ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
07/2017/QĐ-UBND
|
Quảng Trị,
ngày 09 tháng 5 năm 2017
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ VẬT LIỆU XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN
TỈNH QUẢNG TRỊ
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương
ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng năm /2014;
Căn cứ Luật Thương mại ngày 14 tháng 6 năm
2005;
Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa
ngày 21 tháng 11 năm 2007;
Căn cứ Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP ngày 05
tháng 4 năm 2016 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12
tháng 6 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch
vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện;
Căn cứ Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31
tháng 12 năm 2008 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật
Chất lượng sản phẩm, hàng hóa;
Căn cứ Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10
tháng 10 năm 2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động
xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây
dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về quản lý
vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 19/5/2017.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh,
Giám đốc các Sở; Thủ trưởng các Ban ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện,
thành phố, thị xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi
hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Đức Chính
|
QUY ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ VẬT LIỆU XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG
TRỊ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 07/2017/QĐ-UBND ngày 09 tháng 5 năm
2017 của UBND tỉnh Quảng Trị)
Chương
I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định nội
dung quản lý các hoạt động sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý chất
lượng vật liệu xây dựng; trách nhiệm quản lý về vật liệu xây dựng của các cơ
quan quản lý nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Điều
2. Đối tượng áp dụng
Các cơ quan quản lý nhà nước,
các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh
Quảng Trị.
Điều 3.
Mục đích, yêu cầu quản lý
1. Quy định này là cơ sở để
thực hiện công tác quản lý Nhà nước về sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng
trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, đồng thời tạo điều kiện nâng cao chất lượng công
trình xây dựng, hạn chế những ảnh hưởng có hại đến môi trường, bảo đảm vệ sinh,
giữ gìn cảnh quan đô thị, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự an toàn
xã hội và góp phần bảo vệ lợi ích chính đáng của các tổ chức, cá nhân sản xuất,
kinh doanh các mặt hàng vật liệu xây dựng và người tiêu dùng.
2. Các tổ chức, cá nhân hoạt
động sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng phải tuân thủ nghiêm các quy định về
chất lượng vật liệu xây dựng do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành.
3. Các cơ quan quản lý Nhà
nước tăng cường công tác quản lý Nhà nước về chất lượng của vật liệu xây dựng từ
khâu sản xuất, kinh doanh đến sử dụng vào trong các công trình xây dựng.
Điều 4.
Giải thích từ ngữ
Trong quy định này, các từ
ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Vật liệu xây dựng là sản
phẩm có nguồn gốc hữu cơ, vô cơ được sử dụng để tạo nên công trình xây dựng, trừ
các trang thiết bị điện và thiết bị công nghệ.
2. Địa điểm kinh doanh vật
liệu xây dựng bao gồm: Các trạm tiếp nhận, kho bãi tồn trữ, cửa hàng trưng bày
giới thiệu sản phẩm vật liệu xây dựng, cửa hàng giao dịch, buôn bán vật liệu
xây dựng.
3. Khoáng sản làm vật liệu
xây dựng bao gồm: Khoáng sản làm vật liệu xây dựng chủ yếu và khoáng sản làm vật
liệu xây dựng thông thường theo Khoản 6, Khoản 7 Điều 3 Nghị định số
24a/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng.
4. Sản phẩm, hàng hóa vật liệu
xây dựng có khả năng gây mất an toàn là sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng
trong điều kiện vận chuyển, lưu giữ, sử dụng trong công trình xây dựng có tiềm ẩn
nguy cơ gây hại cho người và công trình xây dựng, cho môi trường xung quanh.
5. Tiêu chuẩn là quy định về
đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý dùng làm chuẩn để phân loại, đánh giá sản
phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt
động kinh tế - xã hội nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đối tượng
này.
Tiêu chuẩn do một tổ chức
công bố dưới dạng văn bản để tự nguyện áp dụng.
6. Tiêu chuẩn cơ sở là tiêu
chuẩn do tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, cơ quan nhà nước, đơn vị
sự nghiệp và các cơ quan, tổ chức khác công bố để áp dụng trong các hoạt động của
tổ chức đó.
