Kính gửi:
|
- Các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam;
- BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
|
Thực hiện Kế hoạch số
4256/KH-BHXH ngày 20/11/2024 của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam về triển khai
thi hành Luật BHXH số 41/2024/QH15, Nghị quyết số 142/2024/QH15 của Quốc hội và
các Quyết định số 717/QĐ-TTg, Quyết định số 1370/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ
(Kế hoạch số 4256/KH-BHXH); nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất trong quá trình
tổ chức triển khai Luật BHXH số 41/2024/QH15 (Luật BHXH năm 2024), kịp thời đưa
chính sách BHXH thực sự đi vào cuộc sống, góp phần hiệu quả trong việc đảm bảo
quyền lợi an sinh xã hội lâu dài, bền vững cho người dân, người lao động, BHXH
Việt Nam đề nghị các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, BHXH các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là đơn vị) thực hiện truyền thông
chuyên đề về Luật BHXH năm 2024, cụ thể như sau:
1. Nội dung
truyền thông[1]
1.1. Quan điểm, mục tiêu của việc
ban hành Luật BHXH năm 2024; khẳng định một trong các mục tiêu khi xây dựng Luật
BHXH năm 2024 là kế thừa và gia tăng quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham
gia BHXH; tạo điều kiện thuận lợi để mọi người lao động được tham gia và thụ hưởng
các chế độ BHXH. Hoàn thiện quy định quản lý nhà nước và hệ thống tổ chức thực
hiện chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, công khai, minh bạch.
1.2. Nội dung mới cơ bản của Luật
BHXH năm 2024 về đối tượng tham gia, quyền, lợi ích, trách nhiệm của người tham
gia, của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; quy định xử lý tình trạng chậm
đóng, trốn đóng BHXH; tính nhân văn, ưu việt của Luật BHXH năm 2024, cụ thể:
- Những điểm mới liên quan đến
người lao động, người sử dụng lao động
- Những điểm mới liên quan đến
vai trò, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp.
1.3. Những điểm mới liên quan đến
quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan BHXH.
1.4. Những quy định mới liên
quan đến thủ tục tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH.
1.5. Quyền, lợi ích gia tăng của
các chế độ, chính sách mới của Luật BHXH năm 2024 thông qua các nhân vật thực tế
tại địa phương là những người được thụ hưởng. Niềm vui, cảm xúc của: Người tham
gia BHXH tự nguyện khi được nhận chế độ thai sản; người được hưởng lương hưu
khi tham gia BHXH từ đủ 15 năm trở lên; người được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội,
trợ cấp hằng tháng đối với người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu và
chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội… Đánh giá của người hưởng về việc cơ
quan BHXH đã kịp thời giải quyết, chi trả các chế độ BHXH.
2. Hình thức
truyền thông
Bám sát tinh thần Chỉ thị số
07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác truyền
thông chính sách, căn cứ hướng dẫn tại Kế hoạch công tác thông tin, truyền
thông hằng năm của BHXH Việt Nam, Kế hoạch, kịch bản công tác thông tin, truyền
thông hằng năm của đơn vị, các đơn vị chủ động triển khai các hoạt động truyền
thông chính sách BHXH đa dạng, linh hoạt, phù hợp với từng nhóm chủ thể được
truyền thông; đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, chống lãng phí theo tinh thần Chỉ thị
số 27-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng
đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (Chỉ thị số 27-CT/TW), chỉ
đạo về “Chống lãng phí”[2]
của Tổng Bí thư Tô Lâm, Chỉ thị số 150-CT/BCSĐ ngày 12/11/2024 của Ban Cán sự Đảng
BHXH Việt Nam về tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngành BHXH Việt
Nam (Chỉ thị số 150-CT/BCSĐ). Trong đó, chú trọng một số hình thức sau:
2.1. Truyền thông qua các
phương tiện thông tin đại chúng
- Phối hợp triển khai các tuyến
tin, bài, tọa đàm, tiểu phẩm, Infographic,… truyền thông về các nội dung tại mục
1 Công văn này đăng tải trên các phương tiện truyền thông của các cơ quan thông
tấn, báo chí Trung ương và địa phương; ưu tiên các sản phẩm phù hợp để truyền
thông trên mạng xã hội và qua các ứng dụng di động.
