Kính gửi:
|
- Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà;
- Đồng kính gửi Thủ tướng Chính phủ.
|
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại điểm d mục 2 Thông báo Kết luận số 220/TB-VPCP
ngày 15/5/2024 của Văn phòng Chính phủ về việc giao Bộ Giao thông vận tải (Bộ
GTVT) chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và Bộ Công an thống nhất hình thức văn bản
của Thủ tướng Chính phủ; khẩn trương phối hợp với các địa phương bổ sung hồ sơ,
hoàn thiện, trình Phó Thủ tướng Chính phủ trước 25/5/2024[1], Bộ GTVT kính báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển
khai như sau:
1. Công tác
triển khai thực hiện
Bộ GTVT đã rà soát, tổng hợp
các văn bản của Thủ tướng Chính phủ có ý kiến đối với 35 địa phương[2] được Thủ tướng Chính phủ đồng ý việc thí điểm hoạt
động đối với xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện hoặc động cơ xăng phục vụ chở
khách du lịch trong phạm vi hạn chế thì hình thức văn bản của Thủ tướng Chính
phủ đều là văn bản hành chính.
Ngày 20/5/2024, Bộ GTVT có Văn
bản số 5334/BGTVT-VT xin ý kiến các cơ quan, đơn vị liên quan, đến ngày
30/5/2024, Bộ GTVT đã nhận được đầy đủ ý kiến của 02/02 Bộ (Công an, Tư pháp)[3] và 06/06 địa phương (Hà Nam, Phú Thọ, Quảng Trị,
Bình Thuận, Trà Vinh, Vĩnh Long)[4]. Cụ thể như
sau:
- 06/06 địa phương có văn bản gửi
lại hồ sơ và đề xuất cho phép triển khai thực hiện thí điểm.
- Ý kiến Bộ Công an: (1) “Về nội
dung văn bản:… để đảm bảo cơ sở pháp lý công tác quản lý hoạt động, kiểm tra, xử
lý vi phạm hành chính, đề nghị Bộ Giao thông vận tải tham mưu Chính phủ ban
hành văn bản theo thẩm quyền.”; (2) “Về hình thức văn bản: Bộ Công an thấy rằng,
nội dung của dự thảo văn bản của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm xe bốn
bánh có gắn động cơ chạy bằng năng lượng điện để chở khách tham quan trong khu
vực hạn chế có chứa quy phạm pháp luật. Do đó, việc xây dựng văn bản cần tuân
thủ theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định tại Luật ban
hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi
hành.”.
- Ý kiến Bộ Tư pháp: (1) Về
hình thức văn bản: “… Như vậy, Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản quy phạm
pháp luật để thực hiện thí điểm theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm
pháp luật, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP và Nghị định 39/2022/NĐ-CP .”; (2) Về việc
cho phép các tỉnh Vĩnh Long, Phú Thọ, Bình Thuận, Trà Vinh, Quảng Trị thực hiện
thí điểm: “… Do đó, việc cho phép các tỉnh Vĩnh Long, Phú Thọ, Bình Thuận, Trà
Vinh, Quảng Trị thực hiện thí điểm hoạt động xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện
chở khách tham quan, du lịch trong khu vực hạn chế trên địa bàn các tỉnh tại thời
điểm này là chưa thật hợp lý. Hơn nữa, sau khi Luật Đường bộ và dự án Luật Trật
tự, an toàn giao thông đường bộ được ban hành thì các phương tiện này sẽ phải
thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông theo quy định
của hai luật này.”.
