK BIMACULATUS) TẠI AN GIANG”
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức Chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Quyết định số
09/2016/QĐ-UBND ngày 17/02/2016 của UBND tỉnh An Giang về việc ban hành Quy định
quản lý thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước
trên địa bàn tỉnh An Giang;
Căn cứ Quyết định số
16/2016/QĐ-UBND ngày 16/3/2016 của UBND tỉnh An Giang về việc ban hành Quy định
định mức chi đối với đề tài, dự án khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách
nhà nước trên địa bàn tỉnh An Giang;
Căn cứ Quyết định số
47/2017/QĐ-UBND ngày 04/8/2017 của UBND tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung một số điều
của Quyết định 09/2016/QĐ-UBND ngày 17/02/2016 của UBND tỉnh ban hành quy định
quản lý thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh có sử dụng ngân sách nhà
nước trên địa bàn tỉnh An Giang;
Căn cứ Quyết định số
187/QĐ-UBND ngày 13/01/2017 của UBND tỉnh về việc phê duyệt tạm thời định mức
kinh tế kỹ thuật trong lĩnh vực khoa học và công nghệ tỉnh An Giang;
Căn cứ Quyết định số
1470/QĐ-UBND ngày 15/5/2017 của UBND tỉnh An Giang về việc phê duyệt Danh mục
nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh năm 2017 - 2018;
Xét đề nghị của Sở Khoa học
và Công nghệ tại Tờ trình số 154/TTr-SKHCN ngày 22/02/2018 về việc phê duyệt đề
tài “Nghiên cứu quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá Trèn bầu (Ompok
bimaculatus) tại An Giang”,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt đề tài
“Nghiên cứu quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá Trèn bầu (Ompok
bimaculatus) tại An Giang”, với các nội dung sau:
1. Mục tiêu đề tài:
1.1. Mục tiêu tổng quát:
Cung cấp cơ sở khoa học góp phần
xây dựng quy trình sản xuất giống và mô hình nuôi thương phẩm cá Trèn bầu nhằm
chủ động con giống cho người nuôi, đa dạng hóa loài cá nuôi bản địa và phát triển
bền vững nghề nuôi thủy sản nước ngọt ở
Đồng bằng sông Cửu Long trong
điều kiện biến đổi khí hậu. Tiến đến bảo tồn và phát triển nguồn gene cá Trèn bầu
trên địa bàn tỉnh An Giang.
1.2. Mục tiêu cụ thể:
a) Hoàn thiện quy trình
sản xuất giống cá Trèn bầu đạt yêu cầu:
- Nuôi vỗ thành thục sinh dục
cá Trèn bầu trong ao: Tỷ lệ thành thục >70%, hệ số thành thục >5% ở thời
điểm chính vụ (từ tháng 5 - tháng 9).
- Kích thích sinh sản bán nhân
tạo: Tỷ lệ cá rụng trứng >70%, sức sinh sản thực tế >200.000 trứng/kg cá
cái, tỷ lệ thụ tinh >70%, tỷ lệ nở và tỷ lệ sống cá bột >70%.
- Kỹ thuật ương cá bột lên cá
giống chia làm 2 giai đoạn:
+ Giai đoạn 1: Ương từ 1 đến 30
ngày tuổi: tỷ lệ sống >30%.
+ Giai đoạn 2: Ương từ 31 đến
90 ngày tuổi: tỷ lệ sống >50%, kích cỡ trung bình 1,5 g/con.
b) Xây dựng quy trình
nuôi thương phẩm cá Trèn bầu trong lồng bè đạt:
- Tỷ lệ sống: >60%.
- FCR: 2,0 - 2,5 đối với thức
ăn công nghiệp; 4,0 - 5,0 đối với thức ăn cá tạp.
- Kích cỡ thu hoạch: Trung bình
100 g/con.
- Năng suất: 04 - 05 kg/m3.
c) Ghi nhận bệnh trong
quá trình ương giống và nuôi thương phẩm cá Trèn bầu: dấu hiệu bệnh lý (triệu
chứng), tác nhân gây bệnh, phòng và trị bệnh.
d) Xây dựng 02 mô hình
điểm sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá Trèn bầu có gắn kết các giải pháp về
phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.
đ) Đề xuất các định hướng
và giải pháp phát triển mô hình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá Trèn bầu
trên địa bàn tỉnh An Giang.
e) Đào tạo, phát triển
nguồn nhân lực phục vụ phát triển mô hình với số lượng 03 cán bộ kỹ thuật nắm
rõ quy trình nuôi vỗ, sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm cá Trèn bầu.
