ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 776/KH-UBND
|
Bắc Kạn, ngày 25
tháng 12 năm 2020
|
KẾ HOẠCH
PHÁT
TRIỂN NÔNG, LÂM NGHIỆP GẮN VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN,
GIAI ĐOẠN 2020-2025
Căn cứ Quyết định số 2078/QĐ-TTg ngày 22/12/2017
của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội
tỉnh Bắc Kạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 2100/QĐ-UBND ngày
21/12/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể
phát triển du lịch tỉnh Bắc Kạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 01/2018/QĐ-UBND ngày 01/3/2018
của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn ban hành quy định quản lý khu du lịch trên địa
bàn tỉnh Bắc Kạn;
Căn cứ Quyết định số 197/QĐ-UBND ngày 01/02/2018
của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc công bố Quy hoạch tổng thể phát triển
kinh tế xã hội tỉnh Bắc Kạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 2732/QĐ-UBND ngày
31/12/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc phê duyệt Đề án cơ cấu lại
ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển
bền vững giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến 2035;
Căn cứ Quyết định số 974/QĐ-UBND ngày 01/6/2020
của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc ban hành Kế hoạch phát triển du lịch
trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đến năm 2030.
Thực hiện Quyết định số 2732/QĐ-UBND ngày
31/12/2019 của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc phê duyệt Đề án ‘‘Cơ cấu lại ngành
nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền
vững giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2035” (sau đây viết tắt là Đề án),
UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển nông, lâm nghiệp gắn với phát triển du lịch
trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2020-2025 (sau đây viết tắt là Kế hoạch) với
nội dung cụ thể như sau:
I. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN NÔNG,
LÂM NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN TRÊN ĐỊA BÀN
1. Lĩnh vực Nông, lâm nghiệp
Giai đoạn năm 2016-2020, tỉnh Bắc Kạn thực hiện cơ
cấu lại các lĩnh vực trong sản xuất thuộc ngành Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn đã đạt được những thành tựu quan trọng, như:
(1) Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” OCOP
tỉnh Bắc Kạn được bắt đầu triển khai từ năm 2018. Nhận thức được tầm quan trọng
của Chương trình OCOP, tỉnh Bắc Kạn đã kiện toàn bộ máy tổ chức theo phân cấp;
ban hành các văn bản chỉ đạo, tuyên truyền thực hiện chương trình OCOP trên địa
bàn tỉnh. Sau 3 năm (2018-2020) triển khai thực hiện chương trình OCOP toàn tỉnh
có 131 sản phẩm được công nhận, xếp hạng đạt 3 sao trở lên, vượt so với mục
tiêu của Chương trình giai đoạn 2018-2020 (đạt 263% kế hoạch) và đã hoàn thành
kế hoạch trước 01 năm, được vinh danh là tỉnh đầu tiên của cả nước đã thành lập
được Hội Doanh nhân OCOP với 93 hội viên tham gia. Các tổ chức kinh tế tham gia
Chương trình OCOP tăng doanh thu từ 1,1 lần-2 lần so với khi chưa tham gia
Chương trình.
Một số sản phẩm nông sản mang tính đặc thù của địa
phương bước đầu được sản xuất thành hàng hóa có liên kết và gắn với chế biến,
như: Sản phẩm gạo nếp Khẩu nua lếch huyện Ngân Sơn, gạo Bao thai huyện Chợ Đồn
được chứng nhận nhãn hiệu tập thể và bước đầu có ký kết hợp đồng tiêu thụ sản
phẩm và tổ chức sản xuất theo hợp tác xã; sản phẩm miến dong Bắc Kạn được cấp
chứng nhận nhãn hiệu tập thể và được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông
thôn tiêu biểu cấp khu vực và cấp Quốc gia được thị trường trong và ngoài tỉnh
ưa chuộng; sản phẩm mơ vàng Bắc Kạn với diện tích trồng hơn 630ha và trong 3
năm, từ 2018 đến nay có khoảng 2.000 tấn mơ nguyên liệu đã được đưa vào chế biến
xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
(2) Lĩnh vực chăn nuôi, đã từng bước phát triển
theo hướng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư theo quy mô gia trại, trang trại,
hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp chăn nuôi đảm bảo an toàn
sinh học; hiện nay, trên địa bàn có 09 trang trại, 30 Tổ hợp tác, 05 hợp tác xã
chăn nuôi gia súc, gia cầm, 02 doanh nghiệp chăn nuôi đang phát triển sản xuất
theo chuỗi liên kết sản phẩm đầu ra đạt hiệu quả kinh tế cao và dự kiến mở rộng
quy mô chăn nuôi trong thời gian tới.
(3) Về lâm nghiệp, với hơn 32.700 ha rừng nguyên liệu
gỗ được trồng mới trong giai đoạn 2016 - 2020, trong đó có 17.600 ha rừng trồng
gỗ lớn, đã đưa tổng diện tích rừng trồng của tỉnh lên khoảng 100.000 ha; thực
hiện cải tạo chất lượng và nâng cao giá trị rừng trồng bằng các giải pháp cấp
chứng chỉ rừng FSC-CoC (chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm, cấp cho các tổ chức
đã chứng minh được các sản phẩm gỗ có nguồn gốc được chứng nhận) cho các chủ rừng
với tổng diện tích gần 1.000 ha; từng bước chuyển từ khai thác gỗ tự nhiên là
chủ yếu nay thực hiện sang trồng rừng kinh tế, tỉa thưa, chăm sóc kéo dài chu kỳ
khai thác để tăng sản lượng giá trị gỗ rừng, trồng cây bản địa, dược liệu dưới
tán rừng để tăng thu nhập cho người dân và bảo vệ môi trường. Hiện nay, tỉnh Bắc
Kạn có tỷ lệ che phủ khoảng 72,6% cao nhất toàn quốc, tỷ lệ che phủ này không
chỉ mang lại những tác động tích cực về môi trường của Bắc Kạn mà còn đóng góp
chung gìn giữ môi trường của cả nước.
(4) Lĩnh vực phát triển nông thôn, đến nay trên địa
bàn tỉnh có 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới và dự ước hết năm 2020 có thêm 04 xã,
nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 23 xã, đạt 104% mục tiêu Nghị quyết
Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra; đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông
thôn được nâng lên, an ninh nông thôn được bảo đảm, bộ mặt nông thôn đã có nhiều
khởi sắc, qua thực hiện người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng
nông thôn mới đã nhiệt tình tham gia, tạo sự chủ động, sáng tạo, vươn lên phát
triển kinh tế. Toàn tỉnh hiện có 154 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông
lâm nghiệp, tăng 3 lần so với năm 2015; hoạt động của các HTX đã tạo việc làm
và tăng thu nhập cho các thành viên.
Tuy nhiên, trong những năm qua giá trị gia tăng của
ngành nông nghiệp chưa có sự đột phá, sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với chế
biến chưa nhiều, quy mô sản xuất nông nghiệp vẫn còn manh mún, tốc độ chuyển dịch
nội bộ ngành còn chậm, việc người dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật, các quy trình sản
xuất theo tiêu chuẩn để phát triển các sản phẩm bản địa, sản phẩm chủ lực còn hạn
chế; sản lượng mỗi loại sản phẩm chưa nhiều, chất lượng sản phẩm, giá trị gia
tăng chưa cao, đa phần các sản phẩm nông sản chủ yếu bán ở dạng tươi sống, chưa
qua chế biến, mẫu mã bao bì thô sơ chưa được công nhận đảm bảo an toàn thực phẩm
hoặc các tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định còn chiếm tỷ lệ cao nên chưa đáp ứng
được yêu cầu của thị trường.
