ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1586/QĐ-UBND
|
An Giang, ngày 29
tháng 6 năm 2022
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “SẮP XẾP, PHÂN CÔNG DẠY HỌC CHƯƠNG TRÌNH
GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN CẤP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG TRONG CÁC TRƯỜNG TRUNG CẤP, CAO ĐẲNG”
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14
tháng 6 năm 2019; Luật Giáo dục nghề nghiệp ngày 27 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2021; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11
năm 2019;
Căn cứ Kết luận số 51-KL/TW
ngày 30 tháng 5 năm 2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung
ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu
công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã
hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;
Căn cứ Kết luận số 28-KL/TW
ngày 21 tháng 02 năm 2022 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại
đội ngũ cán bộ công chức viên chức;
Căn cứ Nghị quyết số
18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về một
số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị
tinh gọn, hoạt động hiệu quả, hiệu lực;
Căn cứ Thông tư số
16/2017/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 7 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số người làm việc trong
các cơ sở giáo dục phổ thông công lập;
Căn cứ Thông tư số
10/2021/TT-BGDĐT ngày 05 tháng 4 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm giáo dục thường xuyên;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 1837/TTr-SGDĐT ngày 22 tháng 6 năm
2022.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án “Sắp xếp,
phân công dạy học chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông
trong các trường trung cấp, cao đẳng”.
Điều 2.
Giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội và các sở, ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các
huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Đề
án đảm bảo theo đúng quy định. Báo cáo kết quả việc thực hiện sắp xếp Đề án cho
Ủy ban nhân dân tỉnh.
Điều 3.
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.
Điều 4.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở
Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nội vụ, Sở Tài
chính; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các
đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Bộ GDĐT;
- Bộ LĐTBXH;
- TT.Tỉnh ủy; TT.HĐND, UBND tỉnh;
- Sở: GDĐT, LĐTBXH, NV, TC;
- UBND huyện, thị, thành phố;
- Các phòng GDĐT;
- Các trường TC, CĐ;
- Các trung tâm GDTX, GDNN-GDTX;
- Lãnh đạo VPUBND tỉnh;
- Phòng: KGXH, TH;
- Lưu: VT.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Văn Phước
|
ĐỀ ÁN
SẮP XẾP, PHÂN CÔNG DẠY HỌC CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC THƯỜNG
XUYÊN CẤP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG TRONG CÁC TRƯỜNG TRUNG CẤP, CAO ĐẲNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1586/QĐ-UBND ngày 29 tháng 6 năm 2022 của Ủy
ban nhân dân tỉnh An Giang)
PHẦN I
CĂN CỨ PHÁP LÝ VÀ SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
I. CĂN CỨ
PHÁP LÝ
- Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6
năm 2019; Luật Giáo dục nghề nghiệp ngày 27 tháng 11 năm 2014;
- Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ
chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm
2019;
- Kết luận số 28-KL/TW ngày 21
tháng 02 năm 2022 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ
cán bộ công chức viên chức;
- Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày
25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về một số vấn đề về
tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt
động hiệu quả, hiệu lực;
- Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày
25 tháng 10 năm 2017 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới
hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các
đơn vị sự nghiệp công lập;
- Kết luận số 51-KL/TW ngày 30
tháng 5 năm 2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa
XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp
hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa và hội nhập quốc tế;
- Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT
ngày 12 tháng 7 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn danh mục
khung vị trí việc làm và định mức số người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ
thông công lập;
- Thông tư số 10/2021/TT-BGDĐT
ngày 05 tháng 4 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế
tổ chức và hoạt động của trung tâm giáo dục thường xuyên;
- Công văn số 2427/BGDĐT-GDTX
ngày 11 tháng 6 năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) trả lời cho Ủy ban
nhân dân (UBND) tỉnh An Giang về việc thực hiện chương trình giáo dục thường
xuyên cấp trung học phổ thông trong trường trung cấp, cao đẳng;
- Công văn số 2570/BGDĐT-GDTX
ngày 22 tháng 6 năm 2021 của Bộ GDĐT về việc giảng dạy văn hóa hệ Giáo dục thường
xuyên cấp Trung học phổ thông trong trường trung cấp, cao đẳng theo Thông báo số
76/TB-VPCP ngày 08 tháng 4 năm 2021 của Văn phòng Chính phủ;
- Công văn số 943/BGDĐT-GDTX
ngày 12 tháng 3 năm 2019; Công văn số 2857/BGDĐT-GDTX ngày 30 tháng 7 năm 2020
của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc sắp xếp tổ chức dạy chương trình giáo dục
thường xuyên kết hợp với dạy nghề tại các cơ sở giáo dục thường xuyên.
