ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 3448/QĐ-UBND
|
Khánh Hòa, ngày
16 tháng 11 năm 2017
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH, SỰ NGHIỆP TỈNH KHÁNH HÒA
GIAI ĐOẠN 2016-2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19/6/2015;
Căn cứ Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của
Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn
2011-2020;
Căn cứ Nghị quyết số 10/2016/NQ-HĐND ngày
12/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Chương trình phát triển nhân lực
tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016-2020;
Căn cứ Quyết định số 2350/QĐ-UBND ngày 14/8/2017
của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành kế hoạch triển khai Chương trình phát
triển nguồn nhân lực tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016-2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình
số 2448/TTr-SNV ngày 02/11/2017;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch phát triển nhân lực
quản lý hành chính, sự nghiệp tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016-2020.
Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các Sở,
ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng
các đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.
Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Ban Tổ chức Tỉnh ủy;
- Trường Chính trị tỉnh;
- Lưu: VT, MN, HP.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Đắc Tài
|
KẾ HOẠCH
PHÁT
TRIỂN NHÂN LỰC QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH, SỰ NGHIỆP TỈNH KHÁNH HÒA GIAI ĐOẠN 2016-2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3448/QĐ-UBND ngày 16/11/2017 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Khánh Hòa)
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 10/2016/NQ-HĐND
ngày 12/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Chương trình phát triển nhân
lực tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016-2020;
Căn cứ thực trạng nguồn nhân lực quản lý hành
chính, sự nghiệp và nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng nhân lực giai đoạn 2016-2020, Ủy
ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành Kế hoạch phát triển nhân lực quản lý hành
chính, sự nghiệp tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016-2020 như sau:
I. CĂN CỨ PHÁP LÝ
Nghị quyết số 10/2016/NQ-HĐND ngày 12/12/2016 của Hội
đồng nhân dân tỉnh ban hành Chương trình phát triển nhân lực tỉnh Khánh Hòa
giai đoạn 2016-2020;
Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của
Chính phủ về việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức;
Quyết định số 163/QĐ-TTg ngày 25/01/2016 của Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai
đoạn 2016-2025;
II. MỤC TIÊU, YÊU CẦU
1. Mục tiêu chung
- Đáp ứng đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, đội
ngũ cán bộ, công chức, viên chức có sức khỏe tốt, phát triển toàn diện về trí
tuệ, đạo đức, có năng lực tự học, năng động, sáng tạo, có tri thức và kỹ năng
làm việc trong môi trường hội nhập, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội
của tỉnh.
Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được bố trí
đúng theo vị trí việc làm, đáp ứng các yêu cầu về kiến thức chuyên môn, cũng
như các kỹ năng hành chính, trình độ lý luận chính trị đúng theo tiêu chuẩn ngạch
công chức và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức đã được phê duyệt; hướng
tới xây dựng một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ về số lượng, đảm bảo
chất lượng và cơ cấu hợp lý; tinh thông về chuyên môn, nghiệp vụ, có trình độ
lý luận chính trị cao và phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần phục vụ cao, góp
phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và của đất nước
nói chung; phục vụ hiệu quả cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
2. Mục tiêu cụ thể:
a) Nhân lực quản lý hành chính:
- Đạt 95% cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện làm
công tác nghiệp vụ có trình độ đại học trở lên và 60-70% cán bộ, công chức thuộc
nguồn quy hoạch có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên;
- Đạt 95% cán bộ công chức cấp xã có trình độ
chuyên môn trung cấp trở lên, trong đó có khoảng 40% cán bộ công chức cấp xã có
trình độ đại học trở lên và 20-30% cán bộ, công chức thuộc nguồn quy hoạch có
trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên.
b) Nhân lực sự nghiệp:
Đạt 100% viên chức đạt chuẩn theo yêu cầu của vị
trí việc làm, trong đó chú trọng phát triển đội ngũ chất lượng cao (trên chuẩn)
đối với lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo và dạy nghề, khoa học công nghệ nhằm
đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chuyên môn ngày càng cao.
