BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 5260/BNN-TCTS
V/v trả lời kiến
nghị cử tri gửi trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV
|
Hà Nội, ngày 11 tháng 8 năm 2022
|
Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Cà Mau do Ban Dân nguyện - Ủy ban
Thường vụ Quốc hội chuyển đến tại Công văn số 487/BDN ngày 14/6/2022, nội dung
kiến nghị như sau:
Nội dung kiến nghị (Câu số 74)
Cử tri phản ánh thời gian qua công
tác kiểm soát khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy
định (IUU) được thực hiện quyết liệt, tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước
ngoài giảm rõ rệt. Bên cạnh đó, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc trong quá
trình thực hiện nhiệm vụ:
(i) Tình trạng tàu cá bị mất tín
hiệu kết nối vệ tinh khi hoạt động trên biển chưa rõ nguyên nhân (Lỗi kỹ
thuật của thiết bị, hệ thống; không đóng cước thuê bao dịch vụ giám sát hành
trình và các nguyên nhân khách quan, chủ quan khác) vẫn còn diễn ra.
(ii) Chưa có cơ sở xác định được
nguyên nhân thiết bị VMS mất tín hiệu kết nối và cơ sở pháp lý để xử phạt đối
với đơn vị cung cấp thiết bị VMS không đạt yêu cầu kỹ thuật; quy chuẩn kỹ thuật
quốc gia cho thiết bị VMS chưa được ban hành để kiểm soát chất lượng; chưa có
ràng buộc trách nhiệm của các đơn vị cung cấp khi chủ tàu thiệt hại kinh tế do
phải đưa tàu cá vào cảng trong vòng 10 ngày theo quy định tại điểm g khoản 3,
Điều 44 Nghị định số 26/2019/NĐ-CP để khắc phục tình trạng thiết bị VMS mất tín
hiệu kết nối do lỗi kỹ thuật.
(iii) Tàu cá đăng ký tại một tỉnh,
đã sang bán sang tỉnh khác nhưng nhà mạng chưa chuyển thiết bị giám sát hành
trình cho tỉnh khác quản lý nên việc mời chủ tàu đến làm việc rất khó khăn.
Từ những thực trạng trên, cử tri
kiến nghị Bộ tham mưu trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ
sung Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 quy định chi tiết một số điều và
biện pháp thi hành Luật Thủy sản; trong đó:
(i) Bổ sung các nội dung quy định
về: “Xử lý thông tin tàu cá vi phạm không bật thiết bị giám sát hành trình”;
“Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật thiết bị giám sát hành trình tàu cá”; “Quy định
trách nhiệm đơn vị cung cấp, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá”; “Tàu
cá vượt ra ngoài ranh giới trên biển bị phát hiện qua hệ thống giám sát hành
trình”.
(ii) Sửa đổi điểm c, khoản 1, Điều
42 như sau: “c) Vùng khơi được giới hạn bởi tuyến lộng và ranh giới phía
ngoài của vùng biển Việt Nam”.
(iii) Sửa đổi điểm a, khoản 1, Điều
43 như sau: “a) Tàu có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên hoạt động tại
vùng khơi, không được hoạt động tại vùng ven bờ và vùng lộng trừ tàu cá khai
thác cá cơm, khai thác ruốc theo mùa vụ và nghề câu”.
(iv) Bổ sung vào điểm g, khoản 3,
Điều 44 nội dung: “Trường hợp tàu cá nằm bờ không hoạt động trên biển do mùa
vụ, sửa chữa tàu,... từ 30 ngày trở lên nếu dừng hoạt động thiết bị giám sát
hành trình, chủ tàu phải báo cáo cho cơ quan quản lý thủy sản địa phương trước
05 ngày”.
(v) Sửa đổi khoản 4, Điều 45 như
sau: “4. Thời hạn của giấy phép khai thác thủy sản cấp lần đầu: Không quá
thời hạn còn lại của hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản đã được công bố”.