II. SỰ CẦN
THIẾT ĐỂ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
- Theo quy định tại điểm d khoản
1 Điều 43, Luật Giáo dục 2019, trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) và các
trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) có nhiệm vụ
đào tạo để cấp văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân. Tại điểm c khoản 1 Điều
28, Luật Giáo dục 2019, chương trình GDTX phải được thực hiện với thời lượng đầy
đủ trong 03 năm học cho các khối 10, 11, 12, nhưng được thực hiện một cách linh
hoạt, phù hợp với điều kiện của địa phương, điều kiện của học viên… để đáp ứng
nhu cầu của người học. Tại khoản 3 Điều 45, Luật Giáo dục 2019, học viên học hết
chương trình GDTX cấp trung học phổ thông (THPT) không dự thi tốt nghiệp THPT
hoặc thi không đạt thì được người đứng đầu trung tâm GDTX cấp giấy chứng nhận
hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.
- Thực hiện Công văn số
2427/BGDĐT-GDTX ngày 11 tháng 6 năm 2021 của Bộ GDĐT trả lời cho UBND tỉnh An
Giang về việc thực hiện chương trình GDTX trong trường trung cấp, cao đẳng;
theo đó, Bộ GDĐT đề nghị UBND tỉnh An Giang xem xét nghiên cứu phương án sắp xếp
kiện toàn lại các trung tâm GDNN-GDTX và chỉ có trung tâm GDTX, trung tâm
GDNN-GDTX mới có tư cách pháp nhân và thẩm quyền để ký xác nhận học bạ, cấp giấy
chứng nhận hoàn thành chương trình GDTX cấp THPT.
- Thực hiện Đề án số
572/ĐA-UBND ngày 11 tháng 10 năm 2017 của UBND tỉnh về sắp xếp mạng lưới cơ sở
GDNN tỉnh An Giang đến năm 2020, đến thời điểm hiện tại, mỗi huyện, thị, thành
phố có một trung tâm GDTX hoặc trung tâm GDNN-GDTX hoặc một trường trung cấp phụ
trách công tác đào tạo nghề và giảng dạy hệ GDTX. Thời điểm sắp xếp mạng lưới
cơ sở GDNN, các trường trung cấp, cao đẳng thu nhận lực lượng giáo viên dạy văn
hóa hệ GDTX cấp THPT từ các trung tâm GDNN-GDTX chuyển về cùng với giáo viên dạy
văn hóa của trường nghề để giảng dạy văn hóa hệ GDTX cấp THPT cho học viên.
- Để khắc phục những bất cập
trong những năm qua về giảng dạy văn hóa hệ GDTX cấp THPT trong trường trung cấp,
cao đẳng đúng theo luật định, việc xây dựng Đề án “Sắp xếp, phân công dạy học
chương trình GDTX cấp THPT trong các trường trung cấp, cao đẳng” là một yêu
cầu cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu học viên vừa học trung cấp nghề vừa kết hợp
với việc học hệ GDTX cấp THPT, đáp ứng công tác phân luồng học sinh sau khi học
xong trung học cơ sở (THCS) nhằm tạo nguồn nhân lực cho tỉnh trong giai đoạn hiện
nay.
PHẦN II
THỰC TRẠNG CÔNG TÁC DẠY HỌC HỆ GDTX CẤP THPT KẾT HỢP DẠY
NGHỀ
I. THỰC TRẠNG
- Qua việc thành lập trung tâm
GDNN-GDTX cấp huyện và thực hiện Đề án số 572/ĐA-UBND, đến năm 2020, mỗi huyện,
thị, thành phố đều có trung tâm GDTX hoặc trung tâm GDNN-GDTX hoặc trường trung
cấp nghề. Số các cơ sở GDNN-GDTX công lập giảm 05, đáp ứng yêu cầu sắp xếp,
tinh giản các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 18- NQ/TW và Nghị
quyết số 19-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XII.
