ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1771/QĐ-UBND
|
Quảng Ninh, ngày
04 tháng 6 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ QUY HOẠCH CHUNG TỶ LỆ 1/5000 THỊ TRẤN BÌNH LIÊU, HUYỆN
BÌNH LIÊU, TỈNH QUẢNG NINH ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN NGOÀI NĂM 2030
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương số
77/2015/QH13 ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức
Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương số 47/2019/QH14 ngày
22/11/2019;
Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12
ngày 17/6/2009; Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 ngày 24/11/2017; Luật số
35/2018/QH14 ngày 20/11/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên
quan đến quy hoạch;
Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010
của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị; Nghị định
số 72/2019/NĐ-CP ngày 30/8/2019 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số
điều của Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ;
Căn cứ Thông tư số 12/2016/TT-BXD ngày 29/6/2016
của Bộ Xây dựng quy định về hồ sơ của nhiệm vụ, đồ án quy hoạch xây dựng vùng,
quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù;
Căn cứ Nhiệm vụ Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ
2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định
số 479/QĐ-TTg ngày 07/4/2020;
Căn cứ Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ninh đến
năm 2030 tầm nhìn ngoài năm 2050 được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết
định số 1588/QĐ-UBND ngày 28/7/2014;
Căn cứ Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung tỷ lệ
1/5000 Trung tâm thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu đến năm 2030 và tầm nhìn
ngoài năm 2030 được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số
2688/QĐ-UBND ngày 15/9/2015;
Căn cứ chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại
Thông báo số 52-TB/TU ngày 20/11/2020 về chủ trương lập Quy hoạch chung xây dựng
tỷ lệ 1/5.000 thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh đến năm
2030, tầm nhìn ngoài 2030;
Căn cứ chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Văn
bản số 8145/UBND-QH3 ngày 27/11/2020 về việc lập Quy hoạch chung tỷ lệ 1/5.000
thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn
ngoài 2030;
Theo đề nghị của Sở Xây dựng tại Tờ trình số
81/TTr-SXD ngày 17/5/2021 về việc trình duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng
tỷ lệ 1/5.000 thị trấn Bình Liêu tại huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh đến năm
2030, tầm nhìn ngoài năm 2030.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt nhiệm vụ
Quy hoạch chung tỷ lệ 1/5000 thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng
Ninh đến năm 2030, tầm nhìn ngoài năm 2030 với các nội dung chính như sau:
1. Phạm vi nghiên cứu và thời hạn
lập quy hoạch.
1.1. Phạm vi lập quy hoạch: Bao gồm thị trấn Bình
Liêu cũ và xã Tình Húc, huyện Bình Liêu; ranh giới: Phía Đông giáp xã Lục Hồn;
Phía Tây giáp xã Vô Ngại; Phía Nam giáp xã Húc Động, huyện Bình Liêu và xã Đại
Thành, huyện Tiên Yên; Phía Bắc giáp biên giới Việt Trung.
- Quy mô diện tích: Khoảng 45,18km2 (4.518 ha),
trong đó:
+ Diện tích thị trấn Bình Liêu cũ: Khoảng 1,53km2
(153 ha).
+ Diện tích xã Tình Húc: Khoảng 43,65km2 (4.365
ha).
1.2. Thời hạn lập quy hoạch: Đến năm 2030, tầm nhìn
ngoài năm 2030.
2. Mục tiêu.
- Nâng cao vai trò vị thế của huyện Bình Liêu trên
cơ sở phát triển theo hướng bền vững, phù hợp với yêu cầu thực tế, thích ứng với
biến đổi khí hậu, gìn giữ về môi trường và bản sắc các dân tộc tại địa phương.
- Xây dựng, phát triển huyện Bình Liêu trở thành
hình mẫu cho chiến lược chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế từ “Lâm nghiệp”
sang “Lâm nghiệp kết hợp công nghiệp, du lịch - dịch vụ - thương mại” theo hướng
hiện đại, bền vững. Từng bước trở thành ngành kinh tế trọng điểm; thực hiện tốt
chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
- Xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã
hội đồng bộ; từng bước nghiên cứu phạm vi, xây dựng các tiêu chí, nhất là về
quy mô, mật độ dân số, chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật áp dụng cho đô thị loại IV
trong giai đoạn 2026 - 2030 đối với thị trấn Bình Liêu.