7. Quy chuẩn kỹ thuật là quy
định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý mà sản phẩm, hàng
hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh
tế - xã hội phải tuân thủ để bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khoẻ con người; bảo
vệ động vật, thực vật, môi trường; bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi
của người tiêu dùng và các yêu cầu thiết yếu khác.
Quy chuẩn kỹ thuật do cơ
quan nhà nước có thẩm quyền ban hành dưới dạng văn bản để bắt buộc áp dụng.
8. Công bố tiêu chuẩn áp dụng
là việc tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thông báo về tiêu chuẩn áp dụng
hoặc các đặc tính cơ bản của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường
của mình.
9. Công bố hợp quy là việc tổ
chức, cá nhân phải công bố các sản phẩm vật liệu xây dựng phù hợp với quy chuẩn
kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn kỹ thuật bắt buộc áp dụng khi chưa được chuyển thành
các quy chuẩn kỹ thuật.
10. Chứng nhận hợp quy là việc
xác nhận các sản phẩm vật liệu xây dựng phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật hoặc
tiêu chuẩn kỹ thuật bắt buộc áp dụng khi chưa được chuyển thành các quy chuẩn kỹ
thuật.
11. Tổ chức chứng nhận hợp
quy là tổ chức thực hiện việc đánh giá, xác nhận các sản phẩm vật liệu xây dựng
phù hợp với các yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn kỹ thuật bắt buộc
áp dụng khi chưa được chuyển thành các quy chuẩn kỹ thuật.
12. Dấu hợp quy là dấu hiệu
chứng minh sự phù hợp của các sản phẩm vật liệu xây dựng với quy chuẩn kỹ thuật
tương ứng. Dấu hợp quy được cấp cho các sản phẩm vật liệu xây dựng sau khi các
sản phẩm vật liệu xây dựng được chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy.
13. QCVN 16:2014/BXD là Quy
chuẩn kỹ thuật quốc gia về “Sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng” ban hành kèm
theo Thông tư số 15/2014/TT-BXD ngày 15/9/2014 của Bộ Xây dựng.
14. QCVN 07:2011/BKHCN là
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép làm cốt bê tông ban hành kèm theo Thông tư
số 21/2011/TT-BKHCN ngày 22/9/2011 của Bộ Khoa học và Công nghệ.
15. Tài liệu kèm theo sản phẩm,
hàng hóa bao gồm kết quả đánh giá sự phù hợp, tài liệu quảng cáo, giới thiệu
tính năng, công dụng, đặc tính, hướng dẫn sử dụng sản phẩm, hàng hóa.
Chương
II
HOẠT ĐỘNG SẢN
XUẤT, KINH DOANH VẬT LIỆU XÂY DỰNG
Điều 5.
Yêu cầu đối với dự án đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng
1. Dự án đầu tư sản xuất vật
liệu xây dựng phải phù hợp với các quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng đã được
cấp có thẩm quyền phê duyệt, đồng thời phải tuân thủ các quy định của pháp luật
về đầu tư xây dựng.
2. Dự án đầu tư sản xuất sản
phẩm vật liệu xây dựng chủ yếu phải lựa chọn công nghệ thiết bị tiên tiến, hiện
đại đáp ứng các tiêu chí về tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng, đáp ứng
các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng chủ
yếu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Đối với các dự án đầu tư
sản xuất vật liệu xây dựng chủ yếu, cơ quan đăng ký đầu tư phải lấy ý kiến tham
vấn của Bộ Xây dựng trước khi trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu
tư.
Điều 6.
Hoạt động chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng, xuất khẩu khoáng sản làm vật
liệu xây dựng
1. Hoạt động chế biến khoáng
sản làm vật liệu xây dựng phải tuân thủ các quy định của pháp luật về khoáng sản,
môi trường, lao động và các pháp luật liên quan khác.
2. Cơ sở chế biến khoáng sản
phải có bộ máy nhân lực được đào tạo, đủ năng lực vận hành thiết bị công nghệ
và kiểm soát chất lượng sản phẩm; sử dụng thiết bị, công nghệ chế biến tiên tiến,
hiện đại phù hợp với đặc Điểm chế biến của từng loại khoáng sản để nâng cao tối
đa hệ số thu hồi sản phẩm khoáng sản chế biến, có mức độ phát thải đạt tiêu chuẩn
và quy chuẩn về môi trường.