- Các trường trung cấp, cao đẳng
phụ trách vừa giảng dạy văn hóa hệ GDTX cấp THPT vừa dạy trung cấp nghề đã đáp ứng
được nhu cầu thực tế, phù hợp nguyện vọng của học viên, số học viên không ngừng
tăng nhanh. Việc dạy học kết hợp này đã đáp ứng được nguồn nhân lực có tay nghề
đi vào thị trường lao động qua đào tạo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của
tỉnh, cụ thể là:
1. Các cơ sở GDTX, cơ sở
GDNN - GDTX
Tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh
có 01 (một) Trung tâm GDTX tỉnh An Giang hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính
hoàn toàn, 05 (năm) trung tâm GDNN-GDTX thuộc các huyện Châu Thành, An Phú, Tịnh
Biên, Thoại Sơn, Phú Tân.
Các trung tâm GDTX, GDNN-GDTX
đã được sáp nhập với trường trung cấp nghề gồm: Trung tâm GDTX Mỹ Luông và
Trung tâm GDTX Chợ Mới sáp nhập với Trường Trung cấp Kỹ thuật - Công nghệ An
Giang; Trung tâm GDTX Châu Phú sáp nhập với Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật
An Giang; Trung tâm GDTX Châu Đốc sáp nhập với Trường Trung cấp nghề Châu Đốc;
Trung tâm GDTX Tân Châu sáp nhập với Trường Trung cấp nghề Tân Châu.
2. Các cơ sở GDNN có gắn với
dạy học hệ GDTX
Trường Cao đẳng nghề An Giang;
Trường trung cấp gồm: Trung cấp nghề Dân tộc nội trú An Giang (Tri Tôn); Trung
cấp Kỹ thuật - Công nghệ (Chợ Mới); Trung cấp Kỹ thuật - Tổng hợp An Giang (sáp
nhập năm 2021 theo Quyết định số 1292/QĐ-UBND ngày 14 tháng 6 năm 2021 của UBND
tỉnh từ Trường Trung cấp nghề Châu Đốc, Trường Trung cấp nghề Tân Châu và Trường
Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật An Giang).
Các cơ sở GDNN khác như Trường
Cao đẳng Y tế An Giang, Trường Trung cấp Kỹ Thuật nghiệp vụ Giao thông vận tải,
các trường này không dạy văn hóa hệ GDTX cấp THPT.
3. Cơ sở vật chất
Hiện Trung tâm GDTX An Giang được
tỉnh đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất (CSVC), đáp ứng nhu cầu dạy và học của
Trung tâm, nhất là tạo điều kiện cho Trung tâm thực hiện công tác tự chủ tài
chính 100% thuận lợi.
Đối với các trung tâm GDNN-GDTX
trực thuộc các huyện, việc đầu tư trang thiết bị CSVC đáp ứng nhu cầu dạy và học
còn gặp hạn chế.
Các trường trung cấp, cao đẳng
trên địa bàn có CSVC cơ bản đáp ứng được nhu cầu dạy học nghề kể cả dạy văn hóa
trong giai đoạn hiện nay.
4. Cán bộ quản lý, giáo viên
(tính đến cuối năm học 2020-2021):
- Số cán bộ quản lý, giáo viên,
nhân viên của các trung tâm GDTX, GDNN- GDTX có 68 người, trong đó: cán bộ quản
lý 10 người, giáo viên giảng dạy văn hóa cấp THPT 58 người.
- Số cán bộ quản lý, giáo viên
dạy văn hóa cấp THPT tại các trường trung cấp, cao đẳng: 65 người, trong đó cán
bộ quản lý phụ trách công tác đào tạo văn hóa tại trường trung cấp, cao đẳng 05
người, giáo viên giảng dạy văn hóa cấp THPT 60 người (đính kèm theo biểu 1)
II. NHỮNG
KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
Giai đoạn 2017-2020, tuyển sinh
hệ GDTX năm học 2017-2018 cấp THPT là 1.668 học viên trong đó 291 học viên vừa
học trung cấp nghề vừa học văn hóa hệ GDTX cấp THPT chiếm tỉ lệ 17,81%; đến năm
học 2020-2021 tổng số học viên là 3.978 học viên trong đó có 1.998 học viên vừa
học trung cấp nghề vừa học hệ GDTX cấp THPT chiếm tỉ lệ 50,23% (đính kèm
theo biểu 2). Nhận định chung, công tác giảng dạy văn hóa hệ GDTX cấp THPT
đã được các trung tâm GDTX, GDNN-GDTX, trường trung cấp thực hiện tốt công tác
quản lý việc dạy và học, tổ chức học tập có hiệu quả, kết quả đầu ra của công
tác này được đánh giá tích cực thể hiện qua số lượng tham gia học tập ngày càng
tăng (đính kèm theo biểu 3).
