ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2567/QĐ-UBND
|
Hà Nội, ngày 16
tháng 5 năm 2024
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ
CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA TRUNG TÂM KHUYẾN CÔNG VÀ TƯ VẤN PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP THUỘC
SỞ CÔNG THƯƠNG THÀNH PHỐ HÀ NỘI
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ
chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Nghị định số
120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại,
giải thể đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Nghị định số
45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về Khuyến công;
Căn cứ các Thông tư của Bộ
Công Thương: số 04/2022/TT-BCT ngày 28/01/2022 hướng dẫn chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn về công thương thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương và Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã thuộc Ủy
ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; số 15/2023/TT-BCT ngày
30/6/2023 về sửa đổi, bổ sung một số Thông tư của Bộ Công Thương hướng dẫn chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Công Thương; số 16/2022/TT-BCT ngày 10/10/2022
về quy định tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải
thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực công thương; Căn cứ
Thông tư liên tịch số 16/2011/TTLT-BCT-BNV ngày 05/4/2011 của Bộ Công
Thương - Bộ Nội vụ Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ
chức và biên chế của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp trực
thuộc Sở Công Thương;
Căn cứ Quyết định số
25/2021/QĐ-UBND ngày 19/11/2021 của UBND Thành phố Hà Nội về ban hành Quy định
về quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động
trong tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp có vốn nhà nước
thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội;
Căn cứ Quyết định số
23/2024/QĐ-UBND ngày 07/3/2024 của UBND Thành phố về việc quy định chức năng,
nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Công Thương thành phố Hà Nội;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Công Thương tại Tờ trình số 1983/TTr- SCT ngày 02/5/2024 và Giám đốc Sở Nội vụ
tại Tờ trình số 1560/TTr-SNV ngày 08/5/2024 về việc quy định vị trí, chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn
phát triển công nghiệp thuộc Sở Công Thương thành phố Hà Nội.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Vị
trí và chức năng
1. Trung tâm Khuyến công và Tư
vấn phát triển công nghiệp (sau đây gọi tắt là Trung tâm) là đơn vị sự nghiệp công
lập thuộc Sở Công Thương thành phố Hà Nội, có tư cách pháp nhân, có con dấu, trụ
sở riêng, tài khoản riêng và được mở tài khoản tại kho bạc Nhà nước và ngân
hàng để hoạt động theo quy định của pháp luật, chấp hành sự chỉ đạo, quản lý trực
tiếp về tổ chức, biên chế và hoạt động của Sở Công Thương thành phố Hà Nội, đồng
thời chấp hành sự chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của
các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Trung tâm có chức năng phục
vụ quản lý nhà nước lĩnh vực công thương và cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực
công thương được giao theo quy định của pháp luật.
3. Thông tin giao dịch của đơn
vị
- Tên gọi: Trung tâm Khuyến
công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội;
- Tên giao dịch quốc tế: HaNoi
Industrial Promotion and Development Consultancy Center; viết tắt: IDC Hanoi;
- Trụ sở: Số 176, đường Quang
Trung, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.
Điều 2. Nhiệm
vụ và quyền hạn
1. Xây dựng, trình cấp có thẩm
quyền phê duyệt và triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án, hoạt động gắn
với chức năng phục vụ công tác quản lý nhà nước lĩnh vực công thương về hoạt động
khuyến công; quảng bá giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn - làng nghề; sử
dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; sản xuất và tiêu dùng bền vững; phát triển
công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp theo nhiệm vụ được giao.
2. Triển khai, thực hiện tuyên
truyền, phổ biến chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà
nước, các văn bản quy phạm pháp luật về ngành, lĩnh vực công thương.
3. Cung cấp dịch vụ sự nghiệp
công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực công thương, gắn với phục vụ
công tác quản lý nhà nước lĩnh vực công thương, gồm: Dịch vụ lĩnh vực điện lực,
tiết kiệm năng lượng, hiệu quả; Dịch vụ lĩnh vực hóa chất; Dịch vụ lĩnh vực quản
lý cạnh tranh; Dịch vụ lĩnh vực thương mại điện tử; Dịch vụ lĩnh vực khuyến
công; Dịch vụ lĩnh vực phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực; Dịch vụ lĩnh vực
công nghiệp hỗ trợ; Dịch vụ lĩnh vực sản xuất tiêu dùng bền vững; Dịch vụ khác
liên quan đến lĩnh vực công thương.
