Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Kế hoạch 220/KH-UBND 2022 phòng chống dịch bệnh cho động vật thủy sản Phú Yên

Số hiệu: 220/KH-UBND Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Phú Yên Người ký: Lê Tấn Hổ
Ngày ban hành: 09/12/2022 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 220/KH-UBND

Phú Yên, ngày 09 tháng 12 năm 2022

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH CHO ĐỘNG VẬT THỦY SẢN NĂM 2023

Căn cứ Luật Thú y năm 2015; Luật Thủy sản năm 2017;

Căn cứ Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản;

Căn cứ Kế hoạch số 112/KH-UBND ngày 15/6/2021 của UBND tỉnh về phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi, giai đoạn 2021-2030;

Căn cứ tình hình và kết quả phòng chống dịch bệnh thủy sản nuôi trên địa bàn tỉnh trong năm 2022.

Để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản hạn chế thiệt hại cho người nuôi, UBND tỉnh Phú Yên ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh cho động vật thủy sản năm 2023, với những nội dung sau:

A. KẾT QUẢ CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH THỦY SẢN NĂM 2022

I. Tình hình nuôi trồng và dịch bệnh thủy sản:

1. Tình hình nuôi trồng: Năm 2022, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản thả nuôi khoảng 2.676 ha. Trong đó, diện tích nuôi tôm 2.160 ha, cá biển 276 ha, các đối tượng thủy sản khác 240 ha. Thủy sản nuôi lồng bè khoảng 104.106 lồng. Trong đó, tôm hùm 102.031 lồng (tôm ương 26.550, tôm thương phẩm 75.481), cá biển 2.060 lồng, ốc hương 15 lồng.

2. Tình hình dịch bệnh:

- Tôm nuôi nước lợ: Bệnh xảy ra rải rác tại các vùng nuôi. Đến tháng 10/2022, tổng diện tích tôm nuôi bị bệnh 102,99 ha; chiếm tỷ lệ gần 5% so với diện tích thả nuôi (tăng 65% so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó, bệnh hoại tử gan tụy cấp 97,14 ha; đốm trắng 5,85 ha (thị xã Đông Hòa 91,25 ha; Sông Cầu 0,74 ha; huyện Tuy An 11 ha).

- Các đối tượng thủy sản khác: Tôm hùm, cá biển nuôi lồng (phường Xuân Yên) bị chết do môi trường với số lượng ước tính 30.740 con tôm hùm các loại/200 lồng nuôi và 1.220 con cá các loại (chủ yếu cá mú và cá bớp).

II. Kết quả thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh:

1. Ban hành văn bản chỉ đạo triển khai công tác phòng chống dịch bệnh:

Năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương chủ động triển khai phòng chống dịch bệnh cho động vật thủy sản nuôi. Cụ thể:

- Kế hoạch số: 06/KH-UBND ngày 05/01/2022 về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản năm 2022; 72/KH-UBND ngày 30/3/2022 về quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi trồng thủy sản của tỉnh năm 2022.

- Thông báo số: 378/TB-UBND ngày 28/12/2021 phân bổ hóa chất sát trùng Sodium Chlorite 20% xử lý môi trường sau lũ lụt phòng chống dịch bệnh thủy sản; 35/TB-UBND ngày 28/02/2022 phân bổ hóa chất sát trùng Sodium Chlorite 20% phòng chống dịch bệnh thủy sản.

- Công văn số 3793/UBND-KT ngày 27/7/2022 triển khai thực hiện Công văn số 4722/BNN-TY ngày 21/7/2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tăng cường phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi.

Trên cơ sở kế hoạch và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch và văn bản triển khai thực hiện.

2. Công tác phòng chống dịch bệnh:

- Về công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh: Thông qua phương tiện thông tin đại chúng, kiểm tra tình hình dịch bệnh tại các địa phương, các lớp tập huấn…ngành chức năng, chính quyền các địa phương phối hợp, tuyên truyền phổ biến các quy định về phòng chống dịch bệnh, bản tin quan trắc môi trường, thông báo giám sát dịch bệnh đến người nuôi trồng thủy sản, vận động người nuôi có trách nhiệm trong báo cáo dịch bệnh, tham gia phòng chống dịch bệnh cho động vật thủy sản, có ý thức cao trong việc ngăn ngừa lây lan dịch bệnh.

