BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
2181/QĐ-BNN-TCTS
|
Hà Nội, ngày 17
tháng 6 năm 2022
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 1507/QĐ-TTG NGÀY
13 THÁNG 9 NĂM 2021 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH THỰC HIỆN
HIỆP ĐỊNH THỰC THI CÁC QUY ĐỊNH CÔNG ƯỚC CỦA LIÊN HỢP QUỐC VỀ LUẬT BIỂN NGÀY 10
THÁNG 12 NĂM 1982 VỀ BẢO TỒN VÀ QUẢN LÝ ĐÀN CÁ LƯỠNG CƯ VÀ DI CƯ XA ĐẾN NĂM
2025
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số
15/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ về việc quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn;
Căn cứ Quyết định số
1507/QĐ-TTg ngày 13 tháng 9 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt
Kế hoạch thực hiện Hiệp định thực thi các quy định Công ước của Liên hợp quốc về
Luật biển ngày 10 tháng 12 năm 1982 về bảo tồn và quản lý đàn cá lưỡng cư và di
cư xa đến năm 2025;
Theo đề nghị của Tổng cục
trưởng Tổng cục Thủy sản.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Giao nhiệm vụ cho các cơ quan thuộc Bộ tham mưu và tổ chức
thực hiện các nhiệm vụ của Bộ quy định tại Quyết định số 1507/QĐ-TTg ngày 13
tháng 9 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện
Hiệp định thực thi các quy định Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển ngày 10
tháng 12 năm 1982 về bảo tồn và quản lý đàn cá lưỡng cư và di cư xa đến năm
2025 (sau đây gọi tắt là Hiệp định), cụ thể như sau:
1. Tổng cục
Thủy sản
a) Chủ trì tổng hợp, biên soạn,
và phát hành tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn thực thi Hiệp định, khung pháp lý
và các biện pháp quản lý và bảo tồn của các tổ chức nghề cá khu vực và quốc tế
có liên quan.
b) Tổ chức thực hiện truyền
thông, phổ biến, giới thiệu Hiệp định; khung pháp lý và các biện pháp quản lý
và bảo tồn của các tổ chức nghề cá khu vực và quốc tế có liên quan.
c) Chủ trì xác định nhu cầu và
tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ khoa học, cán bộ quản
lý, theo dõi, kiểm tra, giám sát nhằm thực hiện hiệu quả các chính sách và biện
pháp quản lý nghề cá theo quy định của Hiệp định; tăng cường năng lực cho đội
ngũ cán bộ thực hiện nghiên cứu, điều tra, khảo sát nguồn lợi thủy sản và môi
trường sống của loài thủy sản, đặc biệt là các loài thủy sản lưỡng cư và di cư
xa.
d) Rà soát, hoàn thiện khung
pháp lý, chính sách để thực hiện hiệu quả Hiệp định; các biện pháp quản lý và bảo
tồn các loài thủy sản lưỡng cư và di cư xa đảm bảo phù hợp với quy định của
Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và các tổ chức quản lý nghề cá
khu vực có liên quan.
đ) Xây dựng, hướng dẫn thực hiện
các biện pháp quản lý, bảo tồn đảm bảo nguồn lợi các loài thủy sản lưỡng cư và
di cư xa là đối tượng khai thác chủ lực của các nghề khai thác thủy sản được
duy trì hoặc phục hồi; xây dựng, hướng dẫn thực hiện biện pháp quản lý nghề cá
nhằm xóa bỏ tình trạng khai thác quá mức, bảo đảm cường lực khai thác phù hợp với
khả năng cho phép khai thác của nguồn lợi thủy sản.
e) Chủ trì xây dựng, ban hành kịp
thời các quy định, biện pháp quản lý và bảo tồn (trọng tâm là quy định về sản
lượng và cường lực khai thác) đối với các nghề khai thác thủy sản mới phát sinh
hoặc nghề khai thác mang tính thử nghiệm, thăm dò; nghiên cứu, đánh giá tác động
của nghề này đối với nguồn lợi các loài thủy sản lưỡng cư và di cư xa làm cơ sở
điều chỉnh, bổ sung các quy định có liên quan.
g) Xây dựng hệ thống phần mềm
theo dõi, kiểm tra, giám sát (MCS) từ trung ương đến địa phương để thực thi Hiệp
định và các biện pháp liên quan đến trách nhiệm của quốc gia treo cờ, quốc gia
ven biển và quốc gia tham gia vào thương mại quốc tế.
h) Xây dựng, trình cấp có thẩm
quyền ban hành và tổ chức thực hiện chính sách chuyển đổi sinh kế cho ngư dân
làm nghề khai thác không thân thiện với môi trường và nguồn lợi thủy sản.
i) Triển khai các chương trình
điều tra, nghiên cứu khoa học và đề xuất các biện pháp kỹ thuật phù hợp phục vụ
công tác quản lý và bảo tồn loài thủy sản lưỡng cư và di cư xa; xây dựng và tổ
chức thực hiện các chương trình nghiên cứu và thu thập số liệu nhằm đánh giá
tác động của khai thác thủy sản đối với loài thủy sản lưỡng cư và di cư xa và
các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm liên quan khác để đề xuất các biện pháp kỹ
thuật phù hợp phục vụ công tác quản lý và bảo tồn loài thủy sản lưỡng cư và di
cư xa; điều tra, nghiên cứu xác định các chỉ số khoa học, giá trị tham chiếu về
nguồn lợi và nghề cá chục vụ quản lý khai thác, sử dụng bền vững loài thủy sản
lưỡng cư và di cư xa; nghiên cứu xác định chu kỳ di cư ra/vào vùng biển Việt
Nam của các loài thủy sản lưỡng cư và di cư xuyên biên giới phục vụ công tác quản
lý.