Điều 7.
Quy định sử dụng Amiăng trắng nhóm Serpentine trong sản xuất vật liệu xây dựng
1. Quy định đối với các cơ sở
sản xuất vật liệu xây dựng có sử dụng Amiăng trắng nhóm Serpentine làm nguyên
liệu sản xuất vật liệu xây dựng:
a) Chỉ sử dụng Amiăng trắng
nhóm Serpentine có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng để sản xuất vật liệu xây dựng;
b) Bảo đảm nồng độ sợi
Amiăng trắng nhóm Serpentine trong khu vực sản xuất không vượt quá 0,1 sợi/ml
không khí tính trung bình 8 giờ và không vượt quá 0,5 sợi/ml không khí tính
trung bình 1 giờ;
c) Không để rách vỡ bao, rơi
vãi khi vận chuyển nguyên liệu Amiăng trắng nhóm Serpentine;
d) Không được sử dụng Amiăng
trắng nhóm Serpentine làm vật liệu nhồi, chèn, cách nhiệt trong công trình xây
dựng khi chưa được trộn với các chất kết dính để đảm bảo sợi Amiăng trắng nhóm
Serpentine không khuếch tán vào không khí;
đ) Có các phương án xử lý phế
phẩm, các vật liệu, bụi, nước thải ra từ quá trình sản xuất để sử dụng lại hoặc
xử lý đảm bảo an toàn theo quy định;
e) Tuân thủ quyết định đầu
tư đã được phê duyệt, báo cáo đánh giá tác động môi trường, các quy định về an
toàn lao động và bảo vệ môi trường;
g) Phải tổ chức quan trắc,
giám sát môi trường nước và môi trường không khí trong cơ sở sản xuất với tần
suất định kỳ 03 tháng một lần;
h) Người lao động trực tiếp
tham gia quá trình sản xuất phải được trang bị bảo hộ lao động theo quy định;
i) Tổ chức theo dõi khám sức
khỏe, chụp X quang định kỳ theo quy định của Bộ Y tế đối với toàn bộ cán bộ,
công nhân, người lao động trong đơn vị; kết quả khám sức khỏe được lưu giữ tại
cơ sở y tế và cơ sở sản xuất.
2. Quy định việc sử dụng có
kiểm soát các sản phẩm vật liệu xây dựng sử dụng nguyên liệu là Amiăng trắng
nhóm Serpentine:
a) Chỉ được sử dụng các sản
phẩm vật liệu xây dựng có sử dụng nguyên liệu là Amiăng trắng nhóm Serpentine
khi các sản phẩm này đã được công bố hợp quy.
b) Phải áp dụng các biện
pháp cần thiết để khống chế việc phát sinh bụi Amiăng trắng nhóm Serpentine
trong các sản phẩm vật liệu xây dựng khi thực hiện các công việc như cưa, cắt,
mài, đục các sản phẩm vật liệu xây dựng có chứa Amiăng trắng nhóm Serpentine;
c) Phải lập phương án bảo vệ
môi trường trước khi tiến hành việc phá dỡ, sửa chữa, cải tạo các công trình,
thiết bị công nghiệp đối với các vật liệu xây dựng có chứa Amiăng trang nhóm
Serpentine;
d) Phải thu gom và chuyển
vào nơi quy định các phế thải vật liệu xây dựng có chứa Amiăng trắng nhóm
Serpentine; các phế thải vật liệu xây dựng này không được
dùng làm nguyên liệu rải đường.
Chương
III
QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG
VẬT LIỆU XÂY DỰNG
Điều 8.
Trong quá trình sản xuất
1. Người sản xuất phải thực
hiện các yêu cầu về quản lý chất lượng sản phẩm trong sản xuất như sau:
a) Áp dụng hệ thống quản lý
nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm do mình sản xuất phù hợp với tiêu chuẩn công bố
áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng;
b) Nhà sản xuất phải có
trách nhiệm công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định tại Điều 23 Luật Chất lượng
sản phẩm, hàng hóa và phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm do mình sản
xuất. Ghi nhãn theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa;
c) Tuân thủ các quy chuẩn kỹ
thuật liên quan đến quá trình sản xuất, chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy
theo quy chuẩn kỹ thuật QCVN 16:2014/BXD và QCVN 07:2011/BKHCN.
