ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
11/QĐ-UBND
|
Kon
Tum, ngày 03 tháng 01 năm 2018
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ
DUYỆT PHƯƠNG ÁN THÍ ĐIỂM GIAO RỪNG GẮN VỚI HỖ TRỢ CỘNG ĐỒNG, HỘ GIA ĐÌNH PHÁT
TRIỂN KINH TẾ RỪNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm
2015;
Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004;
Căn cứ Luật Đất đai năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006
của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng;
Căn cứ Thông tư số 38/2007/TT-BNN ngày 25/4/2007
của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn trình tự, thủ
tục giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và
cộng đồng dân cư thôn;
Căn cứ Thông tư số 20/2016/TT-BNNPTNT ngày
27/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về sửa đổi, bổ
sung một số điều của các Thông tư số 38/2007/TT-BNNPTNT, 78/2011/TT-BNNPTNT,
25/2011/TT-BNNPTNT, 47/2012/TT-BNNPTNT, 80/2011/TT-BNNPTNT, 99/2006/TT-BNN;
Căn cứ Nghị quyết số 09/2017/NQ-HĐND ngày
21/7/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Đề án phát triển lâm nghiệp theo hướng
bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Kon Tum;
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn tại Tờ trình số 275/TTr-SNN ngày 19/12/2017 (kèm theo hồ sơ Phương
án),
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Phương án thí điểm giao rừng gắn với hỗ trợ cộng đồng,
hộ gia đình phát triển kinh tế rừng trên địa bàn tỉnh Kon Tum, với một số nội
dung chính như sau:
1. Mục tiêu:
Giao đất, giao rừng gắn với các chính sách hỗ trợ
nhằm giúp cộng đồng, hộ gia đình phát triển kinh tế rừng, cải thiện sinh kế, từng
bước làm giàu từ rừng; tổ chức quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững tài
nguyên rừng được giao; đẩy nhanh tiến độ thực hiện xã hội hóa nghề rừng trên
nguyên tắc rừng và đất rừng phải có chủ thật sự; góp phần thực hiện mục tiêu
Nghị quyết số 09/2017/NQ-HĐND ngày 21/7/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Đề
án phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn
tỉnh Kon Tum.
2. Diện tích và địa điểm khu rừng:
- Quy mô: 1.374,5 ha. bao gồm 724,1 ha rừng sản xuất
và 650,3 ha rừng phòng hộ do UBND xã đang quản lý (đất có rừng: 490,4 ha; đất
không có rừng: 884,1 ha).
- Địa điểm: Tại các tiểu khu 190, 196, 200a, xã Sa
Loong, huyện Ngọc Hồi và Tiểu khu 570, xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum.
3. Đối tượng được giao đất, giao rừng: Hộ
gia đình, cộng đồng dân cư sinh sống gần rừng có đời sống gắn bó với rừng tại
xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi và xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum.
4. Nhiệm vụ phương án
- Hoàn thành việc giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng
nhận quyền sử dụng đất 1.374,5 ha cho các hộ gia đình và cộng đồng dân cư thuộc
xã Sa loong, huyện Ngọc Hồi và xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum trong năm 2018.
- Bảo vệ tốt toàn bộ 490,4 ha diện tích có rừng được
giao. Hỗ trợ trồng rừng sản xuất thí điểm đối với 300,0 ha đất không có rừng (mỗi
năm hỗ trợ 100,0 ha); khoanh nuôi phục hồi rừng (100,0 ha) và hỗ trợ phát triển
các loại lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng (30,0 ha) để nâng cao đời sống người
dân nhận đất nhận rừng.
5. Nhu cầu vốn thực hiện Phương án:
Tổng nhu cầu vốn đầu tư: 5.978,3 triệu đồng, trong
đó:
- Vốn sự nghiệp Ngân sách Trung ương: Hỗ trợ theo
chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững 663,6 triệu đồng (Khoanh nuôi phục
hồi rừng, khuyến lâm và chi phí quản lý).
- Vốn Ngân sách tỉnh: 2.810,9 triệu đồng (Lập
phương án; thực hiện giao đất giao rừng; hỗ trợ trồng rừng sản xuất; chi phí quản
lý).
- Vốn huy động (từ dự án KfW10): 2.503,8 triệu đồng
(Quỹ phát triển cộng đồng; khoán bảo vệ rừng và quản lý phí).
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc (Chi cục Kiểm lâm,
Ban quản lý các dự án lâm nghiệp) triển khai thực hiện Phương án theo quy định.
Định kỳ 06 tháng, hàng năm tổ chức kiểm tra, đánh giá hiệu quả phương án và báo
cáo tiến độ thực hiện về UBND tỉnh. Tổng hợp khó khăn vướng mắc, đề xuất hướng
giải quyết để UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện.
- Chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở
Tài chính, Sở Kế hoạch và đầu tư lập kế hoạch hàng năm, đề xuất UBND tỉnh bố
trí kinh phí cho các địa phương để thực hiện phương án.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại
Thông tư liên tịch số 07/2011/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 29/01/2011 của Bộ trưởng
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
hướng dẫn một số nội dung về giao rừng, thuê rừng gắn liền với giao đất, thuê đất
lâm nghiệp và các quy định hiện hành có liên quan.
- Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ thuật về
đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cán bộ cấp huyện, cấp xã trong
việc thực hiện giao đất, giao rừng.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn kiểm tra, thanh tra việc quản lý sử dụng đất rừng của các chủ rừng, xử lý
hoặc tham mưu cấp thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với
Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị, địa phương
liên quan tham mưu UBND tỉnh nguồn vốn thực hiện phương án.
4. Sở Tài chính phối hợp với Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh kinh phí cho
công tác giao đất, giao rừng hàng năm của tỉnh. Hướng dẫn, kiểm tra, thanh
toán, quyết toán việc sử dụng kinh phí giao đất, giao rừng theo đúng quy định
hiện hành của Nhà nước.
5. UBND huyện Ngọc Hồi và thành phố Kon Tum
phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường
và các đơn vị có liên quan:
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính
sách của Nhà nước về giao đất, giao rừng, quyền lợi và nghĩa vụ của chủ rừng đến
nhân dân trên địa bàn quản lý; nhất là các đối tượng tham gia Phương án.
- Tổ chức thực hiện tốt việc giao đất, giao rừng
cho các hộ gia đình, cộng đồng đảm bảo đạt mục tiêu đề ra và đúng quy định hiện
hành.
6. Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư
thôn được giao đất, giao rừng
- Thực hiện các trình tự, thủ tục về giao đất, giao
rừng theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền; tổ chức quản lý, sử dụng rừng và
đất lâm nghiệp được giao đúng mục đích.
- Thực hiện các quyền lợi và nghĩa vụ trong công
tác giao đất, giao rừng theo quy định hiện hành.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Chánh văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư,
Tài chính; UBND Ngọc Hồi và thành phố Kon Tum và thủ trưởng các ngành, đơn vị
có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh:
- HĐND huyện Ngọc Hồi và TP Kon Tum;
- Chi cục Kiểm lâm;
- Văn phòng UBND tỉnh (CVP);
- Lưu VT, NNTN3.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Đức Tuy
|
PHƯƠNG ÁN
THÍ
ĐIỂM GIAO RỪNG GẮN VỚI HỖ TRỢ CỘNG ĐỒNG, HỘ GIA ĐÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ RỪNG
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 11/QĐ-UBND ngày 03 tháng 01 năm 2018 của Ủy
ban nhân dân tỉnh Kon Tum)
PHẦN
MỞ ĐẦU
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Giao đất, cho thuê đất gắn với giao rừng, cho thuê
rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp (gọi tắt là giao đất,
giao rừng) cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân, cộng đồng dân cư thôn
quản lý, sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp là chủ trương, chính
sách lớn của Đảng và Nhà nước phù hợp với nguyện vọng của người dân. Điều đó được
thể hiện trong Luật bảo vệ và phát triển rừng. Đây là bước chuyển biến căn bản
trong lĩnh vực lâm nghiệp, làm cho rừng và đất lâm nghiệp có chủ quản lý thực sự,
chủ rừng yên tâm quản lý, đầu tư phát triển rừng trên diện tích được giao.
Việc thu hút người dân mà cụ thể là các cộng đồng
dân tộc thiểu số vào tiến trình quản lý rừng là hết sức cần thiết để góp phần bảo
vệ rừng cũng như gắn với chương trình nông thôn mới hiện nay. Trong thực tế,
các cộng đồng dân tộc thiểu số sống trong và gần rừng đã có đời sống gắn bó với
rừng, có nhiều kiến thức, kinh nghiệm truyền thống trong quản lý sử dụng rừng;
đồng thời rừng đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, sản xuất của cộng
đồng. Nhiều năm qua, cộng đồng vẫn đứng ngoài cuộc với tiến trình quản lý rừng
và sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng đã trở nên khó khăn, diện tích rừng đang
có nguy cơ giảm sút về diện tích và chất lượng ở nhiều nơi. Việc giao đất, giao
rừng cho cộng đồng dân cư thôn sẽ mang lại nhiều lợi ích như bảo vệ được vốn rừng
hiện có, tạo điều kiện cho đầu tư phát triển rừng, phát triển lâm sản ngoài gỗ
trên diện tích được giao, gắn trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng với cộng đồng dân
cư thôn, hạn chế và chấm dứt nạn phát rừng làm nương rẫy, nâng cao đời sống của
người dân.
Thời gian qua, tỉnh Kon Tum đã tập trung chỉ đạo
các cấp, các ngành tổ chức thực hiện giao rừng và đất lâm nghiệp cho các tổ chức,
hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn quản lý sử dụng. Tuy nhiên, việc quản
lý sử dụng rừng và đất lâm nghiệp sau khi giao còn có nhiều hạn chế, bất cập,
hiệu quả sử dụng còn thấp, một số diện tích sử dụng chưa đúng mục đích; nguồn
thu nhập từ rừng chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế về rừng và đất lâm nghiệp;
tình trạng xâm lấn đất rừng vẫn còn xảy ra, rừng giảm nhanh về số lượng cũng
như chất lượng.
Hiện nay, tỉnh Kon Tum có hơn 218.000 ha rừng và đất
lâm nghiệp do UBND xã quản lý, diện tích này chưa có chủ quản lý thật sự, việc
quản lý sử dụng, bảo vệ diện tích này chưa thật sự bền vững, nguy cơ mất rừng
còn rất cao, do vậy cần phải tiến hành giao đất, giao rừng cho hộ gia đình, cá
nhân, cộng đồng trên diện tích này để quản lý sử dụng một cách bền vững.
Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng “Phương
án thí điểm giao rừng gắn với hỗ trợ cộng đồng, hộ gia đình phát triển kinh tế
rừng trên địa bàn tỉnh Kon Tum" nhằm đánh giá lại công tác giao đất
giao rừng trước đây, đề xuất giải pháp giao đất, giao rừng theo hướng tiếp cận
mới: Phát huy sức mạnh của cộng đồng, chia sẻ lợi ích với cộng đồng trong công
tác bảo vệ và phát triển rừng.
II. CƠ SỞ PHÁP LÝ
1. Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004;
2. Luật Đất đai số năm 2013;
3. Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban chấp
hành Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản
lý, bảo vệ và phát triển rừng;
4. Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của
Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng;
5. Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Thủ
tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn liền với
chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai
đoạn 2015-2020;
6. Quyết định 17/2015/QĐ-TTg ngày 09/6/2015 của Thủ
tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý rừng phòng hộ;
7. Quyết định số 49/2016/QĐ-TTg, ngày 01/11/2016 của
Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế quản lý rừng sản xuất;
8. Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016 của
Thủ tướng Chính phủ về về việc ban hành một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng
và đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty
nông, lâm nghiệp;
9. Quyết định số 178/QĐ-TTg ngày 12/11/2001 của Thủ
tướng Chính phủ về quyền hưởng lợi, nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được
giao, được thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp;
10. Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 08/02/2012 của
Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo
vệ rừng;
11. Thông tư số 38/2007/TT-BNN ngày 25/4/2007 của Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn trình tự, thủ tục giao rừng, cho
thuê rừng, thu hồi rừng cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư
thôn;
12. Thông tư số 20/2016/TT-BNN ngày 27/6/2016 của Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
13. Nghị quyết 09/2017/NQ-HĐND ngày 27/7/2017 của Hội
đồng nhân dân tỉnh về Đề án phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững giai đoạn
2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Kon Tum;
14. Quyết định số 01/2008/QĐ-UBND ngày 09/01/2008 của
Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt điều chỉnh kết quả rà soát, quy hoạch 3
loại rừng và chi tiết địa danh, diện tích quy hoạch đất lâm nghiệp theo chức
năng 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh Kon Tum;
15. Quyết định số 30/2008/QĐ-UBND ngày 23/7/2008 của
UBND tỉnh về việc ban hành Quy định trình tự, thủ tục giao, cho thuê, thu hồi
chuyển mục đích sử dụng rừng gắn với giao, cho thuê, thu hồi, chuyển mục đích sử
dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
16. Niên giám thống kê tỉnh Kon Tum năm 2016 và các
văn bản, tài liệu có liên quan khác.
