Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 33/2020/TB-LPQT Loại văn bản: Điều ước quốc tế
Nơi ban hành: Chính phủ Cộng hoà Pháp, Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Người ký: Lê Quý Vương, Andre Vallini
Ngày ban hành: 06/09/2016 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ NGOẠI GIAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 33/2020/TB-LPQT

Hà Nội, ngày 25 tháng 5 năm 2020

THÔNG BÁO

VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC

Thực hiện quy định tại Khoản 3 Điều 56 Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:

Hiệp định về dẫn độ giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Pháp, ký tại Hà Nội ngày 06 tháng 9 năm 2016, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 5 năm 2020.

Bộ Ngoại giao trân trọng gửi bản sao Hiệp định theo quy định tại Điều 59 của Luật nêu trên./.

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG
VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Ngự

HIỆP ĐỊNH

VỀ DẪN ĐỘ GIỮA CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CỘNG HÒA PHÁP

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Pháp, sau đây gọi là “các Bên”,

Mong muốn thiết lập hợp tác hiệu quả hơn giữa hai nước trong đấu tranh phòng, chống tội phạm,

Tuân thủ các nguyên tắc của pháp luật quốc tế và tôn trọng các nguyên tắc hiến định của mỗi Bên,

Đã thỏa thuận các quy định dưới đây:

Điều 1

Nghĩa vụ dẫn độ

Các Bên cam kết chuyển giao cho nhau, theo quy định của Hiệp định này, bất cứ người nào đang có mặt trên lãnh thổ của một trong các Bên, bị các cơ quan tư pháp của Bên kia truy tố vì đã thực hiện một tội phạm hoặc truy nã để thi hành hình phạt tù đối với một hành vi có thể bị dẫn độ.

Điều 2

Các hành vi có thể bị dẫn độ

1. Các hành vi có thể bị dẫn độ là các hành vi bị xử phạt tù từ một năm trở lên hoặc nặng hơn theo pháp luật của Bên yêu cầu và Bên được yêu cầu.

2. Ngoài ra, nếu việc dẫn độ được yêu cầu nhằm thi hành một hình phạt tù được tuyên bởi cơ quan tư pháp có thẩm quyền của Bên yêu cầu, thời hạn chấp hành hình phạt còn lại ít nhất phải là sáu tháng.

3. Nếu yêu cầu dẫn độ liên quan đến nhiều hành vi khác nhau mà mỗi hành vi đều có thể bị xử phạt theo pháp luật của hai Bên nhưng một số hành vi không đáp ứng các điều kiện quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này thì Bên được yêu cầu cũng có thể đồng ý dẫn độ đối với các hành vi đó.

4. Đối với các tội phạm trong lĩnh vực thuế, phí, lệ phí, hải quan và ngoại hối, việc dẫn độ được thực hiện theo quy định của Hiệp định này.

Điều 3

Các trường hợp bắt buộc từ chối dẫn độ

Việc dẫn độ không được thực hiện:

a) Đối với các tội phạm được Bên được yêu cầu xác định là tội phạm chính trị hoặc hành vi liên quan đến tội phạm chính trị;

b) Trong trường hợp Bên được yêu cầu có lý do xác đáng để cho rằng việc dẫn độ được yêu cầu nhằm mục đích truy tố hoặc trừng phạt một người vì lý do chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch hoặc chính kiến, hoặc tình trạng của người đó có nguy cơ bị trầm trọng hơn vì một trong các lý do này;

c) Trong trường hợp đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chấp hành hình phạt theo quy định pháp luật của Bên được yêu cầu. Các hành vi được thực hiện trên lãnh thổ của Bên yêu cầu nhằm tạm đình chỉ hoặc đình chỉ thời hiệu được Bên được yêu cầu xem xét nếu pháp luật của Bên này cho phép;

d) Trong trường hợp tội phạm bị yêu cầu dẫn độ được Bên được yêu cầu xác định là tội phạm chỉ mang tính chất quân sự;

e) Trong trường hợp người bị yêu cầu dẫn độ sẽ bị xét xử tại Bên yêu cầu bởi một tòa án không đáp ứng các bảo đảm cơ bản về thủ tục hoặc trong trường hợp việc dẫn độ được yêu cầu để thi hành một hình phạt do tòa án đó tuyên;

f) Trong trường hợp người bị yêu cầu dẫn độ đã bị xét xử ở Bên được yêu cầu mà bản án đã có hiệu lực pháp luật tuyên có tội, tuyên không có tội, hoặc có một quyết định đại xá hoặc đặc xá, về tội phạm hoặc các tội phạm bị yêu cầu dẫn độ.

g) Trong trường hợp hình phạt có thể bị áp dụng theo pháp luật của Bên yêu cầu về những hành vi bị yêu cầu dẫn độ là tử hình, trừ trường hợp Bên yêu cầu cung cấp đảm bảo chắc chắn rằng hình phạt tử hình sẽ không bị áp dụng, tuyên án hay thi hành.