Trong đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập
trên địa bàn tỉnh phấn đấu đến năm 2020 có 80% giáo viên dạy nghề đạt chuẩn kỹ
năng nghề quốc gia; 50% giảng viên đạt tiêu chuẩn khu vực ASEAN.
3. Yêu cầu
Tiếp tục quán triệt quan điểm của Đảng và Nhà nước
về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng nâng cao chất lượng,
đảm bảo cơ cấu, trình độ, năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh
Khánh Hòa trong giai đoạn hiện nay.
Phát triển nguồn nhân lực cần gắn với việc bố trí,
sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng nhằm từng bước hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa đội
ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên phạm vi toàn tỉnh.
III. THỰC TRẠNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ,
CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC KHỐI QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH VÀ SỰ NGHIỆP
Hệ thống tổ chức bộ máy hành chính của tỉnh Khánh
Hòa có 22 Sở, ban ngành là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, hệ thống
các phòng chuyên môn giúp việc cho 09 Ủy ban nhân dân cấp huyện, gần 780 đơn vị
sự nghiệp công lập (bao gồm đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh, thuộc Sở và
thuộc huyện, trong đó: sự nghiệp giáo dục: 508 đơn vị; sự nghiệp y tế 175 đơn vị;
sự nghiệp văn hóa - thể thao và du lịch: 15 đơn vị và sự nghiệp khác: 80 đơn vị).
Bộ máy hành chính, đơn vị sự nghiệp của tỉnh có hơn 2.400 công chức và gần
25.500 viên chức hiện đang công tác ở các cấp, các ngành, các lĩnh vực trên
toàn tỉnh.
Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh có
26.073 người; hiện có, 1.143 cán bộ, công chức cấp tỉnh, 713 cán bộ, công chức
cấp huyện, 2.639 cán bộ công chức cấp xã, 650 viên chức thuộc tỉnh, 6.456 viên
chức thuộc Sở và 14.472 viên chức thuộc các đơn vị sự nghiệp cấp huyện.
Trong những năm qua, đội ngũ cán bộ, công chức,
viên chức khối quản lý hành chính và khối sự nghiệp không ngừng phát triển về
nhiều mặt; phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực tham
mưu, quản lý, điều hành được nâng lên rõ rệt. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức
có trình độ cao đẳng đại học và sau đại học ngày càng tăng; việc đào tạo, bồi
dưỡng về trình độ lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước, tin học, ngoại
ngữ và một số kỹ năng quản lý chuyên ngành được các cơ quan, đơn vị, địa phương
quan tâm thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.
1. Về trình độ chuyên môn:
* Cán bộ, công chức:
+ Cấp tỉnh: trình độ trên đại học là 177 người (chiếm
15,49%), trình độ Đại học: 869 người (chiếm 76,03%), trình độ Cao đẳng: 15 người
(chiếm 1,31%) trình độ Trung cấp: 79 người (chiếm 6,91%), 03 người chưa qua đào
tạo (chiếm 0,26%);
+ Cấp huyện: trình độ trên đại học là 45 người (chiếm
6,31%), trình độ Đại học: 573 người (chiếm 80,36%), trình độ Cao đẳng: 37 người
(chiếm 5,19%), trình độ Trung cấp: 47 người (chiếm 6,59%), 11 người chưa qua