Phần I
KHÁI QUÁT CÁC VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN PHƯƠNG ÁN
1. Điều kiện tự nhiên
1. Vị trí địa lý
Tỉnh Kon Tum nằm ở cực bắc Tây Nguyên, có đường
biên giới chung với hai nước Lào và Cam Pu Chia. Tọa độ địa lý từ 13°55‘30” đến
15°25’30” vĩ độ Bắc, từ 107°20’15” đến 108°33’00” kinh độ Đông.
Giới cận hành chính: Bắc giáp tỉnh Quảng Nam; Nam
giáp tỉnh Gia Lai; Đông giáp tỉnh Quảng Ngãi; Tây giáp nước Cộng hòa dân chủ
nhân dân Lào và Vương quốc Căm Pu Chia.
2. Địa hình.
Nhìn chung địa thế của Kon Tum cao ở phía Bắc và thấp
dần xuống phía Nam, đỉnh cao nhất là ngọn núi Ngọc Linh cao 2.598m. Địa hình rất
đa dạng và phức tạp, với nhiều kiểu địa hình, núi cao, núi trung bình, núi thấp
và vùng thung lũng đan xen nhau.
3. Khí hậu, thủy văn
3.7. Khí hậu.
Tỉnh Kon Tum có kiểu khí hậu nhiệt đới gió mùa Cao
nguyên, một năm có hai mùa rõ rệt:
- Mùa mưa từ tháng 5-10 hàng năm, lượng mưa chủ yếu
tập trung từ tháng 6-9 hàng năm (Chiếm trên 80% lượng mưa trong năm). Độ ẩm
không khí cao >80%, nhất là những ngày mưa liên tục độ ẩm không khí đạt tới
độ bão hoà.
- Mùa khô từ tháng 11-4 năm sau. Vào mùa khô độ ẩm
không khí, độ ẩm vật liệu cháy thấp, khí hậu khô hanh và gió nên vào mùa này
nguy cơ xảy ra cháy rừng cao.
Kon Tum nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa,
nhưng do nằm trên nhiều vĩ độ và kiểu địa hình khác nhau nên có nhiều tiểu vùng
khí hậu khác nhau.
3.2. Thủy văn
3.2.1. Nguồn nước mặt.
Kon Tum có nguồn nước mặt khá dồi dào, được dự trữ
từ 4 hệ thống sông lớn và các hồ chứa nước.
- Hệ thống sông Sê San có lưu vực chiếm phần lớn diện
tích của tỉnh, do chảy qua nhiều bậc thềm địa hình nên độ dốc dòng chảy lớn,
nhiều thác ghềnh, do vậy hệ thống sông này có tiềm năng thủy điện lớn. Tổng lượng
dòng chảy của sông từ 10-11 tỷ m3 nước.
- Phía Đông Bắc là đầu nguồn sông Trà Khúc, phía Bắc
là đầu nguồn sông Thu Bồn và sông Vu Gia. Các sông này chảy về các tỉnh Duyên Hải
và đổ ra biển Đông, diện tích lưu vực của 3 con sông này chỉ chiếm 1/4 diện
tích của toàn tỉnh.
- Ngoài nguồn nước mặt từ các hệ thống sông suối,
Kon Tum còn có nguồn nước mặt khá dồi dào được chứa từ các hệ thống hồ chứa thủy
lợi, thủy điện như hồ thủy điện Plei Krông, các hồ thủy lợi: Đăk Hniêng, Mùa
xuân (Đăk Uy).
3.2.2. Nguồn nước ngầm
Kết quả điều tra của Liên đoàn Địa chất thủy văn miền
Nam cho thấy mực nước ngầm của Kon Tum thường phân bố ở độ sâu từ 10 m - 25 m,
lưu lượng các lỗ khoan từ 1-3 lít/s.
II. Điều kiện kinh tế xã hội;
1. Dân số.
Kon Tum có 9 huyện và 1 thành phố với 102 xã, phường,
thị trấn. Theo số liệu thống kê, dân số trung bình năm 2016 của tỉnh Kon Tum là
507.818 người tăng 7,3% so với năm 2013, trong đó tỷ lệ tăng tự nhiên năm 2016
là 14,25‰. Trong đó phần lớn sống ở vùng nông thôn với 327.079 người, chiếm
64,41% dân số, khu vực thành thị có 180.739 người chiếm 35,59%. Mật độ dân số
trung bình 52 người/km2. Thành phố Kon Tum có mật độ dân cư đông nhất
(384 người/km2). Huyện la H'Drai có mật độ dân cư thấp nhất (7 người/km2).
2. Dân tộc
Kon Tum có 28 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân
tộc kinh chiếm đa số tỷ lệ 47%, các dân tộc thiểu số chiếm trên 53%, trong đó,
6 dân tộc ít người sinh sống lâu đời bao gồm: Xơ Đăng, Bana, Giẻ-Triêng, Gia
Rai, Brâu và Rơ Măm. Sau 1975, một số dân tộc thiểu số ở các tỉnh khác đã đến
Kon Tum sinh sống, tạo cho thành phần dân tộc trong tỉnh ngày càng đa dạng.
3. Lao động.
Theo Niên giám thống kê năm 2016, tổng số người
trong độ tuổi lao động trong toàn tỉnh từ 285.458 người, chiếm 58,9% dân số, lao
động thuộc lĩnh vực Nông - Lâm nghiệp 140.318 chiếm 49,1% lao động (trong đó
số lao động trong các đơn vị thuộc các lâm trường quốc doanh, các ban quản lý
chỉ có 454 người).
Về chất lượng lao động: tỷ lệ lao động qua đào tạo
vẫn còn thấp so với mặt bằng chung của khu vực và cả nước. Số người 15 tuổi trở
lên đã được đào tạo chuyên môn kỹ thuật chỉ chiếm 11,9 %, chưa được đào tạo
chuyên môn kỹ thuật chiếm đến 88,1%. Phần lớn lực lượng lao động là lao động phổ
thông trong các ngành nông, lâm nghiệp.
4. Kinh tế
Trong năm 2016, kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển
ổn định và đạt tốc độ tăng trưởng ở mức 8,32%. Kết quả đạt được trên một số
lĩnh vực cụ thể như sau:
- Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2016 theo
giá so sánh 2010 ước đạt 10.442,36 tỷ đồng, tăng 8,32% so với năm 2015.
- Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2016 theo
giá hiện hành ước đạt 14.758,18 tỷ đồng.
- Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh ước đạt
1.979 tỷ đồng, bằng 92% dự toán và bằng 94,5% so với năm 2015.
- Chi ngân sách địa phương ước 3.569 tỷ đồng, bằng
98% dự toán và tăng 4,9% so với năm 2015.
- Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2016 ước tính
tăng 7,34% so với năm 2015.
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm
2016 ước đạt 12.101,34 tỷ đồng, tăng 16,96% so với năm 2015.
- Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2016 ước đạt 57,05
triệu USD, bằng 80,34% so với năm 2015.
- Tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2016 ước đạt 12,33
triệu USD, bằng 72,68% so với năm 2015.
III. Tình hình chung của ngành
lâm nghiệp tỉnh
1. Khái quát tình hình quản lý bảo vệ rừng giai
đoạn 2011-2016;
1.1.1. Thực trạng quản lý, bảo vệ rừng.
- Về tổ chức quản lý rừng.
Công tác quản lý và bảo vệ rừng được quan tâm chỉ đạo
thường xuyên, toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được
xác lập và quy hoạch theo chức năng 3 loại rừng. Hệ thống tổ chức quản lý rừng
được xác lập theo hướng xã hội hóa gồm nhiều hình thức tổ chức tham gia quản
lý, sử dụng rừng như: các Ban quản lý rừng, Doanh nghiệp trong và ngoài quốc
doanh, hộ gia đình, cộng đồng dân cư và chính quyền địa phương. Các chủ rừng đã
nỗ lực trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, tạo thêm việc làm,
tăng thu nhập cho người dân địa phương từ hoạt động nghề rừng. Hệ thống Kiểm
lâm từng bước được kiện toàn, góp phần đáng kể vào việc phát hiện, ngăn chặn và
xử lý vi phạm.
- Về bảo vệ rừng.
Công tác bảo vệ rừng được chú trọng đầu tư, đảm bảo
giữ vững và phát triển vốn rừng, đặc biệt là diện tích rừng tự nhiên được quản
lý, bảo vệ tốt, tăng khả năng phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ môi trường, bảo tồn tính
đa dạng sinh học và cung cấp lâm sản. Đã thu hút một lực lượng đáng kể người
dân địa phương tham gia nhận khoán bảo vệ rừng, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập,
làm cho ý thức bảo vệ rừng của một bộ phận người dân được chuyển biến tích cực.
1.1.2. Tồn tại, yếu kém.
- Về tổ chức quản lý rừng: Vấn đề tồn tại cơ
bản và chậm khắc phục nhất là bố trí cơ cấu quản lý sử dụng rừng và đất rừng
chưa hợp lý. Hầu hết diện tích đất lâm nghiệp do Nhà nước quản lý, chỉ một số
ít diện tích giao cho hộ gia đình, tổ chức và cá nhân. Diện tích rừng và đất rừng
thuộc các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, các Công ty lâm nghiệp và UBND
xã quản lý lớn, chiếm tỷ lệ 77,9%. Trên thực tế, đây là đối tượng quản lý và sử
dụng không hiệu quả, thường xuyên bị lấn chiếm, khai thác trái phép, nhiều nơi
xem như vô chủ. Việc quản lý sử dụng rừng và đất lâm nghiệp có phần tách biệt
và khép kín đã tạo ra rào cản cho việc tổ chức tất cả các hoạt động sản xuất
lâm nghiệp khác như trồng rừng, khai thác, chế biến gỗ và lâm sản, gây cản trở
cho việc thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư vào việc bảo vệ và phát triển rừng;
công tác điều tra, đánh giá, thống kê tài nguyên rừng của các chủ rừng trên thực
địa chưa chính xác, dẫn đến công tác lập quy hoạch và kế hoạch quản lý sử dụng
tài nguyên rừng thiếu tính khả thi, làm cho việc tổ chức sản xuất kinh doanh rừng
thụ động; Năng lực tổ chức sản xuất kinh doanh của các Công ty Lâm nghiệp quốc
doanh yếu kém, tính tự chủ thấp, chưa tạo được sự liên kết các hoạt động sản xuất
lâm nghiệp từ khâu trồng rừng, khai thác, chế biến đến tiếp thị thương mại sản
phẩm hàng hóa và dịch vụ, không huy động được vốn đầu tư cho phát triển lâu
dài.
- Về bảo vệ rừng: Hiệu lực quản lý Nhà nước
trong thực thi pháp luật bảo vệ và phát triển rừng còn yếu, tính giáo dục, thuyết
phục và răn đe hạn chế, từ đó dẫn đến công tác bảo vệ rừng gặp khó khăn, còn thụ
động, chưa thực sự vững chắc. Tài nguyên rừng vẫn thường xuyên bị tác động tiêu
cực như phát nương làm rẫy, khai thác rừng trái phép, săn bắn động vật hoang
dã, cháy rừng, làm suy giảm diện tích và chất lượng nhưng chưa có biện pháp
ngăn chặn dứt điểm, phần lớn diện tích rừng do chính quyền xã quản lý không kiểm
soát được, cản trở đến công tác tích tụ đất đai và nguồn lực cho phát triển rừng.