Thực tế rà soát tại các địa phương cho thấy, với lợi
thế, tiềm năng phát triển của một số cây trồng vật nuôi bản địa đã được các địa
phương quan tâm và hỗ trợ người dân mở rộng quy mô thành vùng nguyên liệu, hỗ
trợ kỹ thuật để liên kết sản xuất hàng hóa nhưng chưa có sự kết hợp hài hòa giữa
phát triển mô hình sản xuất tạo ra sản phẩm nông sản đặc thù gắn với phát triển
du lịch để thu hút du khách đến thăm quan, trải nghiệm và quảng bá sản phẩm
nông sản bản địa cho địa phương.
Bên cạnh đó việc phát triển làng nghề gắn với du lịch
và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Qua rà
soát, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có 03 nghề truyền thống, 32 làng nghề cần được
bảo tồn và phát triển, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay chưa có làng nghề, làng
nghề truyền thống nào được công nhận.
2. Lĩnh vực du lịch
Trong những năm qua du lịch Bắc Kạn tiếp tục phát
triển và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, chưa có chuyển biến tích cực
và đột phá, chưa đạt được mục tiêu đề ra, cụ thể:
- Số lượng khách du lịch khách du lịch đến Bắc Kạn
bình quân hàng năm giai đoạn 2015 - 2019 đã có mức tăng trưởng đáng kể, tốc độ
tăng trưởng bình quân đạt 12%/năm (trong đó: năm 2016 tăng 11% so với năm 2015;
năm 2017 tăng 13% so với năm 2016; năm 2018 tăng 10% so với năm 2017; năm 2019
tăng 10% so với năm 2018). Tổng doanh thu từ khách du lịch thực hiện năm 2019 đạt
348,639 tỷ đồng, bằng 48% số mục tiêu của năm 2020 (mục tiêu là 725 tỷ đồng).
Riêng năm 2020 là năm đặc thù do chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19,
tình hình kinh tế - xã hội, ngành dịch vụ thương mại nói riêng trong đó có
ngành du lịch tăng trưởng rất thấp.
- Cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ phục vụ du lịch:
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 219 cơ sở lưu trú du lịch. Trong đó có 26
khách sạn, 59 nhà nghỉ du lịch và 134 nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê với
tổng số 1.978 phòng, buồng và 3.500 giường; khoảng 1.850 nhà hàng ăn uống; hơn
200 cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe (tắm thuốc, xông hơi
massage, Karaoke...); có 09 doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh doanh lĩnh
vực du lịch trên địa bàn tỉnh nhưng đa số hoạt động kinh doanh đa ngành, chỉ có
02 đơn vị hoạt động kinh doanh lữ hành du lịch nội địa.
- Hạ tầng phục vụ du lịch: Để khai thác tiềm năng,
lợi thế của địa phương, tỉnh Bắc Kạn đã tập trung đầu tư xây dựng các cơ sở hạ
tầng phục vụ phát triển du lịch như: Cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa
(tạm thời) cho 06 bến thuộc khu vực Vườn Quốc gia Ba Bể; công bố tuyến đường thủy
nội địa địa phương Sông Năng - Hồ Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn có chiều dài 29 km. Đầu
tư xây dựng một số cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch gồm các dự án đầu tư, cải tạo
đường giao thông, nhà hàng, khách sạn và các điểm đón tiếp khách du lịch. Hiện
nay, HĐND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án Xây dựng
tuyến đường thành phố Bắc Kạn - Hồ Ba Bể, dự án đã được cấp kinh phí 748,14 tỷ
đồng, hiện đang triển khai các thủ tục đầu tư, dự kiến khởi công trong năm
2021.
- Các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đang hoạt
động đón khách du lịch gồm 6 điểm, gồm: Khu du lịch Ba Bể, Khu du lịch sinh
thái Nà Khoang, Động Nàng Tiên, Động Hua Mạ, Khu di tích lịch sử ATK Chợ Đồn.
Ngoài ra còn có các điểm di tích lịch sử, các đền, chùa (điểm du lịch tâm
linh) cũng đã thu hút được một số lượng khá đông du khách. Công tác quản lý
các khu, điểm du lịch từng bước được quan tâm: Thành lập Ban quản lý tại các
khu du lịch, khu di tích để quản lý; ban hành quy định quản lý khu du lịch trên
địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
- Công tác thu hút đầu tư, liên kết phát triển du lịch:
Hiện tại, UBND tỉnh đã trao Quyết định chủ trương đầu tư vào lĩnh vực du lịch
cho 5 dự án. Ngoài ra, còn có các dự án hiện đang đề xuất nghiên cứu lập quy hoạch:
Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi giải trí và đô thị sinh thái của
Công ty cổ phần tập đoàn FLC và dự án chuỗi du lịch nghỉ dưỡng và trải nghiệm Bắc
Kạn của Công ty cổ phần tập đoàn Trường Thành Việt Nam, Dự án Tổ hợp dịch vụ,
thương mại, du lịch sinh thái và biệt thự nghỉ dưỡng Onsen Ba Bể ; hợp tác với
Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện các dự án tôn tạo, tu bổ các di tích lịch sử
trong khu di tích ATK Chợ Đồn.
- Về sản phẩm du lịch: Trong những năm qua, tỉnh Bắc
Kạn đã quan tâm đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch, đặc biệt là sản phẩm du
lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch
cộng đồng... Song song, với việc phát triển sản phẩm du lịch, các dự án đầu tư
chủ yếu tập trung vào việc bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di
tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh; khai thác chương trình du lịch về
nguồn, về các điểm di tích lịch sử - cách mạng (ATK Chợ Đồn, Đèo Giàng, Phủ
Thông); phục dựng và bảo tồn một số lễ hội, nghề truyền thống và những di sản
văn hóa phi vật thể khác, bảo tồn các bản làng còn mang đậm bản sắc văn hóa độc
đáo của các dân tộc để xây dựng các chương trình tham quan hấp dẫn, đặc trưng.
Trong năm 2020, UBND tỉnh đã xây dựng 03 Đề án về lĩnh vực du lịch gồm: Đề án
phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng tỉnh Bắc Kạn; Đề án phát triển sản phẩm
phục vụ du lịch thông minh “ứng dụng hệ thống thông tin Bắc Kạn” và Đề án “Xây
dựng mô hình điểm về du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa
bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2020-2025” tại thôn Phiêng An, xã Quang Thuận, huyện
Bạch Thông và thôn Chúa Lải, xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới.
- Về công tác quảng bá xúc tiến được quan tâm tổ chức
với nhiều hình thức, nội dung như: Xuất bản các ấn phẩm, tờ rơi, tập gấp, đĩa
DVD giới thiệu về du lịch Bắc Kạn; xây dựng pano quảng cáo tấm lớn để giới thiệu
và quảng bá du lịch của tỉnh; quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng
(Báo, Đài Truyền hình Trung ương, địa phương, Website của ngành). Ngoài
ra, các cơ sở lưu trú, khách sạn và các đơn vị lữ hành có xây dựng chương trình
tuyên truyền, quảng bá trên mạng internet; tổ chức và tham gia tổ chức các sự
kiện du lịch, sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch trong khu vực và vùng Đông Bắc;
tham gia giới thiệu, quảng bá du lịch tại các Hội chợ du lịch, Hội chợ thương mại
- du lịch trong khu vực và cả nước... Đồng thời, tỉnh đã quan tâm xây dựng nâng
tầm thương hiệu cho tài nguyên du lịch hiện có, hiện đang phối hợp với tỉnh
tuyên Quang làm hồ sơ di sản thiên nhiên Thế giới Ba Bể - Na Hang.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động du lịch
vẫn còn những khó khăn, như: Nguồn vốn dành cho công tác đầu tư phát triển tại
các khu điểm du lịch trên địa bàn tỉnh còn hạn chế; dịch vụ hỗ trợ còn thiếu và
chưa đa dạng (thiếu khu vui chơi, nghỉ dưỡng, trải nghiệm đời sống văn hóa);
hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch; sản phẩm phục vụ du
lịch của Bắc Kạn còn ít và thô sơ nên chưa thực sự hấp dẫn du khách trong và
ngoài nước; nguồn nhân lực phục vụ du lịch còn hạn chế về cả số lượng và chất
lượng; việc phát triển du lịch cộng đồng tại Bắc Kạn chủ yếu mang tính tự phát,
chưa trở thành phong trào hoặc chưa được cơ quan chuyên ngành hướng dẫn cụ thể
nên còn nhiều hạn chế, bất cập. Hiện nay, các homestay trên địa bàn tỉnh mới chỉ
là điểm lưu trú và phục vụ dịch vụ ăn uống, vì vậy chất lượng dịch vụ chưa cao,
việc khai thác tài nguyên văn hóa, các sản phẩm thế mạnh thành sản phẩm du lịch
còn hạn chế; các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đầu tư kinh doanh trong lĩnh
vực du lịch còn ít, quy mô nhỏ, hoạt động kém hiệu quả; nguồn lực đầu tư cho
xúc tiến du lịch Bắc Kạn còn hạn chế, khả năng liên kết, huy động các nguồn lực,
đẩy mạnh xã hội hóa tập trung cho xúc tiến du lịch chưa cao...
II. TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN NÔNG,
LÂM NGHIỆP GẮN VỚI DU LỊCH TẠI MỘT SỐ ĐỊA PHƯƠNG TRONG THỜI GIAN TỚI
Qua điều tra, khảo sát cho thấy, với tiềm năng về đất
đai, điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển một số cây trồng bản địa, các địa
phương đã quan tâm, hỗ trợ người dân mở rộng quy mô thành vùng nguyên liệu; hỗ
trợ kỹ thuật tạo liên kết sản xuất theo hướng hàng hóa nhưng chưa có sự kết hợp
hài hòa giữa phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp tạo ra sản phẩm nông sản đặc
thù gắn với phát triển du lịch để thu hút du khách đến thăm quan, trải nghiệm
và quảng bá sản phẩm nông sản bản địa cho địa phương, cụ thể:
1. Huyện Ba Bể
Những năm gần đây, sản xuất kinh doanh, chế biến
nông, lâm, thủy sản trên địa bàn huyện Ba Bể đã có chuyển biến khá rõ nét đối với
một số cây trồng, vật nuôi tại địa phương; chuyển từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ
sang sản xuất hàng hóa và hình thành một số vùng trồng nguyên liệu, sản xuất tập
trung như: Hồng không hạt ở các xã: Quảng Khê, Đồng Phúc, Cao Trĩ với sản lượng
khoảng 900 tấn/năm; chè ở xã Chu Hương, xã Mỹ Phương với sản lượng khoảng 3.000
tấn búp tươi/năm; dong riềng ở các xã: Yến Dương, Phúc Lộc, Chu Hương, Mỹ
Phương với sản lượng 10.000 tấn củ/năm; bí xanh thơm ở các xã: Địa Linh, Yến
Dương với sản lượng 2.200 tấn quả/năm.
Với lợi thế Vườn Quốc gia Ba Bể, trong đó có Hồ Ba
Bể là một trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất trên thế giới, có hệ sinh
thái đa dạng với nhiều loài động thực vật quý hiếm là một lợi thế về tiềm năng
du lịch sinh thái thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Trên tuyến
du lịch Hồ Ba Bể có thể phát triển một số mô hình nông nghiệp gắn với phát triển
du lịch, như:
- Vùng trồng bí xanh thơm tại xã Yến Dương, xã Địa
Linh với diện tích trồng mỗi năm khoảng gần 100 ha, năng suất đạt khoảng
300-350 tạ/ha, tổng sản lượng đạt khoảng 2.200 tấn quả. Bí xanh thơm Bắc Kạn là
cây trồng đặc sản bản địa của huyện Ba Bể, trái bí có dáng thon dài, vỏ dày và
cứng; toàn bộ thân, lá, hoa và quả có mùi thơm đặc trưng. Quả bí khi chế biến
có độ dẻo, mùi thơm, vị đậm, ngậy béo và là món ăn bổ dưỡng rất tốt cho sức khỏe.
- Vùng trồng và sản xuất chè khô, sản xuất miến
dong tại xã Mỹ Phương huyện Ba Bể. Cây chè với ưu thế là một cây công nghiệp dễ
khai thác, nguồn sản phẩm đang có nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài tỉnh cao nên
cây chè đang được coi là cây trồng mũi nhọn, thế mạnh của một số huyện trong đó
có huyện Ba Bể. Miến dong là sản phẩm được làm bằng tinh bột nguyên chất của củ
dong, với phương thức sản xuất thô sơ trong quá trình chế biến người dân không
dùng hoá chất tẩy trắng, nhuộm màu sản phẩm nên sợi miến đã giữ được những nét
đặc trưng riêng mang đậm nét văn hóa truyền thống của người dân xã Mỹ Phương.
- Vùng trồng hồng không hạt tại xã Khang Ninh, Quảng
Khê, Đồng Phúc huyện Ba Bể với diện tích khoảng dưới 100 ha, trong đó diện tích
của Hợp tác xã Đồng Lợi, thôn Nà Chom 04 ha, ngoài ra, hợp tác xã Đồng Lợi liên
kết tiêu thụ quả hồng không hạt cho một số hộ dân trong xã với diện tích khoảng
37 ha. Hồng không hạt Bắc Kạn đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận Chỉ
dẫn Địa lý năm 2010; vùng trồng Hồng không hạt tại xã Quảng Khê có tiềm năng kết
hợp với du lịch Động Hua Mạ, du lịch cộng đồng thôn Pác Ngòi xã Nam Mẫu.
- Làng nghề đánh bắt và sản xuất tép chua tại thôn
Bản Cám, xã Nam Mẫu với số hộ sản xuất 38/85 hộ dân trên địa bàn thôn. Đây là
món ăn mà người dân vùng ven hồ tự tay chế biến cẩn thận từ tép tươi đánh bắt
dưới hồ và gạo nương với những công đoạn tỉ mỉ, món tép chua thường được ăn kèm
với thịt chân giò, thịt ba chỉ luộc, ăn với cơm nóng được người dân địa phương
và du khách rất ưa chuộng.
2. Huyện Bạch Thông
Trong những năm qua, huyện Bạch Thông đã chú trọng
đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tạo ra sản phẩm có thương
hiệu, đảm bảo cơ bản các tiêu chuẩn quy định theo tiêu chuẩn VietGap và theo hướng
hữu cơ, chú trọng khâu quy hoạch, tạo vùng nguyên liệu cho sản xuất. Do vậy, sản
xuất nông lâm nghiệp của huyện đã có những chuyển biến tích cực, an ninh lương
thực được đảm bảo, sản xuất đang dần được chuyển dịch theo hướng hàng hóa, bước
đầu hình thành và phát triển một số vùng nguyên liệu tập trung, một số sản phẩm
sản xuất và chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được nhãn hiệu,
đang từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường như: Cam, quýt, ổi, gạo
Japonica...
Huyện Bạch Thông hiện có trên 1.700 ha trồng cây
cam, quýt. Trong đó: Diện tích được đầu tư thâm canh 460 ha, diện tích được chứng
nhận vệ sinh ATTP hoặc VietGAP là 20 ha, vùng trồng chủ yếu tại xã Quang Thuận
và xã Dương Phong và là cây trồng truyền thống bà con nhân dân nơi đây. Bên cạnh
đó, những năm gần đây có khá nhiều chương trình, dự án hỗ trợ khoa học kỹ thuật
được triển khai áp dụng, tạo điều kiện cho người dân thâm canh, cải tạo và mở rộng
diện tích trồng cây ăn quả đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trên tuyến du lịch
Thành phố Bắc Kạn - Bạch Thông - Hồ Ba Bể có thể phát triển một số mô hình nông
nghiệp gắn với du lịch như:
- Tại các mô hình trồng trọt đang được triển khai tại
thôn Phiêng An, xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông với quy mô sản xuất theo chuỗi
giá trị như mô hình trồng cây ổi, chuỗi giá trị cây chè với tổng diện tích hơn
23 ha. Mô hình trồng cây ăn quả có múi trên trục tuyến Quang Thuận - Dương
Phong.