đào tạo (chiếm 1,54%);
+ Cấp xã: trình độ trên đại học là 05 người (chiếm 0,18%),
trình độ Đại học: 1.012 người (chiếm 37,41%), trình độ Cao đẳng: 228 người (chiếm
8,43%), trình độ Trung cấp: 1208 người (chiếm 44,66%), còn lại 252 người (chiếm
9,32%);
* Viên chức:
+ Đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh: trình độ trên đại học
là 266 người (chiếm 40,92%), trình độ Đại học: 312 người (chiếm 48%), trình độ
Cao đẳng: 17 người (chiếm 2,62%), trình độ Trung cấp: 25 người (chiếm 3,85%),
30 người chưa qua đào tạo (chiếm 4,62%);
+ Đơn vị sự nghiệp thuộc Sở: trình độ trên đại học
là 689 người (chiếm 10,67%), trình độ Đại học: 3.463 người (chiếm 53,64%),
trình độ Cao đẳng: 312 người (chiếm 4,83%), trình độ Trung cấp: 1.812 người
(chiếm 28,07%), 180 người chưa qua đào tạo (chiếm 2,79%);
+ Đơn vị sự nghiệp thuộc cấp huyện: trình độ trên đại
học là 23 người (chiếm 0,16%), trình độ Đại học: 6.626 người (chiếm 45,78%),
trình độ Cao đẳng: 5.274 người (chiếm 36,44%), trình độ Trung cấp 2.198 người
(chiếm 15,19%), 351 người chưa qua đào tạo (chiếm 2,43%);
2. Về trình độ lý luận chính trị:
* Cán bộ, công chức:
+ Cấp tỉnh: Cử nhân lý luận chính trị 28 người (chiếm
2,45%), trình độ Cao cấp: 189 người (chiếm 16,54%), trình độ Trung cấp: 339 người
(chiếm 29,66%), 587 người chưa qua bồi dưỡng (chiếm 51,36%);
+ Cấp huyện: Cử nhân lý luận chính trị 14 người
(chiếm 1,96%), trình độ Cao cấp: 175 người (chiếm 24,54%), trình độ Trung cấp:
243 người (chiếm 34,08%), 281 người chưa qua bồi dưỡng (chiếm 39,41%).
+ Cấp xã: Cử nhân lý luận chính trị 18 người (chiếm
0,67%), trình độ Cao cấp: 155 người (chiếm 5,73%), trình độ Trung cấp: 1.487
người (chiếm 54,97%), 1.045 người chưa qua bồi dưỡng (chiếm 38,63%);
* Viên chức:
+ Đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh: Cử nhân lý luận
chính trị 07 người (chiếm 1,08%), trình độ Cao cấp: 36 người (chiếm 5,54%),
trình độ Trung cấp: 59 người (chiếm 9,08%), 548 người chưa qua bồi dưỡng (chiếm
84,31%);
+ Đơn vị sự nghiệp thuộc Sở: Cử nhân lý luận chính
trị 12 người (chiếm 0,19%), trình độ Cao cấp: 67 người (chiếm 1,04%), trình độ
Trung cấp: 488 người (chiếm 7,56%), 5.889 người chưa qua đào tạo (chiếm 91,22%);
+ Đơn vị sự nghiệp thuộc cấp huyện: Cử nhân lý luận
chính trị 01 người (chiếm 0,01%), trình độ Cao cấp: 19 người (chiếm 0,13%),
trình độ Trung cấp 469 người (chiếm 3,24%), 13.983 người chưa qua đào tạo (chiếm
96,62%);
3. Về trang bị kiến thức quản lý nhà nước đối với
công chức:
+ Cấp tỉnh: Chuyên viên cao cấp 41 người (chiếm
3,59%), Chuyên viên chính 286 người (chiếm 25,02%), trình độ Trung cấp: 665 người
(chiếm 58,18%), còn lại 151 người chưa tham gia lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý
nhà nước (chiếm 13,21%);
+ Cấp huyện: Chuyên viên cao cấp 02 người (chiếm
0,28%), Chuyên viên chính: 120 người (chiếm 16,83%), trình độ Trung cấp: 481
người (chiếm 67,46%), còn lại 110 người chưa tham gia lớp bồi dưỡng kiến thức
quản lý nhà nước (chiếm 15,43%).
