TÒA ÁN NHÂN DÂN
TỐI CAO
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 05/2020/CT-CA
|
Hà Nội, ngày 28
tháng 7 năm 2020
|
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG KỶ CƯƠNG, KỶ LUẬT CÔNG VỤ TRONG CÁC TÒA ÁN NHÂN DÂN
Trong những năm qua, người đứng đầu
cơ quan, đơn vị và đội ngũ công chức, viên chức, người lao động trong Tòa án
nhân dân các cấp không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn
đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng các Tòa án trong sạch,
vững mạnh. Tuy nhiên, qua công tác thanh tra, kiểm tra, theo dõi công tác xử lý
kỷ luật trong các Tòa án và việc rà soát, khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật
xảy ra trong các Tòa án nhân dân theo Kiến nghị số 06/KN-VKSNDTC ngày 10/6/2019
của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Công văn số 71/TANDTC-VP-m ngày 18/7/2019 của
Tòa án nhân dân tối cao cho thấy vẫn còn một số cán bộ, công chức, viên chức và
người lao động trong Tòa án các cấp vi phạm các quy định của pháp luật, quy tắc
ứng xử của cán bộ, công chức Tòa án, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị dẫn đến
bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự như: “Tội nhận hối lộ”,
“Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Tội giả mạo trong công tác”, “Tội lạm dụng
chức vụ quyền hạn, chiếm đoạt tài sản”, “Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc”,
“Tội ra bản án trái pháp luật”, “Tội ra quyết định trái pháp luật”, “Tội vi phạm
quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”...
Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế
nêu trên là do người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa chú trọng duy trì kỷ luật, kỷ
cương công vụ; công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ,
công vụ ở một số đơn vị Tòa án còn chưa được coi trọng, quan tâm đúng mức; ý thức
chấp hành của một số cán bộ, công chức, viên chức trong các Tòa án còn yếu kém;
việc phát hiện xử lý vi phạm chưa kịp thời, chưa nghiêm.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên,
tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, tạo sự chuyển biến rõ nét, nhằm nâng cao
chất lượng công tác, phục vụ nhân dân và uy tín của Tòa án, xây dựng đội ngũ
cán bộ, công chức nhất là các chức danh tư pháp liêm chính, chuyên nghiệp; xây
dựng Tòa án trong sạch, vững mạnh. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu:
1. Thủ trưởng các
đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân các cấp có trách
nhiệm:
a) Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến,
quán triệt đến toàn thể công chức, viên chức và người lao động trong các cơ
quan, đơn vị thuộc quyền quản lý thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của
Đảng và pháp luật nhà nước về phòng, chống tham nhũng; Luật Phòng, chống tham
nhũng năm 2018; các chỉ đạo của Tổng Bí thư Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về
phòng, chống tham nhũng; của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số
10/CT-TTg ngày 22/4/2019 về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình
trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết
công việc. Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày
05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ
quan hành chính nhà nước các cấp; Công văn số 67/TANDTC-TH ngày 3/7/2019 của
Tòa án nhân dân tối cao về rà soát, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực,
tham nhũng trong nội bộ các cơ quan, đơn vị Tòa án nhân dân các cấp;
b) Khẩn trương khắc phục những tồn tại,
hạn chế nêu trên, tạo sự chuyển biến tích cực trong chỉ đạo, điều hành. Tăng cường
trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị theo Quy định số 101-QĐ/TW ngày
7/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là
cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; phát huy trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu,
nói phải đi đôi với làm; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực,
lãng phí trong thi hành công vụ; chấn chỉnh thái độ, trách nhiệm và văn hóa ứng
xử chưa chuẩn mực của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc quyền
quản lý. Tiếp tục đẩy mạnh nhiệm vụ cải cách hành chính tư pháp, đơn giản hóa
thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến liên hệ, làm việc tại Tòa
án;
c) Chỉ đạo thực hiện nghiêm quy chế
làm việc của cơ quan, đơn vị thuộc Tòa án nhân dân. Tiếp tục rà soát, bổ sung,
hoàn chỉnh nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị, cụ thể hóa trách nhiệm
của từng cá nhân, đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Xây dựng định
mức cho từng vị trí việc làm để tiêu chuẩn hóa trong đánh giá khen thưởng và kỷ
luật cán bộ, công chức;
d) Siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ,
tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ trong các Tòa án nhân dân để
đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đối với các cơ quan, đơn vị, công
chức, viên chức và người lao động trong thực hiện nhiệm vụ được giao, nhất là
nhiệm vụ liên quan đến công tác xét xử, giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền
của các Tòa án nhân dân; thực hiện nghiêm túc Quyết định số 120/QĐ-TANDTC ngày
19/6/2017 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về ban hành Quy định xử lý trách
nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân gắn với trách nhiệm của
người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra công chức, người lao động thuộc quyền
quản lý trực tiếp của mình có hành vi vi phạm.