Năm học
|
HV học Trung cấp và GDTX
|
HV chỉ học hệ GDTX
|
Tổng chung GDTX
|
2017-2018
|
291
|
1.377
|
1.668
|
2018-2019
|
512
|
1.239
|
1.751
|
2019-2020
|
1.008
|
1.048
|
2.056
|
2020-2021
|
1.998
|
1.990
|
3.978
|
2021-2022
|
2.714
|
2.078
|
4.792
|
- Mô hình vừa học trung cấp nghề
vừa học văn hóa hệ GDTX cấp THPT trong 03 năm đã tăng số lượng gấp 6,8 lần so với
năm 2017, số học viên học văn hóa hệ GDTX cấp THPT tăng gần 2,4 lần. Dự báo những
năm học tới cùng với đề án phân luồng, số học viên học GDTX tiếp tục tăng nhanh
kể cả học trung cấp nghề.
- Tỉ lệ tốt nghiệp THPT của hệ
GDTX tham gia kỳ thi tốt nghiệp chung với hệ phổ thông trong toàn tỉnh đã có những
kết quả khá tốt.
+ Tỉ lệ tốt nghiệp hệ GDTX năm
2018 là 74,32%, trong đó tỉ lệ tốt nghiệp của học viên vừa học trung cấp nghề
và vừa học hệ GDTX tại các trường trung cấp là 80,04%.
+ Tỉ lệ tốt nghiệp hệ GDTX năm
2021 là 95,27%, trong đó tỉ lệ tốt nghiệp của học viên vừa học trung cấp nghề
và vừa học hệ GDTX tại các trường trung cấp là 96,09%. (đính kèm theo biểu 4)
III. TỒN TẠI,
HẠN CHẾ
- Sau khi sáp nhập các trường
trung cấp nghề với trung tâm GDNN-GDTX, một số huyện không có cơ sở GDNN-GDTX,
các chức năng đảm bảo cơ hội được tiếp tục học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ
chuyên môn, nghiệp vụ, cập nhật kiến thức kỹ năng mới, đáp ứng yêu cầu vị trí
việc làm cho mọi người (chủ yếu là người lớn), việc học tập thường xuyên, học tập
suốt đời, xây dựng xã hội học tập của một số huyện gặp khó khăn, chưa đáp ứng kịp
thời nhu cầu học tập của người dân.
- Các giáo viên dạy văn hóa hệ
GDTX cấp THPT của các trường trung cấp, cao đẳng, trước yêu cầu về đổi mới giáo
dục và đào tạo, việc bồi dưỡng tiếp cận các mô đun tập huấn thay sách (từ mô
đun 1 đến mô đun 9) và công tác bồi dưỡng thường xuyên hàng năm gặp nhiều hạn
chế, việc đổi mới chương trình, đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh
giá, các giáo viên đôi lúc tiếp cận không đầy đủ, phần lớn do văn bản triển
khai từ Bộ GDĐT chưa kịp thời.
- Số giáo viên dạy văn hóa hệ
GDTX cấp THPT tại các trung tâm GDNN- GDTX kể cả tại các trường trung cấp, cao
đẳng, vừa thiếu về số lượng và số môn học, đa số phải thỉnh giảng (Trung tâm
GDTX An Giang) để dạy văn hóa, một vài nơi giáo viên dạy không đủ giờ do số lớp
và số học viên ít. Tổng chung tỉ lệ giáo viên trên số học viên hệ GDTX rất thấp,
đầu năm học 2021-2022 có 114 giáo viên/4.792 học viên, bình quân hệ số giáo
viên là 1,08/ lớp, so với quy định giáo dục phổ thông là 2,25 giáo viên/lớp.