4. Tổ chức đào tạo hoặc liên kết
đào tạo nhân lực phục vụ phát triển về khuyến công, quảng bá giới thiệu sản phẩm
công nghiệp nông thôn - làng nghề, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sản
xuất và tiêu dùng bền vững, phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên
địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
5. Xây dựng quản lý khai thác
trang thông tin điện tử, cơ sở dữ liệu, lưu giữ, thông tin tổng hợp về biến đổi
khí hậu, thống kê khí nhà kính, khai thác dữ liệu điện tử trong hoạt động khuyến
công, quảng bá giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn - làng nghề, sử dụng
năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sản xuất và tiêu dùng bền vững, phát triển
công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.
6. Tổ chức các hoạt động nghiên
cứu, khảo sát, học tập kinh nghiệm, kết nối giao thương, các hội thi, cuộc thi,
hội thảo, hội chợ, diễn đàn về khuyến công, quảng bá giới thiệu sản phẩm công
nghiệp nông thôn - làng nghề, tiết kiệm năng lượng, sản xuất và tiêu dùng bền vững,
phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.
7. Tổ chức tập huấn về chuyên
môn, nghiệp vụ khuyến công, quảng bá giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn
- làng nghề, tiết kiệm năng lượng, sản xuất và tiêu dùng bền vững, phát triển
công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và các nghiệp vụ có liên quan.
8. Thực hiện hoạt động dịch vụ,
tư vấn hỗ trợ phát triển công nghiệp địa phương trong các lĩnh vực: ưu đãi đầu
tư; khoa học - công nghệ; mặt bằng sản xuất; thông tin thị trường; tài chính,
tín dụng; đào tạo, nâng cao năng lực quản lý và các lĩnh vực có liên quan khác.
9. Thực hiện các hoạt động tư vấn
phát triển công nghiệp và thương mại trên địa bàn Thành phố:
a) Tư vấn lập dự án: quy hoạch
phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; quy hoạch khu, cụm công nghiệp;
quy hoạch năng lượng; quy hoạch thương mại của Thành phố;
b) Tư vấn đầu tư xây dựng các
công trình công nghiệp, thương mại, công trình dân dụng, tiết kiệm năng lượng;
c) Tư vấn các lĩnh vực sử dụng
năng lượng tiết kiệm hiệu quả; vệ sinh công nghiệp, an toàn thực phẩm, ứng phó
với biến đổi khí hậu; kiểm kê khí nhà kính, kiểm toán năng lượng, xây dựng hệ
thống quản lý năng lượng, giải pháp kỹ thuật phục vụ việc tiết kiệm và sử dụng
hiệu quả năng lượng tại các cơ sở tiêu thụ năng lượng, khảo sát, đo lường, đánh
giá kết quả tiết kiệm năng lượng trong các cơ sở tiêu thụ năng lượng; đánh giá
sản xuất sạch;
d) Thực hiện các hoạt động tư vấn,
giám sát; thẩm tra, thẩm định kỹ thuật dự án, các công trình kỹ thuật công nghiệp
và thương mại khác theo quy định của pháp luật.
10. Hợp tác, liên kết các tổ chức,
cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ kỹ thuật, kinh phí, cơ sở vật chất, phương
tiện, máy móc, trang thiết bị, khoa học công nghệ để thực hiện chương trình, đề
án trong công tác khuyến công, quảng bá giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông
thôn - làng nghề, tiết kiệm năng lượng, sản xuất và tiêu dùng bền vững, phát
triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.
11. Chủ trì, phối hợp với các
phòng chuyên môn thuộc Sở Công Thương, các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động
hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn; xây dựng trang thông tin điện tử giới
thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến, thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói,
xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý xuất xứ hàng hóa, bảo hộ sở hữu thương hiệu;
cuộc thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ; quảng bá, giới thiệu sản phẩm công nghiệp
nông thôn - làng nghề tại điểm trưng bày thuộc Trung tâm.