- Thực hiện công tác giám sát dịch bệnh: Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh định kỳ tổ chức lấy mẫu giám sát dịch bệnh nguy hiểm trên tôm 346 mẫu. Kết quả phát hiện tác nhân gây bệnh: AHPND 26/60 mẫu, WSSV 9/60 mẫu, EHP 19/42 mẫu, IHHNV 01/42 mẫu và Rickettsia 14/16 mẫu; kịp thời thông báo kết quả đến địa phương và hộ nuôi để cảnh báo tình hình dịch bệnh trên tôm và hướng dẫn người nuôi thực hiện các biện pháp phòng, trị bệnh hiệu quả.

- Kiểm tra tình hình dịch bệnh, thủy sản nuôi bị chết để xác định nguyên nhân và hướng dẫn biện pháp phòng, chống: Trong năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cùng chính quyền các địa phương, kiểm tra tôm hùm, cá biển nuôi lồng bị chết do môi trường tại các vùng nuôi trên địa bàn thị xã Sông Cầu; kiểm tra dịch bệnh, cấp hỗ trợ hóa chất sát trùng xử lý các ổ dịch trên tôm nuôi nước lợ.

- Tích cực kiểm tra, hướng dẫn cho các địa phương triển khai thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản.

- Tổ chức 05 lớp tập huấn phòng, chống dịch bệnh thủy sản cho người nuôi (200 người tham dự).

- Hỗ trợ hóa chất sát trùng để xử lý mầm bệnh tại ao hồ nuôi thủy sản, kênh mương vùng nuôi, tránh lây lan dịch bệnh. Năm 2022, tổng số hóa chất sát trùng Sodium Chlorite 20% đã sử dụng để phòng chống dịch bệnh thủy sản và xử lý ao hồ nuôi là 24.145 kg.

- Kiểm dịch giống thủy sản xuất tỉnh theo quy định. Số lượng giống kiểm dịch được 234.273.000 con.

3. Đánh giá kết quả đạt được, tồn tại hạn chế trong công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản:

Năm 2022, nhờ sự quan tâm chỉ đạo, phối hợp của các ngành chức năng, chính quyền địa phương, triển khai đồng bộ công tác phòng chống dịch bệnh cho động vật thủy sản. Thông tin quan trắc, cảnh báo môi trường, dịch bệnh được truyền tải đến người nuôi kịp thời. Nhờ đó, giảm thiểu nguy cơ phát sinh, bùng phát dịch bệnh và sự cố môi trường trên thủy sản nuôi. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng chống dịch bệnh cho động vật thủy sản năm 2022 cũng còn hạn chế, tồn tại: (i) Bệnh trên tôm nước lợ vẫn còn xảy ra rải rác tại các vùng nuôi, diện tích bệnh tăng cao hơn so với năm 2021; (ii) việc chấp hành các quy định về nuôi trồng, phòng chống dịch bệnh thủy sản của người nuôi còn nhiều hạn chế. Đặc biệt là không kê khai nuôi trồng thủy sản, không báo cáo dịch bệnh và tự ý xả thải nước ao hồ nuôi bị dịch bệnh chưa qua xử lý ra môi trường làm phát tán mầm bệnh; (iii) các địa phương có xây dựng kế hoạch nhưng đa phần chưa bố trí kinh phí để thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản của địa phương. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế:

- Thời gian qua, thời tiết diễn biến phức tạp, cực đoan, làm môi trường sống thủy sinh thay đổi, khắc nghiệt hơn; trong khi hạ tầng nuôi trồng thủy sản chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất, khó kiểm soát môi trường, dịch bệnh dễ phát sinh, diễn biến phức tạp và gây thiệt hại lớn về kinh tế.

- Ý thức một bộ phận không nhỏ người nuôi chưa cao, chưa bảo vệ môi trường nuôi, không báo cáo cho cơ quan quản lý để xử lý ổ dịch khi dịch bệnh xảy ra theo quy định, làm lây lan mầm bệnh.

- Lực lượng cán bộ thú y có chuyên môn thủy sản còn ít; hệ thống thú y cơ sở còn hạn chế về chuyên ngành thủy sản, thiếu kinh nghiệm thực tế, một số còn thiếu nhiệt tình trong công tác lĩnh vực thủy sản do phụ cấp thấp, không được hỗ trợ thêm phần kinh phí tham gia công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản tại địa phương.