Điều 4

Các trường hợp có thể từ chối dẫn độ

Có thể từ chối dẫn độ:

a) Trong trường hợp, theo pháp luật của Bên được yêu cầu, các cơ quan tư pháp của Bên này có thẩm quyền xét xử tội phạm bị yêu cầu dẫn độ;

b) Trong trường hợp người bị yêu cầu dẫn độ bị truy tố ở Bên được yêu cầu, về tội phạm hoặc các tội phạm bị yêu cầu dẫn độ, hoặc trong trường hợp các cơ quan tư pháp của Bên được yêu cầu đã quyết định, theo thủ tục tố tụng phù hợp với pháp luật nước mình, không truy tố hoặc chấm dứt việc truy tố đã tiến hành với tội phạm hoặc các tội phạm đó;

c) Trong trường hợp tội phạm bị yêu cầu dẫn độ được thực hiện ngoài lãnh thổ của Bên yêu cầu và pháp luật của Bên được yêu cầu không cho phép truy tố tội phạm đó được thực hiện ngoài lãnh thổ của mình;

d) Trong trường hợp người bị yêu cầu dẫn độ đã bị xét xử bởi một bản án có hiệu lực pháp luật tuyên có tội hoặc không có tội ở một nước thứ ba về tội phạm hoặc các tội phạm bị yêu cầu dẫn độ.

e) Vì những lý do nhân đạo, trong trường hợp việc chuyển giao người bị yêu cầu dẫn độ có thể gây ra cho người đó những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, chủ yếu do tuổi tác hoặc tình trạng sức khỏe.

Điều 5

Dẫn độ công dân

1. Việc dẫn độ không được thực hiện nếu người bị yêu cầu dẫn độ có quốc tịch của Bên được yêu cầu. Quốc tịch được xác định vào ngày thực hiện tội phạm bị yêu cầu dẫn độ.

2. Nếu việc dẫn độ bị từ chối chỉ căn cứ vào quốc tịch của người bị yêu cầu dẫn độ thì Bên được yêu cầu, theo quy định pháp luật của nước mình và theo tố cáo của Bên yêu cầu về hành vi phạm tội, phải chuyển vụ việc cho các cơ quan có thẩm quyền của nước mình để tiến hành thủ tục tố tụng hình sự, nếu cần thiết. Nhằm mục đích đó, các tài liệu, báo cáo và đồ vật liên quan đến hành vi phạm tội được chuyển miễn phí theo phương thức quy định tại Điều 8 Hiệp định này và Bên yêu cầu được thông tin về việc xử lý yêu cầu của mình.

Điều 6

Áp dụng pháp luật của Bên được yêu cầu đối với thủ tục

Trừ trường hợp Hiệp định này có quy định khác, pháp luật của Bên được yêu cầu là hệ thống pháp luật duy nhất được áp dụng đối với thủ tục bắt khẩn cấp, dẫn độ và quá cảnh.

Điều 7

Cơ quan trung ương

1. Mỗi Bên chỉ định một cơ quan trung ương

a) Đối với Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan trung ương là Bộ Công an;

b) Đối với Cộng hòa Pháp, cơ quan trung ương là Bộ Tư pháp.

2. Các Bên thông báo cho nhau về mọi thay đổi liên quan đến các cơ quan trung ương quy định tại khoản 1 Điều này qua kênh ngoại giao.