2. Cán bộ, công chức,
viên chức và người lao động trong các Tòa án nhân dân phải nâng cao đạo đức, kỷ
luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân; thực hiện quy tắc,
văn hóa ứng xử nơi công sở, cụ thể:
a) Thực hiện nghiêm Quy tắc ứng xử của
cán bộ, công chức Tòa án nhân dân (Ban hành theo Quyết định số
1253/2008/QĐ-TANDTC ngày 18/9/2008 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao); Bộ
quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán (Ban hành theo Quyết định số 87/QĐ-HĐTC
ngày 4/7/2018 của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán Quốc gia);
b) Trong thực thi nhiệm vụ phải chấp
hành nghiêm túc nội quy, quy chế, thời giờ làm việc tại cơ quan, đơn vị. Thực
hiện đúng và đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao; không để việc quá hạn, bỏ
sót nhiệm vụ được phân công; không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; không được lợi
dụng chức trách, nhiệm vụ được giao để nhũng nhiễu, gây phiền hà, trục lợi khi
xử lý, giải quyết công việc liên quan đến cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp;
c) Từng cán bộ, công chức, viên chức
và người lao động căn cứ vào vị trí việc làm, nhiệm vụ được phân công xây dựng
kế hoạch công tác cụ thể báo cáo thủ trưởng đơn vị để quản lý, theo dõi, chỉ đạo,
giám sát;
d) Cán bộ, công chức, viên chức và người
lao động vi phạm kỷ luật, kỷ cương công vụ bị xem xét, xử lý kỷ luật nghiêm
minh theo đúng quy định của pháp luật. Thủ trưởng, cơ quan, đơn vị phải chịu
trách nhiệm của người đứng đầu về các vi phạm của công chức, viên chức và người
lao động trong phạm vi quản lý, không được bao che các hành vi vi phạm.
3. Tổ chức thực hiện
3.1. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa
án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Chánh án Tòa án nhân dân
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo quán triệt nội
dung Chỉ thị này tới cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ
quan, đơn vị. Báo cáo tình hình chấp hành kỷ cương, kỷ luật trong thi hành công
vụ định kỳ 03 tháng, 06 tháng và hằng năm của cơ quan, đơn vị gửi về Ban Thanh
tra Tòa án nhân dân tối cao (vào ngày cuối cùng của kỳ báo cáo) để tổng hợp báo
cáo phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của Chánh án Tòa án nhân dân tối
cao.
3.2. Ban Thanh tra Tòa án nhân dân tối
cao có trách nhiệm:
a) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm
tra công vụ; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng cơ chế giám
sát, phát hiện vi phạm trong hoạt động công vụ của các Tòa án nhân dân. Việc
xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra phải đúng trọng tâm, trọng điểm, tập
trung vào những cơ quan, đơn vị có nhiều sai phạm trong thi hành công vụ hoặc
có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo hoặc những lĩnh vực công tác có nhiều hạn chế,
thiếu sót, nhất là trong công tác xét xử của các Tòa án.
Xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra
theo chuyên đề, chú trọng kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của các
đơn vị Tòa án, đội ngũ công chức giữ chức danh tư pháp như: án quá hạn, án tạm
đình chỉ, việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, công tác xử lý, thụ lý
đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự, công tác hành chính tư pháp và thi
hành án hình sự của các Tòa án nhân dân, nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý
hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định
của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả
hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp
pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
b) Phối hợp với các cơ quan, đơn vị
liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc,
đơn thư khiếu nại, tố cáo các hành vi tiêu cực, tham nhũng đối với công chức và
người lao động thuộc các Tòa án trong thi hành công vụ. Tiến hành kiểm tra, xác
minh ngay khi có nguồn tin từ cơ quan, tổ chức, cá nhân về các hành vi vi phạm
như: Nhận hối lộ; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; ra bản án, quyết định trái pháp
luật; giả mạo trong công tác; làm sai lệch hồ sơ vụ án...của người tiến hành tố
tụng tại các Tòa án.
3.3. Vụ Tổ chức - Cán bộ Tòa án nhân
dân tối cao có trách nhiệm:
a) Tăng cường công tác tập huấn các văn
bản pháp luật mới, xây dựng kế hoạch, tổ chức bồi dưỡng chuyên sâu các kỹ năng
xét xử cho Thẩm phán. Thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính
trị, bản lĩnh nghề nghiệp và các kiến thức xã hội cho Thẩm phán; xây dựng đội
ngũ Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án nhân dân các cấp thực sự trong sạch,
vững mạnh, có đạo đức, có tài, công minh, chính trực và bản lĩnh vững vàng;
b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị
thuộc Tòa án nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân các cấp rà soát, nghiên cứu,
xây dựng và triển khai thực hiện các văn bản quy định về trách nhiệm của công
chức, viên chức và người lao động trong thi hành công vụ, nhất là trách nhiệm của
người đứng đầu trong các Tòa án nhân dân.
3.4. Báo Công lý, Tạp chí Tòa án nhân
dân, Truyền hình Tòa án nhân dân, Cổng thông tin điện tử Tòa án tăng cường công
tác tuyên truyền, phổ biến việc thực hiện Chỉ thị này. Thực hiện công tác tuyên
truyền, công khai, minh bạch bằng nhiều phương thức phù hợp nhằm nâng cao chất
lượng công tác của Tòa án nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội đối với các
hoạt động của Tòa án; phối hợp với các cơ quan thông tấn khác để thông tin,
tuyên truyền về những hoạt động của Tòa án.
3.5. Vụ Thi đua- Khen thưởng Tòa án
nhân dân tối cao tham mưu giúp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao bổ sung nội
dung bình xét, đánh giá, xếp loại thi đua đối với tập thể, cá nhân liên quan đến
việc thực hiện Chỉ thị này. Đánh giá, chấm điểm thi đua, khen thưởng hằng năm đối
với từng cơ quan, đơn vị để bình xét, trình cấp có thẩm quyền khen thưởng đối với
tập thể, cá nhân lập thành tích trong thi hành công vụ, để kịp thời biểu dương
người tốt, việc tốt và nhân rộng điển hình tiên tiến trong các Tòa án nhân dân.
3.6. Chánh án Tòa án quân sự Trung
ương căn cứ các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật nhà nước, yêu cầu của
Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và những nội dung nêu tại Chỉ thị này có
trách nhiệm triển khai thực hiện trong các Tòa án quân sự.
Ban Thanh tra Tòa án nhân dân tối cao
chủ trì, phối hợp với Vụ Tổ chức - Cán bộ, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, định kỳ
đánh giá, sơ kết, báo cáo Chánh án Tòa áp nhân dân tối cao về tình hình thực hiện
Chỉ thị này trong các Tòa án nhân dân./.
Nơi nhận:
- Chánh án TANDTC (để báo cáo);
- Các đ/c PCA TANDTC (để chỉ đạo thực hiện);
- Các đ/c Thẩm phán TANDTC;
- Tòa án quân sự Trung ương;
- Các Tòa án nhân dân cấp cao;
- Các đơn vị thuộc TANDTC;
- Tòa án nhân dân tỉnh và thành phố trực thuộc TW;
- Cổng thông tin điện tử TANDTC (để đăng);
- Lưu: VP, BTTr.
|
KT. CHÁNH ÁN
PHÓ CHÁNH ÁN
Nguyễn Văn Du
|