- Các địa phương chưa chủ động xây dựng phương án triển khai cụ thể trong phòng chống dịch bệnh cho thủy sản nuôi của địa phương nên chưa có bố trí kinh phí.

B. KẾ HOẠCH PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH CHO ĐỘNG VẬT THỦY SẢN NĂM 2023

I. Mục tiêu:

1. Mục tiêu chung: Tổ chức phòng bệnh, khống chế và kiểm soát có hiệu quả một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi và xây dựng thành công các vùng, cơ sở, chuỗi sản xuất thủy sản an toàn dịch bệnh (ATDB) để phục vụ tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Chủ động phòng, khống chế các bệnh nguy hiểm ở tôm nuôi nước lợ, bảo đảm diện tích bị bệnh thấp hơn 10% tổng diện tích nuôi.

b) Chủ động phòng, khống chế một số bệnh nguy hiểm trên tôm hùm; bảo đảm số lồng tôm hùm nuôi bị bệnh thấp hơn 15% tổng số lồng thả nuôi.

c) Chủ động phòng bệnh, chủ động giám sát phát hiện và khống chế kịp thời một số bệnh nguy hiểm trên đối tượng thủy sản nuôi khác, không để mầm bệnh lây lan rộng.

d) Khuyến khích xây dựng cơ sở, chuỗi sản xuất thủy sản ATDB đối với một số bệnh nguy hiểm theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT để phục vụ tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.

II. Nội dung:

1. Thông tin tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh thủy sản:

Đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến về Luật Thú y, Luật Thủy sản; các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của ngành, UBND tỉnh về phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản nuôi đến người nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh. Tuyên truyền thường xuyên nhằm nâng cao nhận thức của người nuôi về phòng chống dịch bệnh, đặc biệt tuyên truyền trước mùa vụ nuôi và khi có dịch bệnh xảy ra. Xác định quan điểm phòng chống dịch bệnh thủy sản, phòng là chính, áp dụng tổng hợp nhiều biện pháp, có sự tham gia phối hợp và chia sẻ thông tin của nhiều đơn vị liên quan nhất là người nuôi.

Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn với các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong việc tuyên truyền, vận động người nuôi tự giác, tích cực báo cáo dịch bệnh, tham gia phòng, chống dịch bệnh cho động vật thủy sản, có ý thức cao trong việc ngăn ngừa lây lan dịch, bệnh khi có bệnh xảy ra.

2. Giám sát dịch bệnh:

Hệ thống thú y cấp tỉnh đến cấp cơ sở tích cực nắm bắt, tiếp nhận và báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh khi có bệnh xảy ra trên các đối tượng thủy sản nuôi trồng để triển khai công tác cảnh báo và phòng chống mang lại hiệu quả, giảm thiệt hại cho người nuôi.

2.1. Giám sát định kỳ, đột xuất bệnh trên thủy sản nuôi thương phẩm:

Thực hiện lấy mẫu định kỳ, đột xuất giám sát chủ động các loại bệnh nguy hiểm trên tôm và các đối tượng thủy sản nuôi nhằm phát hiện sớm, cảnh báo tình hình dịch bệnh cho cộng đồng nuôi kịp thời áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Cụ thể:

a) Giám sát bệnh định kỳ trên tôm nuôi:

- Thời gian thực hiện: Lấy mẫu giám sát định kỳ 08 tháng, từ tháng 02/2023 đến 9/2023. Tần suất lấy mẫu giám sát định kỳ 01 lần/tháng. Riêng trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 7 (mùa nắng nóng, dịch bệnh nguy hiểm dễ phát sinh) lấy mẫu giám sát 02 lần/tháng.

- Địa điểm: Ao, lồng của các hộ nuôi tôm tại vùng nuôi trồng thủy sản thuộc huyện Tuy An, thị xã Đông Hòa và Sông Cầu.

- Đối tượng giám sát: Giám sát định kỳ các loại bệnh nguy hiểm trên tôm nước lợ thương phẩm (đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp, đầu vàng, hoại tử cơ, hoại tử cơ quan tạo máu, vi bào tử trùng, taura), bệnh sữa trên tôm hùm.

b) Giám sát bệnh đột xuất trên các đối tượng thủy sản nuôi:

Thực hiện lấy mẫu giám sát trong trường hợp môi trường vùng nuôi diễn biến xấu, thủy sản nuôi xảy ra vấn đề về sự cố môi trường, làm gia tăng nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên thủy sản nuôi.