Điều 8

Chuyển yêu cầu và giấy tờ, tài liệu cần xuất trình

1. Yêu cầu dẫn độ và mọi giấy tờ, tài liệu trao đổi sau đó được chuyển qua đường ngoại giao.

2. Yêu cầu dẫn độ phải bằng văn bản và kèm theo:

a) Trong mọi trường hợp:

(i) tên, địa chỉ của cơ quan có thẩm quyền yêu cầu dẫn độ và tên, địa chỉ của cơ quan được yêu cầu dẫn độ;

(ii) tài liệu mô tả các hành vi bị yêu cầu dẫn độ, nêu thời gian, địa điểm thực hiện hành vi, tính chất pháp lý của các hành vi và dẫn chiếu các quy định pháp luật được áp dụng đối với các hành vi đó, bao gồm cả các quy định về thời hiệu;

(iii) nội dung các quy định pháp luật áp dụng đối với tội phạm hoặc các tội phạm bị yêu cầu dẫn độ, các hình phạt tương ứng và thời hiệu, và trong trường hợp tội phạm được thực hiện ở ngoài lãnh thổ của Bên yêu cầu, nội dung các quy định pháp luật hoặc quy định của điều ước quốc tế trao thẩm quyền cho Bên đó;

(iv) tài liệu mô tả đặc điểm nhận dạng cụ thể của người bị yêu cầu dẫn độ (nếu có) và mọi thông tin khác nhằm xác định danh tính, quốc tịch và nếu có thể, nơi lưu trú của người đó.

b) Trong trường hợp yêu cầu dẫn độ nhằm truy cứu trách nhiệm hình sự, bản gốc hoặc bản sao xác thực lệnh bắt của cơ quan tư pháp có thẩm quyền của Bên yêu cầu;

c) Trong trường hợp yêu cầu dẫn độ nhằm thi hành hình phạt tù, bản gốc hoặc bản sao xác thực của bản án kết tội có hiệu lực thi hành và quyết định về mức hình phạt được tuyên và thời hạn chấp hành hình phạt còn lại.

Điều 9

Bổ sung thông tin

Nếu thông tin hoặc tài liệu được Bên yêu cầu cung cấp không đủ để cho phép Bên được yêu cầu ra quyết định theo quy định của Hiệp định này, hoặc nếu các thông tin, tài liệu đó không hợp lệ thì Bên được yêu cầu đề nghị bổ sung các thông tin cần thiết hoặc thông báo cho Bên yêu cầu các nội dung còn thiếu hoặc không hợp lệ để chỉnh sửa. Bên được yêu cầu có thể ấn định thời hạn để cung cấp các thông tin bổ sung hoặc chỉnh sửa các nội dung không hợp lệ.

Điều 10

Ngôn ngữ sử dụng và xác thực tài liệu

1. Các yêu cầu dẫn độ và giấy tờ, tài liệu cần xuất trình được soạn thảo bằng ngôn ngữ chính thức của Bên yêu cầu và kèm theo bản dịch sang ngôn ngữ chính thức của Bên được yêu cầu.

2. Các yêu cầu dẫn độ và giấy tờ, tài liệu kèm theo phải có chữ ký và dấu của cơ quan yêu cầu hoặc được xác nhận bởi cơ quan này. Các tài liệu này được miễn mọi thủ tục hợp pháp hóa.

Điều 11

Quyết định và chuyển giao

1. Bên được yêu cầu thông báo trong thời hạn sớm nhất cho Bên yêu cầu quyết định của mình về việc dẫn độ.

2. Mọi quyết định từ chối dẫn độ toàn bộ hoặc một phần đều phải nêu lý do.

3. Trong trường hợp chấp nhận dẫn độ, các Bên thỏa thuận về thời gian và địa điểm chuyển giao người bị dẫn độ. Bên được yêu cầu thông báo cho Bên yêu cầu thời hạn đã giam giữ đối với người bị dẫn độ nhằm thực hiện việc dẫn độ.

4. Không ảnh hưởng đến quy định tại khoản 5 Điều này, nếu người bị dẫn độ không được tiếp nhận trong thời hạn bốn mươi lăm ngày kể từ ngày được ấn định cho việc chuyển giao thì phải được trả tự do và sau đó, Bên được yêu cầu có thể từ chối dẫn độ người đó đối với cùng hành vi.

5. Trong trường hợp bất khả kháng cản trở việc chuyển giao hoặc tiếp nhận người bị dẫn độ, Bên bị bất khả kháng thông báo cho Bên kia. Hai Bên thỏa thuận thời gian mới để chuyển giao người bị dẫn độ và các quy định của khoản 4 Điều này được áp dụng.