- Tham quan cánh đồng trồng lúa Japonica (lúa Nhật
với diện tích gần 100 ha) tại xã Lục Bình và kết nối tham quan Thác Nàng tiên,
xã Lục Bình trên trục tuyến du lịch Bạch Thông - Hồ Ba Bể.
3. Huyện Chợ Đồn
Trên địa bàn huyện Chợ Đồn có 29 HTX, 13 THT, 02
doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ngành nghề nông lâm nghiệp, có khoảng 392
hộ nấu rượu thủ công và hơn 500 hộ trồng và chế biến chè tại xã Bằng Phúc, 15 hộ
trồng rau su su tại thôn Phja Khao, xã Bản Thi, hơn 300 hộ trồng hồng không hạt
tại xã Quảng Bạch; tại xã Đồng Thắng và Phương Viên 90% các hộ trồng lúa bao
thai vụ mùa, ngoài ra còn trồng lúa Japonica có xuất xứ từ Nhật Bản.
Một số vùng có thể kết nối du lịch nông nghiệp như:
- Vùng trồng lúa bao thai, lúa Japonica tại xã Đồng
Thắng, xã Phương Viên, vùng làng nghề trồng và sản xuất chè Shan tuyết; làng
nghề sản xuất rượu men lá tại xã Bằng Phúc huyện Chợ Đồn trước khi di chuyển
sang xã Đồng Phúc, xã Quảng Khê huyện Ba Bể và dừng chân tại Hồ Ba Bể.
- Vùng trồng hồng không hạt tại xã Quảng Bạch với
hơn 300 hộ dân trồng trên trục tuyến du lịch ATK Chợ Đồn - Hồ Ba Bể.
Như vậy, có thể nói tỉnh Bắc Kạn với nguồn tài
nguyên du lịch sinh thái phong phú, có hang động, khu di tích lịch sử, cây ăn
quả, cây nông nghiệp mang tính bản địa đặc trưng của núi rừng đang rất thuận lợi
để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp phát triển, sự kết hợp hài
hòa giữa phát triển sản xuất nông lâm nghiệp gắn với phát triển du lịch không
chỉ đem đến cho du khách cơ hội thư giãn, giải trí, hoạt động rèn luyện thể lực
và tinh thần, gần gũi với thiên nhiên và việc phát triển du lịch cũng tăng thu
nhập cho người nông dân, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế từ sản xuất nông nghiệp
thuần túy sang dịch vụ, mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao giá trị gia tăng và
tăng thu nhập cho người dân nông thôn, vừa quảng bá, tạo đầu ra tại chỗ cho sản
phẩm nông nghiệp, vừa tạo thêm sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, thân thiện môi
trường đang được người tiêu dùng ưu tiên. Trong đó, sản xuất nông nghiệp sạch kết
hợp với du lịch đang là hướng đi bền vững được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã
và nông dân hướng tới trong giai đoạn 2020-2025.
III. MỤC TIÊU ĐẾN NĂM 2025
1. Mục tiêu chung
Đẩy mạnh việc hình thành các vùng, HTX sản xuất, chế
biến nông lâm nghiệp để gắn với các hoạt động du lịch, tăng cường khai thác
hình thức du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch trải nghiệm gắn với sản
xuất nông lâm nghiệp.
2. Mục tiêu cụ thể
Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Bắc Kạn xây dựng 05
vùng sản xuất nông, lâm nghiệp có sản phẩm nông sản đạt chất lượng cao và 02
làng nghề chế biến nông sản tại địa phương tạo nên sự phong phú, hấp dẫn phục vụ
khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm theo tua du lịch Hồ Ba Bể.
Xây dựng 02 gian hàng giới thiệu sản phẩm nông sản
cấp tỉnh tại huyện Ba Bể và thành phố Bắc Kạn; 02 gian hàng giới thiệu sản phẩm
cấp huyện, gồm Tép chua khang Ninh, huyện Ba Bể và Rượu men lá Bằng Phúc, chè
Shan tuyết Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn phục vụ du khách trong và ngoài tỉnh.
IV. NỘI DUNG, NHIỆM VỤ CHỦ YẾU
1. Xây dựng mô hình phát triển
sản xuất nông, lâm nghiệp tạo nên sự phong phú, hấp dẫn để phát triển du lịch địa
phương
1.1. Xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm
vùng sản xuất bí xanh thơm tại xã Yến Dương, xã Địa Linh huyện Ba Bể gắn với
tuyến du lịch Hồ Ba Bể
- Quy mô thực hiện mô hình với diện tích khoảng 10
ha có vị trí liền khu, liền khoảnh, gần trục đường giao thông hướng đi Ba Bổ -
Bạch Thông để phục vụ khách du lịch thăm quan, trải nghiệm trong tour du lịch hồ
Ba Bể.
- Hoạt động chủ yếu của mô hình là ngoài việc tổ chức
sản xuất đảm bảo theo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm cần bố trí
thêm không gian để phục vụ du khách tham quan, chụp ảnh, như: Bố trí đường đi,
lối vào tham quan thuận tiện, nơi đỗ dừng phương tiện, cần bố trí nơi bày bán sản
phẩm cũng như cho du khách thưởng thức sản phẩm tại chỗ vào mùa thu hoạch.
- Ngoài ra, có thể liên kết với một số trường học tổ
chức hoạt động ngoại khóa, cho học sinh đi du lịch, tham quan, trải nghiệm việc
trồng, chăm sóc cây nông nghiệp, trong đó có Bí xanh thơm.
1.2. Xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm
vùng sản xuất và chế biến Chè tại xã Mỹ phương gắn với tuyến du lịch Hồ Ba Bể
- Với diện tích khoảng 5-7 ha lựa chọn những đồi
chè liền khu, địa hình thuận tiện cho du khách tham quan, trải nghiệm, các hoạt
động về canh tác thu hái chè theo các tiêu chuẩn quy định, chế biến đóng gói sản
phẩm gắn với HTX và sản phẩm OCOP. Bố trí các khoảng không gian như đường đi,
nơi du khách chụp ảnh, hệ thống pano quảng cáo và có thể hỗ trợ thêm hệ thống
Wifi miễn phí... phục vụ du khách.
- Hỗ trợ xây dựng cơ sở chế biến chè tại vùng cung
cấp nguyên liệu chè búp tươi, đóng gói tại chỗ với quy mô phù hợp phục vụ cho
du khách thăm quan và được trải nghiệm; tạo ra sản phẩm chè sau khi chế biến đảm
bảo phù hợp phục vụ khách du lịch mua làm quà biếu.
- Hỗ trợ xây dựng nơi bày bán sản phẩm nông sản
cũng như thưởng thức hương vị chè của địa phương
- Ngoài ra có thể liên kết với một số cơ sở, đơn vị
tổ chức hoạt động giáo dục thiên nhiên trải nghiệm việc hái và chế biến chè tại
chỗ.
1.3. Xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm
vùng trồng Hồng không hạt tại xã Quảng Khê huyện Ba Bể gắn với tuyến du lịch Hồ
Ba Bể
- Diện tích tối thiểu 05 ha; hỗ trợ Hợp tác xã Đồng
Lợi, thôn Nà Chom thiết kế lại diện tích các vườn hồng không hạt, tạo thêm các
không gian đi lại thăm quan cho du khách, đặc biệt vào mùa chuẩn bị thu hoạch
và thu hoạch.
