VIỆN KIỂM SÁT
NHÂN DÂN
TỐI CAO
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 08/HD-VKSTC
|
Hà Nội, ngày 05
tháng 01 năm 2022
|
HƯỚNG DẪN
THỰC
HIỆN CÔNG TÁC THỐNG KÊ NĂM 2022
Căn cứ Chỉ thị 01/CT-VKSTC ngày 27/12/2021 của Viện
trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) về công tác của ngành Kiểm sát
nhân dân năm 2022, Kế hoạch số 01/KH-VKSTC ngày 27/12/2021 về công tác trọng
tâm của VKSNDTC năm 2022; để thực hiện đầy đủ, hiệu quả các nhiệm vụ, Cục Thống
kê tội phạm và Công nghệ thông tin (Cục 2) VKSNDTC hướng dẫn thực hiện công tác
thống kê năm 2022 như sau:
I. YÊU CẦU, NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
Nâng cao chất lượng công tác thống kê, tăng cường số
hóa dữ liệu, các báo cáo thống kê nhằm phục vụ có hiệu quả cao hơn cho công tác
lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp và công tác quản lý, điều
hành các hoạt động nghiệp vụ kiểm sát, công tác tham mưu, tổng hợp báo cáo,
công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn hoạt động của Ngành.
II. CÁC NHIỆM VỤ CỤ THỂ
1. Công tác tham mưu, tổ chức
thực hiện công tác thống kê
1.1. Tham mưu cho lãnh đạo VKSND tối cao chỉ đạo thực
hiện các nội dung thuộc trách nhiệm của ngành Kiểm sát nhân dân được nêu trong
Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam[1] giai
đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
1.2. Rà soát, tham mưu đề xuất với Lãnh đạo VKSNDTC
sửa đổi, bổ sung các văn bản, quy định, hướng dẫn nghiệp vụ trong công tác thống
kê của Ngành.
1.3. Tham mưu cho Lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp tiếp
tục kiện toàn tổ chức, lựa chọn, bố trí công chức có năng lực, trình độ, kinh
nghiệm, tâm huyết làm công tác thống kê tại các đơn vị, đáp ứng khối lượng công
việc và yêu cầu nâng cao chất lượng, tăng cường chuyển đổi số công tác thống
kê. Trước khi luân chuyển, điều động công chức làm công tác thống kê, yêu cầu
phải đào tạo, hướng dẫn nghiệp vụ thống kê cho công chức thay thế, bảo đảm hoàn
thành nhiệm vụ.
1.4. Tăng cường kỷ luật công vụ trong công tác thống
kê, nhất là kỷ luật nhập thông tin, số liệu, so sánh, đối chiếu số liệu, kiểm
tra các báo cáo thống kê; nắm vững các tính năng, sử dụng thành thạo các phần mềm
thống kê, thực hiện chữ ký số các báo cáo thống kê.
1.5. Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ thống
kê, công nghệ thông tin và kiến thức về pháp luật, nghiệp vụ kiểm sát. Thường
xuyên tổng hợp, giải đáp khó khăn, vướng mắc; ban hành các văn bản hướng dẫn,
thông báo rút kinh nghiệm nghiệp vụ công tác thống kê.
Cục 2 xây dựng kế hoạch, nội dung tập huấn công tác
thống kê và các biểu mẫu thống kê mới cho toàn Ngành; tiến hành khảo sát, trực
tiếp hướng dẫn nghiệp vụ về công tác thống kê tại 03 đến 05 đơn vị, VKS địa
phương.
2. Thực hiện nghiêm Chế độ báo
cáo thống kê của Ngành
Các đơn vị trực thuộc VKSNDTC, VKSQS Trung ương,
các VKS cấp cao và VKS các địa phương thực hiện đầy đủ, thống nhất Chế độ báo
cáo thống kê ban hành kèm theo Quyết định số 560/QĐ-VKSTC ngày 13/11/2019 của
Viện trưởng VKSND tối cao. Trọng tâm là: Báo cáo thống kê 6 tháng, 12 tháng năm
2022; báo cáo thống kê phục vụ xây dựng Báo cáo của Viện trưởng VKSND tối cao tại
kỳ họp Thứ 3 và Thứ 4 Quốc hội khóa XV; tổng hợp, cung cấp số liệu gửi Ban Chỉ
đạo 138 ngành Kiểm sát nhân dân xây dựng các Báo cáo; tổng hợp, cung cấp số liệu
xây dựng các đề án cải cách tư pháp,...