1.1.3. Nguyên nhân tồn tại, yếu kém.
+ Nguyên nhân khách quan: Điều kiện tự
nhiên, kinh tế, xã hội của địa phương khó khăn, đời sống người dân còn nghèo,
trình độ dân trí hạn chế đã ảnh hưởng đến đầu tư phát triển lâm nghiệp; Diện
tích rừng rộng lớn, sức ép dân số và nhu cầu sử dụng đất gia tăng áp lực lên
công tác bảo vệ và phát triển rừng; Đặc thù của hoạt động sản xuất lâm nghiệp
chu kỳ sản xuất của cây rừng dài, lợi nhuận thấp, tiềm ẩn nhiều rủi ro nên khó
khăn trong thu hút đầu tư.
+ Nguyên nhân chủ quan.
- Nhận thức về quản lý, sử dụng rừng chưa đầy đủ và
thống nhất, đặc biệt là về sở hữu, sử dụng các giá trị kinh tế, xã hội và môi
trường của rừng. Cơ chế, chính sách và giải pháp phát triển lâm nghiệp chưa đồng
bộ, chưa phù hợp thực tiễn nên tính khả thi và hiệu quả thấp; Sự phối hợp của
chính quyền địa phương các cấp, các chủ rừng và lực lượng kiểm lâm trong công
tác bảo vệ rừng chưa chặt chẽ; ứng dụng khoa học công nghệ và quản lý kinh tế
lâm nghiệp còn hạn chế, chưa tạo được sức bật, chuyển biến căn bản hoạt động
nghề rừng, nâng cao năng suất rừng trồng và rừng tự nhiên, cải tạo rừng tự
nhiên nghèo kiệt, khuyến lâm và gắn kết sản xuất với thị trường.
- Hệ thống chính sách lâm nghiệp chưa đồng bộ, cụ
thể, chưa phù hợp với chủ trương xã hội hóa nghề rừng và cơ chế thị trường. Mô
hình các công ty lâm nghiệp hoạt động chưa có hiệu quả, cơ chế liên doanh liên
kết của các công ty lâm nghiệp, lâm trường quốc doanh với các doanh nghiệp
ngoài quốc doanh để trồng rừng sản xuất còn nhiều bất cập nên khó thực hiện(1).
- Nguyên nhân tình hình vi phạm Luật Bảo vệ và phát
triển rừng vẫn xảy ra: (i) Một số huyện, thành phố chưa tổ chức bố trí, quy hoạch
vùng sản xuất nương rẫy cho nhân dân: (ii) Lực lượng Kiểm lâm còn thiếu so với
quy định, trang thiết bị và điều kiện làm việc chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được
giao; (iii) Chính quyền các cấp thiếu sự kiểm tra, chấn chỉnh thường xuyên;
(iv) Việc kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện ra vào khu vực biên giới chưa
chặt chẽ; (v) Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và các lực lượng (Công an
- Quân đội - Kiểm lâm) trong công tác bảo vệ rừng, chống chặt phá rừng có
lúc, có nơi chưa thực sự chặt chẽ và thường xuyên; (vi) Chế tài xử phạt chưa đủ
sức răn đe đối với hành vi khai thác gỗ trái phép.
2. Đánh giá công tác QLBVR đối với diện tích rừng
và đất lâm nghiệp do UBND xã đang quản lý.
Trong những năm gần đây các cấp, các ngành đã quan
tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện nên công tác quản lý, bảo vệ rừng thuộc UBND xã quản
lý bước đầu đã có chuyển biến tích cực nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường
rừng. Nhìn chung công tác quản lý bảo vệ rừng trên diện tích do UBND xã quản lý
còn nhiều bất cập, tình trạng xâm lấn, lấn chiếm rừng và khai thác lâm sản trái
phép, cháy rừng vẫn thường xuyên xảy ra. Nguyên nhân chính là do trách nhiệm quản
lý nhà nước của chính quyền các cấp, các ngành nhất là UBND cấp xã chưa cao, việc
quản lý bảo vệ rừng còn lỏng lẻo, công tác phối hợp giữa chính quyền địa phương
và các cơ quan kiểm lâm, công an, quân đội trong công tác tuần tra, truy quét,
ngăn chặn việc phá rừng, lấn chiếm rừng, khai thác gỗ trái phép chưa được thường
xuyên và thiếu chặt chẽ. Kinh phí hỗ trợ của Nhà nước trong công tác bảo vệ rừng
cho UBND cấp xã chưa được thực hiện theo Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày
08/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
3. Thực trạng tài nguyên rừng của tỉnh, các chủ
thể quản lý rừng;
3.1. Tài nguyên rừng.
Kon Tum hiện có 603.047,8 ha rừng, bao gồm
546.388,6 ha rừng tự nhiên và 56.659,0 ha rừng trồng; rừng trồng cây cao su và
cây đặc sản 35.466,2 ha. Độ che phủ của rừng chiếm 62,2 %. Tổng trữ lượng gỗ rừng
tự nhiên của tỉnh khoảng 83,4 triệu m3 gỗ và 1,1 tỷ cây tre nứa các
loại. Rừng tự nhiên ở Kon Tum chủ yếu là rừng gỗ lá rộng thường xanh và nửa rụng
lá với diện tích: 443.052,31 ha (chiếm 81%), rừng gỗ lá rộng rụng lá với
diện tích: 481,4 ha (chiếm 0,1%), rừng gỗ lá kim: 13.402,9ha (chiếm
2,4%), rừng hỗn giao gỗ lá rộng và lá kim: 15.933,3 ha (chiếm 2,9%),
rừng hỗn giao gỗ và tre nứa: 52.652,2 ha (9,6%) và rừng tre nứa:
21.743,2 ha (chiếm 4%).
- Khả năng cung cấp gỗ và lâm sản ngoài gỗ:
Trên cơ sở chỉ tiêu trữ lượng của các loại rừng ở địa bàn tỉnh Kon Tum(2), qua tính toán xác định tổng trữ lượng gỗ rừng tự
nhiên của tỉnh khoảng 83,4 triệu m3 gỗ và 1,1 tỷ cây tre nứa các loại.
Tính toán trên quan điểm khai thác rừng bền vững thì hàng năm có thể khai thác
được từ 30.000-35.000 m3 gỗ tròn từ rừng tự nhiên. Với 56.659 ha rừng
trồng hiện có của tỉnh, diện tích rừng sản xuất có thể khai thác cung cấp gỗ
nguyên liệu trong thời gian đến khoảng 23.310 ha.
- Giá trị phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ môi trường,
cảnh quan du lịch.
Tỉnh Kon Tum là điểm khởi nguồn sinh thủy của các
con sông lớn chảy xuống vùng Duyên hải miền Trung, các tỉnh hạ Lào và
Campuchia, trên đó có nhiều công trình thủy lợi và thủy điện lớn như công trình
thủy điện Yaly, Sê san 3, Sê san 3A, Sê san 4, Pleikrông, công trình thủy lợi
Thạch nham. Do có trên 75% diện tích đất phân bổ trên những vùng có độ dốc lớn
hơn 15°, nằm trong vùng có lượng mưa tương đối lớn (từ 1.800 mm đến 2.000
mm), phân bố không đều với 80% lượng mưa tập trung vào các tháng mùa mưa
cho nên vấn đề chống xói mòn đất và điều tiết nguồn nước, bảo vệ các công trình
thủy điện, thủy lợi nhằm sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước là đặc biệt
quan trọng. Chính hệ thống rừng của tỉnh Kon Tum là nơi nuôi dưỡng nguồn nước
cho các dòng sông, bảo vệ đất, bảo vệ môi trường sống cho người dân trong vùng
và tạo nên nhiều vùng sinh thái cảnh quan của tỉnh hết sức phong phú, đa dạng.
- Về giá trị đa dạng sinh học. Rừng Kon Tum
có tính đa dạng sinh học cao, là nơi sinh sống của rất nhiều loài động vật, thực
vật có giá trị. Theo thống kê chưa đầy đủ, rừng Kon Tum có khoảng 1.610 loài thực
vật thuộc 734 chi của 175 họ thực vật trong đó có nhiều loài thực vật quý như
Sâm Ngọc linh, Pơ mu, Trầm hương, Vàng đắng, Trắc, Cẩm lai, Gõ đỏ,... và các
loài khác. Về hệ động vật, có trên 100 loài thú, 350 loài chim và nhiều loài động
vật khác, trong đó có thể kể đến một số loài quý hiếm như Hổ, Bò rừng, Gấu,
Trĩ, Sao,... và các loài khác.
3.2. Chủ thể quản lý rừng.
Tỉnh Kon Tum có 3 BQL rừng đặc dụng, 08 BQL rừng
phòng hộ; 07 công ty TNHH MTV lâm nghiệp; 4 Doanh nghiệp ngoài quốc doanh;
4.607 hộ gia đình; 23 cộng đồng dân cư thôn; 02 tổ chức vũ trang và UBND các
xã, thị trấn.
Thời gian qua, thực hiện các chủ trương của Nhà nước
về công tác giao rừng và đất lâm nghiệp cho các tổ chức, hộ gia đình UBND tỉnh
Kon Tum đã chỉ đạo các cấp, các ngành, chính quyền địa phương triển khai, tổ chức
thực hiện và đã đạt được kết quả khả quan, đến nay toàn tỉnh đã giao được
562.287,4 ha, chiếm 72% diện tích rừng và đất lâm nghiệp của tỉnh, trong đó:
- Các Ban quản lý rừng phòng hộ quản lý 125.652,3
ha, chiếm 16,1 % diện tích đất lâm nghiệp;
- Ban quản lý rừng đặc dụng 94.366,30 ha, chiếm
12,09% diện tích đất lâm nghiệp;
- Các Công ty lâm nghiệp 234.437,8 ha, chiếm 30 %
diện tích đất lâm nghiệp;
- Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh 33.573,6 ha,
chiếm 4,3% diện tích đất lâm nghiệp;
- Doanh nghiệp 100 % vốn nước ngoài 2.003,0 ha, chiếm
0,26% diện tích đất lâm nghiệp;
- Hộ gia đình, cá nhân 56.690,2 ha, chiếm 7,3 % diện
tích đất lâm nghiệp;
- Cộng đồng dân cư thôn 3.708,1 ha, chiếm 0,47 % diện
tích đất lâm nghiệp;
- Các đơn vị lực lượng vũ trang 7.060,9 ha, chiếm
0,9% diện tích đất lâm nghiệp;
- Các tổ chức khác 4.795,2 ha, chiếm 0,61 % diện
tích đất lâm nghiệp;
* Diện tích chưa giao, cho thuê hiện do UBND xã quản
lý 218.005,2 ha, chiếm 27,93% diện tích đất lâm nghiệp
III. Đánh giá công tác giao đất
giao rừng trên địa bàn tỉnh.
1. Kết quả giao đất, giao rừng trên địa bàn tỉnh:
1.1. Kết quả giao đất giao rừng cho cộng đồng
dân cư.
- Theo số liệu thống kê giai đoạn 2006-2016 đã giao
3.745,2 ha rừng và đất rừng cho 23 cộng đồng thôn, làng để quản lý bảo vệ
chiếm tỷ lệ 0,5% tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, cụ thể:
+ Dự án hỗ trợ dân làng quản lý rừng bền vững ở Tây
Nguyên (JICA) giao 808 ha cho cộng đồng thôn Vi Chring, xã Hiếu của huyện Kon
Plông.
+ Phương án giao đất giao rừng UBND huyện Đăk Glei
giao 2.851,1 ha/18 cộng đồng.
+ Dự án GĐGR tại xã Hơ Moong do Viện tư vấn phát
triển (CODE) hỗ trợ đã giao 86,1 ha/4 cộng đồng
- Toàn hộ diện tích được giao đã được cấp giấy chứng
nhận quyền sử dụng đất.
- Trong 3.745,2 ha rừng và đất lâm nghiệp được giao
cho cộng đồng có 3.536,5 ha rừng tự nhiên thứ sinh và 208,7 ha đất lâm nghiệp
chưa có rừng.