2. Về việc
tiếp tục mở rộng thí điểm hoạt động xe bốn bánh có gắn động cơ
Để tạo thuận lợi cho việc phát
triển du lịch, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo điều kiện
cho doanh nghiệp phát triển, góp phần thực hiện hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ[5] nhằm phát triển kinh tế, xã hội của các địa
phương, đồng thời tăng cường công tác quản lý, khắc phục hoạt động tự phát đối
với các hoạt động của xe bốn bánh có gắn động cơ, Bộ GTVT và Bộ Công an đã phối
hợp với các cơ quan có liên quan đưa các nội dung quản lý loại hình hoạt động
này vào dự thảo Luật Đường bộ, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Theo chương trình của Quốc hội sẽ xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng
6/2024) và nếu được Quốc hội thông qua Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2025,
khi đó hoạt động của xe bốn bánh có gắn động cơ sẽ được triển khai một cách đồng
bộ trên các địa phương đúng quy định của pháp luật mà không phải triển khai các
hoạt động thí điểm. Trường hợp Thủ tướng Chính phủ cho phép 06 tỉnh (Hà Nam,
Phú Thọ, Quảng Trị, Bình Thuận, Trà Vinh, Vĩnh Long) tiếp tục thí điểm xe điện
trong thời gian chờ các Luật này có hiệu lực thì ban hành văn bản quy phạm pháp
luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định số
34/2016/NĐ-CP , Nghị định số 39/2022/NĐ-CP như ý kiến của Bộ Tư pháp, Bộ Công
an.
Bộ GTVT kính báo cáo và xin ý
kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: Công an, Tư Pháp;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh: Hà Nam, Phú Thọ, Quảng Trị, Bình Thuận, Trà Vinh,
Vĩnh Long;
- Các Sở GTVT: Hà Nam, Phú Thọ, Quảng Trị, Bình Thuận, Trà Vinh, Vĩnh Long;
- Lưu VT, Vận tải.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Duy Lâm
|
PHỤ LỤC
TỔNG HỢP Ý KIẾN 06 ĐỊA PHƯƠNG VÀ 02 BỘ (CÔNG AN, TƯ
PHÁP)
(Gửi kèm theo Công văn số 6227/BGTVT-VT ngày 12/06/2024 của Bộ GTVT)
I. Ý kiến
Bộ Công an
1. Về nội dung văn bản:
“Hiện nay, các quy định về việc chấp hành quy tắc giao thông đường bộ, hình thức
xử phạt và các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính trong lĩnh vực
giao thông đường bộ của loại xe này mới chỉ được quy định trong Thông tư số
86/2014/TT-BGTVT ngày 31/12/2024 của Bộ Giao thông vận tải. Do đó, để đảm bảo
cơ sở pháp lý công tác quản lý hoạt động, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, đề
nghị Bộ Giao thông vận tải tham mưu Chính phủ ban hành văn bản theo thẩm quyền.”;
2. Về hình thức văn bản:
“Bộ Công an thấy rằng, nội dung của dự thảo văn bản của Thủ tướng Chính phủ về
việc thí điểm xe bốn bánh có gắn động cơ chạy bằng năng lượng điện để chở khách
tham quan trong khu vực hạn chế có chứa quy phạm pháp luật. Do đó, việc xây dựng
văn bản cần tuân thủ theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định
tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản quy định chi tiết,
hướng dẫn thi hành.”.
II. Ý kiến
Bộ Tư pháp
1. Về
hình thức văn bản
a) Liên quan đến hình thức văn
bản chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ, pháp luật hiện hành có quy định
như sau:
Khoản 2 Điều 5
Nghị định số 39/2022/NĐ-CP ngày 18/06/2022 của Chính phủ ban hành Quy chế
làm việc của Chính phủ quy định Thủ tướng Chính phủ: Quyết định thí điểm
thực hiện cơ chế, chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng
Chính phủ quy định tại Điều 20 Luật Ban hành văn bản quy phạm
pháp luật (điểm b).
b) Việc ban hành Quyết định của
Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp này thực hiện theo pháp luật về ban hành
văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể:
+ Điều 20 Luật
Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm
2020) quy định Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật để
quy định: Biện pháp lãnh đạo, điều hành hoạt động của Chính phủ và hệ thống
hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, chế độ làm việc với các thành
viên Chính phủ, chính quyền địa phương và các vấn đề khác thuộc thẩm quyền của
Thủ tướng Chính phủ (khoản 1); Biện pháp chỉ đạo, phối hợp
hoạt động của các thành viên Chỉnh phủ; kiểm tra hoạt động của các bộ, cơ quan ngang
bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương trong việc thực hiện đường
lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước (khoản
2).
