ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 10/CT-UBND
|
Thái Bình, ngày
21 tháng 5 năm 2024
|
CHỈ THỊ
VỀ
VIỆC CHẤN CHỈNH, TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐẤT ĐAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Thực hiện Luật Đất đai năm 2013
các văn bản hướng dẫn thi hành; Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các Chỉ thị và
Văn bản chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai. Công tác
quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực,
từng bước đi vào nề nếp, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của
tỉnh. Tuy nhiên, ở một số địa phương vẫn còn để xảy ra tình trạng vi phạm về quản
lý sử dụng đất như: chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp không đúng quy định,
lấn chiếm hành lang đê điều, công trình thủy lợi; lấn chiếm, sử dụng trái phép
đất bãi bồi ven sông, ven biển; có địa phương còn có biểu hiện buông lỏng quản
lý đất đai, để xảy ra vi phạm không xử lý, đùn đẩy lên cấp trên, trong đó có vi
phạm phải chuyển cơ quan điều tra, khởi tố ... ảnh hưởng đến công tác quản lý
nhà nước về đất đai và gây dư luận xấu trong xã hội.
Để kịp thời khắc phục những tồn
tại, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh, nâng
cao trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai của Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp
xã; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
1. Các sở, ban, ngành thuộc tỉnh;
Ủy ban nhân dân huyện, thành phố:
a) Tổ chức thực hiện Luật Đất
đai và các văn bản hướng dẫn thi hành; chủ động phát hiện các quy định chồng
chéo, chưa đồng bộ, các vấn đề phát sinh trong thực tiễn để kiến nghị điều chỉnh
cho phù hợp. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật
về đất đai và các quy định pháp luật khác có liên quan, công bố công khai về
quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt của địa phương để tổ chức, hộ
gia đình, cá nhân biết, tuân thủ.
b) Thực hiện nghiêm Chỉ thị số
01/CT-TTg ngày 03/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường
công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai, Thông báo số
871-TB/TU ngày 04/02/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về rà soát, kiểm tra việc
chuyển mục đích sử dụng đất và các Văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh về
chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, đất bãi bồi ven
biển, hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển, tập kết cát trên địa bàn tỉnh
(Văn bản số 3558/UBND- NNTNMT ngày 01/10/2018, Văn bản số 309/UBND-NNTNMT ngày
23/01/2019, Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 24/5/2019, Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày
16/10/2019, Văn bản số 1954/UBND-NNTNMT ngày 29/4/2020, Chỉ thị số 10/CT-UBND
ngày 24/6/2021, Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 19/8/2022, Văn bản số
1796/UBND-NNTNMT ngày 05/6/2023).
2. Ủy ban nhân dân huyện, thành
phố:
a) Thực hiện việc thu hồi đất,
giải phóng mặt bằng, xác định giá đất, giao đất, cho thuê đất, đăng ký đất đai,
cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn
liền với đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử
dụng đất được phê duyệt, bảo đảm quy trình và hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ tài
chính theo quy định.
b) Tăng cường công tác quản lý
nhà nước về đất đai tại địa phương; phân công công chức, viên chức theo dõi địa
bàn nắm tình hình, chủ động phát hiện và xử lý nghiêm ngay từ cơ sở các vi phạm
theo thẩm quyền, kiến nghị cấp thẩm quyền xử lý kịp thời, triệt để vi phạm theo
quy định của pháp luật. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại
Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 05/7/2021 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện
công tác giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh, của
Ủy ban nhân dân tỉnh tại Văn bản số 1498/UBND-KTNN ngày 03/4/2020 về khắc phục,
xử lý tình trạng nông dân bỏ ruộng không canh tác để bảo đảm sản xuất, khai
thác, sử dụng có hiệu quả diện tích đất nông nghiệp; không để tiếp diễn tình trạng
lợi dụng chuyển đổi để vi phạm pháp luật đất đai.
c) Xây dựng kế hoạch thực hiện kết
luận thanh tra, kiểm tra, khắc phục những hạn chế thiếu sót đã chỉ ra sau thanh
tra, kiểm tra tại các huyện, thành phố và các xã theo chỉ đạo của Ủy ban nhân
dân tỉnh; tiếp tục thanh tra, kiểm tra các địa phương còn lại, đặc biệt là
thanh tra, kiểm tra và xử lý theo thẩm quyền việc chấp hành pháp luật đất đai của
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trên địa bàn trong công tác quản lý nhà nước về
đất đai.