4. Về kiến thức nghiệp vụ theo tiêu chuẩn chức
danh nghề nghiệp đối với viên chức:
Các Bộ chuyên ngành và Bộ Nội vụ đã ban hành hầu hết
tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức theo từng ngành, lĩnh vực; hiện tại
các Bộ chuyên ngành đang hướng dẫn xây dựng chương trình bồi dưỡng về kiến thức
nghiệp vụ chuyên ngành, quy định các cơ sở đào tạo có thẩm quyền tổ chức bồi dưỡng
đối với viên chức nhằm đáp ứng đủ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức
theo từng vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
5. Về trình độ ngoại ngữ, tin học:
Hầu hết, cán bộ, công chức, viên chức đều được qua
đào tạo ngoại ngữ (trên 90% có văn bằng, chứng chỉ) và sử dụng thành thạo vi
tính để làm việc (trên 90% có văn bằng, chứng chỉ).
(Kèm theo Bảng chi tiết thực trạng đội ngũ cán bộ,
công chức, viên chức)
Nhìn chung, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của
tỉnh đảm bảo về chất lượng, được đào tạo cơ bản về trình độ chuyên môn, có phẩm
chất chính trị vững vàng, đạo đức, lối sống lành mạnh, có tinh thần đoàn kết, ý
thức trách nhiệm cao trong công tác; cần cù, sáng tạo, chấp hành nghiêm chỉnh mọi
chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Tuy nhiên, so với mục tiêu đề ra của Nghị quyết số
10/2016/NQ-HĐND tỷ lệ về trình độ chuyên môn cũng như các tiêu chuẩn về vị trí
việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của nhân lực quản lý hành chính và
nhân lực sự nghiệp vẫn chưa đạt với yêu cầu đề ra. Trong đó, với nội dung của
các lớp bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo các cấp và lớp bồi dưỡng theo chức danh nghề
nghiệp đối với viên chức theo từng hạng nghề nghiệp thì tỷ lệ công chức, viên
chức được tham gia bồi dưỡng còn ít do quy định về các lớp này mới được Bộ Nội
vụ và Bộ quản lý theo ngành mới xây dựng, ban hành nên việc trang bị kiến thức
ngay cho đội ngũ công chức, viên chức toàn tỉnh cần có thời gian để thực hiện.
Bên cạnh đó, đội ngũ viên chức còn thiếu về trình độ lý luận chính trị, do đó
chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới hiện
nay. Vì vậy, trong thời gian tới, cần phải tập trung vào việc cử cán bộ, công
chức, viên chức đi tham gia các lớp đào tạo chuyên môn sâu để đáp ứng yêu cầu
nhiệm vụ ngày càng cao, trang bị các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị, kiến thức
quản lý nhà nước cũng như các lớp kỹ năng nghề nghiệp đảm bảo đáp ứng yêu cầu của
vị trí việc làm đang đảm nhận.
IV. NỘI DUNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG, BIỆN
PHÁP THỰC HIỆN
1. Nội dung thực hiện
a) Các lớp đào tạo chuyên môn:
Tỷ lệ công chức cấp tỉnh và cấp huyện đạt trình độ
Đại học trở lên hiện nay là 89,66%. Như vậy, so với chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết
số 10/NQ-HĐND còn thiếu 5,34%. Do đó, trong thời gian tới cần đào tạo bổ sung
khoảng 100 công chức có trình độ dưới đại học đi tham gia đào tạo đại học; hoặc
thực hiện việc tinh giản biên chế đối với những trường hợp không đáp ứng yêu cầu
tiêu chuẩn ngạch công chức, đồng thời tuyển dụng bổ sung công chức có trình độ
Đại học trở lên để đáp ứng kịp nhu cầu phát triển của tỉnh.