Điều 12

Hoãn dẫn độ hoặc dẫn độ tạm thời

1. Sau khi chấp nhận dẫn độ, Bên được yêu cầu có thể hoãn dẫn độ người bị dẫn độ trong trường hợp người này đang bị tiến hành một thủ tục tố tụng hoặc đang chấp hành trên lãnh thổ của Bên được yêu cầu, một hình phạt đối với một tội phạm khác, cho đến khi kết thúc quá trình truy cứu trách nhiệm hình sự đó hoặc cho đến khi thi hành xong hình phạt đã được tuyên.

2. Thay vì hoãn dẫn độ người bị dẫn độ, nếu cần thiết tùy điều kiện cụ thể, Bên được yêu cầu có thể dẫn độ tạm thời người bị yêu cầu cho Bên yêu cầu theo các điều kiện do các Bên thỏa thuận và trong mọi trường hợp, với điều kiện rõ ràng là người bị dẫn độ sẽ tiếp tục bị giam và được trao trả lại.

3. Việc chuyển giao người bị dẫn độ cũng có thể bị hoãn nếu, do tình trạng sức khỏe của người bị dẫn độ, việc chuyển giao có thể gây nguy hiểm cho tính mạng hoặc làm trầm trọng hơn tình trạng của người đó.

4. Nếu Bên được yêu cầu quyết định hoãn chuyển giao người bị dẫn độ thì phải thông báo cho Bên yêu cầu và thực hiện mọi biện pháp cần thiết để việc hoãn không gây cản trở việc chuyển giao người bị dẫn độ cho Bên yêu cầu.

Điều 13

Chuyển giao tài sản

1. Theo yêu cầu của Bên yêu cầu, Bên được yêu cầu thu giữ và chuyển giao, trong phạm vi pháp luật nước mình cho phép, các vật, giá trị hoặc tài liệu:

a) Có thể sử dụng làm vật chứng; hoặc

b) Do phạm tội mà có và được tìm thấy vào thời điểm bị bắt mà người bị dẫn độ đang sở hữu, hoặc được phát hiện sau đó.

2. Việc chuyển giao tài sản quy định tại khoản 1 Điều này vẫn được thực hiện trong trường hợp việc dẫn độ đã được cho phép không thể thực hiện được do người bị dẫn độ chết, mất tích hoặc bỏ trốn.

3. Trong trường hợp các tài sản quy định ở trên có thể bị thu giữ hoặc tịch thu trên lãnh thổ của Bên được yêu cầu, Bên này có thể, nhằm phục vụ thủ tục tố tụng đang tiến hành, bảo quản tạm thời hoặc chuyển giao các tài sản đó kèm theo điều kiện trả lại tài sản.

4. Các quy định của Điều này không ảnh hưởng đến các quyền của Bên được yêu cầu hoặc các bên thứ ba đối với các tài sản đó. Nếu các quyền đó tồn tại, Bên yêu cầu trả lại trong thời hạn sớm nhất và miễn phí việc chuyển các tài sản này cho Bên được yêu cầu sau khi kết thúc thủ tục tố tụng.

Điều 14

Quy tắc đặc biệt

1. Người bị dẫn độ theo quy định của Hiệp định này sẽ không bị truy tố, xét xử, giam giữ ở Bên yêu cầu, cùng không phải chịu bất kỳ hạn chế nào về quyền tự do cá nhân của mình, đối với một hành vi xảy ra trước khi được chuyển giao mà không phải là hành vi là căn cứ dẫn độ, trừ các trường hợp dưới đây:

a) Trường hợp Bên đã chuyển giao người bị dẫn độ đồng ý. Nhằm mục đích này, phải đưa ra yêu cầu kèm theo các giấy tờ, tài liệu quy định tại Điều 8 Hiệp định này và biên bản lấy lời khai của người bị dẫn độ, đặc biệt nêu rõ người đó chấp nhận hay phản đối việc mở rộng phạm vi dẫn độ. Sự đồng ý nêu trên chỉ có thể được thực hiện nếu tội phạm liên quan thuộc trường hợp có thể bị dẫn độ theo quy định của Hiệp định này;

b) Trường hợp mặc dù có khả năng rời khỏi lãnh thổ của Bên được chuyển giao người bị dẫn độ, người bị dẫn độ đã không rời lãnh thổ đó trong thời hạn sáu mươi ngày kể từ ngày được trả tự do hoặc đã quay trở lại nước đó sau khi rời đi.

2. Tuy nhiên, Bên yêu cầu có thể thực hiện các biện pháp cần thiết để trao trả lại từ lãnh thổ của nước mình, nếu cần, hoặc đình chỉ thời hiệu, theo quy định pháp luật của nước mình, kể cả việc áp dụng thủ tục vắng mặt.

