Kính
gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Lâm Đồng do Ban Dân nguyện chuyển đến theo
Công văn số 1611/BDN ngày 21/11/2023, nội dung kiến nghị như sau:
1. Về lĩnh vực quản lý lễ hội:
Tại Điều 8, Điều 9 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày
29/8/2018 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội quy định việc đăng ký,
thông báo tổ chức lễ hội hoặc việc tạm ngừng tổ chức lễ hội khi có sai phạm được
thực hiện với chính quyền cùng cấp (cấp tỉnh đăng ký/thông báo với UBND tỉnh, cấp
huyện - xã đăng ký/thông báo với UBND cấp huyện). Tuy nhiên, trên thực tế tại tỉnh
Lâm Đồng hiện nay, hầu hết các lễ hội ở cấp địa phương chủ yếu do chính quyền địa
phương đó đứng ra tổ chức. Do đó việc đăng ký hoặc thông báo, hoặc yêu cầu tạm
ngừng tổ chức lễ hội do chính quyền cùng cấp thực hiện là không hợp lý. Đề xuất
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, điều chỉnh, quy định rõ để địa phương
thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện.
2. Hiện nay, khi một số tổ chức,
doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đăng ký tổ chức một số lễ hội mang tính giao lưu
sinh hoạt văn hóa như: Lễ hội hóa trang (Haloween), Lễ hội tình yêu
(Valentine),... gặp nhiều khó khăn trong việc lập hồ sơ đăng ký tổ chức lễ hội.
Lý do: Tại khoản 1 Điều 11 Nghị định số 110/2018/NĐ- CP của
Chính phủ quy định về trình tự tiếp nhận hồ sơ đăng ký tổ chức lễ hội quy mô cấp
quốc gia, cấp khu vực, lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài, như sau: Đơn vị tổ chức
lễ hội gửi hồ sơ đăng ký đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (trực tiếp, qua
bưu điện hoặc nộp trực tuyến) trước ngày dự kiến tổ chức lễ hội ít nhất 30
ngày. Ngoài ra, Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ còn
quy định: Đối với lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài (Lễ hội hóa trang, Lễ hội
tình yêu,…) phải cung cấp văn bản đồng ý tổ chức lễ hội tại Việt Nam của Đại sứ
quán, Lãnh sự hoặc Tổng Lãnh sự quốc gia, vùng lãnh thổ và văn bản đồng ý của Bộ
Ngoại giao,... Đề xuất Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quy định rõ quy mô, tính
chất, điều kiện, nội dung tổ chức lễ hội thuộc đối tượng phải xuất trình các
văn bản quy định nêu trên.
3. Đối với tổ chức Lễ hội
truyền thống (bao gồm cả lễ hội tại các di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội dân
gian): Hiện nay, chưa có quy định, hướng dẫn về hoạt động giới thiệu về nguồn gốc
của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; không tiếp nhận
và đưa các linh vật ngoại lai, hiện vật lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục
của Việt Nam vào các khu di tích, khu thờ tự, đảm bảo tính nguyên trạng của di
tích theo đúng Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành. Do đó,
công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
xem xét, ban hành các quy định cụ thể đối với hoạt động trên.
4. Về hoạt động bãi cắm trại
du lịch: Theo quy định tại Điều 49 Luật Du lịch năm 2017, để
các tổ chức, cá nhân kinh doanh loại hình bãi cắm trại du lịch thì phải đáp ứng
đủ các điều kiện: (1) Đăng ký kinh doanh theo quy định của của pháp luật; (2)
Đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn về phòng cháy và chữa cháy, bảo
vệ môi trường, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; (3) Đáp ứng điều
kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ đối với bãi cắm trại du lịch.
Thực tế hiện nay có nhiều hoạt
động cắm trại dã ngoại (lều, trại,…) đang phổ biến nhưng không thuộc danh mục
cơ sở do cơ quan công an quản lý về phòng cháy chữa cháy (theo Nghị định số
136/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện
pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật Phòng cháy chữa cháy). Do đó, các cơ sở không được cấp chứng nhận cơ sở
đảm bảo điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy, an ninh trật tự; không đủ
điều kiện để xác nhận đảm bảo đủ điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật,
dịch vụ đối với bãi cắm trại du lịch. Hiện nay, tiêu chuẩn TCVN 7796: 2009 về
bãi cắm trại du lịch đã không còn phù hợp với Luật Du lịch 2017 và các văn bản
hướng dẫn thi hành luật, cũng như tình hình thực tế. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi
trong công tác quản lý các loại cơ sở lưu trú du lịch đối với bãi cắm trại du lịch,
đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ sửa
đổi TCVN 7796:2009 về bãi cắm trại du lịch cho phù hợp.