Đối với cán bộ, công chức cấp xã: tỷ lệ cán bộ công
chức có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên chiếm 37,59%, so với chỉ tiêu
Nghị quyết đề ra là đạt từ 40% trở lên; còn lại khoảng 9,32% chưa đạt trình độ
trung cấp trở lên; như vậy địa phương phải thực hiện mở các lớp đào tạo hệ đại
học, trung cấp tại tỉnh, với các chuyên ngành chủ yếu như luật, hành chính,
nông nghiệp, quản lý đất đai, xây dựng, thủy lợi, khoa học xã hội theo quy định
nhằm đảm bảo 95% trở lên số lượng cán bộ, công chức cấp xã có trình độ trung cấp
trở lên theo chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, những trường hợp không đáp ứng yêu cầu
của chức danh công chức cấp xã sẽ thực hiện tinh giản biên chế theo quy định, đồng
thời tuyển dụng bổ sung công chức có trình độ chuyên môn đạt chuẩn để đáp ứng kịp
thời nhu cầu phát triển của tỉnh. Kế hoạch thực hiện cụ thể như sau:
- Lớp Đại học Hành chính (khóa 2015 - 2020): Tiếp tục
thực hiện theo như Kế hoạch đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Kế hoạch
số 5131/KH- UBND ngày 06/8/2015 về mở lớp Đại học Hành chính, văn bằng 1, hình
thức vừa làm, vừa học theo Chương trình phát triển nguồn nhân lực năm 2015, do
Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp cùng Trường Chính trị và Học viện Hành chính quốc
gia thực hiện bằng nguồn ngân sách tỉnh cấp;
- Tiếp tục chiêu sinh và tổ chức các lớp Trung cấp,
Đại học hệ vừa làm vừa học các chuyên ngành Luật, Hành chính, Quản lý đất đai,
... đã và đang thực hiện tại Trường Chính trị và Trung tâm Giáo dục thường
xuyên tỉnh, bằng nguồn kinh phí tự túc hoặc do các nguồn kinh phí đào tạo của
cơ quan, đơn vị chi trả.
b) Các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị (trung cấp
và cao cấp):
Hiện nay, tỷ lệ công chức cấp tỉnh, cấp huyện có
trình độ lý luận chính trị trở lên đạt 52,23%, thiếu từ 6,77-16,77%, tương
đương với việc cử từ 125 người đến 311 người đi đào tạo các lớp cao cấp lý luận
chính trị, trung cấp lý luận chính trị. Việc cử công chức tham gia các lớp đào
tạo này cần ưu tiên bố trí đội ngũ cán bộ, công chức đã được bổ nhiệm hoặc được
quy hoạch giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý nhưng chưa đạt tiêu chuẩn về
trình độ lý luận chính trị theo quy định. Kế hoạch thực hiện cụ thể như sau:
- Bồi dưỡng lý luận chính trị trình độ cao cấp:
+ Năm 2018: 01 lớp, 80 học viên/lớp;
+ Năm 2019: 01 lớp, 80 học viên/lớp;
+ Năm 2020: 01 lớp, 80 học viên/lớp.
Thực hiện: Ban Tổ chức Tỉnh ủy chiêu sinh, liên kết
với Học viện Chính trị quốc gia triển khai mở lớp, kinh phí thực hiện bằng nguồn
ngân sách tỉnh cấp.
- Bồi dưỡng lý luận chính trị trình độ trung cấp:
+ Năm 2018: 02 lớp, 80 học viên/lớp;
+ Năm 2019: 02 lớp, 80 học viên/lớp;
+ Năm 2020: 02 lớp, 80 học viên/lớp.
Thực hiện: Ban Tổ chức Tỉnh ủy chiêu sinh, triển
khai mở lớp bằng nguồn ngân sách tỉnh cấp.
c) Các lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước:
Căn cứ vị trí việc làm và tiêu chuẩn ngạch công chức
(kể cả viên chức hành chính), tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý
nhà nước theo ngạch Chuyên viên, Chuyên viên chính và Chuyên viên cao cấp. Cụ
thể:
- Bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước chương trình
ngạch Chuyên viên:
+ Năm 2018: 02 lớp, 70 học viên/lớp;
+ Năm 2019: 02 lớp, 70 học viên/lớp;
+ Năm 2020: 02 lớp, 70 học viên/lớp.
