28/03/2023 10:33

Căn cứ xác định hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Căn cứ xác định hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Hiện nay, hành vi xâm phạm quyền tác giả nói riêng và quyền sở hữu trí tuệ nói chung xảy ra ngày càng phổ biến. Vậy cho em hỏi căn cứ nào để xác định một hành vi được coi là hành vi xâm phạm quyền tác giả? “Ngọc Lan-Quảng Trị”

Chào chị, Ban Biên tập xin giải đáp như sau:

1. Quy định pháp luật về quyền tác giả

Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009,2019), quyền tác giả  là quyền của tổ chức; cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Do đó, các cá nhân, tổ chức khai thác quyền tác giả mà không xin phép, không trả thù lao, làm ảnh hưởng đến đối tượng của quyền tác giả là hành vi vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Theo khoản 1 Điều 3 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009,2019), đối tượng quyền tác giả bao gồm:

- Tác phẩm văn học

- Nghệ thuật

- Khoa học

- Đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm:

+ Cuộc biểu diễn

+ Bản ghi âm

+ Ghi hình

+ Chương trình phát sóng

+ Tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.

Về căn cứ để xác định yếu tố xâm phạm quyền tác giả là phạm vi bảo hộ quyền tác giả được xác định theo hình thức thể hiện bản gốc tác phẩm; được xác định theo nhân vật, hình tượng, cách thể hiện tính cách nhân vật, hình tượng, tình tiết của tác phẩm gốc trong trường hợp xác định yếu tố xâm phạm đối với tác phẩm phái sinh.

Theo khoản 1 Điều 7 Nghị định 105/2006/NĐ-CP, yếu tố xâm phạm quyền tác giả có thể thuộc một trong các dạng sau:

- Bản sao tác phẩm được tạo ra một cách trái phép;

- Tác phẩm phái sinh được tạo ra một cách trái phép;

- Tác phẩm giả mạo tên, chữ ký của tác giả, mạo danh hoặc chiếm đoạt quyền tác giả;

- Phần tác phẩm bị trích đoạn, sao chép, lắp ghép trái phép;

- Sản phẩm có gắn thiết bị kỹ thuật bảo vệ quyền tác giả bị vô hiệu hoá trái phép.

2. Quyền tác giả phát sinh khi nào?

Theo khoản 1 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009,2019), quy định về thời điểm phát sinh quyền tác giả như sau:

Điều 6. Căn cứ phát sinh, xác lập quyền sở hữu trí tuệ

Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện d­ưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay ch­ưa công bố, đã đăng ký hay ch­ưa đăng ký.

Theo đó, quyền tác giả được phát sinh kể từ thời điểm tác phẩm được sáng tạo ra mà không phụ thuộc vào việc tác phẩm đã được công bố và được đăng ký ở cơ quan có thẩm quyền hay chưa.

Qua đó, có thể thấy quyền tác giả vẫn được bảo hộ mà không cần phải đăng ký tác phẩm với Cục Bản quyền tác giả. Tuy nhiên, trường hợp không đăng ký quyền tác giả, khi xảy ra tranh chấp tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả phải có nghĩa vụ chứng minh tác phẩm của mình được tạo ra trước.

Cụ thể, trong Bản án dân sự 213/2014/DS-ST ngày 14/08/2014 về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ do Tòa án nhân dân quận Tân Bình xét xử, có nội dung như sau:

Ông L là tác giả của tác phẩm “Hình thức thể hiện tranh tết dân gian” Loại hình: Mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm đã được Cục bản quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký bản quyền số 169/2013/QTG ngày 07/01/2013, có kèm theo hình ảnh đăng ký bản quyền, nội dung tác phẩm là tập hợp những hình ảnh của các nhân vật có nguồn gốc từ dân gian (hình ảnh ông thầy đồ, múa lân, ông địa...) được sắp xếp lại để thể hiện không khí ngày tết của Việt Nam….Vào dịp trước Tết quý tỵ (2013), ông L phát hiện tại địa điểm “Showroom Honda ô tô Cộng Hòa” trực thuộc chi nhánh Công ty CP xuất nhập khẩu & dịch vụ ô tô mặt trời mọc đã sử dụng hình ảnh trong tác phẩm của ông để trang trí tết và không được sự đồng ý của ông. Ngày 03/4/2013 ông L đã gởi văn bản đến Ban giám đốc Công ty ô tô Mặt Trời Mọc nêu rõ vấn đế sai phạm của công ty, yêu cầu công ty có văn bản trả lời và liên hệ với ông để giải quyết vấn đề nhưng phía công ty không thực hiện. Nay ông yêu cầu Tòa án buộc Công ty CP XNK & DV Ô tô Mặt Trời Mọc phải: Công khai xin lỗi trên 03 tờ báo (Báo tuổi trẻ, Báo thanh niên và báo Pháp luật) và bồi thường số tiền 20.000.000 đồng do việc sử dụng hình ảnh trong tác phẩm của ông gây ảnh hưởng đến giá trị của tác phẩm và công việc của ông.”

Tòa án nhận định: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn V. Tác phẩm của ông Nguyễn V L và hình ảnh trang trí tại showroom của Công ty Mặt Trời Mọc có bố cục và hình thức thể hiện là khác nhau, những hình ảnh do ông chụp bằng điện thoại và không có gì chứng minh là các bức tranh được trang trí tại cửa hàng trưng bày 18 Cộng Hòa, phường 4, Tân Bình đúng với nguyên bản là các bức tranh của ông. Ngoài ra, tác phẩm của ông L là tập hợp gồm 05 cụm hình ảnh được đặt tên là “Hình thức thể hiện tranh Tết dân gian”, các cụm hình ảnh này có nguồn gốc từ văn hóa dân gian được ông thể hiện theo phong cách riêng để hình thành nên tác phẩm của mình.

Theo trình bày của ông Đặng Vĩnh L, người đại diện theo pháp luật của công ty Đăng Viễn, lời trình bày này cũng được ông Nguyễn V L thừa nhận là lấy cảm hứng từ văn hóa dân gian, tranh tết dân gian đã được nhiều tác giả thể hiện, mỗi tác giả có bố cục và hình thức thể hiện riêng của mình.

Mặt khác, tại phiên tòa hôm nay, phía bị đơn trình Biên bản nghiệm thu và thanh lý ngày 05/12/2012 đã nộp cho Tòa án nhân dân quận Tân Bình ngày 17/7/2013 đế chứng minh rằng Hợp đồng số 241212/DV-MTM ngày 24/12/2012 thuê Công ty TNHH dịch vụ quảng cáo Đăng Viễn thi công, lắp đặt, trang trí tại cừa hàng trưng bày 18 Cộng Hòa, phường 4, Tân Bình; Công ty TNHH dịch vụ quảng cáo Đăng Viễn đã hoàn thành và hai bên đã nhiệm thu, thanh lý ngày 05/12/2012; trước ngày ông Lộc được cấp Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền số 169/2013/QTG ngày 07/01/2013, có kèm theo hình ảnh đăng ký bàn quyền, do vậy không thể nói Công ty TNHH dịch vụ quảng cáo Đăng Viễn hay Công ty CP XNK & DV Ô tô Mặt Trời Mọc vi phạm quyền tác giả của ông Nguyễn Vãn L nên không chịu trách nhiệm theo yêu cầu của ông Lộc. Vì vậy, yêu cầu của ông Nguyễn V L yêu cầu công ty CP XNK & DV ô tô Mặt Trời Mọc công khai xin lỗi trên 03 tờ báo (Báo tuổi trẻ, Báo thanh niên và báo Pháp luật), mỗi tờ 3 kỳ và bồi thường số tiền 20.000.000 đồng không được chấp nhận là hợp lẽ.

Có thể thấy, quyền tác giả nói riêng và quyền sở hữu trí tuệ nói chung là những đối tượng rất dễ bị xâm phạm. Tuy nhiên, việc xác định có hay không hành vi vi phạm trong một số trường hợp rất khó khăn, cụ thể đối tượng được bảo hộ quyền tác giả trong bản án trên liên quan đến tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian, do đó, để xem xét có hành vi xâm phạm không thì cần phải đối chiếu các đặc trưng riêng biệt của đối tượng này.

Lê Thị Phương Ngân
10195

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]