- Cung cấp, định hướng thông
tin truyền thông Luật BHXH năm 2024 cho đội ngũ báo cáo viên các cấp và các cơ
quan báo chí thông qua hội nghị báo cáo viên hằng tháng, qua hệ thống tin, bài
viết trên các ấn phẩm của Ban Tuyên giáo.
- Tăng cường các bản tin,
chuyên đề, tiểu phẩm phát thanh về Luật BHXH năm 2024 trên hệ thống loa truyền
thanh cơ sở và các chương trình truyền thông lưu động.
2.2. Truyền thông trên
các phương tiện truyền thông của Ngành, môi trường Internet và mạng xã hội
- Tăng cường số lượng, tần suất
đăng tải, chia sẻ các văn bản, tin, bài chuyên sâu, bài phỏng vấn, chương trình
tọa đàm, clip, Infographic,… trên: Cổng Thông tin điện tử (TTĐT) BHXH Việt Nam
và Cổng TTĐT BHXH các tỉnh; Cổng TTĐT của các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã
hội tại địa phương; các kênh truyền thông mạng xã hội của BHXH Việt Nam và BHXH
các tỉnh.
- Tổ chức các hội nghị trực tuyến
(livestream), hội thi tìm hiểu chính sách, pháp luật BHXH trên môi trường
Internet.
- Duy trì cung cấp thông tin tại
mục 1 Công văn này trong mục Tin tức trên ứng dụng VssID - BHXH số.
- Lồng ghép truyền thông qua hệ
thống Tổng đài hỗ trợ và các hoạt động chăm sóc khách hàng của Ngành.
2.3. Truyền thông trực tiếp
qua các hội nghị truyền thông, tư vấn, đối thoại, gian hàng
- Tổ chức các hội nghị truyền
thông, hội nghị tư vấn, đối thoại chính sách,….
- Phối hợp với các sở, ngành, tổ
chức chính trị - xã hội tích cực triển khai các hoạt động truyền thông hiệu quả,
phù hợp; nhất là đối với các đơn vị có liên quan trực tiếp như: Sở Lao động -
Thương binh & Xã hội, Liên đoàn Lao động, Ban Quản lý Khu công nghiệp - Khu
chế xuất,…
- Truyền thông trực tiếp tại: Bộ
phận “Một cửa” của cơ quan BHXH tỉnh/huyện; Trung tâm Hành chính công của Ủy
ban nhân dân các tỉnh, thành phố; các Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh.
- Truyền thông lồng ghép tại
các buổi sinh hoạt của hội, đoàn thể; các cuộc họp Chi bộ, họp Tổ dân phố, buổi
họp giao ban; các hoạt động văn hóa theo tập tục, tập quán từng địa phương.
- Tổ chức các gian hàng tư vấn,
gian hàng an sinh.
2.4. Truyền thông qua các
sản phẩm truyền thông
- Biên tập, cập nhật, thiết kế
và sản xuất các sản phẩm truyền thông như: Tờ rơi, tờ gấp, Infographic, motion
graphics, tiểu phẩm phát thanh/truyền hình,… về các nội dung nêu tại mục 1 Công
văn này (đảm bảo có đầy đủ cả sản phẩm truyền thông BHXH bắt buộc và BHXH tự
nguyện); Ưu tiên sử dụng các sản phẩm truyền thông online, truyền thông qua QR
code, trên các ứng dụng di động, nền tảng mạng xã hội.
- Xây dựng tài liệu truyền thông,
niêm yết tại bảng tin công cộng, màn hình tại khu dân cư, lồng ghép trong các
loại hình thông tin, truyền thông văn hóa cơ sở khác (nếu phù hợp).
3. Tổ chức
thực hiện
3.1.