1.2. Kết quả giao đất giao rừng cho hộ gia
đình
- Theo số liệu thống kê giai đoạn 2006-2016 đã giao
62.655,8 ha rừng và đất rừng cho 4.607 hộ gia đình để quản lý bảo vệ chiếm tỷ lệ
8,1% tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, cụ thể giao theo
các chương trình như sau:
+ Theo Quyết định số 178/2001/QĐ-TTg: 13.316,4
ha/731 hộ.
+ Theo Quyết định số 304/2005/QĐ-TTg: 16.574,7
ha/722 hộ.
+ Theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP: 8.326,8 ha
/695 hộ gia đình.
+ Theo Nghị định số 135/2005/NĐ-CP: 24,5 ha /01 hộ
gia đình.
+ Theo Quyết định số 1264/QĐ-UBND Giao đất, giao rừng
cho hộ gia đình: 24.413,4 ha/2.458 hộ.
- Toàn bộ diện tích được giao đã được cấp giấy chứng
nhận quyền sử dụng đất.
- Trong 62.655,8 ha rừng và đất lâm nghiệp được
giao cho hộ gia đình có 50.240,4 ha đất có rừng (rừng tự nhiên thứ sinh
49.769,9 ha; rừng trồng 470,5 ha) và 12.415,4 ha đất lâm nghiệp chưa có rừng.
2. Đánh giá tình hình QLBVR và sử dụng rừng sau
khi giao
2.1. Công tác tổ chức quản lý rừng của hộ gia
đình và cộng đồng.
Thông qua chính sách giao đất giao rừng người dân
đã quan tâm nhiều hơn về công tác quản lý bảo vệ rừng, thường xuyên tổ chức kiểm
tra, tuần tra trên diện tích rừng và đất rừng được giao, phát hiện, ngăn chặn
và phản ánh kịp thời các tác động tiêu cực đến tài nguyên rừng, tình trạng phá
rừng trái phép không xảy ra tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép
trên diện tích rừng và đất rừng đã giao cho cộng đồng đã được hạn chế. Hiệu quả
công tác quản lý bảo vệ rừng của người dân trên diện tích rừng được giao ngày
càng tốt hơn, tài nguyên rừng đã được bảo vệ phát triển tốt.
2.2. Hiệu quả tác động sau khi thực hiện công
tác giao đất giao rừng.
Chính sách giao đất giao rừng đã góp phần tăng thu
nhập nâng cao đời sống của người dân, các hộ gia đình và cộng đồng đã được hưởng
lợi từ nguồn kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng qua các năm bình quân mỗi
hộ thu nhập hơn 11 triệu đồng.
Rừng được bảo vệ tốt hơn, nhận thức của các cấp
chính quyền và người dân địa phương về công tác quản lý bảo vệ rừng, phát triển
rừng được nâng lên rõ rệt, thay đổi quan niệm bảo vệ rừng, phát triển rừng là
việc của các cơ quan Nhà nước như lâm trường, kiểm lâm, mà việc bảo vệ rừng,
phát triển rừng là sự nghiệp của toàn dân. Đất rừng được sử dụng hiệu quả hơn,
diện tích rừng có tăng lên thông qua các hoạt động hỗ trợ hoạt động của dự án
KfW10 và Viện nghiên cứu phát triển (CODE)
Rừng đã có chủ thật sự, thông qua các hoạt động hỗ
trợ sau giao đất giao rừng đã góp phần đẩy mạnh công tác xã hội hóa nghề rừng,
huy động các nguồn lực là các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư buôn
làng tham gia bảo vệ diện tích rừng hiện có, phát huy tối đa lợi thế của rừng,
sử dụng tiềm năng lao động ở địa phương để bảo vệ rừng gắn với phát triển bền vững
tài nguyên rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần phát triển kinh tế xã hội,
cải thiện đời sống người dân miền núi, xây dựng nông thôn mới.
3. Những thuận lợi, khó khăn:
3.1. Những thuận lợi.
Giao đất giao rừng cho cộng đồng và hộ gia đình để
quản lý bảo vệ là một chính sách lớn và đúng đắn của Đảng và Nhà nước với mục
đích sử dụng hiệu quả rừng và đất lâm nghiệp gắn quyền lợi và trách nhiệm của hộ
gia đình và cộng đồng trong việc bảo vệ và phát triển rừng do đó được sự quan
tâm của các cấp ủy đảng
Giao đất giao rừng cho hộ gia đình và cộng đồng là
xu hướng hiện nay trong quản lý rừng ở nhiều nước trên thế giới, phù hợp với
quy luật tất yếu, khách quan trong quản lý tài nguyên rừng.
Giao đất giao rừng cho các hộ gia đình và cộng đồng
được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh Ủy, UBND tỉnh và lãnh đạo các cấp
chính quyền địa phương.
Chính sách giao đất giao rừng đáp ứng được nguyện vọng
của người dân nên có sự ủng hộ nhiệt tình của họ. Việc phân công, phân cấp hợp
lý, cơ quan thực hiện chương trình giao đất giao rừng có chuyên môn và tâm huyết
do đó công tác tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách về giao đất giao rừng
thuận lợi.
3.3. Những khó khăn bất cập.
a). Những bất cập trong cơ chế chính sách.
- Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 đã bộc lộ
những tồn tại, hạn chế trong ngăn chặn tình trạng phá rừng, suy giảm chất lượng
rừng tự nhiên, lấn chiếm đất; sản xuất lâm nghiệp bị chia cắt, thiếu liên kết,
hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp; công nghiệp chế biến lâm sản trong nước vẫn
chủ yếu quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, năng suất, giá trị gia tăng thấp; đóng
góp của ngành lâm nghiệp trong nền kinh tế, thu nhập của người làm nghề rừng thấp...
do vậy Luật bảo vệ và phát triển rừng cần phải sửa đổi theo hướng đáp ứng yêu cầu
ngày càng cao của xã hội đối với ngành lâm nghiệp, đóng góp tương xứng với tiềm
năng cho nền kinh tế quốc dân; phát triển phù hợp với yêu cầu nền kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập, hài hòa với xu hướng quản trị rừng
quốc tế trong điều kiện biến đổi khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường.
Quyền hưởng lợi trực tiếp từ rừng của người dân
chưa có mà chỉ được hưởng lợi gián tiếp từ cung ứng dịch vụ môi trường rừng và
hỗ trợ từ các dự án. Chính sách hưởng lợi theo quy định hiện hành còn nhiều bất
cập, đối tượng rừng giao cho người dân chủ yếu là rừng nghèo kiệt, phần lớn các
hộ gia đình nhận đất, nhận rừng là hộ nghèo, không có khả năng tự đầu tư trên
diện tích được giao, việc được hưởng lợi về khai thác gỗ từ lượng tăng trưởng của
rừng thì phải cần một thời gian khá dài để cho rừng tăng trưởng, do đó, người
nhận rừng chưa có được nhiều lợi ích từ khi nhận rừng, nhưng phải tốn công để
quản lý bảo vệ.
b) Bất cập trong tổ chức thực hiện.
Tại điểm a, khoản 2, Mục 2 Thông tư số
38/2007/TT-BNN ngày 25/4/2007 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định: Trước khi
giao rừng Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quy định tại Điều 24, Nghị định
23/2006/NĐ-CP phải xây dựng phương án giao rừng, cho thuê rừng trình Hội đồng
nhân dân cùng cấp thông qua và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp phê
duyệt. Trên thực tế khi triển khai thực hiện nội dung này gặp vướng mắc về
thời gian và thủ tục. Theo quy định hiện hành, mỗi năm, HĐND các cấp chỉ họp 2
kỳ, để trình duyệt Phương án giao rừng, cho thuê rừng phải chờ HĐND các cấp họp
thông qua phương án, kéo dài thời gian, làm ảnh hưởng đến tiến độ.
c) Bất cập trong tổ chức quản lý, bảo vệ rừng và
sử dụng đất sau khi giao.
- Quyền hưởng lợi hiện hành chưa khuyến khích được
người dân tích cực tham gia thực hiện tốt công tác QLBVR trên diện tích được
giao, có nhiều hộ dân trả lại diện tích rừng, đất rừng được giao, không muốn tiếp
tục quản lý bảo vệ.
- Hộ gia đình, cá nhân nhận rừng không được Nhà nước
hỗ trợ tiền để quản lý bảo vệ trên diện tích được giao đối với diện tích không
nằm trong lưu vực các công trình thủy điện được hưởng chính sách chi trả dịch vụ
môi trường rừng.
- Việc kiểm tra, đôn đốc của chính quyền địa
phương, cơ quan chức năng về thực hiện công tác QLBVR của các hộ dân đã được
giao rừng chưa được chú trọng. Việc thực hiện công tác QLBVR của các hộ dân
trên lâm phần được giao chưa được chủ động.
- Một số hộ gia đình đã được Nhà nước giao rừng
chưa thực sự hiểu các quyền và nghĩa vụ, còn thiếu tinh thần trách nhiệm trên lâm
phần được giao, thậm chí có một số hộ có dấu hiệu chuyển nhượng, cho thuê lại rừng
và đất rừng trái phép; phá rừng trái phép hoặc để cho người khác vào lâm phần
được giao để phá rừng trái phép.
- Một số diện tích rừng được giao tại một số xã nằm
rất xa khu vực sinh sống của các hộ nhận rừng nên các hoạt động tuần tra, kiểm
tra rừng của người dân không được thường xuyên, tình trạng khai thác, vận chuyển
lâm sản trái phép, phá rừng làm nương rẫy trái phép vẫn xảy ra trên lâm phần được
giao.
4. Một số bài học kinh nghiệm rút ra từ giao đất
giao rừng.
- Một là: Cần làm tốt công tác tuyên truyền
chủ trương chính sách của Nhà nước với hình thức đa dạng thích hợp để người dân
thấy rõ mục đích yêu cầu, hiểu rõ mục tiêu trước mắt cũng như lâu dài trong việc
bảo vệ và phát triển rừng.
- Hai là: Giao đất, giao rừng cho hộ gia
đình, cộng đồng dân cư thôn phải tạo điều kiện để người dân trực tiếp tham gia
vào công tác rà soát, đo đạc, xây dựng phương án GĐGR và xây dựng kế hoạch, quy
ước quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên diện tích được giao. Phương pháp
GĐGR dựa vào cộng đồng có nhiều hiệu quả khi giao những khu rừng có vai trò gắn
kết với cộng đồng (rừng bảo vệ nguồn nước, rừng gắn với văn hóa, tâm linh, tập
quán... của cộng đồng). Giao cho cộng đồng những đối tượng rừng này không
nhất thiết cần hỗ trợ kinh phí họ vẫn bảo vệ được rừng vì mục đích chung của cộng
đồng.
- Ba là: Việc GĐGR cho hộ gia đình, cộng đồng
dân cư thôn để bảo vệ rừng và phát triển rừng kết quả cho thấy hình thức giao rừng
cho cộng đồng là hiệu quả nhất, vì cộng đồng có đủ lực lượng để thường xuyên kiểm
tra giám sát công tác quản lý bảo vệ rừng; có sự đồng thuận của mọi người dân
trong cộng đồng, có sự lồng ghép hài hòa giữa luật tục (quy ước) và luật pháp
trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng, cùng chia sẻ
lợi ích giữa cộng đồng và các hộ dân, phát huy được uy tín của già làng, hội đồng
già làng, uy tín của trưởng họ để tập hợp cộng đồng tham gia nhằm giải quyết
các mâu thuẫn về đất đai xảy ra trong và ngoài cộng đồng. Đây là mô hình cần được
nhân rộng và triển khai thực hiện trong năm 2017 và các năm tiếp theo.
Phần II
NỘI DUNG PHƯƠNG ÁN
I. Tên gọi, phạm vi, quy mô, địa
điểm và thời gian thực hiện
1. Tên gọi: Phương án thí điểm giao rừng gắn
với hỗ trợ cộng đồng, hộ gia đình phát triển kinh tế rừng trên địa bàn tỉnh Kon
Tum
2. Phạm vi: Diện tích rừng và đất lâm nghiệp
do UBND xã quản lý thuộc huyện Ngọc Hồi và thành phố Kon Tum.