(vi) Có cơ chế, quy định, hướng dẫn
việc kiểm tra tàu cá, giám sát sản lượng, thành phần loài thủy sản bốc dỡ
không qua các cảng cá chỉ định để phục vụ cho việc xác nhận nguyên liệu thủy
sản và chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác theo điều kiện đặc thù của
tỉnh.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn xin trả lời như sau:
1. Về kiến nghị bổ sung các nội dung
quy định về: “Xử lý thông tin tàu cá vi phạm không bật thiết bị giám sát
hành trình”; “ban hành Quy chuẩn kỹ thuật thiết bị giám sát hành trình tàu cá”;
“quy định trách nhiệm đơn vị cung cấp, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu
cá”; “tàu cá vượt ra ngoài ranh giới trên biển bị phát hiện qua hệ thống giám
sát hành trình”.
a) Về “Xử lý thông tin tàu cá vi
phạm không bật thiết bị giám sát hành trình”: Nghị định số 42/2019/NĐ-CP
ngày 16/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực
thủy sản (Nghị định số 42/2019/NĐ- CP), đã quy định rõ hành vi vi phạm và hình
thức xử lý, như sau:
- “Không duy trì hoạt động hoặc
vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển
đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên, trừ trường hợp bất khả
kháng” - điểm d, khoản 1, Điều 20.
- “Không duy trì hoạt động hoặc
vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển
đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên trong trường hợp tái
phạm hoặc vi phạm nhiều lần, trừ trường hợp bất khả kháng” - điểm d, khoản
2, Điều 20.
- “Không duy trì hoạt động hoặc
vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển
đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét, trừ trường hợp
bất khả kháng” - điểm b, khoản 2, Điều 35; và qui định mức phạt cao hơn nếu
tái phạm hành vi này tại khoản 3, Điều 35.
- “Không thực hiện quy định trong
trường hợp thiết bị giám sát hành trình bị hỏng, trừ trường hợp bất khả kháng” -
điểm c, khoản 2, Điều 35.
Ngoài ra, Nghị định số 42/2019/NĐ-CP
qui định hình thức xử phạt bổ sung, cụ thể như sau:
- Tại khoản 4, Điều 20 quy định “Tước
quyền sử dụng văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá Việt Nam từ 06 tháng đến
12 tháng” đối với hành vi vi phạm tại điểm d, khoản 1 và điểm d, khoản 2.
- Tại khoản 4, Điều 35 quy định “Tước
quyền sử dụng văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá từ 03 tháng đến 06 tháng”
đối với hành vi vi phạm tại điểm b, khoản 2.
b) Về “Ban hành Quy chuẩn kỹ
thuật thiết bị giám sát hành trình tàu cá”
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn đã hoàn thành dự thảo “Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về thiết
bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá”, gửi Bộ Khoa học và Công nghệ
thẩm định để ban hành trong thời gian tới.
c) Về “Quy định trách nhiệm đơn
vị cung cấp, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá”. Hiện nay, Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ
sung Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó, dự thảo Nghị định đã
đề xuất bổ sung quy định “Quy định trách nhiệm đơn vị cung cấp, lắp đặt
thiết bị giám sát hành trình tàu cá” với một số nội dung cơ bản như sau:
- Cập nhật thông tin về tàu, kiểm
tra tính chính xác thông tin hành trình của tàu và duy trì kết nối hệ thống.
- Lắp đặt và hướng dẫn sử dụng thiết
bị, khắc phục sự cố thiết bị giám sát hành trình; cung cấp thông tin, phối hợp
xử lý vi phạm khi có yêu cầu của cơ quan chức năng.
- Báo cáo cơ quan chức năng theo yêu
cầu.
d) Về “Tàu cá vượt ra ngoài ranh
giới trên biển bị phát hiện qua hệ thống giám sát hành trình”. Nghị định số
26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ qui định chi tiết một số điều và
biện pháp thi hành Luật thủy sản (Nghị định số 26/2019/NĐ-CP) đã quy định:
- “Tổng cục Thủy sản quản lý hệ
thống giám sát tàu cá và dữ liệu giám sát tàu cá toàn quốc, quản trị hệ thống
và phân cấp cho địa phương khai thác dữ liệu giám sát tàu cá, xử lý dữ liệu
giám sát tàu cá đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên” -
điểm a khoản 3, Điều 44.
- “Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn các tỉnh, thành phố ven biển quản lý, khai thác, sử dụng dữ liệu giám
sát tàu cá của tỉnh, xử lý dữ liệu giám sát tàu cá đối với tàu cá có chiều dài
lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét” - điểm b khoản 3, Điều 44.