5. Về du lịch canh nông: Luật
Du lịch và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa có quy định cụ thể về loại hình
du lịch canh nông. Tuy nhiên, thực tế hiện nay sản phẩm du lịch canh nông trên
địa bàn tỉnh Lâm Đồng cũng như một số địa phương khác đang phát triển mạnh, tỉnh
Lâm Đồng cũng đã ban hành quy chế tạm thời về đầu tư và quản lý hoạt động kinh
doanh du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh. Để thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà
nước cũng như các đơn vị kinh doanh; đề xuất Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch sớm
ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai để Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch,
các sở ngành liên quan, các tổ chức, cá nhân… căn cứ triển khai thực hiện đúng
theo quy định của pháp luật.
6. Về du lịch nông thôn:
Ngày 02/8/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 922/QĐ-TTg về việc
phê duyệt phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn
2021 - 2025, nhưng do chưa có hướng dẫn triển khai cụ thể nên quá trình triển
khai còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đề xuất Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch
sớm ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện.
7. Về điều chỉnh danh mục
các danh lam, thắng cảnh quốc gia: Một số danh lam thắng cảnh hiện nay không
còn đảm bảo các tiêu chí công nhận danh lam thắng cảnh cấp quốc gia theo quy định
của Luật Di sản Văn hóa do hiện trạng sử dụng đất, hạ tầng khu vực bảo vệ của
di tích và các khu vực xung quanh di tích đã có nhiều thay đổi so với thời điểm
được công nhận. Do vậy, để tăng cường bảo vệ và phát huy giá trị di tích thắng
cảnh phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình phát triển kinh tế - xã hội
của địa phương; đề xuất Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch có cơ chế điều chỉnh
danh mục các danh lam thắng cảnh cấp quốc gia.
8. Về việc công nhận khu du
lịch cấp tỉnh, điểm du lịch: Luật Du lịch và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật
chưa có quy định về việc các khu, điểm du lịch phải được công nhận là khu du lịch
cấp tỉnh, điểm du lịch trước khi tổ chức kinh doanh; chưa có quy định về đánh
giá, phân loại tài nguyên du lịch (khoản 1 Điều 16 Luật Du lịch)
để đảm bảo điều kiện công nhận điểm du lịch và khu du lịch theo quy định Điều 11, 12 Nghị định số 168/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Vì vậy,
ngành văn hóa gặp nhiều khó khăn trong quá trình hướng dẫn các tổ chức, cá nhân
kinh doanh khu, điểm du lịch lập hồ sơ đề nghị công nhận khu du lịch cấp tỉnh, điểm
du lịch do chưa có cơ sở xác định tài nguyên du lịch, tài nguyên du lịch cấp tỉnh.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 23 và Điều 26 Luật Du lịch,
điều kiện công nhận điểm du lịch, khu du lịch thì phải đáp ứng điều kiện về an
ninh trật tự; để được cấp chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự thì phải
đáp ứng điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy, để đáp ứng các điều kiện
về phòng cháy chữa cháy thì cơ sở phải đảm bảo về cơ sở vật chất kỹ thuật nhưng
các điều kiện này vẫn chưa có sự thống nhất giữa các ngành văn hoá, thể thao,
du lịch với ngành công an. Đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, ban
hành quy định và có hướng dẫn cụ thể đối với các vấn đề trên.