Thực hiện: Sở Nội vụ chiêu sinh, triển khai mở lớp,
kinh phí thực hiện bằng nguồn ngân sách tỉnh.
- Bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước chương trình
ngạch Chuyên viên chính:
+ Năm 2018: 02 lớp, 70 học viên/lớp;
+ Năm 2019: 02 lớp, 70 học viên/lớp;
+ Năm 2020: 02 lớp, 70 học viên/lớp.
Thực hiện: Sở Nội vụ chiêu sinh, triển khai mở lớp,
kinh phí thực hiện bằng nguồn ngân sách tỉnh.
- Bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước chương trình
ngạch Chuyên viên cao cấp:
+ Năm 2019: 01 lớp, 40 học viên/lớp;
Thực hiện: Sở Nội vụ chiêu sinh, liên kết Học viện
Hành chính quốc gia triển khai mở lớp, bằng nguồn ngân sách tỉnh.
d) Các lớp bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý:
Căn cứ vị trí việc làm đối với các vị trí giữ chức
vụ lãnh đạo, quản lý (kể cả đối tượng được quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản
lý), thực hiện bồi dưỡng kiến thức theo chương trình bồi dưỡng lãnh đạo quản lý
cấp Sở và tương đương, cấp huyện và tương đương, cấp phòng và tương đương đối với
cán bộ, công chức đang giữ chức vụ tương ứng hoặc thực hiện bồi dưỡng trước khi
công chức được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo quản lý. Cụ thể:
- Bồi dưỡng lãnh đạo quản lý cấp Sở và tương đương:
+ Tháng 11/2017: 01 lớp, 40 học viên.
+ Năm 2019: 01 lớp, 40 học viên/lớp;
Thực hiện: Sở Nội vụ chiêu sinh, liên kết Học viện
Hành chính quốc gia triển khai mở lớp, bằng nguồn ngân sách tỉnh.
- Bồi dưỡng lãnh đạo quản lý cấp huyện và tương
đương:
+ Năm 2019: 01 lớp, 40 học viên/lớp;
Thực hiện: Sở Nội vụ chiêu sinh, triển khai mở lớp,
kinh phí thực hiện bằng nguồn ngân sách tỉnh.
- Bồi dưỡng lãnh đạo quản lý cấp phòng và tương
đương:
+ Năm 2018: 02 lớp, 70 học viên/lớp;
+ Năm 2019: 02 lớp, 70 học viên/lớp;
+ Năm 2020: 02 lớp, 70 học viên/lớp;
Thực hiện: Sở Nội vụ chiêu sinh, triển khai mở lớp,
kinh phí thực hiện, bằng nguồn ngân sách tỉnh.
e) Các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành theo chức
danh nghề nghiệp:
Thực hiện liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo, bồi
dưỡng được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện giảng dạy theo bộ
chương trình bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp đã được ban hành.
Giao các Sở thực hiện, liên kết với các cơ sở đào tạo
tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành theo chức danh nghề nghiệp
viên chức theo chuyên ngành quản lý đối với các hạng viên chức thuộc thẩm quyền
quản lý bằng nguồn ngân sách tỉnh cấp cho các cơ quan, địa phương.
g) Các lớp bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học:
Tập trung thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng
về ngoại ngữ nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của nền hành chính trong thời kỳ hội
nhập kinh tế quốc tế; tiếp tục nâng cao trình độ tin học, góp phần xây dựng và
hiện đại hóa công tác quản lý của chính phủ điện tử trong thời gian tới. Các cơ
quan, đơn vị, địa phương có trách nhiệm chỉ đạo, thực hiện tổ chức bồi dưỡng
các lớp ngoại ngữ, tin học cho đối tượng công chức, viên chức thuộc thẩm quyền
quản lý bằng nguồn kinh phí đào tạo đã phân cấp.