2. Các nội dung kiểm tra nhà
nước về chất lượng sản phẩm vật liệu xây dựng trong sản xuất được quy định tại
Điều 5 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ Quy định chi
tiết thi hành một số điều của Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa và các văn bản
quy phạm pháp luật khác có liên quan.
3. Yêu cầu về công nghệ khai
thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, sản xuất vật liệu
xây dựng:
Công nghệ, thiết bị để sản
xuất vật liệu xây dựng, khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng,
tái chế các chất thải để làm nguyên liệu, nhiên liệu, phụ gia phải đảm bảo hiện
đại, tiên tiến, có mức tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng thấp, mức độ
ô nhiễm môi trường phải đáp ứng các quy định của pháp luật về môi trường.
4. Yêu cầu về bảo vệ môi trường:
Hoạt động khai thác, chế biến
khoáng sản làm vật liệu xây dựng; sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng phải
đáp ứng các yêu cầu của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Điều 9.
Sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng xuất khẩu
1. Theo quy định tại Điều 32
Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, người xuất khẩu hàng hóa phải thực hiện các
yêu cầu về quản lý chất lượng hàng hóa như sau:
a) Phải bảo đảm hàng hóa xuất
khẩu phù hợp với quy định của nước nhập khẩu, hợp đồng hoặc điều ước quốc tế,
thỏa thuận quốc tế thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp với nước,
vùng lãnh thổ có liên quan;
b) Áp dụng các quy chuẩn kỹ
thuật tương ứng trong quá trình sản xuất hoặc tự xây dựng và áp dụng các hệ thống
quản lý nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm do mình sản xuất.
2. Các nội dung kiểm tra nhà
nước về chất lượng hàng hóa vật liệu xây dựng xuất khẩu được quy định tại Điều
10 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ Quy định chi tiết
thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và các văn bản quy
phạm pháp luật khác có liên quan.
Điều
10. Sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng nhập khẩu
1. Theo quy định tại Điều 34
Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa:
a) Hàng hóa vật liệu xây dựng
nhập khẩu phải được công bố tiêu chuẩn áp dụng và ghi nhãn theo quy định của
pháp luật về nhãn hàng hóa;
b) Hàng hóa nhập khẩu phải
được công bố hợp quy, chứng nhận hợp quy theo quy chuẩn kỹ thuật tương ứng
(QCVN 16:2014/BXD và QCVN 07:2011/BKHCN) liên quan đến quá trình sản xuất, sản
phẩm cuối cùng bởi tổ chức chứng nhận được Bộ Xây dựng chỉ định;
c) Hàng hóa vật liệu xây dựng
nhập khẩu phải được kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu.
2. Các nội dung kiểm tra nhà
nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu được quy định tại Điều 8 Nghị định số
132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số
điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và các văn bản quy phạm pháp luật
khác có liên quan.
Điều
11. Sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng lưu thông trên thị trường
1. Theo quy định tại Điều 38
Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Điều 33, Điều 34 Nghị định số
24a/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng, hàng
hóa vật liệu xây dựng lưu thông trên thị trường phải được người bán hàng thực
hiện các yêu cầu về quản lý chất lượng sau đây:
a) Chỉ được phép kinh doanh
đối với các sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng đạt tiêu chuẩn đã công bố áp dụng.
Đối với các sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng được quy định tại QCVN
16:2014/BXD và QCVN 07:2011/BKHCN thì phải có chứng nhận hợp quy;
b) Sản phẩm vật liệu xây dựng
có nhãn và nhãn phải bảo đảm ghi đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật về
nhãn hàng hóa;
c) Chịu sự kiểm tra chất lượng
hàng hóa theo quy định.
