ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 61/KH-UBND
|
Ninh Bình, ngày
02 tháng 5 năm 2019
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN PHONG TRÀO “CHỐNG RÁC THẢI NHỰA” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH
Thực hiện văn bản số 5539/BTNMT-TCMT
ngày 10/10/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc phát động phong trào
"Chống rác thải nhựa", Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện
phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh, với các nội dung cụ thể như
sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU
CẦU
1. Mục đích
- Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận
thức cho các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức, đoàn thể; các đơn vị, cơ sở sản
xuất kinh doanh và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh về tác hại của rác thải nhựa,
tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa
dùng một lần, nhằm kêu gọi, khuyến khích cộng đồng cùng thay đổi thói quen tiêu
dùng và thải bỏ chất thải nhựa.
- Nâng cao nhận thức của cộng đồng và
người dân trong việc bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài
nguyên thiên nhiên; khuyến khích và vận động người dân tăng cường các hoạt động
tiêu thụ bền vững.
- Phát hiện, nhân rộng các điển hình
tiên tiến, các sáng kiến, kinh nghiệm hay, các mô hình, cách làm sáng tạo trong
thực hiện phong trào "Chống rác thải nhựa" trên địa bàn tỉnh.
2. Yêu cầu
Tổ chức phát động phong trào "Chống
rác thải nhựa" trên phạm vi toàn tỉnh với các hoạt động thiết thực, hiệu
quả sáng tạo, tránh hình thức, lãng phí, thu hút được sự quan tâm và tham gia
tích cực của cả hệ thống chính trị, tổ chức và từng người dân.
II. NỘI DUNG TRIỂN
KHAI
1. Tổ chức tuyên truyền nâng cao
nhận thức về phong trào "Chống rác thải nhựa", nguy cơ ô nhiễm nhựa,
tác hại của chất thải nhựa đối với môi trường, sức khỏe con người và hệ sinh
thái, quản lý tổng hợp chất thải trong đó có chất thải nhựa, tiến tới thay đổi
từ nhận thức đến hành động chống rác thải nhựa phù hợp tại cơ quan, đơn vị và cộng
đồng
- Tổ chức quán triệt, phổ biến, thường
xuyên tuyên truyền sâu rộng các văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Bảo vệ môi
trường năm 2014, Luật Đa dạng sinh học năm 2008, các văn bản hướng dẫn thi hành
Luật, Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm
nhìn đến năm 2050, Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi
nilon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020, các Quy hoạch, Kế hoạch, Đề án
và chủ trương về bảo vệ tài nguyên và môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu
của quốc gia, của tỉnh... gắn với đẩy mạnh công tác
thông tin, truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức, trách
nhiệm của người dân, tổ chức, doanh nghiệp về công tác quản lý, bảo
vệ tài nguyên môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đảm bảo
phát triển kinh tế xã hội bền vững.
- Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền
hình tỉnh, báo Ninh Bình, các cơ quan thông tấn báo chí đóng trên địa bàn tích
cực tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cơ quan và các tầng lớp nhân
dân về nguy cơ ô nhiễm nhựa và nilon từ đó dần thay đổi, tiến tới từ bỏ thói
quen sử dụng túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sản phẩm nhựa
dùng một lần.
2. Tăng cường triển khai thực hiện
các giải pháp cụ thể trong quản lý, xử
lý chất thải và phế liệu, tập trung vào chất thải nhựa
- Triển khai các giải pháp quản lý,
thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nhựa nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu rác thải
nhựa vào môi trường tự nhiên, đặc biệt áp dụng các biện pháp nghiêm khắc đối với
các cơ quan, doanh nghiệp vi phạm các quy định tại Nghị định 38/2015/NĐ-CP ngày
24/4/2015 của Chính phủ quy định về quản lý chất thải và phế liệu, Thông tư số
36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất
thải nguy hại.
- Phát động phong trào thu gom, phân
loại, tái chế, tái sử dụng các sản phẩm từ nhựa, nilon; vận chuyển xử lý rác thải
nhựa theo đúng quy định.
- Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công
nghệ sản xuất, khuyến khích phát triển các sản phẩm có thể phân hủy, tái sử dụng,
thân thiện với môi trường thay thế túi nilon, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng
một lần.
- Tổ chức thực hiện các chính sách về
sản xuất, tiêu dùng bền vững, quản lý tổng hợp chất thải, phế liệu, trong đó tập
trung vào chất thải nhựa nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu rác thải nhựa vào môi trường
tự nhiên.
