ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2290/QĐ-UBND
|
Kiên
Giang, ngày 14 tháng 9 năm 2022
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ CÁC CÔNG TRÌNH GHI CÔNG LIỆT SĨ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
KIÊN GIANG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22
tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 131/2021/NĐ-CP
ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành
Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng;
Căn cứ Thông tư số 30/2016/TT-BLĐTBXH
ngày 25 tháng 10 năm 2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với cán bộ, công chức, viên chức và người làm công tác quản trang tại
các nghĩa trang liệt sĩ;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 2071/TTr-LĐTBXH ngày 22 tháng 8 năm 2022 về việc ban hành Quy chế quản lý
các công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn tỉnh
Kiên Giang.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý
các công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội; Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường,
thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày
ký./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
- TT. Tỉnh ủy, TT. HĐND tỉnh;
- Như Điều 2;
- UBMTTQVN tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Trung tâm Phục vụ hành chính công;
- LĐVP, Phòng: TH, NC, KGVX;
- Lưu: VT, ddqnhut.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Lưu Trung
|
QUY CHẾ
QUẢN LÝ CÁC CÔNG TRÌNH GHI CÔNG LIỆT SĨ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số
2290/QĐ-UBND ngày 14 tháng 9 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang)
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định việc quản lý các
công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
2. Đối tượng áp dụng
Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân
khi tham gia vào hoạt động quản lý các công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn
tỉnh Kiên Giang.
Điều 2. Nội
dung quản lý các công trình ghi công liệt sĩ
1. Đối với nghĩa trang liệt sĩ
a) Xây dựng nội quy, quy chế quản lý,
xác lập sơ đồ vị trí mộ, hồ sơ quản lý mộ.
b) Tiếp nhận, tổ chức an táng liệt
sĩ, cải táng hài cốt liệt sĩ do các đơn vị quy tập bàn giao, hoàn thiện phần mộ
và bia mộ liệt sĩ theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
c) Quản lý, bảo vệ, chăm sóc phần mộ
liệt sĩ, vườn hoa, cây cảnh, khuôn viên và các công trình khác của nghĩa trang,
bảo đảm luôn sạch đẹp và trang nghiêm.
d) Tổ chức đón tiếp, hướng dẫn thân nhân liệt sĩ đến thăm viếng mộ liệt sĩ; xác nhận và đề nghị
thanh toán chế độ thăm viếng mộ theo quy định cho thân nhân liệt sĩ; thể hiện
là công trình văn hóa lịch sử để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ.
đ) Phục vụ lễ viếng nghĩa trang liệt
sĩ của các đoàn đại biểu đến viếng trong các dịp kỷ niệm và các sự kiện văn hóa, chính trị - xã hội.
e) Phối hợp với cơ quan liên quan xem
xét, đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết những trường hợp thân nhân gia
đình có mộ liệt sĩ đang quản lý có nguyện vọng di dời mộ liệt sĩ về an táng tại
quê nhà theo quy định.
g) Xây dựng kế hoạch nâng cấp, tu bổ
các phần mộ, nghĩa trang liệt sĩ hàng năm báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét,
quyết định.
h) Đối với các phần mộ đã di chuyển
hài cốt, được sửa chữa lại vỏ mộ và trong danh sách quản lý phải ghi rõ hài cốt
đã di chuyển về quê quán; lập biên bản bàn giao hài cốt cho thân nhân liệt sĩ
và lưu giữ hồ sơ di chuyển.
i) Phối hợp với Mặt trận, các đoàn thể,
các sở, ngành làm tốt công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ.
2. Đối với các công trình Đài tưởng
niệm liệt sĩ, Đền thờ liệt sĩ, Nhà bia ghi tên liệt sĩ
a) Quản lý, bảo vệ, chăm sóc vườn
hoa, cây cảnh và các hạng mục khác của công trình tưởng niệm liệt sĩ, ghi tên
liệt sĩ, bảo đảm luôn sạch đẹp và trang nghiêm.
b) Đón tiếp và hướng dẫn các tổ chức
và nhân dân đến thăm viếng.
c) Phục vụ chu đáo lễ viếng tưởng niệm
liệt sĩ của các Đoàn đến dâng hương nhân các ngày lễ và các sự kiện văn hóa, chính
trị - xã hội.
d) Xây dựng kế hoạch nâng cấp, tu bổ
công trình tưởng niệm liệt sĩ hàng năm báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết
định.
3. Trách nhiệm của người làm công tác
bảo vệ, chăm sóc, quản lý các công trình ghi công liệt sĩ (gọi tắt là nhân viên
quản trang).