+ Khoản 2 Điều 3
Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một
số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (được sửa
đổi, bổ sung bởi Nghị định 154/2020/NĐ-CP) về xác định văn bản quy phạm pháp luật,
trong đó quy định các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ gồm: Phê duyệt chiến
lược, chương trình, đề án, dự án, kế hoạch (điểm a); Giao chỉ
tiêu kinh tế -xã hội cho cơ quan, đơn vị (điểm b); Thành lập
trường đại học; thành lập các ban chỉ đạo, hội đồng, ủy ban để thực hiện nhiệm
vụ trong một thời gian xác định (điểm c); Khen thưởng, kỷ
luật, điều động công tác (điểm d); Bổ nhiệm, miễn nhiệm,
cách chức, cho từ chức, tạm đình chỉ công tác cán bộ, công chức (điểm
đ); Các quyết định khác không có nội dung quy định tại Điều
20 của Luật (điểm e) không phải là văn bản quy phạm
pháp luật.
Như vậy, Thủ tướng Chính phủ
ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện thí điểm theo quy định của Luật
Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP và Nghị định
39/2022/NĐ-CP .
2. Về việc
cho phép các tỉnh Vĩnh Long, Phú Thọ, Bình Thuận, Trà Vinh, Quảng Trị thực hiện
thí điểm.
Ngày 27/09/2018, Thủ tướng
Chính phủ có Công văn số 1318/TTg-CN về việc thí điểm hoạt động xe bốn bánh chạy
bằng năng lượng điện phục vụ chở khách tham quan, du lịch trong khu vực hạn chế,
trong đó yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tổng hợp kết quả hoạt động thí điểm của
các địa phương trong thời gian qua; nghiên cứu, đề xuất bổ sung loại phương tiện
nêu trên trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ (không tiếp
tục đề xuất hoạt động thí điểm), trình Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện chỉ đạo
của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an đã báo cáo
Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao
thông đường bộ[6], trong đó bổ sung quy định quản
lý đối với xe bốn bánh có gắn động cơ nói chung và xe bốn bánh chạy bằng năng
lượng điện, cụ thể:
- Luật Trật tự, an toàn giao
thông đường bộ: khoản 33 Điều 3 quy định Xe chở người bốn bánh có gắn động
cơ là xe cơ giới có từ bốn bánh trở lên, chạy bằng động cơ được thiết kế, chế tạo
để hoạt động trên đường bộ, có kết cấu để chở người, vận tốc thiết kế lớn nhất
không lớn hơn 30 km/h, số người cho phép chở tối đa không quá 16 người (kể cả
người lái); Điều 45 quy định về yêu cầu của xe bốn bánh có gắn động cơ vận
chuyển hành khách, hàng hóa (khoản 1) và giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định
cụ thể về thời gian, phạm vi hoạt động, trình tự, thủ tục cho phép hoạt động vận
chuyển khách bằng xe bốn bánh có gắn động cơ và hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng
xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ trên địa bàn địa phương (khoản 2).
- Luật Đường bộ quy định về vận
tải hành khách, hàng hóa bằng xe bốn bánh có gắn động cơ theo đó: Doanh nghiệp,
hợp tác xã, hộ kinh doanh sử dụng xe bốn bánh có gắn động cơ để kinh doanh vận
tải phải thực hiện quy định tại Điều 45 của Luật Trật tự, an toàn giao thông;
Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp
luật mới được sử dụng xe bốn bánh có gắn động cơ để kinh doanh vận tải; Tổ chức,
cá nhân không được sử dụng xe bốn bánh có gắn động cơ để tham gia giao thông
ngoài mục đích kinh doanh vận tải (Điều 72).