3. Địa điểm thực hiện: Huyện Ngọc Hồi và
thành phố Kon Tum.
4. Quy mô: 1.374,5 ha.
Cụ thể như biểu sau:
STT
|
Địa điểm
|
Vị trí tiểu khu
|
Diện tích xây dựng
phương án
|
Đối tượng giao
|
Tổng
|
Trạng thái rừng
(ha)
|
Cộng đồng
|
Hộ
|
Rừng giàu
|
Trung bình
|
Nghèo
|
Không có rừng
|
2
|
Huyện Ngọc Hồi
|
190;
|
|
|
|
|
|
|
|
196;
|
241,6
|
|
132,4
|
109,2
|
|
2,0
|
|
200a
|
|
|
|
|
|
|
|
4
|
Xã Hòa Bình - TP Kon Tum
|
570
|
1132,9
|
|
|
248,8
|
884,1
|
1,0
|
88,0
|
|
Tổng
|
|
1374,5
|
0,0
|
132,4
|
358,0
|
884,1
|
3,0
|
88,0
|
Ghi chú: Đối với diện tích đất có rừng 490,4
ha giao cho cộng đồng; 884,1 ha đất chưa có rừng giao cho hộ gia đình, bình
quân mỗi hộ tối thiểu 10 ha.
5. Thời gian thực hiện: Từ năm 2018 đến năm
2020.
6. Đơn vị thực hiện Phương án: Ban quản lý các
dự án lâm nghiệp (KfW10).
7. Hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp khu vực thực
hiện phương án.
Theo khảo sát ban đầu và qua làm việc với Chính quyền
địa phương, đối với diện tích rừng tại huyện Ngọc Hồi diện tích khá tập trung,
liền vùng liền khoảnh. Đối với diện tích rừng và đất lâm nghiệp tại xã Hòa
Bình, thành phố Kon Tum diện tích rừng không liền vùng liền khoảnh, rừng phục hồi
nên chưa có trữ lượng; diện tích đất lâm nghiệp thì một số hộ dân đã lén lút
canh tác nương rẫy và trồng một số loại cây như Keo, Bời lời.
II. MỤC TIÊU VÀ YÊU CẦU:
1. Mục tiêu:
1.1. Mục tiêu chung:
Giao đất, giao rừng để quản lý, bảo vệ và phát triển
bền vững tài nguyên theo quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, góp phần thực
hiện mục tiêu Nghị quyết số 09/2017/NQ-HĐND ngày 21/7/2017 của HĐND tỉnh về Đề
án phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn
tỉnh Kon Tum và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm và
tăng thu nhập người dân.
1.2. Mục tiêu cụ thể:
- Sử dụng có hiệu quả 1.374,5 ha rừng và đất lâm
nghiệp; bảo vệ, phục hồi và phát triển rừng một cách bền vững; đẩy nhanh tiến độ
thực hiện xã hội hóa nghề rừng trên nguyên tắc rừng và đất rừng phải có chủ thật
sự; huy động nguồn lực của các hộ gia đình, cộng đồng tham gia công tác quản lý
bảo vệ và phát triển rừng.
- Đối với diện tích có rừng 490,4 ha giao cho 03 cộng
đồng để quản lý bảo vệ hưởng lợi sản phẩm từ rừng (lâm sản ngoài gỗ, dịch vụ
môi trường rừng, trồng dược liệu dưới tán rừng và nhu cầu thiết yếu về gỗ khi rừng
được phép khai thác) và được hỗ trợ của Nhà nước từ các chính sách hiện
hành.
- Đối với diện tích đất chưa có rừng 884,1 ha giao
cho hộ gia đình để phát triển kinh tế hộ gia đình thông qua sự hỗ trợ của Nhà
nước để trồng rừng sản xuất.
2. Yêu cầu:
- Giao đất, giao rừng phải gắn với cấp giấy chứng
nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật: phải căn cứ điều kiện cụ thể
của từng địa phương; đảm bảo được sự bình đẳng đối với các hộ gia đình, cộng đồng
dân cư tham gia công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, giảm thiểu mâu thuẫn
có thể nảy sinh.
- Phải căn cứ vào kết quả điều chỉnh quy hoạch 03
loại rừng đã được cấp thẩm quyền phê duyệt trên địa bàn tỉnh.
- Quyền lợi và nghĩa vụ của công tác giao đất, giao
rừng được thực hiện theo quy định (trừ khai thác gỗ rừng tự nhiên và các
loài động vật hoang dã quý hiếm theo quy định).
III. NHIỆM VỤ.
1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chính
sách của Nhà nước về giao đất, giao rừng, quyền lợi và nghĩa vụ đối với chủ rừng
sau khi được giao đất, giao rừng... đến mọi người dân, cộng đồng địa phương,
các tổ chức kinh tế, chính trị - xã hội trên địa bàn thôn, bản.
2. Đến năm 2020, giao rừng và đất lâm nghiệp,
cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp 1.374,5 ha cho hộ gia
đình, cộng đồng dân cư.
3. Năm 2018 thí điểm 2 mô hình hỗ trợ sau
giao đất giao rừng cụ thể:
a) Mô hình 1: Hỗ trợ phát triển cộng đồng
sau giao đất, giao rừng.
- Đối tượng hỗ trợ: Cộng đồng dân cư thôn được giao
đất, giao rừng;
- Diện tích: 490,4 ha rừng.
- Nội dung hỗ trợ:
+ Kinh phí bảo vệ rừng bình quân 400.000 đồng/ha/năm,
quy mô hỗ trợ 490,4 ha.
+ Hỗ trợ kinh phí thực hiện khoanh nuôi phục hồi rừng
trồng bổ sung cây lâm nghiệp, mức hỗ trợ 4.800.000 đồng/ha, quy mô hỗ trợ 100
ha.
+ Hỗ trợ kinh phí trồng dược liệu dưới tán rừng, mức
hỗ trợ 1.500.000 đồng/ha, quy mô hỗ trợ 30 ha.
+ Thành lập Quỹ phát triển cộng đồng để cho các hộ
gia đình vay vốn không tính lãi nhằm phát triển kinh tế hộ (chăn nuôi gia
súc gia cầm, nuôi cá; trồng cây công nghiệp cây ăn quả...); số tiền này khi
kết thúc phương án có thể để lại cho cộng đồng tiếp tục sử dụng hoặc thu hồi trả
về cho chủ đầu tư. Thành lập 03 Quỹ với mức 583.800.000 đồng/Quỹ.
b) Mô hình 2: Hỗ trợ phát triển kinh tế hộ
gia đình sau giao đất, giao rừng.
- Đối tượng hỗ trợ: Hộ gia đình được giao đất lâm
nghiệp;
- Diện tích: 300 ha đất lâm nghiệp.
- Nội dung hỗ trợ: Hỗ trợ trồng rừng sản xuất, mức
hỗ trợ 7.000.000 đồng/ha.
IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Về giao rừng:
Thực hiện theo Quy định tại Quyết định số
30/2008/QĐ-UBND ngày 23/7/2008 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định trình tự,
thủ tục giao, cho thuê, thu hồi chuyển mục đích sử dụng rừng gắn với giao, cho
thuê, thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum
cụ thể các bước như sau:
Bước 1: Chuẩn bị
Bước 2: Xác định đặc điểm khu rừng
Bước 3: Tiếp nhận và xét duyệt đơn
Bước 4: Thẩm định và hoàn thiện hồ sơ
Bước 5: Ra quyết định giao rừng gắn với đất lâm
nghiệp
Bước 6: Thực hiện quyết định giao rừng gắn với đất
lâm nghiệp
Bước 7: Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Bước 8: Hoàn chỉnh hồ sơ quản lý về giao rừng gắn với
đất lâm nghiệp và quản lý hồ sơ địa chính.
(Chi tiết từng bước
có phụ lục 01 kèm theo)
2. Rà soát diện tích đất lâm nghiệp lân cận.
Theo kết quả rà soát diện tích đất lâm nghiệp lân cận
khu rừng dự kiến giao là đất sản xuất nương rẫy của người dân địa phương, một số
diện tích đã bị hoang hóa, bạc màu, một số diện tích người dân đang bỏ hoang để
phục hồi dinh dưỡng cho đất, theo số liệu thống kê sơ bộ bình quân mỗi hộ có từ
0,5-1 ha.
3. Các hoạt động hỗ trợ sau khi giao đất giao rừng.
- Hỗ trợ tiền công bảo vệ rừng, mức hỗ trợ
400.000/ha/năm theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ.
- Hỗ trợ trồng rừng sản xuất mức hỗ trợ 7.000.000
triệu đồng/ha theo Quyết định 38/2016/QĐ-TTg, ngày 14/9/2016 của Thủ tướng
Chính phủ:
- Hỗ trợ các hoạt động khoanh nuôi phục hồi rừng có
trồng bổ sung cây lâm nghiệp hoặc trồng xen cây nông nghiệp theo Nghị định
75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
- Hỗ trợ trồng dược liệu dưới tán rừng (Sa nhân
tím)
- Thành lập quỹ phát triển cộng đồng để hỗ trợ các
hộ gia đình phát triển kinh tế sản xuất.
4. Giải pháp chính sách thực hiện phương án.
4.1. Chính sách của Trung ương.
a) Chính sách về quyền hưởng lợi thực hiện theo quy
định tại Quyết định số 178/QĐ-TTg ngày 12/11/2001 của Thủ tướng Chính phủ về
quyền hưởng lợi, nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao, được thuê, nhận
khoán rừng và đất lâm nghiệp (trừ việc khai thác gỗ rừng tự nhiên và các
loài động vật hoang dã quý hiếm theo quy định)
(Chi tiết tại phần
III Phương án này)
b) Chính sách hỗ trợ đầu tư quản lý, bảo vệ rừng và
phát triển lâm nghiệp.
Áp dụng các chính sách được quy định tại Nghị định
số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ và Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg
ngày 14/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
4.2. Chính sách của tỉnh Kon Tum
Áp dụng các chính sách quy định tại Nghị quyết số
09/2017/NQ-HĐND ngày 21/7/2017 của HĐND tỉnh về Đề án phát triển lâm nghiệp
theo hướng bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Kon Tum
(Nội dung các
chính sách xem phụ lục 2 kèm theo)
V. KINH PHÍ THỰC HIỆN:
1. Nguồn vốn thực hiện.
- Ngân sách Nhà nước Trung ương đầu tư theo Chương
trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2016-2020 để thực hiện các hạng
mục, khoanh nuôi phục hồi rừng, khuyến lâm.
- Ngân sách tỉnh hỗ trợ kinh phí giao đất giao rừng
theo Nghị quyết số 09/2017/NQ-HĐND ngày 21/7/2017 của HĐND tỉnh về Đề án phát
triển lâm nghiệp theo hướng bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh
Kon Tum và hỗ trợ trồng dược liệu dưới tán rừng, hỗ trợ trồng rừng sản xuất.
- Huy động vốn từ Dự án bảo vệ rừng và quản lý tổng
hợp các hệ sinh thái rừng (KfW10) và Viện tư vấn phát triển (CODE) thực hiện việc
bảo vệ rừng; thành lập quỹ phát triển cộng đồng; nguồn thu tiền cung ứng dịch vụ
môi trường rừng hàng năm.
Sau khi thực hiện phương án, Sở Tài nguyên và Môi
trường sẽ tiến hành đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và lập hồ sơ
quản lý theo Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về thực
hiện Nghị quyết số 112/2015/NQ-QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội về tăng cường
quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công
ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia
đình, cá nhân khác sử dụng.
2. Nhu cầu vốn thực hiện Phương án.
Tổng mức vốn đầu tư của Phương án là: 5.978,3
triệu đồng, trong đó:
2.1. Đầu tư trực tiếp: 5.363 triệu đồng gồm:
- Lập hồ sơ giao đất giao rừng: 397 triệu đồng
- Hỗ trợ sinh kế mô hình GDGR cộng đồng: 2.865 triệu
đồng
- Hỗ trợ sinh kế mô hình GDGR hộ gia đình: 2.100
triệu đồng
2.2. Chi phí khác: 615,4 triệu đồng
3. Phân theo nguồn vốn:
3.1. Vốn Sự nghiệp Ngân sách Trung ương:
Hỗ trợ theo chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững 663,6 triệu đồng (Khoanh
nuôi phục hồi rừng, khuyến lâm và chi phí quản lý)
3.2. Vốn Ngân sách tỉnh: 2.810,9 triệu
đồng (Lập phương án; thực hiện giao đất giao rừng; hỗ trợ trồng rừng sản xuất;
chi phí quản lý).