3. Trong trường hợp việc xác định tội danh theo đó một người đã bị dẫn độ thay đổi trong quá trình tố tụng, người này chỉ có thể bị truy tố hoặc xét xử nếu tội phạm được xác định tội danh mới:

a) Có thể bị dẫn độ theo quy định của Hiệp định này;

b) Liên quan đến cùng các hành vi như tội phạm đã bị dẫn độ;

c) Không bị xử phạt tử hình ở Bên yêu cầu, trong trường hợp này khoản g Điều 3 Hiệp định này được áp dụng.

Điều 15

Dẫn độ lại sang nước thứ ba

Trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 14 Hiệp định này, việc dẫn độ lại sang một nước thứ ba không thể được thực hiện mà không có sự đồng ý của Bên đã đồng ý dẫn độ. Bên này có thể yêu cầu cung cấp các giấy tờ, tài liệu quy định tại Điều 8 Hiệp định này, cũng như biên bản lấy lời khai theo đó người bị dẫn độ tuyên bố chấp nhận hay phản đối việc dẫn độ lại.

Điều 16

Bắt khẩn cấp

1. Trong trường hợp khẩn cấp, các cơ quan có thẩm quyền của Bên yêu cầu có thể yêu cầu bắt khẩn cấp người bị yêu cầu dẫn độ.

2. Yêu cầu bắt khẩn cấp phải bằng văn bản, nêu rõ có một trong số các giấy tờ thay thế quy định tại các điểm b và c Điều 8 Hiệp định này và cho biết ý định gửi yêu cầu dẫn độ. Văn bản này cũng nêu rõ tội phạm bị yêu cầu dẫn độ, thời gian, địa điểm và hoàn cảnh thực hiện tội phạm cũng như tất cả các thông tin cần thiết cho phép xác định danh tính, quốc tịch và nơi lưu trú của người bị truy nã.

3. Yêu cầu bắt khẩn cấp được chuyển cho các cơ quan có thẩm quyền của Bên được yêu cầu, hoặc bằng đường ngoại giao, hoặc thông qua Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), hoặc bằng bất kỳ phương thức nào thể hiện dưới dạng văn bản và được các Bên chấp thuận.

4. Ngay sau khi nhận được yêu cầu tại khoản 1 Điều này, các cơ quan có thẩm quyền của Bên được yêu cầu phải xử lý theo quy định pháp luật nước mình. Bên yêu cầu được thông báo về việc xử lý yêu cầu đó.

5. Việc bắt khẩn cấp chấm dứt nếu trong thời hạn sáu mươi ngày kể từ ngày bt, Bên được yêu cầu không nhận được yêu cầu dẫn độ và các giấy tờ, tài liệu quy định tại các điểm b và c Điều 8 Hiệp định này. Việc trả tự do cho người bị bắt khẩn cấp có th thực hiện vào bất kỳ thời điểm nào nhưng Bên được yêu cầu phải có trách nhiệm thực hiện mọi biện pháp cần thiết, nếu cần, để tránh việc người này bỏ trốn.

6. Việc trả tự do theo quy định tại khoản 5 Điều này không ngăn cản việc bắt lại và dẫn độ người đó nếu yêu cầu dẫn độ chính thức và các giấy tờ, tài liệu quy định tại Điều 8 Hiệp định này được chuyển đến sau đó.

Điều 17

Thông báo kết quả

Theo yêu cầu của Bên được yêu cầu, Bên yêu cầu thông báo cho Bên được yêu cầu kết quả việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người bị dẫn độ, việc thi hành hình phạt hoặc việc dẫn độ lại người đó sang nước thứ ba.

Điều 18

Quá cảnh

1. Trường hợp một người không phải là công dân của một trong các Bên, quá cảnh trên lãnh thổ của Bên đó và được một nước thứ ba chuyển giao cho Bên kia thì việc quá cảnh đó được cho phép trên cơ sở xuất trình qua đường ngoại giao một trong các tài liệu thay thế quy định tại Điều 8 Hiệp định này, với điều kiện không trái với các quy định trật tự công hoặc không phải là các tội phạm không thể bị dẫn độ theo quy định tại Điều 3 Hiệp định này.