- Mức thu học phí hệ GDTX theo
hiện hành không đủ chi phí tổ chức lớp học theo quy định, gây khó khăn cho các
đơn vị khi số lượng học sinh tham gia học văn hóa hệ GDTX cấp THPT tăng cao, phần
lớn chi phí tổ chức các lớp dạy học hệ GDTX được lấy từ nguồn ngân sách nhà nước
để tổ chức hoạt động dạy học, các trung tâm GDNN-GDTX không có các hoạt động
khác để đem thu nhập cho đơn vị sự nghiệp bù vào các khoản thiếu hụt.
PHẦN III
SẮP XẾP, PHÂN CÔNG DẠY HỌC HỆ GDTX CẤP THPT TRONG CÁC
TRƯỜNG TRUNG CẤP, CAO ĐẲNG
I. QUAN ĐIỂM
Phân công giảng dạy hệ GDTX cấp
THPT trong các trường trung cấp, cao đẳng theo hướng tách riêng nhiệm vụ đào tạo
nghề nghiệp, quản lý chuyên môn thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
(LĐTBXH); nhiệm vụ giáo dục văn hóa hệ GDTX cấp THPT là của trung tâm GDTX,
GDNN-GDTX, quản lý chuyên môn thuộc Sở GDĐT; việc phối hợp giữa hai Sở trên
tinh thần hợp tác vì sự phát triển giáo dục và đào tạo, đáp ứng đồng bộ với chiến
lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, khắc phục hạn chế,
bất cập, thực hiện đúng theo các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành, đồng
thời đáp ứng nhu cầu tăng cao của học viên vừa học trung cấp nghề vừa học văn
hóa hệ GDTX cấp THPT.
II. NGUYÊN
TẮC
- Việc sắp xếp đội ngũ giáo
viên phải đảm bảo tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số
19-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XII đồng thời phải phù hợp với tình
hình thực tế, đáp ứng được nhu cầu hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập
được phân công, phù hợp với quy mô tuyển sinh, đào tạo nghề trong thời gian tới.
- Đảm bảo ổn định, không làm
gián đoạn, xáo trộn các hoạt động GDĐT của các trường trung cấp, cao đẳng và
các trung tâm GDTX, GNNN-GDTX; có sự phân công cụ thể về chức năng, nhiệm vụ
trong các cơ quan, đơn vị liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước và hoạt động
sự nghiệp về GDNN-GDTX, tránh chồng chéo, bỏ sót nhiệm vụ, đảm bảo hoạt động
thông suốt, hiệu quả.
- Học viên học nghề kết hợp với
học văn hóa GDTX cấp THPT tại các trường trung cấp, cao đẳng phải do trung tâm
GDTX hoặc GDNN-GDTX có tư cách pháp nhân và thẩm quyền để ký xác nhận học bạ, cấp
giấy chứng nhận hoàn thành chương trình GDTX cấp THPT để học viên tham gia được
kỳ thi tốt nghiệp THPT.
III. MỤC
TIÊU
Đảm bảo các điều kiện học tập
thường xuyên, học tập suốt đời cho mọi người dân ở mỗi huyện, thị, thành phố, đồng
thời đáp ứng nhu cầu người học, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, số lượng
lao động qua đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh nhà.
IV. NỘI DUNG
SẮP XẾP
1. Phân công trung tâm
GDNN-GDTX phụ trách dạy văn hóa hệ GDTX cấp THPT trong các trường trung
cấp, cao đẳng
Giữ ổn định các trường trung cấp,
cao đẳng và trung tâm GDNN-GDTX như hiện hành, phân công nhiệm vụ dạy văn hóa hệ
GDTX cấp THPT cho một số trung tâm GDNN-GDTX phụ trách đảm nhận, cụ thể:
- Trung tâm GDNN-GDTX Phú Tân
có nhiệm vụ dạy GDTX cấp THPT cho Trường Trung cấp Kỹ thuật - Công nghệ An
Giang, địa điểm huyện Chợ Mới.
- Trung tâm GDNN-GDTX Thoại Sơn
có nhiệm vụ dạy GDTX cấp THPT cho Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú An
Giang, địa điểm huyện Tri Tôn.
- Trung tâm GDNN-GDTX An Phú có
nhiệm vụ dạy GDTX cấp THPT cho Trường Trung cấp Kỹ thuật - Tổng hợp An Giang, địa
điểm thị xã Tân Châu.