3.3. Vốn huy động (từ dự án KfW10):
2.503,8 triệu đồng (quỹ phát triển cộng đồng; khoán bảo vệ rừng và quản lý
phí).
(Chi tiết xem bảng
07 kèm theo)
3.4: Phân kỳ đầu tư:
- Năm 2018:
|
2.368,7 triệu đồng;
|
- Năm 2019:
|
1.804,8 triệu đồng.
|
- Năm 2019:
|
1.804,8 triệu đồng.
|
(Chi tiết xem bảng
08 kèm theo)
4. Đánh giá sơ bộ hiệu quả đem lại sau khi thực
hiện phương án.
4.1. Về kinh tế.
a) Đối với cộng đồng.
- Nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng bình quân
400.000 đồng/ha/năm cộng đồng sẽ thu được 588,42 triệu đồng.
- Nguồn thu từ công tác bảo vệ rừng được hỗ trợ từ
dự án kfW10 trong 3 năm thực hiện phương án 588,4 triệu đồng.
- Nguồn thu từ trồng dược liệu dưới tán rừng (sa
nhân tím), theo tính toán, sản lượng thu hoạch khô khoảng 120 kg/ha/năm, với
giá mua hiện nay từ 270-300.000 đồng/kg với qui mô trong 30 ha sau 3 năm cộng đồng
sẽ thu được khoảng 01 tỷ đồng.
- Thu nhập từ hoạt động vay vốn phát triển kinh tế
hộ với giả định hiệu quả sinh lời khoảng 20% thì mỗi năm sinh lời 350 triệu đồng,
trong 3 năm dự kiến sinh lời 01 tỷ đồng.
- Thu nhập từ tiền công khoanh nuôi phục hồi rừng
480 triệu đồng.
Như vậy sau 3 năm thực hiện phương án 3 cộng đồng sẽ
thu nhập khoảng 3,5 tỷ đồng, bình quân mỗi cộng đồng thu nhập 1,16 tỷ đồng.
b) Đối với hộ gia đình.
Theo tính toán, hỗ trợ trồng rừng sản xuất 300 ha
Keo lai với năng suất bình quân khoảng 140 m3/ha, giá thu mua hiện
nay khoảng 600.000 đồng/m3 thì giá trị thu được sau 7 năm là 25,2 tỷ
đồng. Bình quân mỗi hộ thu được 286,3 triệu đồng, thu nhập bình quân hàng năm
50 triệu đồng.
Ngoài diện tích được hỗ trợ trên, người dân tư đầu
tư hoặc vay vốn đầu tư trồng Bời lời, Cao su sẽ cho thu nhập ổn định.
4.2. Về xã hội
- Diện tích rừng và đất lâm nghiệp đã có chủ thực sự
đem lại sự yên tâm trong việc bỏ vốn đầu tư nhằm đem lại hiệu quả cao hơn trên
một đơn vị diện tích;
- Giải quyết được tình trạng lấn chiếm rừng và đất
lâm nghiệp trái phép; phương án dựa trên nguyện vọng của cộng đồng thôn, các hộ
được giao đất giao rừng do chính cộng đồng thôn đề xuất tạo sự đồng thuận cao,
hạn chế rất lớn tình trạng tranh chấp đất đai sau khi thực hiện phương án.
- Tạo công ăn việc làm cho người lao động, thu hút
người dân sống gần rừng tham gia vào sản xuất lâm nghiệp, tạo thêm thu nhập,
góp phần ổn định đời sống nhân dân, đặc biệt là các hộ người đồng bào dân tộc
thiểu số vùng sâu vùng xa, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội
và quốc phòng - an ninh
4.3. Về Môi trường.
Giữ được diện tích rừng tự nhiên, tăng độ che phủ
trên cơ sở trồng rừng, khoanh nuôi phục hồi rừng, tăng cường khả năng phòng hộ
đầu nguồn cho các thủy điện như Ya ly, Sê san 3, Sê san 3A, Sê san 4, Pleikrông
và một số thủy điện nhỏ, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc
gia về giảm phát thải khí nhà kính, tăng trưởng xanh tiến đến tiếp cận thị trường
tín chỉ cacbon.
Phần III
QUYỀN LỢI VÀ NGHĨA VỤ CỦA HỘ GIA ĐÌNH, CỘNG ĐỒNG DÂN CƯ
THÔN THAM GIA PHƯƠNG ÁN
I. QUYỀN LỢI;
1. Quyền hưởng lợi sản phẩm:
- Được trồng xen các cây nông nghiệp, cây dược liệu,
chăn thả gia súc và khai thác các lợi ích khác của rừng phù hợp với quy chế quản
lý rừng sản xuất.
- Được tận dụng sản phẩm trong quá trình thực hiện
các biện pháp kỹ thuật lâm sinh theo quy trình, quy phạm hiện hành.
- Được khai thác lâm sản để giải quyết nhu cầu gia
dụng (trừ khai thác gỗ rừng tự nhiên và những động vật, thực vật nằm trong
danh mục thực vật rừng, động vật rừng quý, hiếm theo quy định của Chính phủ và
danh mục động vật, thực vật ghi trong phụ lục công ước về buôn bán quốc tế các
loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp - CITES).
- Khi rừng sản xuất là rừng trồng được phép khai
thác chính, hộ gia đình, cá nhân làm đơn xin phép khai thác gửi UBND xã xem
xét, trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn duyệt và cấp giấy phép khai
thác. Việc khai thác phải tuân theo quy chế khai thác lâm sản hiện hành.
Căn cứ vào hiện trạng rừng khi giao cho hộ gia
đình, cá nhân, giá trị lâm sản khai thác chính sau khi nộp thuế theo quy định.
2. Các quyền lợi khác.
- Hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn nhận đất, nhận
rừng để quản lý bảo vệ và phát triển rừng không phải trả tiền chi phí lập hồ sơ
giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp trên diện
tích được giao.
- Hộ gia đinh, cộng đồng dân cư thôn được hưởng tiền
chi trả dịch vụ môi trường rừng.
- Được Nhà nước hỗ trợ kinh phí trồng rừng bổ sung
1.600.000 đồng/ha/năm trong 03 năm đầu và 600.000 đồng/ha/năm cho 03 năm tiếp
theo; Hỗ trợ trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ một lần cho chu
kỳ đầu với mức 7.000.000 đồng/ha để mua cây giống, phân bón và chi phí một phần
nhân công bằng tiền.
- Khi hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn
có nhu cầu trồng rừng sản xuất, phát triển lâm sản ngoài gỗ được Ngân hàng (chính
sách xã hội; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho vay không có tài sản
bảo đảm, ngoài phần hỗ trợ với hạn mức vay tối đa là 15.000.000 đồng/ha; thời hạn
cho vay theo chu kỳ kinh doanh của loài cây trồng nhưng không quá 20 năm; thời
hạn trả gốc và lãi một lần khi khai thác chính. Lãi suất và hỗ trợ lãi suất
vay: lãi suất vay là 1,2%/năm; Ngân sách nhà nước hỗ trợ phần lãi suất tiền vay
còn lại.
- Được Nhà nước bồi thường thành quả lao động khi
Nhà nước thu hồi rừng và đất rừng để phục vụ mục đích khác.
- Được chính quyền địa phương, cơ quan pháp luật và
cơ quan chuyên môn hỗ trợ, hướng dẫn QLBV rừng, gây trồng rừng, làm giàu rừng...
- Được liên kết với các thành phần kinh tế để huy động
vốn đầu tư cho việc xây dựng và phát triển rừng.
- Được hưởng các chế độ ưu đãi theo luật khuyến
khích đầu tư trong nước, được vay vốn từ quỹ hỗ trợ đầu tư quốc gia, các nguồn
tín dụng khác để phát triển vốn rừng: Trồng rừng, làm giàu rừng, nông lâm kết hợp
dưới tán rừng hoặc trên đất chưa có rừng.
II. NGHĨA VỤ:
- Hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn được giao rừng
và đất lâm nghiệp có trách nhiệm quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đối với diện
tích rừng được giao; sử dụng rừng đúng mục đích, đúng ranh giới đã quy định
trong quyết định giao đất, giao rừng và theo quy chế quản lý của từng loại rừng.
Chịu sự hướng dẫn kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng trong quá trình
thực hiện bảo vệ và phát triển rừng. Bảo toàn và phát triển vốn rừng được giao,
được thuê. Phải thực hiện các biện pháp tái tạo rừng trong vòng 1 năm sau khi
khai thác
- Thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra ngăn chặn
các đối tượng khai thác rừng, lấn chiếm rừng và đất rừng trái phép; thực hiện
công tác phòng cháy chữa, cháy rừng, phòng trừ sâu bệnh hại. Không được tự ý
khai thác gỗ và chuyển đổi mục đích sử dụng trái phép. Thực hiện đầy đủ các
nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.
- Giao lại rừng khi Nhà nước có quyết định thu hồi
rừng hoặc khi hết thời hạn sử dụng rừng.
Phần IV:
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc (Chi cục Kiểm lâm,
BQL các dự án lâm nghiệp) triển khai thực hiện Phương án sau khi được UBND tỉnh
phê duyệt.
- Chủ trì và phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường,
Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và đầu tư lập kế hoạch hàng năm, đề xuất UBND tỉnh bố
trí kinh phí cho các địa phương để thực hiện phương án.
- Kiểm tra, đánh giá hiệu quả phương án báo cáo
UBND tỉnh định kỳ 06 tháng, hàng năm.
- Tổng hợp khó khăn vướng mắc, đề xuất hướng giải
quyết để UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại
Thông tư liên tịch số 07/2011/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 29/01/2011 của Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các quy định hiện
hành của pháp luật.
- Chủ trì việc tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ
thuật về đo đạc, cấp giấy CNQSDĐLN cho cán bộ cấp huyện, cấp xã trong việc thực
hiện giao đất, giao rừng.
- Phối hợp với Chi cục Kiểm lâm kiểm tra, thanh tra
các vi phạm trong quản lý sử dụng đất, rừng của các chủ rừng tham mưu UBND các cấp
xử lý đúng quy định pháp luật.
- Chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện
phối hợp với Hạt Kiểm lâm tham mưu cho UBND cấp huyện thực hiện công tác giao đất
đồng thời với giao rừng, cấp GCNQSDĐLN trên địa bàn.
4. Sở Tài chính
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT trình UBND tỉnh
phê duyệt kế hoạch và kinh phí cho công tác giao đất, giao rừng hàng năm của tỉnh.
- Cân đối nguồn lực từ chương trình mục tiêu phát
triển lâm nghiệp bền vững để thực hiện phương án.
- Hướng dẫn, kiểm tra, thanh toán, quyết toán việc
sử dụng kinh phí giao đất, giao rừng theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở
Nông nghiệp và PTNT cân đối nguồn lực thực hiện phương án. Trước mắt năm 2018
tham mưu UBND tỉnh giao kế hoạch 569 triệu đồng để thực hiện việc giao đất giao
rừng và xây dựng phương án. Huy động vốn từ các nguồn lực để thực hiện phương
án.
5. UBND huyện Ngọc Hồi và thành phố Kon Tum.
- Kiện toàn Ban chỉ đạo giao đất, giao rừng cấp huyện
và Tổ công tác giao đất, giao rừng cấp huyện.
- Chỉ đạo thực hiện việc giao đất đồng thời với việc
giao rừng đối với hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn theo quy định của pháp luật
về đất đai và pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
- Hàng năm xây dựng kế hoạch, kinh phí thực hiện
báo cáo Sở Nông nghiệp và PTNT xem xét, tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét, quyết
định.
- Xây dựng dự án hỗ trợ trồng rừng sản xuất trên địa
bàn quản lý lồng ghép với nội dung phương án này để xin ngân sách Trung ương tổ
chức thực hiện.
6. Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn
được giao đất, giao rừng
- Thực hiện các trình tự, thủ tục về giao đất, giao
rừng theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền; tổ chức quản lý, sử dụng rừng và
đất lâm nghiệp được giao đúng mục đích.
- Thực hiện các quyền lợi và nghĩa vụ trong công
tác giao đất, giao rừng theo quy định hiện hành.
Phần V
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
I. Kết luận.
Phương án thí điểm giao đất, giao rừng cho hộ gia
đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn để cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập của
người dân tỉnh được xây dựng trên cơ sở đánh giá ưu khuyết điểm trong công tác
giao đất, giao rừng trong thời gian qua, kết hợp với lựa chọn, áp dụng các chủ
trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Phương án đã nêu rõ mục tiêu, yêu cầu,
nhiệm vụ, giải pháp và biện pháp tổ chức thực hiện. Trong quá trình thực hiện
phương án sẽ từng bước hoàn thiện hơn công tác giao đất, giao rừng cải thiện đời
sống, nâng cao thu nhập của người dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết
số 07-NQ/TU ngày 07/10/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp
theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
II. Kiến nghị.
- Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét bố trí vốn để thực
hiện phương án trong trường hợp Trung ương không hỗ trợ vốn hoặc hỗ trợ không kịp
thời.
- Viện Nghiên cứu phát triển (CODE), Ban quản lý dự
án KfW10 Trung ương quan tâm hỗ trợ kinh phí để thực hiện phương án.
- Đề nghị các Sở, ban ngành liên quan, UBND huyện
Ngọc Hồi, thành phố Kon Tum phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
thực hiện tốt công tác giao đất, giao rừng theo nội dung phương án./.
PHỤ LỤC 1
TRÌNH TỰ THỦ TỤC GIAO RỪNG GẮN VỚI ĐẤT LÂM NGHIỆP
(Ban hành kèm theo Phương án thí điểm giao rừng gắn với hỗ trợ cộng đồng, hộ
gia đình phát triển kinh tế rừng trên địa bàn tỉnh Kon Tum)
1. Trình tự, thủ tục giao đất giao rừng cho hộ
gia đình, cá nhân.
Bước 1: Chuẩn bị
UBND cấp huyện, xã phối hợp với đơn vị tư vấn tổ chức
họp dân để phổ biến, quán triệt chủ trương, chính sách của Nhà nước về việc
giao rừng gắn với đất lâm nghiệp; quyền lợi, nghĩa vụ của chủ rừng; đăng ký
danh sách các hộ gia đình, cá nhân xin nhận rừng gắn với đất lâm nghiệp; xác định
quỹ đất lâm nghiệp để giao; chuẩn bị kinh phí, vật tư, kỹ thuật cho việc giao rừng
gắn với đất lâm nghiệp.
Bước 2: Xác định đặc điểm khu rừng
Đơn vị tư vấn chia lô, đo đạc tính diện tích cho từng
lô, khoảnh và đánh giá chất lượng rừng cho từng lô, xác định được trữ lượng gỗ
của từng lô, xác định rõ ranh giới lô và đóng mốc bê tông phân định ranh giới
lô. Việc cắm mốc, phân định ranh giới lô phải rõ ràng, dễ nhận biết.
Bước 3: Tiếp nhận và xét duyệt đơn
a. UBND cấp xã phối hợp với đơn vị tư vấn hướng dẫn
hộ gia đình, cá nhân làm đơn xin nhận rừng gắn với đất lâm nghiệp, đơn xin đăng
ký quyền sử dụng đất lâm nghiệp (theo mẫu) và nộp tại thôn hoặc tại UBND cấp
xã.
b. UBND cấp xã có trách nhiệm:
- Chỉ đạo Hội đồng giao, cho thuê rừng gắn với đất
lâm nghiệp cấp xã thẩm tra điều kiện giao rừng gắn với đất lâm nghiệp đối với hộ
gia đình, cá nhân có đơn đề nghị được giao rừng gắn với đất lâm nghiệp và đơn
đăng ký quyền sử dụng đất lâm nghiệp.
- Xác định lại khu vực dự kiến giao cho hộ gia
đình, cá nhân để đảm bảo các điều kiện, căn cứ giao rừng gắn với đất lâm nghiệp
theo quy định.
- Xác nhận và chuyển đơn của hộ gia đình, cá nhân đến
Tổ công tác giao, cho thuê rừng gắn với đất lâm nghiệp cấp huyện.
- Thời gian thực hiện bước này là 15 (mười lăm)
ngày làm việc.
Bước 4: Thẩm định và hoàn thiện hồ sơ
a. Sau khi nhận được đơn của hộ gia đình, cá nhân từ
UBND cấp xã, Ban chỉ đạo cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo Tổ công tác giao, cho
thuê rừng gắn với đất lâm nghiệp cấp huyện:
- Kiểm tra hồ sơ;
- Phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh, đơn vị tư vấn
tổ chức kiểm tra xác định tại thực địa. Việc xác định tại thực địa phải được lập
thành văn bản có chữ ký của đại diện các bên tham gia;
- Lập Bản cam kết với hộ gia đình, cá nhân về việc
giao rừng gắn với đất lâm nghiệp. Nội dung Bản cam kết thực hiện theo hướng dẫn
của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn;
- Tổ chức thẩm định hồ sơ đảm bảo các quy định hiện
hành của Nhà nước về giao rừng gắn với đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân.
b. Tổ công tác giao, cho thuê rừng gắn với đất lâm
nghiệp cấp huyện chuyển kết quả thẩm định đến Văn phòng UBND huyện để trình
UBND cấp huyện xem xét, quyết định việc giao rừng gắn với đất lâm nghiệp cho hộ
gia đình, cá nhân.
c. Thời gian thực hiện bước này là 15 (mười lăm)
ngày làm việc.
Bước 5: Ra quyết định giao rừng gắn với đất lâm
nghiệp
Sau khi nhận được tờ trình kèm theo hồ sơ giao rừng
gắn với đất lâm nghiệp, UBND cấp huyện xem xét, ký quyết định giao rừng gắn với
đất lâm nghiệp; ký Bản cam kết giao rừng gắn với đất lâm nghiệp với hộ gia
đình, cá nhân. Quyết định giao rừng gắn với đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá
nhân được gửi đến Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Tài nguyên và Môi trường,
UBND cấp xã và hộ gia đình, cá nhân. Riêng Bản cam kết đã ký được gửi 01 bản đến
Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn và 01 bản đến hộ gia đình, cá nhân.
Thời gian thực hiện bước này là 3 (ba) ngày làm việc.
Bước 6: Thực hiện quyết định giao rừng gắn với đất
lâm nghiệp
Sau khi nhận được quyết định về giao rừng gắn với đất
lâm nghiệp của UBND cấp huyện, Phòng Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với
Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp xã, đơn vị tư vấn tiến hành việc bàn
giao rừng gắn với đất lâm nghiệp tại thực địa cho hộ gia đình, cá nhân có sự
tham của các chủ rừng liền kề. Việc bàn giao rừng gắn với đất lâm nghiệp phải lập
thành biên bản có chữ ký của đại diện các đơn vị tham dự, chủ rừng liền kề và hộ
gia đình, cá nhân.
Bước 7: Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày hoàn
thành việc giao rừng gắn với đất lâm nghiệp tại thực địa, Phòng Tài nguyên và
Môi trường trình UBND cấp huyện ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp
cho hộ gia đình, cá nhân. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo mẫu thống nhất
của Bộ Tài nguyên và môi trường. UBND cấp huyện có trách nhiệm chuyển Giấy chứng
nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp đã ký cho hộ gia đình, cá nhân.
Bước 8: Hoàn chỉnh hồ sơ quản lý về giao rừng gắn
với đất lâm nghiệp và quản lý hồ sơ địa chính
a. Phòng Nông nghiệp và PTNT lập và quản lý hồ sơ
giao rừng gắn với đất lâm nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn. Hồ
sơ gồm có:
- Đơn xin giao rừng gắn với đất lâm nghiệp;
- Đơn xin đăng ký quyền sử dụng rừng gắn với đất
lâm nghiệp;
- Biên bản bàn giao rừng gắn với đất lâm nghiệp tại
thực địa;
- Quyết định giao rừng gắn với đất lâm nghiệp;
- Bản cam kết giao rừng gắn với đất lâm nghiệp;
- Bản đồ hiện trạng lô đất lâm nghiệp (tỷ lệ
1/5.000);
- Biểu thống kê trữ lượng gỗ của lô rừng.
b. Phòng Tài nguyên và môi trường có trách nhiệm lập
và quản lý hồ sơ quản lý địa chính. Hồ sơ gồm có:
- Bản đồ địa chính hoặc bản đồ giao đất lâm nghiệp;
- Sổ địa chính;
- Sổ mục kê đất;
- Sổ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp;
- Các tài liệu gốc bao gồm: Đơn xin đăng ký quyền sử
dụng rừng gắn với đất lâm nghiệp; biểu thống kê quỹ đất lâm nghiệp; biên bản
giao rừng gắn với đất lâm nghiệp tại thực địa; quyết định cấp Giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất lâm nghiệp; bản đồ giao đất.
Trong quá trình thực hiện, nếu hộ gia đình, cá nhân
không đủ điều kiện để được giao rừng gắn với đất lâm nghiệp hoặc hồ sơ chuyển đến
không đầy đủ theo quy định thì cơ quan nhận hồ sơ phải trả lại hồ sơ cho cơ
quan gửi đến và thông báo rõ lý do. Thời gian thực hiện công việc này là 3 (ba)
ngày làm việc.
2. Trình tự, thủ tục giao rừng gắn với đất lâm
nghiệp cho cộng đồng dân cư thôn
Bước 1: Chuẩn bị
a. Thực hiện tương tự bước 1 về giao rừng gắn với đất
lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân.
b. Cộng đồng dân cư thôn tổ chức họp đại diện các hộ
gia đình trong thôn để thống nhất các vấn đề sau và phải lập thành biên bản:
- Thông qua đơn đề nghị Nhà nước giao rừng gắn với
đất lâm nghiệp cho cộng đồng dân cư thôn. Đơn phải nêu rõ địa điểm, diện tích,
mục đích sử dụng rừng gắn với đất lâm nghiệp và các thông tin liên quan khác.
- Thông qua kế hoạch quản lý, sử dụng rừng gắn với
đất lâm nghiệp sau khi được Nhà nước giao.
- Thống nhất quyền lợi và nghĩa vụ của cộng đồng
dân cư thôn sau khi được giao đất giao rừng gắn với đất lâm nghiệp.
Bước 2: Xác định đặc điểm khu rừng
Đơn vị tư vấn tiến hành đo đạc tính diện tích và
đánh giá chất lượng khu rừng được giao, xây dựng biển báo, đóng mốc ranh giới.
Việc cắm mốc, phân định ranh giới lô phải rõ ràng, để nhận biết.
Bước 3: Nhận và xét duyệt hồ sơ
a. UBND cấp xã phối hợp với đơn vị tư vấn hướng dẫn
cộng đồng dân cư thôn lập hồ sơ xin giao rừng gắn với đất lâm nghiệp và nộp hồ
sơ tại UBND cấp xã. Hồ sơ gồm:
- Đơn xin giao rừng gắn với đất lâm nghiệp có chữ
ký của trưởng thôn;
- Kế hoạch quản lý, sử dụng rừng do cộng đồng dân
cư thôn lập;
- Biên bản họp cộng đồng dân cư thôn nêu tại bước
1.
b. Sau khi nhận được đơn kèm theo hồ sơ của cộng đồng
dân cư thôn, UBND cấp xã có trách nhiệm:
- Chỉ đạo Hội đồng giao, cho thuê rừng gắn với đất
lâm nghiệp cấp xã thẩm tra về điều kiện giao rừng gắn với đất lâm nghiệp đối với
cộng đồng dân cư thôn.
- Xác định khu rừng dự kiến giao cho cộng đồng dân
cư thôn để bảo đảm các điều kiện, căn cứ giao rừng gắn với đất lâm nghiệp theo
quy định.
- Xác nhận và chuyển hồ sơ của cộng đồng dân cư
thôn đến Tổ công tác giao, cho thuê rừng gắn với đất lâm nghiệp cấp huyện (thường
trực là Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn).