2. Việc quá cảnh cũng có thể bị từ chối trong tất cả các trường hợp từ chối dẫn độ khác.

3. Trách nhiệm giữ người thuộc về các cơ quan của Bên quá cảnh cho đến khi người đó còn ở trên lãnh thổ của Bên này.

4. Trường hợp sử dụng đường hàng không thì áp dụng các quy định sau đây:

a) Nếu không dự định hạ cánh, Bên yêu cầu thông báo cho Bên mà máy bay bay qua lãnh thổ của Bên đó và xác nhận có một trong các tài liệu thay thế quy định tại Điều 8 Hiệp định này. Trong trường hợp hạ cánh ngẫu nhiên, thông báo này có giá trị như yêu cầu bắt khẩn cấp quy định tại Điều 16 Hiệp định này và Bên yêu cầu xin quá cảnh hợp lệ;

b) Nếu dự định hạ cánh thì Bên yêu cầu gửi yêu cầu xin quá cảnh hợp lệ.

Điều 19

Nhiều yêu cầu dẫn độ

Nếu đồng thời có yêu cầu dẫn độ của một trong các Bên và các quốc gia khác đối với cùng một hành vi hoặc đối với các hành vi khác nhau thì Bên được yêu cầu xem xét giải quyết tùy thuộc hoàn cảnh và đặc biệt là tính chất nghiêm trọng của tội phạm cũng như địa điểm thực hiện tội phạm, ngày tháng của các yêu cầu dẫn độ, quốc tịch của người bị yêu cầu dẫn độ và khả năng dẫn độ sang một quốc gia khác sau đó.

Điều 20

Chi phí

1. Các chi phí phát sinh từ việc dẫn độ trên lãnh thổ của Bên được yêu cầu do Bên này chi trả cho tới khi chuyển giao người bị dẫn độ.

2. Các chi phí phát sinh từ việc quá cảnh trên lãnh thổ của Bên được yêu cầu cho quá cảnh do Bên yêu cầu chi trả.

3. Nếu trong quá trình thực hiện một yêu cầu dẫn độ thấy rằng cần có chi phí đột xuất nhằm đáp ứng yêu cầu dẫn độ thì các Bên tham khảo ý kiến của nhau để xác định phương thức và điều kiện có thể tiếp tục thực hiện yêu cầu đó.

Điều 21

Quan hệ với các điều ước quốc tế khác

Hiệp định này không phương hại đến các quyền và cam kết của mỗi Bên phát sinh từ các điều ước quốc tế khác.

Điều 22

Giải quyết tranh chấp

Mọi tranh chấp phát sinh từ việc thực hiện hoặc giải thích Hiệp định này được giải quyết bằng tham vấn qua đường ngoại giao.

Điều 23

Áp dụng về thời gian

Hiệp định này được áp dụng đối với mọi yêu cầu dẫn độ được đưa ra sau khi Hiệp định có hiệu lực, kể cả khi tội phạm liên quan được thực hiện trước đó.

Điều 24

Hiệu lực và chấm dứt hiệu lực của Hiệp định

1. Mỗi Bên thông báo cho Bên kia việc thực hiện các thủ tục cần thiết theo nội luật của mình để Hiệp định này có hiệu lực.

2. Hiệp định này có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ hai kể từ ngày nhận được thông báo cuối cùng của các thông báo nêu trên.

3. Mỗi Bên có thể chấm dứt Hiệp định này vào bất kỳ thời điểm nào bằng việc gửi thông báo bằng văn bản cho Bên kia qua đường ngoại giao. Trong trường hợp này, Hiệp định chấm dứt hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ sáu kể từ ngày nhận được thông báo đó. Các yêu cầu dẫn độ đã nhận được trước khi Hiệp định chấm dứt hiệu lực vẫn được xử lý theo quy định của Hiệp định.

LÀM tại Hà Nội, ngày 06/9/2016, thành hai bản, tiếng Việt và tiếng Pháp, hai văn bản này có giá trị như nhau.

Thay mặt
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam




LÊ QUÝ VƯƠNG
THỨ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN

Thay mặt
Cộng hòa Pháp




ANDRE VALLINI
QUỐC VỤ KHANH BỘ NGOẠI GIAO
VÀ PHÁT TRIỂN QUỐC TẾ

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông báo 33/2020/TB-LPQT ngày 06/09/2016 về hiệu lực của Hiệp định về dẫn độ giữa Việt Nam - Pháp

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


4.347

DMCA.com Protection Status
IP: 3.135.194.138
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!