2. Các nhóm sản phẩm, hàng
hóa vật liệu xây dựng khi lưu hành sử dụng trong công trình xây dựng phải có Giấy
chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy gồm:
a) Clanhke xi măng Poóc lăng;
xi măng Poóc lăng; xi măng Poóc lăng hỗn hợp; xi măng Poóc lăng trắng; xi măng
Alumin; xi măng giếng khoan chủng loại G; xi măng Poóc lăng ít tỏa nhiệt; xi
măng Poóc lăng hỗn hợp ít tỏa nhiệt; xi măng Poóc lăng bền sun phát; xi măng
Poóc lăng hỗn hợp bền sun phát; xi măng Poóc lăng xỉ lò cao và xi măng Poóc
lăng xây trát;
b) Kính kéo; kính nổi; kính
cán vân hoa; kính màu hấp thụ nhiệt; kính phủ phản quang; kính phẳng tôi nhiệt;
kính dán nhiều lớp và kính dán an toàn nhiều lớp; kính cốt lưới thép và kính phủ
bức xạ thấp;
c) Phụ gia khoáng cho xi
măng; xỉ hạt lò cao dùng để sản xuất xi măng; phụ gia công nghệ cho xi măng; phụ
gia khoáng hoạt tính cao dùng cho bê tông và vữa: Silicafume (SF) và tro trấu
nghiền mịn (RHA); phụ gia khoáng cho bê tông đầm lăn; phụ gia hóa học cho bê
tông và phụ gia tro bay hoạt tính dùng cho bê tông, vữa xây và xi măng;
d) Tấm sóng Amiăng xi măng
(tấm lợp fibro); tấm thạch cao; tấm xi măng sợi; nhôm và hợp kim nhôm định
hình; hệ thống ống bằng chất dẻo dùng cho hệ thống cấp nước, thoát nước và cống
rãnh được đặt ngầm và nổi trên mặt đất trong điều kiện có áp suất - Polyvinyl
clorua không hóa dẻo (PVC-U); ván MDF; ván dăm và ván sàn gốc nhân tạo;
e) Sơn tường dạng nhũ tương;
bột bả tường gốc ximăng Poóc lăng; sơn Epoxy; sơn Alkyd; tấm trải chống thấm
trên cơ sở bi tum biển tính; băng chặn nước PVC; vật liệu chống thấm gốc xi
măng - Polyme và Silicon xảm khe cho kết cấu xây dựng;
f) Gạch gốm ốp lát ép bán
khô; gạch gốm ốp lát đùn dẻo; gạch gốm ốp lát - gạch ngoại thất Mosaic; gạch
Terrazzo; đá ốp lát nhân tạo trên cơ sở chất kết dính hữu cơ và đá ốp lát tự
nhiên;
g) Xí bệt, tiểu nữ; chậu rửa
và xí xổm;
h) Cốt liệu nhỏ (cát) cho bê
tông và vữa; cốt liệu lớn (đá dăm, sỏi, sỏi dăm) cho bê tông; cát nghiền cho bê
tông và vữa;
i) Cửa sổ, cửa đi bằng khung
nhựa cứng U.PVC; cửa đi, cửa sổ - cửa gỗ và cửa đi, cửa sổ - cửa kim loại;
k) Gạch đặc đất sét nung; gạch
rỗng đất sét nung; gạch bê tông; bê tông nhẹ - gạch bê tông khí chưng áp (AAC)
và bê tông nhẹ - bê tông bọt, khí không chưng áp;
Và các loại thép làm cốt bê
tông theo quy định tại Thông tư số 21/2011/TT- BKHCN ngày 22/9/2011 của Bộ Khoa
học và Công nghệ ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép làm cốt bê tông
(QCVN 07:2011/BKHCN).
3. Các nội dung kiểm tra chất
lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường được quy định tại Điều 12 Nghị định số
132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số
điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Thông tư số 16/2009/TT-BKHCN ngày
02/6/2009 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn kiểm tra nhà nước về chất lượng
hàng hóa lưu thông trên thị trường và các văn bản quy phạm pháp luật khác có
liên quan.