Do đó, việc cho phép các tỉnh
Vĩnh Long, Phú Thọ, Bình Thuận, Trà Vinh, Quảng Trị thực hiện thí điểm hoạt động
xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện chở khách tham quan, du lịch trong khu vực
hạn chế trên địa bàn các tỉnh tại thời điểm này là chưa thật hợp lý. Hơn nữa,
sau khi Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được
ban hành thi các phương tiện này sẽ phải thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo đảm
trật tự an toàn giao thông theo quy định của hai luật này.
III. Ý kiến
06 địa phương
1. Hà
Nam: Nhằm tiếp tục tạo điều kiện phát triển du lịch tại địa phương và
văn minh đô thị, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam đã có Văn bản số 497/UBND-GTXD
ngày 27/3/2024 về việc đề xuất nhu cầu thí điểm hoạt động xe 4 bánh gắn động cơ
(sử dụng năng lượng điện) vận chuyển khách tham quan du lịch trong khu vực hạn
chế trên địa bàn tỉnh Hà Nam và đã được Bộ GTVT tổng hợp báo cáo Thủ tướng
Chính phủ tại Công văn số 3795/BGTVT-VT ngày 09/4/2024 trong đó có phương án
chi tiết kèm theo Công văn số 497/UBND -GTXD ngày 27/3/2024. Khu vực hoạt động,
phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia thí điểm phải đảm bảo: Có
đầy đủ đăng ký, đăng kiểm; chỉ được phép hoạt trong phạm vi tuyến đường theo
quy định; đảm bảo tốc độ phù hợp với xe điện; người điều khiển phương tiện đáp ứng
đầy đủ các quy định theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và quy định tại Thông
tư số 86/2014/TT-BGTVT ngày 31/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (đã
được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 42/2018/TT-BGTVT ngày 30/7/2018 và Thông
tư số 26/2020/TTBGTVT ngày 16/10/2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải),
Thông tư số 36/2010/TT-BCA ngày 12/10/2010; Thông tư số 15/2014/TT-BCA ngày
04/4/2014 và Thông tư số 24/2023/TT-BCA ngày 01/7/2023 của Bộ trưởng Bộ Công an
quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới. Để hoạt động xe 4 bánh chạy
bằng năng lượng điện chở khách sớm đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh, Ủy ban
nhân dân tỉnh Hà Nam trân trọng báo cáo và gửi lại Bộ GTVT Đề án thí điểm Hoạt
động xe bốn bánh gắn động cơ sử dụng năng lượng điện vận chuyển khách thăm quan
du lịch trong khu vực hạn chế trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Ủy ban nhân dân tỉnh Hà
Nam trân trọng đề nghị Bộ Giao thông vận tải quan tâm xem xét, giải quyết.
2. Phú Thọ:
(1) Sau khi được Chính phủ đồng ý cho phép thí điểm, Sở GTVT sẽ phối hợp với
các Sở, ban, ngành và các cơ quan có liên quan trên địa bàn tỉnh Phú Thọ tham
mưu, báo cáo UBND tỉnh xây dựng, mời gọi nhà đầu tư để tổ chức hoạt động thí điểm
đối với xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện phục vụ chở khách tham quan, du lịch
trong khu vực hạn chế trên địa bàn thành phố Việt Trì theo quy định; (2) Sở
GTVT nhất trí với nội dung dự thảo và đề nghị của Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính
phủ.