Chỉ đạo các phòng, đơn vị có
liên quan và Ủy ban nhân dân cấp xã thường xuyên rà soát tình hình quản lý sử dụng
đất trên địa bàn và tổ chức kiểm tra, đề xuất xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng
quy định pháp luật đối với các vi phạm hành chính như: Lấn, chiếm, chuyển quyền
sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất không được cơ quan nhà nước có thẩm
quyền cho phép, không đúng đối tượng; phát hiện, áp dụng các biện pháp để ngăn
chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình nhà ở, hạ tầng hình thành
các khu dân cư mới trái phép trên đất nông nghiệp; kiên quyết buộc người có
hành vi vi phạm phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
Đối với những vụ vi phạm có
tính chất phức tạp, quy mô lớn, kéo dài, tái phạm nhiều lần như: xây dựng các
công trình, làm nhà, hàng quán trái phép trong hành lang bảo vệ đê, xây dựng lắp
đặt trạm trộn bê tông trái phép trên bãi sông…, tổ chức xử lý giải tỏa các công
trình vi phạm; nếu đối tượng vi phạm không tự giác thực hiện thì tổ chức cưỡng
chế, việc cưỡng chế phải phối hợp đồng bộ giữa chính quyền địa phương với Công
an và các lực lượng liên quan bảo đảm chặt chẽ, nghiêm túc theo đúng quy định của
pháp luật.
d) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các
xã, phường, thị trấn:
- Rà soát, quản lý chặt chẽ và
có phương án sử dụng quỹ đất công ích theo đúng quy định của pháp luật, không để
bị lấn, chiếm, để hoang hóa gây lãng phí quỹ đất; xử lý các trường hợp thuê đất
công ích trái quy định. Hàng năm, tổng hợp, báo cáo việc quản lý, sử dụng và những
biến động đối với đất công ích trên địa bàn cấp xã với Ủy ban nhân dân cấp huyện
để theo dõi, chỉ đạo.
- Thực hiện việc chứng thực hợp
đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là quyền sử dụng đất và nhà ở theo đúng
quy trình, thẩm quyền và quy định của pháp luật, nhất là điều kiện nhận chuyển
quyền sử dụng đất đối với đất nông nghiệp.
e) Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện,
thành phố chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, trước Chủ tịch Ủy ban
nhân dân tỉnh về việc để xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn vi phạm công tác quản
lý, sử dụng đất đai. Xử lý nghiêm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị buông lỏng
quản lý để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất
trái phép, chuyển nhượng đất trồng lúa không đúng đối tượng, giao đất không
đúng thẩm quyền tại địa bàn quản lý mà không có giải pháp xử lý, ngăn chặn triệt
để, dứt điểm.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường:
a) Xây dựng kế hoạch và tổ chức
thanh tra, kiểm tra công tác quản lý sử dụng đất đai (trong đó tập trung thanh
tra việc chấp hành pháp luật đất đai của Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã; việc
chậm đưa đất vào sử dụng; xử lý, công khai các vi phạm về quản lý sử dụng đất
đai của tổ chức, cá nhân theo quy định).
b) Tổng hợp việc thực hiện Chỉ
thị, định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện và kịp thời tham
mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý các vướng mắc, vi phạm theo quy định.
4. Công an tỉnh: Chỉ đạo các
đơn vị nghiệp vụ, công an huyện, thành phố tăng cường các biện pháp nghiệp vụ,
chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các hành vi vi phạm
pháp luật về đất đai.
5. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn:
a) Chủ trì, phối hợp với các Sở:
Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Ủy
ban nhân dân huyện, thành phố và các cơ quan liên quan hướng dẫn trình tự thủ tục
theo quy định pháp luật về đê điều và phòng, chống thiên tai các dự án ở bãi
sông, trong hành lang bảo vệ đê điều. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện pháp
luật về đê điều và xử lý hành vi vi phạm theo thẩm quyền.
b) Chỉ đạo lực lượng chuyên
trách quản lý đê điều tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, phát hiện, kiến
nghị cấp có thẩm quyền và phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật … tổng hợp
kết quả, báo cáo, tham mưu kịp thời Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn theo quy định.
6. Thanh tra tỉnh:
a) Chủ động tham mưu Ủy ban
nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ và thực hiện thanh tra đột xuất các ngành, địa
phương, các vụ việc có dấu hiệu vi phạm, dư luận xã hội phản ánh tiêu cực, tham
nhũng, phát sinh nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác quản lý
đất đai.
b) Hướng dẫn, đôn đốc, giám sát
các địa phương, đơn vị thực hiện khắc phục sau thanh, kiểm tra.
7. Các sở, ngành, đơn vị có
liên quan: Theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ
với Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã thực hiện các biện pháp tăng cường quản
lý đất đai theo quy định của pháp luật.
8. Báo Thái Bình, Đài Phát
thanh và Truyền hình Thái Bình: Phối hợp với các đơn vị có liên quan thường
xuyên thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai với
nội dung thiết thực, hình thức phù hợp với từng đối tượng và điều kiện thực tế
của địa phương.
9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ
quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể tỉnh tăng cường chức năng giám sát
và phản biện xã hội trong việc phát hiện vi phạm pháp luật đất đai và pháp luật
khác có liên quan.
Nhận Chỉ thị này, yêu cầu các
Giám đốc sở; Thủ trưởng ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân
dân huyện, thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn triển khai
thực hiện; định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện (qua Sở Tài
nguyên và Môi trường) trước ngày 25 tháng 12 hằng năm./.
Nơi nhận:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh;
- Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình;
- Báo Thái Bình;
- Huyện ủy, Thành ủy;
- UBND huyện, thành phố;
- UBND xã, phường, thị trấn;
- Cổng Thông tin Điện tử của tỉnh;
- Lưu: VT, NNTNMT.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lại Văn Hoàn
|