9. Về việc quản lý hoạt động
tổ chức kinh doanh sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khoẻ
của khách du lịch: Tại khoản 2, Điều 10 Chương III, Nghị định số
168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định:“Trong thời hạn 15
ngày kể từ ngày nhận được thông báo của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm du
lịch quy định tại Điều 8 Nghị định này, Sở Du lịch, Sở Văn
hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức kiểm tra và công bố trên Cổng thông tin điện tử
Danh mục tổ chức, cá nhân đáp ứng đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn quy định
tại Điều 9 Nghị định này”. Tại Điều 9, Nghị
định số 168/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định biện pháp bảo đảm an toàn khi
kinh doanh các sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khoẻ của
khách du lịch, trong đó có các quy định như:“Bố trí, sử dụng huấn luận viên, kỹ
thuật viên, hướng dẫn viên có chuyên môn phù hợp”, “Cung cấp, hướng dẫn sử dụng
và giám sát việc sử dụng trang thiết bị, dụng cụ hỗ trợ theo quy chuẩn, tiêu
chuẩn, bảo đảm an toàn cho khách”. Tuy nhiên đến nay, chưa có hướng dẫn, quy định
các quy chuẩn, tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể để làm căn cứ kiểm tra, thực hiện. Đề
xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, ban hành các quy định cụ thể làm
cơ sở triển khai thực hiện.
10. Về chế độ báo cáo: Thông
tư số 18/2021/TT/BVHTTDL của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ngày 31/12/2021
quy định về chế độ báo cáo thống kê trong hoạt động du lịch, trong đó có quy định
về phương thức gửi báo cáo trên hệ thống phần mềm nhận gửi báo cáo thống kê du
lịch do Tổng cục Du lịch quản lý tại địa chỉ http://thongke.tourism.vn (có hiệu
lực thi hành kể từ ngày 15/02/2022). Tuy nhiên, đến nay nhiều địa phương, tổ chức,
cá nhân kinh doanh du lịch vẫn còn lúng túng trong việc triển khai thực hiện
Thông tư. Đề xuất Cục Du lịch tổ chức lớp tập huấn sử dụng phần mềm báo cáo thống
kê du lịch cho các địa phương, các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch để triển
khai đồng bộ, hình thành cơ sở dữ liệu ngành du lịch của cả nước.
11. Về lĩnh vực mỹ thuật: Đề
xuất Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trình điều chỉnh, bổ sung Nghị định số
113/2013/NĐ-CP ngày 02/10/2013 của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật do thực tế
triển khai, một số quy định còn chưa đầy đủ, gây khó khăn trong công tác quản
lý, như: chưa có quy định về việc xây dựng các công trình tượng, tiểu cảnh có
kích thước nhỏ,...
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao
và Du lịch xin trả lời như sau:
1) Về nội
dung liên quan đến việc đăng ký, thông báo tổ chức lễ hội hoặc việc tạm ngừng tổ
chức lễ hội khi có sai phạm được thực hiện với chính quyền cùng cấp
Theo Nghị định số 110/2018/NĐ-CP
ngày 29/8/2018 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội, các quy định về đăng
ký, thông báo tổ chức lễ hội được áp dụng chung cho các cơ quan, đơn vị cũng
như chính quyền địa phương trước khi tiến hành tổ chức lễ hội.
Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện
trách nhiệm thanh tra, kiểm tra công tác lễ hội trên địa bàn. Khi phát hiện sai
phạm trong lễ hội do chính quyền địa phương cấp dưới tổ chức, Ủy ban nhân dân cấp
trên theo chức năng quản lý nhà nước về lễ hội được phân cấp có thể yêu cầu tạm
dừng tổ chức và xử lý các vi phạm theo thẩm quyền.
2) Về nội
dung liên quan đến việc đăng ký tổ chức một số lễ hội mang tính giao lưu sinh
hoạt văn hóa như: Lễ hội hóa trang (Haloween), Lễ hội tình yêu (Valentine),...
Căn cứ khoản 4 Điều
3 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản
lý và tổ chức lễ hội, lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài là những hoạt động giới
thiệu văn hóa, kinh tế, xã hội của nước ngoài với công chúng Việt Nam. Các sự
kiện giao lưu sinh hoạt văn hóa theo kiến nghị của địa phương không thuộc trường
hợp lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài, vì vậy, trước khi tổ chức không cần đăng
ký với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo quy định tại Nghị định số
110/2018/NĐ-CP .
3) Về kiến
nghị ban hành các quy định cụ thể đối với hoạt động giới thiệu về nguồn gốc của
lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; không tiếp nhận và
đưa các linh vật ngoại lai, hiện vật lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục của
Việt Nam vào các khu di tích, khu thờ tự
Nghị định số 110/2018/NĐ-CP
ngày 29/8/2018 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội đã quy định cụ thể về
hoạt động tổ chức, giới thiệu lễ hội cũng như trách nhiệm của các đơn vị liên
quan, cụ thể:
- Điểm b khoản
2 Điều 7 quy định: Ban tổ chức lễ hội có trách nhiệm: “Tuyên truyền, giới
thiệu mục đích, ý nghĩa, giá trị của lễ hội trên hệ thống loa phát thanh, bảng,
biển và các hình thức tuyên truyền khác;…”.