- Trung tâm GDNN-GDTX Châu
Thành có nhiệm vụ dạy GDTX cấp THPT cho Trường Cao đẳng nghề An Giang và Trung
cấp Kỹ thuật - Tổng hợp An Giang, địa điểm huyện Châu Phú.
- Trung tâm GDNN-GDTX Tịnh Biên
có nhiệm vụ dạy GDTX cấp THPT cho Trung cấp Kỹ thuật - Tổng hợp An Giang, địa
điểm thành phố Châu Đốc.
2. Sắp xếp đội ngũ giáo viên
dạy văn hóa tại các trường trung cấp, cao đẳng
Đội ngũ giáo viên dạy văn hóa
trong các trường trung cấp, cao đẳng điều chuyển về các trung tâm GDNN-GDTX quản
lý, cụ thể:
- Giáo viên dạy văn hóa trường
Trung cấp Kỹ thuật - Công nghệ An Giang điều chuyển về Trung tâm GDNN-GDTX Phú
Tân.
- Giáo viên dạy văn hóa Trường
Trung cấp nghề Dân tộc nội trú An Giang điều chuyển về Trung tâm GDNN-GDTX Thoại
Sơn.
- Giáo viên dạy văn hóa Trường
Trung cấp Kỹ thuật - Tổng hợp An Giang địa điểm Châu Đốc điều chuyển về Trung
tâm GDNN-GDTX Tịnh Biên.
- Giáo viên dạy văn hóa Trường
Trung cấp Kỹ thuật - Tổng hợp An Giang địa điểm Tân Châu điều chuyển về Trung
tâm GDNN-GDTX An Phú.
- Giáo viên dạy văn hóa Trường
Trung cấp Kỹ thuật - Tổng hợp An Giang địa điểm Châu Phú và 20 biên chế được
giao cho Trường Cao đẳng nghề An Giang điều chuyển về Trung tâm GDNN-GDTX Châu
Thành.
3. Kinh phí
Việc cấp kinh phí trên cơ sở có
quyết định điều chuyển con người và tổ chức các hoạt động, trên cơ sở dự toán
kinh phí được giao theo quy định hiện hành, điều chuyển về cho các huyện, thị,
thành phố có trung tâm GDNN-GDTX phụ trách thêm phần giảng dạy văn hóa hệ GDTX
cấp THPT trong các trường trung cấp, cao đẳng.
PHẦN IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Nhiệm vụ của Sở GDĐT
- Tổ chức triển khai thực hiện
Đề án sắp xếp, phân công lại chức năng dạy văn hóa hệ GDTX cấp THPT trong các
trường trung cấp, cao đẳng.
- Chủ trì, phối hợp với Sở:
LĐTBXH, Nội vụ, UBND huyện, thị, thành phố tiếp nhận điều chuyển giáo viên dạy
văn hóa về các trung tâm GNNN-GDTX từ các trường trung cấp; phối hợp với Sở Tài
chính phân bổ nguồn ngân sách cho các đơn vị hoạt động sau khi sắp xếp.
- Thực hiện chức năng quản lý
giáo dục về GDTX, tổ chức triển khai thực hiện Đề án; hàng năm phối hợp với Sở
LĐTBXH để thống nhất kế hoạch về đào tạo giảng dạy văn hóa hệ GDTX cấp THPT
trong các trường trung cấp, cao đẳng, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn
nhân lực có tay nghề cho tỉnh.
- Tổng hợp, báo cáo về UBND tỉnh,
Bộ GDĐT theo quy định.
2. Nhiệm vụ của Sở LĐTBXH
- Phối hợp với Sở GDĐT, Sở Nội
vụ, UBND huyện, thị, thành phố sắp xếp, điều chuyển giáo viên dạy văn hóa cấp
THPT của các trường trung cấp, cao đẳng về các trung tâm GDNN-GDTX.
- Chỉ đạo các trường trung cấp,
cao đẳng hàng năm lập Kế hoạch đào tạo số lượng học viên có nhu cầu học văn hóa
hệ GDTX cấp THPT gửi cho các trung tâm GDNN-GDTX phụ trách theo phân công, phối
hợp để thực hiện tốt công tác quản lý, giảng dạy văn hóa kết hợp với đào tạo
nghề.