3. Quảng Trị:
(1) Về chủ trương thí điểm hoạt động xe điện: Việc cho phép thí điểm hoạt động
của xe điện trong khu vực hạn chế phù hợp với việc phát triển du lịch tại huyện
đảo Cồn Cỏ và các địa điểm du lịch khác của tỉnh Quảng Trị như: Khu Kinh tế
thương mại đặc biệt Lao Bảo; Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, Quốc gia
Đường 9; Thành cổ Quảng Trị. Do đó, ngày 06/7/2022, UBND tỉnh Quảng Trị đã có Tờ
trình số 132/TTr-UBND xin chủ trương thực hiện thí điểm “Đề án xe 4 bánh có gắn
động cơ sử dụng năng lượng điện để chở khách tham quan, du lịch trong khu vực hạn
chế trên địa bàn huyện đảo Cồn Cỏ” (sao gửi kèm); (2) Về bổ sung, hoàn
thiện hồ sơ đề án: Thực hiện nội dung tại điểm d, mục 2 Thông báo số
220/TB-VPCP ; UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát, cập
nhật hoàn thiện dự thảo Đề án “Quy định về tổ chức và quản lý hoạt động thí điểm
xe điện bốn bánh vận chuyển khách trên địa bàn huyện đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị”
(sao gửi kèm); sau khi được chấp thuận chủ trương thí điểm hoạt động xe
điện bốn bánh vận chuyển khách trên địa bàn huyện đảo Cồn Cỏ, UBND tỉnh Quảng
Trị sẽ tổ chức phê duyệt đề án và triển khai đảm bảo tuân thủ quy định.
4. Bình Thuận:
“Qua ý kiến thống nhất của Sở, UBND cấp huyện về nội dung dự thảo văn bản do Bộ
GTVT tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ về thí điểm xe 4 bánh có gắn động cơ chạy
bằng năng lượng điện để chở khách tham quan du lịch trong khu vực hạn chế. Sở
GTVT tổng hợp và thống nhất với bản dự thảo”. Hồ sơ tỉnh đã gửi, Bộ GTVT đã tổng
hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
5. Trà
Vinh: Thực hiện Công văn số 2449/UBND-CNXD ngày 21/5/2024 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Trà Vinh về việc thực hiện Công văn số 5334/BGTVT-VT ngày
20/5/2024 của Bộ Giao thông vận tải. Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Giao
thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đóng
góp dự thảo theo nội dung Công văn nêu trên gửi về Bộ Giao thông vận tải.
Qua triển khai nghiên cứu Công
văn nêu trên và nội dung dự thảo văn bản của Thủ tướng Chính phủ, Sở Giao thông
vận tải Trà Vinh thống nhất với nội dung dự thảo văn bản của Thủ tướng Chính phủ
về việc thí điểm xe 4 bánh có gắn động cơ chạy bằng năng lượng điện để chở
khách tham quan du lịch trong khu vực hạn chế theo đề xuất của Bộ Giao thông vận
tải.
6. Vĩnh
Long: Vĩnh Long là tỉnh nằm ở trung tâm châu thổ Đồng bằng sông Cửu
Long, giữa sông Tiền và sông Hậu, có điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý và
khí hậu nên tiềm năng phát triển kinh tế du lịch lớn, trong đó có tiềm năng về
phát triển du lịch sinh thái, du lịch lịch sử văn hóa, di tích, làng nghề...
Ngày 31/12/2019, Ủy ban nhân
dân tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số
173/2019/NQ-HĐND ngày 31/5/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách hỗ trợ
phát triển du lịch đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Để làm cơ sở cho
phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đến năm 2030 theo định hướng và
kế hoạch đã đề ra; Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long kính trình Bộ Giao thông vận
tải xem xét đề án sử dụng phương tiện xe bốn bánh (từ 9 chỗ ngồi đến 15 chỗ ngồi)
chạy bằng năng lượng điện vận chuyển khách du lịch trong phạm vi hạn chế trên địa
bàn tỉnh Vĩnh Long với các nội dung sau:
6.1. Thông tin chung
- Tên đề án: “Đề án sử dụng
phương tiện xe bốn bánh (từ 9 chỗ ngồi đến 15 chỗ ngồi) chạy bằng năng lượng điện
vận chuyển khách du lịch trong phạm vi hạn chế trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long” của
Công ty TNHH Kỹ thuật mới EDI.
a) Tên chủ đầu tư: Công ty TNHH
Kỹ thuật mới EDI.
b) Nguồn vốn: Nhà thầu tự đầu
tư phương tiện khai thác và tự trang trải chi phí; Nhà nước không bố trí nguồn
vốn.
c) Thời gian thí điểm giai đoạn
1: bắt đầu từ 01/8/2024.