Thời gian thực hiện bước này là 15 (mười lăm) ngày
làm việc.
Bước 4: Thẩm định và hoàn thiện hồ sơ
a. Sau khi nhận được hồ sơ xin giao rừng gắn với đất
lâm nghiệp của cộng đồng dân cư thôn từ UBND cấp xã, Ban chỉ đạo cấp huyện có trách
nhiệm chỉ đạo Tổ công tác giao, cho thuê rừng gắn với đất lâm nghiệp cấp huyện:
- Kiểm tra hồ sơ;
- Phối hợp với Chi cục lâm nghiệp tỉnh, đơn vị tư vấn
tổ chức kiểm tra xác định tại thực địa. Việc xác định tại thực địa phải được lập
thành văn bản có chữ ký của đại diện các bên tham gia.
- Lập Bản cam kết giao rừng gắn với đất lâm nghiệp
với cộng đồng dân cư thôn. Nội dung bản cam kết thực hiện theo hướng dẫn của Sở
Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
- Tổ chức thẩm định hồ sơ. Nội dung thẩm định hồ sơ
nhằm bảo đảm các quy định hiện hành của Nhà nước về giao rừng gắn với đất lâm
nghiệp cho cộng đồng dân cư thôn.
b. Tổ công tác giao, cho thuê rừng gắn với đất lâm
nghiệp cấp huyện chuyển kết quả thẩm định đến Phòng Nông nghiệp và phát triển
nông thôn để Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn lập tờ trình kèm theo hồ
sơ, trình UBND cấp huyện quyết định việc giao rừng gắn với đất lâm nghiệp cho cộng
đồng dân cư thôn.
Thời gian thực hiện bước này là 10 (mười) ngày làm
việc.
Bước 5: Ra quyết định việc giao rừng gắn với đất
lâm nghiệp
Sau khi nhận được tờ trình kèm theo hồ sơ giao rừng
gắn với đất lâm nghiệp của Phòng Nông nghiệp và PTNT, UBND cấp huyện xem xét,
ký quyết định giao rừng gắn với đất lâm nghiệp cho cộng đồng dân cư thôn; ký Bản
cam kết giao rừng gắn với đất lâm nghiệp với cộng đồng dân cư thôn. Quyết định
giao rừng gắn với đất lâm nghiệp cho cộng đồng dân cư thôn được gửi đến Phòng
Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Phòng Tài nguyên và môi trường, UBND cấp
xã và cộng đồng dân cư thôn. Riêng Bản cam kết đã ký được gửi 01 bản đến Phòng
Nông nghiệp và phát triển nông thôn và 01 bản đến cộng đồng dân cư thôn.
Thời gian thực hiện bước này là 3 (ba) ngày làm việc.
Bước 6: Thực hiện quyết định giao rừng gắn với đất
lâm nghiệp
Sau khi nhận được quyết định về giao rừng gắn với đất
lâm nghiệp của UBND cấp huyện:
a. UBND cấp xã có trách nhiệm thông báo và đôn đốc
cộng đồng dân cư thôn thực hiện nghĩa vụ tài chính (nếu có).
b. Sau khi cộng đồng dân cư thôn thực hiện xong
nghĩa vụ tài chính (nếu có). Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì
phối hợp với Phòng Tài nguyên và môi trường, UBND cấp xã, đơn vị tư vấn tiến
hành việc bàn giao rừng gắn với đất lâm nghiệp tại thực địa cho cộng đồng dân
cư thôn có sự tham của các chủ rừng liền kề. Việc bàn giao rừng gắn với đất lâm
nghiệp phải được lập thành biên bản có chữ ký của đại diện các đơn vị tham dự,
các chủ rừng liền kề và đại diện cộng đồng dân cư thôn là thôn trưởng.
Thời gian thực hiện bước này là 5 (năm) ngày làm việc.
Bước 7: Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Trong thời gian 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày hoàn
thành việc giao rừng gắn với đất lâm nghiệp tại thực địa, Phòng Tài nguyên và
môi trường trình UBND cấp huyện ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm
nghiệp cho cộng đồng dân cư thôn. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo mẫu thống
nhất của Bộ Tài nguyên và môi trường. UBND cấp huyện có trách nhiệm chuyển Giấy
chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp đã ký cho cộng đồng dân cư thôn.
Bước 8: Hoàn chỉnh hồ sơ quản lý về giao rừng gắn
với đất lâm nghiệp và quản lý hồ sơ địa chính
Thực hiện tương tự bước 8 về giao rừng gắn với đất
lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân quy định tại khoản 8 điều 8 Quy định này.
Trong quá trình thực hiện, nếu cộng đồng dân cư
thôn không đủ điều kiện để được giao rừng gắn với đất lâm nghiệp hoặc hồ sơ
chuyển đến không đầy đủ theo quy định thì cơ quan nhận hồ sơ phải trả lại hồ sơ
cho cơ quan gửi đến và thông báo rõ lý do. Thời gian thực hiện công việc này là
3 (ba) ngày làm việc.
PHỤ LỤC 2:
NỘI DUNG CÁC CHÍNH SÁCH ÁP DỤNG CHO PHƯƠNG ÁN
1. Chính sách của Trung ương
a) Được hỗ trợ tiền khoán bảo vệ rừng là 400.000 đồng/ha/năm
và được hưởng lợi từ rừng và thực hiện trách nhiệm bảo vệ rừng theo quy định
pháp luật hiện hành của Nhà nước (Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 75/2015/NĐ-CP).
b) Hỗ trợ trồng rừng bổ sung, mức hỗ trợ theo thiết
kế - dự toán, tối đa không quá 1.600.000 đồng/ha/năm trong 03 năm đầu và
600.000 đồng/ha/năm cho 03 năm tiếp theo (Khoản 3 Điều 4 Nghị định số
75/2015/NĐ-CP).
c) Hỗ trợ từ 5.000.000 đến 10.000.000 đồng/ha để
mua cây giống, phân bón và chi phí một phần nhân công bằng tiền đối với trồng
cây lấy gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ (Khoản 2 điều 5 Nghị định số 75/2015/NĐ-CP).
f) Hộ gia đình tham gia trồng rừng được Ngân hàng
Chính sách xã hội hoặc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho vay
không có tài sản bảo đảm, hạn mức vay tối đa là 15.000.000 đồng/ha. Thời hạn
cho vay từ khi trồng đến khi khai thác chính theo chu kỳ kinh doanh của loài
cây trồng nhưng không quá 20 năm (Áp dụng khoản 1 điều 8 Nghị định số
75/2015/NĐ-CP).
g) Lãi suất và hỗ trợ lãi suất vay: Hộ gia đình được
vay với mức lãi suất là 1,2%/năm; Ngân sách nhà nước hỗ trợ phần lãi suất tiền
vay còn lại (Áp dụng khoản 3 điều 8 Nghị định số 75/2015/NĐ-CP).
2. Chính sách của tỉnh Kon Tum.
- Hỗ trợ 100% kinh phí lập hồ sơ giao rừng gắn với
giao đất lâm nghiệp cho cộng đồng dân cư thôn (làng), hộ gia đình và cá nhân để
quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, hưởng lợi từ rừng, sử dụng hiệu quả tài
nguyên rừng theo quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.
- Miễn phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền
sử dụng đất và lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quy định tại Nghị
quyết số 77/2016/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh
Kon Tum về phí và lệ phí trên địa bàn tỉnh Kon Tum đối với các tổ chức, hộ gia
đình và cá nhân sử dụng đất vào mục đích trồng rừng trên địa bàn tỉnh.
- Hỗ trợ 50% kinh phí dịch vụ đo đạc, lập bản đồ địa
chính ở những nơi chưa có bản đồ địa chính có tọa độ cho các hộ gia đình, cá
nhân để làm cơ sở thuê đất thực hiện các dự án trồng rừng sản xuất trên địa bàn
tỉnh; hạn mức hỗ trợ tối đa 30 ha/dự án.
- Hỗ trợ một lần cấp chứng chỉ rừng bền vững (FSC)
cho các cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình: 30% chi phí, tối đa không quá 130.000
đồng/ha đối với các phương án có quy mô tối thiểu 100 ha trở lên (phần còn lại
70% do Ngân sách Trung ương hỗ trợ theo quy định tại khoản 5 Điều 5 Quyết định
số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban
hành một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng,
giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông, lâm nghiệp).
BIỂU 01: HIỆN TRẠNG RỪNG VÀ ĐẤT LÂM NGHIỆP THEO 3 LOẠI
RỪNG
(Số liệu tính đến
ngày 31/12/2015)
Phân loại rừng
|
Mã
|
Tổng diện tích
|
Đặc dụng
|
Phòng hộ
|
Sản xuất
|
Ngoài 3 loại rừng
|
(1)
|
(2)
|
(3)
|
(4)
|
(5)
|
(6)
|
(7)
|
TỔNG
|
|
780.292,60
|
93.237,51
|
176.079,56
|
499.705,79
|
11.269,74
|
I. RỪNG TỰ NHIÊN
|
1300
|
546.925,81
|
88.060,28
|
147.066,83
|
303.858,73
|
7.939,97
|
1. Rừng gỗ
|
1310
|
472.530,38
|
72.672,82
|
135.333,20
|
258.565,84
|
5.958,52
|
- Rừng gỗ lá rộng TX hoặc nửa rụng lá
|
1311
|
442.712,79
|
67.327,83
|
119.027,71
|
250.854,42
|
5.502,83
|
- Rừng gỗ lá rộng rụng lá
|
1312
|
481,39
|
125,56
|
1,23
|
299,86
|
54,74
|
- Rừng gỗ lá kim
|
1313
|
13.402,93
|
2.352,16
|
7.779,57
|
3.030,30
|
240,90
|
- Rừng gỗ hỗn giao lá rộng và lá kim
|
1314
|
15.933,27
|
2.867,27
|
8.524,69
|
4.381,26
|
160,05
|
2. Rừng tre nứa
|
1320
|
21.743,21
|
3.309,48
|
4.317,17
|
13.367,46
|
749,10
|
- Lồ ô
|
1324
|
13,54
|
-
|
-
|
13,54
|
-
|
- Các loại khác
|
1325
|
21.729,67
|
3.309,48
|
4.317,17
|
13.353,92
|
749,10
|
3. Rừng hỗn giao gỗ và tre nứa
|
1330
|
52.652,22
|
12.077,98
|
7.416,46
|
31.925,43
|
1.232,35
|
- Gỗ là chính
|
1331
|
38.846,17
|
7.147,35
|
6.060,27
|
24.669,80
|
968,75
|
- Tre nứa là chính
|
1332
|
13.806,05
|
4.930,63
|
1.356,19
|
7.255,63
|
263,60
|
II. RỪNG TRỒNG
|
1120
|
56.888,74
|
23,84
|
3.587,20
|
50.685,16
|
2.592,54
|
1. Trồng mới trên đất chưa có rừng
|
1121
|
18.402,18
|
13,74
|
3.332,34
|
13.342,36
|
1.713,74
|
2. Trồng lại trên đất đã có rừng
|
1122
|
38.486,56
|
10,10
|
254,86
|
37.342,80
|
878,80
|
III. ĐẤT CHƯA
CÓ RỪNG QH CHO LN
|
2000
|
176.478,05
|
5.153,39
|
25.425,53
|
145.161,90
|
737,23
|
1. Đất có rừng trồng chưa thành rừng
|
2010
|
13.479,42
|
173,96
|
1.691,08
|
10.877,15
|
737,23
|
2. Đất trống có cây gỗ tái sinh
|
2020
|
31.540,04
|
1.027,77
|
5.885,45
|
24.626,82
|
-
|
3. Đất trống không có cây gỗ tái sinh
|
2030
|
45.278,64
|
2.799,07
|
7.974,58
|
34.504,99
|
-
|
4. Đất có cây nông nghiệp
|
2050
|
73.155,67
|
876,37
|
8.359,54
|
63.919,76
|
-
|
5. Đất khác trong lâm nghiệp
|
2060
|
13.024,28
|
276,22
|
1.514,88
|
11.233,18
|
-
|
(Áp dụng định mức điều
tra qui hoạch rừng tại QĐ 487/QĐ-BNN-TCCB ngày 26/2/2007 của Bộ NN-PTNT)