- Làm cơ sở để quản lý, triển khai các quy hoạch
chi tiết; quản lý, kiểm soát phát triển trong quá trình đầu tư xây dựng trên địa
bàn.
- Xác định tầm nhìn thị trấn Bình Liêu trở thành đô
thị mang đặc trưng miền núi biên giới; nơi giao hòa của Văn hóa - Cảnh quan
trên cơ sở các hoạt động du lịch, dịch vụ gắn kết hài hòa với không gian mang bản
sắc địa phương, trở thành trung tâm giao thương của huyện Bình Liêu và tiểu
vùng phía Đông của tỉnh Quảng Ninh.
3. Tính chất:
- Là thị trấn huyện lị, trung tâm hành chính -
chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, đầu mối giao thương, dịch vụ thương mại, dịch
vụ du lịch của huyện Bình Liêu.
- Là điểm hội tụ của cộng đồng các dân tộc trên địa
bàn Bình Liêu gắn với quy hoạch trung tâm các xã biên giới, kết hợp giữa phát
triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái rừng và bảo vệ an ninh quốc
phòng trên tuyến biên giới; khai thác hiệu quả, tiềm năng, thế mạnh các tiểu
vùng, các xã biên giới, các xã lân cận thị trấn.
4. Dự báo quy mô dân số, quy mô đất
xây dựng đô thị, các chỉ tiêu đất đai và hạ tầng kỹ thuật.
4.1. Hiện trạng và dự báo quy mô dân số:
- Dân số năm 2020 (hiện trạng): Khoảng 8.232 người
- Dụ báo đến năm 2030: Khoảng 15.000 - 30.000 người.
(Quy mô dân số sẽ được nghiên cứu tính toán cụ
thể trong quá trình nghiên cứu, khảo sát, đánh giá hiện trạng, lập quy hoạch).
4.2. Dự báo nhu cầu sử dụng đất đai đô thị:
- Lựa chọn các chỉ tiêu về sử dụng đất trên cơ sở
tính toán, xác định cụ thể theo luận chứng khoa học và tham khảo, cập nhật số
liệu của các quy hoạch có liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Dự báo
nhu cầu đất xây dựng đô thị, nông thôn, dịch vụ, nông nghiệp, lâm nghiệp...theo
các giai đoạn lập quy hoạch.
- Quy mô tối thiểu đất công cộng dịch vụ - công cộng
cấp đô thị, các chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật tuân thủ theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc
gia về Quy hoạch xây dựng (QCVN 01:2021/BXD) và Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về
các công trình hạ tầng kỹ thuật (QCVN 07:2016/BXD).
(Nhu cầu sử dụng đất được nghiên cứu tính toán cụ
thể trong quá trình nghiên cứu lập quy hoạch).
4.3. Các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật chính:
- Các tiêu chuẩn kinh tế, kỹ thuật áp dụng cho phát
triển đô thị của thị trấn Bình Liêu với nguyên tắc dựa trên các tiêu chuẩn đô
thị loại IV.
- Các chỉ tiêu cụ thể được xác định trong giai đoạn
lập quy hoạch chung.
5. Các yêu cầu nội dung nghiên cứu
quy hoạch.
5.1. Các yêu cầu chung.
- Thực hiện theo quy định tại Luật Quy hoạch đô thị
số 30/2009/QH12 ngày 17/6/2009; Luật số 35/2018/QH14 ngày 20/11/2018 sửa đổi, bổ
sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch; Nghị định số
37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản
lý quy hoạch đô thị; Nghị định số 72/2019/NĐ-CP ngày 30/8/2019 của Chính phủ về
việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2010/NĐ-CP...; Thông tư số
12/2016/TT-BXD ngày 29/6/2016 của Bộ Xây dựng quy định về hồ sơ của nhiệm vụ và
đồ án quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng khu chức
năng đặc thù.