Căn cứ tình hình thực tế nuôi trồng thủy sản tại các địa phương, kịp thời tổ chức lấy mẫu giám sát để cảnh báo và hướng dẫn biện pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả.

2.2. Giám sát định kỳ bệnh trên thủy sản giống:

- Các cơ sở sản xuất tôm giống trên địa bàn tỉnh định kỳ lấy mẫu giám sát bệnh con giống tại cơ sở mình. Kết quả giám sát được sử dụng để kiểm dịch giống xuất tỉnh theo quy định.

- Kinh phí xét nghiệm mẫu giám sát bệnh do cơ sở sản xuất giống chi trả theo quy định.

3. Kiểm tra xác định bệnh; kiểm tra phòng chống dịch bệnh, kiểm soát giống thủy sản:

- Tổ chức kiểm tra tình hình dịch bệnh, lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh khi xảy ra tình trạng thủy sản nuôi bị chết để phục vụ công tác chẩn đoán, điều trị, xử lý ổ dịch tránh lây lan.

- Kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản tại các địa phương, nắm bắt thông tin tình hình dịch bệnh tại các vùng nuôi, hướng dẫn cho người nuôi và địa phương thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh.

- Tổ chức kiểm tra đột xuất tình hình kiểm dịch giống thủy sản tại các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh, giống thủy sản nhập tỉnh nhằm kiểm soát mầm bệnh từ con giống.

4. Xử lý, khống chế dịch bệnh:

- Thực hiện xử lý, khống chế dịch bệnh theo đúng quy định tại Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản.

- Công tác tiếp nhận thông tin dịch bệnh, tiến hành điều tra và xử lý, khống chế dịch bệnh đảm bảo nhanh chóng, xử lý ổ dịch triệt để, tránh lây lan đối với các loại dịch bệnh nguy hiểm thuộc Danh mục các bệnh phải công bố dịch.

- Hóa chất dập dịch sử dụng từ nguồn dự trữ quốc gia được Trung ương cấp hỗ trợ cho tỉnh để phòng chống dịch bệnh động vật thủy sản. Căn cứ tình hình thực tế, UBND tỉnh phân bổ hóa chất cho các địa phương để chủ động trong công tác xử lý, khống chế dịch bệnh thủy sản.

5. Tập huấn phòng chống dịch bệnh thủy sản (khi có dịch bệnh xảy ra hoặc theo đề nghị của địa phương):

Tập huấn kiến thức về bệnh thủy sản, giải pháp phòng trị bệnh và các quy định của Nhà nước về phòng chống dịch bệnh thủy sản cho người nuôi. Trong đó, chú trọng đến phổ biến các quy định của Nhà nước về công tác phòng chống dịch bệnh cho động vật thủy sản nhằm nâng cao nhận thức của người nuôi; các loại bệnh mới trên các đối tượng thủy sản để người nuôi chủ động phòng chống.

- Số lớp tập huấn dự kiến: 03 lớp.

- Số lượng người: 40 người/lớp.

- Địa điểm: Tại vùng nuôi huyện Tuy An, thị xã Đông Hòa và Sông Cầu.

- Thời gian: 01 ngày/lớp.

6. Kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản:

- Thực hiện kiểm dịch giống thủy sản theo quy định tại các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT: Số 26/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản; số 36/2018/TT- BNNPTNT ngày 25/12/2018 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT và số 06/2022/TT-BNNPTNT ngày 28/7/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản.

- Tăng cường công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản vận chuyển ra ngoài tỉnh; kiểm tra, phát hiện và xử lý các trường hợp vận chuyển giống xuất tỉnh chưa thực hiện kiểm dịch.

- Tổ chức kiểm dịch đối với động vật thủy sản giống vận chuyển về tỉnh chưa được kiểm dịch đúng theo quy định; xử lý động vật thủy sản mang mầm bệnh nguy hiểm, động vật thủy sản giống vận chuyển vào địa bàn tỉnh không có giấy chứng nhận kiểm dịch.

7. Xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh:

Tiếp tục phổ biến, hướng dẫn các cơ sở sản xuất giống, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh thực hiện xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh; tổ chức kiểm tra thẩm định và chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh đối với các cơ sở đủ điều kiện theo quy định tại Thông tư số 14/2016/TT-BNNPTNT ngày 02/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật.

8. Tăng cường năng lực chẩn đoán, xét nghiệm bệnh thủy sản:

- Rà soát, bổ sung, cập nhật các quy trình xét nghiệm bệnh nguy hiểm, bệnh mới nổi trên động vật thủy sản.

- Đào tạo, tập huấn chuyên môn về dịch tễ, kỹ thuật xét nghiệm, bảo đảm đáp ứng tiêu chuẩn của Việt Nam và yêu cầu thực tế phát sinh.

9. Nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin:

- Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ một số bệnh nguy hiểm, bệnh mới nổi trên động vật thủy sản và đề xuất các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản, bao gồm: Báo cáo, chia sẻ, phân tích số liệu dịch bệnh, dự báo, cảnh báo dịch bệnh, lập bản đồ dịch tễ.

III. Kinh phí thực hiện kế hoạch:

Nguồn kinh phí: Ngân sách tỉnh.

Tổng kinh phí: 370.000.000 đồng (ba trăm ba mươi triệu đồng chẵn).

TT

Nội dung

Kinh phí (đồng)

1

Giám sát dịch bệnh trên thủy sản nuôi thương phẩm

303.136.000

2

Kiểm tra xác định bệnh; kiểm tra phòng chống dịch bệnh, kiểm soát giống thủy sản

33.752.000

3

Vận chuyển hóa chất phân bổ về địa phương xử lý, khống chế dịch bệnh

10.000.000

4

Tập huấn phòng chống dịch bệnh

23.112.000

Tổng cộng

370.000.000

IV. Tổ chức thực hiện:

1. Sở Nông nghiệp và PTNT:

- Là cơ quan thường trực thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh; chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

- Xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh, quan trắc môi trường vùng nuôi trồng thủy sản chi tiết; tổ chức triển khai công tác phòng chống dịch bệnh, quan trắc môi trường nuôi trên địa bàn toàn tỉnh theo kế hoạch đã được phê duyệt; dự trù bổ sung phương tiện, dụng cụ, thiết bị cần thiết đảm bảo phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh kịp thời, hiệu quả, hướng dẫn chuyên môn về công tác phòng chống dịch bệnh.

- Hướng dẫn thực hiện lịch mùa vụ, đối tượng và cơ cấu thủy sản nuôi trồng phù hợp địa phương, quy trình sản xuất, thu hoạch, phối hợp cơ quan có liên quan điều phối nước phục vụ nuôi trồng; tham gia thực hiện phòng, chống và khắc phục hậu quả dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản; hướng dẫn, kiểm tra sản xuất giống thủy sản theo quy định của pháp luật. Phối hợp với cơ quan liên quan thực hiện các biện pháp phòng trừ dịch bệnh thủy sản theo quy định của pháp luật; thực hiện quản lý truy xuất nguồn gốc giống thủy sản và quản lý chất lượng giống thủy sản trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp, hướng dẫn các huyện, thị xã, đơn vị liên quan thực hiện các biện pháp bao vây, khống chế, dập dịch khi có dịch bệnh xảy ra, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng; cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản, định kỳ báo cáo UBND tỉnh.

- Chủ trì và phối hợp với UBND các huyện, thị xã có nuôi trồng thủy sản và ngành chức năng có liên quan, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn và triển khai thực hiện tốt nội dung kế hoạch; tổng hợp kết quả thực hiện, định kỳ báo cáo UBND tỉnh.

2. UBND các huyện, thị xã có nuôi trồng thủy sản:

- Căn cứ kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt, UBND các huyện, thị xã chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã), người nuôi thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy trình về phòng, chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản; phối hợp chặt chẽ với các ngành cấp tỉnh thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.

- Xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản của địa phương. Trong đó, xây dựng các nội dung, phương án phòng chống dịch bệnh cụ thể và bố trí đủ nguồn kinh phí để thực hiện, tránh tình trạng xây dựng chung chung, không bố trí kinh phí ngân sách cấp huyện để thực hiện như trước đây. Đặc biệt, có cơ chế hỗ trợ, bồi dưỡng theo quy định cho lực lượng tham gia thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản của địa phương, nhất là đội ngũ cán bộ thú y cơ sở.