12. Đề xuất khen thưởng cho các
tổ chức, cá nhân trong hoạt động khuyến công, quảng bá giới thiệu sản phẩm công
nghiệp nông thôn - làng nghề, tiết kiệm năng lượng, sản xuất và tiêu dùng bền vững,
phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp theo quy định.
13. Thực hiện chế độ báo cáo định
kỳ và đột xuất theo quy định.
14. Quản lý, sử dụng có hiệu quả
tổ chức bộ máy, biên chế, viên chức, người lao động, tài sản, tài chính, vật
tư, kinh phí và các nguồn lực khác theo quy định hiện hành.
15. Thực hiện các nhiệm vụ khác
theo quy định của pháp luật và Giám đốc Sở Công Thương.
Điều 3. Cơ
cấu tổ chức
Trung tâm Khuyến công và Tư vấn
phát triển công nghiệp có 04 phòng chuyên môn, nghiệp vụ:
a) Phòng Tổ chức - Hành chính;
b) Phòng Khuyến công;
c) Phòng Tư vấn phát triển công
nghiệp;
d) Phòng Tiết kiệm năng lượng.
Điều 4.
Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm và số lượng cấp phó phòng thuộc Trung tâm
1. Lãnh đạo Trung tâm:
a) Trung tâm có Giám đốc và
không quá 02 Phó Giám đốc;
b) Giám đốc Trung tâm là người
đứng đầu Trung tâm, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Công Thương, trước Chủ tịch
Ủy ban nhân dân Thành phố, Ủy ban nhân dân Thành phố và trước pháp luật về toàn
bộ hoạt động của Trung tâm;
c) Phó Giám đốc Trung tâm là
người giúp Giám đốc Trung tâm, chỉ đạo một hoặc một số mặt công tác do Giám đốc
Trung tâm phân công, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Trung tâm và trước pháp luật
về kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân công; khi Giám đốc vắng mặt, một Phó
Giám đốc được Giám đốc ủy nhiệm điều hành hoạt động của Trung tâm;
d) Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại,
miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, cho từ chức, nghỉ hưu
và thực hiện chế độ, chính sách khác đối với các chức danh lãnh đạo Trung tâm
được quyết định theo quy định hiện hành về phân cấp quản lý công tác cán bộ của
Ủy ban nhân dân Thành phố.
2. Số lượng cấp phó các phòng
thuộc Trung tâm:
Số lượng Phó Trưởng phòng và
tương đương thuộc Trung tâm thực hiện theo quy định tại Nghị định số
107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ sửa đổi Nghị định 24/2014/NĐ-CP
ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy
ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Điều 5.
Biên chế
1. Biên chế của Trung tâm được
giao trên cơ sở vị trí việc làm, gắn với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động
và nằm trong tổng số biên chế của Sở Công Thương được Ủy ban nhân dân Thành phố
giao hàng năm.
Năm 2024, Trung tâm được giao
74 chỉ tiêu, trong đó 66 biên chế viên chức, 08 lao động hợp đồng theo Nghị định
số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ.
2. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ,
cơ cấu tổ chức và danh mục vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp viên chức và
các quy định của pháp luật có liên quan, hàng năm Trung tâm Khuyến công và Tư vấn
phát triển công nghiệp xây dựng kế hoạch biên chế, số lượng người làm việc của
Trung tâm, báo cáo Giám đốc Sở Công Thương trình Ủy ban nhân dân Thành phố để
trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật.
Điều 6. Cơ
chế tài chính
Trung tâm thực hiện cơ chế tài
chính theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ
quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và các văn bản
quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Điều 7. Điều
khoản thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực
thi hành kể từ ngày ký. Các quy định trái với quy định tại Quyết định này đều bị
bãi bỏ.
2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân
dân Thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Công Thương, Thủ trưởng các Sở,
ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, Giám đốc Trung
tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp và các cơ quan, tổ chức, cá
nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 7;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND Thành phố;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND Thành phố;
- VP UBNDTP: Các PCVP, các Phòng: TH, NC, KTN;
- Trung tâm Thông tin điện tử Thành phố;
- Lưu: VT, NC.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Hồng Sơn
|