Bản án về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ (kiểu dáng không có khác biệt đáng kể) số 36/2018/KDTM-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

BẢN ÁN 36/2018/KDTM-ST NGÀY 19/10/2018 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ

Trong các ngày 16/10/2018 và 19/10/2018, tại Trụ sở Tòa án nhân dân TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại sơ thẩm thụ lý 01/2018/TLST-KDTM ngày 22/01/2018 về việc tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm số 366/2018/QĐXXST-KDTM ngày 28/8/2018, giữa:

Nguyên đơn: PC

Trụ sở: VRP 25, 56025 Po (Pisa), I; Người đại diện theo ủy quyền: ông Mai Duy L và ông Bạch Hoàng G (địa chỉ: phòng 5, tầng 15, tòa nhà Harec Building, số 4A phường TC, quận BĐ, TP HN, theo giấy bổ nhiệm ngày 28/7/2017) (ông L và ông G có mặt tại phiên tòa).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nguyên đơn: Luật sư Lê Xuân L và Luật sư Nguyễn Huy T, Công ty TNHH T&G, thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội (ông T vắng mặt, ông L có mặt tại phiên tòa).

Bị đơn: Công ty cổ phần hỗ trợ phát triển công nghệ D

Trụ sở: tòa nhà D, số 8 đường TTT, phường MĐ2, quận NTL, TP HN; Người đại diện theo ủy quyền: bà Nguyễn Thị H, bà Phạm Ngọc T (địa chỉ: ô 8, tầng 4, tháp C, toà nhà D2 GV, quận BĐ, TP HN, theo Giấy ủy quyền số 353/D ngày 08/10/2018) (bà H vắng mặt và bà T có mặt tại phiên tòa).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện và lời khai quá trình tham gia tố tụng tại Tòa án, đại diện theo ủy quyền của Nguyên đơn trình bày như sau: P & C.S.P.A (sau đây gọi tắt là Nguyên đơn) được thành lập từ năm 1884, có trụ sở tại Y và hiện là nhà sản xuất hàng đầu thế giới trong lĩnh vực xe hai bánh. Nguyên đơn cũng là một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Năm 2012, Nguyên đơn đi vào hoạt động nhà máy sản xuất động cơ xe tay ga tại Vĩnh Phúc với kỳ vọng đưa Việt Nam là điểm phân phối hệ thống xe máy hạng sang cho thị trường ĐNA.

Trong số những sản phẩm được phát triển và sản xuất bởi Nguyên đơn, dòng xe tay ga “P” là một trong những dòng xe bán chạy nhất. Trên thực tế, kiểu dáng sản phẩm “P” là kiểu dáng được bảo hộ theo Văn bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp số 20652 (sau đây viết tắt là Văn bằng số 20652) được Cục sở hữu trí tuệ chính thức cấp theo Quyết định số 11839/QĐ- SHTT ngày 27/02/2015 có hiệu lực từ ngày cấp cho đến hết 5 năm tính từ ngày nộp đơn và có thể gia hạn theo quy định tại khoản 4 Điều 93 Luật sở hữu trí tuệ (sau đây viết tắt là Luật SHTT).

Theo quy định của pháp luật, Nguyên đơn có độc quyền sử dụng và ngăn cấm người khác sử dụng kiểu dáng công nghiệp đang được bảo hộ của mình theo quy định tại khoản 1 Điều 125 Luật SHTT. Các hành vi sử dụng kiểu dáng công nghiệp được quy định rõ tại khoản 2 Điều 124 Luật SHTT là sử dụng kiểu dáng công nghiệp bao gồm nhưng không giới hạn bởi việc sản xuất, lưu thông, quảng cáo, chào hàng, tàng trữ để lưu thông sản phẩm có hình dáng bên ngoài là kiểu dáng được bảo hộ hoặc không khác biệt với kiểu dáng được bảo hộ. Do đó, mọi hành vi sử dụng kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ, kiểu dáng công nghiệp không khác biệt với kiểu dáng đó trong thời hạn hiệu lực của Văn bằng bảo hộ mà không được Nguyên đơn cho phép đều là hành vi xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp theo quy định tại Điều 126 Luật SHTT.

Theo Nguyên đơn được biết, Công ty cổ phần hỗ trợ phát triển công nghệ Detech (sau đây gọi tắt là Bị đơn) đã sản xuất và phân phối sản phẩm xe máy điện ra thị trường. Bị đơn cũng đã và đang thực hiện hành vi quảng cáo sản phẩm xe máy điện nêu trên tại trang thông tin điện tử của mình tại địa chỉ (http://detechmotor.com.vn/vn-vi/san-pham/chi-tiet/espero-vs-do/2045.html). Tên miền hiện cũng được sở hữu và quản lý bởi Bị đơn.

Nguyên đơn nhận thấy kiểu dáng xe máy điện của Bị đơn không khác biệt đáng kể với kiểu dáng “XE MÁY” đang được bảo hộ tại Văn bằng số 20652 của Nguyên đơn cụ thể:

Về mặt tổng thể không có khác biệt đáng kể về kiểu dáng xe điện của Bị đơn được coi là bản sao của kiểu dáng được bảo hộ trong Văn bằng số 20652 với phần đầu xe nhô cao, đèn pha hình tròn nhô về phía trước, phần yếm dẹt và mở rộng đều sang hai bên, chỗ để chân rộng và thấp, phần đuôi to và thon dần về phía sau. Không chỉ hình dạng mà cách bố trí và tỷ lệ kích thước giữa các bộ phận của hai kiểu dáng cũng tương tự nhau. Sự không khác biệt đáng kể về mặt tổng thể được thể hiện rõ trên các hình vẽ và ảnh chụp.

Sự không khác biệt đáng kể trong tập hợp các đặc điểm tạo dáng cơ bản phương tiện giao thông thường có cấu tạo tương đối phức tạp nhưng về tổng thể có thể tạm chia thành ba phần chính, đó là phần phía trước, phần giữa và phần phía sau. Trong trường hợp này sự không khác biệt đáng kể giữa sản phẩm xe điện và kiểu dáng XE MÁY được thể hiện cụ thể như sau:

- Phần phía trước: bao gồm cụm tay lái, đèn trước, yếm xe, chắn bùn trước và bánh trước. Cả sản phẩm xe điện và kiểu dáng XE MÁY được bảo hộ đều có những điểm tương đồng.

- Phần giữa: bao gồm chỗ để chân cho người lái xe và người ngồi sau, ngăn để đồ phía trước, ổ khóa điện, đồng hồ hiển thị tất cả các chi tiết này của sản phẩm xe máy điện đều tương tự với kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ trong Văn bằng số 20652.

- Phần phía sau: bao gồm yên xe, phần vỏ ốp phía sau, đèn hậu và một số chi tiết phụ. Đối với từng chi tiết này, có thể thấy một cách dễ dàng sự tương tự giữa sản phẩm xe điện và kiểu dáng XE MÁY được bảo hộ.

Kiểu dáng xe của Bị đơn không khác biệt đáng kể với kiểu dáng xe đang được bảo hộ của Nguyên đơn. Viện Khoa học và Sở hữu trí tuệ đã ra kết luận giám định số KD001-17YC/KLGĐ ngày 13/01/2017 kết luận kiểu dáng xe máy điện sản xuất bởi Bị đơn là yếu tố xâm phạm quyền đối với Văn bằng số 20652.

Do đó, căn cứ vào khoản 1 Điều 126 Luật SHTT thì hành vi sản xuất và kinh doanh sản phẩm xe điện mang kiểu dáng như đã phân tích ở trên là hành vi xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp đang được bảo hộ của Nguyên đơn.

Nguyên đơn đề nghị Tòa án giải quyết:

- Yêu cầu bị đơn chấm dứt việc sử dụng trái phép kiểu dáng công nghiệp “XE MÁY” được bảo hộ theo Văn bằng số 20652 của nguyên đơn và các kiểu dáng khác không khác biệt đáng kể đối với kiểu dáng “XE MÁY” được bảo hộ theo Văn bằng số 20652, theo khoản 1 Điều 202 Luật SHTT;

- Yêu cầu Bị đơn loại bỏ, tiêu hủy các yếu tố xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp “XE MÁY” được bảo hộ theo Văn bằng số 20652 trên các sản phẩm xe điện đã được sản xuất, bao gồm cả sản phẩm xe điện đang tồn kho cũng như đã được phân phối trên thị trường, theo khoản 1 Điều 202 Luật SHTT;

- Yêu cầu Bị đơn tiến hành thủ tục tại Cục đăng kiểm để hủy bỏ Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại xe cho xe máy mang kiểu dáng xâm phạm quyền đối với kiểu dáng được bảo hộ theo Văn bằng số 20652;

- Yêu cầu Bị đơn bồi thường thiệt hại 500.000.000 đồng theo khoản 1 Điều 205 Luật SHTT;

- Yêu cầu Bị đơn thanh toán chi phí hợp lý mà Nguyên đơn đã thuê Luật sư do hành vi xâm phạm quyền gây ra là 200.000.000 đồng theo Điều 202, khoản 3 Điều 205 Luật SHTT;

- Yêu cầu Bị đơn xin lỗi công khai Nguyên đơn trên báo điện tử www.vnexpress.net; báo điện tử www.dantri.com về hành vi xâm phạm quyền theo khoản 2 Điều 202 Luật SHTT.

Bị đơn do người đại diện hợp pháp trình bày:

Bị đơn được thành lập từ năm 1991, với định hướng chiến lược là doanh nghiệp đa ngành, trong đó có công nghệ kỹ thuật. Từ khi thành lập, Bị đơn đã đăng ký kinh doanh và được cấp phép thực hiện hoạt động sản xuất, lắp ráp xe máy và kinh doanh trên thị trường Việt Nam với các nhãn hiệu đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu như Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 44329 cho nhãn hiệu “D” nhóm 12; Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 58518 cho nhãn hiệu “D”, Lo go nhóm 07 và 12; Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 78192 cho nhãn hiệu “D”, logo nhóm 12; Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 79438 cho nhãn hiệu “K” nhóm 12; Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “E” nhóm 12; Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Muchacha”, nhóm 12.

Năm 2013, trên cơ sở kinh nghiệm và tận dụng các hệ thống nhà xưởng, máy móc đang sở hữu, Bị đơn chuyển hướng mở rộng sang lĩnh vực sản xuất và kinh doanh các sản phẩm xe đạp điện, xe máy điện trên thị trường Việt Nam. Việc sản xuất xe máy điện, xe đạp điện của Bị đơn thực hiện đúng quy định của pháp luật về chức năng, ngành nghề kinh doanh pháp luật cho phép.

Trước khi tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh xe máy điện, xe đạp điện, Bị đơn đã tiến hành việc trưng cầu giám định về sở hữu công nghiệp tại Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ đối với kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm xe máy điện mà Bị đơn định sản xuất, kinh doanh. Ngày 07/9/2016, Bị đơn được Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ thuộc Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam tiến hành việc giám định và ban hành kết luận giám định sở hữu công nghiệp số KD054-16YC/KLGĐ với nội dung kết luận “Kiểu dáng” “Xe máy điện”, đối tượng giám định như thể hiện tại tài liệu giám định, không phải là bản sao của kiểu dáng công nghiệp xe máy, xe mô tô, xe Scutơ, xe đạp diện, xe máy điện đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Căn cứ kết luận giám định này, Bị đơn đã tiến hành việc sản xuất và đăng ký lưu hành đối với sản phẩm xe máy điện của mình.

Do vậy, Bị đơn có cơ sở khẳng định rằng, căn cứ khởi kiện của Nguyên đơn là không đúng và không có căn cứ. Đề nghị Tòa án bác bỏ toàn bộ các nội dung yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn.

Tại phiên tòa sơ thẩm:

Đại diện nguyên đơn trình bày: Nguyên đơn giữ nguyên các trình bày trước đây về nội dung vụ án và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét áp dụng các điều 202, 204 và 205 Luật SHTT:

- Yêu cầu Bị đơn chấm dứt việc sử dụng trái phép kiểu dáng công nghiệp “XE MÁY” được bảo hộ theo Văn bằng số 20652 của Nguyên đơn và các kiểu dáng khác không khác biệt đáng kể đối với kiểu dáng “XE MÁY” được bảo hộ tại Văn bằng số 20652;

- Yêu cầu Bị đơn phải bồi thường cho Nguyên đơn do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo các mức bồi thường được điều chỉnh tại phiên tòa như sau: tiền thanh toán chi phí hợp lý mà nguyên đơn đã thuê Luật sư là 200.000.000 đồng; Tiền thiệt hại khác bao gồm tiền mua xe mẫu để mang đi giám định là 7.227.000 đồng, tiền lập Vi bằng của Thừa phát lại là 3.960.000 đồng và tiền giám định về sở hữu trí tuệ là 6.397.500 đồng. Tổng cộng là 217.584.500 đồng;

- Yêu cầu Bị đơn tiến hành thủ tục tại Cục đăng kiểm để hủy bỏ Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại xe cho xe máy mang kiểu dáng xâm phạm quyền đối với kiểu dáng được bảo hộ theo Văn bằng số 20652;

- Yêu cầu Bị đơn phải đăng công khai xin lỗi trên báo Thanh Niên 3 số liên tiếp về việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ;

- Yêu cầu Bị đơn loại bỏ, tiêu hủy các yếu tố xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp “XE MÁY” được bảo hộ theo Văn bằng số 20652 trên các sản phẩm xe máy điện đã được sản xuất, bao gồm các sản phẩm xe máy điện đang tồn kho của Bị đơn và các xe hiện đang còn tại các đại lý bán hàng cho Bị đơn.

Đại diện bị đơn trình bày: Bị đơn cho biết hiện nay trong kho và các đại lý của Bị đơn không có chiếc xe điện nào tương tự chiếc xe hiện đang là vật chứng bị Nguyên đơn khởi kiện trong vụ kiện ngày hôm nay. Bị đơn cho rằng mẫu xe Nguyên đơn mua chưa đủ căn cứ để xác định đó là sản phẩm do Bị đơn sản xuất.

Bị đơn không nhất trí bồi thường cho Nguyên đơn và cho rằng các số liệu về bồi thường thiệt hại do Nguyên đơn đưa ra là không hợp lý như tiền Nguyên đơn thuê Luật sư để tham gia tố tụng là việc của các bên đương sự tham gia trong vụ án, không thể bắt bên kia phải chịu, còn các thiệt hại khác cũng không đủ cơ sở để chấp nhận.

Đối với yêu cầu buộc Bị đơn đăng bài công khai xin lỗi trên phương tiện thông tin đại chúng, Bị đơn không nhất trí với yêu cầu khởi kiện này của Nguyên đơn.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân TPHà Nội phát biểu ý kiến:

Về tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự (sau đây viết tắt là BLTTDS) về thụ lý vụ án, tống đạt văn bản tố tụng cho đương sự, tiến hành hòa giải, thu thập chứng cứ và ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Từ khi thụ lý vụ án đến khi đưa vụ án ra xét xử là quá thời hạn xét xử nhưng do khách quan là phải thực hiện ủy thác tư pháp đối với Bị đơn.

Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử, Thư ký đã tiến hành đúng các thủ tục theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự về phiên tòa sơ thẩm.

Các đương sự và những người tham gia tố tụng khác đã chấp hành đúng các quy định tại Điều 70, 71, 72 và 234 của BLTTDS.

Về nội dung vụ án: tuy Bị đơn không thừa nhận là đã xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm mà Nguyên đơn đã được cấp giấp chứng nhận bảo hộ, tuy nhiên căn cứ vào các tài liệu chứng cứ do Nguyên đơn cung cấp và đã làm rõ tại phiên tòa, có đủ căn cứ để cho rằng Bị đơn đã vi phạm pháp luật. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn.

Bị đơn phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, sau khi nghe ý kiến của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử nhận định:

Về tố tụng: căn cứ vào khoản 3 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 37, khoản 3 Điều 38, điểm a khoản 1 Điều 39 BLTTDS, xác định đây là tranh chấp kinh doanh thương mại, thẩm quyền giải quyết vụ án “tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ” do vậy Tòa án nhân dân TP Hà Nội thụ lý và giải quyết là đúng thẩm quyền và phù hợp với quy định của pháp luật.

Về nội dung vụ án: kiểu dáng sản phẩm “P” là kiểu dáng được bảo hộ theo Văn bằng số 20652, kiểu dáng công nghiệp này được Công ty P nộp đơn ngày 23/8/2013 và được Cục sở hữu trí tuệ chính thức cấp văn bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp theo Quyết định số 11839/QĐ- SHTT ngày 27/02/2015 và có hiệu lực từ ngày cấp cho đến hết 5 năm tính từ ngày nộp đơn và có thể gia hạn theo quy định tại khoản 4 Điều 93 Luật SHTT.

Như vậy, Nguyên đơn có độc quyền sử dụng và ngăn cấm người khác sử dụng kiểu dáng công nghiệp đang được bảo hộ của mình theo khoản 1 Điều 125 Luật SHTT. Mọi hành vi sử dụng kiểu dáng công nghiệp đã được bảo hộ, kiểu dáng công nghiệp không khác biệt với kiểu dáng đó trong thời hạn hiệu lực của Văn bằng bảo hộ mà không được Nguyên đơn cho phép đều là hành vi xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp theo quy định tại Điều 126 Luật SHTT.

Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ đã ban hành Kết luận giám định số KD001-17YC/KLGĐ ngày 13/01/2017 và kết luận là kiểu dáng xe máy điện sản xuất bởi Bị đơn là yếu tố xâm phạm quyền đối với Văn bằng số 20652. Căn cứ vào khoản 1 Điều 126 Luật SHTT thì hành vi sản xuất và kinh doanh sản phẩm xe máy điện của Bị đơn mang kiểu dáng như đã phân tích ở trên cấu thành hành vi xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp đang được bảo hộ của Nguyên đơn. Hội đồng xét xử thấy đủ căn cứ xác định kiểu dáng xe máy điện sản xuất bởi Bị đơn là xâm phạm quyền bảo hộ tại Văn bằng số 20652 của Nguyên đơn.

Bị đơn cho rằng mẫu xe điện mang nhãn EVS mà Nguyên đơn thu được tại đại lý bán xe và mang đi giám định và là đối tượng xem xét trong vụ án này không phải là mẫu xe của Bị đơn sản xuất, tuy nhiên trong tại Vi bằng do Thừa phát lại lập đã thể hiện mẫu xe điện trên có số khung, số máy nêu trong hóa đơn giá trị gia tăng số 0001074 ngày 28/7/2017 của Công ty TNHH phát triển thương mại LA và Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng số 0176/XM-TT-801684/400/0199/VAQ06-01/16-00 ngày 01/3/2017 của Bị đơn và Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại số 0199/VAQ06-01/16-00 ngày 17/2/2017 của Cục đăng kiểm cấp trùng khớp với mẫu xe Nguyên đơn đã mua và mang đi giám định. Do đó, lời trình bày của Bị đơn không có cơ sở chấp nhận.

Xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn:

- Yêu cầu Bị đơn chấm dứt việc sử dụng trái phép kiểu dáng công nghiệp “XE MÁY” được bảo hộ theo Văn bằng số 20652 của Nguyên đơn và các kiểu dáng khác không khác biệt đáng kể đối với kiểu dáng “XE MÁY” được bảo hộ tại Văn bằng số 20652, Hội đồng xét xử xét thấy yêu cầu của Nguyên đơn phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 202 Luật SHTT nên có căn cứ để chấp nhận.

- Về yêu cầu bồi thường thiệt hại: tại phiên tòa hôm nay, Nguyên đơn đã rút bớt một phần về yêu cầu bồi thường thiệt hại thực tế cụ thể là yêu cầu Bị đơn phải bồi thường cho Nguyên đơn do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo các mức bồi thường được điều chỉnh tại phiên tòa như sau: tiền thanh toán chi phí hợp lý mà Nguyên đơn đã thuê Luật sư là 200.000.000 đồng; tiền thiệt hại khác bao gồm tiền mua xe mẫu để mang đi giám định là 7.227.000 đồng, tiền lập Vi bằng Thừa phát lại là 3.960.000 đồng và tiền giám định về sở hữu trí tuệ là 6.397.500 đồng. Tổng cộng là 217.584.500 đồng, Hội đồng xét xử xét thấy đây là những thiệt hại thực tế của Nguyên đơn và Nguyên đơn có đủ hóa đơn, tài liệu chứng minh cho yêu cầu này, nên theo quy định tại khoản 4 Điều 202, Điều 204, Điều 205 Luật SHTT là có căn cứ để chấp nhận.

- Yêu cầu Bị đơn tiến hành thủ tục tại Cục đăng kiểm để hủy bỏ Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại xe cho xe máy mang kiểu dáng xâm phạm quyền đối với kiểu dáng được bảo hộ theo Văn bằng số 20652, thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 202 Luật SHTT nên Hội đồng xét xử xét thấy có đủ căn cứ để chấp nhận.

- Yêu cầu Bị đơn phải đăng công khai xin lỗi trên báo Thanh Niên trong ba số liên tiếp về việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ là phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 202 Luật SHTT.

- Yêu cầu Bị đơn loại bỏ, tiêu hủy các yếu tố xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp “XE MÁY” được bảo hộ theo Văn bằng số 20652 trên các sản phẩm xe máy điện đã được sản xuất, bao gồm các sản phẩm xe máy điện đang tồn kho của Bị đơn và các xe hiện đang còn tại các đại lý bán hàng cho Bị đơn là phù hợp với quy định tại khoản 5 Điều 202 Luật SHTT nên Hội đồng xét xử chấp nhận.

Về án phí và quyền kháng cáo: do các yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn được chấp nhận nên Nguyên đơn không phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm. Bị đơn phải chịu án phí theo quy định của pháp luật. Các đương sự có quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Bởi các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào:

- Điểm b, khoản 1 của Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 1 Điều 147, Điều 271, khoản 1 Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự;

- Các điều 124, 125, 126, 202, 203, 204 và 205 Luật sở hữu trí tuệ;

- Điều 48 của Nghị quyết số 326/2016/UBNVQH14 ngày 30/12/2016 của UBTVQH.

Xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty P & C.S.p.A đối với Công ty cổ phần hỗ trợ phát triển công nghệ D về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ.

2. Buộc Công ty cổ phần hỗ trợ phát triển công nghệ D chấm dứt việc sử dụng trái phép kiểu dáng công nghiệp “XE MÁY” được bảo hộ theo Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp số 20652 của Công ty P & C.S.p.A và các kiểu dáng khác không khác biệt đáng kể đối với kiểu dáng “XE MÁY” được bảo hộ Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp số 20652.

3. Buộc Công ty cổ phần hỗ trợ phát triển công nghệ D phải bồi thường cho Công ty P & C.S.p.A các khoản tiền như sau:

- Tiền thuê Luật sư là 200.000.000 (hai trăm triệu) đồng;

- Tiền mua xe mẫu để mang đi giám định là 7.227.000 (bảy triệu hai trăm hai mươi bảy nghìn) đồng;

- Tiền lập vi bằng là 3.960.000 (ba triệu chín trăm sáu mươi nghìn) đồng;

- Tiền giám định về sở hữu trí tuệ là 6.397.500 (sáu triệu ba trăm chín mươi bảy nghìn lăm trăm) đồng.

Tổng cộng là 217.584.500 (hai trăm mười bảy triệu năm trăm tám mươi tư nghìn năm trăm) đồng.

4. Buộc Công ty cổ phần hỗ trợ phát triển công nghệ D phải tiến hành thủ tục tại Cục đăng kiểm để hủy bỏ Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại xe cho xe máy mang kiểu dáng xâm phạm quyền đối với kiểu dáng được bảo hộ theo Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp số 20652.

5. Buộc Công ty cổ phần hỗ trợ phát triển công nghệ D phải đăng công khai xin lỗi trên báo Thanh Niên trong ba số liên tiếp về việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

6. Buộc Công ty cổ phần hỗ trợ phát triển công nghệ D loại bỏ, tiêu hủy các yếu tố xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp “XE MÁY” được bảo hộ theo Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp số 20652 trên các sản phẩm xe điện đã được sản xuất, bao gồm các sản phẩm xe điện đang tồn kho của Công ty cổ phần hỗ trợ phát triển công nghệ D và các xe hiện đang còn tại các đại lý bán hàng cho Công ty cổ phần hỗ trợ phát triển công nghệ D.

7. Về án phí: Công ty cổ phần hỗ trợ phát triển công nghệ D phải chịu 11.361.225 (mười một triệu ba trăm sáu mươi mốt nghìn hai trăm hai mươi lăm) đồng tiền án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.

Công ty P & C.S.p.A được trả lại 16.000.000 (mười sáu triệu) đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai số 00247 ngày 03/01/2018 của Cục thi hành án dân sự TP Hà Nội.

8. Trường hợp Bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

9. Về thời hạn kháng cáo: các đương sự có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo Bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Viện kiểm sát có quyền kháng nghị theo quy định pháp luật.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

20017
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ (kiểu dáng không có khác biệt đáng kể) số 36/2018/KDTM-ST

Số hiệu:36/2018/KDTM-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hà Nội
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 19/10/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về