- Bảo tồn và phát triển nguồn
gene cá Trèn bầu trong tỉnh An Giang.
- Đề xuất kế hoạch 05 năm sau
khi kết quả của đề tài được nghiệm thu.
2. Tổ chức chủ trì đề tài: Trường
Đại học An Giang.
3. Chủ nhiệm đề tài: ThS.
Lê Văn Lễnh.
4. Thời gian thực hiện: 30
tháng (Từ tháng 03/2018 đến tháng 08/2020).
5. Nội dung thực hiện:
a) Nội dung 1: Nghiên cứu
nuôi vỗ thành thục và kích thích sinh sản đối với cá Trèn bầu.
- Thí nghiệm 1: Nghiên cứu ảnh
hưởng của thức ăn đến sự thành thục sinh dục cá Trèn bầu
- Thực hiện nội dung này để có
cá bột cung cấp cho việc ương lên con giống cung cấp cho nuôi thương phẩm.
- Chọn cá Trèn bầu bố mẹ thành
thục sinh dục, khối lượng >50 g/con, tiêm chất kích thích sinh sản là HCG liều
lượng 3000 UI/kg cá (Lê Văn Lễnh, 2012).
- Sau khi tiêm chất kích thích
sinh sản, cho cá vào các bể đẻ có sục khí và lót một tấm lưới bên dưới bể để
thu trứng cá sau khi đẻ. Tỷ lệ đực/cái là 1/1.
- Sử dụng hệ thống bình Weys
(loại 6 bình) làm bằng nhựa có thể tích 7,5 lít một bình để tiến hành ấp trứng.
Mật độ ấp là 5.000 trứng/Lít nước.
b) Nội dung 2: Nghiên cứu
kỹ thuật ương cá Trèn bầu từ cá bột lên cá giống.
- Thí nghiệm 2: Ảnh hưởng của tổ
hợp thức ăn đến tăng trưởng và tỷ lệ sống cá Trèn bầu giai đoạn 1 - 30 ngày tuổi
trong bể composite.
- Thí nghiệm 3: Ảnh hưởng của mật
độ khác nhau đến tăng trưởng và tỷ lệ sống cá Trèn bầu giai đoạn 1 - 30 ngày tuổi
trong bể composite.
- Thí nghiệm 4: Ảnh hưởng của
thức ăn viên có hàm lượng đạm khác nhau lên tăng trưởng và tỷ lệ sống cá Trèn bầu
giai đoạn 31 - 90 ngày tuổi trong bể composite.
- Thí nghiệm 5: Ảnh hưởng của mật
độ khác nhau lên tăng trưởng và tỷ lệ sống cá Trèn bầu giai đoạn 31 - 90 ngày
tuổi trong bể composite.
- Chỉ tiêu theo dõi trong nội
dung 2 (từ thí nghiệm 2 đến thí nghiệm 5):
+ Môi trường nước: nhiệt độ,
pH, DO, NH3/NH4+, NO2- test lúc 6h00 và 14h00; 3 ngày test một lần.
+ Chỉ tiêu tăng trưởng: khối lượng
và chiều dài của cá. Mẫu cá được cân và đo 15 ngày/lần, một lần lấy ngẫu nhiên
ít nhất 30 cá thể cho mỗi nghiệm thức. Tốc độ tăng trưởng được xác định bằng
cách đo chiều dài tổng và cân khối lượng. Đo chiều dài cá bằng giấy kẻ ôly, cân
khối lượng cá bằng cân điện tử bốn và hai số lẻ.
+ Hệ số phân đàn.
+ Xác định hệ số thức ăn tương
đối (FCR): Sau 90 ngày ương (ở giai đoạn 31 - 90 ngày tuổi).
+ Tỷ lệ sống: Xác định sau 30
và 90 ngày ương.
c) Nội dung 3: Nghiên cứu
kỹ thuật nuôi trương phẩm cá Trèn bầu
- Thí nghiệm 6: Nghiên cứu ảnh
hưởng của thức ăn viên có hàm lượng đạm khác nhau lên sự tăng trưởng và tỷ lệ sống
cá Trèn bầu nuôi thương phẩm trong lồng bè.
- Thí nghiệm 7: Nghiên cứu ảnh
hưởng của mật độ khác nhau lên tăng trưởng và tỷ lệ sống cá Trèn bầu nuôi
thương phẩm trong lồng bè.
- Chỉ tiêu theo dõi trong nội
dung 3 (từ thí nghiệm 6 đến thí nghiệm 7):
+ Môi trường nước: Nhiệt độ,
pH, DO, NH3/NH4+, NO2- test lúc 6h00 và 14h00; 7 ngày test một lần.