Tuyến đường: từ Quảng trường
thành phố Vĩnh Long (đường Lê Lai, phường 1, thành phố Vĩnh Long) đến cổng sau
Nhà máy Bia Sài Gòn (phường Tân Ngãi, thành phố Vĩnh Long).
- Số lượng phương tiện đầu tư
giai đoạn giai đoạn 2024: 03 phương tiện.
d) Thời gian thí điểm giai đoạn
2: Năm 2025 - 2026.
- Tuyến đường 1: Từ Quảng trường
thành phố Vĩnh Long (đường Lê Lai, phường 1, thành phố Vĩnh Long) đến cổng sau
Nhà máy Bia Sài Gòn (phường Tân Ngãi, thành phố Vĩnh Long).
- Tuyến đường 2 (Nội ô): Từ Quảng
trường thành phố Vĩnh Long (đường Lê Lai, phường 1, thành phố Vĩnh Long) đi nội
ô thành phố Vĩnh Long và về lại Quảng trường thành phố Vĩnh Long (đường Lê Lai,
Phường 1, thành phố Vĩnh Long).
- Số lượng phương tiện đầu tư
giai đoạn 2, năm 2025 - 2026 là 07 phương tiện;
đ) Loại phương tiện: từ 9 chỗ
ngồi đến 15 chỗ ngồi (kể cả chỗ ngồi người lái) chạy bằng năng lượng điện.
6.2. Hồ sơ gửi kèm theo:
- Đề án số 13/2024/CV.CtyEDI
ngày 20/5/2024 của Công ty TNHH Kỹ thuật mới EDI về việc sử dụng phương tiện xe
bốn bánh (từ 9 chỗ ngồi đến 15 chỗ ngồi) chạy bằng năng lượng điện vận chuyển
khách du lịch trong phạm vi hạn chế trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
- Giấy chứng nhận đăng ký doanh
nghiệp của Công ty TNHH Kỹ thuật mới EDI.
Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long
kính trình Bộ Giao thông vận tải xem xét trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận
cho thí điểm sử dụng xe 04 bánh chạy bằng năng lượng điện vận chuyển khách tham
quan du lịch trong khu vực hạn chế tại tỉnh Vĩnh Long./.
[1] d) Đối với
các tỉnh có đề xuất thí điểm xe điện (Hà Nam, Phú Thọ, Quảng Trị, Bình Thuận,
Trà Vinh, Vĩnh Long): Bộ Giao thông vận tải khẩn trương phối hợp với các địa
phương bổ sung hồ sơ, hoàn thiện, trình Phó Thủ tướng Chính phủ trước 25 tháng
5 năm 2024 (trong đó Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và
Bộ Công an thống nhất hình thức văn bản của Thủ tướng Chính phủ) với các nội
dung cơ bản như sau: (i) Phương tiện phải bảo đảm đầy đủ điều kiện về an toàn kỹ
thuật và bảo vệ môi trường, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, phải được đăng ký,
đăng kiểm theo đúng quy định của pháp luật; (ii) Có quy định tuyến đường được
phép hoạt động về phạm vi, thời gian hoạt động, giới hạn tốc độ đối với mọi loại
phương tiện, bảo đảm phù hợp với tốc độ cho phép của xe điện; việc chấp hành
các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; (iii) Người điều khiển
phương tiện phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định của pháp luật hiện hành;
(iv) Trách nhiệm của đơn vị quản lý khu vực mà phương tiện dự kiến hoạt động
(Ban quản lý khu du lịch hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã…) trong việc
quản lý hoạt động xe điện trong thời gian thí điểm."