Ngoài ra, căn cứ quy định tại điểm
a, điểm b khoản 3, Điều 44 Nghị định số 26/2019/NĐ-CP , Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn (Tổng cục Thủy sản) đã ban hành quy trình xử lý dữ liệu
giám sát tàu cá đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên vượt qua
ranh giới cho phép trên biển (Quyết định số 575/TCTS-TTTS ngày 21/10/2019
của Tổng cục Thủy sản). Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh,
thành phố ven biển đã ban hành quy trình xử lý dữ liệu giám sát tàu cá đối với
tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét.
2. Hiện nay, tại một số vùng biển giáp
ranh giữa Việt Nam và các nước có liên quan chưa được phân định; để đảm bảo chủ
quyền quốc gia trên biển phù hợp với quy định quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn đã đề xuất sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1, Điều 42 tại dự thảo
Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 26/2019/NĐ-CP , như sau: “Vùng khơi
(vùng xa bờ) được giới hạn bởi tuyến lộng và ranh giới phía ngoài được xác định
phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982”.
3. Thời gian qua, tình trạng khai thác,
đánh bắt quá mức đã làm suy giảm đáng kể nguồn lợi thủy sản trên vùng biển nước
ta. Vì vậy, trong quá trình xây dựng Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn,
cùng với việc ban hành các chính sách khuyến khích: phát triển nuôi biển, đánh
bắt xa bờ, chuyển đổi nghề, các khu bảo tồn biển,… nhằm giảm cường lực khai
thác; tại Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định: “Tàu cá có
chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên chỉ được phép hoạt động tại vùng khơi,
không được hoạt động tại vùng ven bờ và vùng lộng” nhằm quản lý cường lực
khai thác hợp lý trên từng vùng biển, góp phần bảo vệ và phát triển nguồn lợi
thủy sản.
4. Về kiến nghị bổ sung vào điểm g,
khoản 3, Điều 44 nội dung: “Trường hợp tàu cá nằm bờ không hoạt động trên
biển do mùa vụ, sửa chữa tàu,... từ 30 ngày trở lên nếu dừng hoạt động thiết bị
giám sát hành trình, chủ tàu phải báo cáo cho cơ quan quản lý thủy sản địa
phương trước 05 ngày”.
Tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ
sung Nghị định số 26/2019/NĐ-CP , Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề
xuất bổ sung quy định thuyền trưởng phải duy trì
kết nối thiết bị giám sát hành trình tàu cá liên tục trên hệ thống; phải báo
cáo cơ quan có chức năng khi thiết bị giám sát hành trình mất kết nối.
5. Tại dự thảo Nghị định
sửa đổi, bổ sung Nghị định số 26/2019/NĐ-CP , Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn đã đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định: “Thời hạn của giấy phép khai thác
thủy sản cấp lần đầu: Không quá thời hạn còn lại của hạn ngạch giấy phép khai
thác thủy sản đã được công bố”.
6. Về kiến nghị: “Có cơ
chế, quy định, hướng dẫn việc kiểm tra tàu cá, giám sát sản lượng, thành phần
loài thủy sản bốc dỡ không qua các cảng cá chỉ định để phục vụ cho việc xác
nhận nguyên liệu thủy sản và chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác theo
điều kiện đặc thù của tỉnh”
Việc thực hiện xác nhận
nguyên liệu thủy sản và chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác phải đảm bảo
thực hiện theo quy định tại Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 của
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định ghi, nộp báo cáo,
nhật ký khai thác thủy sản; công bố cảng cá chỉ định xác nhận nguồn gốc thủy
sản từ khai thác; danh sách tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp; xác nhận
nguyên liệu, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác và Thông tư số
01/2022/TT-BNNPTNT ngày 18/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn sửa đổi, bổ sung một số Thông tư trong lĩnh vực thủy sản. Vì vậy,
không thể ban hành cơ chế, quy định, hướng dẫn riêng theo điều kiện đặc thù của
từng tỉnh.
Trên đây là trả lời của
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Cà
Mau, trân trọng cám ơn cử tri tỉnh Cà Mau đã quan tâm đến sự phát triển của
ngành nông nghiệp, nông thôn; xin gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau để
trả lời cử tri./.
Nơi nhận:
-
Như trên;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ban Dân nguyện;
- UBND tỉnh Cà Mau;
- VP Bộ (Phòng Tổng hợp);
- Lưu: VT, TCTS (10 bản).
|
BỘ TRƯỞNG
Lê
Minh Hoan
|