ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 266/QĐ-UBND
|
An Giang, ngày 21
tháng 02 năm 2012
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN
TRIỂN KHAI, THỰC HIỆN THÔNG TƯ 07/2009/TTLT-BGDĐT-BNV NGÀY 15 THÁNG 4 NĂM 2009
CỦA BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO, BỘ NỘI VỤ VỀ THỰC HIỆN QUYỀN TỰ CHỦ, TỰ CHỊU TRÁCH
NHIỆM VỀ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ, TỔ CHỨC BỘ MÁY, BIÊN CHẾ ĐỐI VỚI ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP
GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO CÔNG LẬP
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban
nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Thông tư liên tịch số
07/2009/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 15 tháng 4 năm 2009 của liên Bộ Giáo dục và Đào
tạo, Bộ Nội vụ về thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện
nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế đối với đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo
công lập;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo
tại Tờ trình số 12/TTr-SGDĐT ngày 17 tháng 01 năm 2012,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Phương án triển khai, thực
hiện Thông tư liên tịch số 07/2009/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 15 tháng 4 năm 2009 của
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ (gọi tắt là Thông tư 07) về thực hiện quyền
tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế đối
với đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo công lập với những nội dung như sau:
I. Yêu cầu, nguyên tắc triển khai, tổ chức thực
hiện
1. Làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ quản
lý, giáo viên các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập. Làm cho cán bộ quản lý,
giáo viên nhận thức được đây là sự đổi mới công tác quản lý trường học có ý
nghĩa quan trọng, cần thiết, góp phần củng cố, nâng cao hiệu quả, chất lượng
quản lý giáo dục nói chung và quản lý trường học nói riêng, bên cạnh đòi hỏi
năng lực quản lý, điều hành và ý thức trách nhiệm của cán bộ quản lý trường học
phải được nâng lên tương xứng;
2. Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ
thống quản lý ngành và phù hợp với quy định của Trung ương;
3. Giữ vững sự ổn định, tạo được sự chuyển
biến về chất lượng, hiệu quả giáo dục ở địa phương.
II. Nội dung hướng dẫn triển khai thực hiện
1. Phạm vi điều chỉnh:
Hướng dẫn việc thực hiện quyền tự chủ, tự chịu
trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế đối với đơn vị sự
nghiệp giáo dục và đào tạo công lập có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài
khoản riêng, do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập.
2. Đối tượng áp dụng:
a) Cơ sở giáo dục mầm non;
b) Cơ sở giáo dục phổ thông;
c) Trường trung cấp chuyên nghiệp;
d) Trung tâm giáo dục thường xuyên;
đ) Trường chuyên biệt.
3. Quyền tự chủ, tự chịu trách
nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế:
a) Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện
nhiệm vụ:
- Xác định nhiệm vụ xây dựng kế hoạch và tổ chức
thực hiện: Như quy định tại khoản 1, Điều 3, Thông tư 07.
- Hoạt động liên doanh, liên kết: Theo quy định
khoản 2, Điều 3, Thông tư 07 và có ràng buộc thêm: “Được sự đồng ý của cơ quan
quản lý cấp trên có thẩm quyền”.
- Hợp tác quốc tế: Như điểm b, khoản 2, Điều 3,
Thông tư 07 và ràng buộc thêm: “Được sự thống nhất của cơ quan quản lý cấp trên
có thẩm quyền”.
b) Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức bộ
máy:
Thực hiện như quy định tại Điều 4, Thông tư 07.
c) Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về biên chế:
Thực hiện như quy định tại Điều 5, Thông tư 07.
4. Quyền tự chủ, tự chịu trách
nhiệm về tuyển dụng, quản lý và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức:
a) Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tuyển dụng:
Lâu dài thực hiện theo quy định tại Điều 6, Thông
tư 07.
Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tuyển dụng
phải phù hợp với phân loại đơn vị về tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính.
Cụ thể:
- Đối với các đơn vị sự nghiệp giáo dục tự đảm bảo hoàn
toàn về kinh phí hoạt động thì được quyền tuyển dụng viên chức của đơn vị mình
trên kế hoạch biên chế được cơ quan quản lý cấp trên phê duyệt;
- Đối với các đơn vị sự nghiệp giáo dục tự đảm bảo
một phần hoặc sử dụng toàn bộ kinh phí Nhà nước thì Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ
xem xét chọn mỗi cấp (bậc, ngành) học từ 05 đến 10 đơn vị có đủ điều kiện, năng
lực thực hiện thí điểm việc tuyển dụng viên chức của đơn vị mình, sau đó, Sở tổ
chức rút kinh nghiệm và triển khai đại trà trong toàn ngành, chậm nhất đến năm
học 2014-2015.
Riêng việc tuyển dụng viên chức vào các trường
chuyên của tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ xây dựng phương án tuyển dụng trình
Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
b) Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về quản lý và
sử dụng cán bộ, công chức, viên chức:
- Về ký hợp đồng làm việc, bổ nhiệm vào ngạch, nâng
ngạch, chuyển ngạch: Như quy định tại điểm a và b, khoản 1, Điều 7, Thông tư 07
và có bổ sung thêm quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh để đảm bảo tính đồng bộ,
thống nhất giữa Trung ương và địa phương.