Trung tâm Truyền thông
- Là đầu mối cung cấp thông
tin, hướng dẫn, đôn đốc BHXH các tỉnh triển khai thực hiện.
- Thực hiện tuyến tin, bài,…
truyền thông về các nội dung tại mục 1 Công văn này trên các: phương tiện truyền
thông của Ngành; kênh truyền thông của các cơ quan thông tấn, báo chí Trung
ương; trên môi trường Internet, mạng xã hội; trong đó, chú trọng các sản phẩm
truyền thông hiện đại, có thể dễ dàng tiếp cận trên ứng dụng điện thoại di động
(Infographic, motion graphics,…). Phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức
chính trị - xã hội đẩy mạnh truyền thông về những điểm mới của Luật BHXH năm
2024 theo từng nhóm chủ thể tại các hội nghị, hội thảo, hội thi (nếu cần thiết).
- Tiếp tục chủ động nắm bắt các
thông tin được báo chí và dư luận xã hội quan tâm trong quá trình tổ chức thực
hiện Luật BHXH năm 2024 để kịp thời báo cáo, phối hợp với các đơn vị có liên
quan kịp thời đề xuất với Lãnh đạo Ngành các giải pháp thông tin, truyền thông
phù hợp, hiệu quả.
- Biên tập, cập nhật các sản phẩm
truyền thông đã sản xuất hoặc sản xuất mới các sản phẩm truyền thông về BHXH
(clip ngắn, Infographic, tờ rơi, tờ gấp, tiểu phẩm truyền thanh/truyền hình,
file phát thanh…) cung cấp cho BHXH các tỉnh tổ chức truyền thông và cung cấp
các sản phẩm truyền thông phù hợp cho Trung tâm Công nghệ thông tin để đăng tải
trên ứng dụng VssID - BHXH số.
3.2. Tạp
chí BHXH
- Chủ động thực hiện, đăng tải
tuyến tin, bài chuyên sâu và các sản phẩm báo chí hiện đại theo các nội dung
truyền thông tại mục 1 Công văn này.
- Chủ động, kịp thời cung cấp
các sản phẩm truyền thông phù hợp cho Trung tâm Công nghệ thông tin để đăng tải
trên ứng dụng VssID - BHXH số.
3.3.
Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng
- Tổ chức truyền thông lồng
ghép trong các chương trình chăm sóc khách hàng của đơn vị (hội nghị đối thoại,
tư vấn,…); qua hệ thống Tổng đài chăm sóc khách hàng của Ngành.
- Tăng cường công tác tư vấn,
giải đáp những nội dung liên quan đến Luật BHXH năm 2024 trên Cổng TTĐT BHXH Việt
Nam và Fanpage BHXH Việt Nam.
3.4.
Trung tâm Công nghệ thông tin
Duy trì liên kết thông tin từ Cổng
TTĐT BHXH Việt Nam với mục Tin tức trên ứng dụng VssID - BHXH số; kịp thời cập
nhật trên ứng dụng VssID - BHXH số các sản phẩm truyền thông phù hợp do Trung
tâm Truyền thông, Tạp chí BHXH sản xuất và gửi Trung tâm Công nghệ thông tin để
truyền thông đến người dùng ứng dụng.
3.5. Các
đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được
giao, các đơn vị phối hợp với Trung tâm Truyền thông:
- Chủ động, kịp thời cung cấp
các thông tin cần truyền thông về Luật BHXH năm 2024.
- Trong quá trình thực hiện chức
năng, nhiệm vụ của đơn vị, chủ động nắm bắt, dự báo luồng thông tin liên quan
và đề xuất các nội dung cần truyền thông liên quan đến Luật BHXH năm 2024 phát
sinh mới theo thực tiễn.
3.6.
BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Chủ động báo cáo Cấp ủy đảng,
chính quyền, Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT; phối hợp với Sở Lao động
- Thương binh & Xã hội, các sở, ban, ngành, các cơ quan thông tấn, báo chí
tại địa phương và các đơn vị có liên quan tăng cường các hoạt động truyền thông
Luật BHXH năm 2024 đảm bảo kịp thời, đa dạng, linh hoạt; chủ động xây dựng kịch
bản truyền thông phù hợp với tình hình, diễn biến thực tế của địa phương đảm bảo
linh hoạt, sáng tạo, phù hợp; ưu tiên sử dụng các hình thức truyền thông số,
truyền thông đa phương tiện, trên môi trường Internet, mạng xã hội nhằm thực hiện
hiệu quả việc tiết kiệm, chống lãng phí.
- Tiếp tục nâng cao vai trò,
trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác truyền thông Luật
BHXH năm 2024 theo hướng dẫn tại Công văn này đảm bảo thường xuyên, phù hợp, tiết
kiệm và hiệu quả.
- Chú trọng đẩy mạnh sản xuất,
đăng tải các tin, bài theo các nội dung truyền thông tại mục 1 Công văn này
trên: Cổng TTĐT, các trang mạng xã hội,… của BHXH tỉnh, Ủy ban nhân dân và các
sở, ngành liên quan; hệ thống loa truyền thanh cơ sở. Đồng thời, phối hợp với
Ban Tuyên giáo Tỉnh/Thành ủy cung cấp, định hướng thông tin truyền thông Luật
BHXH năm 2024 cho đội ngũ báo cáo viên các cấp và các cơ quan báo chí trên địa
bàn.
- Rà soát, cập nhật các sản phẩm
truyền thông đã sản xuất hoặc sản xuất mới các sản phẩm truyền thông về BHXH
(clip ngắn, Infographic, tờ rơi, tờ gấp, tiểu phẩm truyền thanh/truyền hình,
file phát thanh…); ưu tiên sử dụng các sản phẩm truyền thông online, truyền
thông qua QR code, trên các ứng dụng di động,… đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả,
không lãng phí.
- Chủ động, thường xuyên kiểm
soát, nắm bắt thông tin về tình hình triển khai thực hiện Luật BHXH năm 2024
trên địa bàn để kịp thời lựa chọn nội dung, hình thức, giải pháp truyền thông
phù hợp.
- Kịp thời nắm bắt các thông
tin, kiến nghị, đề xuất của chủ sử dụng lao động, người lao động, người dân về
chính sách, pháp luật BHXH; từ đó chủ động định hướng công tác truyền thông
theo đúng chức trách, nhiệm vụ và phạm vi quản lý, có giải pháp hỗ trợ truyền
thông, tư vấn kịp thời và báo cáo về BHXH Việt Nam.
- Chỉ đạo, hướng dẫn BHXH cấp
quận, huyện triển khai truyền thông phù hợp với điều kiện thực tế tại địa
phương.
Trên đây là hướng dẫn về việc
tăng cường truyền thông chuyên đề về Luật BHXH năm 2024. BHXH Việt Nam yêu cầu
các đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có
vướng mắc liên hệ về BHXH Việt Nam (qua Trung tâm Truyền thông) để được
hướng dẫn chi tiết./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Tổng Giám đốc (để b/c);
- Các Phó TGĐ;
- Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo TƯ;
- Vụ BHXH, Bộ LĐ-TB&XH;
- BHXH: Bộ Quốc phòng, Công an Nhân dân;
- Cổng TTĐT BHXH Việt Nam;
- Lưu: VT, TT.
|
KT. TỔNG GIÁM ĐỐC
PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC
Đào Việt Ánh
|
[1] Lưu ý:
- Nội dung truyền thông chi
tiết tại điểm 1.1 và 1.2: Tại Phụ lục đính kèm Công văn này.
- Nội dung truyền thông tại
điểm 1.3 và 1.4: Sẽ được ban hành vào thời điểm thích hợp (sau khi có Nghị định
và các văn bản hướng dẫn cụ thể).
- Nội dung truyền thông tại điểm 1.5: Các đơn vị
chủ động truyền thông sau khi Luật BHXH năm 2024 có hiệu lực.
[2]
Báo Nhân dân đăng ngày 13/10/2024:
https://special.nhandan.vn/chong-lang-phi/index.html