Điều
12. Sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng sử dụng trong công trình xây dựng
1. Theo quy định Điều 110 của
Luật Xây dựng 2014, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Điều 14 Nghị định số
132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số
điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa:
a) Vật liệu, cấu kiện sử dụng
vào trong công trình xây dựng phải theo đúng thiết kế xây dựng, chỉ dẫn kỹ thuật
(nếu có) đã được phê duyệt, bảo đảm chất lượng theo quy định của pháp luật về
tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật;
b) Ưu tiên sử dụng vật liệu
tại chỗ, vật liệu trong nước. Đối với dự án sử dụng vốn nhà nước, việc sử dụng
vật liệu nhập khẩu phải được quy định trong nội dung hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu
cầu phù hợp với thiết kế xây dựng và chỉ dẫn kỹ thuật (nếu có) do người quyết định
đầu tư quyết định;
c) Hàng hóa phải được sử dụng,
vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, bảo trì, bảo dưỡng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Người sử dụng, người sở hữu hàng hóa có trách nhiệm tuân thủ các điều kiện quy
định tại Điều 42 của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhằm bảo đảm chất lượng
hàng hóa trong quá trình sử dụng;
d) Hàng hóa phải được kiểm định
theo quy định trong quy chuẩn kỹ thuật tương ứng do cơ quan quản lý nhà nước có
thẩm quyền ban hành;
e) Hàng hóa thuộc Danh mục
hàng hóa phải kiểm định trong quá trình sử dụng sau khi được cấp giấy chứng nhận
kiểm định mới được phép đưa vào sử dụng.
2. Các nội dung kiểm tra chất
lượng hàng hóa trong quá trình sử dụng trong công trình xây dựng được quy định
tại Điều 16 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định
chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và các văn
bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Chương
IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều
13. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất vật liệu xây dựng
1. Quyền của tổ chức, cá
nhân sản xuất vật liệu xây dựng:
a) Lựa chọn, quyết định về
công nghệ chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng theo quy định của
pháp luật;
b) Lựa chọn, quyết định và
công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm vật liệu xây dựng do mình sản xuất;
c) Quyết định các biện pháp
kiểm soát nội bộ về chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường theo các tiêu chuẩn,
quy chuẩn về chất lượng và môi trường;
2. Nghĩa vụ của tổ chức, cá
nhân sản xuất vật liệu xây dựng:
a) Công bố tiêu chuẩn áp dụng,
công bố hợp quy đối với sản phẩm vật liệu xây dựng bắt buộc phải hợp quy và chịu
trách nhiệm về chất lượng sản phẩm do mình sản xuất;
b) Thực hiện đúng và đầy đủ
các nội dung của quyết định phê duyệt đầu tư;
c) Thực hiện đúng và đầy đủ
các nội dung nêu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, các yêu cầu của
quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc các nội dung ghi
trong bản cam kết bảo vệ môi trường và các quy định khác của pháp luật về
khoáng sản, bảo vệ môi trường;
d) Cung cấp đầy đủ thông
tin, hướng dẫn sử dụng, vận chuyển, lưu giữ, bảo quản vật liệu xây dựng;
đ) Ngừng sản xuất và có biện
pháp khắc phục hậu quả khi phát hiện sản phẩm vật liệu xây dựng không đạt tiêu
chuẩn chất lượng và có nguy cơ gây thiệt hại cho người kinh doanh và người sử dụng;
bồi thường thiệt hại cho người kinh doanh và người sử dụng do việc sử dụng sản
phẩm vật liệu xây dựng không đạt tiêu chuẩn chất lượng gây ra;
e) Tuân thủ các quy định về
thanh tra, kiểm tra, chế độ báo cáo định kỳ hoặc đột xuất của cơ quan nhà nước
có thẩm quyền;
g) Cung cấp đầy đủ các thông
tin về hoạt động sản xuất, chất lượng sản phẩm môi trường đối với các cơ quan
quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Điều
14. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh vật liệu xây dựng
1. Quyền của tổ chức, cá
nhân kinh doanh vật liệu xây dựng:
a) Có các quyền của thương
nhân kinh doanh hàng hóa theo quy định của pháp luật về thương mại;
b) Quyết định các biện pháp
kiểm soát nội bộ về chất lượng vật liệu xây dựng.