k) Chủ trì hợp tác với các quốc
gia có liên quan hoặc thông qua cơ chế hợp tác phù hợp để thống nhất và tổ chức
thực hiện các biện pháp quản lý, bảo tồn loài thủy sản di cư, lưỡng cư trong
vùng biển liền kề với biển cả; đảm bảo bảo tồn, khai thác tối ưu loài thủy sản
di cư xa trong và ngoài vùng biển thuộc quyền tài phán; hợp tác, phối hợp xác
minh và cung cấp thông tin về các trường hợp vi phạm cho các quốc gia và tổ chức
quốc tế có liên quan; hợp tác quốc tế về chia sẻ kết quả nghiên cứu khoa học, dữ
liệu và số liệu thống kê liên quan đến khai thác và nguồn lợi các loài thủy sản
lưỡng cư và di cư xa.
l) Chủ trì xây dựng, thiết lập
hệ thống thu thập, chia sẻ thông tin của các cơ quan, đơn vị thực thi Hiệp định;
cập nhật báo cáo tình hình thực hiện Hiệp định nhằm cung cấp cho các tổ chức quản
lý nghề cá khu vực và quốc tế khi có yêu cầu hoặc thực hiện các cam kết, nghĩa
vụ quốc gia đối với tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc không phải
thành viên nhưng có hợp tác.
m) Trên cơ sở kết quả triển
khai Hiệp định, phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế, hàng năm tham mưu Bộ báo cáo
Thủ tướng Chính phủ và gửi Bộ Ngoại giao, đề xuất xử lý các khó khăn, vướng mắc,
sửa đổi, bổ sung khung pháp lý có liên quan (nếu có).
n) Chủ trì tham mưu Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong
việc thực hiện bảo vệ đa dạng sinh học biển và các hệ sinh thái biển; giảm thiểu
ô nhiễm môi trường, rác thải đại dương; giảm sản lượng khai thác không chủ ý, tỷ
lệ chết do ngư cụ bị vứt bỏ hoặc mất trên biển thông qua các biện pháp khai
thác thủy sản thân thiện có trách nhiệm.
2. Vụ Hợp
tác quốc tế
a) Chủ trì thu thập, biên dịch
tài liệu về Hiệp định thực thi các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về
Luật Biển ngày 10 tháng 12 năm 1982 về bảo tồn và quản lý đàn cá lưỡng cư và di
cư xa; khung pháp lý và các công cụ quốc tế, khu vực có liên quan gửi Tổng cục
Thủy sản để tổng hợp, biên soạn, in ấn tài liệu tuyên truyền.
b) Định kỳ trước 30 tháng 7
hàng năm, trên cơ sở báo cáo của các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan, tổng hợp
tình hình thực hiện Hiệp định, tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
báo cáo Thủ tướng Chính phủ và gửi Bộ Ngoại giao, đề xuất xử lý các khó khăn,
vướng mắc, sửa đổi, bổ sung khung pháp lý có liên quan (nếu có).
c) Chủ trì thiết lập cơ chế hợp
tác, trao đổi, chia sẻ thông tin, giải quyết tranh chấp với các nước, tổ chức
quốc tế, tổ chức quản lý nghề cá khu vực để thực thi Hiệp định.
d) Đầu mối phối hợp Vụ Pháp chế
tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Ngoại giao và
các cơ quan liên quan giải quyết tranh chấp giữa Việt Nam với các quốc gia và
vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế và khu vực trong việc thực thi Hiệp định phù
hợp với khung pháp lý và các công cụ quốc tế, khu vực có liên quan.
3. Vụ Pháp
chế
Phối hợp với Tổng cục Thủy sản,
Vụ Hợp tác quốc tế và các đơn vị có liên quan rà soát, xây dựng, hoàn thiện
khung pháp lý, chính sách đảm bảo tuân thủ thực thi các quy định của Công ước của
Liên hợp quốc về Luật Biển ngày 10 tháng 12 năm 1982 về bảo tồn và quản lý đàn
cá lưỡng cư và di cư xa.
4. Vụ Khoa
học công nghệ và Môi trường
Chủ trì tham mưu các hoạt động
nghiên cứu cải tiến các phương pháp, công nghệ, kỹ thuật khai thác thủy sản nhằm
giảm tỷ lệ khai thác không chủ ý, tỷ lệ chết do ngư cụ bị vứt bỏ hoặc mất trên
biển.
5. Vụ Tài
chính
Cân đối, bố trí kinh phí cho
các đơn vị được giao triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định trên cơ sở kinh
phí được cấp hàng năm.
Điều 2.
Thủ trưởng các cơ quan chủ động bố trí nguồn lực, tổ chức
thực hiện nhiệm vụ được giao, định kỳ báo cáo tiến độ và kết quả thực hiện về Tổng
cục Thủy sản trước ngày 30 tháng 6 hàng năm (hoặc đột xuất khi có yêu cầu) để tổng
hợp, báo cáo Bộ trưởng.
Điều 3.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Bộ, Tổng cục
trưởng Tổng cục Thủy sản, Vụ trưởng các Vụ: Tài chính, Hợp tác quốc tế, Pháp chế,
Khoa học công nghệ và Môi trường, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc
Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Phó thủ tướng Lê Văn Thành (để b/c);
- Bộ trưởng (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW ven biển (để p/h);
- Cổng thông tin điện tử Bộ NN&PTNT;
- Lưu: VT, TCTS.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Phùng Đức Tiến
|