- Hỗ trợ xây dựng cơ sở chế biến quả hồng không hạt
thành sản phẩm hồng không hạt sấy dẻo với công nghệ chế biến đồng bộ, tiên tiến
để tạo sức hấp dẫn cho khách tham quan ghé thăm, được thưởng thức sản phẩm sau
chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bao gói đẹp và phù hợp cho khách.
Thời gian từ tháng 8 đến hết tháng 9 dương lịch (vào tháng 7-8 âm lịch hàng
năm) cây Hồng không hạt cho quả đạt đường kích 3,5 - 4,5 cm, rất phù hợp với
khách đến tham quan chụp ảnh, mua quả tươi làm quà biếu.
1.4. Xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm
vùng trồng cây ăn quả tại xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông gắn với tuyến du lịch
trải nghiệm, thăm quan rừng đặc dụng Nam Xuân Lạc và du lịch Hồ Ba Bể
- Lựa chọn diện tích mô hình tối thiểu 5 ha, vị trí
mô hình gần đường giao thông trên trục tuyến Quang Thuận - Dương Phong đi huyện
Chợ Đồn tạo điều kiện thuận tiện cho khách du lịch vào thăm quan, chụp ảnh lưu
niệm.
- Xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ chức trồng cây để đảm
bảo bắt mắt khách tham quan, đến trải nghiệm theo mùa vụ, như: Mùa hè có quả ổi,
quả mít, dứa, thanh long; mùa thu - đông có quả bưởi, cam, quýt...
1.5. Xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm
vùng sản xuất chè Shan tuyết tại xã Bằng Phúc gắn với thăm quan rừng đặc dụng
Nam Xuân Lạc, Hồ Ba Bể
- Xây dựng điểm thăm quan diện tích tối thiểu 10 ha
có vị trí gần trục đường giao thông của tuyến đường đi từ Bắc Kạn đến hồ Ba Bể.
- Hỗ trợ việc thiết kế các nương chè để tạo thêm
không gian đường đi, khu vực để phục vụ khách thăm quan chụp ảnh. Đồng thời, hỗ
trợ xây dựng cơ sở chế biến sản phẩm chè Shan tuyết tại vùng cung cấp nguyên liệu,
đóng gói tại chỗ với quy mô phù hợp phục vụ cho du khách thăm quan, chụp ảnh và
được trải nghiệm hoạt động thu hái, chế biến chè tại chỗ; cung cấp sản phẩm chè
sau khi chế biến đảm bảo phù hợp phục vụ khách du lịch mua làm quà biếu. Thời
gian chè cho thu hái, chế biến phổ biến từ tháng 2 đến hết tháng 8 dương lịch.
1.6. Mô hình du lịch trải nghiệm vùng đào,
lê, dẻ huyện Ngân Sơn gắn với tuyến du lịch Ba Bể - Pác Bó - Thác Bản Giốc
- Lựa chọn diện tích mô hình tối thiểu 15 ha, vị
trí mô hình gần đường giao thông, trong đó cây đào trồng ở thôn Đèo gió, xã Vân
Tùng; cây lê, dẻ trồng ở xã Đức Vân, xã Bằng Vân trên trục tuyến Quốc lộ 3 đi tỉnh
Cao Bằng tạo điều kiện thuận tiện cho khách du lịch vào thăm quan, trải nghiệm
và chụp ảnh lưu niệm.
- Xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ chức trồng cây để đảm
bảo thu hút khách tham quan, trải nghiệm theo mùa vụ, như: Vụ Đông Xuân đặc biệt
là dịp tết Nguyên đán khách thăm quan được ngắm hoa mận, đào, lê,...; vụ Hè Thu
có quả mận chín vào tháng 5 tháng 6 và đến tháng 7 tháng 9 thu hoạch quả dẻ,
lê, đào.
2. Phát triển làng nghề chế
biến nông sản gắn với du lịch trải nghiệm tại địa phương
2.1. Tại huyện Ba Bể
Xây dựng làng nghề sản xuất tép chua tại xã Khang
Ninh (năm 2020 có khoảng 8 cơ sở); tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho các
cơ sở trong chế biến, kinh doanh; hỗ trợ nâng cấp cơ sở hạ tầng đối với khu chế
biến nông sản (tép) của mỗi cơ sở phù hợp cho việc tham quan; hỗ trợ xây dựng
01 gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm của vùng sản xuất tép chua tại khu
trung tâm để phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 20 cơ sở sản xuất tép chua và hình
thành làng nghề chuyên sản xuất tép chua phục vụ thị trường và khách du lịch.
2.2. Tại huyện Chợ Đồn
Xây dựng làng nghề sản xuất rượu bằng men lá (tại
xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn). Hỗ trợ trong việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, hỗ
trợ xây dựng 01 gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm rượu men lá Bằng Phúc
tại khu trung tâm. Phấn đấu đến năm 2025 trở thành làng nghề chuyên nấu rượu
men lá Bằng Phúc.
3. Phát triển dịch vụ hỗ trợ
Tiếp tục hỗ trợ 02 tổ chức, doanh nghiệp nâng cấp
điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản và các sản phẩm OCOP phục vụ du
khách trong và ngoài tỉnh đến mua hàng và dừng chân tại huyện Ba Bể và thành phố
Bắc Kạn; địa điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm phải có vị trí thuận lợi cho
việc dừng nghỉ của khách du lịch ra vào địa bàn; tổng diện tích của khu nghỉ
chân tối thiểu 1.000m²; diện tích gian hàng ở huyện Ba Bể tối thiểu 60m²/điểm
và ở thành phố Bắc Kạn tối thiểu 80m²/điểm.
Ngoài ra, tại các khu vực Vườn Quốc gia Ba Bể và
Khu bảo tồn Nam Xuân Lạc hoàn thiện việc xây dựng phương án quản lý rừng bền vững
và đề án cho thuê dịch vụ môi trường rừng để đầu tư phát triển du lịch.
V. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Giải pháp về tuyên truyền
Tổ chức tuyên truyền, tổ chức thực hiện các nội
dung Kế hoạch và Đề án thông qua các phương tiện truyền thông, hội nghị, họp
giao ban... để người dân địa phương tham gia thực hiện mô hình, tham gia quản
lý du lịch cộng đồng. Chính quyền và các cơ quan chức năng cần thông báo trung
thực cho cộng đồng địa phương về mục đích phát triển nông lâm nghiệp gắn với
phát triển du lịch cộng đồng tại khu vực. Từ đó, phấn đấu tổ chức triển khai thực
hiện tốt Kế hoạch này.
Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức
xã hội về vai trò của môi trường đối với phát triển du lịch và xây dựng nông
thôn mới; xây dựng hình ảnh du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp gắn với bảo
vệ môi trường xanh, sạch, đẹp để tạo sức hút đối với du khách trong nước, quốc
tế và góp phần xây dựng nông thôn mới.
2. Giải pháp về khoa học kỹ
thuật
Vận động người dân thay đổi phương thức sản xuất từ
quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình sang hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết sản
xuất hình thành vùng sản xuất hàng hóa; hướng dẫn người dân thực hiện trồng cây
theo quy trình; tăng cường áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đầu tư thâm canh tăng năng
suất cho cây trồng để sản phẩm nông sản tạo sự thu hút của khách khi đến thăm
quan, trải nghiệm.
Hỗ trợ về cách thức bố trí mô hình sản xuất nông,
lâm nghiệp phù hợp với hoạt động sản xuất, thiết kế sơ đồ trồng cây đảm bảo
theo kỹ thuật, có tính mỹ thuật và thuận lợi cho du khách đến tham quan, giải
trí.
3. Các giải pháp thuộc nhóm dịch
vụ hỗ trợ
Tổ chức tập huấn kỹ năng nghề về dịch vụ du lịch
nông thôn và bán hàng OCOP nhằm đào tạo nghề cho người lao động nông thôn chuyển
đổi sang hoạt động dịch vụ du lịch, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
cho các cá nhân, tổ chức, hộ gia đình liên quan đến hoạt động dịch vụ, du lịch
phục vụ nhu cầu của du khách tại các điểm tham quan du lịch.
Các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh, bày bán sản
phẩm nông sản cần lựa chọn mặt hàng mang tính đặc trưng của địa phương, chất lượng
sản phẩm được khẳng định thông qua việc gắn tem, nhãn có truy suất nguồn gốc
theo quy định và đủ sức cạnh tranh với mặt hàng cùng loại trên thị trường; hàng
hóa phục vụ đa dạng, phong phú về chủng loại, kiểu cách để thu hút sự quan tâm,
mua hàng của du khách.
Tiếp tục hỗ trợ, nâng cao chất lượng những sản phẩm
nông sản đạt tiêu chuẩn OCOP của địa phương; phát triển mẫu mã bao bì sản phẩm
và tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm mang tính đặc thù tại
địa phương.
Khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thành lập
HTX, tổ hợp tác sản xuất theo hình thức liên doanh, liên kết hình thành các chuỗi
sản xuất theo giá trị. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc chế biến và
tiêu thụ sản phẩm.
Phối hợp với các Sở, ngành liên quan đầu tư nguồn lực
để cải tạo, nâng cấp đầu tư hạ tầng giao thông tại các khu, điểm du lịch và khu
vực có tiềm năng du lịch của tỉnh; xây dựng các điểm dừng, nghỉ trên các tuyến
đường bộ; xây dựng địa điểm phục vụ sinh hoạt cộng đồng, nơi cho khách tham
quan ngắm cảnh, chụp ảnh; xây dựng quy ước của thôn, bản; biên tập các bài thuyết
minh giới thiệu về sản phẩm nông sản của địa phương, các di sản văn hóa, di
tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của khu, điểm du lịch.
Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của
mọi người dân xung quanh khu, điểm du lịch về bảo vệ thiên nhiên, môi trường
trong cộng đồng, có ý thức về cải tạo cảnh quan, không gian sân vườn, trồng
hoa, cây cảnh, chỉnh trang nhà ở phục vụ khách du lịch đến lưu trú...
Hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, đẩy
nhanh thực hiện quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch; số hóa các thông
tin, tài liệu về điểm đến, xây dựng các kho nội dung số, hướng tới hình thành
và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh.
Hỗ trợ các điểm du lịch cộng đồng mở rộng liên kết
với các công ty lữ hành thiết kế các tour, tuyến, sản phẩm du lịch tạo nên sự
đa dạng, hấp dẫn thu hút du khách. Tuyên truyền, quảng bá sản phẩm về dịch vụ
du lịch cộng đồng.
Tiếp tục thu hút đầu tư các doanh nghiệp đầu tư vào
sản xuất nông nghiệp công nghệ cao thuộc vùng du lịch để tạo ra những sản phẩm
hàng hóa đặc hữu của địa phương, gắn với sản xuất, chế biến sản phẩm, xây dựng
thương hiệu, quảng bá sản phẩm.
4. Giải pháp nâng cao chất lượng
nguồn nhân lực
Quan tâm, đào tạo bồi dưỡng, nâng cao năng lực
chuyên môn cho đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở về tiến bộ khoa học - kỹ thuật
trong lĩnh vực nông lâm nghiệp công nghệ cao; hướng dẫn kỹ năng quản lý của các
tổ chức, doanh nghiệp, HTX, các hộ dân tham gia kinh doanh du lịch cộng đồng để
họ có định hướng đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh trong lĩnh vực nông, lâm
nghiệp gắn với phát triển du lịch phù hợp với định hướng của tỉnh, huyện.
Tập trung đào tạo nghiệp vụ quản lý kinh doanh cho
nhà hàng, khách sạn, nghiệp vụ lễ tân, hướng dẫn viên, kỹ năng ứng xử với khách
du lịch nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch.
5. Giải pháp về chính sách
- Khuyến khích thực hiện lồng ghép các nguồn vốn của
các Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu
trên địa bàn tỉnh; thu hút đầu tư, xã hội hóa nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp,
hợp tác xã, vốn đầu tư của hộ sản xuất tự huy động; vốn vay từ các tổ chức tín
dụng, quỹ hỗ trợ hợp tác xã.
- Nhà nước điều chỉnh quy hoạch, định hướng phát
triển nông nghiệp gắn với phát triển du lịch tạo điều kiện thuận lợi trong việc
hỗ trợ thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng, vật chất tại địa phương khi thực hiện
Kế hoạch này (xây dựng nhà trưng bày sản phẩm, nhà sinh hoạt cộng đồng, khôi
phục các làng nghề, chỉnh trang, tôn tạo nhà cửa, đường làng ngõ xóm, bãi đỗ
xe,..)
- Tham mưu trình HĐND tỉnh chính sách hỗ trợ kinh
phí nâng cấp, mở mới cơ sở hạ tầng (giao thông, điện, khu chế biến, khu đón
tiếp trưng bày và bán sản phẩm) phục vụ việc sản xuất của người dân kết hợp
phục vụ du lịch, hỗ trợ kinh phí tư vấn, thiết kế để cải tạo cảnh quan khu sản
xuất để đáp ứng được nhu cầu thăm quan, trải nghiệm của khách du lịch.
VI. HIỆU QUẢ CỦA KẾ HOẠCH
1. Hiệu quả đối với xã hội
Du lịch nông nghiệp là loại hình du lịch mang lại
nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững cho người dân địa phương, không chỉ
giúp người dân bảo vệ môi trường mà còn bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc
đáo của địa phương. Đây cũng là hướng đi phù hợp với xu thế phát triển hiện đại.
Bởi vậy, việc phát triển để đảm bảo hiệu quả và bền vững rất cần sự đồng bộ các
giải pháp và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.
Chính sự tham gia trực tiếp của người dân trong sản
xuất nông nghiệp vào các hoạt động du lịch tại địa phương sẽ đem lại hiệu quả
kinh tế cho hộ gia đình và tạo động lực phát triển kinh tế xã hội tại địa
phương, sản lượng các sản phẩm nông sản của địa phương có điểm du lịch được bán
nhiều hơn, giá ổn định hơn so với địa phương không có các điểm du lịch sẽ tạo
nên sự phong phú, hấp dẫn của các sản phẩm du lịch.
2. Hiệu quả về kinh tế
Du lịch nông nghiệp mang lại một nguồn thu nhập cho
người nông dân bên cạnh hoạt động nông nghiệp thuần túy, là một phương thức xóa
đói giảm nghèo hiệu quả tại những cộng đồng khó khăn, tạo thêm nguồn sinh kế ổn
định cải thiện đời sống nhân dân, giúp người dân gắn bó với quê hương.
Việc xây dựng các mô hình nông, lâm nghiệp gắn với
phát triển du lịch thành công sẽ tạo sức hấp dẫn thu hút khách du lịch đến thăm
quan, từ đó sẽ tăng khả năng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của du khách
và đến năm 2025 Bắc Kạn đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm về khách du lịch
là 15%/năm, tăng 5% so với hiện tại.
Đồng thời, đây cũng là động lực thúc đẩy quá trình
chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững; tạo lợi thế thu
hút nhà đầu tư tham gia phát triển mô hình du lịch vườn tại địa phương theo quy
mô lớn hơn. Qua đó, quảng bá hình ảnh, các sản phẩm nông, lâm nghiệp, quảng bá
về văn hóa đặc thù của thiên nhiên và con người Bắc Kạn đến với khách du lịch
trong và ngoài nước.
VII. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Tổng kinh phí: 13.964 triệu
đồng.
Chia kinh phí theo lộ trình thực hiện kế hoạch:
- Năm 2021: 2.389 triệu đồng.
- Năm 2022: 1.781 triệu đồng.
- Năm 2023: 4.991 triệu đồng.
- Năm 2024: 4.803 triệu đồng.
- Năm 2025: 0 triệu đồng.
(Có biểu chi tiết
kèm theo)
2. Nguồn kinh phí
- Nguồn vốn ngân sách, gồm: Nguồn vốn sự nghiệp
Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình 30a, Chương
trình 135, Chương trình OCOP, nguồn vốn sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khoa học
và công nghệ, ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác.
- Nguồn vốn ngoài ngân sách, bao gồm: vốn của các
doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tự huy động, nguồn vốn vay từ các tổ chức
tín dụng, nguồn vốn hỗ trợ của các nhà tài trợ; nguồn kinh phí hợp pháp khác và
nguồn xã hội hóa từ các tổ chức, doanh nghiệp và hộ tham gia phát triển du lịch
cộng đồng.
VIII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn
- Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du
lịch và các Sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND các địa phương có tiềm năng phát
triển nông, lâm nghiệp gắn với phát triển du lịch tổ chức, thực hiện nội dung kế
hoạch giao.
- Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn trực thuộc hỗ trợ
các địa phương thực hiện các mô hình phát triển nông, lâm nghiệp đạt hiệu quả.
- Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai, thực
hiện kế hoạch của các đơn vị, địa phương, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó
khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các nội dung theo kế hoạch
- Thành lập Tổ triển khai đôn đốc thực hiện, tham
mưu xây dựng kế hoạch thực hiện hàng năm, tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh
tình hình thực hiện Kế hoạch hàng năm; đánh giá, sơ kết, tổng kết theo quy định.
2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du
lịch
Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, UBND
các huyện, thành phố lồng ghép các nội dung phù hợp với chức năng, nhiệm vụ để
triển khai thực hiện Kế hoạch này.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở
Tài chính
Căn cứ nguồn kinh phí hỗ trợ từ Trung ương, khả
năng ngân sách của tỉnh tham mưu, bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch theo đúng
quy định của pháp luật; đề xuất cơ chế, chính sách ưu đãi kêu gọi hỗ trợ, thúc
đẩy các tổ chức, cá nhân có nguồn lực đầu tư vào xây dựng mô hình phát triển
nông lâm nghiệp gắn với phát triển du lịch tại các khu vực có tiềm năng trên địa
bàn.
4. Sở Công Thương
Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan hàng năm tổ chức
cho các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các Hội chợ, Lễ hội; tổ chức quảng bá
sản phẩm, xúc tiến thương mại để giới thiệu sản phẩm nông sản đặc sản của tỉnh
Bắc Kạn; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến quả tiếp
cận với thị trường trong nước và quốc tế để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
5. Sở Khoa học và Công nghệ
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển
khai các chương trình, đề tài, dự án ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản
xuất, nâng cao năng, suất chất lượng sản phẩm chủ lực của địa phương nhằm tạo
vùng sản xuất hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường; đẩy
mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, trong phát triển nông, lâm
nghiệp gắn với phát triển du lịch.
- Hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức kinh tế, hộ gia
đình xây dựng, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu; chỉ dẫn địa lý; đăng ký mã số mã vạch;
thiết kế bao bì sản phẩm; ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất kinh
doanh sản phẩm/dịch vụ; ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc; triển khai, giám
sát việc thực hiện quy định về quản lý tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm theo Luật
Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
6. Sở Thông tin và Truyền thông
Chủ trì, phối hợp tổ chức truyền thông, quảng bá về
con người, sản phẩm nông sản đặc sản và du lịch Bắc Kạn; hoàn thiện hệ thống hạ
tầng công nghệ thông tin, hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái nông nghiệp gắn với
phát triển du lịch thông minh.
7. Sở Tài nguyên và Môi trường
Phối hợp với các cơ quan chuyên ngành và chính quyền
địa phương trong việc quản lý việc sử dụng tài nguyên du lịch, bảo vệ môi trường,
bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên
tai; phối hợp tham mưu đề xuất xây dựng cơ chế chính sách phát triển nông lâm
nghiệp gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường và phát triển du lịch bền vững.
8. Văn phòng điều phối xây dựng
nông thôn mới tỉnh
Chủ trì đánh giá xếp hạng sản phẩm, dịch vụ du lịch
theo tiêu chuẩn OCOP; phối hợp với các Sở, ngành và UBND các huyện, thành phố
tham mưu cho UBND tỉnh ưu tiên bố trí nguồn vốn từ Chương trình MTQG xây dựng
nông thôn mới thực hiện Kế hoạch này.
9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc VN tỉnh và các đoàn thể
Phối hợp với Sở, ngành chuyên môn và các địa phương
tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng các mô hình phát
triển nông lâm nghiệp gắn với phát triển du lịch cộng đồng; đồng thời, nâng cao
ý thức của người dân xung quanh khu, điểm du lịch về bảo vệ thiên nhiên, môi
trường trong cộng đồng, lưu giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền
thống của các dân tộc.
10. Liên minh Hợp tác xã tỉnh
Hướng dẫn thành lập mới, mở rộng quy mô, củng cố,
xây dựng các liên hiệp Hợp tác xã, hợp tác xã trong phát triển sản xuất đối với
một số cây trồng có thế mạnh phát triển gắn với du lịch trên địa bàn.
Thực hiện có hiệu quả phát triển hợp tác, liên kết
sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản và phát huy vai trò đại diện cho các hợp tác
xã nhằm khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản
phẩm nông nghiệp.
11. Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố
Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kịp thời nội dung Kế
hoạch đến các cơ quan, đơn vị, công chức, viên chức và các tổ chức, hộ sản xuất
một số cây trồng theo định, hướng phát triển trong kế hoạch này gắn với phát
triển du lịch tại địa phương.
Xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện đến
các địa phương có tiềm năng phát triển theo hướng có trọng tâm, trọng điểm gắn
sản xuất nông lâm nghiệp với phát triển dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng
OCOP và nhóm sản phẩm hỗ trợ đảm bảo chất lượng, cung ứng đủ nhu cầu của thị
trường. Trong đó, UBND các huyện Ba Bể, Bạch Thông, Chợ Đồn, Ngân Sơn khi xây dựng
các mô hình du lịch gắn với sản xuất nông lâm nghiệp nên có sự gắn kết linh hoạt
với các Kế hoạch, Đề án của UBND tỉnh Bắc Kạn về phát triển du lịch, sản phẩm
du lịch đang triển khai trên địa bàn tỉnh, như: Kế hoạch phát triển du lịch
trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đến năm 2030 kèm theo Quyết định số 974/QĐ-UBND ngày
01/6/2020; Đề án phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng tỉnh Bắc Kạn đến năm
2025, tầm nhìn đến năm 2030 kèm theo Quyết định số 1434/QĐ-UBND ngày 10/8/2020;
Đề án xây dựng mô hình điểm về du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới
trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021- 2025 kèm theo Quyết định số
2387/QĐ-UBND ngày 28/12/2020.
Các địa phương chủ động tận dụng lồng ghép các cơ
chế, chính sách từ các nguồn (Trung ương, của tỉnh, địa phương) để điều
phối, bố trí nguồn lực khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất cây trồng phù hợp
với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu của địa phương; tăng cường xã hội hóa để đa dạng
hóa kinh phí triển khai kế hoạch đảm bảo các điểm đến tạo điểm nhấn và thu hút
du khách đến tham quan, trải nghiệm...; tăng cường thu hút vốn đầu tư xã hội
cho phát triển nông lâm nghiệp gắn với phát triển du lịch trên địa bàn; thường xuyên
kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả và thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin,
báo cáo định kỳ, đột xuất theo quy định.