- Phấn đấu đến hết năm 2020 không sử
dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần trong các hoạt động thường
xuyên, các cuộc họp, hội nghị... do cơ quan nhà nước trong tỉnh chủ trì và phối
hợp tổ chức; phát động và tổ chức triển khai thường xuyên, liên tục, sâu rộng
các phong trào thi đua "Hành động để giảm thiểu ô nhiễm nhựa và
nilon", mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hành động và vận
động người thân cùng thực hiện "Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần",
thực hiện thay thế dần các sản phẩm nhựa khó phân hủy, dùng một lần, không thân
thiện với môi trường trong sinh hoạt.
- Thực hiện tuyên dương, khen thưởng
các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa
bàn tỉnh.
3. Xây dựng Kế hoạch và tổ chức phát động phong trào
"Chống rác thải nhựa" nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi
cộng đồng cùng nhau thay đổi hành vi, thói quen sử
dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy, góp phần giảm thiểu ô
nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái.
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND
các huyện, thành phố, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh có kế hoạch
tổ chức các hoạt động phát động phong trào "Chống rác thải nhựa" phù hợp với từng cơ quan, đơn vị, địa phương; phối
hợp, liên kết chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc phát động
phong trào nhằm tạo được sự thống nhất, đoàn kết trong triển khai thực hiện.
- Tổ chức ra quân thực hiện buổi lao
động tập thể với sự tham gia của tất cả các tầng lớp nhân dân, cơ quan, đơn vị,
nhà máy...để thực hiện các hoạt động vệ sinh môi trường trên địa bàn với các hoạt
động cụ thể: tổng vệ sinh cơ
quan, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, trường học, bệnh viện, các chợ,
trung tâm thương mại...Tập trung phân loại, thu gom rác thải nhựa và nilon để
đưa đi xử lý theo đúng quy định. Thời gian vào ngày thứ 7 tuần cuối cùng hàng
tháng.
- Các cơ quan, đơn vị tự chủ động bố
trí kinh phí để thực hiện Kế hoạch của cơ quan, đơn vị mình.
III. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Thời gian thực hiện
- Từ ngày 02/5/2019 đến ngày
20/5/2019 các Sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố xây dựng Kế
hoạch triển khai thực hiện các hoạt động phong trào "Chống rác thải nhựa"
tại đơn vị.
- Đăng ký tham gia và tổ chức, duy
trì thực hiện thường xuyên phong trào "Chống rác thải nhựa" trên địa
bàn quản lý. Tổng kết báo cáo kết
quả thực hiện phong trào về UBND tỉnh (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường) để
tổng hợp, đánh giá và trình Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét khen thưởng kịp
thời cho những tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc, báo cáo gửi trước ngày
10/8 hàng năm.
2. Phân công nhiệm vụ
2.1. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Là cơ quan đầu mối, tham mưu giúp
UBND tỉnh trong việc phát động phong trào, triển khai tổ chức phong trào và sơ
kết, tổng kết việc thực hiện phong trào trên địa bàn tỉnh.
- Chủ trì biên soạn các tài liệu
tuyên truyền về phong trào “Chống rác thải nhựa”, lồng ghép nội dung tuyên truyền
về phong trào “Chống rác thải nhựa” vào chương trình tập huấn về phân loại rác
tại nguồn triển khai tại các địa phương.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan
liên quan hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra giám sát việc thực hiện phong trào “Chống
rác thải nhựa” ở các địa phương, đơn vị; định kỳ trước ngày 20/8 hàng năm tổng
hợp kết quả của các cơ quan, đơn vị
báo cáo UBND tỉnh theo quy định.
- Tham mưu UBND tỉnh tuyên dương,
khen thưởng các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt phong trào "Chống rác thải
nhựa" trên địa bàn tỉnh.
2.2. Sở Tài chính
Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị lập, quản
lý và sử dụng kinh phí thường xuyên của đơn vị và nguồn kinh phí hợp pháp khác
(nếu có) để thực hiện Kế hoạch theo quy định hiện hành.
2.3. Sở Giáo dục và Đào tạo
Phát động phong trào: Học sinh, sinh
viên nói “Không” với sản phẩm nhựa sử dụng một lần, tổ chức các hoạt động ngoại
khóa, các cuộc thi tìm hiểu trong
học sinh, sinh viên về tác hại của việc sử dụng túi nilong khó phân hủy và sản
phẩm nhựa sử dụng một lần, các giải pháp về chống rác thải nhựa.
2.4. Sở Công thương
Tổ chức tuyên truyền, vận động đăng
ký tham gia thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” tại các cửa hàng, siêu
thị, trung tâm thương mại, chợ thương mại, các doanh nghiệp hoạt động trong các
cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
2.5. Sở Y tế
Tổ chức tuyên truyền, vận động đăng
ký tham gia thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” tại các tổ chức, cá nhân
sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo lĩnh vực được phân công quản lý; tổ chức,
cá nhân kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát (các nhà hàng, quán bia, giải
khát, quán cà phê, đồ ăn nhanh...) gắn với các đợt kiểm tra an toàn thực phẩm.