2. Nghĩa vụ của tổ chức, cá
nhân kinh doanh vật liệu xây dựng:
a) Tuân thủ các yêu cầu về
kinh doanh vật liệu xây dựng theo quy định của pháp luật thương mại;
b) Chịu trách nhiệm và bồi
thường thiệt hại trong trường hợp cung cấp sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng
không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng đến chất lượng công trình xây dựng;
c) Tổ chức và kiểm soát quá
trình vận chuyển, lưu giữ, bảo quản vật liệu xây dựng để duy trì chất lượng;
d) Cung cấp đầy đủ thông
tin, tài liệu về chất lượng, các Điều kiện phải thực hiện khi vận chuyển, lưu
giữ, bảo quản sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng cho người mua;
đ) Phải lập thời cung cấp đầy
đủ thông tin và biện pháp xử lý cho người mua khi sản phẩm, hàng hóa vật liệu
xây dựng không đạt tiêu chuẩn chất lượng quy định từ nhà sản xuất, nhà nhập khẩu,
nhà phân phối;
e) Tuân thủ các quy định về
thanh tra, kiểm tra, chế độ báo cáo định kỳ hoặc đột xuất của cơ quan nhà nước
có thẩm quyền;
g) Thực hiện kê khai giá
theo quy định.
Điều
15. Trách nhiệm của các Sở, Ban ngành cấp tỉnh
1. Sở Xây dựng: Là cơ quan
chuyên môn giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về vật liệu xây dựng; chủ trì, phối
hợp với các Sở, Ban ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã thực
hiện việc quản lý nhà nước về vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh, có trách nhiệm:
a) Tổ chức lập, thẩm định
các quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng phù hợp với quy hoạch tổng thể phát
triển vật liệu xây dựng quốc gia, quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng chủ yếu;
quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch sau khi được UBND cấp tỉnh phê duyệt;
b) Quản lý và tổ chức thực
hiện các quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng quốc gia, quy hoạch
phát triển vật liệu xây dựng chủ yếu, quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử
dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng, nguyên liệu sản xuất xi măng đã được phê
duyệt trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật;
c) Hướng dẫn các hoạt động
thẩm định, đánh giá về: Công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu
xây dựng, nguyên liệu sản xuất xi măng; công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng;
chất lượng sản phẩm vật liệu xây dựng;
d) Tổ chức thẩm định các dự
án đầu tư khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng, nguyên liệu sản
xuất xi măng theo phân cấp của Chính phủ và phân công của UBND cấp tỉnh;
đ) Hướng dẫn, kiểm tra và tổ
chức thực hiện các quy chuẩn kỹ thuật, các quy định về an toàn, vệ sinh lao động
trong các hoạt động: Khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng,
nguyên liệu sản xuất xi măng; sản xuất vật liệu xây dựng;
e) Hướng dẫn các quy định của
pháp luật về kinh doanh vật liệu xây dựng đối với các tổ chức, cá nhân kinh
doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh theo phân công của UBND cấp tỉnh;
g) Kiểm tra chất lượng các sản
phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng được sản xuất, lưu thông và đưa vào sử dụng
trong các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật;
h) Theo dõi, tổng hợp tình
hình đầu tư khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng, nguyên liệu sản
xuất xi măng, tình hình sản xuất vật liệu xây dựng của các tổ chức, cá nhân
trên địa bàn tỉnh.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Hướng
dẫn các tổ chức đăng ký kinh doanh ngành nghề sản xuất, kinh doanh vật liệu xây
dựng phải đảm bảo tuân thủ Quy định này.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường:
Thực hiện kiểm tra và xử lý các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh vật liệu
xây dựng trên địa bàn vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
4. Sở Công Thương: Phối hợp
với Sở Xây dựng và các ngành liên quan trong việc Quy hoạch sản xuất vật liệu
xây dựng; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất vật liệu
xây dựng; xúc tiến thương mại, triển lãm hàng hóa và tổ chức các hội chợ quảng
bá sản phẩm nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp sản
xuất vật liệu xây dựng; quản lý chặt chẽ việc kinh doanh
vật liệu xây dựng trên địa
bàn, trong đó tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết đối
với các cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng.
5. Sở Giao thông vận tải: Thực
hiện kiểm tra và xử lý các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng
trên địa bàn vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông; lấn
chiếm vỉa hè, lòng lề đường; gây bụi bẩn, mất mỹ quan đường phố.