Cán bộ, viên chức và người lao động
thuộc Ban Quản lý nghĩa trang liệt sĩ tỉnh thực hiện nhiệm vụ theo phân công của
Sở Lao động -Thương binh và Xã hội và thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Quy
chế này.
Nhân viên quản trang các công trình ghi
công liệt sĩ cấp huyện do Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định; người làm công tác quản trang các công trình ghi công liệt sĩ cấp xã do Ủy
ban nhân dân cấp xã quyết định. Nhiệm vụ của nhân viên quản trang thực hiện các
nội dung có liên quan theo quy định tại điểm a, b, c khoản 2 Điều 2 của Quy chế
này.
Điều 3. Nguyên tắc
quản lý công trình ghi công liệt sĩ
1. Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, Đền thờ liệt sĩ và Đài tưởng niệm liệt sĩ. Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất
quản lý (giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trực tiếp quản lý).
2. Nghĩa trang liệt sĩ huyện, Đài
tưởng niệm, Nhà bia ghi tên liệt sĩ và các công trình ghi công liệt
sĩ huyện, thành phố (gọi chung là cấp huyện) do Ủy ban nhân dân cấp huyện trực
tiếp quản lý. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm giúp Ủy ban
nhân dân cấp huyện thực hiện công tác quản lý các công trình ghi công trên địa
bàn.
3. Nghĩa trang liệt sĩ, Nhà bia ghi
tên liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ các xã, phường, thị trấn (gọi chung là
cấp xã) do Ủy ban nhân dân cấp xã trực tiếp quản lý. Ủy ban nhân dân cấp xã
phân công cụ thể đơn vị, cá nhân thực hiện công tác quản lý công trình ghi công
liệt sĩ trên địa bàn xã.
4. Các cơ quan được phân công quản lý
các công trình ghi công liệt sĩ tùy theo quy mô, tính chất công trình quyết định
người làm công tác quản trang hoặc thành lập Ban quản lý công trình ghi công liệt
sĩ để thực hiện các nội dung quản lý công trình ghi công
liệt sĩ.
Điều 4. Kinh phí
đảm bảo xây dựng, tu bổ sửa chữa và quản lý các công trình ghi công liệt sĩ; hỗ
trợ thăm viếng mộ liệt sĩ, di chuyển hài cốt liệt sĩ
Hàng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ động cân đối, bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn
kinh phí hợp pháp khác (nếu có) cùng với kinh phí được bố trí
từ ngân sách Trung ương để chỉ đạo các đơn vị có liên quan
thực hiện xây dựng, cải tạo, nâng cấp, quản lý, chăm sóc các công trình ghi
công liệt sĩ tại địa phương.
1. Ngân sách Trung ương
a) Chi đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, bảo
trì công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ, hỗ trợ thăm
viếng mộ liệt sĩ, di chuyển hài cốt liệt sĩ đề nghị hỗ trợ từ kinh phí chi thường
xuyên ngân sách Trung ương thực hiện ưu đãi người có công với cách mạng gửi về
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định.
b) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
có trách nhiệm lập và tổng hợp dự toán kinh phí thực hiện công tác mộ liệt sĩ
và cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, bảo trì các công trình ghi công liệt sĩ vào dự
toán kinh phí thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng của địa
phương gửi về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trước thời điểm phân bổ dự
toán hàng năm.
2. Ngân sách địa phương
a) Ngân sách tỉnh: Chi đầu tư xây dựng
cải tạo, nâng cấp nghĩa trang, các công trình ghi công liệt sĩ; chi phí quản
lý, chăm sóc, bảo vệ, tổ chức lễ viếng cấp tỉnh, chăm sóc cây cảnh tại Nghĩa
trang liệt sĩ tỉnh và tổ chức đón nhận hài cốt liệt sĩ.
b) Ngân sách cấp huyện: Chi công tác
cải tạo nâng cấp, sửa chữa các công trình ghi công liệt sĩ; các chi phí quản
lý, bảo vệ, chăm sóc và tổ chức lễ viếng tại các công trình ghi công liệt sĩ
trên địa bàn huyện.
c) Ngân sách cấp xã: Chi tổ chức lễ
viếng, quản lý, bảo vệ, giữ gìn chăm sóc tu bổ công trình ghi công liệt sĩ của
địa phương.