h) Các chương trình đào tạo phát triển nhân lực đối
với viên chức ngành y tế
Riêng viên chức sự nghiệp ngành y tế, do tính chất
đặc thù đào tạo, bồi dưỡng chuyên ngành, chuyên khoa với thời gian và chương
trình đào tạo, bồi dưỡng các khóa khác nhau, giao Sở Y tế hoàn chỉnh các Đề án
phát triển nhân lực ngành y tế giai đoạn 2016-2020, đào tạo nâng cao trình độ
cho đội ngũ viên chức ngành y tế, Sở Nội vụ phối hợp Sở Tài chính thẩm định,
trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
(Kèm theo Phụ lục chi tiết Kế hoạch các lớp đào
tạo,bồi dưỡng theo Chương trình phát triển nhân lực quản lý hành chính sự nghiệp
giai đoạn 2016-2020)
2. Định hướng, biện pháp thực hiện
Trên cơ sở các giải pháp đã được xác định tại Chương
trình phát triển nhân lực tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016-2020, để đạt được mục
tiêu đề ra đối với nhân lực quản lý hành chính và nhân lực sự nghiệp, cần tập
trung một số biện pháp sau đây:
a) Các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị tập
trung tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động
các mục tiêu của phát triển nhân lực quản lý hành chính và nhân lực sự nghiệp
nói riêng và của Chương trình phát triển nhân lực tỉnh Khánh Hòa nói chung để
nâng cao nhận thức, vai trò quan trọng của nguồn nhân lực chất lượng cao trong
điều kiện hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện
đại hóa đất nước.
b) Xây dựng chỉ tiêu phát triển nhân lực giai đoạn
2016-2020 phù hợp với yêu cầu tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW
ngày 17 tháng 4 năm 2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội
ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 11
năm 2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế.
c) Nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện
hệ cơ chế, chính sách để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ về số
lượng, bảo đảm chất lượng, có cơ cấu hợp lý, bảo đảm cân đối về trình độ với
các ngạch công chức chức danh nghề nghiệp viên chức phù hợp với vị trí việc
làm.
d) Rà soát trình độ đào tạo, năng lực công chức,
viên chức để có kế hoạch sắp xếp, bố trí, sử dụng phù hợp với vị trí việc làm
và yêu cầu nhiệm vụ.
e) Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ,
công chức, viên chức; tổ chức đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ,
công chức, viên chức đang làm việc trong các cơ quan, đơn vị nhằm bổ sung, nâng
cao năng lực kiến thức quản lý, chuyên môn nghiệp vụ; kết hợp việc đánh giá chất
lượng bồi dưỡng thực sự hiệu quả.
g) Nghiên cứu, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật
liên quan để hoàn thiện chính sách về đào tạo, bồi dưỡng; đẩy mạnh phân cấp đối
với công tác đào tạo, bồi dưỡng; đề cao ý thức tự học và việc lựa chọn chương
trình bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức;
nghiên cứu xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách thu hút, bổ sung nguồn
nhân lực trẻ, chất lượng cao về công tác lâu dài tại tỉnh, sử dụng và có chính
sách đãi ngộ thỏa đáng đối với những người có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát
triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
h) Tăng cường hợp tác quốc tế để nâng cao chất lượng
nguồn nhân lực khối hành chính - sự nghiệp.
V. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Dự kiến kinh phí thực hiện cho phát triển nhân lực
khối quản lý hành chính và sự nghiệp giai đoạn 2016-2020 là 141.819.000.000
đồng (Bằng chữ: Một trăm bốn mươi mốt tỷ, tám trăm mười chín triệu đồng)
riêng ngành y tế, do tính chất đào tạo dài hạn, kéo dài đến hết năm 2025, ngân
sách tỉnh cấp thêm 29.291.000.000 đồng để tiếp tục thực hiện trong giai đoạn
2021-2025.
Kinh phí dự kiến thực hiện từng năm:
- Năm 2016: 7.057 triệu đồng;
- Năm 2017: 13.673 triệu đồng;
- Năm 2018: 41.575 triệu đồng;
- Năm 2019: 41.573 triệu đồng;
- Năm 2020: 37.942 triệu đồng.