6. Sở Tài chính: Phối hợp với
Sở Xây dựng để tổ chức công bố giá vật liệu xây dựng hàng tháng. Tham mưu bố
trí kinh phí để hoàn thành nhiệm vụ trong việc tổ chức kiểm tra, thanh tra các
hoạt động sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng và quản lý chất lượng sản phẩm
vật liệu xây dựng lưu thông trên địa bàn tỉnh.
7. Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh:
Phối hợp với Sở Xây dựng và các ngành liên quan thực hiện các quy định của pháp
luật về điều kiện, năng lực của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực vật
liệu xây dựng trong các khu công nghiệp, khu kinh tế (địa bàn được giao quản
lý).
8. Công an tỉnh: Chỉ đạo các
lực lượng công an phối hợp với Thanh tra Xây dựng, Thanh tra Giao thông, Quản
lý thị trường, Chính quyền các địa phương kiểm tra và xử lý các tổ chức, cá
nhân kinh doanh các mặt hàng vật liệu xây dựng trên địa bàn vi phạm hành chính
về điều kiện kinh doanh tại Quy định này trong lĩnh vực trật tự an toàn giao
thông, trật tự an toàn xã hội. Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy
hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Luật Phòng cháy chữa cháy,
môi trường.
Điều
16. Trách nhiệm của UBND huyện, thành phố, thị xã
1. Chỉ đạo phòng chuyên môn,
thanh tra các huyện, thành phố, thị xã, UBND phường, xã, thị trấn tổ chức phổ
biến, hướng dẫn, giám sát, lập kế hoạch kiểm tra, thanh tra định kỳ, đột xuất
việc thực hiện các quy định điều kiện sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng trên
địa bàn mình quản lý, xử lý các vi phạm hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử
lý vi phạm theo thẩm quyền.
2. Định kỳ hàng quý, 6
tháng, hàng năm báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa
bàn về Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Xây dựng.
3. Đề xuất việc xây dựng quy
hoạch, bổ sung quy hoạch các địa điểm được phép sản xuất và kinh doanh vật liệu
xây dựng đảm bảo phù hợp với các quy định của tỉnh và điều kiện thực tế trên địa
phương.
4. Xử lý các tổ chức, cá
nhân hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng có hành vi vi phạm nhưng chưa đến
mức truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chuyển cấp trên xử lý nếu vượt quá thẩm
quyền.
Điều
17. Kiểm tra, thanh tra các hoạt động sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng
1. Tất cả các cơ sở sản xuất,
kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh đều phải chịu sự thanh, kiểm tra
của chính quyền các cấp; các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và theo quy
định này.
2. Kiểm tra, thanh tra sự
tuân thủ các điều kiện sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; chất lượng vật
liệu xây dựng; công tác đảm bảo trật tự, an toàn và vệ sinh môi trường của các
cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng.
3. Kiểm tra, thanh tra theo
kế hoạch định kỳ hoặc đột xuất khi có khiếu nại, tố cáo, hoặc có dấu hiệu vi phạm.
Điều
18. Xử lý vi phạm
1. Các tổ chức, cá nhân khi
có hành vi vi phạm hành chính thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử
phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại
thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
2. Người lợi dụng chức vụ,
quyền hạn cản trở các tổ chức, cá nhân hoạt động hợp pháp trong lĩnh vực sản xuất,
kinh doanh vật liệu xây dựng hoặc trục lợi cá nhân sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị
truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định
của pháp luật.
3. Việc xử lý vi phạm hành
chính thực hiện theo quy định tại Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của
Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh
doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý
công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở và các quy định
khác của pháp luật có liên quan.
Điều
19. Điều khoản thi hành
1. Sở Xây dựng chủ trì, phối
hợp cơ quan liên quan triển khai, kiểm tra việc thực hiện Quy định này; tham
mưu xử lý các vi phạm theo quy định.
2. Trong quá trình thực hiện
nếu có phát sinh vướng mắc, các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan phản ánh
kịp thời về về Sở Xây dựng để tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét điều chỉnh, sửa
đổi bổ sung cho phù hợp./.