+ Chỉ tiêu tăng trưởng: khối lượng
và chiều dài của cá. Mẫu cá được cân và đo 30 ngày/lần, một lần lấy ngẫu nhiên
ít nhất 30 cá thể cho mỗi nghiệm thức. Tốc độ tăng trưởng được xác định bằng
cách đo chiều dài tổng và cân khối lượng. Đo chiều dài cá bằng thước kẻ, cân khối
lượng cá bằng cân điện đồng hồ 500gr.
+ Hệ số phân đàn.
+ Xác định hệ số thức ăn tương
đối (FCR) sau 9 tháng nuôi.
+ Tỷ lệ sống sau 9 tháng nuôi.
+ Hiệu quả kinh tế của mô hình:
Lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận (%).
- Ghi nhận: Phòng và trị bệnh
cá Trèn bầu ở giai đoạn ương giống và nuôi thương phẩm.
d) Nội dung 4: Nghiên cứu
xây dựng mô hình trình diễn và tập huấn đào tạo nguồn nhân lực
- Xây dựng 02 mô hình điểm sản
xuất giống và nuôi thương phẩm cá Trèn bầu có gắn kết các giải pháp về phát triển
thị trường tiêu thụ sản phẩm:
+ Mô hình điểm sản xuất giống
cá Trèn bầu: Quy mô 20.000 cá Trèn bầu giống, kích cỡ 1,5 g/con.
+ Mô hình điểm nuôi thương phẩm
cá Trèn bầu trong lồng bè: Quy mô 200 kg, kích cỡ 100 g/con.
- Hội thảo, tập huấn, đào tạo,
phát triển nguồn nhân lực (chuyên gia, cán bộ kỹ thuật, hợp tác xã, tổ hợp tác,
nông dân, doanh nghiệp) phục vụ phát triển mô hình:
+ Sau khi có kết quả qui trình
sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá Trèn bầu nhóm nghiên cứu sẽ tổ chức lớp tập
huấn cho 03 cán bộ kỹ thuật
+ Tổ chức hội thảo với thành phần:
Giảng viên trường Đại học An Giang, cán bộ kỹ thuật Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn An Giang, doanh nghiệp, nông dân,... số lượng: 50 người.
đ) Nội dung 5: Bảo tồn
và phát triển nguồn gene cá Trèn bầu
- Thu cá tự nhiên về thuần dưỡng,
khi cá khỏe mạnh, sử dụng thức ăn tốt thì chuyển giao cho trung tâm công nghệ
sinh học tỉnh An Giang để nuôi giữ đàn cá này làm cá bố mẹ và có nguồn gene tốt
từ tự nhiên. Số lượng 50 kg, khối lượng trung bình 50 g/con.
- Nhóm nghiên cứu tiến hành thả
10.000 con cá giống cá Trèn bầu từ sinh sản bán nhân tạo (1/2019), cá bố mẹ cho
sinh sản từ tự nhiên, kích cỡ 1,5 - 2 g/con về thiên nhiên, địa điểm thả là
Búng Bình Thiên (đầu, giữa và cuối Búng) huyện An Phú tỉnh An Giang hoặc trên
sông Hậu (Xã Mỹ Hòa Hưng) tỉnh An Giang.
e) Nội dung 6: Đề xuất
các định hướng và kế hoạch 5 năm sau khi nghiệm thu kết quả đề tài
- Đề xuất các định hướng và giải
pháp phát triển mô hình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá Trèn bầu trên địa
bàn tỉnh An Giang.
- Đề xuất kế hoạch 05 năm cho
đơn vị tiếp nhận sử dụng kết quả nghiên cứu sau nghiệm thu.
6. Tổng dự toán kinh phí thực
hiện: 825.919.000 đồng (Bằng chữ: Tám trăm hai mươi lăm triệu, chín trăm
chín mươi ngàn đồng).
6.1. Kinh phí từ ngân
sách nhà nước: 817.931.000 đồng (Bằng chữ: Tám trăm, mười bảy triệu,
chín trăm, ba mươi mốt ngàn đồng), từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và
công nghệ, bao gồm:
a) Công lao động: 203.920.000
đồng (nghiên cứu tổng quan, xây dựng mô hình, công lao động phổ thông, báo
cáo tổng kết).
b) Nguyên vật liệu, năng
lượng: 515.117.000 đồng (thuê ao nuôi, thức ăn, chất kích thích sinh sản
cá, thuốc trị bệnh cá).
c) Thiết bị, máy móc: 24.300.000
đồng (thuê bể composite 1m3).
d) Xây dựng, sửa chữa nhỏ:
10.000.000 đồng (chi phí sửa chữa lồng, bè 72m3 x 2 bè).