Điều 5. Trách nhiệm
của các cơ quan tổ chức, cá nhân liên quan
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân đến viếng,
tham quan, sinh hoạt truyền thống tại các công trình ghi
công liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản các
hạng mục công trình ghi công liệt sĩ; chấp hành nội quy, quy định và hướng dẫn
của Ban Quản lý hoặc nhân viên quản trang tại các công trình ghi công liệt sĩ.
1. Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
a) Thực hiện chức năng quản lý nhà nước
đối với Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, thường xuyên chăm sóc tu
bổ, làm đẹp nghĩa trang liệt sĩ, mộ liệt sĩ, Đền thờ liệt sĩ tại nghĩa trang và
chuẩn bị chu đáo các điều kiện phục vụ tổ chức trọng thể các lễ viếng nghĩa
trang liệt sĩ của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể và Nhân dân vào các dịp
lễ, Tết và các ngày truyền thống lịch sử của đất nước và địa
phương.
b) Hàng năm trên cơ sở dự toán ngân
sách trung ương và nguồn ngân sách tỉnh được cấp có thẩm quyền thông báo, chủ
trì lập kế hoạch phân bổ kinh phí hỗ trợ, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét phê duyệt để các địa phương tổ chức thực hiện, đồng thời báo cáo
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Ủy ban nhân dân tỉnh.
c) Phối hợp với các địa phương và cơ
quan, đơn vị liên quan tổ chức vận động, huy động mọi nguồn
lực để tu bổ, chăm sóc và thực hiện việc xây dựng, quản lý, sử dụng các công
trình ghi công liệt sĩ.
2. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành
có liên quan
a) Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài
chính hàng năm có trách nhiệm cân đối, bố trí kinh phí để thực hiện tôn tạo,
trùng tu, nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ theo kế hoạch của các địa
phương.
b) Các Sở: Xây dựng,
Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa và Thể thao, Giáo dục và Đào tạo,
Thông tin và Truyền thông theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong
việc quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả các công trình ghi công liệt sĩ.
c) Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp làm tốt công
tác tuyên truyền, vận động, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ
thông qua việc khai thác, sử dụng các công trình ghi công liệt sĩ.
3. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
a) Tổ chức triển khai thực hiện Quy
chế này tại địa phương; đồng thời ban hành quy định cụ thể về quản lý, sử dụng
các công trình ghi công liệt sĩ ở địa phương.
b) Thực hiện công tác quản lý nhà nước
và trực tiếp thực hiện việc nâng cấp, tu sửa các công
trình cấp huyện, Nghĩa trang liệt sĩ, mộ liệt sĩ, Đài tưởng
niệm liệt sĩ, Đền thờ liệt sĩ, Nhà bia ghi tên liệt sĩ cấp xã. Phòng Lao động -
Thương binh và Xã hội phối hợp với các đơn vị liên quan cùng cấp giúp Ủy ban
nhân dân các huyện, thành phố xây dựng nội quy, quy chế quản lý, hợp đồng tuyển
dụng người làm công tác quản, trang, nhân viên quản lý, bảo vệ các công trình ghi công trên địa bàn, dành một phần ngân sách địa phương để thực
hiện nội dung công việc, nhiệm vụ cho công tác quản lý.
c) Thường xuyên tuyên truyền, vận động
trong nhân dân nâng cao ý thức giữ gìn, bảo quản các công trình ghi công liệt
sĩ, đảm bảo để các công trình ghi công liệt sĩ được chăm sóc chu đáo, bền đẹp
và trang nghiêm, xứng đáng với sự cống hiến, hy sinh của các anh hùng liệt sĩ.
d) Hàng năm, Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố lập kế hoạch đầu tư xây dựng, trùng tu, tôn tạo,
nâng cấp công trình ghi công liệt sĩ, đưa vào dự toán kế hoạch vốn đầu tư xây dựng
cơ bản của địa phương, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp phê duyệt ban hành nghị
quyết để tổ chức thực hiện.
Điều 6. Trách nhiệm
thi hành
1. Các tổ chức, cá nhân có hành vi vi
phạm các công trình ghi công liệt sĩ hoặc biết nhưng không ngăn chặn, tùy theo
mức độ vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự
theo quy định của pháp luật.
2. Các tổ chức, cá nhân có thành tích
trong việc quản lý, bảo vệ hoặc có những đóng góp tiêu biểu vào đầu tư, tu bổ,
tôn tạo, nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ, được các cơ quan quản lý nhà
nước có thẩm quyền xem xét khen thưởng.
3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, Ủy ban
nhân dân các huyện, thành phố triển khai tổ chức thực hiện Quy chế này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn
đề phát sinh vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương phản ánh kịp thời bằng
văn bản về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân
dân tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.