2.6. Sở Văn hóa và Thể thao
Chỉ đạo ban quản lý các khu di tích,
các đền, chùa treo các biển hiệu tuyên truyền “Chống rác thải nhựa”, “Nói không
với sản phẩm nhựa sử dụng một lần”, “Hạn chế sử dụng túi nilon khó phân hủy” ở
những khu vực thích hợp như khu vực rửa đồ lễ, nơi để xe... nhằm tuyên truyền
việc hạn chế sử dụng túi nilon khó phân hủy và các sản phẩm nhựa sử dụng một lần.
2.7. Sở Du lịch
Chỉ đạo Ban quản lý các khu, điểm du
lịch treo các biển hiệu tuyên truyền “Chống rác thải nhựa”, “Nói không với sản
phẩm nhựa sử dụng một lần”, “Hạn chế sử dụng túi nilon khó phân hủy” ở những
khu vực như khu vực bán vé, nơi để xe, nơi bán hàng... nhằm tuyên truyền việc hạn
chế sử dụng túi nilon khó phân hủy và các sản phẩm nhựa sử dụng một lần.
2.8. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn
Chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền các
tổ chức, cá nhân về việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nhựa từ bao bì
gói thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y sau sử dụng
theo Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 19/5/2016 giữa Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường về hướng dẫn
việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.
2.9. Sở Khoa học và Công nghệ
- Tham mưu với UBND tỉnh ưu tiên hỗ
trợ kinh phí sự nghiệp khoa học để triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học
và công nghệ ứng dụng, chuyển giao công nghệ sản xuất các sản phẩm bao gói, túi
xách thân thiện với môi trường thay thế túi nilon, đồ nhựa khó phân hủy.
- Trong công tác thẩm định công nghệ
các dự án đầu tư: Ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ có nguyên vật liệu và sản
phẩm thân thiện với môi trường; đối với các dự án tái chế chất thải là đồ nhựa
và túi nilon khó phân hủy bắt buộc phải sử dụng công nghệ hiện đại, giảm thiểu
tối đa ảnh hưởng xấu đến môi trường.
2.10. Sở Thông tin và Truyền
thông
Chỉ đạo cơ quan thông tin truyền
thông tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức thích hợp, mở các
chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về phong trào “Chống rác thải nhựa” trên
các phương tiện thông tin đại chúng.
2.11. Ban Quản lý các Khu công
nghiệp tỉnh
Tổ chức tuyên truyền, vận động các
doanh nghiệp hoạt động trong các Khu công nghiệp đăng ký tham gia thực hiện
phong trào “Chống rác thải nhựa” bằng các hành động cụ thể.
2.12. Đài Phát thanh - Truyền
hình tỉnh, Báo Ninh Bình và các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh
Kịp thời phản ánh, đưa tin tình hình
triển khai thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh; phát
hiện các tổ chức, cá nhân, mô hình hay, điển hình và thiết thực để phổ biến,
tuyên truyền nhân rộng.
2.13. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc và các tổ chức, đoàn thể cấp tỉnh
Tăng cường phối hợp chặt chẽ với các
sở, ban, ngành, chính quyền các cấp thực hiện công tác tuyên truyền, vận động hội
viên, đoàn viên và nhân dân nâng cao nhận thức về tác hại của việc sử dụng túi
nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần; tham gia tích cực các phong trào vì
môi trường và các đợt tổ chức ra quân vệ sinh môi trường, thu gom rác thải,
phân loại rác thải nhựa và túi nilon tại các khu dân cư và các cơ quan, đơn vị
đóng trên địa bàn.
2.14. Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố
- Xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp
cho địa phương mình nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào “Chống rác thải
nhựa”.
- Lựa chọn hình thức ra quân và hưởng
ứng phong trào phù hợp để tổ chức thực hiện.
- Phân rõ trách nhiệm cho các phòng,
đơn vị, cá nhân chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực
hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” và việc phân loại rác tại nguồn trên địa
bàn quản lý.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện phong
trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban,
ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung
trên. Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng
hợp, báo cáo UBND tỉnh. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có khó khăn, vướng
mắc các cơ quan, đơn vị kịp thời phản ánh về Sở Tài nguyên và Môi trường, tổng
hợp báo cáo UBND tỉnh để kịp thời chỉ đạo./.
Nơi nhận:
- Bộ Tài nguyên và Môi
trường; (để b/c)
- Thường trực Tỉnh ủy; (để b/c)
- Thường trực HĐND tỉnh; (để b/c)
- Lãnh đạo UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành của tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu: VT, VP3;
Kh 01
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Ngọc Thạch
|