[2] 35 địa phương
được phép thí điểm, gồm: An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Định,
Cà Mau, Cao Bằng, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Hà Giang, Hà Nội, Hải Phòng, Hòa
Bình, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Kiên Giang, Kon Tum, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Lào
Cai, Nghệ An, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng
Ninh, Sóc Trăng, Sơn La, Tây Ninh, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Tiền Giang, Vĩnh
Phúc.
[3] Bộ Tư pháp
(Văn bản số 2969/BTP-PLDSHC ngày 30/5/2024 về việc góp ý dự thảo dự thảo Văn bản
triển khai chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà); Bộ Công an (Văn bản
số 1811/BCA-C08 ngày 27/5/2024 về việc góp ý để triển khai chỉ đạo của PTT Trần
Hồng Hà tại Thông báo Kết luận số 220/TB-VPCP ngày 15/5/2024 của VPCP).
[4] 06/06 địa
phương: (1) Hà Nam (Văn bản số 1188/SGTVT-QLVT,PT&NL ngày 22/5/2024 Sở GTVT
báo cáo UBND tỉnh Hà Nam; Văn bản số 957/UBND-GTXD ngày 23/5/2024 gửi Bộ GTVT về
việc bổ sung hồ sơ, hoàn thiện theo yêu cầu tại điểm d mục 2 Thông báo Kết luận
số 220/TB-VPCP ngày 15/5/2024 của Văn phòng Chính phủ); (2) Phú Thọ (Văn bản số
1555/SGTVT-QLVT ngày 24/5/2024; Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Thọ có Văn bản số
2036/UBND-CNXD ngày 23/5/2024 giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với các cơ quan,
đơn vị liên quan nghiên cứu nội dung dự thảo văn bản chỉ đạo nêu trên, gửi ý kiến
đóng góp và hồ sơ liên quan về Bộ GTVT); (3) Quảng Trị (Văn bản số 2268/UBND-KT
ngày 17/5/2024 của UBND tỉnh Quảng Trị giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp UBND huyện
đảo Cồn Cỏ và các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu nội dung tại điểm d, mục
2 Thông báo nêu trên để bổ sung hoàn thiện hồ sơ, tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ
GTVT; Văn bản số 2423/UBND-KT ngày 24/5/2024 gửi Bộ GTVT); (4) Bình Thuận (Văn
bản số 1472/SGTVT-VT,PT&NL ngày 23/5/2024; UBND tỉnh có văn bản số
2589/VP-ĐTQH ngày 22/5/2024 giao Sở GTVT chủ trì tham gia ý kiến Dự thảo văn bản
của Bộ GTVT); (5) Trà Vinh (Văn bản số 2449/UBND-CNXD ngày 21/5/2024 giao Giao
Giám đốc Sở GTVT chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu,
đóng góp dự thảo văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm xe 4 bánh
có gắn động cơ chạy bằng năng lượng điện để chở khách tham quan du lịch trong
khu vực hạn chế theo nội dung Công văn nêu trên gửi về Bộ GTVT); (6) Vĩnh Long
(Tờ trình số 82/TTr-UBND ngày 29/5/2024 của UBND tỉnh Vĩnh Long về việc xin chủ
trương thí điểm sử dụng phương tiện xe bốn bánh chạy bằng năng lượng điện trên
địa bàn thành phố Vĩnh Long.
[5] Nghị quyết số
08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị khóa XII về phát triển du lịch trở
thành ngành kinh tế mũi nhọn, Nghị quyết 103/NQ-CP ngày 06/10/2017 của Chính phủ
ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW
ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị khóa XII về phát triển du lịch trở thành ngành
kinh tế mũi nhọn, Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm
vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả,
bền vững; Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê
duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí
các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải.
[6] Tại Nghị quyết
89/2023/QH15 ngày 02/6/2023 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh
năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 bổ sung hai
dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và năm 2024,
theo đó cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) và thông qua vào kỳ họp thứ
7 (tháng 5/2024)