- Rà soát, đánh giá tổng thể về nội dung Quy hoạch
chung đã được phê duyệt năm 2015 và tình hình thực tế phát triển đô thị tại khu
vực thị trấn Bình Liêu và xã Tình Húc.
- Nghiên cứu, cập nhật định hướng các quy hoạch chiến
lược của tỉnh đã được lập và phê duyệt; rà soát định hướng các quỹ đất phát triển
đô thị, quy hoạch sử dụng đất, quy mô các khu chức năng, đánh giá tính phù hợp
với xu thế phát triển thực tế của huyện Bình Liêu; đặc biệt là gắn kết không
gian phát triển của Khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn để khai thác tối
đa lợi thế về cảnh quan thiên nhiên.
- Dự báo các nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới,
nắm bắt các cơ hội phát triển mới đã được định hướng trong Nghị quyết Đại hội đảng
bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV và Quy hoạch Tỉnh đang triển khai theo nhiệm vụ
đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 479/QĐ-TTg ngày
07/4/2020; định hướng phát triển phải hài hòa với yêu cầu bảo tồn, phát huy thế
mạnh về du lịch đồi núi theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường và các di tích,
văn hóa, tài nguyên du lịch khác.
- Đề xuất các giải pháp để khắc phục các bất cập, tồn
tại về hạ tầng kỹ thuật, môi trường; định hướng phát triển hệ thống hạ tầng xã
hội theo hướng chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu; hạn chế tối đa
việc san gạt đất đồi tránh gây ảnh hưởng đến môi trường và an toàn cho người
dân đô thị.
- Đề xuất các giải pháp cụ thể về kiểm soát phát
triển không gian đô thị, công trình cao tầng, bố trí các không gian công cộng
cho các khu dân cư đô thị.
- Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp về hạ tầng kỹ
thuật (đấu nối các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, liên kết với tuyến cao tốc Vân
Đồn - Móng Cái); phát triển hệ thống hạ tầng đầu mối liên khu vực (cấp nước sạch,
cấp điện, thông tin liên lạc, xử lý nước thải, chất thải rắn và bảo vệ môi trường).
- Nghiên cứu, đề xuất các quy định quản lý, các khu
vực tạo điểm nhấn kiến trúc để tạo bản sắc riêng, từng bước xây dựng hình ảnh đặc
trưng cho quy hoạch đô thị trên nguyên tắc bảo tồn phát huy thế mạnh về đồi
núi, đồng thời phải giữ được nét truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc tại
địa phương.
5.2. Yêu cầu cụ thể.
5.2.1. Phân tích, đánh giá hiện trạng và vị thế, bối
cảnh phát triển vùng:
- Phân tích tổng thể các đặc điểm tự nhiên về địa
hình, khí hậu, thủy văn, địa chất.., đặc điểm cảnh quan sinh thái, tài nguyên
thiên nhiên, tài nguyên du lịch có ảnh hưởng đến định hướng phát triển khu vực
nghiên cứu lập quy hoạch; đánh giá chi tiết về quỹ đất xây dựng trên cơ sở phân
vùng xây dựng thuận lợi, không thuận lợi và cấm xây dựng.
- Đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội:
Thực trạng phát triển các ngành, lĩnh vực chủ yếu (du lịch, dịch vụ, lâm nghiệp,
tiểu thủ công nghiệp...).
- Đánh giá hiện trạng sử dụng đất và không gian cảnh
quan: Thống kê đầy đủ hiện trạng sử dụng đất khu vực lập quy hoạch; phân tích,
đánh giá hiệu quả sử dụng đất và các vấn đề tồn tại về sử dụng đất, cảnh quan cần
giải quyết.
- Đánh giá hiện trạng hệ thống hạ tầng xã hội: Thực
trạng phát triển hệ thống hạ tầng xã hội trên địa bàn; xác định những vấn đề
còn tồn tại về hệ thống hạ tầng xã hội để đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn đô
thị loại IV vào năm 2030.