3. Nhiệm vụ của Sở Nội vụ
Phối hợp với Sở GDĐT, Sở
LĐTBXH, UBND huyện, thị, thành phố tham mưu UBND tỉnh sắp xếp, điều chuyển giáo
viên dạy văn hóa cấp THPT của các trường trung cấp, cao đẳng về các trung tâm
GDNN-GDTX theo đúng chức năng, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, phù hợp với
các quy định hiện hành.
4. Nhiệm vụ của Sở Tài chính
Phối hợp với Sở GDĐT và các cơ
quan đơn vị có liên quan tham mưu cấp thẩm quyền về nguồn kinh phí thực hiện Đề
án theo quy định về phân cấp của Luật Ngân sách nhà nước, đáp ứng nhu cầu dạy
và học văn hóa hệ GDTX trong toàn tỉnh.
5. Nhiệm vụ của UBND các huyện,
thị, thành phố
Thực hiện quản lý nhà nước đối
với công tác GDNN-GDTX thuộc thẩm quyền nhà nước quy định. Căn cứ vào nội dung
Đề án được cấp thẩm quyền ban hành, tiến hành rà soát, sắp xếp trung tâm GDNN-
GDTX có trên địa bàn để phù hợp với nhiệm vụ mới, tạo điều kiện cho mọi người
dân được học tập thường xuyên, học tập suốt đời, thúc đẩy phong trào xây dựng
xã hội học tập đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương.
6. Nhiệm vụ của trung tâm
GDNN-GDTX
- Chịu trách nhiệm thực hiện
nhiệm vụ dạy học hệ GDTX cấp THPT tại các trường trung cấp, cao đẳng theo phân
công của Đề án.
- Các trung tâm GDNN-GDTX của
các huyện thị sau khi tiếp nhận đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên dạy văn hóa cấp
THPT từ các trường trung cấp, cao đẳng, tiến hành sắp xếp, bố trí xây dựng Đề
án vị trí việc làm của trung tâm theo chức năng nhiệm vụ mới; xây dựng kế hoạch
về biên chế viên chức theo lộ trình tinh giản biên chế hàng năm của UBND cấp
huyện theo quy định.
- Hàng năm, trung tâm GDNN-GDTX
có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí để thực hiện tốt nhiệm vụ được
giao theo Đề án, trường hợp số lớp giảng dạy văn hóa hệ GDTX vượt hơn so với kế
hoạch đầu năm, trung tâm có trách nhiệm phối hợp với trường trung cấp, cao đẳng,
trình với cấp thẩm quyền để cấp bù kinh phí, đủ chi trả cho việc thỉnh giảng
giáo viên dạy học văn hóa hệ GDTX, nhằm đáp ứng tốt yêu cầu học tập suốt đời của
người dân.
- Trung tâm GDNN-GDTX được phân
công phụ trách, được thu học phí học viên học hệ GDTX tại các trường trung cấp,
cao đẳng theo quy định mức thu của UBND tỉnh và nộp ngân sách theo quy định hiện
hành.
7. Nhiệm vụ của các trường
trung cấp, cao đẳng
- Phối hợp với trung tâm
GDNN-GDTX trong công tác tổ chức sắp xếp giờ dạy, quản lý học viên khi học văn
hóa hệ GDTX cấp THPT tại trụ sở của đơn vị, xây dựng kế hoạch tuyển sinh trong
đó dự báo số học viên học văn hóa hệ GDTX cấp THPT để trung tâm GDNN-GDTX xây dựng
kế hoạch đào tạo cho học viên theo từng năm.
- Tạo điều kiện về CSVC, phòng
học, đáp ứng công tác dạy và học văn hóa cho học viên tại đơn vị.
- Xây dựng cơ chế phối hợp giữa
trường trung cấp, cao đẳng và trung tâm GDNN-GDTX tổ chức ký kết và thực hiện tốt
theo sự sắp xếp và phân công của Đề án.
- Xây dựng kế hoạch thực hiện
chế độ chính sách đối với các trường hợp điều động, chuyển công tác, cho thôi
việc (nếu có) theo Đề án đúng theo các quy định hiện hành.
Trên đây là Đề án sắp xếp, phân
công dạy học Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT trong các trường trung
cấp, cao đẳng. Các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ nội dung triển khai thực
hiện./.