Cập nhật, quản lý chặt chẽ số liệu, trước khi truyền
số liệu gửi lên cấp trên, gửi báo cáo, phải kiểm tra, so sánh, đối chiếu số liệu
bảo đảm chính xác, lô gích, phản ánh đúng tình hình, kết quả công tác của đơn vị.
Lưu ý, các báo cáo thống kê đột xuất, thống kê theo chuyên đề, nhất là đối với
những số liệu thường có sự chênh lệch lớn như: Số liệu về các trường hợp tạm
đình chỉ điều tra, truy tố, xét xử; số liệu về tạm giữ, tạm giam; thi hành án
hình sự, dân sự, hành chính; số liệu giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái
thẩm; số liệu về giải quyết khiếu nại, tố cáo,... bảo đảm số liệu trong các báo
cáo thống kê phải kịp thời, đầy đủ, chính xác và thống nhất với số liệu trong
báo cáo gửi các đơn vị nghiệp vụ, gửi Văn phòng VKSNDTC và số liệu thống kê đã
cập nhật vào các phần mềm để quản lý.
Lãnh đạo phụ trách công tác thống kê của đơn vị phải
thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra định kỳ, đột xuất, bảo đảm tính kết nối,
chính xác, thống nhất về số liệu thống kê của cùng 1 chỉ tiêu trong cùng 1 kỳ
báo cáo giữa báo cáo thống kê thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư
pháp và báo cáo thống kê vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp; giữa các biểu
mẫu thống kê có liên quan; giữa báo cáo thống kê và phụ lục thống kê đính kèm;
giữa báo cáo thống kê và báo cáo tổng hợp; giữa các bộ, ngành hữu quan (như: Cơ
quan điều tra hình sự, Tòa án, Cơ quan thi hành án,...) đối với những chỉ tiêu
liên quan. Nếu có sai sót, phải kịp thời hiệu chỉnh số liệu và báo cáo Viện kiểm
sát cấp trên theo quy định. Đối với những đơn vị có đính chính hoặc điều chỉnh
số liệu, ngoài việc báo cáo theo đường công văn (công văn phải do lãnh đạo Viện
ký) và truyền, gửi lại dữ liệu, các đơn vị cần điện thoại trực tiếp về Cục 2 để
kịp thời điều chỉnh, đề phòng trường hợp cả công văn đính chính bị thất lạc và
việc truyền lại dữ liệu không thành công.
3. Thực hiện Thống kê liên
ngành
Tiếp ký, lập và gửi đầy đủ báo cáo thống kê liên
ngành và phụ lục liên ngành; phụ lục “Những người bị tòa án tuyên phạt tử hình”
trong các giai đoạn tố tụng theo quy định. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu
quả thống kê hình sự liên ngành; tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời và thống nhất
các quy định của Thông tư liên tịch số 05/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP ngày
12/11/2018 của Viện trưởng VKSND tối cao, Chánh án TAND tối cao, Bộ trưởng Bộ
Công an và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định phối hợp giữa các cơ quan trong thực
hiện thống kê hình sự và các biểu mẫu thống kê liên ngành ban hành theo Quyết định
số 71/QĐ-VKSTC ngày 08/3/2019 của Ban Chỉ đạo Thống kê liên ngành trung ương
ban hành Biểu mẫu và Giải thích biểu mẫu thống kê hình sự liên ngành. Phát huy
tốt vai trò của Trưởng ban Ban Chỉ đạo và Tổ trưởng Tổ giúp việc thống kê hình
sự liên ngành; chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên ngành cùng cấp
trong hoạt động lập, đối chiếu và gửi báo cáo thống kê hình sự theo quy định; bảo
đảm tính chính xác của số liệu thống kê đã đối chiếu.
4. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống
biểu mẫu thống kê
Nghiên cứu, xây dựng biểu mẫu thống kê mới như: Thống
kê bị hại trong các vụ án mua bán người; thống kê về kiểm sát quyết định, bản
án phải thi hành về áp dụng, thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh,...
Các đơn vị thuộc VKSNDTC, Viện kiểm sát các cấp cần phối hợp chặt chẽ với Cục 2
trong việc nghiên cứu xây dựng, sửa đổi, bổ sung biểu mẫu thống kê cũng như xây
dựng các phần mềm nội bộ mới, kiểm thử trước khi đưa vào hoạt động, bảo đảm đầu
tư đồng bộ, hiệu quả, có tính liên thông và ứng dụng cao trong toàn Ngành.
5. Hệ thống hóa, lưu trữ số liệu
thống kê
Hệ thống biểu mẫu thống kê nghiệp vụ trong ngành Kiểm
sát nhân dân đã nhiều lần được nâng cấp, sửa đổi (thêm chức năng, tiêu chí,
thay đổi các điều luật, mẫu báo cáo,...) để đáp ứng với các quy định của pháp
luật và nhu cầu quản lý. Đi kèm với sự thay đổi của hệ thống biểu mẫu là Hệ thống
phần mềm thống kê. Do đó, để tổng hợp số liệu báo cáo khi cần thiết theo yêu cầu
và bảo đảm sự thống nhất về số liệu các đơn vị cần phải lưu trữ có hệ thống các
tệp số liệu theo từng kỳ báo cáo hằng tuần, tháng, quý, 6 tháng, 12 tháng,...
cũng như bộ cài đặt phần mềm tương ứng với từng Hệ thống biểu mẫu.
Cục 2 chủ trì xây dựng, trình phê duyệt, tổ chức thực
hiện Kế hoạch hệ thống hóa, số hóa, lưu trữ số liệu thống kê của toàn Ngành, phục
vụ việc quản lý, khai thác, sử dụng lâu dài, đồng thời góp phần chuyển đổi số
công tác lưu trữ.
6. Áp dụng chữ ký số các loại
báo cáo thống kê
Cục 2 hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị tăng
cường chuyển đổi số công tác thống kê, phấn đấu đến hết Quý II/2022 thực hiện
chữ ký số các loại báo cáo thống kê của các đơn vị trong Ngành, truyền dữ liệu
thống kê được số hóa, bảo đảm tính chính xác, đầy đủ và kịp thời của số liệu thống
kê.
7. Tăng cường phối hợp trong
công tác thống kê
Tăng cường phối hợp giữa Viện kiểm sát với các cơ
quan, đơn vị có liên quan như: Cơ quan Công an, Tòa án, Cơ quan Thi hành án,...
trong thực hiện các thống kê liên ngành, đối chiếu, so sánh, liên thông, chia sẻ
dữ liệu thống kê; học tập, trao đổi kinh nghiệm nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng
các báo cáo thống kê, bảo đảm tính chính xác, thống nhất về số liệu. Tranh thủ
sự hỗ trợ của địa phương, các dự án quốc tế để nâng cao năng lực thực hiện công
tác thống kê.
Trên đây là hướng dẫn thực hiện công tác thống kê
năm 2022, yêu cầu các đơn vị, Viện kiểm sát các cấp nghiên cứu, quán triệt và tổ
chức thực hiện nghiêm túc. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc cần kịp
thời trao đổi với Cục 2, VKSNDTC để được hướng dẫn./.
Nơi nhận:
- Lãnh đạo VKSNDTC (để b/c);
- VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các VKSND cấp cao;
- Các đơn vị nghiệp vụ thuộc VKSNDTC;
- Viện kiểm sát quân sự Trung ương;
- Văn phòng VKSND tối cao (P.TMTH);
- Lãnh đạo Cục và các phòng thuộc Cục 2;
- Lưu: VT, Cục 2.
|
TL. VIỆN TRƯỞNG
CỤC TRƯỞNG CỤC THỐNG KÊ TỘI PHẠM VÀ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN
Nguyễn Như Hùng
|
[1] Được phê duyệt
theo Quyết định số 2014/QĐ-TTg ngày 01/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ.