ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH NGHỆ AN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 11/QĐ-UBND
|
Nghệ An, ngày
03 tháng 01 năm 2018
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ VÀ LÀNG CÓ NGHỀ
TRÊN ĐỊA BÀN MIỀN TÂY NGHỆ AN ĐẾN 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương số
77/2015/QH13;
Căn cứ Quyết định số 2355/QĐ-TTg ngày 04/12/2013
của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền Tây tỉnh
Nghệ An đến năm 2020;
Xét đề nghị của Sở Công thương tại Công văn số
1912/SCT-KHTCTH ngày 29/11/2017 về việc phê duyệt Đề án Phát triển làng nghề và
làng có nghề trên địa bàn miền Tây Nghệ An đến năm 2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển làng nghề và làng có nghề trên địa
bàn miền Tây Nghệ An đến 2020 với những nội dung chủ yếu sau:
1. Quan điểm phát triển
- Phát triển làng nghề và làng có nghề phải kết
hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với xây dựng nông thôn mới trên cơ sở phát
huy giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái, thúc đẩy
phát triển kinh tế miền Tây phát triển bền vững.
- Phát triển làng nghề, làng có nghề phải gắn với
phát triển kinh tế xã hội địa phương, thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế
nông thôn theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp; phát huy giá trị văn
hóa các dân tộc, nâng cao giá trị sản phẩm gắn liền với phát triển dịch vụ du lịch,
gắn hoạt động sản xuất của làng nghề với các hoạt động dịch vụ, du lịch sinh
thái, du lịch cộng đồng.
- Bảo tồn và phát triển làng nghề, làng có nghề
trên cơ sở bảo tồn và phát huy các truyền thống văn hóa, tập quán của từng địa
phương cùng cới sự tham gia của cộng đồng gắn với quá trình CNH, HĐH nông nghiệp
và nông thôn; đẩy mạnh đầu tư chiều sâu để tăng năng lực sản xuất cạnh tranh,
đa dạng hóa sản phẩm và ứng dụng các công nghệ mới; kết hợp chặt chẽ giữa công
nghệ cổ truyền với công nghệ tiên tiến để tạo ra sản phẩm vừa truyền thống vừa
phải tinh xảo mang tính thương mại cao.
- Song song với việc bảo tồn cần tập trung khôi
phục, phát triển các nghề, làng có nghề có nhiều tiều năng và lợi thế so sánh về
nguyên vật liệu, kỹ năng, kỹ xảo sản xuất, có khả năng canh tranh trên thị trường,
thu hút nhiều lao động…nhằm góp phần tạo việc làm để nâng cao đời sống và thu
nhập cho cư dân ở các huyện miền Tây.
2. Mục tiêu phát triển
2.1. Mục tiêu tổng quát
- Góp phần thúc đẩy nhanh quá trình CNH-HĐH nông
thôn để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng giảm nhanh
tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng gía trị sản xuất công nghiệp và dịch
vụ, tạo việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn, miền núi, góp phần
phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An theo hướng bền vững, phát huy tốt
bản sắc văn hóa các dân tộc gắn liền với xây xựng nông thôn mới.
- Phát triển làng nghề và làng có nghề miền Tây
trên cơ sở ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để đa dạng hóa sản phẩm về mẫu
mã, kiểu dáng, nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh; đồng thời
chọn lọc, lựa chọn phát triển làng nghề và làng có nghề của các địa phương có
hiệu quả kinh tế cao phù hợp với điều kiện của mỗi địa phương và gắn với việc bảo
vệ môi trường, đồng thời quan tâm bảo tồn một số làng nghề gắn với phát triển dịch
vụ du lịch.
2.2. Mục tiêu cụ thể
- Đưa tỷ trọng giá trị sản xuất của làng nghề,
làng có nghề trên địa bàn miền Tây chiếm 30-40% giá trị sản xuất làng toàn tỉnh.
- Đến năm 2020 tạo được việc làm 8.000 cho lao động
trên địa bàn miền Tây; tỷ lệ qua các hình thức đào tạo ngăn, dài ngày đạt 58%;
đến năm 2025 tạo việc làm khoảng 10.000 lao động, tỷ lệ qua đào tạo đạt 72%.
- Xử lý cơ bản ô nhiễm môi trường ở các làng nghề,
làng có nghề; 100% các cụm, điểm công nghiệp làng nghề có hệ thống xử lý chất
thải tập trung đạt chuẩn.
- Giai đoạn 2017- 2020 có thêm 54 làng nghề; đến
năm 2025 công nhận thêm 17 làng nghề.
3. Định hướng phát triển
3.1. Bảo tồn, phát triển các làng nghề và
làng có nghề có giá trị truyền thống
a) Nghề
trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa
Tiếp tục duy
trì và phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm ươm tơ dệt lụa ở các làng có điều kiện
trên địa bàn. Chú trọng phát triển mô hình sản xuất làng nghề dâu tằm tơ nhằm
khai thác có hiệu quả tiềm năng đất, lao động, tay nghề. Tập trung đầu tư giống
mới với năng suất cao (cả giống tằm và giống dâu), kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm
ươm tơ, làm tơ xe và dệt lụa.
- Mục tiêu: Sản lượng lượng tơ sản xuất tại các làng
nghề đạt 200-250 tấn, GTXS đạt 3-5 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 1.000 lao động.
- Kế hoạch
phát triển: Khuyến khích phát triển nghề dâu tằm tơ ở huyện Tân Kỳ (xã Nghĩa Đồng);
huyện Quỳ Hợp (xã Châu Cường).
- Phát triển
làng nghề dâu tằm tơ:
Quy mô: làng
nghề sử dụng từ 100-150 lao động; giá trị sản xuất bình quân 1 tỷ đồng.
Bố trí xây dựng
làng nghề: Phấn đấu đến 2025 công nhận thêm 1 làng nghề dâu tằm tơ huyện Tân Kỳ
(xã Nghĩa Đồng).
b) Nghề
dệt thổ cẩm
Phấn đấu khôi
phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm ở các huyện Kỳ Sơn, Con Cuông, Tân Kỳ, Quế Phong.
Đào tạo dạy nghề, cải tiến một số trang thiết bị khung dệt. Khuyến khích thành
lập các cơ sở sản xuất kinh doanh làm đơn vị hạt nhân để phát triển nghề nhằm cải
tiến mẫu mã mặt hàng, tìm kiếm thị trường sản phẩm cho người sản xuất
- Mục tiêu: Giải quyết việc làm cho 15.000 lao động,
giá trị sản xuất đạt từ 50-100 tỷ đồng;
- Bố trí phát triển: Khuyến khích phát triển nghề dệt
thổ cẩm ở tất cả các huyện miền Tây Nghệ An, trong đó chú trọng đầu tư ở một số
vùng trọng điểm Huyện Tân Kỳ, Anh Sơn, Quỳ Châu, Kỳ Sơn, Quế Phong, Con Cuông;
Tương Dương và Quỳ Hợp.
- Xây dựng làng nghề dệt thổ cẩm:
Quy mô:
Bình quân mỗi làng nghề sử dụng từ 150-300 lao động, GTSX bình quân của mỗi
làng đạt từ 1-2 tỷ đồng.
Kế hoạch
xây dựng làng: Kế hoạch 2017-2020 xây
dựng được 34 làng nghề dệt thổ cẩm, đến 2025 phát triển thêm 12 làng nghề. Cụ
thể:
+ Huyện Tân Kỳ:
Khôi phục các làng nghề từ lâu đơn có nguy cơ mai một ở các xã Phú Sơn; Đồng
Văn; Nghĩa Thái; Tiền Kỳ.
+ Huyện Anh
Sơn: Xã Thành Sơn; Hòa Sơn; Tam Sơn
+ Huyện Quỳ
Châu: Xã Châu Phong; Châu Thuận; Châu Hội; Châu Bình.
+ Huyện Kỳ
Sơn: Xã Hữu Lập; Mỹ Lý; Phà Đánh; Bắc Lý; Na Loi; Keng Đu; Mường Luống; Nậm
Càn; Mường Ải; Chiêu Lưu; Phà đánh.
+ Huyện Quế
Phong: Xã Phà Nạt; Quế Sơn; Tiền Phong; Quang Phong; Châu Thôn; Nậm Khóng và
Châu Kim.
+ Huyện Con
Cuông: Xã Môn Sơn; Chi khê; Mậu Đức; Bồng Khê; Lục Dạ.
+ Huyện Tương
Dương: Khôi phục các làng nghề từ lâu đơn có nguy cơ mai một ở các xã Tam
Quang; Xã Lượng; Lượng Minh.
+ Huyện Quỳ Hợp:
Xã Châu Cường; Châu Thái; Bắc Sơn.
c) Nghề mây tre đan
Tập trung phát
triển nghề mây tre đan ở những địa phương có điều kiện. Khuyến khích một số hộ
có vốn đứng ra thành lập DN để cung cấp đầu vào và tiêu thụ sản phẩm. Tập trung
phát triển mạnh các mặt hàng phục vụ cho xuất khẩu đồng thời chú trọng sản xuất
các mặt hàng phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của người dân trong tỉnh.
- Mục
tiêu : Xây dựng thêm 4 làng nghề mây tre đan, GTSX ngành nghề mây tre đan
đạt 10 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 0,5 triệu USD, thu hút từ 4-5 triệu lao
động. Dự kiến năm 2020 đạt 30 tỷ đồng, năm 2025 đạt 45 tỷ đồng.
- Bố trí phát triển : Ưu tiên phát triển nghề
mây tre đan ở những làng có nghề mây tre đan truyền thống, có điều kiện thuận lợi
về nguồn nguyên liệu cụ thể: huyện Con Cuông làng Bản Diềm; huyện Thanh Chương
làng Đồng Tâm.
- Xây dựng làng nghề mây tre đan:
Qui mô: Bình
quân mỗi làng có từ 150-300 lao động, GTSX bình quân đạt 1-5 tỷ đồng.
Kế hoạch xây dựng
làng nghề: Tập trung xây dựng làng nghề mây tre đan ở các địa phương sau: Huyện
Nghĩa Đàn làng Đồng Khánh xã Nghĩa Khánh; Huyện Tương Dương làng Bản Can xã Tam
Thái và làng bản Na Bè xã Xá Lượng; Huyện Thành Chương làng Đồng Tâm xã Thanh
Yên.
d) Nghề sản xuất hương
Duy trì và phát triển các làng nghề
sản xuất hương có lịch sử lâu đời; Khuyến khích hình thành các doanh nghiệp, hộ
kinh doanh phát triển sản phẩm hương trầm thành hương thẻ có giá trị kinh tế
cao; phát triển sản phẩm theo hướng chất lượng sản phẩm, tăng cường xây dựng
thương hiệu, truy xuất hàng hóa.
+ Mục tiêu : Xây dựng thêm 4 làng nghề sản xuất
hương, GTSX ngành nghề mây tre đan đạt 30 tỷ đồng, thu hút từ 500-1.000 triệu
lao động. Thu nhập lao động đạt từ 40-50 triệu đồng/người/năm.
+ Bố trí phát triển : Ưu tiên phát triển nghề xản
xuất hương ở những làng có nghề sản xuất hương truyền thống, có lịch sử phát
triển lâu đời ở huyện Quỳ Châu như: làng Hợp Tiến xã Châu tiến; làng Hạnh Khai
thị trấn Tân Lạc; làng Bản Lâu 2 xã Châu Bình
+ Xây dựng làng nghề sản xuất hương:
Qui mô: Bình
quân mỗi làng có từ 90-150 lao động, GTSX bình quân đạt 7 tỷ đồng.
Kế hoạch xây dựng
làng nghề: Đến 2020 phát triển thêm 02 làng nghề sản xuất hương ở Huyện Quỳ
Châu: làng nghề sản xuất hương trầm Lâm Hội xã Châu Hội, làng nghề sản xuất hương
trầm Bình 2, xã Châu Bình và 02 làng nghề sản xuất hương ở Thị xã Thái hòa:
làng nghề sản xuất hương Long Sơn; làng nghề sản xuất hương Nghĩa Mỹ.
e) Nghề
chế biến nông sản thực phẩm
Khuyến khích
nghề chế biến nông sản thực phẩm phát triển ở tất cả các địa phương trên địa
bàn nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân địa phương. Tiếp tục nghiên cứu,
cải tiến mẫu mã nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng nông
sản trong tỉnh.
- Mục tiêu: Phấn đấu chế biến được trên
60% sản lượng nông sản thực phẩm các loại, giá trị sản xuất đạt 50 tỷ đồng, giải
quyết việc làm cho 1 triệu lao động.
- Bố trí phát triển:
+ Huyện Thanh
Chương: Phát triển nghề chế biến bún, bánh, thực phẩm các loại ở xã Thanh
Lương; Thanh Hoa; Võ Liệt; Thanh Yên;
+ Huyện Tương
Dương ở xã Tam Quang.
+ Huyện Nghĩa
Đàn: phát triển nghề chế biến mía đường ở xã Nghĩa Hưng; nghề chế biến nông sản
xã Nghĩa Hưng.
+ Thị xã Thái
Hòa: Phát triển nghề chế biến mật ong ở xã Nam Cường, Phú Tân, Thí Nghiệm.
+ Huyện Tân Kỳ:
phát triển nghề chế biến bún bánh miến xã Nghĩa Thái.
- Xây dựng
làng nghề
Quy mô: Bình
quân mỗi làng có từ 100-150 lao động; giá trị sản xuất bình quân đạt 8 tỷ đồng;
thu nhập bình quân đạt 15 triệu đồng/người/năm.
Kế hoạch
phát triển làng nghề: đến 2025 phát
triển thêm 7 làng nghề, tập trung phát triển ở các huyện: Thị xã Thái Hòa 03
làng; Nghĩa Đàn 01 làng; Tương Dương 01 làng; Thanh Chương 02 làng.
g) Nghề
mộc
Phát triển
ngành nghề mộc nhằm khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên rừng và rừng trồng,
lao động, chất xám sẵn có để tạo nguồn hàng xuất khẩu và đáp ứng tiêu dùng
trong nước. Khuyến khích hình thành các DN, HTX, tổ hợp tham gia sản xuất đồ mộc
dân dụng, trang trí nội thất, mộc mỹ nghệ, sửa chữa đóng mới tàu thuyền, thu
hút lao động có tay nghề, giải quyết việc làm cho người lao động.
- Mục tiêu: Phấn đấu doanh số ngành nghề mộc đạt 80 tỷ
đồng, giải quyết việc làm cho 1 triệu lao động, xây dựng thêm 3 làng nghề sản
xuất đồ mộc.
- Bố trí phát triển:
+ Huyện Thanh
Chương: phát triển nghề mộc dân dụng ở xã Thanh Tường; Thanh Lương.
+ Thị xã Thái
Hòa: phát triển nghề mộc mỹ nghệ
+ Huyện Tân Kỳ:
phát triển nghề mộc cơ khí ở thị trấn
- Xây dựng
làng nghề mộc:
Qui mô: Bình quân mỗi làng nghề sử dụng từ 150-300 lao động
doanh thu bình quân của mỗi làng nghề đạt 6-10 tỷ đồng.
Phát triển
xây dựng làng nghề: Phát triển 03
làng nghề mộc ở Khối 2, thị trấn Tân Kỳ; xã Nghĩa Hồng, huyện Nghĩa Đàn; Thôn
Yên Long xã Thanh Lương, huyện Thanh Chương.
h) Nghề
khác
Giai đoạn
2017-2020, phấn đấu phát triển thêm 03 làng nghề:
- Huyện Quế
Phong: làng nghề rèn Minh Châu xã Tri Lễ.
- Huyện Con
Cuông: Làng nghề rượu men lá Bản Xiềng, xã Đôn Phục.
- Huyện Thanh
Chương: làng nghề chổi tre giang thôn Trường, xã Thanh Lĩnh.
3.2 Phát triển làng nghề và
làng có nghề gắn với du lịch
- Phát triển
làng nghề gắn với tuyến du lịch Lễ hội Hang Bua, Thẩm Ồm kết hợp phát triển
làng nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Thái, bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến và Bản Thêm
xã Châu Thuận; làng nghề sản xuất hương trầm xã Châu Bình, Châu Hội (Quỳ Châu);
- Phát triển
làng nghề gắn với điểm du lịch Thác Sao Va- Quế Phong; phát triển làng dệt thổ
cẩm Bản Mường Him, xã Tiền Phong; làng nghề dệt thổ cẩm Bản Cỏ Noong, xã Mường
Nọoc; làng nghề mây tre đan Na Thắng xã Tiền Phong;
- Phát triển
làng nghề gắn với du lịch Vườn Quốc gia Pù Mát; phát triển làng nghề dệt thổ cẩm
bản Thái Sơn và
bản Xiềng (xã Môn Sơn), bản Khe Rạn (xã Bồng Khê), bản Nưa (xã Yên Khê) huyện
Con Cuông.
3.3 Du nhập làng nghề và làng
có nghề mới
Ngành nghề được du nhập phải bảo đảm
phù hợp với thuần phong mỹ tục của địa phương, phù hợp với quy hoạch phát triển
kinh tế xã hội và quy hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh, du nhập
nghề gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, môi trường sản xuất, vệ sinh an toàn
thực phẩm và hiệu quả và bền vững.
Những ngành nghề có khả năng du nhập,
phát triển trong thời gian tới bao gồm:
- Chạm, chế tác đá mỹ nghệ, tranh
đá;
- Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ;
- Bảo quản, sơ chế nông sản, lâm sản;
- Thêu, chế tác tranh gỗ.
4. Nhu cầu vốn
thực hiện đề án và cơ cấu nguồn vốn
- Tổng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn
2018- 2020 là 31.100 triệu đồng, bình quân 10.367 triệu đồng; Giai đoạn sau năm
2020 nhu cầu vốn phát triển làng nghề và làng có nghề sẽ được tính toán bổ sung
để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội ở các huyện miền Tây Nghệ
An.
- Về cơ cấu nguồn vốn đầu tư:
+ Vốn ngân sách hỗ trợ (bao gồm
ngân sách tỉnh, kinh phí khuyến công Quốc gia hỗ trợ, ngân sách huyện, thị xã đối
ứng) là 13.062 triệu đồng, chiếm 42% tổng nguồn vốn, bao gồm: Vốn ngân sách tỉnh
hỗ trợ qua kinh phí khuyến công, kinh phí xúc tiến thương mại và nguồn vốn vay
Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Nghệ An: khoảng 40%; Kinh phí khuyến công Quốc
gia hỗ trợ qua các chương trình, kế hoạch, đề án khuyến công: khoảng 40%; Ngân
sách huyện, thị xã đối ứng theo chính sách khuyến khích phát triển làng nghề,
làng có nghề và vốn đối ứng khác: khoảng 20%.
+ Vốn của các cơ sở làng nghề, các
nguồn vốn nông thôn mới, vốn huy động và vốn lồng ghép khác là 18.038 triệu đồng,
chiếm 58% tổng nguồn vốn.
5. Giải pháp
thực hiện
5.1. Giải pháp về hoàn thiện cơ
chế chính sách
- Các cơ sở nghề, làng nghề được
hưởng thụ các chính sách khuyến công, xúc tiến thương mại, khuyến nông và các
cơ chế khuyến khích đầu tư khác của tỉnh.
- Các làng nghề thực hiện theo
hình thức kinh doanh hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ kinh doanh được hưởng ưu đãi
về mặt bằng trong sản xuất và đầu tư kết cấu hạ tầng. Các dự án đầu tư nghề
truyền thống được ưu tiên bố trí vào cụm công nghiệp, điểm công nghiệp và được
hưởng chế độ ưu đãi đầu tư theo quy định của tỉnh. Đối với các dự án phải di dời
được hưởng các chính sách theo Quyết định 74/QĐ-TTg ngày 06/4/2005 của Thủ tướng
chính phủ về việc sử dụng tiền chuyển quyền sử dụng đất, tiền bán nhà xưởng và
các công trình khác khi tổ chức kinh tế phải di dời trụ sở, cơ sở sản xuất kinh
doanh theo quy hoạch.
- Các cá nhân, tổ chức, các cơ sở
sản xuất kinh doanh mới và dự kiến phát triển các nghề, làng nghề truyền thống
được hỗ trợ một phần kinh phí khởi sự doanh nghiệp, tham gia học các lớp khởi sự
doanh nghiệp, lập kế hoạch kinh doanh, tăng cường khả năng kinh doanh, tiếp cận
thị trường, được tạo mọi điều kiện để đăng ký doanh doanh thuận lợi theo quy định
hiện hành.
- Chính sách thuế: Các cơ sở sản
xuất, HTX doanh nghệp sản xuất sản phẩm truyền thống được hưởng chính sách miễn
giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định; được miễn giảm thuế nhập khẩu đối
với hàng hóa nhập khẩu tạo tài sản cố định của doanh nghiệp hoặc nhập nguyên vật
liệu, linh kiện trong nước chưa sản xuất được để sản xuất theo Nghị định
87/2010/NĐ-CP và được miễn tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định
142/2005/NĐ-CP của Chính phủ.
- Hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương
mại, liên kết sản xuất: Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong làng nghề khi
tham gia hội chợ triễn lãm, xây dựng đăng ký thương hiệu sản phẩm làng nghề,
công nhận làng nghề truyền thống, làng nghề mới thì được hỗ trợ một phần kinh
phí theo quy định của tỉnh và Trung ương.
5.2. Giải pháp về quy hoạch
làng nghề và làng có nghề
- Xây dựng quy hoạch phát triển
nguyên liệu phù hợp để cung cấp nguyên liệu của các làng nghề, làng có nghề gắn
với kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội từng địa phương; ưu tiên đất phục vụ
các cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nông thôn;
- Quy hoạch khai thác sử dụng tiềm
năng sẵn có của địa phương sử dụng hợp lý và hiệu quả các nguồn tài nguyên;
- Bổ sung, xây dựng quy hoạch một
số cụm công nghiệp, điểm công nghiệp nhằm quy hoạch, bố trí các làng nghề tập
trung, bảo vệ môi trường.
5.3. Giải pháp về nguồn vốn
- Lồng ghép các nguồn vốn của nhà
nước với các nguồn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ và các đóng góp của
các tổ chức cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và làng nghề;
- Đa dạng hóa các hình thức huy động
vốn: Vốn góp, vốn thành lập hợp tác xã, doanh nghiệp, vay các tổ chức tín dụng;
- Tiếp tục bố trí ngân sách Nhà nước
từ kinh phí khuyến công để hỗ trợ các làng nghề, làng có nghề;
- Tăng cường tìm kiếm các nguồn
tài trợ và đầu tư từ các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức nước ngoài để khai thác
thềm các nguồn đào tạo nghề, đào tạo khởi sự doanh nghiệp, nghiên cứu thị trường,
xử lý môi trường ở các làng nghề...;
- Mở rộng mạng lưới giao dịch của
các ngân hàng thương mại về các xã, giảm thủ tục cho vay, triển khai rộng các
hình thức cho vay tín chấp;
- Sớm thành lập quỹ hỗ trợ phát
triển làng nghề, làng có nghề gắn với các hợp tác xã, doanh nghiệp làng nghề;
5.4. Giải pháp về tiêu thụ sản
phẩm và xúc tiến thương mại
- Đối với thị trường trong nước:
+ Thực hiện gắn kết các làng nghề
với các điểm du lịch, chợ, siêu thi, cửa hàng tiện lợi và trung tâm thương mại
và Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn;
+ Hình thành mối liên kết với các
doanh nghiệp giúp các làng nghề trở thành nơi cung cấp sản phẩm cho các doanh
nghiệp;
+ Hỗ trợ các làng nghề, làng có
nghề tham gia hội chợ triển lãm chuyên ngành để bán và giới thiệu sản phẩm;
+ Hoàn thiện, nâng cấp phòng giới
thiệu sản phẩm làng nghề, làng có nghề thành trung tâm giới thiệu các sản phẩm
làng nghề của tỉnh; trước mắt khảo sát xây dựng một số trung tâm giới thiệu sản
phẩm làng nghề, làng có nghề tại Con Cuông, Quỳ Châu, Nghĩa Đàn, có mối liên kết
chặt chẽ với TP Vinh và TX Cửa Lò.
- Đối với xuất khẩu:
+ Hỗ trợ các làng nghề, làng có
nghề cung cấp thông tin, tìm kiếm thị trường, kết nối giao thương, tham gia hội
chợ triển lãm quốc tế, tham quan khảo sát thị trường…;
+ Phối hợp với các Trung tâm Xúc
tiến thương mại, thương vụ và các cơ quan đại diện thương mại Việt Nam tại nước
ngoài để quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và các sản phẩm của làng nghề
tới nước sở tại.
+ Hỗ trợ các hiệp hội, các làng
nghề xây dựng và duy trì Website nhằm quảng bá thương hiệu sản phẩm... trên
internet.
5.5. Giải pháp về nâng cao ứng
dụng công nghệ và năng lực quản lý
- Khuyến khích áp dụng kỹ thuật hiện
đại, công nghệ mới vào sản xuất tiểu thủ công nghiệp, đặc biệt là áp dụng khoa
học kỹ thuật giảm nhẹ sức lao động trong một số công đoạn sản xuất nhất định.
- Tăng cường cơ chế hỗ trợ vốn đầu
tư phục vụ mục đích đổi mới công nghệ, thực hiện ưu đãi tín dụng và hỗ trợ vốn
đối với những ngành nghề và cơ sở sản xuất áp dụng công nghệ tiên tiến.
- Đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông
tin phục vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của các làng nghề: phần mềm quản lý sản
xuất, quản lý chẩt lượng sản phẩm, xây dựng website, chợ ảo điện tử...
- Phát triển các hoạt động thông
tin tư vấn và chuyển giao công nghệ trong sản xuất làng nghề.
5.6. Giải pháp về đất đai
- Đáp ứng mặt bằng phục vụ cho mở
rộng sản xuất, đầu tư công nghệ mới, di dời các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất
ô nhiễm môi trường.
- Bảo đảm dành quỹ đất cho phát
triển TTCN và làng nghề theo đúng quy hoạch để phát triển bền vững công nghiệp
nông thôn.
- Xây dựng quy hoạch sử dụng đất
cho phát triển làng nghề gắn với xây dựng quy hoạch nông thôn mới theo Đề án
xây dựng nông thôn mới tỉnh Nghệ An giai đoạn 2010 - 2020, định hướng đến năm
2030.
- Ưu đãi bố trí đất xây dựng trụ sở
làng nghề, làng có nghề.
5.7. Giải pháp về xây dựng và
phát triển thương hiệu
- Lập đề án xây dựng đội ngũ thiết
kế mẫu mã sản phẩm, tiến tới thành lập trung tâm thiết kế mẫu mã sản phẩm thủ
công mỹ nghệ cấp tỉnh.
- Khuyến khích hỗ trợ các nghệ
nhân, thợ giỏi tham gia các cuộc thi về sáng tác mẫu mã sản phẩm cho các làng
nghề do các tỉnh, thành phố khác tổ chức.
- Hỗ trợ các làng nghề trong việc
xây dựng và phát triển thương hiệu, nhất là làng nghề truyền thống.
- Nâng cao vai trò của các tổ chức
hội, hiệp hội, chính quyền cấp xã, thôn và các doanh nghiệp trong các làng nghề
trong việc quảng bá, giới thiệu thương hiệu làng nghề tới khách hàng trong và
ngoài nước.
5.8. Giải pháp về bảo vệ môi
trường
- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến,
vận động doanh nghiệp, hộ sản xuất trong làng nghề thực hiện tốt các quy định về
Luật Bảo vệ môi trường.
- Xây dựng cơ chế chính sách nhằm
hỗ trợ các cơ sở sản xuất nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ xử lý ô nhiễm môi
trường của các làng nghề.
- Tổ chức di dời các cơ sở sản xuất
gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi khu dân cư.
- Khuyến khích áp dụng sản xuất sạch
hơn bằng các công nghệ giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
5.9. Giải pháp về đào tạo, nâng
cao kiến thức, kỹ năng nghề cho lao động
Quan tâm đầu tư, bố trí ngân sách
để nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gắn
với phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề;
Đẩy mạnh, khuyến khích công tác
truyền nghề, thu hút các nghệ nhân, thợ giỏi tham gia đào tạo, truyền nghề cho
người lao động;
Các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh
cá thể, làng nghề, làng có nghề tạo điều kiện chon các học viên được thực tập
nghề và giải quyết việc làm sau đào tạo.
5.10. Giải pháp về tăng cường
quản lý nhà nước đối với làng nghề và làng có nghề
- Tăng cường nâng cao nhận thức về
tầm quan trọng của việc phát triển làng nghề, làng có nghề trên địa bàn toàn tỉnh
nói chung và khu vực miền Tây nói riêng;
- Tăng cường công tác phối hợp giữa
các sở, ngành có liên quan; UBND các huyện để xây dựng kế hoạch hằng năm, cụ thể
hóa các kế hoạch, chương trình, Đề án trên địa bàn các huyện miền Tây;
- Củng cố, khôi phục, du nhập và
phát triển làng nghề, làng có nghề góp phần thực hiện chiến lược CNH-HĐH nông
nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới;
- Tăng cường công tác quản lý nhà
nước về làng nghề, ngành nghề nông thôn, thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế
hoạch làng nghề, làng có nghề;
- Tăng cường năng lực đội ngũ cán
bộ đối với lĩnh vực làng nghề, làng có nghề, đẩy mạnh hoạt động khuyến công,
XTTM, khuyến nông cho các làng nghề, làng có nghề.
5.11 Giải pháp về đẩy mạnh hợp
tác quốc tế trong lĩnh vực làng nghề, làng có nghề
- Tăng cường liên kết chuỗi giá trị
làng nghề, làng có nghề trên địa bàn tỉnh nói chung và khu vực miền Tây nói
riêng với chuỗi giá trị làng nghề của các nước trong khu vực và quốc tế;
- Đẩy mạnh học tập, trao đổi kinh
nghiệm, chuyển giao công nghệ, du nhập ngành nghề phù hợp; hợp tác chặt chẽ
trong các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu với các nước trong
khu vực và thế giới.
Điều 2. Tổ chức thực hiện đề án
1. Sở Công Thương
- Công bố và phổ biến rộng rãi,
triển khai thực hiện Đề án phát triển làng nghề, làng có nghề trên địa bàn miền
Tây đạt hiệu quả cao;
- Chủ trì phối
hợp với các sở, ngành UBND các huyện, thị trên địa bàn miền Tây đẩy mạnh hoạt động
khuyến công; xúc tiến thương mại; hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các làng nghề,
làng có nghề và sản phẩm của làng nghề, làng có nghề.
- Chủ trì xây dựng cơ chế chính
sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất TTCN, làng nghề đầu tư sản xuất kinh doanh trong
các cụm công nghiệp.
2. Liên minh Hợp tác xã tỉnh
Chủ trì, phối hợp với các sở, ban,
ngành, UBND các huyện, thị xây dựng kế hoạch phát triển làng nghề, làng có nghề
5 năm và hàng năm.
Chủ trì phối hợp với các sở,
ngành, UBND các huyện hỗ các làng nghề tổ chức tập huấn, đào tạo nghề, tổ chức
cho các làng nghề làng có nghề tham gia hội chợ triển lãm, kết nối cung cầu.
Nghiên cứu xây dựng và phát triển mô hình làng nghề có hiệu quả.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn
Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành
và các đơn vị liên quan xây dựng đề xuất các cơ chế, chính
sách hỗ trợ của Nhà nước, xây dựng Dự án bảo tồn, phát triển
các làng nghề, làng có nghề trên địa bàn miền Tây Nghệ An.
4. Sở Du lịch
Chủ trì phối hợp với các ngành
liên quan thực hiện dự án du lịch kết hợp với làng nghề. Nghiên cứu đưa các sản
phẩm làng nghề, làng có nghề vào các điểm du lịch.
5. Sở Khoa học và Công nghệ
Chủ trì triển khai công tác chuyển
giao và ứng dụng tiến bộ khoa học phục vụ phát triển làng nghề, làng có nghề;
hướng dẫn, hỗ trợ các làng nghề, làng có nghề xây dựng và đăng ký xác lập quyền
sở hữu công nghiệp đối với các nhãn hiệu của làng nghề, làng có nghề và các sản
phẩm của các làng nghề, làng có nghề.
6. Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội
Chủ trì, phối hợp với các Sở,
ngành liên quan hướng dẫn, quản lý, thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực
và hỗ trợ tạo việc làm cho làng nghề, làng có nghề.
7. Ban Dân tộc
Căn cứ Đề án tổ
chức thực hiện các chủ trương chính sách, tham mưu, đề xuất các chủ trương, biện pháp để giải quyết
các vấn đề xóa đói, giảm nghèo, định cư, di cư đối với các làng nghề, làng có nghề vùng đồng bào dân tộc thiểu số
8. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Trên cơ sở cân đối ngân sách Nhà
nước, tổng hợp tham mưu quyết định chủ trương đầu tư, phân bổ nguồn vốn cho các
dự án hạ tâng làng nghề theo đúng Luật đầu tư công và chính sách hiện hành của
tỉnh;
Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực
hiện việc thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật và thực hiện thu hít đầu
tư các hạ tầng làng nghề trên địa bàn tỉnh nói chung và khu vực miền Tây nói
riêng.
9. Sở Tài chính
Trên cơ sở các nội dung của Đề án,
hàng năm căn cứ vào nhu cầu, khả năng cân đối ngân sách, Sở Tài chính phối hợp
với các sở, ban, ngành liên quan hỗ trợ một phần kinh phí trong việc khôi phục,
phát triển làng nghề, làng có nghề và xem xét công nhận làng nghề hàng năm.
Chủ trì cân đối các nguồn vốn, nhất
là nguồn vốn ngân sách hàng năm và vốn trung hạn của tỉnh đầu tư hỗ trợ cho
khôi phục, phát triển làng nghề, ngành nghề và công tác xét công nhận làng nghề
hàng năm. Hướng dẫn các đơn vị quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước
theo đúng quy định của pháp luật đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.
10. Các Sở, ban ngành liên quan
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được
giao phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương trong quá trình triển khai thực hiện
Đề án.
Vận dụng các nguồn ngân sách hợp
pháp, các chương trình hỗ trợ phát triển để hỗ trợ và phát triển; nghiên cứu
xây dựng quy hoạch xây dựng nguồn nguyên liệu tại chỗ cho các làng nghề, làng
có nghề trên địa bàn toàn tỉnh và khu vực miền Tây nói riêng.
11. UBND huyện, thị xã miền Tây
Nghệ An
- Tăng cường chỉ đạo thực hiện
công tác quản lý nhà nước đối với làng nghề, làng có nghề, ngành nghề truyền thống.
- Xây dựng kế hoạch cụ thể trên địa
bàn để thực hiện tốt Kế hoạch phát triển và bảo tồn làng nghề, làng có nghề,
ngành nghề truyền thống tại địa phương.
- Lồng ghép nội dung quy hoạch
trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của các huyện, thị xã cho
phù hợp. Xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển
nghề, làng nghề trên địa bàn các quận, huyện, thị xã.
- Căn cứ nhu cầu thực tế của địa
phương, chủ động đề xuất mô hình phát triển làng nghề, làng có nghề
12. Các làng nghề trên địa bàn
miên Tây Nghệ An
- Căn cứ Đề án tiếp tục bảo tồn,
phát triển các làng nghề và làng có nghề có giá trị truyền thống.
- Chủ động, tích cực tận dụng triệt
để chính sách hỗ trợ của nhà nước thông qua việc trực tiếp tham gia các chương
trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu.
- Tích cực tham gia các chương
trình đào tạo tập huấn nâng cao nhận thức.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc
các Sở, ngành: Công Thương, Liên minh Hợp tác xã, Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Lao động Thương binh và Xã hội, Kế
hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ban Dân tộc; Chủ tịch UBND các huyện, thị miền Tây
Nghệ An và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Như điều 2;
- Chủ tịch UBND tỉnh (b/c);
- PCT NN UBND tỉnh;
- PVP TM UBND tỉnh;
- Lưu: VT, CN (H.Tuấn).
|
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Đinh Viết Hồng
|