- Chủ động rà soát, kịp thời đề xuất UBND tỉnh phân bổ hóa chất sát trùng để xử lý môi trường vùng nuôi phòng chống dịch bệnh và xử lý ổ dịch phát sinh.

- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cấp huyện, UBND các xã phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường giám sát và báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh thủy sản; kiểm tra, xử lý các trường hợp con giống đưa về địa phương chưa được xét nghiệm các bệnh nguy hiểm và kiểm dịch theo quy định; thống kê số liệu nuôi trồng, dịch bệnh thủy sản tại địa bàn quản lý.

- Chịu trách nhiệm tổ chức lực lượng phòng, chống dịch bệnh thủy sản, tiêu hủy thủy sản mắc bệnh, vệ sinh tiêu độc khử trùng theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

- Tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại địa phương.

- Báo cáo kết quả thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản năm 2023 của địa phương cho UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và PTNT) trước ngày 25/10/2023 để có cơ sở tổng hợp, xây dựng kế hoạch cho năm tiếp theo.

3. UBND các xã:

- Là cấp chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện trong việc tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh, tiêu hủy, vệ sinh tiêu độc khử trùng theo hướng dẫn, giám sát của cơ quan thú y trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn quản lý.

- Chủ tịch UBND cấp xã huy động các lực lượng thú y, công an và các tổ chức đoàn thể của địa phương tham gia chống dịch.

- Thực hiện công tác tổng hợp, báo cáo tình hình nuôi trồng, dịch bệnh định kỳ và đột xuất cho UBND huyện, ngành chức năng theo quy định.

- Theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh, triển khai lực lượng phối hợp để xử lý, khống chế khi có dịch bệnh thủy sản xảy ra.

- Chủ động rà soát, đề xuất hỗ trợ hóa chất sát trùng để xử lý ổ dịch, môi trường vùng nuôi, phòng chống dịch bệnh cho thủy sản nuôi địa phương mình.

4. Cơ sở sản xuất giống thủy sản:

- Các tổ chức, cá nhân sản xuất giống thủy sản chấp hành và thực hiện nghiêm chỉnh việc lấy mẫu xét nghiêm bệnh trên con giống theo đúng quy định hiện hành về kiểm dịch giống thủy sản.

- Chịu trách nhiệm chi trả phí xét nghiệm mẫu giám sát của cơ sở mình theo quy định.

5. Cơ sở nuôi trồng thủy sản:

- Các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản chấp hành và thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản nuôi tại Kế hoạch này; tuân thủ mùa vụ thả nuôi theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT; tuân thủ theo đúng quy trình trong việc chuẩn bị hệ thống nuôi, quản lý chất lượng nước và chăm sóc sức khỏe đảm bảo hạn chế tối đa mầm bệnh và giảm thiểu các chất độc hại cho thủy sản nuôi; chỉ được phép sử dụng thức ăn, chế phẩm sinh học, kháng sinh, hóa chất nằm trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và PTNT công bố.

- Thiết kế hệ thống nuôi trồng thủy sản và áp dụng các biện pháp kỹ thuật nuôi theo hướng dẫn, quy định của các cơ quan chức năng, đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất trong phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường.

- Chỉ sử dụng con giống có nguồn gốc rõ ràng, được xét nghiệm các bệnh nguy hiểm và kiểm dịch của cơ quan thú y theo quy định.

- Hợp tác với các cơ quan chức năng trong việc lấy mẫu kiểm tra các chỉ tiêu môi trường, dịch bệnh.

- Báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh cho ngành chức năng theo quy định để triển khai công tác khống chế dịch bệnh, tránh lây lan.

Thủ trưởng các đơn vị, địa phương có liên quan phối hợp thực hiện./.


Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (b/c);
- Cục Thú y (b/c);
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND huyện Tuy An, TX: Đông Hòa và Sông Cầu;
- Chi cục CN va Thú y;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- CVP và PCVPUBND tỉnh;
- Cổng TTĐT-UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KT

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Tấn Hổ

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Kế hoạch 220/KH-UBND ngày 09/12/2022 về phòng, chống dịch bệnh cho động vật thủy sản năm 2023 do tỉnh Phú Yên ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


649

DMCA.com Protection Status
IP: 18.226.82.144
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!