Trên đây là Kế hoạch phát triển nông, lâm nghiệp gắn
với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2020 - 2025. Trong
quá trình thực hiện nếu có phát sinh khó khăn, vướng mắc, các đơn vị, địa
phương báo cáo kịp thời về UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn) để xem xét, tháo gỡ./.
Nơi nhận:
Gửi bản điện tử:
- Bộ NN và PTNT;
- TT Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- LĐVP;
- Lưu, VT, NNTNMT.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Đỗ Thị Minh Hoa
|
TỔNG
HỢP KINH PHÍ HỖ TRỢ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN NÔNG LÂM NGHIỆP GẮN VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH
GIAI ĐOẠN 2020 - 2025
(Kèm theo Kế hoạch
số 776/KH-UBND ngày 25/12/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn)
ĐVT 1.000 đồng
STT
|
Các hạng mục hỗ
trợ
|
Đơn giá
|
Tổng kinh phí
|
Phân kỳ theo
năm
|
Ghi chú
|
Năm 2021
|
Năm 2022
|
Năm 2023
|
Năm 2024
|
Năm 2025
|
TỔNG CỘNG
(I+II)
|
|
13.964.000
|
2.389.000
|
1.781.000
|
4.991.000
|
4.803.000
|
-
|
|
I
|
Xây dựng các mô hình
|
|
12.964.000
|
1.889.000
|
1.281.000
|
4.991.000
|
4.803.000
|
-
|
|
1
|
Mô hình Bí xanh thơm tại xã Yến Dương, Địa
Linh huyện Ba Bể
|
|
2.410.000
|
381.000
|
411.000
|
921.000
|
697.000
|
-
|
|
|
Diện tích (ha)
|
|
10
|
3
|
3
|
3
|
1
|
|
|
|
Cây giống (25.000 cây giống/ha x 5000 đ/cây)
|
5
|
1.250.000
|
375.000
|
375.000
|
375.000
|
125.000
|
|
|
|
Cấp giấy chứng nhận (30 triệu đồng x 02 HTX)
|
30000
|
60.000
|
|
30.000
|
|
30.000
|
|
Nguồn kinh phí từ
NQ số 08/2019/NQ- HĐND
|
|
Công thiết kế trồng theo mô hình du lịch (tính 2
triệu đồng/ha)
|
2000
|
20.000
|
6.000
|
6.000
|
6.000
|
2.000
|
|
|
|
Hỗ trợ nâng cấp đường giao thông vào các mô hình
(độ dày bê tông 14 cm x rộng 2,5 m x đệm móng là đá dăm 10 cm x xi măng mác
200 = 900 triệu/km) x hỗ trợ 60% x 2km đường
|
900.000 x 60%
|
1.080.000
|
|
|
540.000
|
540.000
|
|
|
2
|
Mô hình chè trung du tại xã Mỹ Phương huyện
Ba Bể
|
|
1.294.000
|
2.000
|
104.000
|
546.000
|
642.000
|
-
|
|
|
Diện tích
|
ha
|
7
|
1
|
2
|
3
|
1
|
|
|
|
Cây giống (22.000 cây/ha)
|
|
-
|
-
|
-
|
-
|
-
|
|
Thực hiện theo KH
cây chè, Dong riềng của Đề án
|
|
Hỗ trợ cấp giấy chứng nhận
|
|
-
|
-
|
-
|
-
|
-
|
-
|
|
Công thiết kế trồng theo mô hình du lịch (tính 2
triệu đồng/ha)
|
2000
|
14.000
|
2.000
|
4.000
|
6.000
|
2.000
|
-
|
|
|
Hỗ trợ nâng cấp đường giao thông vào các mô hình
(độ dày bê tông 14 cm x rộng 2,5 m x đệm móng là đá dăm 10 cm x xi măng mác
200 = 900 triệu/km) x hỗ trợ 60% x 2km
|
900.000 x 60%
|
1.080.000
|
|
|
540.000
|
540.000
|
|
|
|
Hỗ trợ thiết bị, máy móc chế biến chè (lò sao,
máy vò)
|
|
-
|
|
|
|
|
|
Thực hiện theo KH
cây chè, Dong riềng của Đề án
|
|
Nâng cấp nhà, cơ sở chế biến (hỗ trợ cho 02 cơ sở
chế biến)
|
100.000
|
200.000
|
|
100.000
|
|
100.000
|
|
|
3
|
Mô hình cây Hồng không hạt tại xã Quảng Khê
huyện Ba bể
|
|
1.250.000
|
2.000
|
6.000
|
698.000
|
544.000
|
-
|
|
|
Diện tích
|
ha
|
10
|
1
|
3
|
4
|
2
|
|
|
|
Hỗ trợ cây giống
|
|
-
|
-
|
-
|
-
|
-
|
-
|
Thực hiện theo KH
cây ăn quả, đặc sản của Đề án
|
|
Hỗ trợ cấp giấy chứng nhận
|
|
-
|
-
|
-
|
-
|
-
|
-
|
|
Thiết kế trồng theo mô hình du lịch (tính 2 triệu
đồng/ha)
|
2.000
|
20.000
|
2.000
|
6.000
|
8.000
|
4.000
|
-
|
|
|
Hỗ trợ nâng cấp đường giao thông vào các mô hình
(độ dày bê tông 14 cm x rộng 2,5 m x đệm móng là đá dăm 10 cm x xi măng mác
200 = 900 triệu/km) x hỗ trợ 60% x 2km
|
900.000 x 60%
|
1.080.000
|
|
|
540.000
|
540.000
|
|
|
|
Hỗ trợ thiết bị, máy móc chế biến hồng sấy dẻo (hỗ
trợ cho 01 HTX hoặc cơ sở chế biến)
|
|
50.000
|
|
|
50.000
|
|
|
|
|
Nâng cấp nhà, cơ sở chế biến (hỗ trợ cho 01 cơ sở
chế biến)
|
100.000
|
100.000
|
|
|
100.000
|
|
|
|
4
|
Cây ăn quả tại xã Quang Thuận huyện Bạch
Thông (Cam, quýt, ổi,...)
|
|
1.100.000
|
2.000
|
6.000
|
548.000
|
544.000
|
-
|
|
|
Diện tích
|
ha
|
10
|
1
|
3
|
4
|
2
|
|
|
|
Hỗ trợ cây giống
|
|
-
|
-
|
-
|
-
|
-
|
-
|
Thực hiện theo KH
cây ăn quả, đặc sản của Đề án
|
|
Hỗ trợ cấp giấy chứng nhận
|
|
-
|
-
|
-
|
-
|
-
|
-
|
|
Thiết kế trồng theo mô hình du lịch (tính 2 triệu
đồng/ha)
|
2.000
|
20.000
|
2.000
|
6.000
|
8.000
|
4.000
|
-
|
|
|
Hỗ trợ nâng cấp đường giao thông vào các mô hình
(độ dày bê tông 14 cm x rộng 2,5 m x đệm móng là đá dăm 10 cm x xi măng mác
200 = 900
|
900.000 x 60%
|
1.080.000
|
|
|
540.000
|
540.000
|
|
|
5
|
Mô hình cây chè Shan tuyết tại xã Bằng phúc
huyện Chợ Đồn
|
|
1.300.000
|
2.000
|
104.000
|
548.000
|
646.000
|
-
|
|
|
Diện tích
|
ha
|
10
|
1
|
2
|
4
|
3
|
|
|
|
Cây giống (7.000 cây/ha)
|
|
-
|
-
|
-
|
-
|
-
|
-
|
Thực hiện theo KH
cây chè, Dong riềng của Đề án
|
|
Hỗ trợ cấp giấy chứng nhận
|
|
-
|
-
|
-
|
-
|
-
|
-
|
|
Công thiết kế trồng theo mô hình du lịch (tính 2
triệu đồng/ha)
|
2000
|
20.000
|
2.000
|
4.000
|
8.000
|
6.000
|
-
|
|