đ) Chi khác: 64.593.900
đồng (công tác phí, hội thảo, khảo sát tiền trạm, nghiệm thu cơ sở, văn
phòng phẩm, đi tìm nguồn cá giống).
6.2. Kinh phí từ nguồn
khác: 7.988.000 đồng.
7. Sản phẩm đề tài:
a) 02 báo cáo: (1) Báo
cáo khoa học tổng hợp kết quả nghiên cứu; (2) báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu.
b) 01 báo cáo chuyên đề: Kỹ
thuật ương giống và nuôi thương phẩm cá Trèn bầu trong lồng bè.
c) 02 mô hình: (1) Xây dựng
mô hình điểm sản xuất giống cá Trèn bầu; (2) Xây dựng mô hình điểm nuôi thương
phẩm cá Trèn bầu trong lồng bè.
d) Sản phẩm cá trèn bầu: (1)
30.000 con cá trèn bầu giống (1,5 - 2 g/con); (2) 500 kg cá trèn bầu thương phẩm
(100 g/con).
đ) Quy trình kỹ thuật: (1)
Quy trình sản xuất giống cá Trèn bầu; (2) Quy trình nuôi thương phẩm cá Trèn bầu
trong lồng bè.
e) 03 bài báo: (1) Kỹ
thuật nuôi vỗ thành thục bố mẹ cá trèn bầu; (2) Kỹ thuật ương cá Trèn bầu từ bột
lên giống; (3) Kỹ thuật nuôi thương phẩm cá Trèn bầu trong lồng bè.
g) Hỗ trợ đào tạo 05
sinh viên Đại học và 01 nghiên cứu sinh cho tỉnh An Giang; Đào tạo cho 03 học
viên gồm cán bộ kỹ thuật trong tỉnh nắm được kỹ thuật nuôi và sinh sản cá Trèn
bầu.
h) Kế hoạch 05 năm cho đơn
vị tiếp nhận, sử dụng kết quả về việc triển khai ứng dụng và phát triển kết quả
nghiên cứu sau khi nghiên cứu được nghiệm thu.
8. Đơn vị phối hợp thực hiện:
Chi cục Thủy sản An Giang.
9. Đơn vị tiếp nhận sử dụng
kết quả:
- Trung tâm Công nghệ sinh học An
Giang;
- Phòng Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn huyện Châu Thành;
- Trại cá giống Ba Phong;
- Các tổ chức, cá nhân khác nếu
có yêu cầu theo quy định hiện hành.
Điều 2.
1. Chủ nhiệm đề tài có
trách nhiệm báo cáo định kỳ hoặc đột xuất tình hình thực hiện đề tài theo quy định
hiện hành. Nếu trong quá trình thực hiện có vướng mắc cần xử lý, phải báo cáo về
Sở Khoa học và Công nghệ thẩm định chuyên môn và Sở Khoa học và Công nghệ có
trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh.
2. Sở Khoa học và Công
nghệ chịu trách nhiệm: Kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện đề tài
“Nghiên cứu quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá Trèn bầu (Ompok
bimaculatus) tại An Giang” và báo cáo UBND tỉnh theo quy định. Đồng thời,
có trách nhiệm kiểm tra sản phẩm giao nộp và bàn giao sản phẩm cho đơn vị tiếp
nhận sử dụng kết quả nghiên cứu của đề tài này với biên bản bàn giao trách nhiệm
cụ thể nhằm có cơ sở đánh giá việc triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu và hiệu
quả đầu tư trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.
3. Đơn vị chủ trì, chủ
nhiệm đề tài và thủ trưởng đơn vị tiếp nhận sử dụng kết quả nghiên cứu của đề
tài chịu trách nhiệm báo cáo định kỳ về việc triển khai ứng dụng kết quả nghiên
cứu theo quy định hiện hành.
Điều 3. Quyết định này
có hiệu lực kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám
đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Sở Tài chính, Trường Đại học An Giang
(đơn vị chủ trì đề tài), ThS. Lê Văn Lễnh và các đơn vị có liên quan chịu trách
nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- TT. UBND tỉnh (b/c);
- Sở KH&CN (05 bản); Sở Tài chính;
- Chi cục Thủy sản An Giang;
- Trung tâm Công nghệ sinh học An Giang;
- Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành;
- Trại cá giống Ba Phong;
- Trường Đại học An Giang;
- ThS. Lê Văn Lễnh;
- Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh;
- UBND huyện Thoại Sơn, huyện Châu Phú;
- P. KTN, P.HCTC.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lâm Quang Thi
|