- Về sắp xếp, bố trí, phân công công tác, điều
động, biệt phái, tiếp nhận, luân chuyển, nghỉ hưu, thôi việc, chấm dứt hợp đồng
làm việc đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý: Như quy
định tại điểm a, khoản 2, Điều 7, Thông tư 07.
Riêng điểm b, khoản 2, Điều 7 Thông tư 07, Thủ
trưởng đơn vị được quyền:
- Quyết định điều động, luân chuyển cán bộ, viên
chức thuộc thẩm quyền quản lý trong nội bộ đơn vị mình theo quy định của pháp
luật;
- Quyết định nghỉ hưu, thôi việc, chấm dứt hợp đồng
làm việc đối với cán bộ, viên chức thuộc phạm vi quản lý. Đối với cán bộ, công chức,
viên chức không thuộc phạm vi quản lý (giữ các ngạch từ chuyên viên chính và
tương đương trở lên và cán bộ quản lý) thì việc quyết định nghỉ hưu, thôi việc do
cơ quan cấp trên có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật và quy định
của Ủy ban nhân dân tỉnh.
c) Về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức,
miễn nhiệm, cách chức các chức danh lãnh đạo, quản lý của đơn vị:
Thực hiện như quy định khoản 3, Điều 7, Thông tư 07.
d) Về nâng bậc lương:
Cơ bản thực hiện như khoản 4, Điều 7, Thông tư 07, riêng
điểm a và điểm c điều chỉnh cho phù hợp với quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh
như sau:
- Đối với điểm a xin điều chỉnh lại: “Người đứng
đầu đơn vị được quyền quyết định nâng bậc lương thường xuyên và trước thời hạn,
phụ cấp thâm niên vượt khung đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm
quyền quản lý của đơn vị từ ngạch chuyên viên và tương đương trở xuống theo quy
định của pháp luật và quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh”;
- Đối với điểm c xin điều chỉnh lại: “Trường hợp
nâng bậc lương thường xuyên và trước thời hạn, phụ cấp thâm niên vượt khung đối
với cán bộ, công chức, viên chức ngạch chuyên viên chính và tương đương trở
lên, người đứng đầu đơn vị đề nghị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết
định”.
e) Về đào tạo, bồi dưỡng:
Cơ bản thực hiện như khoản 5, Điều 7, Thông tư 07; riêng
điểm b và điểm c điều chỉnh cho phù hợp với quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh
như sau:
- Đối với điểm b xin điều chỉnh lại: “Người đứng
đầu cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo chuyên nghiệp, thường xuyên được cử
cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị đi học tập, đào tạo, tham quan, khảo
sát ở nước ngoài theo quy định của pháp luật và của Ủy ban nhân dân tỉnh".
- Đối với điểm c xin điều chỉnh lại: “Người đứng
đầu cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo chuyên nghiệp, thường xuyên được cử
cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị đi học tập, đào tạo, bồi dưỡng trong
nước theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh và của ngành”.
g) Về khen thưởng, kỷ luật:
Thực hiện như quy định tại khoản 6, Điều 7, Thông
tư 07.
5. Trách nhiệm của người đứng
đầu đơn vị:
Thực hiện như quy định tại Điều 9, Thông tư 07.
III. Tổ chức thực hiện
Để việc triển khai, thực hiện Thông tư 07 đạt kết
quả tốt, cần tập trung vào các giải pháp sau:
1. Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức triển khai
hướng dẫn thực hiện Thông tư 07 trên cơ sở Phương án đã được phê duyệt của Ủy
ban nhân dân tỉnh đến cuối tháng 3 năm 2012;
2. Tăng cường công tác tuyên truyền cho cán
bộ, viên chức nhằm tạo được sự thống nhất về nhận thức và quyết tâm trong tổ
chức thực hiện;
3. Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng tài liệu
và tập huấn cho cán bộ lãnh đạo, cán bộ phụ trách tổ chức Phòng Giáo dục và Đào
tạo, Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập về những nội dung có liên quan
đến việc thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ
chức bộ máy, biên chế đối với đơn vị sự nghiệp công lập giáo dục và đào tạo.
4. Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng và ban
hành các quy trình thực hiện, biểu mẫu để đảm bảo tính thống nhất và phù hợp
với từng cấp học, ngành học:
a) Quy trình xử lý kỷ luật, nâng bậc lương thường xuyên
và trước hạn, xét thuyên chuyển, xét cho thôi việc, hướng dẫn thử việc ...
b) Mẫu các quyết định (bổ nhiệm ngạch, thôi việc,
nghỉ hưu, chấm dứt tuyển dụng, thôi hợp đồng, nâng bậc lương, khen thưởng, kỷ
luật ...).
5. Thời gian áp dụng: Từ ngày 01 tháng 4 năm
2012.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành
kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Giáo
dục và Đào tạo, Thủ trưởng các đơn vị liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các
huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- TT.UBND tỉnh (để báo cáo);
- VP: TU, Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh;
- Ban TGTU;
- Sở: GD&ĐT, NV, TC;
- UBND huyện, thị, thành phố;
- Lãnh đạo Văn phòng;
- Phòng: VHXH, TH
- Lưu: HC-TC.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Hồ Việt Hiệp
|