(Phụ lục Chi tiết dự toán kèm theo)
Trong đó, ngân sách tỉnh cấp kinh phí về Sở Nội vụ
để thực hiện các lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, các lớp bồi dưỡng kỹ
năng lãnh đạo, quản lý và lớp Đại học Hành chính; cấp kinh phí về Sở Y tế để thực
hiện đào tạo, bồi dưỡng viên chức ngành y tế.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Nội vụ
Chủ trì, phối hợp các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân
dân các huyện, thị xã, thành phố hàng năm triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng
phát triển nhân lực đã được phê duyệt;
Phối hợp Trường Chính trị và các đơn vị đào tạo, bồi
dưỡng khác xây dựng kế hoạch và tổ chức tốt các khóa đào tạo, bồi dưỡng đối với
cán bộ, công chức, viên chức;
Phối hợp các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các
huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn hạn theo các
chương trình bồi dưỡng theo vị trí việc làm, theo chức danh nghề nghiệp viên chức
nhằm nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, công chức,
viên chức;
Phối hợp Sở Tài chính xem xét, cân đối bố trí nguồn
kinh phí thực hiện công tác đào tạo theo kế hoạch hằng năm;
Định kỳ 6 tháng, năm tổng hợp báo cáo tình hình thực
hiện kế hoạch phát triển nhân lực báo cáo Ban chỉ đạo phát triển nhân lực tỉnh;
Xem xét, rà soát, sửa đổi, bổ sung các chế độ,
chính sách nhằm phát triển về số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức,
viên chức.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp Sở Nội vụ và các Sở, ngành, địa
phương bố trí vốn đầu tư thuộc nội dung Chương trình từ nguồn vốn ngân sách nhà
nước;
Phối hợp các Sở, ngành, địa phương liên quan thực
hiện kêu gọi đầu tư, thu hút nguồn vốn xã hội hóa ngoài ngân sách thực hiện đầu
tư các công trình giáo dục đào tạo nghề, phát triển nhân lực trên địa bàn tỉnh;
3. Sở Tài chính
Căn cứ vào tình hình ngân sách hằng năm, cân đối, bố
trí nguồn kinh phí thực hiện công tác đào tạo theo nhu cầu phát triển nhân lực
theo kế hoạch hằng năm;
Phối hợp Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các đơn
vị liên quan xem xét thẩm định dự toán kinh phí để thực hiện tốt Chương trình
phát triển nhân lực hằng năm;
Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nội
vụ nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ, khuyến
khích cán bộ, công chức, viên chức tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên
môn, lý luận chính trị, quản lý nhà nước và các chương trình đào tạo, bồi dưỡng
khác.
4. Các Sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập
thuộc tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
Căn cứ vào kế hoạch này để rà soát, đánh giá cán bộ,
công chức, viên chức của đơn vị, địa phương thuộc thẩm quyền quản lý, hàng năm,
phối hợp với Sở Nội vụ, đề xuất cử cán bộ, công chức, viên chức đi tham gia các
lớp đào tạo, bồi dưỡng đúng theo kế hoạch của Chương trình phát triển nhân lực.
Định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch của
Chương trình phát triển nhân lực tỉnh về Sở Nội vụ để tổng hợp báo cáo Ủy ban
nhân dân tỉnh.
Đối với Sở Y tế, cơ quan chủ trì thực hiện Đề án
phát triển nhân lực ngành y tế giai đoạn 2016-2020 có trách nhiệm triển khai thực
hiện đúng theo mục tiêu của Đề án và của Chương trình phát triển nhân lực tỉnh.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các cơ
quan, đơn vị, địa phương báo cáo, đề xuất Sở Nội vụ để tổng hợp, báo cáo Ban chỉ
đạo phát triển nhân lực xem xét, chỉ đạo thực hiện./.