- Khoản 1 Điều
20 quy định: Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách
nhiệm tổ chức, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động lễ hội
tại địa phương, bảo đảm hoạt động lễ hội được tiến hành trang trọng, đúng nghi
lễ truyền thống; loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp với xu
thế hội nhập và phát triển.
- Đối với các lễ hội tổ chức tại
các di tích lịch sử - văn hóa phải thực hiện các biện pháp bảo vệ di tích, danh
lam thắng cảnh theo quy định tại Điều 5 Nghị định số
110/2018/NĐ-CP, Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Căn cứ các quy định trên, Bộ
Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các sở, ban,
ngành, địa phương phối hợp quản lý và tổ chức lễ hội, bảo đảm hoạt động lễ hội
được tiến hành trang trọng, đúng nghi lễ truyền thống.
4) Về kiến
nghị việc sửa đổi TCVN 7796:2009 về bãi cắm trại du lịch cho phù hợp
Về nội dung kiến nghị trên, Bộ
Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp thu ý kiến của cử tri tỉnh Lâm Đồng. Hiện Bộ
Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng tiến
hành rà soát, tổng hợp các ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp
hoạt động trong lĩnh vực du lịch, trên cơ sở đó đề xuất về việc sửa đổi, bổ
sung TCVN 7796:2009 về bãi cắm trại du lịch cho phù hợp với tình hình thực tế
và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
5) Về kiến
nghị ban hành văn bản hướng dẫn quy định cụ thể về loại hình du lịch canh nông
Du lịch canh nông là loại hình
du lịch mới chưa được điều chỉnh trong các văn bản quy phạm pháp luật. Hiện
nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được Chính phủ giao là đơn vị đầu mối
xây dựng Nghị định về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại,
trong đó có mô hình khai thác các trang trại nông nghiệp kết hợp kinh doanh dịch
vụ du lịch.
Thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể
thao và Du lịch sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để
nghiên cứu, rà soát, đề xuất, kiến nghị cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển
du lịch nông nghiệp, nông thôn, trong đó đề nghị xem xét, tháo gỡ khó khăn đối
với phát triển mô hình du lịch nông nghiệp trên đất nông nghiệp, các mô hình
kinh tế trang trại kết hợp khai thác du lịch nông nghiệp.
6) Về nội
dung kiến nghị ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện liên quan đến
phát triển du lịch nông thôn
Căn cứ Quyết định số 922/QĐ-TTg
ngày 02/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển du lịch
nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn được giao là đơn vị chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể
thao và Du lịch xây dựng kế hoạch triển khai, hướng dẫn, kiểm tra và giám sát
các địa phương triển khai thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn đã ban hành:
(1) Thông tư số
05/2022/TT-BNNPTNT ngày 25/7/2022 hướng dẫn một số nội dung thực hiện Chương
trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 thuộc phạm
vi quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong đó có nội
dung hướng dẫn thực hiện Chương trình du lịch nông thôn (Điều
16);
(2) Công văn số 8050/BNN-VPĐP
ngày 19/5/2023 về việc tập trung triển khai các giải pháp về phát triển du lịch
nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới.
Cùng đó, Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn đang tiến hành xây dựng và trình Chính phủ xem xét, ban hành
Nghị định về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, trong đó có
mô hình khai thác trang trại nông nghiệp kết hợp kinh doanh dịch vụ du lịch.
Ngoài ra, ngày 15/8/2023, Bộ
trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 55/2023/TT-BTC quy định quản lý, sử dụng
và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các Chương
trình MTQG giai đoạn 2021-2025.
Trên cơ sở những văn bản hướng
dẫn nêu trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chủ động
nghiên cứu để triển khai thực hiện, đảm bảo hiệu quả, tuân thủ đúng quy định
7) Về nội
dung kiến nghị về cơ chế điều chỉnh danh mục các danh lam thắng cảnh cấp quốc
gia
Luật Di sản văn hóa năm năm
2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 đều
chưa có quy định cụ thể về hủy bỏ xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam
thắng cảnh đã bị hủy hoại, không còn đáp ứng tiêu chí di tích xếp hạng.
Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao
và Du lịch đang tiến hành xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), trong đó có nội
dung về hủy bỏ xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Dự thảo
đang được gửi lấy ý kiến rộng rãi của các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, đơn vị
liên quan và nhân dân. Trên cơ sở tổng hợp, tiếp thu, giải trình các ý kiến góp
ý, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ hoàn thiện dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa
đổi) và trình Chính phủ, Quốc hội xem xét, quyết định.
8) Về kiến
nghị đề xuất ban hành quy định, hướng dẫn cụ thể liên quan đến việc công nhận
khu, điểm du lịch; quy định về đánh giá, phân loại tài nguyên du lịch; các điều
kiện về phòng cháy chữa cháy
- Về việc công nhận khu, điểm
du lịch trước khi tổ chức kinh doanh:
Theo quy định của Luật Doanh
nghiệp 2020, tổ chức, cá nhân khi kinh doanh phải đăng ký kinh doanh và tổ chức
hoạt động kinh doanh khi được cấp phép. Đối với loại hình kinh doanh khu, điểm
du lịch là loại hình kinh doanh có điều kiện, khi thẩm định các điều kiện đạt
yêu cầu, tổ chức/cá nhân mới có quyền được tổ chức kinh doanh loại hình này.
Căn cứ các quy định hiện hành, cơ quan quản lý thực hiện việc cấp phép, kiểm
tra, giám sát quá trình thực hiện của doanh nghiệp.
- Về các điều kiện liên
quan đến phòng cháy chữa cháy:
Tại Luật Phòng cháy và chữa
cháy năm 2013 đã quy định rõ về trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ sở, chợ, trung
tâm thương mại, công trình cao tầng, nhà ga, bến cảng, khách sạn, nhà nghỉ, vũ
trường,… và những nơi đông người khác cần đảm bảo tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa
cháy (từ Điều 20 đến Điều 28).
Tại Phụ lục I. Danh mục cơ sở
thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày
24/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật
Phòng cháy và chữa cháy cũng bao gồm: Khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ; nhà trọ,
cơ sở lưu trú khác được thành lập theo Luật Du lịch năm 2017.
Vì vậy, để khu, điểm du lịch được
đi vào hoạt động, các điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ phòng cháy chữa cháy
cần phải được đảm bảo (là điều kiện tiên quyết), không có sự mâu thuẫn giữa cơ
sở vật chất, kỹ thuật phục vụ hoạt động tại khu, điểm du lịch và cơ sở vật chất,
hạ tầng phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
đề nghị địa phương cần tham khảo các tiêu chuẩn về hạ tầng phòng cháy, chữa
cháy tại văn bản hướng dẫn luật như Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ; Thông tư số
149/2020/TT-BCA ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn thi hành Luật
Phòng cháy và chữa cháy... để hướng dẫn khu, điểm du lịch trang bị đầy đủ thiết
bị, hạ tầng phòng cháy, chữa cháy trước khi xin cấp phép hoạt động.
- Về quy định đánh giá,
phân loại tài nguyên
Hiện nay Bộ Văn hóa, Thể thao
và Du lịch đang triển khai đánh giá, điều tra tài nguyên du lịch theo thẩm quyền,
phạm vi quy định tại Luật Du lịch năm 2017. Dự kiến tài liệu hướng dẫn điều tra
tài nguyên du lịch sẽ được thẩm định, thông qua và ban hành vào Quý I/2024, đây
sẽ là căn cứ để các địa phương tiến hành điều tra, đánh giá, phân loại tài
nguyên du lịch, từ đó công nhận khu, điểm du lịch theo đúng tiêu chí, thẩm quyền.
9) Về nội
dung kiến nghị đề xuất ban hành các quy định cụ thể liên quan đến việc quản lý
hoạt động tổ chức kinh doanh sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng,
sức khỏe của du khách
Căn cứ Điều 8
Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết
một số điều của Luật Du lịch, các sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến
tính mạng, sức khoẻ của khách du lịch gồm: sản phẩm du lịch mạo hiểm; sản phẩm
du lịch vui chơi, giải trí dưới nước; sản phẩm du lịch thể thao bắt buộc có người
hướng dẫn tập luyện; hoạt động thể thao mạo hiểm, hoặc có những hoạt động thuộc
thẩm quyền quản lý của Bộ Quốc phòng như: khinh khí cầu, nhảy dù, dù bay.