- Đánh giá hiện trạng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và
môi trường: Chuẩn bị kỹ thuật, giao thông, cấp nước, thoát nước thải, cấp điện,
chiếu sáng, xử lý chất thải rắn, nghĩa trang... trong phạm vi nghiên cứu lập
quy hoạch.
- Rà soát các chương trình, dự án có liên quan và
tình hình thực hiện Quy hoạch chung xây dựng năm 2015 đến nay.
- Phân tích vai trò, vị thế thị trấn Bình Liêu
trong mối quan hệ với các xã lân cận của huyện Bình Liêu.
- Thu thập số liệu, phân tích, đánh giá hiện trạng,
kinh tế - xã hội, dân số, lao động, các quy hoạch và đầu tư xây dựng trong khu
vực, khả năng khai thác quỹ đất xây dựng phát triển; phân tích đánh giá tiềm
năng và động lực phát triển, các ngành, lĩnh vực, lợi thế phát triển, sức hấp dẫn
của thị trấn Bình Liêu.
- Phân tích các hoạt động kinh tế với các địa
phương trong tỉnh và kết nối giao thông với các địa phương lân cận, phát triển
hệ thống hạ tầng du lịch chất lượng cao.
5.2.2. Dự báo phát triển, quy hoạch sử dụng đất:
- Xác định các ngành, lĩnh vực phát triển chủ yếu,
dự báo quy mô phát triển về dân số, lao động và yêu cầu cơ sở hạ tầng cho các
lĩnh vực phát triển; trên cơ sở đó dự báo nhu cầu phát triển đất đai, công
trình và các yêu cầu về không gian kiến trúc cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật đảm bảo
hiệu quả, đồng bộ và hạn chế tối đa tác động xấu đến cảnh quan, môi trường tự
nhiên; nghiên cứu dành các quỹ đất dự trữ phát triển.
- Xác định các loại đất chính trong đô thị: đất dân
dụng; đất ngoài dân dụng (đất du lịch, đất di tích lịch sử; đất công nghiệp; đất
giao thông đối ngoại; đất tôn giáo; đất đầu mối hạ tầng kỹ thuật..); đất khác
(đất mặt nước; đất dự trữ...).
- Xác định các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật có liên
quan đến xây dựng và sử dụng đất từng khu vực phù hợp với yêu cầu đặc thù của
khu vực lập quy hoạch; đề xuất điều chỉnh, bổ sung hoặc bố trí lại các hạng mục
công trình được nghiên cứu theo quy hoạch chi tiết đã phê duyệt (nếu cần thiết).
- Bố trí các hành lang cách ly, hành lang hạ tầng kỹ
thuật chính và quỹ đất xây dựng các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật.
5.2.3. Định hướng tổ chức không gian, đô thị:
- Xác định cụ thể ranh giới đô thị đảm bảo phù hợp
với điều kiện địa hình tự nhiên (các mốc ranh giới theo địa hình địa vật tự nhiên
như đồi, núi, sông, hồ), ranh giới hành chính, phân bố dân cư, nhu cầu phát triển
mở rộng của đô thị trong từng giai đoạn phát triển, đảm bảo sự kết nối đồng bộ
giữa không gian thị trấn Bình Liêu và các xã xung quanh.
- Lựa chọn phương án phát triển đô thị đảm bảo khai
thác tối đa không gian chức năng; xác định hệ thống các khu chức năng trong khu
vực lập quy hoạch.
- Xác định và phân bố các đơn vị ở, các khu trung
tâm công cộng, các khu dịch vụ, các khu công viên cây xanh, các cụm công nghiệp,
tiểu thủ công nghiệp, du lịch, các khu cơ quan hành chính, trường chuyên nghiệp...và
các khu chức năng đặc biệt khác; xác định các vùng kiến trúc, cảnh quan trong
đô thị để có giải pháp tổ chức không gian cấu trúc theo mục tiêu của quy hoạch
chung; đánh giá vai trò chức năng hệ thống rừng phòng hộ để có giải pháp hạn chế
tối đa việc tác động đến hệ sinh thái tự nhiên; phát huy hoạt động du lịch sinh
thái cộng đồng.