Đối với loại hình sản phẩm du lịch
trên, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành theo thẩm quyền các
Thông tư và văn bản có liên quan, gồm: Thông tư số 04/2019/TT -BVHTTDL ngày
17/7/2019 quy định danh mục hoạt động thể thao bắt buộc có người hướng dẫn tập
luyện, danh mục hoạt động thể thao mạo hiểm; Thông tư số 07/2020/TT-BVHTTDL
ngày 15/10/2020 quy định nội dung chương trình tập huấn cho người lái phương tiện
và hướng dẫn kỹ năng an toàn cho người tham gia hoạt động vui chơi, giải trí dưới
nước; Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12594:2018 về du lịch mạo hiểm; TCVN 12592:2018
(ISO 21101:2014) quy định các yêu cầu cơ bản để đảm bảo an toàn trong hoạt động
du lịch mạo hiểm của nhà cung cấp, TCVN 12593:2018 (ISO/TR 21102:2013) quy định
các năng lực tối thiểu của những hướng dẫn viên, huấn luyện viên trong hoạt động
du lịch mạo hiểm. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị địa phương nghiên cứu
các văn bản hướng dẫn và tiêu chuẩn quy định nêu trên để làm căn cứ kiểm tra,
triển khai thực hiện.
Ngày 08/01/2024, Bộ trưởng Bộ
Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ký ban hành Công văn số 72/BVHTTDL-DLQGVN
gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường công tác
quản lý đối với các sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe
của khách du lịch. Đối với những sản phẩm du lịch mạo hiểm mới phát sinh vẫn
chưa có quy định cụ thể, trong thời gian tới, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ
tiếp tục rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện những quy định hướng dẫn để đáp ứng
yêu cầu quản lý nhà nước đối với sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính
mạng, sức khoẻ của khách du lịch.
10) Về
nội dung kiến nghị đề xuất tổ chức lớp tập huấn sử dụng phần mềm báo cáo thống
kê du lịch cho các địa phương, các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch để triển
khai đồng bộ, hình thành cơ sở dữ liệu ngành du lịch của cả nước
Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao
và Du lịch đã chỉ đạo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tiến hành phổ biến, tập huấn
công tác báo cáo thống kê du lịch tại 10 tỉnh, thành phố gồm: Lào Cai, Bắc Kạn,
Quảng Ninh, Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Bình Định, Kiên
Giang. Trong thời gian tới, sẽ triển khai tập huấn, phổ biến, hướng dẫn sử dụng
phần mềm báo cáo thống kê du lịch cho các địa phương và các tổ chức, cá nhân
kinh doanh du lịch còn lại để đảm bảo đồng bộ, thống nhất, hình thành cơ sở dữ
liệu ngành du lịch của cả nước.
Ngoài ra, để sử dụng phần mềm
nhận, gửi báo cáo thống kê du lịch (tại địa chỉ: thongke.tourism.vn), địa
phương có thể nghiên cứu tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số trong ngành du lịch tại
địa chỉ: https://nentangso.vietnamtourism.gov.vn để tìm hiểu hướng dẫn sử dụng
chi tiết đối với tài khoản báo cáo thống kê nói trên.
11) Về
nội dung kiến nghị đề xuất điều chỉnh, bổ sung Nghị định số 113/2013/NĐ-CP ngày
02/10/2013 của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
tiếp thu ý kiến góp ý của cử tri tỉnh Lâm Đồng. Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao
và Du lịch đang tiến hành rà soát, nghiên cứu, lập hồ sơ để trình Chính phủ xem
xét, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 113/2013/NĐ-CP ngày 02/10/2013 của Chính phủ
về hoạt động mỹ thuật nhằm hoàn thiện và đảm bảo tính thống nhất của hệ thống
pháp luật hiện hành.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
trân trọng gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng để trả lời cử tri./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Phó Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Đoàn Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam;
- Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- HĐND, UBND tỉnh Lâm Đồng;
- Văn phòng Quốc hội; Văn phòng Chính phủ;
- Bộ VHTTDL: Bộ trưởng, các Thứ trưởng;
- Các Cục DLQGVN, DSVH, VHCS, MTNATL;
- Vụ PC, Cổng TTĐT Bộ;
- Lưu: VT, VP (TKBT), PAV (15).
|
BỘ TRƯỞNG
Nguyễn Văn Hùng
|