5.2.4. Định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng
xã hội:
- Đánh giá tổng hợp và lựa chọn đất phát triển đô
thị; xác định cao độ xây dựng cho toàn thị trấn Bình Liêu và từng khu vực cụ thể;
mạng lưới giao thông đối ngoại, giao thông đô thị, vị trí và quy mô các công
trình đầu mối giao thông, chỉ giới đường đỏ các trục chính đô thị;
- Xác định nhu cầu và nguồn cung cấp nước, cấp điện,
tổng lượng nước thải, rác thải, chất thải rắn; vị trí, quy mô, công suất các
công trình đầu mối và mạng lưới truyền tải, phân phối của hệ thống hạ tầng kỹ
thuật (cấp nước, cấp điện, thông tin liên lạc, thoát nước, nghĩa trang và các
công trình khác...).
- Định hướng phát triển công trình hạ tầng kinh tế
xã hội (dịch vụ, du lịch, hành chính, nhà ở, y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục
thể thao...) đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển vùng; nghiên cứu, đề xuất
tôn tạo, bảo tồn và phát triển các khu vực bảo tồn phát huy giá trị di tích lịch
sử, văn hóa nổi bật.
5.2.5. Đánh giá môi trường chiến lược: Đánh giá các
tác động do phát triển không gian đô thị và phát triển hệ thống hạ tầng khu vực
để đề xuất các giải pháp giải quyết các vấn đề môi trường còn tồn tại trong quy
hoạch chung trước đây; đề xuất, kiến nghị các giải pháp để đảm bảo môi trường
phát triển bền vững.
5.2.6. Lập quy định quản lý xây dựng theo đồ án quy
hoạch: Đề xuất quy định cụ thể về quản lý quy hoạch kiến trúc, hoạt động xây dựng
phù hợp quy hoạch chung và tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan, làm cơ
sở pháp lý cho công tác quản lý, đầu tư xây dựng.
5.2.7. Xác định chương trình và dự án ưu tiên đầu
tư:
- Phân kỳ, tổ chức thực hiện và xác định mục tiêu
phát triển cụ thể cho từng giai đoạn quy hoạch.
- Xác định các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư
chủ yếu có ý nghĩa tạo động lực phát triển về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội và
bảo vệ môi trường phù hợp với nguồn lực của địa phương.
- Xác định các khu vực trọng tâm, các công trình trọng
điểm cần đầu tư: Khu vực công cộng, các hạng mục công trình hạ tầng xã hội...;
hình thành các chương trình, cụ thể hóa các mục tiêu và các dự án đầu tư phát
triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật theo thứ tự ưu tiên.
6. Thành phần hồ sơ và kinh phí lập
điều chỉnh quy hoạch.
6.1. Thành phần hồ sơ.
Thực hiện theo Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày
07/04/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô
thị; Thông tư số 12/2016/TT-BXD ngày 29/6/2016 của Bộ Xây dựng quy định về hồ
sơ của nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị và quy hoạch
xây dựng khu chức năng đặc thù.
6.2. Kinh phí lập quy hoạch: Nguồn ngân sách của
huyện Bình Liêu.
7. Tổ chức thực hiện:
- Cơ quan tổ chức lập quy hoạch: Ủy ban nhân dân
huyện Bình Liêu.
- Cơ quan thẩm định: Sở Xây dựng Quảng Ninh.
- Cơ quan phê duyệt: Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng
Ninh.
- Thời gian lập đồ án quy hoạch: Hoàn thành trong 9
tháng kể từ khi Nhiệm vụ quy hoạch chung được duyệt.
Điều 2. Các Ông (Bà): Chánh
Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi
trường, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương,
Du lịch, Văn hóa và Thể thao, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Ban Xúc tiến và Hỗ
trợ đầu tư tỉnh; Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh; Chỉ huy trưởng Bộ chỉ
huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bình Liêu; Thủ trưởng
các ngành và đơn vị liên quan căn cứ quyết định thi hành./.
Nơi nhận:
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Như điều 2 (thực hiện);
- V0, V2, QLĐĐ1-3, VX1, XD5;
- Lưu: VT, QH3.
10b - QĐ02-05
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Tường Văn
|